Đau Ngực Trái

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Trần Thị Hương Lan | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Các bệnh lý ở tim, vấn đề về tiêu hóa – thực quản, chấn thương, bệnh ở phổi có thể là nguyên nhân gây đau ngực trái. Những trường hợp này thường nghiêm trọng, cần được điều trị y tế sớm để ngăn ngừa biến chứng.

Đau ngực trái
Đau ngực trái thường do các bệnh lý ở tim hoặc phổi, vấn đề về tiêu hóa – thực quản, chấn thương

Đau ngực trái là bị gì?

Đau tim có thể là nguyên nhân gây đau ngực trái. Tuy nhiên tình trạng này cũng có thể là triệu chứng của một bệnh tim khác, vấn đề về tiêu hóa – thực quản, bệnh ở phổi, chấn thương.

1. Bệnh lý ở tim

Những bệnh lý ở tim có thể làm phát sinh một cơn đau ở vùng ngực trái:

  • Đau thắt ngực

Đau thắt ngực (đau ngực) là triệu chứng thường gặp của một vấn đề về tim (chẳng hạn như bệnh tim mạch vành), không phải là một bệnh lý. Khi cơ tim không nhận đủ oxy, cơn đau bắt đầu ở bên trái hoặc giữa ngực. Điều này có thể lan rộng đến một số vùng lân cận, cụ thể như cánh tay, vai, cổ, hàm và lưng.

Một số triệu chứng đi kèm:

    • Tăng áp lực hoặc gây khó chịu
    • Khó thở
    • Chóng mặt
    • Đổ nhiều mồ hôi
    • Mệt mỏi
    • Buồn nôn
  • Đau tim

Người bệnh cần thận trọng vì đau tim (nhồi máu cơ tim) có thể là nguyên nhân gây đau ngực trái. Cơn đau xảy ra khi cơ tim bị tổn thương do không nhận đủ lượng máu giàu oxy. Thông thường đau tim bắt đầu từ những cơn đau ngực nhẹ, đau tăng dần theo thời gian.

Đau tim cũng có thể đột ngột, bệnh nhân đau dữ dội ở giữa ngực hoặc bên trái ngực. Cơn đau thường kèm theo những triệu chứng sau:

    • Có cảm giác ép hoặc siết chặt, đè nén trong lồng ngực
    • Khó thở
    • Đau lan đến cổ, hàm, lưng, cánh tay và bụng
    • Đổ mồ hôi lạnh
    • Buồn nôn
    • Đau bụng
    • Ợ chua
    • Chóng mặt hoặc choáng váng
  • Viêm cơ tim

Viêm cơ tim là tình trạng cơ tim của bạn bị viêm do vi khuẩn/ virus. Bệnh lý này làm ảnh hưởng đến hệ thống điện tim, tim suy yếu, cơ tim tổn thương vĩnh viễn. Ngoài đau ngực bên trái, người bệnh còn có cảm giác khó thở, loạn nhịp tim và mệt mỏi.

Viêm cơ tim
Viêm cơ tim làm khởi phát cơn đau ngực bên trái kèm theo khó thở, loạn nhịp tim và mệt mỏi
  • Bệnh cơ tim

Đây là một bệnh tiến triển của cơ tim, được phân thành 4 loại chính gồm:

    • Bệnh cơ tim giãn nở
    • Bệnh cơ tim phì đại
    • Loạn sản bất phải do loạn nhịp
    • Bệnh cơ tim hạn chế

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân có cơ tim phì đại hoặc cơ tim yếu, máu không được bơm đến các phần còn lại của cơ thể như bình thường. Bệnh có thể phát triển mà không có triệu chứng. Một số trường hợp khác bị đau ngực kèm theo tim đập nhanh, chóng mặt, khó thở, sưng cẳng chân, bàn chân, bàn tay, mắt cá chân hoặc bụng.

  • Viêm màng ngoài tim

Hai lớp mô mỏng bao quanh tim được gọi là màng ngoài tim. Khi bị chúng bị kích thích hoặc viêm, người bệnh có thể cảm thấy đau nhói ở giữa ngực hoặc bên trái. Đau dữ dội và đột ngột tương tự như một cơn đau tim, đau thường lan rộng đến vai. Đôi khi đau do viêm màng tim có mức nhẹ và tự khỏi.

2. Rối loạn hoảng sợ

Những cơn hoảng sợ có thể xảy ra đột ngột, thường đạt đỉnh điểm trong vòng 10 phút. Điều này làm khởi phát một cơn đau ngực bên trái với đặc điểm và mức độ nghiêm trọng tương tự như một cơn đau tim. Ngoài ra, đau ngực do cơ hoảng loạn còn đi kèm với một số triệu chứng sau:

  • Tim đập loạn nhịp
  • Khó thở
  • Buồn nôn
  • Chóng mặt hoặc run rẩy
  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Cảm giác không thực
  • Ớn lạnh hoặc nóng bừng
  • Có cảm giác diệt vong hoặc xuất hiện nổi sợ hãi dữ dội
  • Có cảm giác như đang bị nghẹt thở
Rối loạn hoảng sợ
Rối loạn hoảng sợ có thể làm khởi phát một cơn đau ngực bên trái tương tự như đau tim

Người bệnh cần gặp bác sĩ chuyên khoa nếu bị đau ngực bên trái do một cơn hoảng loạn. Thông thường bệnh được dùng loại thuốc phù hợp để cải thiện tình trạng.

3. Ợ chua hoặc trào ngược axit

Ợ chua là cảm giác khó chịu và đau tức ở ngực khi axit tiêu hóa thức ăn trong dạ dày trào ngược lên thực quản (trào ngược axit). Điều này khiến bệnh nhân bị đau và thắt ở giữa ngực hoặc ngực trái. Cơn đau thường không quá nghiêm trọng, kèm theo một số triệu chứng sau:

  • Có vị chua trong miệng
  • Có cảm giác nóng bỏng ở ngực và bụng trên
  • Chất trong dạ dày trào lên cổ họng

Khi tiến triển, trào ngược axit sẽ phát triển thành trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Ngoài đau ngực, bệnh nhân bị GERD còn thường xuyên ợ chua, ho, khó nuốt, đau họng, buồn nôn, thở khò khè.

4. Thoát vị Hiatal

Thoát vị Hiatal (thoát vị gián đoạn) là một tình trạng thường gặp, xảy ra khi phần trên của dạ dày bị đẩy, di chuyển qua cơ hoành (cơ lớn nằm giữa ngực và bụng) và vào ngực. Điều này thường dẫn đến trào ngược axit và làm phát sinh những triệu chứng sau:

  • Ợ hơi
  • Khó nuốt
  • Đau ngực, đôi khi đau giữa và bên trái ngực
  • Đau vùng thượng vị
  • Ợ chua, thường tồi tệ hơn khi nằm xuống hoặc nghiêng người

5. Vấn đề ở thực quản

Đau ngực trái cũng có thể khởi phát do một số vấn đề ở thực quản, thường bao gồm:

  • Co thắt cơ thực quản: Cơ thực quản bị co thắt làm khởi phát một cơn đau ở ngực trái tương tự như đau tim.
  • Viêm thực quản: Viêm thực quản là tình trạng viêm ở lớp niêm mạc của thực quản. Điều này thường tạo ra cảm giác bỏng rát hoặc đau tức ngực. Cơn đau có thể khởi phát sau khi ăn kèm theo triệu chứng khó nuốt, máu lẫn trong phân hoặc chất nôn.
  • Rách hoặc vỡ thực quản: Thực quản bị rách hoặc vỡ khiến thức ăn rò rỉ vào khoang ngực. Điều này làm khởi phát những cơn đau ngực từ nhẹ đến nặng kèm theo thở nhanh, buồn nôn và nôn mửa. Thông thường rách/ vỡ thực quản được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.
Vấn đề ở thực quản
Đau ngực bên trái có thể do một số bệnh lý ở thực quản như viêm ngực quản, co thắt cơ, thủng thực quản

 6. Chấn thương thành ngực

Một số chấn thương ở thành ngực như căng cơ, gãy xương sườn, gãy xương ức, bầm tím thành ngực… có thể là nguyên nhân gây đau ngực trái. Điều này thường xảy ra sau một cú đánh mạnh hoặc va đập mạnh vào thành ngực.

Tùy thuộc vào vị trí và mức độ chấn thương, bệnh nhân có thể bị đau ngực từ nhẹ đến nặng, đau kèm theo co thắt, cảm giác đè nén hoặc khó thở. Trong một số trường hợp, bệnh nhân ho hoặc hít thở sâu bị đau bên phải – trái.

Nếu nghi ngời gãy xương, bệnh nhân cần được sơ cứu và di chuyển đến bệnh viện ngay lập tức. Nên nghỉ ngơi hợp lý và tránh một số hoạt động gắng sức trong khi điều trị.

7. Bệnh lý ở phổi

Không phải tất cả trường hợp đau ngực trái đều là dấu hiệu của một cơn đau tim hoặc các bệnh lý khác ở tim. Tình trạng này cũng thường khởi phát do một số bệnh ở phổi.

  • Tràn khí màng phổi (phổi xẹp)

Tràn khí màng phổi (phổi xẹp) có thể là nguyên nhân khiến người bệnh bị đau và buốt ở hai bên ngực. Điều này thường do chấn thương ở ngực hoặc bệnh lý khiến khí tràn vào màng phổi, làm tăng áp lực dẫn đến phổi bị xẹp.

Một số triệu chứng khác ở bệnh nhân bị xẹp phổi:

    • Ho
    • Mệt mỏi
    • Da chuyển sang màu xanh lam
    • Khó thở hoặc thở nhanh
  • Viêm phổi

Viêm phổi có thể gây đau nhói ở ngực, đau khi hít thở sâu hoặc ho. Bệnh lý này xảy ra khi một hoặc cả hai phổi bị tổn thương do vi khuẩn/ nấm/ virus xâm nhập. Viêm phổi thường khởi phát sau cúm và một số bệnh lý ở đường hô hấp như viêm phế quản.

Viêm phổi do nhiễm vi khuẩn và virus có thể lây lan nhanh từ người sang người. Thông thường bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng virus hoặc thuốc kháng sinh.

Viêm phổi
Viêm phổi do nấm, vi khuẩn hoặc virus có thể gây đau ngực kèm theo mệt mỏi, chán ăn, đau đầu

Ngoài đau ngực, bệnh nhân thường có một số triệu chứng khác như:

    • Đau đầu
    • Ăn mất ngon
    • Mệt mỏi
    • Khó thở
    • Ho
    • Sốt, run rẩy hoặc ớn lạnh
  • Ung thư phổi

Đau ngực trái có thể là dấu hiệu nhận biết ung thư phổi trái. Bệnh khởi phát khi các tế bào ung thư phát triển trong phổi khiến cơ quan này tổn thương và suy yếu. Ngoài đau ngực, bệnh nhân bị ung thư phổi còn gặp một số triệu chứng sau:

    • Khó thở
    • Ho dữ dội
    • Ho ra máu hoặc chất nhầy
    • Đau lưng hoặc đau vai, đau không do ho
    • Viêm phổi hoặc viêm phế quản tái phát
    • Chán ăn
    • Sụt cân không rõ nguyên nhân

Ung thư phổi cần được phát hiện và điều trị sớm để kéo dài thời gian sống sót.

  • Tăng áp động mạch phổi

Tăng áp động mạch phổi là một bệnh lý nghiêm trọng, xảy ra khi động mạch đưa máu từ bên phải của tim đến phổi bị co lại. Điều này làm gián đoạn lưu lượng máu, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi khí đến các mô, cơ và cơ quan trong cơ thể.

Khi động mạch và dòng chảy bị co lại, tim hoạt động liên tục và mạnh hơn để bơm máu đến phổi. Tình trạng này kéo dài dẫn đến suy tim và đe dọa tính mạng.

Ngoài đau ngực, tăng áp động mạch phổi còn gây khó thở, mất năng lượng, chóng mặt hoặc ngất xỉu, mạch đập nhanh hoặc nhịp tim không đều.

  • Thuyên tắc phổi

Thuyên tắc phổi có thể là nguyên nhân gây đau ngực trái. Bệnh lý này thể hiện cho sự hình thành của một cục máu đông trong phổi khiến lưu lượng máu và nồng độ oxy trong máu suy giảm. Từ đó làm hỏng một phần phổi và ảnh hưởng đến cơ quan khác.

Thuyên tắc phổi
Thuyên tắc phổi làm hỏng một phần phổi do cục máu đông bên trong làm ảnh hưởng đến lưu lượng máu

Đau ngực do thuyên tắc phổi thường đột ngột và sắc nét kèm theo đau lưng, khó thở, nhịp tim không đều, khạc ra máu và có cảm giác lâng lâng. Cục máu đông lớn có thể làm tăng nguy cơ tử vong.

Đau ngực trái có nguy hiểm không?

Người bệnh cần đến bệnh viện, tiến hành chẩn đoán và điều trị ngay khi bị đau ngực trái. Bởi cơn đau thường khởi phát từ những bệnh lý nghiêm trọng ở phổi và tim. Việc không điều trị có thể làm suy giảm chức năng của cơ quan nội tạng, ảnh hưởng đến quá trình cung cấp máu và oxy, giảm sức khỏe tổng thể và tăng nguy cơ tử vong.

Những trường hợp bị đau ngực trái do chấn thương hoặc trào ngược axit cũng cần sớm thăm khám và điều trị theo chỉ định. Điều này giúp bảo vệ các cơ quan lân cận bởi xương gãy có thể đâm thủng mô, mạch máu và cơ quan nội tạng. Tương tự, trào ngược axit cũng có thể làm tổn thương thực quản và hệ hô hấp.

Khi nào cần trợ giúp khẩn cấp

Người bệnh cần liên hệ trung tâm y tế nếu đau ngực trái không rõ nguyên nhân kèm theo những triệu chứng sau:

  • Khó thở
  • Đau nhức ở cánh tay, hàm, cổ, lưng hoặc bụng
  • Thắt chặt ngực hoặc có áp lực ở vùng ngực
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Suy nhược
  • Choáng váng
  • Chóng mặt

Chẩn đoán nguyên nhân gây đau ngực trái

Để chẩn đoán nguyên nhân gây đau ngực trái, người bệnh được kiểm tra bệnh sử, chấn thương, vị trí và mức độ đau, đặc điểm đau, các triệu chứng đi kèm. Ngoài ra bệnh nhân được xét nghiệm hình ảnh để chẩn đoán xác định nguyên nhân, đánh giá cơ quan bị thương và mức độ tổn thương. Từ đó có những phương pháp điều trị thích hợp nhất.

Chẩn đoán nguyên nhân gây đau ngực trái
Chẩn đoán nguyên nhân gây đau ngực trái dựa trên các triệu chứng và xét nghiệm hình ảnh

Kiểm tra chẩn đoán thường bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Để kiểm tra yếu tố gây viêm hoặc tình trạng nhiễm trùng, bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm nước tiểu.
  • Chụp X-quang ngực: Bệnh nhân được chụp X-quang vùng ngực để kiểm tra các cơ quan trong thành ngực. Cụ thể như tim, phổi, mạch máu, các mô… Điều này giúp xác định vị trí tổn thương và chẩn đoán xác định bệnh lý.
  • Điện tâm đồ: Điện tâm đồ (EKG) được thực hiện để đo hoạt động điện của hệ tim mạch.
  • Kiểm tra căng thẳng: Bệnh nhân có thể được yêu cầu thực hiện một bài kiểm tra căng thẳng trong khi tập thể dục. Điều này giúp xác định mức độ phản ứng của tim trong thời điểm cơ quan này hoạt động khó khăn nhất. Thông thường, bệnh nhân chạy bộ và kết nối điện tâm đồ khi kiểm tra. Biện pháp này giúp bác sĩ dễ dàng hơn trong việc theo dõi nhịp tim.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI được áp dụng để kiểm tra mô mềm, mạch máu và các bộ phận trong lồng ngực. Kỹ thuật này tạo ra hình ảnh chi tiết về cấu trúc giúp xác định tổn thương và phát hiện sự phát triển bất thường của các tế bào.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Kỹ thuật này thường được chỉ định để kiểm tra các cơ quan trong cơ thể. Ngoài ra chụp CT còn giúp đánh giá cặn canxi trong động mạch.
  • Siêu âm tim: Bệnh nhân được siêu âm tim để kiểm tra tim và van tim. Từ đó theo dõi hoạt động và đánh giá tổn thương của những bộ phận này.

Điều trị đau ngực trái

Điều trị đau ngực trái dựa trên nguyên nhân. Dưới đây là những biện pháp thường được áp dụng:

1. Điều trị đau ngực trái tại nhà

Biện pháp khắc phục tại nhà phù hợp với bệnh nhân bị đau ngực trái không thường xuyên do chấn thương (như căng cơ) hoặc các vấn đề về tiêu hóa. Những trường hợp nghiêm trọng cần được sử dụng thuốc kê đơn theo hướng dẫn của bác sĩ.

  • Nằm xuống

Khi cơn đau thắt ngực ập đến, người bệnh cần nằm xuống ngay lập tức, kê gối mềm để đầu nâng cao hơn cơ thể. Điều này có thể giúp giảm đau hiệu quả. Nghỉ ngơi và nằm nâng cao đầu đặc biệt phù hợp với bệnh nhân có cơn đau do trào ngược dạ dày thực quản.

  • Dùng đồ uống nóng

Dùng đồ uống nóng có thể giúp tăng cường tiêu hóa, loại bỏ khí giúp giảm đau do ợ hơi. Đặc biệt uống trà dâm bụt ấm có thể giúp giảm cholesterol và chất béo trung tính, giảm đau, hạ huyết áp, tăng cường sức khỏe tim mạch và hỗ trợ tiêu hóa.

Uống trà dâm bụt ấm
Uống trà dâm bụt ấm giúp tăng cường tiêu hóa, giảm đau, tăng cường sức khỏe tim mạch
  • Chườm lạnh

Bệnh nhân bị đau ngực trái do co thắt cơ vùng ngực nên chườm lạnh vào vùng ảnh hưởng mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 15 phút. Biện pháp này giúp giảm đau, sưng và viêm hiệu quả.

  • Uống giấm táo

Uống một muỗng canh giấm táo khi bị đau ngực hoặc trước bữa ăn có thể ngăn ngừa và giảm nhẹ đau ngực do trào ngược axit. Biện pháp này giúp giảm chứng ợ nóng, hỗ trợ tiêu hóa và phân hủy thức ăn. Giấm táo nên được uống cùng một cốc nước ấm để tăng độ an toàn và tính hiệu quả.

  • Hạnh nhân

Uống sữa hạnh nhân hoặc ăn một nắm hạnh nhân có thể giảm bớt các triệu chứng liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản. Chẳng hạn như ợ chua, đau nóng vùng thượng vị, đau ngực.

  • Nghệ

Nghệ chứa các hoạt chất có đặc tính chống viêm và giảm triệu chứng đau ngực. Khi dùng, hòa tan một thìa cà phê bột nghệ với 300ml sữa ấm. Các nghiên cứu cho thấy, uống sữa nghệ trước khi ngủ có thể ngăn ngừa và giảm đau hiệu quả.

  • Hít thở sâu và chậm

Người bệnh nên tập hít thở sâu và chậm, tập trung vào mỗi lần hít vào và thở ra. Khi hít vào và bụng đầy không khí, thở ra trong 4 nhịp đếm. Lặp lại liên tục cho đến khi nhịp thở của bạn chậm lại.

  • Thư giãn

Nếu bị đau ngực trái do rối loạn lo âu, người bệnh nhân áp dụng các kỹ thuật thư giãn gồm thư giãn cơ, liệu pháp hương thơm, ngồi thiền, du lịch hoặc thực hiện các sở thích khác. Điều này giúp cải thiện tâm trí, thư giãn cơ thể, giảm cơn hoảng loạn gây đau ngực. Ngoài ra sử dụng hoa oải hương hoặc tắm với nước ấm cũng là một cách thư giãn tuyệt vời.

Thư giãn
Thư giãn bằng cách ngồi thiền có thể điều chỉnh tâm trạng, giảm đau ngực trái do rối loạn lo âu

2. Dùng thuốc kê đơn

Hầu hết bệnh nhân bị đau ngực trái được điều trị bằng thuốc kê đơn. Tùy thuộc vào nguyên nhân, các thuốc dưới đây có thể được chỉ định:

  • Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh được dùng cho trường hợp viêm phổi hay viêm cơ tim do vi khuẩn. Hầu hết bệnh nhân được dùng kháng sinh toàn bộ ngay cả khi cảm thấy tốt hơn. Thuốc này có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, ngăn nhiễm trùng tái diễn trong tương lai.
  • Thuốc kháng virus/ nấm: Bệnh nhân bị viêm phổi do virus được dùng thuốc kháng virus để điều trị. Thuốc này hoạt động như kháng sinh, giúp tiêu diệt tác nhân gây bệnh. Nếu viêm phổi do nấm, bệnh nhân được dùng thuốc chống nấm để điều trị.
  • Aspirin: Nếu bị đau ngực, người bệnh có thể uống Aspirin theo hướng dẫn của bác sĩ. Đây là thuốc kháng viêm không steroid (NSAID). Thuốc có tác dụng giảm đau và trị viêm hiệu quả. Aspirin giúp ngăn ngừa và giảm đau tim ở những trường hợp ít nghiêm trọng.
  • Thuốc kháng axit: Nhóm thuốc này được dùng cho bệnh nhân bị đau ngực trái do trào ngực axit hoặc trào ngược dạ dày thực quản. Thuốc kháng axit có tác dụng ngăn ngừa axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản và hầu họng.
  • Nitroglycerin: Thuốc Nitroglycerin được dùng cho những bệnh nhân bị đau ngực trái liên quan đến đau thắt ngực. Thuốc này có tác dụng giảm tiêu thụ oxy cơ tim, giảm động mạch vành, tăng tuần hoàn. Từ đó ngăn ngừa và giảm chứng đau ngực hiệu quả.
  • Một số loại thuốc khác: Thuốc chống loãng máu, thuốc ổn định huyết áp, thuốc ổn định mức cholesterol, thuốc điều trị tiểu đường, thuốc chống trầm cảm.. được chỉ định dựa trên tình trạng và nguyên nhân gây đau ngực trái.

3. Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định cho bệnh nhân không đáp ứng với điều trị bảo tồn. Trong đó nong mạch (thủ thuật xâm lấn tối thiểu) được chỉ định cho bệnh nhân mắc chứng đau thắt ngực ổn định, tắc nghẽn động mạch.

Nong mạch
Nong mạch cho bệnh nhân bị đau thắt ngực ổn định do tắc nghẽn động mạch

Khi thực hiện, một quả bóng nhỏ được đặt bên trong động mạch, sau đó thổi phồng để mở rộng động mạch. Cuối cùng một cuộn dây lưới nhỏ (stent) được đặt trong động mạch giúp giữ cho lối đi thông thoáng.

Ngoài ra bệnh nhân cũng có thể được phẫu thuật để sửa chữa những động mạch bị tắc nghẽn, ghép nối động mạch vành hoặc loại bỏ bất thường ở phổi.

Phòng ngừa đau ngực trái

Một số biện pháp dưới đây có thể giảm nguy cơ đau ngực trái:

  • Duy trì cân nặng hợp lý. Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và luyện tập đúng cách nếu thừa cân.
  • Tránh hút thuốc lá.
  • Ngừng hoặc giảm uống rượu, thức uống chứa caffein.
  • Duy trì một chế độ ăn uống cân bằng với các loại thực phẩm lành mạnh. Đặc biệt nên tăng cường bổ sung các dưỡng chất tốt cho tim mạch và sức khỏe tổng thể gồm omega-3, vitamin A, vitamin C, vitamin D, canxi, magie, protein lành mạnh, chất chống oxy hóa.
  • Kiểm soát tâm trạng, giảm thiểu những nguồn căng thẳng. Thường xuyên ngồi thiền, tập yoga hoặc học cách ngăn chặn những suy nghĩ tiêu cực.
  • Duy trì thói quen tập thể dục với các bài tập và bộ môn thích hợp (yoga, đạp xe, ngồi thiền, thái cực quyền, bơi lội…). Luyện tập vừa sức, nghỉ giải lao giữa buổi tập, tránh gắng sức.

Người bệnh được khuyên thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm khi bị đau ngực trái. Bởi điều này khởi phát do nhiều nguyên nhân, thường liên quan đến những bệnh lý nghiêm trọng. Việc khám chữa bệnh sớm có thể kiểm soát tình trạng và ngăn ngừa rủi ro.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua