Viêm Khớp Thái Dương Hàm
Viêm khớp thái dương hàm có thể dẫn đến đau đớn và hạn chế khả năng cử động xung quanh khớp hàm. Tình trạng viêm khớp có thể nghiêm trọng hơn theo thời gian nếu không được điều trị và chăm sóc phù hợp.
Viêm khớp thái dương hàm là gì?
Khớp thái dương hàm là phần xương tạo nên phần dưới của hộp sọ, cùng với hàm trên để tạo thành cấu trúc miệng. Khớp này cho phép hoạt động đóng – mở miệng và cho phép ăn và nói.
Viêm khớp thái dương hàm (hay rối loạn khớp thái dương hàm, viêm khớp nhai) là tình trạng rối loạn khớp hàm và các cơ mặt xung quanh như cơ nhai, cân cơ và các cơ đầu cổ khác… có thể dẫn đến đau đớn, cứng khớp và gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của khớp thái dương hàm. Đây là một tình trạng tương đối phổ biến, tồn tại trong một thời gian ngắn và có thể tự khỏi sau vài tháng. Tuy nhiên, viêm khớp có thể tái phát, dẫn đến đau đớn dai dẳng xung quanh hàm và hạn chế cử động hàm.
Trong hầu hết các trường hợp, đau đớn và khó chịu do rối loạn khớp thái dương hàm được điều trị bằng các biện pháp tại nhà. Tuy nhiên, nếu các biện pháp bảo tồn không mang lại hiệu quả, người bệnh có thể được đề nghị phẫu thuật để tránh các rủi ro không mong muốn.
Dấu hiệu nhận biết viêm khớp thái dương hàm
Viêm khớp thái dương hàm thường gây khó chịu và đau đớn dữ dội. Tình trạng này có thể là tạm thời hoặc kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm, có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai bên khuôn mặt.
Viêm khớp thái dương hàm cũng phổ biến ở phụ nữ ở nam giới, đặc biệt là ở những người trong độ tuổi từ 20 – 40. Các triệu chứng rối loạn khớp thái dương hàm bao gồm:
Đau đớn:
Dấu hiệu rõ ràng nhất của tình trạng viêm khớp thái dương hàm là đau khi cử động hàm. Tuy nhiên, các cơn đau khác có thể bao gồm:
- Đau đầu hoặc đau nửa đầu
- Đau cổ hoặc đau lưng
- Đau tai hoặc đau quanh tai và lan tỏa ra má
Có âm thanh khi sử dụng hàm:
Các âm thanh nhỏ hoặc tiếng nghiến răng có thể xảy ra trong khi ăn, nói hoặc ngay cả khi mở miệng. Đây là một dấu hiệu phổ biến khi bị viêm khớp nhai, mặc dù không gây đau đớn.
Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị ù tai, đau tai hoặc nhói ở tai khi nhai hoặc mở rộng miệng.
Hạn chế cử động hàm:
Cử động hàm hạn chế có thể khiến miệng không thể mở hết hoặc khiến hàm không thể di chuyển theo một hướng nhất định. Điều này gây khó chịu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.
Đôi khi người bệnh có thể bị khó nhai hoặc cảm thấy răng hàm trên và hàm dưới không khít với nhau.
Nếu các triệu chứng nghiêm trọng, người bệnh có thể bị sưng to ở một bệnh mặt. Người bệnh cũng có thể bị đau răng, đau đầu, nhức mỏi cổ, chóng mặt, đau tai, có các vấn đề về thính giác, đau vai trên hoặc ù tai.
Đến bệnh viện ngay khi xuất hiện các cơn đau dai dẳng ở hàm hoặc nếu người bệnh không thể đóng- mở hàm hoàn toàn. Bác sĩ, nha sĩ hoặc chuyên gia khớp thái dương hàm có thể trao đổi về các triệu chứng có kế hoạch điều trị phù hợp.
Nguyên nhân gây viêm khớp thái dương hàm
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể không xác định được nguyên nhân gây viêm khớp thái dương hàm. Tuy nhiên, chấn thương ở hàm dưới, nhiễm trùng, lạm dụng hoặc một số bệnh lý liên quan có thể làm tăng nguy cơ viêm khớp. Cụ thể các nguyên nhân và yếu tố rủi ro có thể bao gồm:
1. Nguyên nhân cơ bản
Khớp thái dương hàm là khớp chuyển động trượt. Các thành phần của xương tương tác bên trong khớp được bao phủ bởi sụn và được ngăn cách bởi một đĩa chống sốc (shock – absorbing disk), giữ cho các khớp hoạt động bình thường.
Viêm khớp thái dương hàm có thể xảy ra nếu:
- Đĩa chống sốc bị hao mòn hoặc di chuyển ra khỏi vị trí bình thường
- Sụn khớp bị tổn thương do viêm khớp
- Khớp bị thoái hóa, hư hỏng do va đập hoặc tác động lực mạnh
- Dị tật hoặc có các vấn đề về cấu trúc khớp hàm
2. Các yếu tố rủi ro
Tổn thương ở hàm, khớp hoặc các cơ ở đầu và cổ, chẳng hạn như chấn thương do giật cổ (whiplash) cũng có thể dẫn đến viêm khớp thái dương hàm. Cụ thể, các nguyên nhân bao gồm:
- Nghiến răng dẫn đến áp lực lên các khớp
- Căng thẳng khiến các cơ mặt và hàm bị tổn thương, dẫn đến viêm khớp
- Có các loại viêm khớp, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp hoặc viêm khớp vẩy nến
- Chấn thương hàm
- Một số bệnh mô liên kết có thể ảnh hưởng đến khớp thái dương hàm
- Sử dụng niềng răng chỉnh nha không phù hợp
- Tư thế sai dẫn đến căng cơ cổ, mặt và khớp hàm
- Thiếu ngủ
- Chế độ ăn uống không đầy đủ các chất dinh dưỡng
3. Các bệnh viêm khớp
Mặc dù không phổ biến, tuy nhiên một số bệnh viêm khớp có thể gây ảnh hưởng đến khớp thái dương hàm, chẳng hạn như:
Thoái hóa khớp:
Thoái hóa khớp hay viêm xương khớp là một dạng thoái hóa khớp theo thời gian, có thể ảnh hưởng đến bất cứ khớp nào trong cơ thể, bao gồm khớp thái dương hàm. Thoái hóa khớp hàm đặc trưng bởi sự phá hủy các mô cứng và mềm xung quanh khớp hàm. Điều này có thể dẫn đến thay đổi hình dạng và hoạt động của hàm.
Thoái hóa khớp hàm có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên hàm.
Viêm khớp dạng thấp:
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh và các lớp lót của khớp. Các triệu chứng ở hàm thường xảy ra ở giai đoạn sau của viêm khớp dạng thấp và gây ảnh hưởng đến cả hai bên hàm.
Theo thống kê, gần 93% các trường hợp viêm khớp dạng thấp ở hàm có thể dẫn đến phá hủy xương hàm. Ngoài ra, mức độ nghiêm trọng của viêm khớp nhai phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm khớp dạng thấp.
Viêm khớp vảy nến:
Viêm khớp vảy nến là tình trạng viêm khớp xảy ra ở bệnh nhân vẩy nến. Đây là một tình trạng mãn tính, có thể làm hỏng hàm không thể phục hồi.
Các triệu chứng nhận biết có thể bao gồm:
- Có vấn đề khi mở hàm
- Nghiến răng
- Có tiếng ồn ở hàm
Ngoài ra, các nguyên nhân khác dẫn đến viêm khớp thái dương hàm có thể bao gồm di truyền, nội tiết tố hoặc do tác động của môi trường. Chẳng hạn như, nghệ sĩ vĩ cầm có tỷ lệ viêm khớp thái dương hàm cao hơn, do việc sử dụng nhạc cụ dưới hàm thường xuyên.
Chẩn đoán viêm khớp thái dương hàm
Có một số tình trạng khác có thể dẫn đến các triệu chứng tương tự như viêm khớp thái dương hàm, chẳng hạn như sâu răng, các vấn đề về xoang, viêm khớp hoặc bệnh nướu răng. Do đó, để xác định các nguyên nhân, bác sĩ hoặc nha sĩ có thể kiểm tra tiền sử sức khỏe và tiến hành khám sức khỏe tổng quát.
Bác sĩ có thể kiểm tra một số vấn đề, chẳng hạn như:
- Nghe và cảm nhận khi hàm đóng – mở
- Quan sát phạm vi chuyển động bên trong hàm
- Ấn vào các vùng xung quanh hàm để xác định vị trí đau đớn hoặc khó chịu
- Kiểm tra vết cắn và độ khít của hàm khi cắn
- Kiểm tra các vấn đề ở cơ mặt
Nếu nghi ngờ các vấn đề liên quan, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như:
- Chụp X – quang nha khoa để kiểm tra răng, hàm và toàn bộ khuôn mặt của người bệnh để loại trừ các vấn đề liên quan.
- Chụp CT để kiểm tra chi tiết hình ảnh xương hàm và khớp thái dương hàm.
- MRI để phát hiện các vấn đề với đĩa khớp hoặc mô mềm xung quanh. MRI cũng có thể kiểm tra vị trí khớp và đĩa đệm giảm xóc có lệch khỏi vị trí ban đầu hay không.
Ngoài ra, đôi khi người bệnh có thể được đề nghị gặp bác sĩ phẫu thuật răng hàm mặt để được chẩn đoán chuyên sâu. Bác sĩ có thể kiểm tra toàn bộ vùng mặt, miệng, hàm để đảm bảo các vấn đề về răng, cơ và khớp hoạt động bình thường.
Cách điều trị viêm khớp thái dương hàm
Trong một trường hợp, các triệu chứng rối loạn khớp thái dương hàm có thể tự cải thiện sau vài tháng mà không cần điều trị. Nếu các triệu chứng kéo dài, bác sĩ có thể đề nghị nhiều biện pháp điều trị khác nhau, chẳng hạn như:
1. Điều trị tại nhà
Có nhiều biện pháp xử lý và điều trị tình trạng viêm khớp thái dương hàm có thể thực hiện tại nhà. Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thực hiện các biện pháp như:
- Sử dụng thuốc không kê đơn: Các loại thuốc chống viêm không steroid, chẳng hạn như naproxen và ibuprofen, có thể làm giảm sưng và đau cơ.
- Chườm nóng và lạnh: Chườm một túi đá lên vùng mặt bị tổn thương và vùng thái dương hàm trong khoảng 10 phút mỗi lần, có thể kết hợp thực hiện vài động tác kéo giãn hàm đơn giản. Sau khi chườm lạnh, người bệnh có thể chườm khăn ẩm trong khoảng 5 phút để cải thiện cơn đau. Thực hiện quy trình này một vài lần mỗi ngày.
- Ăn thức ăn mềm: Người bệnh có thể thêm sữa chua, khoai tây nghiền, phô mai, các loại đậu, ngũ cốc, canh, súp, trứng, cá, trái cây và rau nấu chín vào chế độ ăn uống để tăng cường dưỡng chất. Cắt nhỏ thức ăn để hạn chế nhu cầu nhai và tránh gây áp lực lên khớp hàm. Không tiêu thụ các loại thức ăn cứng, giòn, dai hoặc những loại thức ăn dày, cứng đòi hỏi việc nhai nhiều và mở rộng miệng.
- Tránh cử động hàm quá mức: Người bệnh có thể ngáp và nhai, tuy nhiên hạn chế la hét, hát hoặc thực hiện các hoạt động cần mở rộng miệng.
- Không chống tay lên cằm: Tư thế này có thể gây ảnh hưởng đến khớp thái dương hàm và khiến các triệu chứng viêm khớp trở nên nghiêm trọng.
- Giữ các răng cách xa nhau: Điều này có thể giảm áp lực lên quai hàm và hạn chế nguy cơ viêm khớp. Đặt lưỡi ở giữa hai hàm răng để kiểm soát tình trạng nghiến răng và thư giãn hàm.
- Thư giãn hàm: Trao đổi với nhà vật lý trị liệu để được hướng dẫn các thả lỏng hàm. Nếu cần thiết, người bệnh có thể thực hiện xoa bóp hoặc vật lý trị liệu ở hàm.
2. Điều trị y tế
Nếu các biện pháp tại nhà không mang lại hiệu quả, bệnh viêm khớp thái dương hàm có thể cần điều trị y tế, chẳng hạn như:
- Sử dụng thuốc: Bác sĩ có thể kê các loại NSAID liều cao để giảm đau và sưng. Các loại thuốc giãn cơ có thể được chỉ định để thư giãn hàm nếu người bệnh có thói quen nghiến răng. Ngoài ra, các loại thuốc chống lo âu có thể được sử dụng để giảm căng thẳng. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn để kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa các rủi ro liên quan.
- Nẹp bảo vệ: Người bệnh có thể được đề nghị sử dụng các thanh nẹp nhựa ở hàm để tránh việc va chạm giữa hàm trên và hàm dưới. Sử dụng nẹp có thể giảm tác động ở người nghiến răng và hỗ trợ điều chỉnh khớp thái dương hàm về đúng vị trí.
- Điều trị nha khoa: Nha sĩ có thể đề nghị thay thế các răng bị mất và sử dụng mão răng hoặc cầu rưng để điều chỉnh mặt cắn. Ngoài ra, người bệnh có thể cần được niềng răng để điều chỉnh khớp cắn.
- Kích thích điện dây thần kinh qua da: Liệu pháp này sử dụng dòng điện ở mức độ thấp để giảm đau, thư giãn khớp hàm và cơ mặt.
- Tiêm thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau hoặc thuốc gây tê có thể được tiêm vào cơ mặt để giảm đau liên quan đến viêm khớp thái dương hàm.
3. Phẫu thuật
Nếu các phương pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật điều trị. Có ba loại phẫu thuật được sử dụng để điều trị viêm khớp thái dương hàm, bao gồm:
- Chọc dò khớp (Arthrocentesis): Phẫu thuật này được sử dụng nếu người bệnh không có tiền sử viêm khớp thái dương hàm nhưng bị cứng hàm. Đây là một tiểu phẫu nhỏ, được thực hiện tại phòng khám nha khoa. Người bệnh sẽ được gây mê toàn thân, sau đó đưa kim tiêm vào khớp và làm sạch viêm. Nha sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật có thể sử dụng một dụng cụ đặc biệt để loại bỏ các mô bị tổn thương hoặc loại bỏ đĩa đệm hấp thụ sốc.
- Nội soi khớp (Arthroscopy): Phẫu thuật này được thực hiện bằng cách chèn một ống nội soi vào khớp để bác sĩ có thể quan sát bên trong khớp. Trong phẫu thuật này, bác sĩ có thể loại bỏ mô bị viêm hoặc sắp xếp lại các khớp bị lệch. Đây là phẫu thuật ít xâm lấn, để lại sẹo nhỏ, ít biến chứng và có thời gian phục hồi ngắn hơn.
- Phẫu thuật mở khớp: Tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật mở khớp nếu cấu trúc xương trong khớp hàm bị mòn, có khối u trong hoặc xung quanh khớp. Người bệnh sẽ được gây mê toàn thân, sau đó bác sĩ sẽ mở toàn bộ khớp để tiếp cận khu vực viêm. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể bị chấn thương thần kinh và để lại sẹo.
Phòng ngừa viêm khớp thái dương hàm
Chăm sóc răng miệng đúng cách có thể ngăn ngừa viêm khớp thái dương hàm bằng cách duy trì sự thẳng hàng của răng. Sâu răng, gãy răng hoặc mất răng và viêm nướu có thể làm tăng nguy cơ viêm khớp hoặc khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Do đó, đánh răng 2 lần và dùng chỉ nha khoa 1 lần mỗi ngày có thể ngăn ngừa các vấn đề về răng miệng. Ngoài ra, đến gặp nha sĩ 6 tháng một lần để được làm sạch răng chuyên nghiệp và tầm soát các vấn đề liên quan.
Ngoài ra, một số biện pháp phòng ngừa viêm khớp thái dương hàm khác có thể bao gồm:
- Tránh nhai kẹo cao su, thức ăn dai hoặc cứng
- Ăn thức ăn mềm, đặc biệt là khi đang bị viêm khớp
- Hạn chế nghiến răng hoặc sử dụng nẹp hàm để hạn chế các ảnh hưởng liên quan
Điều quan trọng để phòng ngừa viêm khớp thái dương hàm là nhai ở hai bên miệng. Điều này có thể hạn chế các triệu chứng và phòng ngừa nguy cơ tái viêm khớp thái dương hàm.
Viêm khớp thái dương hàm thường không nghiêm trọng và có thể tự khỏi sau vài tháng. Các triệu chứng thường nhẹ và không gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, viêm khớp có thể nghiêm trọng, kéo dài và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Do đó, người bệnh cần được chẩn đoán và điều trị sớm để tránh các rủi ro liên quan.
Cho dù các triệu chứng là nhẹ hoặc nghiêm trọng, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn và có biện pháp xử lý phù hợp.
Thông tin thêm: Viêm khớp và cách TIÊU TAN cơn đau nhức TRÁNH BIẾN DẠNG khớp từ thảo dược
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!