Đau Nhức Xương Khớp Về Đêm
Đau nhức xương khớp về đêm có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Tương tự, sự trằn trọc, khó ngủ vào ban đêm sẽ góp phần khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn đến suy nhược cơ thể và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Bài viết dưới đây là một số lời khuyên để giảm đau nhức xương khớp và tăng cường chất lượng giấc ngủ.
Đau nhức xương khớp về đêm là bệnh gì?
Tình trạng đau nhức xương khớp vào ban đêm có thể khiến người bệnh gặp khó khăn đi vào giấc ngủ. Cảm giác đau nhức, rát, ngứa ran gây kích thích các dây thần kinh, kích hoạt não bộ, điều này khiến người bệnh không thể thư giãn và luôn tỉnh táo do cơn đau cũng như sự lo lắng.
Bởi vì giấc ngủ có tác dụng chữa lành các tổn thương. Do đó mất ngủ sẽ khiến cơn đau khớp và các vấn đề sức khỏe mãn tính khác trở nên tồi tệ hơn. Thiếu ngủ cũng gây cản trở quá trình hồi phục và tăng nguy cơ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
Có nhiều nguyên nhân và vấn đề sức khỏe có thể dẫn đến các cơn đau nhức xương khớp về đêm, chẳng hạn như:
1. Đau dây thần kinh
Các triệu chứng tổn thương thần kinh có thể trở nên nghiêm trọng hơn vào ban đêm, dẫn đến cảm giác bỏng rát, ngứa ran hoặc như kim châm. Các vấn đề phổ biến chẳng hạn như hội chứng ống cổ tay hoặc khiếm khuyết một nhóm dây thần kinh.
Về ban đêm, nhiệt độ cơ thể có thể xuống thấp hơn, điều này có thể là nguyên nhân gây đau dây thần kinh. Các chuyên gia tin rằng, vào ban đêm, các dây thần kinh bị tổn thương có thể diễn giải sự thay đổi nhiệt độ thành các cơn đau hoặc ngứa ran khắp cơ thể.
2. Đau cơ
Vào ban đêm, tình trạng đau cơ có thể giống như một cơn đau sâu liên tục hoặc đau nhói đột ngột. Cơn đau này có thể ảnh hưởng đến hầu hết các vị trí trên cơ thể, chẳng hạn như cổ vai gáy, lưng trên, lưng dưới, đùi, hông, đầu gối.
Tình trạng đau cơ về đêm có thể là liên quan đến các chấn thương hoặc các vấn đề sức khỏe ở lưng, như thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, cong vẹo cột sống hoặc gù. Hầu hết các tình trạng này là mãn tính, không có biện pháp điều trị, nhưng có thể kiểm soát và phòng ngừa tái phát với nhiều biện pháp khác nhau.
3. Đau xương
Đau xương vào ban đêm thường được mô tả như một cơn đau xuyên thấu, sâu và trở nên tồi tệ hơn khi xương được di chuyển. Đau xương về đêm có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như gãy xương, nhiễm trùng, loãng xương hoặc các vấn đề sức khỏe khác.
Tình trạng đau nhức xương khớp về đêm cũng xảy ra do sự thiếu hụt nội tiết tố, chẳng hạn như mãn kinh, tiền mãn kinh. Ngoài ra, ung thư xương cũng có thể gây đau xương về đêm, tuy nhiên tình trạng này thường không phổ biến.
4. Đau khớp
Đau khớp về đêm có thể là dấu hiệu của các tình trạng mãn tính, chẳng hạn như viêm khớp, thoái hóa khớp. Viêm khớp có thể ảnh hưởng đến nhiều vị trí khác nhau, chẳng hạn như cột sống, cổ vai gáy, lưng, hông, đầu gối và chân.
Vào ban ngày, các khớp sẽ được bôi trơn bằng chất lỏng khi di chuyển. Tuy nhiên, vào ban đêm, quá trình bôi trơn này sẽ chậm lại vào ban đêm, và các khớp có thể bị sưng lên. Đau khớp vào ban đêm thường có cảm giác đau, nhức, cứng, tạo cảm giác nóng rát hoặc đau nhói từng cơn.
5. Bệnh gout
Đối với người bệnh gout, các triệu chứng như đau và sưng có thể trở nên nghiêm trọng vào ban đêm, dẫn đến khó ngủ. Bệnh gout xảy ra khi các tinh thể acid uric tích tụ trong khớp, thường là ở ngón chân cái, tuy nhiên bệnh có thể ảnh hưởng đến đầu gối, bàn chân, bàn tay, cổ tay và khuỷu tay, dẫn đến các cơn đau dữ dội, đột ngột, đặc biệt là vào ban đêm.
Theo thống kê, các cơn gout vào ban đêm và rạng sáng cao gấp 2.4 lần so với ban ngày. Cơn đau có thể xuất hiện, kéo dài suốt cả đêm, vài ngày hoặc vài tuần, khiến khớp bị sưng, đỏ và mềm khi chạm vào.
Một số lý do khiến cơn gút phổ biến vào ban đêm:
- Nhiệt độ cơ thể giảm xuống, kích thích sự hình thành các tinh thể acid uric trong khớp, gây đau đớn đột ngột.
- Hơi thở thay đổi, tạo ra nhiều carbon dioxide trong cơ thể, góp phần tăng tính acid máu và kích thích sản xuất acid uric.
- Ngừng thở khi ngủ, hút thuốc, sử dụng rượu, có tiền sử suy tim, tiểu đường.
6. Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp có thể gây đau nhức xương khớp về đêm và gián đoạn giấc ngủ ngon. Viêm khớp dạng thấp là tình trạng viêm mãn tính, có thể ảnh hưởng đến nhiều hệ thống cơ thể, bao gồm khớp, da, mắt, phổi, tim và mạch máu.
Không giống như các dạng viêm khớp hao mòn, viêm khớp dạng thấp xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các mô khỏe mạnh của cơ thể, ảnh hưởng đến các lớp niêm mạc, gây sưng, đau và cuối cùng là biến dạng khớp.
Cơn đau nhức xương khớp sẽ khiến người bệnh trằn trọc, khó ngủ và suy nhược cơ thể. Điều này dẫn đến khả năng chữa lành kém và khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Chất lượng giấc ngủ kém là nguyên nhân chính gây đau nhức xương khớp về đêm ở người bệnh viêm khớp dạng thấp.
7. Bệnh đa xơ cứng
Các triệu chứng chính của bệnh đa xơ cứng bao gồm mệt mỏi, ngứa ran, cứng cơ. Trong bệnh đa xơ cứng , hệ thống miễn dịch tấn công lớp vỏ bảo vệ của các sợi thần kinh, gây gián đoạn giao tiếp giữa não và phần còn lại của cơ thể. Điều này dẫn đến tổn thương các sợi thần kinh vĩnh viễn.
Các dấu hiệu và triệu chứng đa xơ cứng thường không giống nhau ở mỗi người bệnh. Một số trường hợp nặng, người bệnh có thể mất khả năng chuyển động hoàn toàn, trong khi các trường hợp khác có thể bị đau nhức xương khớp về đêm.
Hiện tại không có biện pháp điều trị dứt điểm bệnh đa xơ cứng. Tuy nhiên có nhiều cách khắc phục tổn thương, điều chỉnh diễn tiến bệnh, kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng.
Tại sao đau nhức xương khớp nghiêm trọng hơn vào ban đêm?
Hầu hết các cơn đau nhức xương khớp đều trở nên nghiêm trọng hơn vào ban đêm. Thông thường các trường hợp đau nhức xương khớp về đêm không phải là trường hợp cấp cứu, tuy nhiên nếu cơn đau nghiêm trọng, người bệnh nên đến bệnh viện để được chăm sóc sức khỏe phù hợp nhất.
Có nhiều lý do khiến cơn đau nhức xương khớp trở nên nghiêm trọng hơn vào ban đêm, chẳng hạn như:
- Chất lỏng xung quanh khớp: Khi cơ thể nghỉ ngơi, các chất lỏng sẽ tích tụ xung quanh khớp, dẫn đến sưng tấy và viêm. Điều này sẽ khiến các cơ, mô xung quanh khớp trở nên căng cứng và đau đớn.
- Cytokine: Vào ban đêm, một số tế bào giải phóng các cytokine, các protein nhỏ kích hoạt hệ thống miễn dịch. Một số cytokine giúp ngủ ngon, trong khi các cytokine khác sẽ làm tăng viêm và gây đau nhức xương khớp.
- Vị trí cơ thể: Tư thế ngủ có thể gây áp lực lên các khớp và dẫn đến đau nhức xương khớp về đêm.
- Nệm và gối: Nệm quá mềm sẽ không hỗ trợ đủ cho cột sống, dẫn đến áp lực lên các khớp, mô mềm, dây thần kinh và gây đau đớn. Nếu gối nằm quá cao hoặc quá thấp, cơ thể sẽ ở tư thế thiếu tự nhiên trong suốt cả đêm, điều này gây kích thích các dây thần kinh, dẫn đến đau nhức xương khớp.
- Nồng độ hormone: Việc sản xuất hormone chống viêm cortisol giảm xuống mức thấp nhất vào khoảng nửa đêm. Điều này sẽ làm tăng cảm giác khó chịu và đau đớn.
- Nhiệt độ cơ thể: Tình trạng đau nhức vào ban đêm có thể xảy ra khi cơ thể quá nóng hoặc quá lạnh. Do đó, các chuyên gia khuyến khích người bệnh nên giữ nhiệt độ ở mức trung bình và ổn định.
Đau nhức xương khớp về đêm phải làm sao?
Có nhiều nguyên nhân và yếu tố rủi ro khác nhau có thể dẫn đến tình trạng đau nhức xương khớp về đêm. Thông thường, tình trạng này sẽ được kiểm soát bằng cách phương pháp chăm sóc tại nhà, chẳng hạn như:
1. Tập thể dục vào ban ngày
Tập thể dục sẽ giữ cho cơ bắp khỏe mạnh, dẻo dai, giảm áp lực lên các khớp và ngăn ngừa cơn đau nhức về đêm. Các bài tập như yoga, kéo giãn cơ thể thường mang lại nhiều lợi ích đối với người viêm khớp dạng thấp hoặc thoái hóa khớp.
Ngoài ra, người bệnh có thể tham khảo các lựa chọn khác, chẳng hạn như:
- Đi dạo
- Chạy bộ
- Tập thể dục nhịp điệu dưới nước
- Thái cực quyền
Nếu cần thiết, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ về các bài tập cụ thể và chương trình vật lý trị liệu phù hợp để cải thiện cơn đau.
2. Giãn cơ nhẹ nhàng trước khi ngủ
Tập thể dục quá mức trước khi đi ngủ có thể gây khó ngủ và đau nhức xương khớp. Tuy nhiên các động tác giãn cơ và bài tập nhẹ nhàng có thể giúp giảm sưng tấy ở các khớp và hỗ trợ tăng cường chất lượng giấc ngủ. Các động tác kéo giãn trước khi đi ngủ rất đơn giản, nhẹ nhàng và thậm chí là có thể thực hiện ngay trên giường.
Ép đầu gối khi nằm nghiêng:
- Nằm nghiêng với một cái gối dưới đầu và một cái khác giữa hai đầu gối.
- Nhẹ nhàng ép hai đầu gối vào gối trong 3 giây. Sau đó thư giãn trong 3 giây.
- Lặp lại 3 lần trước khi đổi bên.
Ép gối khi nằm ngửa:
- Nằm ngửa với một chiếc gối dưới đầu và một chiếc khác giữa hai đầu gối.
- Nhẹ nhàng ép hai đầu gối vào gối trong 3 giây. Sau đó thư giãn trong 3 giây.
- Lặp lại động tác 3 lần.
Ép bụng khi nằm ngửa:
- Nếu bị đau vai gáy vào ban đêm, hãy nằm ngửa với một chiếc gối dưới đầu và một chiếc gối khác giữa hai đầu gối.
- Đặt tay lên bụng và ấn nhẹ vào bụng trong 3 giây rồi thả lỏng trong 3 giây. Lúc này người tập sẽ cảm thấy hơi căng ở phía trước vai, các cơ quay bên trong.
- Lặp lại động tác 3 lần.
Ép vai khi nằm nghiêng:
- Nằm nghiêng với một cái gối dưới đầu và một cái khác giữa hai đầu gối.
- Nhẹ nhàng ấn mu bàn tay dưới xuống giường. Giữ trong 3 giây, sau đó thư giãn trong 3 giây. Lúc này người tập sẽ cảm thấy căng ở sau vai, các cơ quay bên ngoài.
- Lặp lại động tác 3 lần.
Nếu các bài tập không giúp kiểm soát cơn đau nhức xương khớp về đêm, người bệnh nên rời khỏi giường, di chuyển nhẹ nhàng xung quanh nhà để tăng cường lưu lượng máu và giảm đau. Sau đó trở lại giường, thực hiện các động tác giãn cơ và giảm đau trên giường.
Theo thời gian, các bài tập này sẽ cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp và giúp người bệnh ngủ ngon hơn.
3. Chườm nóng và lạnh
Trong một số trường hợp, người bệnh có thể chườm nóng và chườm lạnh để kiểm soát đau nhức xương khớp vào ban đêm.
Chườm nóng hoặc sử dụng miếng đếm ấm lên các vị trí đau đớn sẽ giúp giảm đau và tăng cường chất lượng giấc ngủ. Người bệnh cũng có thể tắm nước ấm trước khi đi ngủ để giúp giảm đau và hỗ trợ thư giãn. Khi chườm nóng vào các khớp bị đau, các mạch máu tại khu vực đó sẽ tăng dần về kích thước. Điều này giúp tăng lưu lượng máu, oxy trong và xung quanh khớp, từ đó giảm đau, cứng khớp. Nếu cơn đau xảy ra do chấn thương, hãy trao đổi với bác sĩ trước khi chườm nóng.
Bên cạnh đó, chườm lạnh sẽ làm giảm lưu lượng máu đến các khớp, từ đó giảm sưng và viêm. Chườm lạnh cũng mang đến cảm giác tê, từ đó hỗ trợ kiểm soát cơn đau. Người bệnh có thể chườm túi đá hoặc khăn mát lên khớp trong 10 – 20 phút trước khi đi ngủ. Điều này cũng giúp tạo sự thoải mái, thư giãn và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
4. Sử dụng thuốc và sản phẩm bổ sung
Các loại thuốc giảm đau không kê đơn, bao gồm Paracetamol và thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Aspirin hoặc Ibuprofen, thường được sử dụng để kiểm soát cơn đau nhức xương khớp vào ban đêm. Hiệu quả của thuốc kéo dài đến 8 giờ, góp phần giúp người bệnh ngủ suốt đêm.
Sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc chỉ định của bác sĩ. Nếu thuốc giảm đau không kê đơn không mang lại hiệu quả, hãy trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc giảm đau theo toa.
Đối với người bệnh cao huyết áp, bệnh tim hoặc bệnh thận, hãy thông báo với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc. Một số loại thuốc giảm đau có thể gây tích nước, dẫn đến các vấn đề thận, gan, tăng huyết áp.
Bên cạnh các loại thuốc đường uống, người bệnh có thể tìm hiểu các biện pháp giảm đau sử dụng trực tiếp lên da, chẳng hạn như gel, miếng dán, thuốc xịt, kem dưỡng. Các sản phẩm này thường có chứa một số hoạt chất như:
- Tinh dầu bạc hà mang đến cảm giác mát lạnh, hỗ trợ giảm đau.
- Long não mang đến cảm giác mát mẻ, sau đó là ấm áp cho làn da, góp phần làm tê liệt các đầu thần kinh và giảm đau.
- Capsaicin giảm đau bằng cách giảm lượng chất truyền đau cụ thể trong các dây thần kinh.
- Salicylate có tác dụng giảm viêm và hỗ trợ kiểm soát cơn đau nhức xương khớp về đêm.
Người bệnh cũng có thể trao đổi với bác sĩ để bổ sung Glucosamine và Chondroitin, đây là các hợp chất tự nhiên trong sụn, các mô liên kết bao quanh khớp. Việc bổ sung các hợp chất này sẽ giúp hệ xương khớp trở nên khỏe mạnh hơn, từ đó ngăn ngừa các cơn đau, đặc biệt là đau do thoái hóa khớp.
5. Điều chỉnh tư thế ngủ
Để cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp về đêm, người bệnh có thể điều chỉnh tư thế ngủ, xác định vị trí phù hợp và các chuyên động cần tránh, chẳng hạn như:
- Cổ: Hãy giữ cổ ở vị trí trung lập, không quá cao hoặc quá thấp. Hạn chế các tư thế gây áp lực, chẳng hạn như nằm sấp khi ngủ.
- Vai: Nếu ngủ ngửa, hãy sử dụng gối nằm có độ nghiêng khoảng 45 độ để nâng cơ vai và thân trên. Nếu nằm nghiêng, hãy đặt một chiếc gối bên dưới cánh tay để nâng đỡ vai và ngăn ngừa chấn thương.
- Cổ tay và bàn tay: Đối với hội chứng ống cổ tay hoặc viêm khớp cổ tay, người bệnh có thể cần sử dụng nẹp để ổn định và giảm đau.
- Hông: Nếu ngủ nghiêng, hãy thu đầu gối lên gần ngực và đặt một chiếc gối ở giữa hai chân để giảm áp lực lên hông. Nếu nằm ngửa, hãy đặt một chiếc gối bên dưới đầu gối.
- Đầu gối: Nếu nằm ngửa khi ngủ, hãy đặt gối bên dưới đầu gối. Nếu nằm nghiêng, hãy đặt một hoặc nhiều gối ở giữa hai đầu gối để giảm đau. Nếu thức dậy vào ban đêm và đã đá tung các chiếc gối, hãy đặt những chiếc gối về vị trí ban đầu và đi ngủ lại.
- Bàn chân: Đối với người bệnh gout hoặc viêm khớp ảnh hưởng đến và chân, thậm chí trọng lượng của tấm chăn cũng có thẻ gây đau. Do đó, các chuyên gia khuyên người dùng có thể sử dụng bộ nâng chăn để giảm áp lực lên các khớp bị đau.
6. Thiền định
Nếu cơn đau nhức xương khớp về đêm gây thức giấc, người bệnh có thể khó ngủ trở lại. Trong trường hợp này, người bệnh có thẻ tập thiền định để kiểm soát cơn đau mãn tính và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Các nghiên cứu cho biết, thiền định có thể thay đổi cách não bộ xử lý các tín hiệu đau đớn, làm giảm độ nhạy cảm của cơ thể đối với cơn đau. Ngoài ra, thiền định cũng làm giảm lo lắng, giúp thư giãn và nâng cao chất lượng giấc ngủ.
Trao đổi với bác sĩ hoặc liên hệ với huấn luyện viên thiền định để được hướng dẫn chính xác nhất.
7. Xây dựng thói quen ngủ khoa học
Thói quen ngủ khoa học không nhất thiết sẽ kiểm soát tốt tình trạng đau nhức xương khớp về đêm, tuy nhiên sẽ giúp người bệnh ngủ sâu và chất lượng hơn.
Hãy đảm bảo phòng ngủ tối, mát và yên tĩnh. Tắt tất cả các thiết bị điện tử ít nhất là 1 tiếng trước khi đi ngủ để đảm bảo đầu óc được thư giãn. Ngoài ra, người bệnh có thể nghe nhạc nhẹ, nhạc thư giãn, thiền định, đọc một quyển sách hoặc thực hiện các kỹ thuật thư giãn khác trước khi tắt đèn.
Nếu cần thiết, có thể sử dụng các loại tinh dầu hoặc xông hương thơm. Điều này có thể làm dịu các khớp bị đau, thúc đẩy thư giãn và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Đau nhức xương khớp vào ban đêm – Khi nào cần đến bệnh viện?
Tình trạng đau nhức xương khớp về đêm có thể gây mất ngủ và kiệt sức. Cơn đau cũng có thể làm suy giảm đáng kể khả năng tham gia vào các hoạt động hàng ngày và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, hãy thông báo với bác sĩ nếu cơn đau nghiêm trọng, không đáp ứng các biện pháp tự điều trị, chăm sóc tại nhà.
Ngoài ra, hãy đến bệnh viện ngay khi xuất hiện các triệu chứng nào sau đây:
- Đau nhức xương khớp dữ dội, kéo dài vài tuần hoặc hơn
- Cơn đau gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ hoặc khiến người bệnh thức giấc giữa đêm
- Sưng hoặc nóng đột ngột xung quanh khớp hoặc không thể sử dụng khớp dễ dàng
- Đau nhức xương khớp kèm theo sốt cao hoặc ớn lạnh
Đau nhức xương khớp về đêm có thể kiểm soát bằng các biện pháp tự chăm sóc tại nhà hoặc sử dụng thuốc không kê đơn. Tuy nhiên, nếu cơn đau nghiêm trọng, kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, hãy trao đổi với bác sĩ để được chăm sóc sức khỏe phù hợp nhất.
Tham khảo thêm:
- Đau Nhức Xương Khớp Khi Thay Đổi Thời Tiết Và Cách Xử Lý
- Giải Pháp Châm Cứu Đau Khớp Gối Hiệu Quả Theo Đông Y
- 7 Cách Sử Dụng Ngải Cứu Chữa Đau Khớp Gối Từ Dân Gian
- Đau Khớp Gối Sau Sinh: Nguyên Nhân Và Cách Trị An Toàn
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!