Đau Vùng Mông Gần Xương Cụt Là Bị Gì? Cách Điều Trị
Đau vùng mông gần xương cụt có thể gây ê ẩm ở thắt lưng, hông và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Hầu hết các trường hợp này liên quan đến lối sống không phù hợp hoặc thói quen xấu, tuy nhiên người bệnh cần xác định nguyên nhân dẫn đến các cơn đau này để có kế hoạch xử lý phù hợp.
Đau vùng mông gần xương cụt là bị gì?
Xương cụt là một xương có hình tam giác nhỏ ở dưới cùng của cột sống và phía trên khe hở của mông. Đau xương cụt là thể liên quan đến các thói quen xấu, chấn thương hoặc các bệnh lý liên quan đến gân, cơ và dây chằng kết nối với xương cụt.
Trong trường hợp người bệnh bị đau vùng mông gần xương cụt, cơn đau có thể liên quan đến các chấn thương bên ngoài (té ngã, gãy lệch) hoặc các chấn thương bên trong (sinh con hoặc nhiễm trùng) gây ra. Ngoài ra, trong một số trường hợp, nguyên nhân không được xác định.
Mặc dù các nguyên nhân thường không rõ ràng, tuy nhiên đau vùng mông gần xương cụt có thể liên quan đến một số tình trạng như:
1. Té ngã
Té ngã va chạm vào vùng mông xung quanh xương cụt là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến các cơn đau ở khu vực này. Nếu bị ngã mạnh, khu vực mông và xương cụt có thể bị bầm tím, gãy xương hoặc trật khớp (lệch khỏi vị trí ban đầu) hoặc dẫn đến viêm xương cụt.
Thông thường tình trạng ngã dập mông gây đau xương cụt không nghiêm trọng, tuy nhiên người bệnh nên đến bệnh viện nếu gặp một số dấu hiệu như:
- Tê hoặc ngứa ran;
- Yếu ở chân;
- Có vấn đề về ruột và bàng quang.
Nếu cơn đau không nghiêm trọng, hãy dành thời gian để nghỉ ngơi và hồi phục. Các loại thuốc giảm đau không kê đơn cũng có thể mang lại hiệu quả cải thiện cơn đau nhanh chóng. Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng các đệm kê mông và gối mềm khi ngồi để cải thiện các triệu chứng.
2. Căng thẳng lặp lại thường xuyên
Thường xuyên chơi một số môn thể thao có các động tác lặp lại thường xuyên, chẳng hạn như chèo thuyền và đạp xe, đòi hỏi người chơi cần liên tục ngã người ra phía sau và kéo căng cột sống. Các chuyển động lặp lại thường xuyên này có thể làm căng các mô ở xung quanh xương cụt và dẫn đến đau đớn.
3. Mang thai và sinh con
Khi mang thai ở ba tháng giữa của thai kỳ, cơ thể người phụ nữ sẽ tiết ra hormone làm mềm khu vực ở giữa xương cụt và xương cùng. Điều này giúp xương cụt có thể di chuyển trong một không gian cần thiết để hỗ trợ quá trình sinh nở. Đây là một quá trình hoàn toàn tự nhiên và cần thiết để người phụ nữ sinh nở thuận lợi hơn.
Tuy nhiên quá trình này có thể kéo căng các cơ và dây chằng xung quanh xương cụt ra quá xa, dẫn đến đau vùng mông gần xương cụt. Sự căng thẳng này có thể dẫn đến tổn thương các mô mềm ở vùng mông, khiến xương cụt mất đi sự nâng đỡ bình thường và dễ bị chấn thương hơn.
4. Cân nặng không hợp lý
Béo phì sẽ khiến trọng lượng tăng thêm gây áp lực lên xương cụt. Điều này có thể khiến xương cụt ngã về phía sau, lệch ra khỏi vị trí ban đầu, dẫn đến đau các mô mềm ở mông.
Trong khi đó, thiếu cân cũng có thể làm tăng nguy cơ đau vùng mông gần xương cụt. Nếu không có đủ chất béo ở mông, xương cụt có thể cọ xát với cơ, dây chằng và gân, điều này dẫn đến đau mông hoặc các mô mềm khác ở gần xương cụt. Ngoài ra, đôi khi sự cọ xát này có thể gây viêm các mô mềm và khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.
Để cải thiện các triệu chứng đau mông liên quan đến cân nặng, người bệnh có thể lưu ý một số vấn đề như:
- Sử dụng gối mềm khi ngồi;
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh vào vị trí đau;
- Thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen, acetaminophen hoặc aspirin.
5. Chỗ ngồi không phù hợp
Thường xuyên ngồi tại một vị trí không phù hợp, chẳng hạn như trên một bề mặt cứng, hẹp, có thể dẫn đến đau vùng mông gần xương cụt. Trong trường hợp các bề mặt ngồi gồ ghề, có thể khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn hoặc dẫn đến đau thắt lưng, đau hông hoặc đau vai gáy do cơ thể không cân bằng.
Nếu cần ngồi thường xuyên ở các vị trí kém, bạn nên thường xuyên đứng dậy, vươn vai, đi bộ ngắn hoặc thực hiện một số động tác kéo giãn cột sống để hạn chế các cơn đau.
Tuy nhiên tốt nhất, hãy tìm một chỗ ngồi bằng phẳng, rộng rãi và có thể di chuyển hông tốt hơn. Ngoài ra, sử dụng các đệm ngồi hoặc ghế có đệm để hỗ trợ ngăn ngừa tình trạng đau vùng mông ở gần xương cụt.
Ngoài ra để ngăn ngừa tình trạng đau mông gần xương cụt khi ngồi, bạn nên lưu ý một số vấn đề như:
- Ngồi thẳng
- Giữ lưng tựa vào ghế
- Giữ đầu gối ngang hàng với hông
- Giữ chân chạm sàn nhà
- Thư giãn vai
6. Tính chất nghề nghiệp
Một số nghề nghiệp yêu cầu ngồi lâu, ít được vận động, tư thế ngồi cố định, chẳng hạn như thợ may, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên bán hàng, thường khiến máu khó lưu thông đến phần thân dưới của cơ thể. Điều này có thể dẫn đến tắc nghẽn máu tại một số vị trí nhất định và tăng nguy cơ gây đau mông ở xung quanh xương cụt.
7. Các bệnh lý gây đau vùng mông gần xương cụt
Mặc dù không phổ biến, tuy nhiên có một số bệnh lý có thể dẫn đến tình trạng đau mông ở gần xương cụt. Các bệnh lý này thường bao gồm:
- Bệnh đường tiết niệu chẳng hạn như viêm thận cấp hoặc mạn, sỏi thận, có khối u ở đường tiết niệu;
- Viêm xương cụt hoặc viêm các mô mềm xung quanh xương cụt có thể dẫn đến đau thắt lưng lan xuống mông, nóng rát, đỏ, sưng ở khu vực xung quanh xương cụt;
- Các bệnh lý viêm khớp khác như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm;
- Bệnh phụ khoa, nam khoa, tổn thương ở tử cung và bộ phận sinh dục cũng có thể dẫn đến đau mông ở gần xương cụt;
- Thiếu canxi sẽ dẫn đến yếu xương, loãng xương, dễ bị tổn thương và phát sinh các cơn đau ở xương cụt và các mô mềm xung quanh.
- Táo bón và bệnh trĩ kéo dài dẫn đến áp lực xung quanh vùng mông, trực tràng, xương cụt và dẫn đến đau đớn;
- Ung thư xương hoặc ung thư di căn xương cũng có thể dẫn đến đau vùng mông ở gần xương cụt. Tuy nhiên trường hợp này rất hiếm khi xảy ra.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, tình trạng đau mông gần xương cụt có thể là do bẩm sinh, di truyền và thoái hóa liên quan đến tuổi tác.
Cảm giác đau vùng mông gần xương cụt
Các đặc trưng và biểu hiện của tình trạng đau vùng mông gần xương cụt thường bao gồm:
- Đau nhức hoặc đau xuyên thấu ở xương cụt;
- Đau nhiều hơn khi di chuyển từ tư thế ngồi sang đứng;
- Đau nghiêm trọng hơn khi ngồi lâu;
- Đau khi đi đại tiện;
- Đau khi quan hệ tình dục.
Ngoài ra, tình trạng này có thể dẫn đến một số dấu hiệu liên quan khác, chẳng hạn như:
- Phiền muộn;
- Lo âu;
- Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ, ngủ không ngon giấc;
- Đau thắt lưng lan xuống gần mông;
- Nhức mỏi mông và khu vực xung quanh.
Đau mông vùng xương cụt có nguy hiểm không?
Hầu hết các trường hợp đau mông ở gần xương cụt không nghiêm trọng và có thể tự cải thiện với các biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên đôi khi các triệu chứng này có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân cần điều trị y tế, chẳng hạn như gãy xương và trật khớp.
Nếu cơn đau kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp. Ngoài ra, người bệnh cũng nên đến bệnh viện ngay lập tức nếu nhận thấy các dấu hiệu như:
- Đau lưng dữ dội
- Tê hoặc ngứa ran ở một bên cơ thể
- Mất kiểm soát ruột hoặc bàng quang
- Yếu chân hoặc tay
- Tê
Nếu không rõ nguyên nhân gây đau mông hoặc khi cơn đau xuất hiện đột ngột, hãy thông báo với bác sĩ. Bác sĩ có thể đề nghị các kiểm tra, xét nghiệm phù hợp để cải thiện các triệu chứng.
Xác định tình trạng đau mông gần xương cụt như thế nào?
Phần lớn các nguyên nhân gây đau vùng mông ở gần xương cụt được xác định bằng cách dựa trên tiền sử bệnh và khám sức khỏe.
Bác sĩ có thể đề nghị kiểm tra toàn bộ cột sống, dây thần kinh và các mô mềm để xác định nguyên nhân gây đau. Ngoài ra, trực tràng cũng có thể cần được kiểm tra để xác định bệnh trĩ và các vấn đề đường tiêu hóa khác.
Bác sĩ có thể đưa ngón tay vào trực tràng để cảm nhận khu vực xương cụt. Kiểm tra này được thực hiện để xác định tình trạng trật khớp hoặc gãy xương dẫn đến đau vùng mông.
Người bệnh cũng có thể cần chụp X – quang để xác định tình trạng gãy xương hoặc trật khớp. Tuy nhiên đôi khi chụp X – quang có thể không xác định được các tổn thương. Một số bác sĩ có thể đề nghị chụp X – quang ở tư thế đứng và ngồi để xác định rõ hơn tình trạng trật khớp hoặc gãy xương.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể tiêm thuốc gây tê vào vùng xương cụt để xác định các nguồn đau khác từ cột sống.
Đau vùng mông gần xương cụt phải làm sao?
Tùy thuộc vào nguyên nhân và các yếu tố liên quan, tình trạng đau mông ở gần xương cụt được điều trị như sau:
1. Các biện pháp khắc phục tại nhà
Tình trạng đau vùng mông ở gần xương cụt thường được điều trị tại nhà nhằm mục đích kiểm soát cơn đau và tránh gây kích ứng lên khu vực này. Cụ thể các biện pháp bao gồm:
- Tránh ngồi một chỗ trong thời gian dài. Khi ngồi nên tránh các bề mặt cứng, ngồi cần bằng ở hai bên mông hoặc ngồi luân phiên giữa hai mông. Ngoài ra, hãy nghiêng người về phía trước để tránh trọng lượng chèn ép gây gây đau xương cụt.
- Đối với các chấn thương, té ngã hoặc va chạm vào xương cụt, người bệnh có thể chườm đá vào vùng xương cụt trong 15 – 20 phút mỗi lần, 3 – 4 lần mỗi ngày, kéo dài vài ngày sau chấn thương.
- Sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như aspirin hoặc ibuprofen để giảm đau và cải thiện khả năng di chuyển. Tuy nhiên bệnh nhân bệnh thận, có tiền sử xuất huyết tiêu hóa hoặc đang sử dụng thuốc làm loãng máu không được sử dụng NSAID.
- Mua các loại đệm ngồi hoặc gối mềm để giảm đau. Có một loại đệm gọi là “doughnut pillow”, là một chiếc đệm mềm, có lỗ ở giữa để ngăn xương cụt tiếp xúc với mặt phẳng và hạn chế cơn đau.
- Bổ sung nhiều chất xơ và uống nhiều nước để làm mềm phân cũng như tránh táo bón.
2. Điều trị y tế
Bên cạnh các biện pháp điều trị tại nhà, bác sĩ có thể đề nghị một số biện pháp y tế để giảm đau. Ngoài ra, trong các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể cần phẫu thuật.
Các biện pháp điều trị y tế có thể bao gồm:
- Sử dụng thuốc giảm đau theo toa của bác sĩ;
- Thuốc làm mềm phân để chống táo bón;
- Tiêm thuốc gây tê cục bộ vào mông và xương cụt nếu cơn đau nghiêm trọng;
- Phẫu thuật cắt bỏ trong các trường hợp cực kỳ nghiêm trọng và không đáp ứng các phương pháp điều trị khác.
Sau khi điều trị tình trạng đau vùng mông ở gần xương cụt, người bệnh cần theo dõi cơn đau và các triệu chứng liên quan để có kế hoạch xử lý phù hợp. Những người bị đau vùng mông gần xương cụt mạn tính cần điều trị y tế có thể cần theo dõi bởi nhân viên y tế để tránh các rủi ro không mong muốn.
Hầu hết các trường hợp đau mông gần xương cụt đều có thể thuyên giảm trong vài tuần sau chấn thương nếu được chăm sóc phù hợp. Đối với các trường hợp khó chịu mãn tính, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được chẩn đoán và có kế hoạch quản lý cơn đau hiệu quả hơn.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!