Gãy xương đòn vai có phải phẫu thuật không? Chi phí?
Gãy xương đòn là tổn thương cực kỳ phổ biến, chiếm 5% tổng số các trường hợp gãy xương và thường được điều trị bằng các phương pháp bảo tồn. Vậy gãy xương đòn vai có phải phẫu thuật không, khi nào cần phẫu thuật và phục hồi như thế nào? Người bệnh có thể tham khảo một số thông tin cơ bản trong bài viết để có kế hoạch điều trị phù hợp.
Gãy xương đòn vai có phải phẫu thuật không?
Xương đòn hay còn gọi là xương quai xanh, là xương nằm ở phía trên ngực, ở giữa xương ức và xương bả vai. Xương đòn có thể được cảm nhận dễ dàng và quan sát bằng mắt thường, bởi vì không giống như các loại xương khác, xương đòn không được bao phủ bởi cơ và chỉ có một lớp da mỏng bên trên.
Gãy xương đòn là tình trạng cực kỳ phổ biến, chiếm từ 2 – 5% tổng số các ca gãy xương. Tình trạng này có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh (khi mới sinh), trẻ em và thanh thiếu niên (do xương đòn phát triển không hoàn thiện), vận động viên (do va đập hoặc té ngã) hoặc trong các tai nạn cuộc sống.
Hầu hết các trường hợp gãy xương đòn được điều trị bằng cách phương pháp không phẫu thuật. Các nghiên cứu cho rằng, điều trị bằng phương pháp không phẫu thuật có thể mang lại quả tốt hơn với tỷ lệ biến chứng thấp hơn khi mổ xương đòn.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, một số nghiên cứu cho thấy việc phẫu thuật xương đòn có xu hướng lành nhanh hơn và tỷ lệ biến chứng tương tự như điều trị không phẫu thuật.
Thông thường tình trạng gãy xương đòn được đề nghị phẫu thuật khi xương bị gãy thành nhiều mảnh, gãy ở nhiều vị trí khác nhau hoặc khi xương không thẳng hàng. Ngoài ra, gãy xương đòn có thể được chỉ định phẫu thuật nếu gãy xương gây tổn thương lên các dây thần kinh, dây chằng và các cấu trúc mô mềm khác.
Tình trạng gãy xương đòn vai có phải phẫu thuật không phụ thuộc vào loại gãy xương, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và các rủi ro liên quan. Hiện tại, phẫu thuật gãy xương đòn không phải là một lựa chọn điều trị tiêu chẩn và người bệnh cần cân nhắc các rủi ro tiềm ẩn cũng như lợi ích khi phẫu thuật.
Khi nào cần phẫu thuật gãy xương đòn?
Hầu hết các bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình đều cho rằng gãy xương đòn bị di lệch nặng hoặc khi xương gãy thành nhiều mảnh, cần được phẫu thuật để điều trị. Một số yếu tố được xem xét để quyết định phẫu thuật là:
- Gãy xương ở tay thuận;
- Độ tuổi của người bệnh;
- Sức khỏe và chức năng tổng thể của người bệnh;
- Nguy cơ gãy xương chấn thương xương đòn tái phát.
Nếu người bệnh gãy xương đòn có nguy cơ xương chậm liền (nonunion fracture) hoặc có nguy cơ mất chức năng, phẫu thuật có thể được chỉ định để điều trị. Nên cân nhắc phẫu thuật nếu vết gãy ngắn từ 2 cm trở lên, di lệch 100% (các đầu gãy hoàn toàn không chạm vào nhau) hoặc khi gãy xương có nguy cơ tái phát. Cụ thể, phẫu thuật gãy xương đòn thường được chỉ định cho các đối tượng sau:
- Bệnh nhân nữ;
- Bệnh nhân lớn tuổi;
- Chỗ gãy xương dịch chuyển (các đầu xương gãy không chạm vào nhau);
- Xương gãy thành nhiều mảnh nhỏ;
- Bệnh nhân hút thuốc.
Với kỹ thuật phẫu thuật hiện đại và thiết bị được cải thiện, phẫu thuật xương đòn thường ít rủi ro và hiếm khi gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh. Bác sĩ có thể theo luận với người bệnh về các ưu điểm và nhược điểm của phẫu thuật. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Quy trình phẫu thuật gãy xương đòn
Nếu xương đòn gãy thành nhiều mảnh, gãy ở nhiều vị trí hoặc không thẳng hàng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Thông thường, việc phẫu thuật bao gồm các quy trình phức tạp như sau:
1. Các loại phẫu thuật gãy xương đòn
Quy trình phẫu thuật gãy xương đòn bao gồm việc rạch một đường mở trên da để di chuyển các mảnh xương vào vị trí thích hợp và sau đó cố định xương vào đúng vị trí. Thông thường có hai loại phẫu thuật được lựa chọn để mổ xương đòn, bao gồm:
- Sử dụng tấm kim loại và đinh vít để cố định bên ngoài xương;
- Cố định nội tủy bằng việc cắm một chốt dài vào giữa xương.
Các phương pháp điều trị gãy xương, chẳng hạn như có định bằng tấm kim loại và cố định nội tủy đều có ưu điểm và nhược điểm riêng.
Cố định nội tủy thường sử dụng một vết rạch nhỏ hơn và ít gây tổn thương các mô mềm xung quanh. Tuy nhiên, việc cố định nội tủy đôi khi cần phải phẫu thuật lần thứ hai để loại bỏ phần chốt dài.
Cố định bằng tấm kim loại thường không cần loại bỏ nhưng đôi khi điều này có thể gây kích ứng khi người bệnh mang ba lô hoặc dây an toàn, bởi vì xương đòn nằm gần ở bề mặt da. Do đó, theo thống kê có khoảng 10 – 15% người bệnh cần thực hiện phẫu thuật để loại bỏ tấm kim loại.
Quy trình loại bỏ tấm kim loại được thực hiện như một thủ tục ngoại trú và người bệnh thường được gây mê toàn thân. Tuy nhiên việc loại bỏ tấm kim loại có thể dẫn đến một khoảng cách nhỏ ở xương (vị trí của đinh vít), do đó bác sĩ có thể có thể hướng dẫn người bệnh một số phương pháp phòng ngừa chấn thương trong tương lai.
Phẫu thuật có thể dẫn đến một số biến chứng không mong muốn, chẳng hạn như gây kích ứng, đau đớn, nhiễm trùng hoặc tổn thương phổi. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
2. Kiểm soát cơn đau sau phẫu thuật
Bác sĩ có thể sử dụng thuốc gây tê để ngăn ngừa hoạt động của các dây thần kinh ngoại vi xung quanh xương đòn, điều này có thể hỗ trợ giảm đau và cứng khớp. Ngoài ra, người bệnh có thể được gây mê toàn thân để giảm cảm giác khó chịu và đau đớn.
Sau phẫu thuật các khối thần kinh ngoại vi có thể hoạt động sau khi thuốc gây mê hết tác dụng. Điều này cho phép người bệnh tỉnh lại và cảm nhận được các cơn đau. Trong trường hợp này bác sĩ có thể đề nghị một số biện pháp kiểm soát cơn đau, chẳng hạn như:
- Sử dụng thuốc giảm đau opioid theo chỉ định của bác sĩ trong thời gian ngắn hạn. Thuốc opioid có thể gây nghiện, do đó không lạm dụng thuốc để tránh các rủi ro liên quan.
- Dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen hoặc naproxen khi cơn đau được cải thiện và khi người bệnh ngừng sử dụng thuốc giảm đau opioid.
- Áp dụng các biện pháp giảm đau vật lý, chẳng hạn như chườm lạnh trong 10 – 15 phút mỗi lần để giảm viêm và giảm tín hiệu đau truyền đến não.
- Kê gối xung quanh cánh tay bị ảnh hưởng để hỗ trợ giấc ngủ hoặc nằm ngủ thẳng lưng trong vài đêm đầu sau phẫu thuật để tránh gây kích ứng.
Sau khi phẫu thuật một tuần, bác sĩ có thể đề nghị vật lý trị liệu để hỗ trợ quá trình phục hồi, ngăn ngừa tình trạng cứng khớp và tăng cường chức năng khớp. Hầu hết các trường hợp gãy xương đòn được chữa lành sau 6 – 12 tuần kể từ thời điểm phẫu thuật.
Biến chứng phẫu thuật gãy xương đòn
Khi có kế hoạch phẫu thuật gãy xương đòn, người bệnh cần cân nhắc các rủi ro và biến chứng có thể xảy ra, chẳng hạn như:
1. Đau đớn
Đau đớn hoặc kích ứng thường liên quan đến tấm kim loại cố định vị trí gãy xương đòn. Thông thường tấm kim loại cố định xương có thể được nhìn thấy hoặc sờ thấy bên dưới da.
Một số người bệnh có thể cảm thấy khó chịu bị mang balo, đeo dây an toàn ngực hoặc mặc áo ngực. Do đó, nhiều người bệnh lựa chọn phẫu thuật loại bỏ tấm kim loại khi gãy xương đã lành và thường là sau phẫu thuật một năm.
2. Nhiễm trùng
Nhiễm trùng có thể xảy ra khi cơ thể phản ứng với vật liệu kim loại và dẫn đến viêm khớp nhiễm trùng. Tuy nhiên do vật liệu kim loại ở gần da, do đó nguy cơ nhiễm trùng thường không cao, khoảng từ 0.4 – 7.8%.
3. Tổn thương các dây thần kinh
Tổn thương dây thần kinh sau phẫu thuật gãy xương đòn thường không phổ biến, tuy nhiên các dây thần kinh cung cấp cảm giác cho da ngay bên dưới xương đòn có thể bị tổn thương tại thời điểm phẫu thuật. Do đó, nhiều người bệnh có thể cảm thấy ngứa ran hoặc tê tay, vai hoặc ngay bên dưới vết mổ.
Tình trạng tổn thương dây thần kinh có thể được cải thiện theo thời gian và thường không dẫn đến các rủi ro nghiêm trọng.
Các biến chứng sau mổ xương đòn thường phổ biến ở những người có tiền sử bệnh lý khác, chẳng hạn như tiểu đường, hút thuốc là hoặc người có các vấn đề mãn tính khác.
Phục hồi sau khi mổ gãy xương đòn
Phẫu thuật gãy xương đòn thường được thực hiện ngoại trú, vì vậy bệnh nhân sẽ về nhà cùng ngày với phẫu thuật. Người bệnh sẽ được mang một chiếc túi đeo tay trong 2 – 3 tuần để tạo sự thoải mái và giúp bệnh nhân tránh các cử động cản trở quá trình phục hồi.
Sau khi phẫu thuật, người bệnh nên hạn chế một số cử động, đặc biệt là đối với các hoạt động chịu sức nặng. Tuy nhiên bác sĩ thường khuyến khích người bệnh tiếp tục cử động khuỷu tay, cổ tay và bàn tay để ngăn ngừa cứng khớp.
Khi bác sĩ xác nhận xương đã lành khi tái khám, người bệnh có thể ngừng sử dụng túi đeo tay và trở lại các hoạt động bình thường. Người bệnh cũng được đề nghị thực hiện vật lý trị liệu để phục hồi sức mạnh và sự ổn định.
Hầu hết các trường hợp gãy xương đòn sẽ phục hồi sau 6 – 12 tuần. Các hoạt động bình thường có thể thực hiện sau 6 tuần và được phép tham gia các hoạt động thể thao sau khi bác sĩ xác định tình trạng xương lành hoàn toàn. Vận động viên cần trao đổi với bác sĩ để xác định thời gian có thể tiếp tục luyện tập và thi đấu.
Phẫu thuật gãy xương đòn bao nhiêu tiền?
Chi phí phẫu thuật gãy xương đòn phụ thuộc vào quá trình thăm khám của bác sĩ, mức độ chấn thương, vị trí gãy xương và các vấn đề liên quan khác. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định các xét nghiệm chẩn đoán để hỗ trợ quá trình điều trị, điều này có thể làm tăng chi phí.
Trong hầu hết các trường hợp, chi phí phẫu thuật gãy xương đòn thường khoảng 3.200.000 – 3.600.000 đồng (chưa bao gồm dụng cụ nẹp, tấm kim loại, đinh vít,….). Trước khi phẫu thuật, người bệnh sẽ được tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng thể và đánh giá mức độ tổn thương. Do đó, thông thường tổng chi phí phẫu thuật gãy xương đòn vào khoảng hơn 10.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, chi phí mổ xương đòn được Bảo hiểm Y tế chi trả, 80% cho trường hợp đúng tuyến và 40% cho trường hợp trái tuyến. Lưu ý, mức thanh toán này không phải là tổng chi phí mà dựa trên các danh mục mà Bảo hiểm Y tế chi trả.
Sau phẫu thuật mổ xương đòn, nếu người bệnh có nhu cầu tháo tấm cố định phẫu thuật, chi phí thường rơi vào khoảng 1.700.000- 2.000.000 đồng (chưa bao gồm chi phí thuốc và chi phí lưu bệnh).
Phòng ngừa gãy xương đòn
Gãy xương đòn thường rất khó phòng ngừa, do tình trạng này thường xảy ra bất ngờ. Ngay cả vận động viên chuyên nghiệp đôi khi cũng có thể trượt ngã và gây gãy xương. Tuy nhiên, để hạn chế nguy cơ gãy xương, người bệnh nên thực hiện các biện pháp an toàn khi tập thể dục, chẳng hạn như:
- Mặc quần áo bảo hộ khi chơi các môn thể thao tiếp xúc;
- Xây dựng cơ bắp khỏe mạnh, linh hoạt bằng cách thường xuyên thực hiện các bài tập kéo giãn và rèn luyện sức mạnh;
- Khởi động đúng cách trước khi thực hiện các hoạt động thể chất hoặc tham gia thể thao;
- Đi giày vừa vặn, phù hợp để giữa thăng bằng;
- Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, nhiều rau xanh, thực phẩm giàu canxi, vitamin D và các khoáng chất cần thiết khác để xây dựng xương chắc khỏe.
Gãy xương đòn là một chấn thương rất phổ biến, có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Hầu hết các trường hợp, gãy xương đòn được điều trị bằng phương pháp không phẫu thuật.
Tuy nhiên, gãy xương đòn di lệch nghiêm trọng có thể được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Mặc dù phẫu thuật có thể mang lại hiệu quả điều trị cao, tuy nhiên phẫu thuật cũng có một số rủi ro không mong muốn. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Tham khảo thêm: Bị gãy xương đòn bao lâu lành? Làm sao nhanh khỏi?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!