Phác Đồ Điều Trị Ung Thư Di Căn Xương Chuẩn Của Bộ Y Tế
Phác đồ điều trị ung thư di căn xương chuẩn của Bộ y tế gồm những phương pháp giúp chăm sóc và giảm nhẹ các triệu chứng, kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân. Di căn xương phát triển từ giai đoạn muộn của ung thư nguyên phát. Vì thế không thể chữa khỏi bệnh.
Thế nào là ung thư di căn xương?
Ung thư di căn xương (ung thư xương thứ phát) là tình trạng tế bào ung thư từ cơ quan khác (ổ nguyên phát) di chuyển đến tổ chức xương. Điều này khiến cấu trúc xương bị tổn hại, xương yếu, dễ gãy và đau đớn dữ dội.
Bệnh thường phát triển từ những khối u biểu mô. Cuối cùng tạo một khối u rắn trong xương. Bất kỳ ổ nguyên phát nào cũng có thể di căn đến xương. Tuy nhiên ung thư di căn xương thường do tế bào ung thư phát triển từ những cơ quan lân cận. Cụ thể như:
- Ung thư tuyến tiền liệt di căn xương
- Ung thư vú di căn xương
- Ung thư phổi di căn xương
- Bệnh đa u tủy
- Ung thư gan di căn xương
- Ung thư tuyến giáp di căn xương…
Vị trí xương hay bị di căn:
- Cột sống
- Xương chậu
- Xương sườn
- Xương sọ
- Xương cánh tay
- Xương dài ở chi dưới
Đau xương dữ dội và kéo dài là dấu hiệu nhận biết ung thư di căn xương. Ngoài ra người bệnh còn có các triệu chứng của tăng calci máu (nôn ói, lú lẫn, mệt mỏi, kém ăn…), yếu và tê bì, gãy xương bệnh lý, sụt cân, giảm khả năng vận động…
Bệnh ung thư di căn xương cần được điều trị sớm và đúng cách để kéo dài thời gian sống cho người bệnh, giảm nhẹ các triệu chứng.
Phác đồ điều trị ung thư di căn xương
Không thể điều trị khỏi ung thư di căn xương. Bởi tế bào ung thư thường di căn đến xương trong giai đoạn 4 của ung thư nguyên phát (giai đoạn cuối). Chính vì thế mà những phương pháp được áp dụng đều nhằm mục đích kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.
Nguyên tắc điều trị ung thư di căn xương:
- Chủ yếu chăm sóc và giảm nhẹ triệu chứng
- Áp dụng các phương pháp giúp điều chỉnh tâm trạng và nâng cao chất lượng đời sống cho bệnh nhân
- Ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình hủy xương
- Làm chậm quá trình di căn xương và phá hủy tổ chức xương
- Điều trị đồng thời di căn xương và ung thư nguyên phát.
Phác đồ điều trị ung thư di căn xương và phương pháp cụ thể:
1. Điều trị giảm đau bằng thuốc
+ Bậc thang giảm đau của WHO trong điều trị ung thư di căn xương
Bậc 1: Dùng Paracetamol
- Liều dùng cho người lớn: Uống 500 – 1000mg/ lần, mỗi 4 hoặc 6 giờ nếu cần. Tối đa 4000mg/ ngày.
- Liều dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi: Uống 10 – 15mg/ kg trọng lượng/ lần, mỗi 4 hoặc 6 giờ nếu cần. Tối đa 60mg/ ngày.
Bậc 2: Paracetamol + codein/ tramadol (thuốc giảm đau gây nghiện – nhóm opioid)
- Liều khuyến cáo: Uống 1 – 2 viên, mỗi 4 – 6 giờ nếu cần thiết. Tối đa 8 viên/ ngày, không quá 5 ngày.
Cân nhắc giảm liều lượng cho người lớn tuổi, bệnh nhân bị suy thận và suy gan.
Bậc 3: Morphin hoặc những dẫn xuất của Morphin
Liều lượng và thời gian sử dụng Morphin dựa trên mức độ nghiêm trọng của triệu chứng.
- Liều tham khảo: Uống hoặc tiêm 5 – 30mg morphin sulphat/ lần, mỗi 4 giờ.
+ Giảm đau bằng thuốc khác
Một số thuốc khác có thể được dùng trong điều trị đau do ung thư di căn xương. Cụ thể:
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
NSAID dùng cho những trường hợp đau vừa. Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân có thể được sử dụng một những thuốc sau:
Ibuprofen (đường uống)
- Liều dùng cho người lớn: Uống 400 – 800mg/ lần, mỗi 4 hoặc 6 giờ nếu cần. Tối đa 2400mg/ ngày.
- Liều dùng cho trẻ em: Uống 5 – 10mg/ kg trọng lượng/ lần, mỗi 4 hoặc 6 giờ nếu cần. Tuyệt đối không dùng quá liều quy định.
Diclofenac (dạng giải phóng nhanh, đường uống)
- Liều dùng cho người lớn: Uống 25 – 75mg/ lần, mỗi 8 hoặc 12 giờ nếu cần. Tối đa 200mg/ ngày.
Etoricoxib
- Liều dùng cho người lớn: Dùng 60mg/ ngày.
Celecoxib
- Liều dùng cho người lớn: Dùng 200 – 400mg/ ngày.
Nếu dùng kéo dài, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) cần được dùng với những loại thuốc có khả năng phòng ngừa tác hại lên dạ dày và ruột của NSAID. Cần giảm liều ở bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận.
Thuốc chống trầm cảm ba vòng
Một loại thuốc chống trầm cảm ba vòng như Amitriptyline hoặc Sulpiride sẽ được chỉ định cho những bệnh nhân có dấu hiệu lo lắng nhiều hoặc trầm cảm.
Amitriptyline
- Liều dùng cho người lớn: Uống 5 – 25mg/ lần trước khi đi ngủ. Tối đa 200mg/ ngày.
- Liều dùng cho trẻ em: Uống 0,5mg/ kg trọng lượng/ ngày trước khi đi ngủ. Tăng liều thêm 0,2 – 0,4mg/ kg sau 2 -3 ngày nếu cần thiết.
Sulpiride
- Liều dùng cho người lớn: Uống 100 – 200mg/ ngày.
Nhóm corticosteroid
Prednisolon
- Liều dùng cho người lớn: Uống 20 – 80mg/ lần vào buổi sáng sau khi ăn.
- Liều dùng cho trẻ em: Uống 1mg/ kg trọng lượng/ lần, mỗi ngày 1 – 2 lần sau khi ăn xong.
Dexamethasone
- Liều dùng cho người lớn: Uống/tiêm tĩnh mạch 8 – 20mg/ lần vào buổi sáng sau khi ăn.
- Liều dùng cho trẻ em: Uống/tiêm tĩnh mạch 0,3mg/ kg trọng lượng/ lần, chia 1 – 2 lần/ ngày sau khi ăn xong.
2. Dùng thuốc điều trị ung thư đi căn xương
Thuốc điều trị ung thư đi căn xương là những loại thuốc có khả năng làm giảm hoặc ngăn chặn hủy xương, làm chậm ung thư di căn xương. Đồng thời diệt tế bào ác tính và hạn chế gãy xương bệnh lý.
+ Bisphosphonates
Bisphosphonates làm chậm quá trình hủy xương, giảm nguy cơ gãy xương bệnh lý. Tùy thuộc vào tình trạng, những loại thuốc sau có thể được chỉ định.
- Pamidronate 30mg: Truyền tĩnh mạch 90mg/ lần/ tháng.
- Zoledronic acid 4mg: Pha truyền tĩnh mạch 4mg/ lần/ tháng.
+ Thuốc diệt tế bào ung thư
Một loại thuốc đặc biệt sẽ được sử dụng để tập trung tác động và tiêu diệt tế bào ung thư. Nhóm thuốc này mang đến hiệu quả tốt nhất cho những bệnh nhân có HER2 dương tính, cụ thể như bệnh nhân bị ung thư vú di căn xương.
Phân loại và liều dùng thuốc diệt tế bào ung thư sẽ được sử dụng dựa trên tình trạng cụ thể của bệnh nhân.
+ Dược chất phóng xạ (xạ trị trong)
Nếu ung thư di căn làm tổn thương nhiều xương, bệnh nhân sẽ được sử dụng dược chất phóng xạ (truyền tĩnh mạch một lượng nhỏ). Đây là một loại thuốc có khả năng tiêu diệt tế bào ác tính, giảm đau và điều chỉnh những bất thường ở xương.
Sau khi tiêm truyền, dược chất phóng xạ di chuyển đến những tổ chức xương tổn thương do ung thư. Sau đó giải phóng bức xạ giúp điều trị bệnh.
Một số dược chất phóng xạ thường được sử dụng gồm:
- Samarium – 153
- Phosphous – 32
- Strontium – 89
Phương pháp này có thể gây một số tác dụng phụ không mong muốn như tổn thương tủy xương và giảm tế bào máu.
3. Điều trị các tình trạng đi kèm
Trong phác đồ điều trị ung thư di căn xương, một số tình trạng di kèm như thiếu máu và tăng calci máu được điều trị bằng những thuốc sau:
+ Điều trị tăng calci máu
Truyền dịch pha loãng
- Truyền 3 – 4 lít dung dịch natriclorua 0,9% / ngày, từ 200 – 300ml/ giờ, duy trì nước tiểu 100 – 200ml/ giờ (lưu ý điều kiện huyết áp cho phép).
Thuốc lợi tiểu (nhóm furosemide)
- Liều khuyến cáo: Tiêm tĩnh mạch 20mg/ lần. Dùng trong hoặc sau khi truyền dịch.
Calcitonin
- Liều khuyến cáo: Pha với natriclorua 0,9% truyền tĩnh mạch hoặc tiêm bắp 4 – 6 UI/ kg trọng lượng, mỗi 12 giờ.
Calcitonin không được dùng kéo dài. Theo dõi nồng độ calci máu để ngưng dùng thuốc.
Methylprednisolon
- Liều khuyến cáo: Truyền tĩnh mạch 2mg/ kg trọng lượng.
Bisphosphonate đường tĩnh mạch
- Liều khuyến cáo: Pha Pamidronate 90mg với natriclorua 0,9%, truyền trong 2 giờ. Hoặc truyền nhanh glucose 5% trong 30 phút. Hoặc pha 4mg zoledronate acid với 200ml natriclorua 0,9%.
+ Điều trị thiếu máu
Truyền những chế phẩm của máu (chẳng hạn như truyền khối hồng cầu) để điều trị thiếu máu.
- Erythropoietin: Tiêm dưới da 2000 – 4000 UI/ ngày, 3 lần/ tuần.
4. Phẫu thuật điều trị ung thư di căn xương
Phẫu thuật thường được áp dụng trong điều trị ung thư di căn xương. Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân có thể được phẫu thuật thay khớp, sửa chữa xương gãy hoặc ổn định xương yếu do ung thư.
- Sửa chữa xương gãy
Nếu ung thư di căn xương gây gãy xương, bệnh nhân được phẫu thuật chỉnh sửa, cấy ghép thiết bị kim loại (như đinh, vít, những tấm kim loại…) để ổn định cấu trúc xương và hàn xương gãy.
- Thay khớp
Thay khớp cho những bệnh nhân có khớp bị phá hủy do ung thư. Trong đó bộ phận giả sẽ được sử dụng để thay thế một phần hoặc toàn bộ khớp hỏng. Sau phẫu thuật, vật lý trị liệu được thực hiện để cải thiện khả năng vận động cho bệnh nhân.
- Ổn định xương
Phẫu thuật ổn định xương được chỉ định cho bệnh nhân có nguy cơ gãy xương bệnh lý. Phương pháp này giúp ổn định các xương ảnh hưởng, ngăn gãy xương và tăng phục hồi khả năng vận động.
Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân có thể được tiêm xi măng vào xương hoặc cấy ghép kim loại (đinh, vít, tấm kim loại) để ổn định xương.
5. Hóa trị liệu
Trong phác đồ điều trị ung thư di căn xương chuẩn của Bộ y tế, hóa trị là một trong những phương pháp điều trị chính. Phương pháp này phù hợp với những bệnh nhân có ung thư di căn đến nhiều xương.
Tùy thuộc vào tình trạng, một hoặc nhiều thuốc kháng ung thư được dùng để tiêu diệt tế bào ung thư khắp cơ thể. Từ đó ngăn chặn sự phát triển và phân chia của chúng, kiểm soát ung thư di căn xương và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Thuốc có thể được dùng ở dạng viên uống, tiêm tĩnh mạch hoặc cả hai. Hóa trị liệu dễ gây tác dụng phụ rụng tóc, mệt mỏi, tăng nguy cơ nhiễm trùng…
6. Xạ trị bên ngoài
Khác với dược chất phóng xạ (xạ tĩnh mạch), xạ trị bên ngoài phù hợp với bênh nhân có ung thư khu trú ở một số khu vực nhỏ, đau nhiều do ung thư di căn xương. Phương pháp này giúp tiêu diệt tế bào ung thư, giảm đau, tăng tiên lượng cũng như kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Trong xạ trị, chùm tia năng lượng cao như tia X hoặc proton sẽ được sử dụng. Khi thực hiện, bệnh nhân được hướng dẫn nằm trên bàn xạ trị, sau đó một thiết bị di chuyển xung quanh cơ thể nhiều lần, hướng chùm tia bức xạ đến vị trí cần điều trị.
Bệnh nhân xạ trị thường gặp một số tác dụng phụ gồm đau đầu, buồn nôn, nôn, rụng tóc, mệt mỏi…
7. Liệu pháp hormone
Liệu pháp hormone thường được chỉ định cho bệnh nhân có ung thư vú hoặc ung thư tuyến tiền liệt di căn xương. Trong liệu pháp này, một số loại thuốc sẽ được sử dụng để ngăn chăn sự tương tác của hormone và tế bào ác tính hoặc giảm nồng độ hormone tự nhiên. Từ đó giúp ngăn chặn những bất thường do ung thư.
Nếu liệu pháp hormone không hiệu quả, những cơ quan sản xuất hormone như tinh hoàn và buồng trứng có thể bị cắt bỏ.
8. Làm nóng và đông lạnh tế bào ung thư
Nếu thất bại trong điều trị, bác sĩ có thể thử liệu pháp làm nóng và đông lạnh tế bào ung thư. Phương pháp này phù hợp với bệnh nhân có 1 hoặc 2 ổ nguyên phát di căn xương.
- Làm nóng tế bào ung thư: Tế bào ung thư và mô xung quanh được làm nóng bằng cách chọc kim có chứa đầu dò điện, sau đó cho dòng điện có tần số thấp đi qua đầu dò. Để nguội và lặp lại nhiều lần.
- Đông lạnh tế bào ung thư: Đông lạnh hoặc làm lạnh tế bào ung thư. Sau đó đợi băng tan và lặp lại nhiều lần.
Liệu pháp làm nóng và đông lạnh tế bào ung thư cần được cân nhắc vì có thể làm tăng nguy cơ gãy xương, tổn thương xương và dây thần kinh.
9. Vật lý trị liệu
Bệnh nhân được vận động trị liệu để giảm đau và cải thiện khả năng vận động. Đồng thời giúp thư giãn, chống mệt mỏi và cải thiện tâm trạng. Thông thường các bài tập kéo giãn nhẹ nhàng, di chuyển dưới nước… sẽ được áp dụng.
Những trường hợp có nguy cơ gãy xương cần tập đi với nạng để giảm áp lực lên vùng tổn thương. Một số trường hợp có thể được sử dụng nẹp hoặc gậy để cải thiện khả năng giữ thăng bằng.
Ngoài những phương pháp nêu trên, bệnh nhân được yêu cầu xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và đủ chất, vận động nhẹ nhàng, kiểm soát tâm trạng, suy nghĩ tích cực và lạc quan… Những biện pháp chăm sóc này đều có khả năng hỗ trợ quá trình điều trị bệnh, tăng khả năng chống ung thư.
Tiên lượng
Bệnh nhân bị ung thư di căn xương thường có tiên lượng xấu. Nguyên nhân là do di căn xương xảy ra ở giai đoạn 4 của ung thư nguyên phát. Tùy thuộc vào mức độ di căn và tình trạng sức khỏe, bệnh nhân có thể sống từ 1 – 3 năm, tỉ lệ sống sót sau 5 năm rất thấp.
Đối với những trường hợp ung thư phổi di căn xương, thời gian sống thường ngắn hơn, khoảng vài tháng đến 1 năm. Chính vì thế việc can thiệp sớm là điều cần thiết.
Phác đồ điều trị ung thư di căn xương chuẩn của Bộ y tế gồm những biện pháp chăm sóc và điều trị triệu chứng, tăng thời gian sống và cải thiện chất lượng đời sống của bệnh nhân. Việc sớm chẩn đoán và tuân thủ phác đồ điều trị có thể đảm bảo hiệu quả chữa bệnh. Từ đó cải thiện tiên lượng. Vì vậy bệnh nhân cần tham vấn y khoa để được hướng dẫn chữa trị đúng cách.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!