Thoái Hóa Đốt Sống Cổ Chèn Dây Thần Kinh Có Nguy Hiểm?
Thoái hóa đốt sống cổ chèn dây thần kinh có thể dẫn đến tê liệt, hạn chế cảm giác và khả năng vận động. Điều trị sớm và đúng cách có thể cải thiện 80% các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng liên quan.
Thoái hóa đốt sống cổ chèn dây thần kinh là gì?
Thoái hóa đốt sống cổ xảy ra khi các sụn và xương ở các đốt sống bị lão hóa theo thời gian. Bệnh lý này thường xảy ra ở những người lớn tuổi khi hệ xương khớp đã bị lão hóa và mất khả năng đàn hồi tự nhiên. Tuy nhiên, thoái hóa đốt sống cổ cũng có thể xảy ra ở người trẻ tuổi, đặc biệt là những người thường xuyên làm việc với tư thế xấu, lười vận động và chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý.
Tình trạng chèn dây thần kinh còn được gọi là Hội chứng rễ thần kinh cổ, xảy ra khi thoái hóa đốt sống chèn ép hoặc gây tổn thương các dây thần kinh ở cổ. Điều này có thể dẫn đến xơ hóa, suy giảm chức năng và gây ra những cơn đau liên tục từ vùng cổ, đau vai gáy, đau lưng trên và lan xuống một hoặc hai bên cánh tay.
Hầu hết các trường hợp, thoái hóa đốt sống cổ thường gây ảnh hưởng đến dây thần kinh cổ và dây thần kinh cánh tay. Các triệu chứng và dấu hiệu chèn ép phụ thuộc vào dây thần kinh bị ảnh hưởng.
Dây thần kinh cổ:
Ở cổ có hệ thống dây thần kinh khổng lồ đi từ não đến các cơ quan khác trong cơ thể. Do đó, thoái hóa cột sống cổ rất dễ gây tổn thương đến các dây thần kinh này.
Các dấu hiệu phổ biến khi dây thần kinh cổ bị chèn ép bao gồm:
- Đau, tê, nhức mỏi ở vùng cổ, vai gáy và bả vai
- Cơn đau có thể lan xuống cánh tay trên và gây hạn chế khả năng chuyển động
- Đau đớn dữ dội dẫn đến mệt mỏi kéo dài và suy nhược cơ thể
Dây thần kinh cổ và cánh tay:
Ở cổ các dây thần kinh liên kết chặt chẽ và phức tạp với nhau để hỗ trợ cảm giác cũng như hoạt động ở cánh tay. Do đó, tình trạng chèn dây thần kinh có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của cánh tay, bắp tay, cổ tay và cả các ngón tay.
Các dấu hiệu nhận biết chèn ép dây thần kinh cổ và cánh tay bao gồm:
- Đau nhức, ngứa ngáy cánh tay
- Tê tay
- Khó cầm nắm đồ vật
- Cánh tay mất sự linh hoạt bình thường
- Teo cơ trong trường hợp nghiêm trọng
Nguyên nhân chèn dây thần kinh do thoái hóa đốt sống cổ
Thoái hóa đốt sống cổ xảy ra khi sụn và xương ở cổ bị hao mòn theo thời gian. Hầu hết các trường hợp, tình trạng này không nghiêm trọng và có thể được cải thiện với các biện pháp bảo tồn. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc phù hợp, tình trạng này có thể dẫn đến tổn thương các dây thần kinh.
Theo một số nghiên cứu, tình trạng chèn dây thần kinh do thoái hóa cột sống có thể liên quan đến một số nguyên nhân như:
- Đĩa đệm mất nước: Tình trạng này thường xảy ra ở người trên 40 tuổi, có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm, gai cột sống và gây chèn ép lên các dây thần kinh.
- Tính chất nghề nghiệp: Những người có tính chất công việc thực hiện các hoạt động lặp lại thường xuyên, chẳng hạn như vận động viên bơi lội, có thể khiến cổ bị quá tải và chèn ép lên các dây thần kinh.
- Tổn thương ở cổ: Các chấn thương ở cổ trong quá khứ có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa cột sống.
- Chế độ ăn uống không phù hợp: Cột sống người cần nhận đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để hoạt động khỏe mạnh và tránh các tổn thương liên quan.
- Thói quen xấu: Các thói quen xấu bao gồm cúi gập cổ khi sử dụng điện thoại, máy tính, có thể làm ảnh hưởng đến đường cong sinh lý của cột sống, dẫn đến biến dạng và tăng nguy cơ chèn ép lên các dây thần kinh.
- Di truyền: Mặc dù không phổ biến tuy nhiên tình trạng chèn dây thần kinh có thể liên quan đến các yếu tố gen và di truyền.
- Thừa cân béo phì: Béo phì khiến cột sống cổ chịu nhiều áp lực, dẫn đến hình thành các gai xương, tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm và chèn ép dây thần kinh.
Ngoài ra, hút thuốc lá, căng thẳng, stress, lười vận động và không có kế hoạch nghỉ ngơi phù hợp cũng có thể làm tăng nguy cơ chèn dây thần kinh cổ.
Thoái hóa đốt sống cổ chèn dây thần kinh có nguy hiểm không?
Dây thần kinh bị chèn ép có thể dẫn đến viêm, sưng, đau đớn, tê mỏi và mất cảm giác ở vùng cổ vai gáy. Nếu không được điều trị phù hợp có thể dẫn đến mất chức năng, khiến các dây thần kinh bị tê liệt không thể phục hồi.
Trong các giai đoạn đầu, có triệu chứng thường chỉ bao gồm đau nhẹ khi hoạt động, chẳng hạn như cúi đầu, ngửa cổ hoặc xoay cổ. Đôi khi cơn đau cũng xuất hiện khi người bệnh ho, hắt hơi và cười lớn.
Trong các giai đoạn nghiêm trọng, bệnh có thể gây ảnh hưởng đến khả năng vận động, di chuyển cánh tay và các ngón tay. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị teo cơ, liệt tay hoặc mất khả năng điều khiển cánh tay.
Tương tự như tình trạng thoái hóa đốt sống cổ gây thiếu máu não, việc chèn ép dây thần kinh có thể dẫn đến nhiều rủi ro và biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:
- Ù tai và tầm nhìn kém: Đôi khi thoái hóa đốt sống cổ có thể gây ảnh hưởng đến dây thần kinh ở tai và mắt, dẫn đến hiện tượng ù tai, hoa mắt hoặc mất tầm nhìn.
- Rối loạn tiền đình: Khi các rễ thần kinh bị chèn ép có thể gây tổn thương các mạch máu, khiến máu không thể lưu thông đến não. Điều này dẫn đến rối loạn tiền đình với các đặc trưng như mệt mỏi, hóa mắt, mất ngủ, đau đầu.
- Đau răng: Đôi khi các dây thần kinh ở khớp thái dương hàm có thể bị ảnh hưởng. Điều này dẫn đến viêm khớp thái dương hàm, đau răng và nhiều bệnh lý răng miệng khác.
- Rối loạn huyết áp: Dây thần kinh bị chèn ép có thể gây mất ổn định chỉ số huyết áp, khiến cơ thể mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt, thậm chí là ngất xỉu. Trong các trường hợp nghiêm trọng, tình trạng này có thể dẫn đến đột quỵ, tai biến mạch máu não và nhiều rủi ro khác.
- Hội chứng cổ – tim: Tình trạng này có thể khiến người bệnh bị co giật, tim đập nhanh, luôn cảm thấy đau đớn, khó thở và đau đớn ở vùng xương ức.
- Ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày: Các rễ thần kinh ở vùng cổ bị chèn ép có thể gây khó khăn khi xoay cổ, cúi đầu, nghiêng đầu. Nếu dây thần kinh cánh tay bị ảnh hưởng, người bệnh có thể gặp khó khăn khi cầm nắm đồ vật hoặc thậm chí là nâng cánh tay.
- Rối loạn chi: Thoái hóa đốt sống cổ chèn dây thần kinh có thể gây rối loạn hoạt động cánh tay, tê bì chân tay, mất chức năng và thậm chí là liệt nửa người.
Chẩn đoán chèn dây thần kinh do thoái hóa đốt sống cổ
Để xác định tình trạng thoái hóa đốt sống cổ chèn ép dây thần kinh, bác sĩ có thể kiểm tra sức khỏe tổng thể, khả năng phản xạ của người bệnh và thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Các xét nghiệm hỗ trợ bao gồm:
- Chụp X – quang: Hình ảnh X – quang có thể giúp bác sĩ phát hiện các dấu hiệu bất thường ở cột sống cổ, chẳng hạn như mất đường cong sinh lý, hình thành các gai xương, hẹp đĩa đệm hoặc hẹp các lỗ liên hợp.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan): Hình ảnh CT có thể cho hình ảnh chi tiết hơn của các gai xương, đặc biệt là ở các lỗ liên hợp.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Hình ảnh MRI được cho là chính xác nhất để xác định các tổn thương ở đĩa đệm, cột sống, tủy sống và các dây thần kinh bị chèn ép, từ đó có chẩn đoán phù hợp. Ngoài ra, hình ảnh MRI cũng có thể xác định các bệnh lý như viêm đĩa đệm đốt sống cổ hoặc ung thư xương. Tuy nhiên phương pháp này thường đối tốn kém.
- Điện cơ: Thử nghiệm này có thể đo hoạt động của các dây thần kinh khi truyền thông điệp đến cơ và co lại ở trạng thái nghỉ ngơi.
- Nghiên cứu dẫn truyền thần kinh: Trong thử nghiệm này, các điện cực được gắn vào da của người bệnh để đo sức mạnh và tốc độ của tín hiệu thần kinh.
Điều trị thoái hóa đốt sống cổ chèn dây thần kinh
Các phương pháp điều trị tình trạng chèn dây thần kinh do thoái hóa đốt sống cổ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Mục tiêu điều trị chính là giảm đau, duy trì các hoạt động bình thường và ngăn ngừa các tổn thương vĩnh viễn cho tủy sống cũng như dây thần kinh.
Các biện pháp kiểm soát và điều trị phổ biến bao gồm:
1. Chăm sóc tại nhà
Nếu các triệu chứng chèn ép dây thần kinh không quá nghiêm trọng, người bệnh có thể tham khảo các biện pháp chăm sóc tại nhà, chẳng hạn như:
- Chườm nóng: Chườm nóng là phương pháp vật lý trị liệu giúp giảm các cơn đau nhẹ, thư giãn các mạch máu và dây thần kinh. Nhiệt độ có thể tăng cường lưu thông máu, cải thiện cảm giác đau nhức, tế buốt và hỗ trợ phục hồi chức năng cổ, cánh tay.
- Massage: Massage, xoa bóp cổ vai gáy có thể giúp thả lỏng cơ, dây thần kinh, giúp tăng cường lưu thông máu và hỗ trợ giảm đau. Người bệnh có thể đến các spa trị liệu cổ vai gáy để được xoa bóp đúng kỹ thuật và mang lại hiệu quả giảm đau tốt hơn.
- Tập thể dục: Duy trì hoạt động là cách tốt nhất để phục hồi tổn thương thoái hóa đốt sống và ngăn ngừa chèn ép các dây thần kinh. Ngay cả khi đang bị đau cổ, người bệnh cũng nên duy trì đi bộ hàng ngày để cải thiện tình trạng đau cổ, đau thắt lưng cũng như giúp hệ xương khớp trở nên linh hoạt hơn.
2. Thuốc điều trị
Thông thường bác sĩ có thể kê các loại thuốc giảm đau không kê đơn để cải thiện cơn đau cổ cũng như ngăn ngừa các cơn đau thần kinh. Nếu thuốc giảm đau không kê đơn không mang lại hiệu quả điều trị, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc khác, chẳng hạn như:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Thuốc chống viêm, chẳng hạn như như aspirin, ibuprofen hoặc naproxen, có cường độ cao, hỗ trợ giảm viêm liên quan đến thoái hóa đốt sống cổ và cải thiện cơn đau thần kinh.
- Thuốc corticoid: Thuốc được chỉ định sử dụng trong thời gian ngắn hạn để cải thiện các cơn đau nghiêm trọng.
- Thuốc tiêm steroid: Thuốc có thể làm giảm sưng tấy và cho phép các dây thần kinh bị viêm phục hồi.
- Thuốc giãn cơ: Một số loại thuốc giãn cơ, chẳng hạn như cyclobenzaprine, có thể giúp giảm co thắt cơ ở cổ và ngăn ngừa tình trạng chèn ép lên các dây thần kinh.
- Thuốc chống động kinh: Một số loại thuốc trị động kinh, chẳng hạn như gabapentin và pregabalin Lyrica, có thể làm giảm cơn đau của các dây thần kinh bị tổn thương.
- Thuốc chống trầm cảm: Một số loại thuốc chống trầm cảm có thể giúp giảm đau dây thần kinh do thoái hóa đốt sống cổ. Tuy nhiên thuốc có thể dẫn đến an thần và nhiều rủi ro khác, do đó không được lạm dụng thuốc.
3. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu sử dụng các động tác và bài tập kéo căng để tăng cường các cơ ở cổ, vai. Việc kéo giãn cột sống cổ có thể cung cấp nhiều không gian hơn trong cột sống bị chèn ép, ngăn ngừa tổn thương dây thần kinh và các rủi ro khác.
4. Phẫu thuật
Phẫu thuật điều trị thoái hóa đốt sống cổ chèn dây thần kinh thường không phổ biến. Tuy nhiên nếu các phương pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả, hoặc khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để tránh các rủi ro không mong muốn.
Phẫu thuật bao gồm:
- Loại bỏ đĩa đệm bị thoát vị hoặc các gai xương
- Cắt bỏ một phần đốt sống
- Hợp nhất một đoạn cột sống
Sau phẫu thuật cột sống cổ, các cử động ở cổ có thể bị hạn chế, tuy nhiên các cơn đau thần kinh sẽ được cải thiện rõ rệt.
Mẹo phòng tránh chèn dây thần kinh do thoái hóa đốt sống cổ
Để phòng ngừa tình trạng thoái hóa đốt sống cổ gây chèn dây thần kinh, người bệnh có thể tham khảo một số mẹo như sau:
- Sử dụng bàn và ghế công thái học tại nơi làm việc để hỗ trợ cột sống
- Tránh các hoạt động lặp lại thường xuyên
- Tránh các cử động gây đau đớn
- Thường xuyên thực hiện bài tập thư giãn và kéo dài cột sống cổ
- Điều trị tình trạng thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm và các chấn thương cột sống theo hướng dẫn của bác sĩ
Hầu hết các trường hợp thoái hóa đốt sống cổ chèn dây thần kinh đều có thể khắc phục. Tuy nhiên nếu không được chăm sóc phù hợp, các tổn thương có thể là vĩnh viễn và không thể phục hồi. Do đó, điều quan trọng là trao đổi với bác sĩ để có kế hoạch điều trị phù hợp nhất.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!