Ngã dập mông đau xương cụt có nguy hiểm không?
Ngã dập mông đau xương cụt thường không nguy hiểm, có thể tự khỏi hoặc được cải thiện bằng một số biện pháp chăm sóc. Tùy thuộc vào mức độ va đập, cơn đau có thể từ nhẹ đến nặng kèm theo sưng và bầm tím. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị trật khớp hoặc gãy xương cụt và cần được điều trị y tế.
Ngã dập mông đau xương cụt là gì?
Ngã dập mông đau xương cụt là tình trạng đau nhói hoặc đau âm ỉ ở trong và xung quanh cấu trúc xương cụt sau chấn thương do té ngã. Tình trạng này thường không quá nghiêm trọng, có thể được cải thiện bằng cách chườm lạnh, chườm ấm và xoa bóp.
Đau xương cụt sau chấn thương khiến bệnh nhân đau nhiều kèm theo sưng và vết bầm tím, người bệnh khó ngồi xuống, đứng dậy và đi lại (đặc biệt là lên xuống cầu thang). Đối với những trường hợp nặng hơn, ngã dập mông có thể khiến người bệnh trật khớp hoặc gãy xương cụt. Lúc này bệnh nhân cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Nguyên nhân gây ngã dập mông đau xương cụt
Theo Thầy thuốc ưu tú, BSCKII Lê Hữu Tuấn (Phó giám đốc chuyên môn Trung tâm Thuốc dân tộc), ngã dập mông đau xương cụt thường xảy ra do những nguyên nhân sau:
- Trơn, trượt: Mặt phẳng trơn trượt là nguyên nhân gây ngã dập mông đau xương cụt phổ biến nhất. Trường hợp này thường nhẹ và giảm nhanh khi áp dụng các biện pháp chăm sóc phù hợp.
- Tai nạn thể thao: Chơi những môn thể thao mạo hiểm hoặc vận động mạnh có thể là nguyên nhân gây ngã dập mông kèm theo đau nhức đốt xương cùng của cột sống. Cụ thể như đá bóng, trượt ván, cầu lông, dùng xe điều khiển bằng chân…
- Tai nạn lao động: Ngã dập mông đau xương cụt do tai nạn lao động thường nghiêm trọng, có nguy cơ trật khớp và gãy xương cao. Trường hợp này chủ yếu xảy ra ở những người lao động chân tay.
- Tai nạn giao thông: Đau xương cụt do tai nạn giao thông ít gặp nhưng thường nghiêm trọng. Phần lớn các trường hợp đều có tổn thương ở nhiều vị trí khác trên cơ thể.
Triệu chứng đau xương cụt do ngã dập mông
Đau, bầm tím và sưng là triệu chứng ngã dập mông đau xương cụt phổ biến nhất. Người bệnh có thể nhận biết triệu chứng này thông qua một số đặc điểm sau:
- Đau nhẹ hoặc nặng tùy theo mức độ va đập
- Đau nhói ở trong hoặc xung quanh xương cụt. Đau như điện giật khi ấn vào
- Đau ở mông lan rộng lên thắt lưng, hông hoặc/ và xuống đùi
- Đau giảm nhẹ sau 24 giờ
- Xuất hiện vết bầm tím ở mông và một số vị trí ảnh hưởng
- Sưng to, gây khó khăn khi ngồi và đi lại
Nếu trật khớp hoặc gãy xương, người bệnh có thể gặp thêm một số triệu chứng khác, bao gồm
- Đau nghiêm trọng, không thể đi lại hoặc đứng dậy
- Biến dạng ở xương cụt
- Yếu chi dưới
- Đau kéo dài và không có biểu hiện giảm khi nghỉ ngơi
Ngã dập mông đau xương cụt có nguy hiểm không?
Ngã dập mông đau xương cụt là tình trạng thường gặp nhưng không nguy hiểm. Hầu hết các trường hợp chỉ bị đau kèm theo các biểu hiện ngoài da, không ảnh hưởng đến cấu trúc xương cụt. Người bệnh có thể giảm đau bằng một số biện pháp đơn giản như xoa bóp với dầu nóng, chườm ấm, chườm lạnh và nghỉ ngơi.
Tuy nhiên ở những trường hợp ngã và chấn thương mạnh, khớp xương có thể bị lệch hoặc gãy xương cụt. Ở trường hợp này, người bệnh nên nhanh chóng di chuyển đến bệnh viện để được khám và điều trị. Dùng thuốc và phẫu thuật có thể giúp người bệnh điều chỉnh xương, khắc phục cơn đau và phòng ngừa dị tật.
Ngã dập mông đau xương cụt – Khi nào gặp bác sĩ?
Người bệnh nên gặp bác sĩ nếu có những biểu hiện sau:
- Đau nhức nghiêm trọng và liên tục
- Không thể đi lại hoặc đứng dậy
- Sưng to
- Xuất hiện biến dạng ở xương cụt hoặc khung xương chậu
- Yếu chi dưới
Điều trị ngã dập mông đau xương cụt
Để điều trị đau xương cụt do ngã dập mông, người bệnh có thể thực hiện các biện pháp giảm đau tại nhà như xoa bóp, nghỉ ngơi, sử dụng nhiệt… hoặc điều trị y tế theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
1. Biện pháp chăm sóc
Đối với những trường hợp nhẹ và không có tổn thương cấu trúc xương, người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp dưới đây để cải thiện các triệu chứng:
- Nghỉ ngơi
Người bệnh được khuyên nghỉ ngơi ít nhất 72 giờ sau khi ngã dập mông đau xương cụt. Cụ thể bệnh nhân nên ngủ và nằm nghỉ với tư thế nằm nghiêng để hạn chế ứ huyết và giảm đau. Ngoài ra nghỉ ngơi hợp lý cũng làm tăng khả năng phục hồi cao hơn so với thông thường.
Sau khi cơn đau thuyên giảm, người bệnh nên đi lại nhẹ nhàng để phòng ngừa cứng khớp do nằm lâu. Người bệnh tuyệt đối không vận động mạnh, khuân vác vật cồng kềnh, chạy nhảy hoặc đi lại nhiều. Bởi những hoạt động này có thể kích hoạt cơn đau cấp tính hoặc khiến đau nhức trở nên nghiêm trọng hơn. Đồng thời tăng phạm vi tổn thương.
- Chườm đá
Chườm đá là biện pháp giảm đau và giảm sưng hiệu quả. Nhiệt độ thấp từ đá lạnh giúp các mạch máu xung quanh khớp xương co lại, giảm sưng đỏ, đau nhức và hạn chế bầm tím. Ngoài ra biện pháp này còn có tác dụng phòng ngừa và giảm viêm.
Để chườm đá trị ngã dập mông đau xương cụt, người bệnh có thể dùng vài viên đá lạnh massage khu vực tổn thương trong 5 phút hoặc dùng khăn mềm bọc lấy đá lạnh và chườm 20 phút. Thực hiện 4 lần/ ngày. Cả hai cách điều có khả năng giảm đau hiệu quả.
- Chườm ấm
Chườm ấm có tác dụng giãn mạch, thư giãn khớp xương và dây thần kinh, tăng lưu lượng máu lưu thông. Điều này giúp giảm tình trạng tê bì, cứng khớp và tăng khả năng vận động. Ngoài ra việc sử dụng nhiệt độ cao còn giúp người bệnh giảm đau, hạn chế căng cơ và hỗ trợ giảm viêm.
Để chườm ấm, người bệnh có thể ngâm khăn trong chậu nước nóng (khoảng 70 độ) hoặc dùng túi chườm đặt lên toàn bộ vùng mông. Không nên dùng nhiệt quá cao để tránh gây bỏng da. Thực hiện 4 lần mỗi ngày, mỗi lần 20 phút.
- Xoa bóp vùng mông
Người bệnh dùng một ít dầu nóng hoặc tinh dầu thảo dược (bạc hà/ gừng/ tràm trà) xoa đều lên mông. Sau đó ấn và xoa theo chuyển động tròn, kết hợp nắn và bóp vị trí đau nhức trong 15 phút.
Biện pháp này có tác dụng thư giãn khớp xương tổn thương, tăng lưu thông khí huyết, giảm đau nhức, tê bì và căng cơ hiệu quả. Hơn thế thường xuyên xoa bóp còn giúp người bệnh phòng ngừa cứng khớp, đánh tan máu bầm, duy trì tính linh hoạt và khả năng vận động cho bệnh nhân.
Lưu ý không massage với đá lạnh trên 8 phút vì có thể gây bỏng lạnh và tổn thương da.
- Dùng thuốc không kê đơn
Nếu đau nhiều hoặc đau không thuyên giảm sau 48 giờ, người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau và chống viêm không kê đơn. Cụ thể như Paracetamol và Ibuprofen.
-
- Paracetamol: Dùng cho trường hợp đau nhẹ, có hoặc không có sốt. Thuốc thường mang đến hiệu quả giảm đau sau liều dùng đầu tiên. Liều khuyến cáo: Uống 500mg Paracetamol/ lần, cách 4 – 6 giờ 1 lần.
- Ibuprofen: Ibuprofen là thuốc chống viêm không steroid. Thuốc này phù hợp với bệnh nhân bị đau xương cụt ở mức trung bình. Ngoài giảm đau, Ibuprofen còn có khả năng chống viêm mạnh. Liều khuyến cáo: Uống 200 – 400mg Ibuprofen/ lần, cách 4 – 6 giờ 1 lần.
Lưu ý không dùng thuốc trên 7 ngày. Đồng thời ngưng dùng thuốc nếu không có biểu hiện thuyên giảm sau 3 ngày sử dụng.
2. Điều trị y tế
Điều trị y tế ít được áp dụng trong điều trị ngã dập mông đau xương cụt. Bởi hầu hết các trường hợp đều không nghiêm trọng và có đáp ứng tốt với các biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên nếu đau nhiều, không thuyên giảm sau 3 ngày hoặc kèm theo biến dạng xương cụt, người bệnh nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn điều trị.
Tùy thuộc vào tình trạng người bệnh sẽ được điều trị với những phương pháp sau:
- Nắn khớp
Nếu ngã dập mông đau xương cụt kèm theo lệch khớp, người bệnh sẽ được nắn khớp để cải tình trạng. Biện pháp này có tác dụng đưa khớp lệch về vị trí ban đầu. Từ đó giúp giảm đau và phòng ngừa dị tật.
- Phẫu thuật
Phẫu thuật chỉ được áp dụng khi xương cụt bị gãy do va đập mạnh. Phương pháp này có tác dụng điều chỉnh và nối các mảnh xương gãy. Từ đó giúp bảo tồn chức năng, hạn chế đau nhức và dị tật.
Thông thường sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được yêu cầu sử dụng thuốc giảm đau và vật lý trị liệu để tăng tốc độ phục hồi chức năng và khả năng vận động.
Phòng ngừa ngã dập mông đau xương cụt
Đau xương cụt do té dập mông có thể được phòng ngừa bằng một số biện pháp đơn giản dưới đây:
- Thận trọng trong các hoạt động sinh hoạt, tham gia giao thông, chơi thể thao và lao động để tránh té ngã.
- Hạn chế chơi những môn thể thao mạo hiểm và vận động.
- Nên mặc đồ bảo hộ khi làm việc.
- Mang giày/ dép vừa vặn, đế thấp và có gai bám để tránh trượt ngã.
- Duy trì thói quen vận động và luyện tập mỗi ngày để giữ tính linh hoạt và độ chắc khỏe của xương.
- Ăn uống đủ chất, đảm bảo bổ sung đủ canxi và vitamin thông qua chế độ ăn uống để duy trì hệ xương khỏe mạnh, giảm nguy cơ tổn thương cấu trúc xương khi có va đập.
Hầu hết các trường hợp ngã dập mông đau xương cụt không nghiêm trọng và có đáp ứng tốt với các biện pháp chăm sóc tại nhà. Một số trường hợp có thể gãy xương hoặc lệch khớp khi va đập mạnh. Do đó nếu cơn đau khiến khả năng vận động suy giảm, đau kéo dài hoặc có dị dạng ở vùng tổn thương, người bệnh nên thăm khám và hỏi ý kiến bác sĩ về các phương pháp điều trị thích hợp hơn.
Có thể bạn quan tâm:
- Ăn gì để xương chắc khỏe? 20 thực phẩm vàng cho xương
- Đau xương cụt khám ở đâu? 6 địa chỉ uy tín nhất
- Hàng NGHÌN bệnh nhân đặt niềm tin vào phương pháp điều trị xương khớp toàn diện này!
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!