Đau Thắt Lưng (Bên Phải, Trái) Lan Xuống Mông
Đau thắt lưng bên phải – trái lan xuống mông thường là dấu hiệu của các bệnh cơ xương khớp, đặc biệt là bệnh về cột sống. Cần theo dõi biểu hiện của cơn đau để xác định rõ nguyên nhân. Từ đó có biện pháp can thiệp điều trị kịp thời và đúng đắn.
Nguyên nhân gây đau thắt lưng (bên phải, trái) lan xuống mông
Đau thắt lưng đề cập đến cơn đau khu trú ở vùng lưng dưới có thể xảy ra ở 1 hay cả 2 bên. Số liệu thống kê cho thấy, có từ 65 – 80% người trưởng thành bị đau vùng thắt lưng cấp tính hoặc từng đợt vài ba lần trong đời. Trong số đó có khoảng 10% bị chuyển thành cơn đau mãn tính.
Trong một số trường hợp, cơn đau thắt lưng có thể ảnh hưởng trên diện rộng, lan xuống mông và chi dưới. Biểu hiện cụ thể như sau:
- Cơn đau xuất hiện đầu tiên ở vùng thắt lưng, có thể bên phải, bên trái hay cả 2 bên.
- Tình trạng đau nhức lan xuống cả mông và chi dưới.
- Đau tăng khi di chuyển hoặc vận động mạnh.
- Đau nhức kèm theo tê bì, khó vận động.
Tình trạng đau thắt lưng bên phải – trái lan xuống mông có thể liên quan tới tình trạng căng cơ hay hao mòn tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên nhiều trường hợp đây còn là dấu hiệu cảnh báo rất nhiều bệnh lý cơ xương khớp.
Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp gây đau thắt lưng bên phải – trái lan xuống mông:
1. Đau thần kinh tọa
Đau thần kinh tọa được xác định là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau thắt lưng lan xuống mông. Hơn nữa cơn đau còn ảnh hưởng xuống cả đùi và tận bàn chân, chạy dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Đa phần các trường hợp thường bị đau ở 1 bên cơ thể.
Các tổn thương dẫn đến đau thần kinh tọa thường là chấn thương dây thần kinh, viêm, kích thích hoặc chèn ép lên các dây thần kinh ở dưới da. Tình trạng đau thần kinh tọa phổ biến ở những người trong độ tuổi lao động, từ khoảng 30 – 50 tuổi.
Một số triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Đau với mức độ từ vừa tới nghiêm trọng ở thắt lưng, mông và đến chân
- Tê yếu vùng lưng dưới, mông và chi dưới
- Cơn đau nghiêm trọng hơn khi vận động
- Có cảm giác châm chích ở chi dưới
- Một số trường hợp có thể bị mất kiểm soát bàng quang và ruột
Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà phương pháp điều trị sẽ có sự khác biệt. Bao gồm vật lý trị liệu, dùng thuốc, áp dụng thủ thuật xâm lấn tối thiểu hay điều trị ngoại khoa. Mục tiêu chính của việc điều trị là làm giảm đau và cải thiện chức năng vận động.
2. Thoái hóa cột sống thắt lưng
Thoái hóa cột sống thắt lưng là một bệnh xương khớp mãn tính rất phổ biến ở những người lớn tuổi. Bệnh xảy ra khi đĩa đệm và khớp bị thoái hóa, xương có thể phát triển ngay trên thân đốt sống.
Đây là một trong những nguyên nhân gây đau lưng dưới và hạn chế vận động. Nhiều trường hợp các dây thần kinh còn bị ảnh hưởng nặng nề khiến cơn đau ảnh hưởng rộng lan xuống cả vùng mông. Nhất là khi trên đốt sống có xuất hiện gai xương.
Các triệu chứng có thể gặp bao gồm:
- Đau âm ỉ hoặc dữ dội vùng lưng dưới
- Cơn đau có thể lan xuống mông
- Co thắt cơ bắp
- Cứng cột sống, khó vận động
- Mất cân bằng, đi lại khó khăn
- Tê và yếu ở chân
Trường hợp bệnh nhẹ, có thể không cần điều trị y tế mà chỉ cần áp dụng một số biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên nếu cơn đau nghiêm trọng, nặng nề và cản trở vận động thì có thể cần dùng thuốc, áp dụng phương pháp điều trị thay thế hoặc can thiệp phẫu thuật.
3. Chấn thương
Chấn thương là một trong những nguyên nhân gây đau thường gặp trong cuộc sống. Tình trạng đau thắt lưng bên phải – trái lan xuống mông cũng có thể là do ảnh hưởng từ chấn thương.
Chấn thương là tình trạng rất dễ xảy ra trong lao động, vui chơi thể thao hoặc tham gia giao thông. Nhẹ thì chỉ bị tổn thương mô mềm, dây chằng hoặc bong gân. Trường hợp nặng có thể gây gãy xương cùng nhiều rủi ro nghiêm trọng khác.
Chấn thương xảy ra ở vùng lưng dưới có thể gây đau thắt lưng nghiêm trọng. Nhiều trường hợp cơn đau còn lan tỏa rộng, ảnh hưởng tới cả mông. Đôi khi các tổn thương đã được chữa lành nhưng vẫn sẽ còn để lại di chứng.
4. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là bệnh phổ biến, xảy ra khi có 1 đĩa đệm ở vùng lưng dưới bị vỡ hoặc rách. Từ đó tạo điều kiện cho phần nhân bên trong bị đẩy ra ngoài và gây áp lực lên cột sống cùng các rễ dây thần kinh.
Bệnh lý này có thể gây ra các cơn đau dữ dội, tê bì, giảm sức mạnh và khả năng vận động của cột sống. Cơn đau thường kích hoạt ngay tại vùng bị ảnh hưởng nhưng cũng có thể lan rộng xuống mông và chi dưới. Đặc biệt là trong trường hợp dây thần kinh bị chèn ép quá mức.
Các triệu chứng khác đi kèm có thể bao gồm:
- Đau lưng dưới dai dẳng
- Cơn đau nghiêm trọng hơn khi duy trì lâu một tư thế
- Đau nhiều khi vận động
- Yếu cơ ở hông, mông và chân
- Tê bì chi dưới
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng mà bệnh lý này có thể được điều trị bằng nhiều giải pháp khác nhau. Bác sĩ thường khuyên người bệnh sử dụng thuốc, châm cứu và chăm sóc tốt tại nhà. Trường hợp cần thiết thì có thể đề nghị phẫu thuật.
5. Viêm cột sống dính khớp
Viêm cột sống dính khớp đề cập đến tính trạng viêm khớp ảnh hưởng tới vùng cột sống. Đi kèm với đó là xu hướng dính khớp. Các tổn thương có thể xảy ra ở các khớp cột sống, khớp cùng chậu và các chi. Ngoài ra nhiều người còn bị viêm ở các điểm bám gân.
Đây là bệnh lý hiếm gặp nhưng có xu hướng tiến triển mãn tính. Ngoài gây đau nhức, sưng viêm thì còn tiềm ẩn nguy cơ biến dạng khớp, thậm chí là tàn phế nếu không điều trị kịp thời.
Các triệu chứng của bệnh viêm cột sống dính khớp có thể bao gồm:
- Đau lưng từ vừa đến nghiêm trọng
- Cơn đau có thể lan xuống mông và ảnh hưởng các khớp khác
- Sưng và nóng tại các khớp bị ảnh hưởng
- Khó thở và mệt mỏi
- Giảm tính linh hoạt của cột sống
Nguyên nhân gây bệnh viêm cột sống dính khớp hiện vẫn chưa được xác định cụ thể. Việc sử dụng thuốc, vật lý trị liệu và điều chỉnh lối sống có thể giúp cải thiện các triệu chứng.
6. Hội chứng cơ hình lê
Cơ hình lê thuộc nhóm cơ mông, nó là lớp cơ sâu nằm phía sau cơ mông lớn. Hội chứng cơ hình lê là một rối loạn thần kinh cơ xảy ra khi cơ hình lê bị sưng, co thắt và kích thích hay chèn ép thần kinh tọa.
Tình trạng này có thể gây đau, ngứa ran, tê liệt phần lưng dưới, mông, hông và dọc theo đường dây thần kinh lan xuống dưới đùi, cẳng chân. Cơn đau có xu hướng tăng khi leo cầu thang, chạy, đi bộ hay đứng lên ngồi xuống.
Người bệnh thường được khuyên là cần tránh các tư thế gây đau. Ngoài ra có thể được chỉ định điều trị vật lý trị liệu, dùng thuốc hoặc tiêm Botox. Phẫu thuật chỉ được khuyến cáo như một phương pháp điều trị cuối cùng.
7. Sai tư thế
Tư thế xấu là yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe xương khớp. Đặc biệt là duy trì các tư thế xấu trong thời gian dài sẽ gây cứng khớp và làm thay đổi đường cong sinh lý của cột sống.
Nhiều trường hợp, tình trạng đau thắt lưng lan xuống mông có thể là hệ quả của việc sai tư thế kéo dài. Ngoài gây đau nhức thì còn khiến cơ lưng dưới bị co cứng, cản trở chức năng vận động.
8. Nhiễm trùng cột sống
Nhiễm trùng cột sống và các mô ở xung quanh có thể gây ra tình trạng sưng đau thắt lưng. Trường hợp nhiễm trùng gây kích thích hay tổn thương dây thần kinh cột sống thì cơn đau có thể lan xuống mông và chi dưới.
Tình trạng nhiễm trùng cột sống có thể xảy ra do ảnh hưởng từ các bộ phận khác của cơ thể. Tuy nhiên nó cũng có thể là biến chứng của phẫu thuật hay một chấn thương ở vùng thắt lưng. Nhiều trường hợp có thể là hệ quả từ bệnh tiểu đường, ung thư hay các tình trạng gây suy yếu hệ thống miễn dịch.
Đa phần các trường hợp bị nhiễm trùng cột sống được điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên phẫu thuật có thể được cân nhắc để dẫn lưu hay cắt bỏ các mô bị viêm nhiễm nếu cần thiết.
Chẩn đoán đau thắt lưng bên phải – trái lan xuống mông
Đau thắt lưng bên phải – trái lan xuống mông là triệu chứng xảy ra phổ biến. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không được chủ quan bởi trong nhiều trường hợp đây là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe đáng quan ngại. Tốt nhất nên chủ động thăm khám bác sĩ.
Để xác định nguyên nhân dẫn tới triệu chứng, bác sĩ sẽ đề nghị thăm khám lâm sàng và kiểm tra về tiền sử bệnh lý. Người bệnh cần mô tả chi tiết về cơn đau hay các hoạt động khiến tình trạng đau nhức trở nên nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, một số xét nghiệm khác cũng có thể được yêu cầu nhằm đưa ra chẩn đoán xác định. Có thể là:
- Xét nghiệm thần kinh hay kiểm tra chuyển động. Mục đích là để đo sức mạnh của cơ cũng như các tổn thương thần kinh có liên quan.
- Xét nghiệm hình ảnh: Có thể là chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ MRI. Các xét nghiệm này giúp loại trừ một số nguyên nhân gây đau thắt lưng cụ thể. Điển hình như nhiễm trùng, khối u hay chấn thương gây gãy xương.
- Một số xét nghiệm khác như xét nghiệm công thức máu cũng có thể được chỉ định. Nhất là trong trường hợp người bệnh bị sốt, nhiễm trùng hay giảm cân không rõ lý do.
Đau thắt lưng bên phải – trái lan xuống mông phải làm sao?
Tình trạng đau thắt lưng bên phải – trái lan xuống mông gây ra rất nhiều phiền toái. Đôi khi còn làm hạn chế vận động, cản trở cuộc sống thường ngày. Với các trường hợp do sai tư thế, căng cơ thì có thể điều chỉnh và áp dụng các mẹo giảm đau tại nhà. Tuy nhiên nếu có liên quan tới các vấn đề nghiêm trọng hơn thì cần can thiệp điều trị y tế.
1. Các biện pháp giảm đau tại nhà
Áp dụng các mẹo giảm đau tạm thời là cần thiết để làm dịu cơn đau và mang đến cảm giác thoải mái. Từ đó làm giảm mức độ ảnh hưởng đến chức năng vận động.
Một số mẹo đơn giản rất dễ áp dụng bao gồm:
+ Tác dụng nhiệt:
Cần tùy thuộc vào biểu hiện của triệu chứng để lựa chọn tác dụng nhiệt nóng hay nhiệt lạnh cho phù hợp. Nếu chỉ là đau thông thường và co cứng thì nên chườm nóng. Còn với các trường hợp đau nhức kèm theo sưng viêm thì cần chườm lạnh trước.
- Chườm nóng: Hơi nóng sẽ giúp kéo giãn cơ và giải phóng các rễ dây thần kinh bị chèn ép. Ngoài giảm đau hiệu quả thì còn tăng tuần hoàn máu và giúp cột sống linh hoạt. Chỉ cần chuẩn bị 1 túi chườm với nhiệt độ âm phù hợp chườm đắp lên vùng bị đau 15 – 20 phút.
- Chườm lạnh: Nhiệt độ thấp có khả năng làm tê liệt tạm thời tín hiệu truyền cảm giác đau lên não. Đồng thời hạn chế cấp máu đến khu vực tổn thương để làm giảm sưng. Chuẩn bị vài ba viên đá lạnh bọc trong khăn hoặc cho vào túi rồi chườm lên vùng bị đau 15 – 20 phút.
+ Massage:
Đây cũng là giải pháp tại nhà rất dễ thực hiện có thể áp dụng khi bị đau thắt lưng lan xuống mông. Ngoài tác dụng giảm đau và thư giãn thì massage còn giúp cải thiện lưu thông máu.
Chỉ cần xoa nhẹ 2 lòng bàn tay lại với nhau cho nóng lên. Sau đó xoa bóp lên vùng bị đau khoảng từ 15 – 20 phút. Sử dụng lực nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương da và mô mềm.
Bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của người thân. Do thắt lưng và mông là những vùng khuất của cơ thể nên không dễ dàng để tự massage cho bản thân.
+ Kéo giãn cột sống:
Các bài tập kéo giãn cột sống có thể giúp tăng cường sức mạnh và làm giảm áp lực lên vùng thắt lưng. Từ đó tạo điều kiện cho quá trình hàn gắn và chữa lành các tổn thương ở đây. Ngoài làm giảm đau thì còn giúp cải thiện chức năng vận động cho người bệnh.
Có thể thực hiện một số bài tập dưới đây:
– Động tác căng đầu gối đến ngực:
- Người bệnh nằm ngửa trên sàn tập
- Gập đầu gối lại, giữ 2 bàn chân thẳng trên sàn tập
- Dùng 2 tay vòng qua kéo đầu gối căng đến ngực
- Giữ nguyên khoảng 5 giây, siết cơ bụng và ép cột sống xuống sàn tập
- Từ từ trở về tư thế ban đầu và lặp lại các động tác khoảng 2 – 3 lần
– Tư thế rắn hổ mang:
- Nằm úp người trên sàn tập, hít thở đều, thả lỏng cơ thể
- Đặt cả 2 lòng bàn tay úp xuống dưới vai. 2 bàn chân hướng lên phía trên trần nhà, duỗi thẳng các ngón chân.
- Ấn lòng bàn tay xuống sàn. Dùng lực đẩy đầu, cổ, vai và khung xương chậu lên.
- Mở rộng lồng ngực, kéo nhẹ phần vai về phía sau. Ngẩng đầu lên và hướng mắt về góc 45 độ.
- Siết chặt hông và bụng, giữ tư thế này 15 – 20 giây.
- Trở về tư thế ban đầu rồi lặp lại các động tác trên khoảng từ 5 – 7 lần.
– Bài tập Spine rotation:
- Nằm ngửa trên sàn tập, hít thở đều và thả lỏng cơ thể. Cần giữ thẳng, đầu, cổ và vai. Mắt hướng lên phía trên trần nhà.
- Xoay hông sang phải, đưa chân trái nghiêng sang phía hông phải. Để cẳng chân tạo với đùi 1 góc vuông. Giữ chân phải thật thẳng.
- Đặt tay trái lên mặt ngoài của đầu gối phải, hít thở đều.
- Cố gắng giữ tư thế khoảng từ 15 – 20 giây.
- Thả lỏng cơ thể, từ từ về tư thế ban đầu rồi thực hiện với bên còn lại.
2. Điều trị bảo tồn
Điều trị y tế cho tình trạng đau thắt lưng bên phải – trái lan xuống mông phụ thuộc vào biểu hiện của triệu chứng và các nguyên nhân liên quan. Phương pháp điều trị có thể bao gồm dùng thuốc và vật lý trị liệu để phục hồi chức năng.
Bác sĩ có thể kê toa cho người bệnh dùng một số nhóm thuốc sau đây:
- Thuốc giảm đau thông thường
- Thuốc chống viêm không steroid
- Thuốc giãn cơ
- Thuốc gây tê để làm dịu cơn đau
- Steroid nhằm giảm sưng viêm
- Tiêm steroid vào cột sống nếu thấy cần thiết
Bất cứ loại thuốc nào cũng cần dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nghiêm túc tuân thủ liều lượng, tần suất và thời gian để nhận được kết quả điều trị tốt nhất. Trường hợp toa thuốc không đáp ứng hãy báo ngay cho bác sĩ được biết để có sự điều chỉnh.
3. Can thiệp phẫu thuật khi cần thiết
Trong một số trường hợp, các biện pháp điều trị bảo tồn có thể không đáp ứng với triệu chứng. Lúc này, chức năng vận động của người bệnh sẽ bị đe dọa. Đôi khi còn gây ra các dấu hiệu mất kiểm soát ruột và bàng quang.
Lúc này bác sĩ thường sẽ cân nhắc chỉ định phẫu thuật để cải thiện tốt các triệu chứng. Đồng thời bảo vệ chức năng vận động. Tuy nhiên, phẫu thuật cũng tiềm ẩn không ít vấn đề rủi ro. Vì vậy người bệnh cần cẩn trọng, nghe bác sĩ tư vấn kỹ càng rồi mới đưa ra quyết định.
Đau thắt lưng bên phải – trái lan xuống mông thường là các cơn đau có mức độ từ vừa đến nghiêm trọng. Đa phần các trường hợp đều có liên quan tới bệnh cơ xương khớp. Tốt nhất nên chủ động thăm khám sớm và nghiêm túc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!