Tức Ngực Khó Thở Tim Đập Nhanh

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Phạm Thị Minh Dương | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Tức ngực khó thở tim đập nhanh thường là dấu hiệu của các bệnh lý ở tim. Tình trạng này cũng có thể khởi phát từ một số vấn đề về phổi, cơn hoảng loạn sau căng thẳng quá mức. Để điều trị và ngăn ngừa biến chứng, bệnh nhân cần khám chữa trị ngay khi bắt đầu các dấu hiệu bất thường.

Tức ngực khó thở tim đập nhanh
Tức ngực khó thở tim đập nhanh thường liên quan đến các bệnh lý ở tim, phổi và cơn hoảng sợ

Tức ngực khó thở tim đập nhanh là bị gì?

Tức ngực khó thở tim đập nhanh là tình trạng đau ngực (đau nhói và co thắt hoặc tăng áp lực ở ngực) kèm theo những rối loạn trong tim, tim đập nhanh bất thường, bệnh nhân khó thở hoặc thở gấp. Tình trạng này thường bắt nguồn từ những bệnh lý ở tim. Đôi khi tức ngực khó thở tim đập nhanh khởi phát sau căng thẳng quá mức hoặc có vấn đề ở phổi.

Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến:

1. Tăng huyết áp động mạch phổi

Tức ngực khó thở tim đập nhanh là một trong những dấu hiệu nhận biết tăng huyết áp động mạch phổi. Đây là một bệnh huyết áp cao làm ảnh hưởng đến những động mạch trong phổi của bạn.

Bệnh xảy ra khi động mạch bị thu hẹp hoặc cứng khiến áp lực trong mạch máu phổi đột ngột tăng cao. Điều này thúc đẩy tim tăng cường hoạt động để bơm máu, đảm bảo các hoạt động bình thường của phổi. Lâu ngày dẫn đến suy tim, đe dọa tính mạng của bệnh nhân.

Một số dấu hiệu nhận biết khác:

  • Sưng bụng, chân hoặc mắt cá chân
  • Chóng mặt
  • Mạch nhanh
  • Mệt mỏi
  • Không thể hoặc khó tập thể dục
  • Ngất xỉu.

2. Thuyên tắc phổi

Thuyên tắc phổi có thể là nguyên nhân khiến tim đập nhanh, bệnh nhân tức ngực khó thở. Bệnh lý này thể hiện cho tình trạng tắc nghẽn động mạch, giảm lưu lượng máu lưu thông đến phổi do cục máu đông. Các cục máu đông có thể hình thành ở vùng chậu hoặc chân, di chuyển đến phổi dẫn đến tắc nghẽn tại cơ quan này.

Ngoài tức ngực khó thở tim đập nhanh, người bệnh còn bị sưng chân, chóng mặt, da tái nhợt, mất ý thức, ho dai dẳng, đổ nhiều mồ hôi và thở khò khè.

Thuyên tắc phổi
Thuyên tắc phổi là tình trạng tắc nghẽn động mạch và giảm lưu thông máu ở phổi do cục máu đông

3. Đau thắt ngực

Đau thắt ngực là một trong những nguyên nhân gây tức ngực khó thở tim đập nhanh. Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân có thể bị đau thắt ngực ổn định hoặc không ổn định. Đau ngực xảy ra khi lưu lượng máu đến tim suy giảm, cơ tim không nhận đủ oxy cho các hoạt động. Điều này thường gặp ở người hoạt động thể chất gắng sức hoặc căng thẳng về cảm xúc.

Đau thắt ngực không ổn định thường độ ngột và nghiêm trọng, mức độ tăng dần theo thời gian dẫn đến một cơn đau tim. Ngược lại đau thắt ngực ổn định ít nghiêm trọng hơn, có thể dự đoán được.

Dấu hiệu nhận biết đau thắt ngực:

  • Khó thở hoặc thở nhanh
  • Tim đập nhanh
  • Đau ngực
  • Ra nhiều mồ hôi
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Buồn nôn
  • Cảm giác đầy hơi, khó tiêu

4. Đau tim

Đau tim (nhồi máu cơ tim) xảy ra khi dòng máu đến tim bị cắt đột ngột khiến các mô bị tổn thương. Bệnh lý này là kết quả của tình trạng tắc nghẽn ở một hoặc nhiều động mạch quanh tim, thường do sự tích tụ của những mảng bám. Các mảng bám được tạo từ cholesterol, chất béo, chất thải tế bào. Trong nhiều trường hợp, đau tim xảy ra do cục máu đông hình thành tại chỗ tắc nghẽn.

Nhồi máu cơ tim có thể de dọa đến tính mạng. Vì thế, cần gọi cấp cứu nếu có các triệu chứng sau:

  • Khó thở
  • Tức ngực hoặc cảm thấy có áp lực ở vùng ngực
  • Đau ngực. Cơn đau lan rộng từ ngực đến những khu vực khác của cơ thể như hàm, lưng, vai, cổ, cánh tay
  • Nhịp tim nhanh
  • Đổ mồi hôi
  • Nôn mửa
  • Lo sợ
  • Có cảm giác như sắp ngất xỉu

5. Viêm cơ tim

Tức ngực khó thở tim đập nhanh có thể liên quan đến viêm cơ tim. Bệnh lý này là tình trạng viêm của cơ tim, xảy ra do sự xâm nhập của vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc virus. Trong đó liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, trực khuẩn, Toxoplasma,Trypanosoma cruzi là những tác nhân thường gặp.

Viêm cơ tim xảy ra khiến người bệnh có cảm giác khó thở, đau ngực, tim đập nhanh, sưng chân và tăng áp lực ở ngực. Các triệu chứng có xu hướng nghiêm trọng hơn khi bệnh tiến triển.

Viêm cơ tim
Viêm cơ tim thường gây tức ngực khó thở tim đập nhanh kèm theo sưng chân và tăng áp lực ở ngực

6. Rối loạn thần kinh tim

Rối loạn thần kinh cơ là thuật ngữ y tế chỉ thần kinh thực vật (thần kinh tim) bị rối loạn. Bệnh lý này khiến tim đập nhanh hoặc chậm bất thường, bệnh nhân khó thở, hồi hộp, đau ngực, choáng váng, chóng mặt. Ở những trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể thỉnh thoảng đau nhói ở tim.

Các triệu chứng của rối loạn thần kinh tim thường khởi phát do căng thẳng hoặc lo âu quá mức, chấn thương tâm lý. Nguy cơ mắc bệnh cũng tăng cao ở người ít vận động.

7. Thiếu máu cơ tim

Thiếu máu cơ tim có thể gây tức ngực khó thở tim đập nhanh. Đây là tình trạng suy giảm lưu lượng máu đến tim, cơ tim không nhận đủ oxy và gây ra nhiều biểu hiện bất thường. Thiếu máu cơ tim thường do tích tụ mảng bám trong mạch, động mạch vành co thắt hoặc có cục máu đông.

8. Nhịp tim nhanh

Nhịp tim nhanh là thuật ngữ chỉ tình trạng nhịp tim trên 100 nhịp một phút. Tình trạng này thường khởi phát từ một phản ứng của cơ thể đối với căng thẳng hoặc tập thể dục. Tuy nhiên nhịp tim nhanh cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý. Việc không điều trị có thể khởi phát những vấn đề nghiêm trọng như đột quỵ, suy tim, đột tử do tim.

Khi tim đập quá nhanh, cơ quan này có thể không bơm đủ lượng máu đến những phần còn lại của cơ thể. Điều này khiến mô và các cơ quan không nhận đủ oxy. Tùy thuộc vào tình trạng, nhịp tim nhanh có thể gây ra những dấu hiệu và triệu chứng sau:

  • Khó thở
  • Đánh trống ngực (nhịp tim nhanh và thình thịch trong lồng ngực)
  • Tức ngực
  • Có cảm giác lâng lâng
  • Ngất xỉu
  • Chóng mặt

Người bệnh cần thăm khám khi tim đập quá nhanh kèm theo những triệu chứng bất thường khác.

9. Suy tim

Bệnh nhân cần thận trọng vì tức ngực khó thở tim đập nhanh có thể là dấu hiệu cảnh báo suy tim. Bệnh lý này là tình trạng tim của bạn không đủ khả năng để bơm máu cũng như cung cấp máu giàu oxy cho nhu cầu hoạt động của cơ thể.

Suy tim là kết quả của những bệnh lý tim mạch và phổi. Cụ thể như bệnh lý cơ tim, bệnh lý van tim, tăng huyết áp, tăng áp lực động mạch phổi, cơ tim giãn… Việc không xử lý kịp thời có thể khiến bệnh nhân tử vong.

Suy tim
Suy tim gây rối loạn nhịp tim, khó thở, đau hoặc tức ngực do tim không đủ khả năng bơm máu

Bệnh nhân bị suy tim thường có những dấu hiệu sau:

  • Khó thở
  • Đau ngực hoặc tức ngực
  • Rối loạn nhịp tim (nhịp tim nhanh và chậm bất thường)
  • Chóng mặt
  • Tiểu ít
  • Hoa mắt
  • Phù phổi cấp hoặc có những cơn hen tim.

10. Cơn hoảng loạn

Cơn hoảng loạn thường là kết quả của sự căng thẳng quá mức hoặc một bệnh lý tâm thần (chẳng hạn như rối loạn lo âu tổng quát, bệnh trầm cảm). Tình trạng này khiến người bệnh đột ngột cảm thấy nguy hiểm, lo lắng, sợ hãi.

Khi cơn hoảng loạn xảy ra, người bệnh thường có những biểu hiện sau:

  • Tức ngực khó thở tim đập nhanh
  • Đột ngột cảm thấy bất an, sợ hãi một điều gì đó
  • Đổ mồ hôi
  • Chóng mặt
  • Choáng váng
  • Khó nuốt
  • Co thắt dạ dày
  • Có cảm giác nóng và lạnh luân phiên

Những người có cơn hoảng loạn cần được khám và điều trị tâm lý để ngăn ngừa phát sinh rủi ro.

11. Huyết áp thấp

Đây là một bệnh lý tim mạch, xảy ra khi chỉ số huyết áp dưới 90/60 mmHg. Trong đó huyết áp tâm trương <60 mmHg và huyết áp tâm thu <90 mmHg. Bệnh lý này thường gặp ở những bệnh nhân có chức năng tim hoặc thận bị suy giảm, rối loạn hệ thống thần kinh thực vật hoặc suy giảm hoạt động tuyến giáp.

So với cao huyết áp, huyết áp thấp ít phổ biến hơn. Tuy nhiên các triệu chứng của bệnh có thể khiến bệnh nhân khó chịu và suy nhược. Cụ thể:

  • Chóng mặt, hoa mắt
  • Đau đầu dữ dội
  • Mê sảng
  • Ngất xỉu
  • Giảm tập trung
  • Da nhợt nhạt hoặc lạnh
  • Mờ mắt
  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn
  • Nhịp tim nhanh
  • Tức ngực khó thở.

Tức ngực khó thở tim đập nhanh nguy hiểm không?

Tức ngực khó thở tim đập nhanh thường nghiêm trọng, liên quan đến bệnh phổi và tim tiềm ẩn. Việc không kiểm soát tốt có thể khiến bệnh nhân khó chịu, ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sinh hoạt.

Ngoài ra bệnh lý tim mạch phát triển lâu ngày còn làm tăng nguy cơ suy tim, nhồi máu cơ tim (đau tim) và tử vong. Chính vì thế, bệnh nhân có biểu hiện tức ngực khó thở tim đập nhanh được khuyên thăm khám và điều trị tích cực để ngăn ngừa rủi ro.

Tức ngực khó thở tim đập nhanh do bệnh lý tim mạch có thể gây đau tim và tăng nguy cơ tử vong
Tức ngực khó thở tim đập nhanh do bệnh lý tim mạch có thể gây đau tim và tăng nguy cơ tử vong

Những trường hợp cần đến bệnh viện ngay lập tức:

  • Tức ngực khó thở tim đập nhanh kéo dài hơn vài phút, dữ dội hoặc thường xuyên tái diễn
  • Đau ngực. Cơn đau lan rộng từ ngực đến hàm, lưng, vai, cổ, cánh tay
  • Đổ nhiều mồi hôi
  • Khó chịu ở lồng ngực
  • Nôn mửa
  • Lo sợ
  • Ngất xỉu hoặc có cảm giác như sắp ngất xỉu
  • Chóng mặt, hoa mắt
  • Sưng chân hoặc bụng
  • Cảm giác đầy hơi, khó tiêu.

Chẩn đoán tức ngực khó thở tim đập nhanh

Nguyên nhân gây tức ngực khó thở tim đập nhanh rất đa dạng, thường liên quan đến những bệnh tim tiềm ẩn hoặc các tình trạng y tế nghiêm trọng khác. Chính vì thế bệnh nhân được khuyên thăm khám và điều trị sớm để tránh phát sinh rủi ro.

Thông thường bệnh nhân được kiểm tra triệu chứng (cường độ, tần suất, dấu hiệu khác), bệnh sử, tiền sử gia đình và lối sống. Ngoài ra người bệnh được chỉ định các xét nghiệm nhằm xác định và đánh giá chẩn đoán. Thường bao gồm:

  • Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG): Đo điện tâm đồ giúp đo lường hoạt động của tim, phân loại nhịp tim nhanh và những vấn đề ở tim.
  • Siêu âm tim: Siêu âm tim là kỹ thuật dùng sóng âm thanh để thu về hình ảnh chuyển động của tim. Kỹ thuật này giúp xác định những vấn đề ở cơ tim, van tim và lưu lượng máu.
  • Chụp X-quang tim phổi: Kỹ thuật này giúp xác định tình trạng của phổi và tim cùng những mạch máu liên quan.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI cung cấp hình ảnh chuyển động hoặc tĩnh của dòng máu qua tim, kiểm tra cấu trúc của mạch máu, tim và phổi.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Hình ảnh mặt cắt ngang từ CT giúp xác định những bất thường của tim và phổi, xác định nguyên nhân gây tức ngực khó thở tim đập nhanh sớm nhất.
  • Chụp mạch vành: Kỹ thuật này được thực hiện để kiểm tra tình trạng thu hẹp hoặc tắc nghẽn những mạch máu trong tim. Trong thử nghiệm này, bệnh nhân được dùng một loại thuốc nhuộm và tia X để hiển thị hình ảnh bên trong động mạch vành.
  • Kiểm tra bàn nghiêng: Kiểm tra bàn nghiêng được thực hiện để kiểm tra nhịp tim và huyết áp, kiểm tra cách nhịp tim nhanh gây ngất xỉu. Trong thử nghiệm, bệnh nhân được theo dõi khi nằm trên bàn.
  • Kiểm tra căng thẳng: Một số bất thường ở tim chỉ được phát hiện khi tập thể dục. Vì thế trong bài kiểm tra, người bệnh được kiểm tra cách tim và phổi phản ứng khi gắng sức hoặc tập thể dục (di chuyển trên máy chạy bộ hoặc đạp xe). Từ đó phát hiện những bất thường.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này giúp kiểm tra tình trạng nhiễm trùng.

Điều trị tức ngực khó thở tim đập nhanh

Tức ngực khó thở tim đập nhanh có thể giảm nhẹ và được ngăn ngừa bằng thuốc kết hợp lối sống lành mạnh. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân cần thực hiện thủ thuật xâm lấn tối thiểu để khắc phục tình trạng.

1. Thay đổi lối sống

Cần thực hiện lối sống tốt cho tim mạch và phổi để giảm nhẹ và ngăn ngừa tức ngực khó thở tim đập nhanh. Dưới đây là những biện pháp hữu hiệu:

Tập thể dục đều đặn
Tập thể dục đều đặn mỗi ngày giúp cải thiện chức năng của tim và phổi, tăng cường sức khỏe
  • Tránh xa thuốc lá: Ngừng hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc để bảo vệ phổi và tim mạch. Bởi chất Nicotine trong thuốc lá có thể phá hủy cấu trúc của động mạch, tăng nguy cơ tích tụ mảng bám. Điều này làm giảm lưu lượng máu và oxy đến tim, làm nặng hơn tình trạng.
  • Nghỉ ngơi hợp lý: Bệnh nhân cần tránh vận động hoặc làm việc gắng sức. Nên dành thời gian nghỉ ngơi. Điều này giúp giảm nhẹ tình trạng tức ngực khó thở tim đập nhanh, giảm nguy cơ đau thắt ngực.
  • Tránh căng thẳng quá mức: Kiểm soát căng thẳng là điều cần thiết trong điều trị các bệnh lý về tim. Giảm căng thẳng giúp hạn chế và làm dịu cơn đau thắt ngực, ổn định nhịp tim và điều hòa nhịp thở. Cần áp dụng các biện pháp thư giãn nếu căng thẳng quá mức, chẳng hạn như ngồi thiền, tập thở và tập yoga.
  • Chú ý đến căng nặng: Giảm cân khi thừa cân hoặc béo phì để giảm nhẹ triệu chứng và ngăn bệnh lý tim mạch. Đồng thời tránh tắc nghẽn mạch máu do cholesterol tích tụ.
  • Tập thể dục đều đặn: Cố gắng tập thể dục ít nhất 150 phút/ tuần để tăng cường sức khỏe, cải thiện chức năng của tim và phổi. Ngoài ra biện pháp này còn giúp kiểm soát huyết áp, giảm cholesterol, ngăn tích tụ mảng bám trong mạch dẫn đến tắc nghẽn. Lưu ý lựa chọn các bài tập phù hợp, tránh tập thể dục gắng sức.
  • Ăn uống lành mạnh và khoa học: Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, giàu dinh dưỡng từ các loại thực phẩm như rau củ quả, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc và các loại cá. Hạn chế tiêu thụ nhiều chất béo, dầu mỡ, nước ngọt có ga, rượu, bia.

2. Tập thở

Điều chỉnh nhịp thở bằng các bài tập có thể giúp hạn chế và giảm nhẹ tình trạng tức ngực khó thở tim đập nhanh. Biện pháp này giúp thư giãn đường thở và cơ thể, cải thiện khả năng thở sâu, điều chỉnh nhịp tim và hạn chế cảm giác tức ngực.

Ngoài ra những bài tập thở còn giúp tăng cường chức năng và dung tích của phổi, duy trì sức khỏe và chức năng của hệ tim. Đồng thời tăng khả năng cung cấp oxy cần thiết, giảm nguy cơ khởi phát cơn đau.

Một số bài tập thở:

Thở mím môi

  • Hít vào bằng mũi, hít từ từ trong 2 giây
  • Mím môi trong khi thở ra, thở ra chậm rãi, càng chậm càng tốt
  • Lặp lại 4 – 6 lần.

Thở bằng cơ hoành

  • Ngồi thẳng lưng, giữ vai thư giãn
  • Một tay đặt ở bụng, một tay đặt lên ngực
  • Hít vào bằng mũi, thực hiện từ từ trong 2 giây. Bụng di chuyển ra ngoài khi khí vào trong
  • Ấn vào bụng và mím môi
  • Thở ra bằng môi mím trong 2 giây
  • Lặp lại 4 – 6 lần.

Cân bằng thời gian hít vào – thở ra

  • Ngồi thoải mái trên sàn
  • Hít vào bằng mũi, thực hiện từ từ trong 5 giây
  • Thở ra bằng mũi, thực hiện trong 5 giây
  • Lặp lại 4 – 6 lần.

3. Dùng thuốc

Dùng thuốc có thể giúp giảm nhanh tình trạng tức ngực khó thở tim đập nhanh. Các thuốc điều trị được cân nhắc dựa trên các nguyên nhân và tình trạng tổng thể.

Dùng thuốc
Thuốc điều trị tức ngực khó thở tim đập nhanh thường dùng gồm Aspirin, thuốc tan huyết khối, Statin, Nitroglycerin…
  • Thuốc chống trầm cảm: Nhóm thuốc này được chỉ định khi tức ngực khó thở tim đập nhanh làm ảnh hưởng đến giấc ngủ hoặc liên quan đến cơn hoảng loạn. Thuốc có tác dụng an thần, kiểm soát căng thẳng, giảm triệu chứng của bệnh trầm cảm. Một số thuốc chống trầm cảm còn có tác dụng giảm đau.
  • Aspirin: Thuốc này được dùng để giảm đông máu, tăng tốc độ di chuyển của dòng máu và oxy qua động mạch hẹp. Đồng thời giảm đau và hạn chế hình thành cục máu đông.
  • Thuốc chống kết tập tiểu cầu: Một trong các thuốc chống kết tập tiểu cầu như Ticagrelor (Brilinta), Prasugrel (Effient), Clopidogrel (Plavix)… được dùng khi Aspirin không được chỉ định. Thuốc làm giảm khả năng kết dính của tiểu cầu, ngăn hình thành cục máu đông.
  • Thuốc tan huyết khối: Thuốc này được dùng để làm tan cục máu đông.
  • Statin: Statin là nhóm thuốc làm giảm nồng độ cholesterol trong máu. Khi dùng có thể ngăn cholesterol bám vào động mạch dẫn đến tắc nghẽn.
  • Ranolazine (Ranexa): Ranolazine (Ranexa) là thuốc chống đau thắt ngực. Thuốc này được dùng khi tức ngực khó thở tim đập nhanh liên quan đến cơn đau thắt ngực. Thuốc Ranolazine có tác dụng cải thiện lưu lượng máu và hỗ trợ tim.
  • Thuốc kháng sinh hoặc kháng virus: Bệnh nhân có tình trạng nhiễm trùng (như viêm cơ tim) được dùng thuốc kháng sinh (nhiễm vi khuẩn) hoặc kháng virus (nhiễm virus) để điều trị. Thuốc có tác dụng loại trừ tác nhân gây viêm.
  • Nitroglycerin: Nitroglycerin được dùng để điều trị tức ngực khó thở tim đập nhanh liên quan đến huyết áp, suy tim và tình trạng tắc nghẽn. Thuốc giúp các mạch máu thư giãn và giãn rộng. Từ đó cung cấp máu giàu oxy cho hoạt động của tim, ngăn ngừa và giảm đau.
  • Thuốc giảm đau: Một số loại thuốc giảm đau có thể được dùng để giảm bớt sự khó chịu ở vùng ngực.
  • Thuốc chẹn beta: Nhóm thuốc này giúp thư giãn cơ tim và làm giảm huyết áp. Khi dùng giúp hạn chế tổn thương ở tim thêm nghiêm trọng.
  • Thuốc ức chế ACE: Thuốc ức chế ACE giúp giảm căng thẳng cho tim và giảm huyết áp.

Một số loại thuốc khác có thể được chỉ định dựa trên những yếu tố nguy cơ và biểu hiện đi kèm. Cụ thể như thuốc điều trị huyết áp giảm, thuốc điều trị tiểu đường… Khi dùng thuốc, bệnh nhân cần tuân thủ liều lượng và cách dùng để tránh tác dụng phụ.

4. Can thiệp ngoại khoa

Can thiệp ngoại khoa được áp dụng cho trường hợp tức ngực khó thở tim đập nhanh do đau tim, tắc nghẽn mạch máu nghiêm trọng hoặc tình trạng y tế nguy hiểm khác. Các lựa chọn thường bao gồm:

  • Nong mạch bằng stent (can thiệp mạch vành qua da – PCI): Thủ tục này giúp loại bỏ sự tắc nghẽn của những động mạch cung cấp máu cho tim. Khi thực hiện, một ống thông dài và mảnh có gắn quả bóng nhỏ được dùng để tiếp cận chỗ tắc nghẽn. Ống thông được thổi phồng giúp mở động mạch, khí huyết lưu thông trở lại. Một ống lưới nhỏ được gọi là Stent có thể được đặt vào bên trong để ngăn động mạch đóng lại.
  • Ghép bắc cầu động mạch vành (CABG): CABG giúp khôi phục lượng máu lưu thông đến tim bằng cách định tuyến lại động mạch và tĩnh mạch. Lúc này máu giàu oxy có thể di chuyển xung quanh chỗ tắc nghẽn. Ghép bắc cầu động mạch vành thường được thực hiện sau vài ngày tổn thương tim hoặc ngay khi khởi phát cơn đau tim.

Ngăn ngừa tức ngực khó thở tim đập nhanh

Có nhiều bước giúp ngăn ngừa tức ngực khó thở tim đập nhanh, ngay cả những trường hợp có tiền sử mắc bệnh tim và phổi. Để đạt hiệu quả ngăn ngừa, bạn cần duy trì một chế độ ăn uống có lợi và thay đổi lối sống.

Tập thể dục và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
Tập thể dục và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh giúp ngăn ngừa tức ngực khó thở tim đập nhanh
  • Thực hiện một chế độ ăn uống có lợi cho tim mạch và phổi. Tăng cường bổ sung chất xơ, protein, vitamin cùng những khác chất trong thịt nạc, trái cây, các loại ngũ cốc và rau củ.
  • Hạn chế tiêu thụ những loại thực phẩm chế biến sẵn và chứa nhiều đường. Điều này đặt biệt quan trọng đối với những bệnh nhân có nồng độ cholesterol cao, huyết áp cao và mắc bệnh tiểu đường.
  • Tập thể dục 5 – 6 buổi/ tuần để tăng cường sức khỏe tổng thể, cải thiện sức khỏe tim mạch và phổi. Người có tiền sử đau tim cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi thực hiện một kế hoạch tập thể dục mới.
  • Ngừng hút thuốc lá. Điều này giúp cải thiện sức khỏe của phổi và tim, giảm nguy cơ tức ngực khó thở tim đập nhanh và đau tim. Đồng thời không tiếp xúc với khói thuốc lá.
  • Tránh gắng sức trong các hoạt động. Dành thời gian thư giãn và nghỉ ngơi hợp lý.
  • Tránh tiếp xúc, dùng chung dụng cụ cá nhân với người bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus.
  • Kiểm soát cân nặng. Giảm cân khi cần thiết.
  • Áp dụng các biện pháp thư giãn hay tức giận quá mức. Cụ thể như tập thở, tập yoga, ngồi thiền… Luôn lạc quan và suy nghĩ tích cực.

Tức ngực khó thở tim đập nhanh thường là dấu hiệu của những tình trạng y tế nghiêm trọng. Vì thế người bệnh cần tránh chủ quan, thăm khám ngay khi có triệu chứng. Điều này giúp giảm nguy cơ đau tim hoặc khởi phát các biến chứng nguy hiểm khác.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua