Chi Phí Phẫu Thuật Rách Sụn Chêm (Tổng hợp 2024)
Hiểu thêm về chi phí phẫu thuật rách sụn chêm có thể giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho quá trình chữa trị. Đồng thời lựa chọn phương pháp phẫu thuật và cơ sở y tế phù hợp. Thông thường chi phí phẫu thuật sẽ thay đổi dựa trên cơ sở vật chất, phương pháp, bác sĩ thực hiện, mức độ nghiêm trọng của chấn thương và nhiều yếu tố khác.
Tổng quan về rách sụn chêm
Rách sụn chêm khớp gối là thuật ngữ y tế thể hiện cho tình trạng hư hỏng, rách cấu trúc của sụn chêm. Người bệnh có thể có một hoặc nhiều vết rách, chúng nằm ở các vị trí khác nhau. Tùy thuộc vào tình trạng, vết rách có thể kèm theo đứt dây chằng đầu gối (đứt dây chằng chéo trước rách sụn chêm) hoặc gãy xương.
Sụn chêm là đĩa sụn mềm hình lưỡi liềm nằm giữa xương đùi (đùi) và xương chày (cẳng chân). Sụn mềm, dẻo và có độ đàn hồi cao. Sụn chêm khỏe mạnh giúp hấp thụ lực, giảm xóc và phân tán trọng lượng. Sụn hư hỏng có cấu trúc không bền vững, giảm chức năng và độ dẻo dai.
Rách sụn chêm đầu gối xảy ra khi người bệnh thực hiện bất kỳ hoạt động nào khiến đầu gối đột ngột chịu nhiều áp lực, bị vặn hoặc xoắn quá mức. Ngoài ra chấn thương cũng xảy ra khi tiếp xúc mạnh và trực tiếp lên đầu gối. Điều này thường gặp ở vận động viên và người có sụn yếu đi.
Sau chấn thương, bệnh nhân sẽ gặp một số triệu chứng sau:
- Xung quanh đầu gối phát ra tiếng kêu lục lục
- Đau đầu gối. Đau nhiều hơn khi chạm vào hoặc cử động đầu gối
- Sưng tấy
- Cứng khớp gối
- Có cảm giác khóa lại trong khi cố gắng di chuyển
- Khó cử động, giảm phạm vi chuyển động của đầu gối
- Khó duỗi thẳng đầu gối hoàn toàn
- Đầu gối không còn khả năng chịu lực hoặc không thể tiếp tục hỗ trợ
- Có cảm giác trượt.
Thế nào là phẫu thuật rách sụn chêm?
Người bệnh sẽ được thăm khám và thử các phương pháp điều trị bảo tồn trước khi phẫu thuật rách sụn chêm. Bởi những người trẻ, sụn chêm có vết rách nhỏ hoặc rách sụn chêm liên quan đến viêm khớp có thể cải thiện bằng các biện pháp chăm sóc và dùng thuốc. Nhưng người có vết rách lớn, đau dai dẳng hoặc khóa khớp thường được chỉ định phẫu thuật.
Phẫu thuật rách sụn chêm là phương pháp sửa chữa hoặc cắt bỏ sụn chêm hư hỏng. Hầu hết bệnh nhân được phẫu thuật nội soi. Khi thực hiện, các dụng cụ nội soi (có gắn camera và đèn) và dụng cụ phẫu thuật sẽ được tiếp cận với sụn qua những vết mổ nhỏ ở đầu gối. Ở bệnh nhân cắt bỏ sụn chêm, phương pháp cấy ghép sụn chêm có thể được cân nhắc.
Phẫu thuật nội soi có vết thương nhỏ, hạn chế được những tổn thương ở mô lân cận, quá trình lành lại nhanh hơn. Thời gian thực hiện quá trình thường kéo dài trong 60 phút. So với điều trị bảo tồn, phẫu thuật rách sụn chêm có hiệu quả và thời gian hồi phục nhanh hơn.
Thông thường phẫu thuật rách sụn chêm sẽ được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân được kiểm tra sức khỏe tổng thể. Sau phẫu thuật bệnh nhân được hướng dẫn chăm sóc đúng cách và vật lý trị liệu. Điều này giúp tăng tốc độ phục hồi và nguy cơ phát sinh biến chứng viêm xương khớp.
Khi nào cần phẫu thuật rách sụn chêm?
Điều trị vết rách sụn chêm sẽ phụ thuộc vào kích thước, hình dáng vết rách và vị trí của nó trong sụn. Trong nhiều trường hợp, người bệnh được khuyên nghỉ ngơi, dùng thuốc, chườm đá giảm sưng và đau. Ngoài ra bệnh nhân được vật lý trị liệu để tăng cường sức mạnh của các cơ xung quanh đầu gối. Điều này giúp cho khớp gối được giữ ổn định và tăng khả năng vận động.
Những trường hợp cần phẫu thuật rách sụn chêm:
- Những phương pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả
- Rách sụn chêm mức độ nặng (độ 3 trở lên)
- Sụn bị thương khiến đầu gối không ổn định hoặc có cảm giác khóa lại, đầu gối bị kẹt hoặc bó cứng
- Sưng và đau dai dẳng. Điều trị phục hồi chức năng tích cực không thể khắc phục tình trạng.
Những mức độ của vết rách và triệu chứng đi kèm thường ảnh hưởng đến chi phí phẫu thuật rách sụn chêm.
Các phương pháp phẫu thuật rách sụn chêm
Những phương pháp được áp dụng trong phẫu thuật rách sụn chêm:
- Sửa chữa nội soi khớp: Sửa chữa sụn chêm đầu gối bằng các thiết bị nội soi, thông qua những vết cắt nhỏ trên đầu gối. Sụn rách được khâu lại bằng những thiết bị nhỏ đặt dọc theo vết rách.
- Nội soi cắt một phần sụn chêm: Một phần sụn chêm bị rách sẽ được cắt bỏ để đầu gối hoạt động bình thường.
- Nội soi cắt toàn bộ sụn chêm: Phương pháp này loại bỏ toàn bộ sụn chêm hư hỏng.
- Cấy ghép sụn chêm: Sụn chêm tự thân/ hiến tặng hoặc được nuôi bằng mô sẽ được cấy ghép vào vị trí có sụn hỏng và bị cắt bỏ.
Phẫu thuật rách sụn chêm thường có rủi ro thấp, biến chứng hiếm gặp. Một số trường hợp có thể bị nhiễm trùng, cứng khớp gối hoặc chấn thương thần kinh da.
Quá trình phục hồi có thể kéo dài dựa vào mức độ tổn thương sụn chêm và phương pháp phẫu thuật. Bệnh nhân thường hồi phục hoàn toàn sau phẫu thuật cắt sụn 3 – 4 tuần và mất đến 3 tháng nếu phẫu thuật sửa chữa.
Chi phí phẫu thuật rách sụn chêm
Chi phí phẫu thuật rách sụn chêm thường dao động trong khoảng 10 – 15 triệu đồng 1 ca mổ. Chi phí này không bao gồm những chi phí khác như nằm viện, thuốc, xét nghiệm hình ảnh. Những trường hợp nằm trong diện hỗ trợ hoặc sử dụng bảo hiểm y tế sẽ được hỗ trợ chi phí mổ. Điều này có nghĩa bệnh nhân chỉ chi trả khoảng 2 – 4 triệu đồng tùy thuộc vào bảng giá của bệnh viện.
Ngoài ra chi phí phẫu thuật rách sụn chêm có thể thay đổi (tăng hoặc giảm) do sự tác động của một số yếu tố dưới đây:
- Địa chỉ thực hiện
- Cơ sở vật chất tại bệnh viện
- Bác sĩ điều trị (Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến Sĩ, Thạc sĩ/ Bác sĩ chuyên khoa)
- Mức độ nghiêm trọng của vết rách sụn chêm (số lượng, kích thước vết rách)
- Những tổn thương đi kèm do chấn thương
- Tình trạng sức khỏe tổng thể
- Bảo hiểm y tế/ người trong diện được hỗ trợ.
Những yếu tố làm phát sinh thêm chi phí điều trị:
- Thời gian nằm viện kéo dài
- Thuốc
- Xét nghiệm hình ảnh
- Vật lý trị liệu sau phẫu thuật
Nên phẫu thuật rách sụn chêm ở đâu?
Bên cạnh chi phí phẫu thuật rách sụn chêm, người bệnh cũng cần chú ý đến địa chỉ thực hiện. Việc lựa chọn cơ sở vật chất uy tín và phù hợp có thể đảm bảo mức chi phí hợp lý, hiệu quả trong phẫu thuật và phục hồi sau mổ. Đồng thời giúp giảm nguy cơ phát sinh biến chứng, người bệnh sớm trở lại với các hoạt động thể thao.
Chính vì thế những cơ sở y tế được lựa chọn phải uy tín, có cơ sở vật chất hiện đại, đảm bảo thiết bị phẫu thuật vô khuẩn, có bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm.
Dưới đây là một số địa chỉ phẫu thuật rách sụn chêm được đánh giá tốt nhất:
Bệnh viện Nhân dân 115
- Địa chỉ: Số 527 Sư Vạn Hạnh, phương 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh
- Số điện thoại: 028 3865 5110 – 028 3865 2368 – 028 3865 4139
Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM
- Địa chỉ: Số 929 Trần Hưng Đạo, phương 1, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh
- Số điện thoại: 028.3923.5821 – 028.3923.5791 – 028.3923.7007
Bệnh viện Chợ Rẫy
- Địa chỉ: Số 201B Nguyễn Chí Thanh, phương 12, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh
- Số điện thoại: 028.3923.5821 – 028.3923.7007 – 028.3923.5791
Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM (cơ sở 1)
- Địa chỉ: Số 215 Hồng Bàng, phương 11, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh
- Số điện thoại: 028.3950.6126
Bệnh Viện Hữu Nghị Việt Đức
- Địa chỉ: Số 40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội
- Số điện thoại: 024.3824.8308 – 024.3825.3531
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
- Địa chỉ: Số 1 Tôn Thất Tùng, phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội
- Số điện thoại: 0982873112
Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108
- Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
- Số điện thoại: 069.572.400
Bệnh viện Quân Y 103
- Địa chỉ: Số 261 đường Phùng Hưng, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội
- Số điện thoại: 0967 811 616
Trên đây là những thông tin cơ bản giúp người bệnh hiểu hơn về chi phí phẫu thuật rách sụn chêm, các phương pháp và địa chỉ phẫu thuật uy tín. Phần lớn bệnh nhân bị rách sụn chêm được đề nghị phẫu thuật. Tuy nhiên bệnh nhân có thể được điều trị bảo tồn nếu vết rách nhỏ, không làm ảnh hưởng nhiều đến cấu trúc khớp. Điều quan trọng là người bệnh cần thăm khám và điều trị theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!