Đầu Gối Kêu Lục Cục
Đầu gối kêu lục cục khi uốn cong hoặc duỗi thẳng đầu gối có thể là dấu hiệu của một số vấn đề tiềm ẩn. Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng này thường không nghiêm trọng, tuy nhiên nếu bị đau, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.
Đầu gối kêu lục cục có phải mắc bệnh xương khớp không?
Đầu gối là nơi gặp nhau của ba xương:
- Xương ống chân (xương chày)
- Xương đùi
- Xương bánh chè (xương bánh chè)
Bề mặt của các xương được bao phủ bởi một lớp đệm được gọi là sụn khớp và có nhiệm vụ giảm xóc giữa các xương. Các sụn rất quan trọng đối với cấu trúc đầu gối và liên quan đến sự phát triển của viêm xương khớp.
Đôi khi đầu gối có thể phát ra âm thanh lục cục hoặc lách cách khi uốn cong, duỗi thẳng hoặc đi bộ lên xuống cầu thang. Nguyên nhân phổ biến có thể dẫn đến tình trạng này là do thoái hóa khớp gối, tuy nhiên tình trạng này cũng có thể liên quan đến nhiều bệnh lý cơ xương khớp khác.
Thoái hóa khớp làm tổn thương cả sụn khớp, dẫn đến viêm, mòn hoặc rách sụn. Trong quá trình tiến triển, bề mặt sụn trở nên không đồng đều, xương dưới sụn bị lộ ra ngoài. Do đó, khi uốn cong khớp, đầu gối có thể phát ra các âm thanh lục cục.
Ngoài ra, việc hình thành các gai xương ở đầu gối có thể khiến âm thành trở nên rõ ràng hơn. Các âm thanh khác, chẳng hạn như tiếng bật, cũng có thể xảy ra ở đầu gối và thường liên quan đến tổn thương gân, dây chằng hoặc sụn bên trong khớp.
Trong hầu hết các trường hợp, đầu gối kêu lục cục không nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu bị đau đầu gối hoặc hạn chế các hoạt động bình thường, người bệnh nên đến bệnh viện để được kiểm tra và có biện pháp xử lý phù hợp.
Đầu gối kêu lục cục có thể là dấu hiệu của các bệnh viêm xương khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp. Do đó, nếu xuất hiện tình trạng này, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và hướng dẫn cụ thể.
Nguyên nhân khiến đầu gối kêu lục cục
Ngoài thoái hóa khớp, đầu gối kêu lục cục có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể, các nguyên nhân phổ biến bao gồm:
1. Bọt khí
Đôi khi không khí có thể tích tụ ở xung quanh khớp gối, điều này tạo thành các bong bóng nhỏ ở trong dịch khớp. Khi uốn cong đầu gối, một số bong bóng khí có thể bị vỡ ra và tạo ra âm thanh.
Điều này là hoàn toàn bình thường và xảy ra ở tất cả mọi người trong một thời gian nhất định. Tình trạng này không gây đau, không nguy hiểm và không cần điều trị.
2. Căng dây chằng
Đôi khi các dây chằng và gân xung quanh đầu gối có thể bị căng ra một chút so với bình thường. Khi quay trở lại vị trí cũ, có thể khiến đầu gối phát ra âm thanh lách cách nhỏ.
3. Cấu tạo đầu gối
Cơ thể mỗi người có thể có cấu tạo khác nhau một chút. Các mô và thành phần tạo nên đầu gối có thể khác nhau ở mỗi cá nhân. Điều này có thể là bẩm sinh, do lão hóa, chấn thương hoặc các vấn đề xảy ra trong cuộc sống.
Những khác biệt này có thể khiến đầu gối ở một số người dễ phát ra âm thanh hơn những người khác.
4. Chấn thương
Đầu gối kêu lục cục cũng có thể liên quan đến các chấn thương, chẳng hạn như tổn thương xương bánh chè hoặc các bộ phận khác của khớp gối.
Cụ thể, đầu gối phát ra âm thanh lục cục có thể là dấu hiệu của một số vấn đề, chẳng hạn như:
- Rách sụn chêm: Đây là tình trạng phổ biến ở những người chơi thể thao, chạy bộ hoặc chạy việt dã. Vết rách ở sụn chêm có thể dẫn đến các âm thanh lách cách hoặc tiếng nứt khi di chuyển các khớp.
- Chondromalacia patella: Tình trạng này xảy ra khi sụn dưới bề mặt xương bánh chè bị tổn thương. Người bệnh có thể nhận thấy một cơn đau âm ỉ ở phía sau xương bánh chè. Tình trạng hường là do các hoạt động quá sức hoặc chấn thương gây ra.
- Hội chứng xương bánh chè: Tình trạng này thường xảy ra ở những người chạy bộ hoặc tác động lực thường xuyên lên xương bánh chè. Điều này có thể dẫn đến các tiếng rắc nhỏ hoặc khiến đầu gối kêu lục cục khi di chuyển đầu gối.
5. Viêm khớp
Viêm khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp gối có thể dẫn đến tình trạng đầu gối kêu lục cục. Thoái hóa khớp có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng thường phổ biến ở người trên 50 tuổi.
Ở người bệnh thoái hóa khớp gối, nhưng thay đổi sinh học ở đầu gối có thể làm phá vỡ sụn khớp theo thời gian. Điều này có thể dẫn đến viêm, đau và khiến khớp gối phát ra âm thanh lục cục. Thoái hóa khớp có thể dẫn đến nhiều rủi ro nghiêm trọng. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán nếu đầu gối phát ra âm thanh kèm đau đớn.
6. Phẫu thuật
Đôi khi đầu gối có thể bị mất ổn định và phát ra âm thanh lục cục sau khi phẫu thuật chỉnh hình ở đầu gối. Điều này có thể là do những thay đổi trong quá trình phẫu thuật gây ra. Trong trường hợp thay thế khớp gối mới, người bệnh có thể cần thời gian đề làm quen với các thay đổi và sử dụng khớp gối linh hoạt hơn.
Tuy nhiên, thông thường các âm thanh này thường đã xuất hiện trước đó và dễ nhận biết hơn sau khi phẫu thuật.
Trong hầu hết các trường hợp, đầu gối kêu lục cục sau khi phẫu thuật không nghiêm trọng và không gây ảnh hưởng đến chuyển động của khớp gối.
Đầu gối kêu lục cục khi nào cần đến bệnh viện?
Đau gối kêu lục cục là tình trạng phổ biến, thường không đau và không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu người bệnh bị đau, điều này có thể liên quan đến một số bệnh lý cơ xương khớp, chẳng hạn như:
- Viêm xương khớp (OA)
- Bệnh thấp khớp hoặc viêm khớp nhiễm trùng
- Chấn thương đầu gối
Do đó nếu bị đau đầu gối, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Phương pháp điều trị đầu gối kêu lục cục
Đầu gối kêu lục cục thường không nghiêm trọng và không cần điều trị. Tuy nhiên nếu bị đau hoặc có triệu chứng khác, chẳng hạn như khó chịu hoặc gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán. Các biện pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản.
Nếu được chẩn đoán các bệnh viêm khớp, người bệnh có thể được đề nghị các biện pháp điều trị như:
1. Tập thể dục
Thường xuyên tập thể dục có thể hỗ trợ giảm đau và tăng cường tính linh hoạt ở đầu gối. Tập thể dục có thể mang lại một số lợi ích, chẳng hạn như:
- Duy trì sức khỏe khớp
- Giảm độ cứng khớp
- Giảm đau
- Tăng cường sức mạnh xương và cơ
- Cải thiện sự cân bằng và ngăn ngừa nguy cơ té ngã
Những người bị thoái hóa khớp nên thực hiện các bài tập nhẹ nhàng, tác động thấp và ngừng các hoạt động khi cơn đau tăng lên. Nếu nhận thấy đầu gối kêu lục cục hoặc đau đớn sau khi tập thể dục, người bệnh nên giảm thời gian tập hoặc thay đổi bài tập phù hợp hơn.
Các bài tập thể dục dưới nước được cho là phù hợp với người thoái hóa khớp gối. Các bài tập này ít chịu trọng lượng và hạn chế các tác động đến khớp. Ngoài ra, tập thể dục trong nước ấm có thể làm tăng lưu lượng máu đến các khớp, hỗ trợ tăng cường chất dinh dưỡng và protein cần thiết để cải thiện các mô bị tổn thương.
2. Dành thời gian nghỉ ngơi
Nếu đầu gối bị đau hoặc sưng, người bệnh nên dành thời gian để nghỉ ngơi. Cố gắng hạn chế sử dụng các khớp bị ảnh hưởng trong 12 – 24 giờ để cải thiện các triệu chứng.
Ngoài ra, ngủ đủ giấc có thể hạn chế cảm giác mệt mỏi. Mệt mỏi có thể làm tăng nhận thức về cơn đau và khiến người bệnh cảm thấy khó chịu hơn.
3. Chế độ ăn uống phù hợp
Duy trì chế độ ăn uống hợp lý có thể làm giảm căng thẳng cho các khớp. Nếu thừa cân hoặc béo phì, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về các biện pháp giảm cân an toàn. Giảm cân có thể cải thiện tình trạng đầu gối kêu lục cục và giảm đau đau do viêm khớp. Ngoài ra, giảm cân cũng có thể làm giảm viêm trong cơ thể.
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp người bệnh nhận đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để hỗ trợ giảm viêm và làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm khớp.
4. Chườm nóng và chườm lạnh
Chườm lạnh và chườm nóng có thể điều trị các cơn đau do viêm khớp. Chườm đá trong 20 phút mỗi lần có thể hạn chế lưu thông máu, làm giảm chất lỏng trong mô và hỗ trợ giảm sưng, đau. Người bệnh có thể chườm lạnh 3 – 4 lần mỗi ngày.
Chườm nóng trong 20 phút mỗi lần có thể làm giãn nở các mạch máu và tăng tuần hoàn máu. Điều này có thể hỗ trợ điều trị các tổn thương ở khớp gối. Bên cạnh đó, nhiệt độ cao cũng có thể làm giảm tình trạng cứng khớp và cải thiện âm thanh ở đầu gối.
5. Sử dụng thuốc điều trị
Một số loại thuốc không kê đơn có thể được sử dụng để giảm đau do viêm khớp. Tuy nhiên, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
- Acetaminophen là thuốc giảm đau không kê đơn, có tác dụng giảm đau nhưng không thể chống viêm. Ngoài ra, uống quá nhiều Acetaminophen có thể gây tổn thương gan.
- Thuốc chống viêm không steroid có thể hỗ trợ chống viêm, giảm đau và hạn chế các âm thanh lục cục ở khớp. Các loại thuốc phổ biến bao gồm Aspirin, Ibuprofen hoặc Naproxen. Khi sử dụng thuốc cần chú ý các tác dụng phụ, chẳng hạn như vấn đề dạ dày, bệnh tim mạch, tổn thương gan, tổn thương thận và các vấn đề xuất huyết.
- Thuốc bôi ngoài da, chẳng hạn như thuốc có chứa bạc hà hoặc capsaicin có thể hỗ trợ giảm đau do viêm khớp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!