Gù Cột Sống
Gù cột sống là tình trạng phát triển bất thường của các xương dẫn đến cong lồi cột sống. Lúc này cột sống ở vùng ngực và trên thắt lưng có dấu hiệu cong lồi bất thường, cột sống cổ và xương cụt lõm vào trong. Bệnh thường tiến triển ở những người có xương cột sống suy yếu, đĩa đệm bị nứt hoặc bị đè nén dẫn đến biến dạng.
Gù cột sống là gì?
Gù cột sống là tình trạng phát triển quá mức và bất thường của các xương dẫn đến cột sống cong tròn về phía sau. Lúc này cột sống cổ và xương cùng lõm vào trong, cột sống ở lồng ngực và trên thắt lưng lồi ra ngoài gây mất thẩm mỹ. Đôi khi người bệnh còn có cảm thấy đau mỏi lưng.
Bệnh thường tiến triển ở những người có xương cột sống suy yếu, đĩa đệm bị nứt hoặc bị đè nén, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi. Ngoài ra gù cột sống còn là kết quả của bệnh loãng xương và gãy xương do chấn thương hay nén cột sống, bệnh Scheuermann, bệnh đa tủy.
Đối với những người bình thường, cột sống ngực sẽ kéo dài với một đường cong bình thường từ đốt sống ngực đầu tiên đến đốt sống ngực thứ 12. Cụ thể phần lưng sẽ xuất hiện một góc gù nhẹ khoảng 20 đến 45 độ. Tuy nhiên khi góc gù có độ tròn tăng trên 45 độ, thì đây được gọi là chứng gù cột sống.
Đối với những trường hợp nhẹ, người bệnh chỉ cần theo dõi định kỳ. Đối với trường hợp nặng, người bệnh cần áp dụng các phương pháp điều trị để tránh suy nhược, khôi phục chức năng và hình dạng bình thường của cột sống.
Phân loại gù cột sống
Tùy thuộc vào đặc điểm, vị trí và mức độ nghiêm trọng, gù cột sống được phân thành những dạng sau:
1 Gù cột sống tư thế
Trong phân loại, gù cột sống tư thế là loại thường gặp nhất. Dạng này thường tiến triển từ những bất thường ở những người hay đứng lâu một chỗ (đứng chùng xuống hoặc tư thế sai), không liên quan đến cấu trúc bất thường của cột sống.
Bệnh thường xảy ra ở người trẻ nhưng cũng có thể xảy ra ở người lớn tuổi. Đối với người trẻ, bệnh được điều trị bằng cách điều chỉnh sự mất cân bằng của cơ bắp. Đối với người lớn tuổi, bệnh được gọi là bướu thái hậu, thường tiến triển do quá trình lão hóa, có thể không điều trị y tế. Đối với trường hợp nặng, xảy ra do gãy đốt sống, người bệnh cần phải điều trị y tế.
2. Gù cột sống dinh dưỡng
Gù cột sống dinh dưỡng là tình trạng cột sống phát triển bất thường do chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng khi còn trẻ. Cụ thể sự thiếu hụt vitamin D dẫn đến còi xương, cột sống mềm và cong, chi dưới ốm yếu.
3. Gù cột sống bẩm sinh
Gù cột sống bẩm sinh là tình trạng trẻ bị cột sống của trẻ phát triển không bình thường ngay khi còn trong bụng mẹ. Đối với trường hợp này, những đốt sống có thể hợp nhất với nhau hoặc dị dạng dẫn đến gù cột sống. Mức độ cong cột sống sẽ tăng lên khi trẻ phát triển.
Đối với trường hợp này, trẻ cần được phẫu thuật càng sớm càng tốt để điều chỉnh độ cong của cột sống. Ngoài ra cần tái khám sau phẫu thuật để theo dõi sự phát triển của xương. Tuy nhiên phẫu thuật điều trị gù cột sống cho trẻ nhỏ cần được cân nhắc vì có thể phát sinh rủi ro.
Trong một số trường hợp, gù cột sống bẩm sinh đột ngột xuất hiện ở lứa tuổi thiếu niên. Tình trạng này thường phổ biến hơn ở những trẻ bại não và những trẻ bị các rối loạn thần kinh khác.
4. Gù cột sống do Scheuermann
Bệnh Scheuermann là một dạng rối loạn xương xảy ra và tự giới hạn ở thời thơ ấu. Bệnh khiến các đốt xương phát triển không đồng đều so với cấu tạo bình thường, góc sau thường lớn hơn góc trước.
Gù cột sống do Scheuermann được xác định một dạng thoái hóa xương xảy ra trong thời gian phát triển của cột sống. Bệnh có thể làm ảnh hưởng đến nhiều vị trí của cột sống và thường gây đau với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Trong đó vùng giữa ngực là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất và có xu hướng cứng xương.
Cơn đau thường nghiêm trọng hơn khi đứng lâu, ngồi lâu hoặc khi hoạt động thể chất. Điều này làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Ngoài đau người bệnh còn cảm thấy mệt mỏi và cần được phẫu thuật để điều chỉnh.
So với gù cột sống tư thế, bệnh gây ra những biến dạng nghiêm trọng hơn và không thể tự điều chỉnh biến dạng bằng cách điều chỉnh sự mất cân bằng của cơ bắp. Ngoài ra đĩa đệm và các đốt sống ở những bệnh nhân bị Scheuermann không đều, có xu hướng thoát vị và có hình nêm từ ba mức liền kề ở trên.
5. Gù cột sống sau chấn thương
Gù cột sống có thể xảy ra khi bệnh nhân bị chấn thương (gãy xương đốt sống) nhưng điều trị không hiệu quả hoặc không được điều trị.
6. Dị dạng Gibbus
Dị dạng Gibbus là một dạng gù cột sống cấu trúc, thường gặp ở cột sống ngực dưới và thắt lưng trên, chính là nơi những đốt sống liền kề bị chêm vào. Tình trạng này xuất hiện phổ biến ở trẻ nhỏ do xẹp các thân đốt sống và bệnh lao cột sống.
Nguyên nhân gây gù cột sống
Gù cột sống xảy ra khi các đốt sống phát triển bất thường do những nguyên nhân sau:
- Loạn dưỡng cơ
Chứng loạn dưỡng cơ là một tình trạng di truyền có khả năng làm suy yếu các cơ. Trong trường hợp những cơ xung quanh cột sống suy yếu, bệnh sẽ khiến cột sống phát triển không bình thường và tăng nguy cơ cong vẹo cột sống.
- Khối u cột sống
Khối u cột sống phát triển ở dạng lành tính hay ác tính đều có khả năng làm gù cột sống. Nguyên nhân là do khối u phát triển chèn ép dây thần kinh, ảnh hưởng đến đĩa đệm và làm giảm độ linh hoạt của cột sống. Điều này khiến bệnh nhân luôn trong tư thế gập người về phía trước và làm cong cột sống.
- Thoái hóa đĩa đệm
Đĩa đệm bị đè nén, hao mòn hoặc bị nứt do thoái hóa là nguyên nhân phổ biến gây gù cột sống. Lúc này cột sống có xu hướng thay đổi hình dạng, cong dẫn đến gù lưng. Ngoài ra tình trạng thoái hóa theo tuổi tác còn khiến đĩa đệm khô và co lại, làm thay đổi đường cong của cột sống.
- Gãy xương do nén
Những đốt sống bị dập hoặc bị gãy do té ngã hoặc/ và bệnh lý sẽ làm tăng nguy cơ cong cột sống. Tuy nhiên ở những trường hợp gãy xương do nén nhẹ, bệnh nhân có thể không cảm nhận được triệu chứng hay những dấu hiệu nghiêm trọng.
- Bệnh Scheuermann
Bệnh Scheuermann là nguyên nhân gây gù cột sống. Bệnh khiến xương phát triển không đồng đều trong giai đoạn tăng trưởng của trẻ, cuối cùng dẫn đến cong vẹo cột sống. Bệnh Scheuermann có thể xảy ra ở cả trẻ em trai và gái. Tuy nhiên tỉ lệ mắc bệnh thường cao hơn ở trẻ em trai.
- Bệnh loãng xương
Gù cột sống có thể tiến triển từ bệnh loãng xương, nhất là khi loãng xương làm giảm chức năng và sức bền của các đốt sống dẫn đến gãy xương do nén. Cong vẹo cột sống do loãng xương thường xảy ra ở phụ nữ từ độ tuổi trung niên trở lên, người có thói quen hút thuốc và những bệnh nhân đã điều trị với corticosteroid trong thời gian dài.
- Bẩm sinh
Tình trạng cong cột sống có thể xảy ra do dị tật bẩm sinh. Điều này có nghĩa trẻ bị dị tật xương cột sống ngay từ trong bụng mẹ. Một số dị tật khác như tật nứt cột sống cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Hội chứng
Một số hội chứng như Marfan và Ehlers-Danlos có khả năng khiến xương phát triển bất thường và tăng nguy cơ gù cột sống.
- Ung thư và thuốc điều trị bệnh ung thư
Sức bền, chức năng và độ linh hoạt của các đốt sống sẽ nhanh chóng suy yếu khi bạn mắc bệnh ung thư cột sống. Điều này làm tăng nguy cơ gãy xương do nén và biến dạng cột sống. Ngoài ra những phương pháp dùng trong điều trị ung thư (hóa trị, xạ trị) cũng làm xương suy yếu và thay đổi một cách bất thường.
- Một số nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân nêu trên, gù cột sống cũng có thể xảy ra do một số nguyên nhân khác gồm:
-
- Bệnh bại liệt
- Bệnh Paget
- Khối u cột sống
- Bệnh lý liên quan đến những mô liên kế
- Nhiễm trùng cột sống
- Chấn thương cột sống
- Yếu cơ ở lưng trên
- Thoái hóa khớp cột sống
- Viêm cột sống dính khớp.
Yếu tố nguy cơ của bệnh gù cột sống
Tuổi tác là một yếu tố chính có khả năng làm tăng nguy cơ gù cột sống. Mật độ xương càng giảm khi tuổi càng cao. Điều này làm tăng áp lực lên đĩa đệm cột sống dẫn đến chèn ép và khiến cột sống cong về phía trước.
Một số yếu tố nguy cơ khác gồm:
- Thường xuyên mang vác vật nặng và di chuyển với tư thế cong người về phía trước
- Đứng lâu với tư thế chùng xuống
- Giữ thói quen ngồi cong lưng
- Ít vận động, thừa cân béo phì
- Có chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng. Đặc biệt thiếu canxi và vitamin D làm cong vẹo cột sống.
Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết gù cột sống
Tùy thuộc vào phân loại, mức độ nghiêm trọng của đường cong và nguyên nhân, triệu chứng và dấu hiệu nhận biết gù cột sống của mỗi người có thể khác nhau.
Những triệu chứng và dấu hiệu thường gặp gồm:
- Lưng cong tương tự như một cái bướu
- Tròn vai
- Cột sống cứng, không thể hoặc khó đứng thẳng
- Thường có cảm giác đau lưng nhẹ, mức độ đau tăng lên tùy theo dạng gù cột sống
- Mệt mỏi
- Căng cơ ở mặt sau của đùi (cơ gân kheo)
- Gặp khó khăn khi hoạt động, di chuyển, mất hoặc giảm linh hoạt
- Chèn ép hoặc tăng áp lực lên tủy sống và dây thần kinh
- Chiều cao giảm
- Thường khom người khi di chuyển về phía trước.
Nếu cột sống cong nặng hơn, người bệnh có thể nhận thấy nhiều triệu chứng nghiêm trọng sau:
- Mất cảm giác ở lưng
- Có cảm giác ngứa ran, tê và yếu ở chân
- Khó thở
- Ảnh hưởng đến chức năng của tim và phổi.
Biến chứng do gù cột sống
Đối với trường hợp nặng và không được điều chỉnh, gù cột sống có thể gây ra những biến chứng sau:
- Tăng áp lực lên phổi
Đối với những trường hợp nghiêm trọng, gù cột sống có thể làm tăng áp lực lên phổi và khiến bệnh nhân thường xuyên bị khó thở. Điều này khiến bệnh nhân mệt mỏi, sức khỏe suy yếu và giảm khả năng vận động.
- Vấn đề về tiêu hóa
Hệ tiêu hóa có thể bị chèn ép ở những bệnh nhân bị cong vẹo cột sống nặng. Điều này khiến bệnh nhân thường xuyên có cảm giác khó nuốt và trào ngược dạ dày thực quản.
- Giảm chức năng vật lý
Gù cột sống cùng với cơ lưng suy yếu khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong việc đứng thẳng, di chuyển về phía trước, thay quần áo và một số hoạt động sinh hoạt thường ngày khác. Ngoài ra bệnh lý này còn khiến bệnh nhân bị đau khi nằm xuống và không thể nhìn lên khi lái xe.
- Tính thẩm mỹ
Gù cột sống tiến triển khiến lưng cong tròn và gây mất thẩm mỹ. Điều này khiến bệnh nhân tự ti trong giao tiếp xã hội và có xu hướng trầm cảm, đặc biệt là người trẻ tuổi.
Phương pháp chẩn đoán gù cột sống
Thông thường gù cột sống sẽ được chẩn đoán bằng cách kiểm tra những biểu hiện lâm sàng và khả năng vận động của bệnh nhân. Ngoài ra một số kỹ thuật chuyên sâu hơn sẽ được chỉ định để phân loại gù cột sống và mức độ nghiêm trọng.
1. Chẩn đoán lâm sàng
- Khám sức khỏe tổng thể
- Kiểm tra tiền sử mắc bệnh và chấn thương
- Đo chiều cao
- Kiểm tra khả năng vận động bằng cách thực hiện một số động tác như uốn cong người về phía trước, di chuyển, ưỡn lưng, xoay người
- Kiểm tra độ cong của lưng
- Kiểm tra triệu chứng lâm sàng (mỏi, đau lưng, căng cơ…)
- Khám thần kinh để kiểm tra sức mạnh cơ bắp và phản xạ.
2. Chẩn đoán cận lâm sàng
- Chụp X-quang: Hình ảnh X-quang giúp bác sĩ kiểm tra những bất thường liên quan đến cấu trúc xương, điển hình như đốt sống, đĩa đệm, xương, dây chằng. Ngoài ra kỹ thuật này còn giúp bác sĩ kiểm tra đường cong của cột sống, đĩa đệm thoát vị, gãy xương do nén để chẩn đoán tình trạng và nguyên nhân.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp cắt lớp vi tính (CT) giúp xác định những bất thường của cột sống một cách chi tiết hơn. Từ đó chẩn đoán gù cột sống, dị tật xác định nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ (MRI) tạo ra hình ảnh ba chiều của cột sống, giúp xác định khối u và tình trạng nhiễm trùng ở cột sống.
- Đo mật độ xương: Để góp phần xác định nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của chứng gù vẹo cột sống, bệnh nhân sẽ được kiểm tra mật độ xương.
- Kiểm tra thần kinh: Kiểm tra thần kinh được chỉ định với mục đích xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh, kiểm tra sự chèn ép dây thần kinh và tủy sống. Đồng thời xác định khả năng truyền các xung thần kinh giữ tứ chi và tủy sống. Kỹ thuật này phù hợp với những bệnh nhân có dấu hiệu yếu cơ, tê và ngứa ran chân.
- Kiểm tra chức năng phổi: Nếu gù cột sống kèm theo biểu hiện khó thở hoặc cong cột sống nghiêm trọng, người bệnh sẽ được kiểm tra chức năng phổi. Kỹ thuật này cho phép bác sĩ kiểm tra không gian lòng ngực, tìm nguyên nhân gây hạn chế hô hấp.
3. Chẩn đoán phân loại
Gù cột sống có thể được phân loại và đo mức độ nghiêm trọng bằng cách đo góc Cobb (phương pháp đo uốn dị dạng chấn thương và rối loạn cột sống. Ngoài ra bệnh cũng có thể được đo bằng phương pháp cân bằng sagittal. Đây là khoảng cách nằm ngang giữa đường viền trên – sau phần cuối của đốt sống S1 và trung tâm của đốt sống C7.
Phương pháp điều trị gù cột sống
Phần lớn các trường hợp gù cột sống được điều trị bằng phương pháp nội khoa. Trong đó vật lý trị liệu, những bài tập tăng cường cơ và điều chỉnh bất thường cơ là phương pháp được áp dụng rộng rãi. Ở những trường hợp bị đau người bệnh sẽ được dùng thuốc.
Đối với những trường hợp nghiêm trọng, gù cột sống do gãy xương bệnh lý, khối u hoặc có chèn ép tủy sống, thoát vị đĩa đệm… người bệnh sẽ được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.
1 Sử dụng thuốc
Đối với những trường hợp cong vẹo cột sống kèm theo biểu hiện đau mỏi, giảm mật độ xương, người bệnh sẽ được yêu cầu sử dụng những loại thuốc sau:
- Thuốc giảm đau không kê đơn: Những cơn đau mỏi do cong vẹo cột sống thường không quá nghiêm trọng. Do đó để kiểm soát triệu chứng, người bệnh có thể được sử dụng những loại thuốc giảm đau không kê đơn như naproxen sodium (Aleve), acetaminophen (Tylenol), ibuprofen (Advil, Motrin IB).
- Thuốc giảm đau kê đơn: Nếu những cơn đau nghiêm trọng và không có biểu hiện thuyên giảm sau khi dùng thuốc không kê đơn, người bệnh sẽ được sử dụng những loại thuốc giảm đau mạnh hơn. Điển hình như các thuốc giảm đau gây nghiện.
- Thuốc điều trị loãng xương: Nếu mật độ xương giảm, những loại thuốc điều trị loãng xương sẽ được sử dụng với mục đích tăng cường xương và làm giảm nguy cơ gãy xương. Từ đó hạn chế gù cột sống tiến triển.
2. Vật lý trị liệu
Đối với những bệnh nhân bị gù cột sống, vẹo cột sống thắt lưng, bệnh Scheuermann và những biến dạng cột sống liên quan, bác sĩ sẽ chỉ định một hệ thống vật lý trị liệu để cải thiện tình trạng. Thông thường phương pháp Schroth sẽ được sử dụng.
Phương pháp Schroth gồm những bài tập kéo căng cột sống cổ về phía sau, nằm ngửa, điều chỉnh cột sống bằng cách đặt một chiếc gối dưới gù cột sống. Việc áp dụng phương pháp này sẽ giúp cột sống phát triển đúng trong thời gian ngủ. Từ đó cải thiện tình trạng cong vẹo hiệu quả.
Ngoài ra một số bài tập vật lý trị liệu khác còn giúp tăng cường các cơ ở vùng lưng và bụng, tăng cường vùng trên của cơ thể và kéo giãn gân kheo. Từ đó giúp giảm đau, điều chỉnh tư thế và cải thiện những ảnh hưởng do cột sống bị lệch.
3. Sử dụng nẹp lưng
Sử dụng nẹp lưng là một phương pháp điều chỉnh dị dạng cột sống lưng hiệu quả, thường áp dụng phổ biến cho những bệnh nhân bị gù cột sống tư thế, gù do bệnh Scheuermann và chấn thương.
Tùy thuộc vào mức độ cong của cột sống và nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu bạn sử dụng một loại nẹp phù hợp và số giờ đeo nẹp mỗi ngày. Trong thời gian điều trị người bệnh cần thăm khám và điều chỉnh nẹp thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều này sẽ mang đến hiệu quả điều trị cao, giúp người bệnh khôi phục hình dạng cột sống.
Đối với những trường hợp mắc bệnh Scheuermann, nẹp sẽ được sử dụng liên tục cho đến khi trẻ trưởng thành, xương đã hoàn thiện.
4. Phẫu thuật
Chỉ định
Phương pháp phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp sau:
- Gù cột sống nặng, có liên quan đến gãy xương do nén, chấn thương, đĩa đệm thoái hóa, chèn ép dây thần kinh và tủy sống
- Biến dạng cột sống do xẹp đốt sống
- Biến dạng cột sống do Scheuermann có đường cong trên 75 độ
- Đau lưng dữ dội và thất bại khi điều trị bảo tồn.
Mục tiêu của phương pháp phẫu thuật
- Giảm mức độ xương cong
- Giảm mức độ và tần suất đau lưng
- Phòng ngừa dị dạng tiến triển và gây biến chứng
- Duy trì sự cải thiện theo thời gian.
Phương pháp điều trị
Để điều trị gù cột sống, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật hợp nhất tủy sống và tạo hình cột sống. Đây là một phương pháp xâm lấn tối thiểu, được thực hiện thông qua một lỗ nhỏ trên da.
Khi điều trị, bác sĩ sẽ loại bỏ chuyển động không cần thiết giữa các đốt sống đang bị ảnh hưởng. Sau đó các đốt sống sẽ được hợp nhất với nhau và tạo thành một khối xương vững chắc sau khi lành. Lúc này độ cong của cột sống có thể giảm đáng kể. Đồng thời giảm đau và cải thiện khả năng vận động của bệnh nhân.
Bước thực hiện
- Thiết kế lại để cải thiện độ tròn của cột sống
- Ghép xương. Đặt xương ghép vào khoảng trống để hợp nhất các đốt sống
- Xương cùng phát triển và lành lại sau một thời gian (tương tự như cách chữa lành xương gãy).
Biện pháp phòng ngừa gù cột sống
Gù cột sống có thể được phòng ngừa bằng những phương pháp sau:
- Giữ tư thế đúng khi đứng, ngồi và khi lao động. Tránh đứng lâu, chùng xuống hoặc thực hiện tự thế buông thõng vai
- Cần đảm bảo ghế ngồi có phần lưng tựa để giữ lưng thẳng, hỗ trợ lưng giúp hạn chế mỏi và cong lưng
- Đi với tư thế thẳng người.
- Hạn mang vác vật nặng khi lao động.
- Phòng ngừa gù cột sống ở trẻ bằng cách hạn chế cho trẻ đeo cặp sách nặng. Bởi hoạt động này sẽ làm co kéo dây chằng và cơ lưng.
- Thận trọng khi chơi thể thao, lao động và tham gia giao thông để tránh chấn thương, gãy xương, thoát vị đĩa đệm làm ảnh hưởng đến cột sống.
- Nên bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng vào chế độ ăn uống. Đặc biệt nên ăn nhiều thực hiện giàu canxi và vitamin D để giúp nâng cao sức khỏe, tăng độ bền và mật độ xương, phòng người biến dạng cột sống.
- Thường xuyên thực hiện những bài tập kéo giãn lưng, thư giãn xương khớp để các khớp xương khỏe và linh hoạt. Ngoài ra một số bài tập hữu ích gồm đi bộ, chạy bộ, bơi lội, yoga… có thể giúp nâng cao sức khỏe xương và phòng ngừa những vấn đề ở lưng.
- Khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện những vấn đề về cột sống. Đồng thời kiểm soát bệnh để tránh biến chứng gù lưng.
Phần lớn bệnh nhân có thể chữa khỏi, khỏe mạnh và sinh hoạt bình thường mà không cần phẫu thuật,đặc biệt là khi sớm phát hiện và điều trị. Tuy nhiên nếu bệnh tiến triển dai dẳng, không được điều trị, dị dạng cột sống có thể gây ra nhiều vấn đề cho người bệnh khi trưởng thành.
Vì thế người bệnh cần sớm đến bệnh viện và thăm khám cùng với bác sĩ chuyên khoa nếu bị cong vẹo cột sống. Đồng thời thời xuyên theo dõi sức khỏe, tránh để bệnh tiến triển và gây biến chứng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!