Loãng Xương

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Lê Hữu Tuấn | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Loãng xương là bệnh lý rất phổ biến hiện nay, không chỉ gặp ở người cao tuổi mà nhiều người trẻ cũng có nguy cơ mắc bệnh. Tình trạng giảm mật độ và chất lượng xương có thể gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng. Cần sớm thăm khám, xác định nguyên nhân để có giải pháp khắc phục đúng đắn và kịp thời.

Loãng xương là bệnh gì?

Loãng xương (Osteoporosis) là tình trạng rối loạn chuyển hóa của xương. Đặc trưng bởi sự suy giảm mật độ cũng như chất lượng xương. Điều này sẽ dẫn tới tổn thương về độ chắc của xương và làm tăng nguy cơ bị gãy xương (thường xảy ra nhất ở cổ tay, hông hay cột sống).

Bên trong xương lành sẽ có những khoảng nhỏ, hình dạng giống như tổ ong. Loãng xương xảy ra sẽ làm tăng kích thước của các khoảng trống này. Từ đó khiến xương bị mất mật độ và sức mạnh, sẽ ngày càng suy yếu đi.

Bệnh lý xương khớp này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên nó phổ biến hơn ở những người lớn tuổi, đặc biệt là ở phụ nữ. Số liệu thống kê cho thấy, có khoảng hơn 53 triệu người Hoa Kỳ bị loãng xương hay có nguy cơ cao mắc bệnh này.

Ở Việt Nam, theo ước tính, số người mắc bệnh loãng xương hiện tại có khoảng hơn 3.2 triệu người. Trong đó có tới hơn 2.4 triệu phụ nữ. Có trên 190.000 trường hợp bị gãy xương do loãng xương. Riêng gãy xương hông ở vào khoảng 29.000 trường hợp, còn phụ nữ trên 50 tuổi gặp tình trạng gãy lún đốt sống chiếm khoảng gần 23%.

Hằng năm, số người bị loãng xương ở Việt Nam đang ngày càng có xu hướng tăng lên. Nhiều phụ nữ còn khá trẻ nhưng vẫn phát hiện mắc phải bệnh lý này. Theo dự báo từ các nhà nghiên cứu, đến năm 2030 thì nước ta sẽ có khoảng hơn 4.5 triệu người mắc bệnh loãng xương. Trong số này thì nữ giới chiếm khoảng từ 70 đến 80%.

Căn cứ vào nguyên nhân, các chuyên gia chia loãng xương thành 2 loại. Cụ thể như sau:

– Loãng xương nguyên phát:

Đây là loại loãng xương do tuổi tác hay tình trạng mãn kinh ở nữ giới. Ngoài ra không tìm thấy bất cứ nguyên nhân nào khác. Cơ chế là do quá trình lão hóa gây ra tình trạng mất cân bằng giữa quá trình tạo xương và hủy xương. Loãng xương nguyên phát bao gồm 2 tuýp:

  • Loãng xương nguyên phát tuýp 1 (sau mãn kinh)
  • Loãng xương nguyên phát tuýp 2 (do tuổi già)
Bệnh loãng xương đặc trưng bởi mật độ và chất lượng xương suy giảm
Bệnh loãng xương đặt trưng bởi mật độ và chất lượng xương suy giảm

– Loãng xương thứ phát:

Đây là tình trạng loãng xương có liên quan đến một số bệnh mãn tính hay bắt nguồn từ việc dùng một số loại thuốc. Các nguyên nhân gây ra loãng xương thứ phát phát có thể là:

  • Các bệnh nội tiết
  • Bệnh tiêu hóa
  • Bệnh ung thư
  • Bệnh khớp
  • Bệnh di truyền
  • Dùng corticoid, heparin hay thuốc lợi tiểu kéo dài

Nguyên nhân gây bệnh loãng xương

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh loãng xương, đặc biệt là khiến cho đối tượng mắc bệnh lý này đang ngày càng trẻ hóa. Dưới đây là một số nguyên nhân chính:

Các nguyên nhân không thể thay đổi

Dưới đây là một số nguy cơ gây loãng xương nằm ngoài sự kiểm soát của bạn:

  • Giới tính: Số liệu thống kê ghi nhận, nữ giới có nhiều khả năng bị loãng xương hơn là nam giới.
  • Tuổi tác: Trên thực tế, càng cao tuổi thì nguy cơ mắc bệnh lý này sẽ càng tăng lên.
  • Chủng tộc: Những người gia trắng hoặc người gốc châu Á được ghi nhận là có nguy cơ bị loãng xương cao hơn.
  • Thể trạng: Tầm vóc thấp bé, khung hình cơ thể nhỏ cũng được cho là một trong những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được có liên quan tới nguy cơ mắc bệnh loãng xương.
  • Yếu tố di truyền: Những người bị tiền sử gia đình bị gãy xương hay loãng xương cũng có nguy cơ gia tăng. Các chuyên gia cho biết, hệ số di truyền của vết gãy và mật độ khoáng xương thấp dao động từ 25 – 80%. Và có tới ít nhất 30 gen liên quan đến sự phát triển của bệnh loãng xương.
Người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao nhất
Người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao nhất

Mức độ hormone

Bệnh loãng xương sẽ phổ biến hơn ở những người có quá nhiều hay quá ít một số loại nội tiết tố bên trong cơ thể. Phải kể đến như:

  • Nội tiết tố sinh dục: Nồng độ hormone sinh dục giảm sẽ có xu hướng làm xương yếu đi. Đặc biệt là sự suy giảm nồng độ estrogen ở nữ giới tại thời kỳ mãn kinh được cho là yếu tố nguy cơ lớn nhất làm phát triển bệnh loãng xương. Đàn ông thường bị giảm dần nồng độ testosterone khi họ già đi. Đồng thời phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt cũng sẽ làm giảm nồng độ hormone này.
  • Các vấn đề về tuyến giáp: Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, quá nhiều hormone tuyến giáp có thể gây ra tình trạng mất xương. Điều này thường xảy ra khi tuyến giáp hoạt động quá mức. Ngoài ra việc bạn sử dụng quá nhiều thuốc hormone tuyến giáp để điều trị nhược giáp cũng có thể là lý do.
  • Các tuyến khác: Ngoài tuyến giáp và tuyến sinh dục thì tình trạng loãng xương cũng có thể liên quan tới một số tuyến khác. Đặc biệt là sự hoạt động quá mức của tuyến cận giáp và tuyến thượng thận.

Ảnh hưởng từ chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống đóng vai trò đặc biệt quan trọng với sức khỏe tổng thể nói chung và sức khỏe xương khớp nói riêng. Một số vấn đề trong chế độ ăn uống có thể làm tăng nguy cơ loãng xương, bao gồm:

  • Lượng canxi thấp: Thiếu canxi trong chế độ ăn uống có thể làm giảm mật độ xương, mất xương sớm. Thậm chí là làm tăng nguy cơ bị gãy xương.
  • Rối loạn ăn uống: Thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, thiếu dưỡng chất có thể gây ra tình trạng suy yếu xương ở cả nam và nữ giới.
  • Giải phẫu tiêu hóa: Phẫu thuật làm giảm kích thước dạ dày hay cắt bỏ 1 phần ruột có thể hạn chế diện tích bề mặt hấp thụ dưỡng chất, bao gồm cả canxi. Từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp.
Ăn uống kém lành mạnh cũng có thể thúc đẩy quá trình giảm mật độ xương
Ăn uống kém lành mạnh cũng có thể thúc đẩy quá trình giảm mật độ xương

Vấn đề bệnh lý khác

Nguy cơ loãng xương được ghi nhận là cao hơn ở những người mắc phải một số bệnh lý khác. Bao gồm:

Lối sống kém lành mạnh

Một số thói quen xấu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương ở nhiều người. Bao gồm:

  • Uống rượu bia quá mức: Thường xuyên tiêu thụ các loại thức uống có cồn mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Các thức uống này không chỉ gây cản trở quá trình hấp thụ canxi của cơ thể mà còn gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng khác.
  • Lối sống ít vận động: Những người dành quá nhiều thời gian ngồi, ít vận động có nguy cơ bị loãng xương cao hơn những người hoạt động nhiều. Bởi thói quen lười vận động khiến cho xương khớp bị co cứng, kém linh hoạt. Đồng thời cản trở quá trình tái tạo.
  • Hút thuốc lá: Nguyên nhân chính xác của thuốc lá đối với bệnh loãng xương hiện vẫn chưa được đề cập rõ ràng. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu đã chứng minh, việc hút thuốc lá thường xuyên góp phần làm xương yếu đi.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Sử dụng kéo dài các loại thuốc corticosteroid uống hay tiêm, điển hình như prednisone và cortisone cũng có thể gây cản trở quá trình tái tạo xương. Ngoài ra, loãng xương có thể còn liên quan đến việc sử dụng thuốc chống co giật, thuốc điều trị trào ngược dạ dày, ung thư…
Những người có thói quen hút thuốc lá thường xuyên thì nguy cơ mắc bệnh loãng xương thường cao hơn
Những người có thói quen hút thuốc lá thường xuyên thì nguy cơ mắc bệnh loãng xương thường cao hơn

Triệu chứng bệnh loãng xương

Dấu hiệu nhận biết loãng xương qua cơn đau

  • Tình trạng đau nhức xảy ra tại các đầu xương
  • Đau nhiều ở các vị trí phải chịu áp lực từ cơ thể
  • Xuất hiện cơn đau lưng cấp, đau cả khi nghỉ ngơi
  • Đau dây thần kinh tọa, đau dây thần kinh liên sườn
  • Cơn đau nặng nề khi xoay người đột ngột, lao động nặng

Dấu hiệu nhận biết qua bất thường về xương

  • Chiều cao đột ngột giảm, dáng đi khom, dễ gù lưng
  • Suy giảm mật độ xương khiến các xương bị xẹp lún
  • Cột sống bị xẹp lún gây ra sự chèn ép dây thần kinh
  • Kèm theo giãn tĩnh mạch, cao huyết áp, thoái hóa khớp
  • Loãng xương ở giai đoạn nặng có biểu hiện dễ gãy xương

Bệnh loãng xương có nguy hiểm không?

Bệnh loãng xương diễn tiến âm thầm nhưng lại tiềm ẩn nhiều hậu quả nguy hiểm. Theo thống kê có khoảng 75% người bệnh gãy xương đùi ở phụ nữ và 25% ở đàn ông trên 50 tuổi là do loãng xương. Gãy xương gây đau đớn, biến dạng xương, mất khả năng vận động, lao động, giảm tuổi thọ, gánh nặng cho gia đình, xã hội. Một số biến chứng, nguy cơ mà người bệnh loãng xương có thể gặp phải gồm:

  • Loãng xương dễ nhầm lẫn, chỉ phát hiện được khi bệnh có biến chứng
  • Tăng nguy cơ rất dễ bị rạn xương, nứt xương hay thậm chí là gãy xương
  • Xương cột sống, cẳng chân, đùi, cẳng tay, cánh tay bị ảnh hưởng nhiều
  • Gãy xương cổ tay, đùi, khớp háng, cột sống là biến chứng thường gặp
  • Biến chứng viêm phổi, tắc mạch chi… khi bị gãy xương do loãng xương
  • Người bệnh chịu nhiều đau đớn, bất tiện trong các sinh hoạt, lao động
  • Biến dạng xương, gù lưng, giảm chiều cao, ảnh hưởng đến thẩm mỹ
  • Biến chứng lún xương cột sống, cong ống chân, cong vẹo cột sống

Cách chẩn đoán bệnh loãng xương

Có nhiều yếu tố để bác sĩ căn cứ chẩn đoán bệnh loãng xương. Trong đó, căn cứ vào triệu chứng lâm sàng cùng kết quả của các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết được cho là các yếu tố chính. Ngoài ra bác sĩ còn căn cứ vào chẩn đoán phân biệt, dựa vào các tiêu chuẩn chẩn đoán…

Dựa vào triệu chứng lâm sàng

Như đã đề cập, loãng xương là bệnh có tiến triển âm thầm. Hầu hết các trường hợp đều không có triệu chứng lâm sàng đặc trưng. Bệnh thường chỉ biểu hiện rõ ràng khi đã có biến chứng. Bao gồm:

  • Đau ở các đầu xương, đau lưng cấp và mãn tính.
  • Biến dạng cột sống: Thường là gù, vẹo cột sống, giảm chiều cao do thân đốt sống bị gãy.
  • Gãy xương: Thường gặp nhất ở đầu dưới xương quay, gãy các đốt sống, gãy xương đùi. Tình trạng này có thể xuất hiện sau các chấn thương hay va chạm rất nhẹ.
  • Đau ngực, khó thở… do bệnh ảnh hưởng tới lồng ngực cùng các thân đột sống.
Bác sĩ có thể căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng để phục vụ công tác chẩn đoán bệnh loãng xương
Bác sĩ có thể căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng để phục vụ công tác chẩn đoán bệnh loãng xương

Các dấu hiệu cận lâm sàng

Bệnh loãng xương sẽ được xác định thông qua sự suy giảm của mật độ và chất lượng xương. Do vậy, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện một số kỹ thuật cận lâm sàng nhất định. Cụ thể như sau:

  • X-quang quy ước: Hình ảnh các xương dài thường bị giảm độ dày vỏ xương khiến cho ống tủy rộng ra. Hình ảnh đốt sống tăng thấu quang và có biến dạng ở thân đốt sống.
  • Đo khối lượng xương (BMD): Thường áp dụng phương pháp đo hấp thụ tia X năng lượng kép. Thực hiện ở một số vị trí trung tâm như cột sống thắt lưng, xương vùng khớp háng. Điều này giúp chẩn đoán loãng xương và đánh giá mức độ bệnh cũng nguy cơ gãy xương. Đồng thời phục vụ công tác theo dõi điều trị.
  • Đo khối lượng xương ở ngoại vi: Có thể dùng phương pháp DXA, siêu âm… để đo khối lượng xương ở gót chân, ngón tay. Nhằm mục đích tầm soát bệnh loãng xương trong cộng đồng.
  • Một số phương pháp khác: Điển hình như phương pháp chụp cộng hưởng từ MRI hay CT Scan cũng có thể được dùng để đánh giá khối lượng xương. Nhất là ở cột sống hay cổ xương đùi.

Ngoài ra, trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể định lượng các marker hủy xương và tạo xương. Điều này giúp đánh giá tốt hơn đáp ứng điều trị.

Chẩn đoán xác định

Để đưa ra chẩn đoán xác định, các bác sĩ thường sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn chẩn đoán loãng xương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được công bố năm 1994. Tiến hành đo mật độ xương tại vị trí cột sống thắt lưng và cổ xương đùi theo phương pháp DXA:

  • Xương bình thường: T-score dưới – 1SD trở lên.
  • Thiếu xương: T-score dưới – 1SD tới -2.5SD.
  • Loãng xương: T-score dưới -2.5SD.
  • Loãng xương nặng: T-score dưới -2.5SD kèm theo tiền sử hay hiện tại có gãy xương.

Một số trường hợp không có điều kiện để đo mật độ xương thì có thể đưa ra chẩn đoán xác định loãng xương khi đã có biến chứng gãy xương dựa vào các triệu chứng lâm sàng và kết quả chụp X-quang.

Ngoài ra, bác sĩ còn có thể dựa vào một số yếu tố sau để đưa ra chẩn đoán xác định:

  • Các yếu tố tiên lượng quan trọng: Giới tính nữ, tuổi cao, tiền sử gãy xương, khối lượng xương thấp, hút thuốc, sử dụng thuốc tây, nguy cơ té ngã…
  • Các mô hình tiên lượng dự bão nguy cơ gãy xương: Được sử dụng nhiều nhất là mô hình FRAX của Tổ chức Y tế Thế giới và mô hình NGUYEN của viện Garvan – Úc.
  • Chẩn đoán phân biệt: Thường với ung thư di căn xương, các bệnh ác tính của cơ quan tạo máu, bất toàn tạo xương, xương thủy tinh…

Giải pháp điều trị bệnh loãng xương

Các khuyến nghị điều trị loãng xương thường được xây dựng dựa theo ước tính về nguy cơ gãy xương trong 10 năm tới. Thường phải kiểm tra mật độ xương để ước tính nguy cơ này.

Tùy thuộc vào mức độ bệnh mà có thể áp dụng các phương pháp điều trị loãng xương phù hợp
Tùy thuộc vào mức độ bệnh mà có thể áp dụng các phương pháp điều trị loãng xương phù hợp

Trường hợp nguy cơ không cao thì có thể tập trung vào việc điều chỉnh các yếu tố nguy cơ gây mất xương và té ngã. Tuy nhiên nếu nguy cơ cao thì tốt nhất nên sử dụng thuốc theo chỉ định từ bác sĩ.

Dùng thuốc Biophosphonat

Trường hợp người bệnh có nguy cơ bị gãy xương do loãng xương thì loại thuốc điều trị được kê toa rộng rãi nhất là bisphosphonates. Những ví dụ có thể là:

  • Risedronate (Actonel, Atelvia)
  • Axit Zoledronic (Reclast, Zometa)
  • Alendronate (Binosto, Fosamax)
  • Ibandronate (Boniva)

Mặc dù được nhận định là cho kết quả tốt và ít gây tác dụng phụ nếu sử dụng đúng cách. Tuy nhiên trong một số trường hợp, điều trị loãng xương với thuốc bisphosphonates có thể gây buồn nôn, đau bụng hay các triệu chứng khó chịu, ợ chua.

Các dạng bisphosphonat tiêm tĩnh mạch không gây đau dạ dày nhưng lại có thể gây đau đầu, đau cơ và sốt đến 3 ngày. Việc lên lịch tiêm hàng quý hay hàng năm sẽ dễ dàng hơn uống thuốc theo tuần, theo tháng. Tuy nhiên nó sẽ khiến người bệnh tốn kém nhiều chi phí điều trị hơn.

Thuốc kháng thể đơn dòng

Loại được dùng phổ biến nhất là denosumab (Prolia, Xgeva). So với bisphosphonates thì thuốc này có thể tạo ra mật độ xương tương tự hoặc tốt hơn, đồng thời làm giảm nguy cơ gãy xương. Denosumab được cung cấp thông qua 1 mũi tiêm dưới da với tần suất 6 tháng/ lần.

Nếu bạn đang điều trị bằng denosumab thì sẽ tiếp tục phải duy trì vô thời hạn. Bởi một số nghiên cứu gần đây cho thấy, việc ngưng dùng thuốc có thể dẫn tới nguy cơ cao bị gãy cột sống.

Ngoài ra còn có 1 biến chứng hiếm gặp khi dùng bisphosphonates và denosumab là gây nứt hoặc hãy ở giữa xương đùi. Biến chứng hiếm gặp thứ 2 là làm chậm lành xương hàm. Điều này thường xảy ra khi bạn thực hiện một thủ thuật nha khoa xâm lấn.

Trước và trong quá trình điều trị loãng xương bằng thuốc bisphosphonates và denosumab, tốt nhất bạn nên chủ động thăm khám nha khoa thường xuyên. Đồng thời chú ý chăm sóc sức khỏe răng miệng thật tốt.

Với những người có nguy cơ bị gãy xương cao thì điều trị bằng thuốc là rất cần thiết
Với những người có nguy cơ bị gãy xương cao thì điều trị bằng thuốc là rất cần thiết

Liệu pháp liên quan đến hormone

Bổ sung estrogen, nhất là ngay sau khi mãn kinh có thể giúp duy trì mật độ xương. Tuy nhiên, liệu pháp estrogen lại có thể làm tăng nguy cơ đông máu, ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung hay cả bệnh tim. Do đó, estrogen thường được dùng để điều trị loãng xương ở phụ nữ trẻ hơn, hay nữ giới có các triệu chứng mãn kinh.

Raloxifene (Evista) có tác dụng tương tự như estrogen với mật độ xương ở nữ giới sau mãn kinh. Tuy nhiên nó lại không làm phát sinh các rủi ro liên quan đến estrogen. Cho nên có thể dùng thuốc này để hỗ trợ cải thiện tình trạng loãng xương ở nữ giới. Nhưng nên nhớ Raloxifene có thể gây nóng trong người và làm tăng nguy cơ đông máu.

Còn với nam giới thì loãng xương có thể liên quan tới suy giảm testosterone. Liệu pháp thay thế testosterone có thể giúp ích. Chúng sẽ giúp cải thiện các triệu chứng của testosterone thấp. Tuy nhiên một số loại thuốc điều trị loãng xương đã được nghiên cứu và chứng minh là tốt hơn cho nam giới. Nó có thể hỗ trợ bổ sung cho testosterone.

Thuốc thúc đẩy phát triển xương

Ngoài các giải pháp điều trị trên thì bác sĩ cũng có thể chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của xương. Phải kể đến như:

  • Teriparatide (Forteo): Đây là loại thuốc mạnh tương tự như hormone tuyến cận giáp. Nó có tác dụng kích thích sự phát triển xương mới. Nó thường được tiêm hằng ngày dưới da. Sau khoảng 2 năm điều trị bằng Teriparatide thì một loại thuốc trị loãng xương khác sẽ được dùng thay thế. Điều này giúp duy trì sự phát triển của xương mới.
  • Abaloparatide (Tymlos): Loại thuốc này cũng tương tự như hormone tuyến cận giáp. Chỉ có thể dùng Abaloparatide để điều trị trong vòng 2 năm. Sau đó cần sử dụng thuốc trị loãng xương khác để thay thế.
  • Romosozumab (Evenity): Đây là loại thuốc có tác dụng kích thích sự phát triển của xương mới. Được tiêm với tần suất hàng tháng trong vòng 1 năm. Sau đó cũng cần dùng thuốc điều trị loãng xương khác để thay thế.

Điều trị không dùng thuốc

Đây được cho là giải pháp bắt buộc, được áp dụng với tất cả người bệnh loãng xương. Ngoài ra, các nhóm đối tượng chưa bị loãng xương nhưng kiểm tra mật độ xương cho chỉ số T-score thấp cũng nên áp dụng để giúp tăng cường chất lượng và mật độ xương.

Nên sớm từ bỏ thói quen hút thuốc lá để hỗ trợ tốt quá trình điều trị loãng xương
Nên sớm từ bỏ thói quen hút thuốc lá để hỗ trợ tốt quá trình điều trị loãng xương

Mốt số biện pháp điều trị không dùng thuốc được khuyến nghị bao gồm:

  • Tránh hút thuốc lá, nếu đang có thói quen hút thuốc thường xuyên thì nên sớm từ bỏ. Chất độc từ khói thuốc sẽ khiến cho tình trạng bệnh loãng xương nghiêm trọng hơn.
  • Không tiêu thụ rượu bia và thức uống có cồn. Uống nhiều đồ uống chứa cồn sẽ làm giảm sự hình thành xương. Đồng thời khiến cho tinh thần bị ảnh hưởng, làm tăng nguy cơ bị té ngã.
  • Ngăn ngừa té ngã bằng cách mang giày đế thấp, không trơn. Nên lắp thanh vịn ngay bên trong và ngoài nhà tắm, giường ngủ. Kiểm tra nhà cửa, nơi làm việc để tìm dây điện, trải thảm ở các bề mặt dễ trơn trượt.
  • Bổ sung canxi cho cơ thể thông qua quá trình ăn uống. Điều này giúp làm tăng mật độ xương, kích thích quá trình tạo xương và làm giảm thiểu nguy cơ gãy xương.
  • Trong các trường hợp cần thiết có thể tham khảo bác sĩ để bổ sung viên uống chứa vitamin D và canxi cho cơ thể.

Bác sĩ tư vấn dinh dưỡng, luyện tập cho bệnh loãng xương

Theo các bác sĩ IHR, dinh dưỡng tốt và tập thể dục thường xuyên chính là những yếu tố rất cần thiết để xương bạn khỏe mạnh trong suốt cuộc đời. Để phòng ngừa bệnh loãng xương, người bệnh cần chú ý đến một số vấn đề sau:

Chất đạm

Protein là một trong những thành phần quan trọng cấu tạo nên xương. Chính vì vậy, việc bổ sung protein cho cơ thể là rất cần thiết. Người cao tuổi và những người ăn thuần chay có thể nhận được ít protein hơn vì nhiều lý do. Lúc này, nên tham khảo bác sĩ xem việc bổ sung protein có phải là một lựa chọn tốt hay không.

Chú ý trọng lượng cơ thể

Các chuyên gia cho biết, thiếu cân làm tăng nguy cơ mất xương và gãy xương. Tuy nhiên cân nặng vượt mức cũng có thể làm tăng nguy cơ gãy xương, nhất là ở cánh tay và cổ tay. Do vậy, bạn cần chú ý duy trì trọng lượng cơ thể thích hợp để tốt cho xương và tốt cho sức khỏe nói chung.

Canxi

Cả nam và nữ giới trong độ tuổi từ 18 – 50 cần bổ sung 1000mg canxi mỗi ngày cho cơ thể. Lượng hằng ngày sẽ tăng lên 1200mg khi phụ nữ bước sang tuổi 50 và nam giới bước sang tuổi 70.

Một số nguồn canxi tốt bao gồm:

  • Rau có lá xanh đậm
  • Cá hồi đóng hộp hay cá mòi có xương
  • Các sản phẩm sữa ít béo
  • Ngũ cốc tăng cường canxi
  • Nước cam
  • Các sản phẩm từ đậu nành
Bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D từ chế độ ăn sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh loãng xương
Bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D từ chế độ ăn sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh loãng xương

Trường hợp cảm thấy khó đáp ứng đủ chế độ canxi từ chế độ ăn uống thì bạn nên cân nhắc việc bổ sung canxi. Tuy nhiên cần nhớ rằng quá nhiều canxi có thể liên quan tới sỏi thận và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Vì vậy cần tham khảo bác sĩ trước khi lựa chọn bất cứ chất bổ sung nào.

Vitamin D

Vitamin D giúp cải thiện khả năng hấp thụ canxi của cơ thể. Từ đó cải thiện sức khỏe của xương. Để có đủ vitamin D duy trì sức khỏe của xương thì người lớn từ 51 – 70 tuổi nên bổ sung 600IU mỗi ngày. Và tăng lên 800IU mỗi ngày khi bước qua tuổi bổ sung.

Có thể bổ sung vitamin D thông qua thực phẩm. Tốt nhất hãy hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nếu bạn sống ở vĩ độ cao. Trường hợp cần thiết nên tham khảo bác sĩ để sử dụng các sản phẩm vitamin tổng hợp.

Tập thể dục

Tập thể dục là giải pháp cần thiết giúp bạn xây dựng xương chắc khỏe. Đồng thời làm chậm quá trình mất xương. Bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích nhất nếu duy trì thói quen tập thể dục từ khi còn trẻ và tiếp tục trong suốt cuộc đời.

Kết hợp các bài tập rèn luyện sức bền với các bài tập gánh tạ và giữ thăng bằng sẽ rất tốt. Tập luyện sức mạnh giúp tăng cường cơ bắp cùng các xương ở cột sống trên và cánh tay. Các bài tập chịu sức nặng như chạy bộ, leo cầu thang, đi bộ… và các môn thể thao chủ yếu ảnh hưởng tới xương ở chân, hông và cột sống dưới. Còn các bài tạp thăng bằng như thái cực quyền sẽ giúp làm giảm nguy cơ té ngã. Đặc biệt là ở người cao tuổi.

Câu hỏi liên quan
Khám Loãng Xương Ở Bệnh Viện Nào
Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, bệnh viện Hòa Hảo, bệnh viện E... có thể giúp giải đáp khám loãng xương ở bệnh viện nào tốt và uy tín. Những bệnh viện này tập trung đội ngũ y ...
Xem chi tiết
Bệnh Loãng Xương Có Chữa Được Không
Bệnh loãng xương có chữa được không là thắc mắc chung của nhiều người bệnh. Bệnh lý này thường xảy ra ở phụ nữ sau mãn kinh và người lớn tuổi, không có thuốc đặc trị. Bệnh diễn tiến âm ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua