Đau Ngực
Đau ngực là một tình trạng nguy hiểm, không nên bỏ qua. Tình trạng này khởi phát do nhiều nguyên nhân, hầu hết đều nghiêm trọng. Cơn đau thường bắt đầu từ những vấn đề về cơ, xương và thần kinh ở vùng ngực. Tuy nhiên đau ngực cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý về tim, phổi, dạ dày và ruột.
Đau ngực là gì?
Đau ngực là tình trạng đau thắt hoặc nhói lên ở vùng ngực (từ cổ đến bụng trên), đau như dao đâm hoặc âm ỉ kéo dài. Cơn đau thường kèm theo cảm giác khó thở, thắt chặt, khó đứng hoặc ngồi thẳng. Đau ngực thường là triệu chứng của một vấn đề nghiêm trọng liên quan đến cơ, xương và thần kinh vùng ngực. Tuy nhiên cơn đau cũng có thể khởi phát từ các bệnh lý ở tim hoặc do một nguyên nhân đe dọa đến tính mạng.
Tùy thuộc vào nguyên nhân, cơn đau có tính chất, cường độ, khoảng thời gian và vị trí khác nhau. Người bệnh có thể đau âm ỉ kéo dài hoặc đau như dao đâm, đau kèm theo các biểu hiện khác (co thắt, khó thở, thở gấp…), đau ngắn hoặc dài hạn, đau ngực bên trái hoặc bên phải.
Bệnh nhân bị đau ngực được khuyên thăm khám và điều trị y tế ngay tức, áp dụng cho tất cả các nguyên nhân gây đau. Dựa trên tình trạng cụ thể, bênh nhân được điều trị với những phương pháp khác nhau.
Nguyên nhân gây đau ngực
Khi bị đau ngực, người bệnh thường nghĩ ngay đến những cơn đau tim. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng này khởi phát do nhiều nguyên nhân, có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân gây đau ngực được chia thành những nhóm sau:
1. Đau ngực liên quan đến cơ, xương hoặc thần kinh
Đau ngực có thể khởi phát từ những tổn thương ở cơ, xương hoặc dây thần kinh. Cụ thể:
- Căng cơ
Căng cơ vùng ngực thường xảy ra ở những người ho mạnh hoặc ho liên tục nhiều ngày, đột ngột xoắn/ vặn hoặc thay đổi tư thế. Điều này khiến gân và cơ giữa các xương sườn bị kéo căng quá mức hoặc bị rách. Từ đó dẫn đến tổn thương hoặc viêm kèm theo cảm giác đau nhói ở vùng ngực.
Đau do căng cơ thường xuất hiện đồng thời với biểu hiện co rút hoặc căng cứng ở ngực. Cơn đau thường nghiêm trọng hơn khi hoạt động.
- Gãy xương sườn
Chấn thương mạnh ở vùng ngực có thể gây bầm tím hoặc gãy xương sườn. Tình trạng này có thể bao gồm nứt/ gãy một hoặc nhiều xương sườn ở ngực. Những trường hợp nghiêm trọng có thể thấy đầu xương gãy di lệch, xuyên qua da hoặc đâm thủng cơ quan nội tạng, tổn thương dây thần kinh hoặc mạch máu.
Đau ngực do gãy xương sườn thường đột ngột, đau như dao đâm, đau kéo dài và tăng lên khi thở sâu hoặc hoạt động (vặn người, chạm vào vùng bị thương, cười, ho). Đau kèm theo sưng và vết bầm tím ở ngực.
- Bệnh giời leo (zona)
Bệnh giời leo (bệnh zona) xảy ra do vi-rút varicella zoster. Điều này làm tổn thương, gây viêm hoặc kích thích các dây thần kinh dọc theo khung xương sườn. Từ đó làm khởi phát cơn đau (được gọi là đau dây thần kinh liên sườn). Thông thường sau khi xâm nhập, vi-rút varicella zoster gây phát ban quanh bụng và ngực kèm theo cảm giác đau đớn dọc theo dây thần kinh.
2. Đau ngực liên quan đến vấn đề về tim
Đau ngực thường là dấu hiệu cảnh báo của những vấn đề về tim, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, viêm cơ tim… Những trường hợp này cần được điều trị y tế khẩn cấp để ngăn rủi ro.
- Bệnh động mạch vành (CAD)
Bệnh động mạch vành là một loại bệnh tim phổ biến. Bệnh lý này thể hiện cho tình trạng tắc nghẽn diễn ra trong các mạch máu của tim. Sự tắc nghẽn khiến lưu lượng máu và oxy đến tim suy giảm, làm phát sinh những cơn đau thắt ở ngực (tương tự như cảm giác ép chặt).
Đau ngực do bệnh động mạch vành thường lan rộng đến vai, cánh tay, hàm, đau lan ra sau lưng. Cơn đau có thể khởi phát khi tập thể dục, người bệnh đau khổ hoặc phấn khích quá mức. Đau thuyên giảm khi nghỉ ngơi. Bệnh động mạch vành cần được điều trị sớm để ngăn ngừa nhồi máu cơ tim.
- Nhồi máu cơ tim (đau tim)
Nhồi máu cơ tim là tình trạng suy giảm lưu lượng máu qua các mạch khiến các tế bào tim không được nuôi dưỡng và chết đi. Tình trạng này xảy ra khi động mạch vành (mạch máu cung cấp máu nuôi tim) bị tắc nghẽn đột ngột do cục huyết khối.
Dấu hiệu nhận biết nhồi máu cơ tim:
-
- Đau ngực nghiệm trọng
- Đau quặn thắt ở bên trái của ngực hoặc ở trung tâm. Cơn đau không thuyên giảm khi nghỉ ngơi
- Có cảm giác như bó chặt, chèn ép hoặc đè nặng ở ngực
- Buồn nôn
- Đổ mồ hôi
- Suy nhược nghiêm trọng
- Khó thở
Nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng. Vì thế bệnh nhân cần được sơ cứu và điều trị y tế ngay lập tức.
- Viêm cơ tim
Viêm cơ tim có thể gây đau ngực kèm theo mệt mỏi, khó thở, tim đập nhanh, sốt, đau cơ, đau họng, đau đầu. Bệnh lý này xảy ra khi cơ tim bị viêm do nhiễm virus. Thông thường cơ thể sản sinh tế bào chống lại virus để ngăn chặn sự xâm nhập. Tuy nhiên một số chất hóa học do tế bào tiết ra có thể xâm nhập vào tim dẫn đến viêm cơ tim.
- Viêm màng ngoài tim
Viêm màng ngoài tim có thể là nguyên nhân gây đau ngực. Bệnh lý này là tình trạng nhiễm trùng hoặc viêm các lớp của màng tim. Viêm màng ngoài tim gây ra những cơn đau nhói khó chịu (tương tự như đau thắt ngực). Tuy nhiên cơn đau không nhói thành từng cơn mà đều đặn.
Đau do viêm màng ngoài tim thường dữ dội ở ngực trái hoặc giữa ngực, đau có xu hướng nặng nề hơn khi nằm ngửa, nuốt thức ăn hoặc thở. Ngoài ra bệnh nhân còn gặp một số triệu chứng sau:
-
- Hồi hộp
- Sốt nhẹ
- Khó thở khi nằm
- Ho
- Phù chân hoặc báng bụng
- Cảm giác mệt mỏi, yếu ớt, uể oải
- Bệnh cơ tim phì đại
Bệnh cơ tim phì đại là tình trạng cơ tim dày lên bất thường, có tính di truyền. Bệnh lý này thường làm giảm lưu lượng máu ra khỏi tim dẫn đến những đợt đau nhói kèm theo khó thở, chóng mặt… Các triệu chứng khởi phát hoặc nghiêm trọng hơn khi vận động.
Khi cơ tim dày hơn hoặc rất dày, tim hoạt động liên tục và tích cực hơn để bơm máu. Điều này dẫn đến suy tim, đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
- Sa van hai lá
Đôi khi đau ngực là dấu hiệu cảnh báo sa van hai lá. Bệnh lý này là tình trạng van ở tim bất thường và không thể đóng lại đúng cách. Đau ngực do sa van hai lá thường kèm theo đánh trống ngực, đau ngực, chóng mặt, cơ thể mệt mỏi, hoa mắt, đau nửa đầu, rối loạn nhịp tim.
- Bóc tách động mạch vành
Bóc tách động mạch vành xảy ra khi động mạch vành xuất hiện vết rách. Điều này khiến bệnh nhân đau đớn đột ngột và dữ dội. Cơn đau thường kèm theo cảm giác rung trong ngực, tim đập nhanh, đau hàm, vai hoặc đau trong cánh tay.
3. Đau ngực liên quan đến vấn đề về phổi
Một số bệnh lý ở phổi có thể gây đau ngực. Cụ thể:
- Áp xe phổi hoặc nhiễm trùng phổi
Nhiễm trùng phổi (viêm phổi) là tình trạng vi khuẩn xâm nhập gây tổn thương nhu mô phổi. Điều này làm ảnh hưởng đến quá trình trao đổi khí, dẫn đến suy hô hấp và đe dọa tính mạng. Những trường hợp nặng hoặc nhiễm trùng phổi không điều trị có thể dẫn đến áp xe phổi (nhiễm trùng phổi hoại tử với tổn thương dạng hang chứa mủ).
Khi bị áp xe hoặc nhiễm trùng ở phổi, bệnh nhân thường có cảm giác đau ngực sâu, đau ngoài màng phổi. Cơn đau thường đột ngột và nặng nề. Đau kèm theo nhiều triệu chứng nhiễm trùng, chẳng hạn như ớn lạnh, sốt, khạc nhổ hoặc ho ra mủ, đau nhức cơ thể.
- Viêm màng phổi
Viêm màng phổi có thể là nguyên nhân gây đau ngực. Bệnh thể hiện cho tình trạng kích ứng hoặc viêm ở niêm mạc phổi và ngực. Viêm màng phổi thường gây đau nhói, tức ngực khi thở. Đau kèm theo các triệu chứng gồm:
-
- Sốt, cảm lạnh hoặc ớn lạnh
- Tức ngực râm ran khi hắt hơi, ho và hít thở sâu
- Thở nặng nhọc, khò khè
- Có cảm giác nặng ngực như bị kéo xuống
- Cơ thể xanh xao, mệt mỏi, thiếu sức sống
- Khó thở
- Ho ra máu
- Một số bệnh lý khác ở phổi
Một số bệnh lý khác ở phổi cũng có thể làm khởi phát một cơn đau ngực, bao gồm:
-
- Thuyên tắc phổi
- Tràn khí màng phổi
- Tăng áp động mạch phổi
- Hen suyễn
- COPD (hen suyễn tắc nghẽn mãn tính, viêm phế quản mãn tính và khí phế thũng)
4. Đau ngực liên quan đến dạ dày – ruột
Đôi khi đau ngực khởi phát do một số vấn đề ở dạ dày và đường ruột. Cụ thể:
- Vỡ hoặc thũng thực quản
Vỡ hoặc thũng thực quản khiến bệnh nhân đau ngực dữ dội và đột ngột. Tình trạng này thường xảy ra sau khi thực hiện một thủ thuật ở thực quản hoặc nôn mửa.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Những chất lỏng và thức ăn trong dạ dày di chuyển trở lại cổ họng được gọi là trào ngược dạ dày thực quản hay trào ngược axit. Điều này tạo cảm giác đau tức ở vùng thượng vị, nóng ở cổ họng và ngực, có vị chua trong miệng, buồn nôn, ợ hơi, ợ chua.
- Thực quản quá mẫn
Thực quản bị kích thích và đau đớn đột ngột khi tiếp xúc với axit hoặc có bất kỳ thay đổi nào liên quan đến áp suất. Cơn đau thường dữ dội ở vùng giữa ngực.
- Rối loạn co bóp thực quản
Đau ngực có thể xảy ra do một số rối loạn co bóp thực quản. Những rối loạn này thường bao gồm co thắt cơ không phối hợp và co thắt áp suất cao.
- Một số bệnh lý khác ở dạ dày – ruột
Ngoài những tình trạng nêu trên, đau ngực có thể xảy ra do một số bệnh lý khác ở dạ dày – ruột, cụ thể như:
-
- Loét dạ dày tá tràng
- Thoát vị Hiatal
- Viêm tụy gây đau ở ngực dưới, đau giảm khi nghiêng người, đau nặng hơn khi nằm thẳng
- Các vấn đề về túi mật (chẳng hạn như viêm túi mật)
Mức độ nguy hiểm của đau ngực
Đau ngực thường là dấu hiệu của những tình trạng nghiêm trọng. Cơn đau có thể khởi phát từ những vấn đề ở tim kèm theo cảm giác co thắt, khó thở, rối loạn nhịp tim, cơ thể suy nhược.
Ngoài ra đau ngực cũng khởi phát từ những vấn đề ở phổi hoặc gãy xương sườn. Đây đều là những bệnh lý nghiêm trọng, có khả năng đe dọa đến tính mạng. Vì thế bệnh nhân cần thăm khám ngay lặp tức nếu có bất kỳ cơn đau nào ở ngực.
Đôi khi đau ngực xảy ra do những nguyên nhân ít nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như căng cơ, bệnh zona gây đau thần kinh liên sườn, các vấn đề ở dạ dày và ruột. Những tình trạng này có thể được kiểm soát tốt bằng thuốc. Tuy nhiên việc thăm khám và điều trị sớm vẫn cần thiết để ngăn bệnh tiến triển làm phát sinh các vấn đề nghiêm trọng.
Đau ngực khi nào cần khám bác sĩ?
Tất cả các vấn đề, bệnh lý gây đau ngực đều được khuyên thăm khám và điều trị y tế sớm. Tuy nhiên người bệnh cần đến bệnh viện ngay lập tức nếu đau tức ngực nghiêm trọng, đau nhói và đột ngột kèm theo những vấn đề sau:
- Có cảm giác tức ngực, co thắt hoặc tăng áp lực lên ngực
- Đau quặn thắt ở bên trái của ngực hoặc ở trung tâm
- Cảm giác chèn ép hoặc đè nặng ở ngực
- Đau mới xảy ra, kéo dài hơn một vài phút, không rõ nguyên nhân
- Chóng mặt, hoa mắt
- Có cảm giác lâng lâng
- Mệt mỏi và suy nhược
- Đau cánh tay, đau lưng, đau hàm
- Khó thở
- Rối loạn nhịp tim
- Đau khi gắng sức
- Đau không giảm ngay cả khi nghỉ ngơi
- Đau bụng
- Buồn nôn
- Sốt cao, ớn lạnh
- Hồi hộp
- Ho
- Khó thở khi nằm
- Phù chân hoặc báng bụng
Ngoài ra bệnh nhân cũng cần đến bệnh viện ngay khi có chấn thương va đập mạnh vào ngực dẫn đến gãy xương sườn.
Chẩn đoán nguyên nhân gây đau ngực
Để chẩn đoán nguyên nhân gây đau ngực, người bệnh được yêu cầu mô tả cơn đau và biểu hiện đi kèm. Đồng thời liệt kê các loại thuốc đang dùng và tiền sử bệnh. Ngoài ra một số xét nghiệm được chỉ định để chẩn đoán hoặc đánh giá nguyên nhân, loại trừ những vấn đề liên quan đến tim.
Các xét nghiệm thường bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Đo nồng độ enzym, kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng hoặc viêm.
- Điện tâm đồ: Ghi lại dòng điện của tim, kiểm tra hoạt động của bộ phận này.
- Điện cơ: Kiểm tra cơ và dây thần kinh.
- X-quang ngực: Kiểm tra xương sườn, tim, phổi và mạch máu.
- Chụp MRI: Chụp cộng hưởng từ được chỉ định để tìm kiếm tổn thương ở động mạch chủ hoặc tim của bạn.
- Siêu âm tim: Dùng sóng siêu âm để thu về những hình ảnh liên quan đến chuyển động của trái tim.
- Chụp mạch: Kỹ thuật này được áp dụng để xác định sự tắc nghẽn trong những động mạch cụ thể.
- Kiểm tra thăng bằng: Kiểm tra thăng bằng được dùng để đo chức năng tim sau khi gắng sức.
Điều trị đau ngực
Điều trị đau ngực dựa vào nguyên nhân. Những trường hợp nhẹ có thể được hướng dẫn dùng thuốc hoặc biện pháp chăm sóc tại nha. Những trường hợp nặng hơn cần can thiệp ngoại khoa.
1. Biện pháp giảm đau tại nhà
Những trường hợp nhẹ, đau ngực do căng cơ có thể áp dụng một số biện pháp chăm sóc để cải thiện tình trạng.
- Nghỉ ngơi: Cơn đau thắt ở ngực có thể thuyên giảm khi nghỉ ngơi. Trong khi nghỉ ngơi, các mô bị thương được thả lỏng và thư giãn. Điều này giúp xoa dịu cơn đau, giảm cảm giác co thắt và tạo điều kiện cho tổn thương mau lành.
- Chườm lạnh: Đặt một túi chườm mát lên vùng bị căng cơ. Biện pháp này có tác dụng thư giãn, giảm viêm, sưng và đau. Đồng thời co mạch, giảm lượng máu lưu thông dẫn đến ứ huyết.
- Nâng cao vùng bị thương: Nâng cao vùng ngực và đầu trong khi nằm giúp hạn chế tình trạng chảy máu cục bộ vào cơ, giảm sưng. Đồng thời hỗ trợ giảm nhẹ cơn đau.
- Nén: Nếu bị gãy xương sườn (gãy xương kín/ nứt xương) hoặc căng cơ, người bệnh có thể nén vùng bị thương bằng băng thun. Biện pháp này giúp cố định xương gãy trong khi di chuyển đến bệnh viện, hỗ trợ cơ, hạn chế chấn thương thêm. Đồng thời giúp giảm nhẹ cơn đau và cho phép tổn thương được chữa lành.
- Dùng thuốc không kê đơn: Dùng thuốc giảm đau không kê đơn theo hướng dẫn của bác sĩ có thể hạn chế đau ngực. Một số loại thuốc như Ibuprofen và Acetaminophen giúp cắt giảm cơn đau, mang đến cảm giác dễ chịu cho người bệnh. Ngoài ra Ibuprofen còn có tác dụng kháng viêm.
2. Dùng thuốc kê đơn
Những loại thuốc kê đơn được chỉ định dựa trên nguyên nhân gây đau ngực và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Những loại thuốc thường được sử dụng gồm:
- Thuốc kháng axit: Thuốc kháng axit được dùng trong điều trị đau ngực do trào ngược axit, ợ chua, khó tiêu. Thuốc có tác dụng trung hòa lượng axit trong dạ dày. Từ đó giúp giảm đau.
- Thuốc chống trầm cảm: Loại thuốc này được sử dụng để khắc phục đau thắt ngực liên quan đến những cơn hoảng sợ. Thuốc có tác dụng an thần, cải thiện giấc ngủ và giảm đau.
- Thuốc giãn cơ: Thuốc giãn cơ được dùng để giảm đau ngực do căng cơ nghiêm trọng. Thuốc giảm đau bằng cách giảm co thắt và co cứng cơ.
- Thuốc giảm đau thần kinh: Một loại thuốc giảm đau thần kinh (chẳng hạn như Neurontin) được dùng trong điều trị bệnh zona gây đau dây thần kinh liên sườn. Thuốc có tác dụng ngăn chặn hoạt động và giảm đau do dây thần kinh bị tổn thương.
- Thuốc kháng virus/ kháng sinh: Nhóm thuốc này được dùng cho những bệnh nhân có cơ quan bị tổn thương do nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Thuốc có tác dụng ức chế và loại trừ tác nhân gây bệnh.
- Nitroglycerin: Thuốc Nitroglycerin là thuốc giãn mạch, được sử dụng trong điều trị đau thắt ngực liên quan đến tim (nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành). Thuốc được dùng khi bệnh nhân bị nghẽn mạch khiến một phần của tim không nhận đủ máu, bệnh nhân bị đau hoặc có cảm giác ép ở vùng ngực, đau lan rộng đến cổ, cánh tay và hàm dưới. Nitroglycerin làm giãn mạch máu và cơ trơn, tăng lượng oxy và máu đến tim.
3. Vật lý trị liệu
Những trường hợp bị đau ngực do chấn thương được vật lý trị liệu để phục hồi. Trong quá trình này, bệnh nhân được hướng dẫn bài tập kéo giãn để tăng cường sức mạnh, cải thiện chức năng cơ. Đồng thời giảm đau và phục hồi vận động. Ngoài ra vật lý trị liệu còn có tác dụng cải thiện lưu thông máu, ngăn ngừa teo cơ và co thắt sau chấn thương.
4. Can thiệp ngoại khoa
Bệnh nhân có thể được thông tim (đặt stent) để mở các động mạch bị tắc, giúp máu lưu thông về tim dễ dàng. Ngoài ra bệnh nhân được phẫu thuật nếu gãy xương sườn làm tổn thương mô lân cận, ghép động mạch vành, loại bỏ áp xe phổi… Tùy thuộc vào tình trạng các phương pháp can thiệp sẽ khác nhau.
Đau ngực là một tình trạng nghiêm trọng, thường khởi phát từ các bệnh lý nguy hiểm, chẳng hạn như các vấn đề ở tim, phổi, gãy xương sườn. Chính vì thế nếu có nghi ngờ đau tim hoặc đau thắt, đau dữ dội ở vùng ngực, người bệnh cần nhanh chóng di chuyển đến bệnh viện để tiến hành xử lý. Điều này giúp ngăn ngừa các vấn đề nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!