Đau Cơ
Đau cơ là tình trạng phổ biến, có thể liên quan đến rất nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm chấn thương, nhiễm trùng, bệnh tật hoặc xảy ra sau khi tập thể dục. Điều kiện sức khỏe này có thể là cấp tính hoặc mãn tính và cần chăm sóc y tế. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể thực hiện các bước để cải thiện các triệu chứng tại nhà cũng như ngăn ngừa các tình trạng dẫn đến đau cơ.
Đau cơ là gì?
Đau cơ có thể là dấu hiệu của chấn thương, nhiễm trùng, bệnh tật, lạm dụng hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Cơn đau này có thể là một cơn đau sâu, diễn ra đều đặn hoặc những cơn đau nhói ngẫu nhiên. Một số người có thể bị đau cơ toàn thân, trong khi người người khác bị đau cục bộ tại một số vị trí khác nhau trong cơ thể. Ngoài ra, mỗi người đều có thể bị đau cơ theo nhiều cách khác nhau.
Đau nhức cơ bắp là tình trạng phổ biến nhưng cần được chẩn đoán phù hợp để loại trừ các nguyên nhân nghiêm trọng. Sau khi được chẩn đoán, bác sĩ sẽ đề nghị một kế hoạch phù hợp để để cải thiện các triệu chứng cũng như ngăn ngừa cơn đau trong tương lai.
Trong trường hợp đau cơ ở trẻ sơ sinh và trẻ em, nguyên nhân có thể nghiêm trọng hơn. Do đó, hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra chuyên sâu và có kế hoạch xử lý kịp thời.
Nguyên nhân gây đau cơ là gì?
Đau cơ thường được chia thành đau cục bộ và đau toàn thân. Các tình trạng này liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như:
1. Lạm dụng hoặc sử dụng quá mức
Tập thể dục là một phần quan trọng của cuộc sống, giúp cơ thể linh hoạt, năng động và khỏe mạnh hơn. Vận động sẽ giúp hệ thống xương khớp, dây chằng, gân và cơ khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, tập luyện quá sức hoặc chuyển sang các bài tập mới một cách đột ngột, có thể khiến cơ bắp căng thẳng, mệt mỏi và đau đớn trong vài ngày.
Lạm dụng cơ bắp sẽ dẫn đến đau cấp tính, xuất hiện trong khoảng 12 giờ sau khi vận động, đau nhất vào thời điểm 48 – 72 giờ. Tình trạng này được gọi là trì hoãn khởi phát cơn đau. Các chuyên gia cho rằng, trong khoảng thời gian này, cơ thể đang chữa lành các vết thương và khiến cơ bắp mạnh mẽ hơn. Khi các cơ bắp lành lại, lớn hơn, khỏe hơn và chịu được cường độ luyện tập tốt hơn.
Đau cơ sau khi tập thể dục thường không nghiêm trọng và có thể cải thiện bằng cách:
- Căng cơ nhẹ nhàng
- Massage cơ bắp
- Chườm lạnh để giảm sưng cơ
- Chườm nóng để tăng cường lưu lượng máu đến các cơ
- Dành thời gian nghỉ ngơi
- Sử dụng thuốc giảm đau, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid
2. Chấn thương
Lạm dụng cơ trong thời gian dài và sử dụng quá mức trong quá trình tập thể dục hoặc làm việc, có thể dẫn đến chấn thương cơ do hoạt động quá mức. Chấn thương có thể gây đau, mỏi hoặc khó chịu cục bộ tại vị trí bị tổn thương.
Các loại chấn thương cơ phổ biến có thể dẫn đến đau nhức bao gồm:
- Căng cơ bụng dưới: Tình trạng này thường khởi phát từ từ ở người chơi thể thao thường xuyên vặn người, chẳng hạn như bóng đá hoặc quần vợt. Các triệu chứng phổ biến bao gồm gây đau trong các hoạt động thể thao như chạy nước rút, đập bóng, hơi, ho hoặc hắt hơi.
- Căng cơ lưng và bong gân: Căng cơ lưng là chấn thương cơ hoặc gân. Trong khi đó bong gân lưng là tình trạng dây chằng bị giãn hoặc rách. Các dấu hiệu phổ biến bao gồm đau cơ lưng, co thắt cơ, giảm chức năng hoặc phạm vi hoạt động, gây khó khăn khi cúi người về phía trước hoặc đứng sang hai bên. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể cảm thấy các vết nứt hoặc rách tại vị trí bị tổn thương.
- Gãy xương: Gãy xương xảy ra khi hình dạng bình thường của xương bị phá vỡ một phần hoặc hoàn toàn. Các triệu chứng phụ thuộc vào xương bị gãy hoặc loại gãy xương. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp người bệnh thường bị đau cơ, sưng hoặc uốn cong bất thường tại xương bị ảnh hưởng. Gãy xương là tình trạng nghiêm trọng, cần được điều trị ngay lập tức để phục hồi chức năng của cơ thể.
- Hội chứng đau myofascial: Đây là một loại bệnh suy nhược phổ biến của cơ và các mô mềm liên quan. Cơn đau cơ có thể phát ra tại một hoặc nhiều điểm và được kích hoạt bởi áp lực. Tuy nhiên cơn đau cũng có thể xảy ra bất ngờ mà không có bất cứ nguyên nhân nào. Hội chứng đau myofascial thường dẫn đến những cơn đau sâu, đau nhói, thắt chặt, cứng hoặc đau khi chạm vào. Người bệnh cũng có thể bị yếu cơ, mềm cơ và giảm phạm vi hoạt động.
- Hội chứng lạm dụng: Hội chứng lạm dụng là một thuật ngữ để chỉ chứng rối loạn chuyển động lặp đi lặp lại. Lạm dụng quá mức sẽ gây ảnh hưởng đến bàn tay, cánh tay trước và sau đó là toàn bộ cơ thể. Các dấu hiệu bao gồm sưng tấy, đau hoặc tê nhức cơ bắp, dần dần mất khả năng cử động tay hoặc cánh tay. Các đối tượng nguy cơ của tình trạng này bao gồm người làm việc trên dây chuyền, may vá, chơi nhạc cụ hoặc làm việc liên tục trên máy tính.
- Viêm gân: Gân các mô liên kết giữa các cơ và xương. Viêm gân là tình trạng kích ứng hoặc viêm của gân, dẫn đến đau cơ cục bộ tại vị trí của gân và vùng xung quanh. Cơn đau có thể tăng dần, trở nên nghiêm trọng và xuất hiện một cách đột ngột, nếu không được điều trị phù hợp.
Chấn thương là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất có thể dẫn đến đau cơ. Các biện pháp điều trị và phòng ngừa phụ thuộc vào loại chấn thương cơ bản, tuy nhiên điều quan trọng là thực hiện các biện pháp an toàn phù hợp.
3. Bệnh nhiễm trùng
Nhiễm trùng do vi khuẩn và virus có thể khiến người bệnh cảm thấy đau nhức khắp người. Tùy thuộc vào nguyên nhân, người bệnh cũng có thể bị sưng các hạch bạch huyết, sốt, buồn nôn và mệt mỏi nói chung.
Các loại nhiễm trùng có thể dẫn đến đau nhức cơ bắp bao gồm:
- Cảm lạnh thông thường: Đây là tình trạng nhiễm trùng mũi, cổ họng, được gây ra bởi hơn 200 loại virus nhưng thường không nghiêm trọng và có thể tự khỏi trong 10 ngày. Các triệu chứng phổ biến bao gồm hắt xì, chảy nước mũi, ho, đau họng, đầu đầu, nghẹt mũi và sốt. Tuy nhiên người bệnh cũng có thể bị đau nhức cơ bắp khắp người khi cảm lạnh.
- Cảm cúm: Cúm là một loại nhiễm trùng đường hô hấp do virus hoặc vi trùng gây ra, thường xảy ra vào mùa lạnh và có thể khỏi trong 1 – 2 tuần, mặc dù đôi khi các triệu chứng có thể chuyển biến nghiêm trọng. Dấu hiệu phổ biến bao gồm ho khan, đau đầu, viêm họng, ớn lạnh, sổ mũi, ăn mất ngon, đau cơ, mệt mỏi.
- Bệnh sốt rét: Bệnh sốt rét là một bệnh lý gây nguy hiểm đến tính mạng, lây lan khi bị muỗi nhiễm bệnh đốt. Những ký sinh trùng gây sốt rét có thể lây nhiễm cho muỗi và muỗi sẽ truyền ký sinh trùng vào máu người khi đốt. Các dấu hiệu sốt rét bao gồm sốt, đổ mồ hôi, ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi, đau ngực, khó thở, ho, tiêu chảy, buồn nôn và nôn. Sốt rét phát triển có thể dẫn đến thiếu màu, vàng da, vàng tròng trắng của mắt. Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây suy các cơ quan và tử vong.
- Ngộ độc thực phẩm Trichinosis: Tình trạng này xảy ra khi người bệnh ăn thịt sống hoặc chưa qua nấu chín, đặc biệt là ở thịt lợn nhiễm ấu trùng giun trichinella twistis. Các dấu hiệu bao gồm đau bụng, tiêu chảy, táo bón, sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ bắp, sưng mắt. Người bệnh cũng có thể bị ra mồ hôi, ớn lạnh, khát nước và cực kỳ mệt mỏi. Trichinosis cần được điều trị càng sớm càng tốt, nếu không điều trị bệnh có thể dẫn đến tử vong.
4. Thuốc gây đau cơ
Một số loại thuốc và liệu pháp có thể dẫn đến đau cơ tạm thời hoặc mãn tính. Cụ thể, các loại thuốc này sẽ gây viêm xung quanh tế bào cơ hoặc viêm cơ, dẫn đến kích hoạt các thụ thể đau.
Các loại thuốc gây đau cơ phổ biến bao gồm:
- Thuốc điều trị ung thư, bao gồm cả hóa trị và xạ trị
- Thuốc cao huyết áp, chẳng hạn như thuốc ức chế men chuyển
- Thuốc Statin để giảm mức cholesterol
5. Rối loạn thần kinh cơ
Rối loạn thần kinh cơ có thể gây ảnh hưởng đến cơ bắp và các dây thần kinh điều khiển cơ. Tình trạng này sẽ dẫn đến đau cơ và yếu cơ.
Các dạng rối loạn thần kinh phổ biến bao gồm:
- Đau cơ xơ hóa: Đầy là một rối loạn mãn tính dẫn đến đau cơ lan rộng, thường được mô tả là đau, nhức, nóng rát hoặc đau nhói. Ngoài đau đớn, người bệnh có thể gặp các vấn đề về giấc ngủ, mệt mỏi, đau đầu, có cảm giác kiến bò trên da, cứng khớp vào buổi sáng và lo lắng bất thường.
- Chứng loạn dưỡng cơ: Loạn dưỡng cơ là một nhóm gồm hơn 30 bệnh lý di truyền gây ra yếu cơ. Theo thời gian, cơ bắp sẽ co lại, yếu đi, ảnh hưởng đến khả năng đi lại và các hoạt động bình thường như đánh răng. Các dấu hiệu phổ biến bao gồm khó khăn khi đi bộ, chạy, dáng đi bất thường, khó nuốt, có các vấn đề về tim, đau cơ, cong vẹo cột sống và các vấn đề về hô hấp. Loạn dưỡng cơ không thể điều trị được, tuy nhiên người bệnh có thể thực hiện vật lý trị liệu để cải thiện các triệu chứng và tăng cường chất lượng cuộc sống.
- Bệnh teo cơ tủy sống: Teo cơ tủy sống (SMA) là một bệnh thần kinh cơ di truyền khiến các cơ trở nên yếu và mất đi. Triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng này là mất kiểm soát cơ, đau cơ, hạn chế chuyển động và mất sức mạnh. Không có điều trị tình trạng này, tuy nhiên người bệnh có thể tập vật lý trị liệu và sử dụng các thiết bị hỗ trợ để cải thiện chất lượng cuộc sống.
6. Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý mãn tính, tự miễn dịch, chủ yếu gây ảnh hưởng đến các khớp, tuy nhiên cũng có thể gây ảnh hưởng đến cơ bắp. Đau cơ liên quan đến viêm khớp dạng thấp thường xuất hiện dai dẳng, ở khắp cơ thể và gây ảnh hưởng đến các sinh hoạt bình thường của người bệnh.
Ngoài đau khớp và cơ, người bệnh cũng có thể bị sốt nhẹ, sụt cân và mệt mỏi kéo dài.
Ngoài ra, viêm khớp dạng thấp ở người lớn tuổi có thể dẫn đến Polymyalgia rheumatica, còn gọi là đau đa cơ do thấp khớp. Tình trạng này thường phổ biến ở những người trong độ tuổi từ 60 – 70 và hầu như không ảnh hưởng đến người trước 50 tuổi. Các triệu chứng phổ biến bao gồm đau nhức vào buổi sáng, cứng ở vai, cánh tay trên, hông, đùi và sau gáy.
Những người bị bệnh Polymyalgia rheumatica thường gặp khó khăn trong việc kéo tất, giơ cánh tay lên vai để chải hoặc gội đầu. Người bệnh cũng có thể bị mệt mỏi, sụt cân, ăn kém và sốt.
7. Các nguyên nhân khác
Có một số tình trạng sức khỏe và nguyên nhân tiềm ẩn không phổ biến khác cũng có thể dẫn đến đau cơ, chẳng hạn như:
- Các bệnh ung thư, chẳng hạn như sarcoma (ung thư mô mềm) và bệnh bạch cầu (ung thư máu).
- Hội chứng mệt mỏi mãn tính.
- Hội chứng khoang, là sự tích tụ áp lực trong cơ.
- Mất cân bằng chất điện giải, chẳng hạn như canxi, magie, natri và kali.
- Suy giáp, là tình trạng tuyến giáp hoạt động kém.
- Bệnh động mạch ngoại vi.
- Căng thẳng quá mức, lo âu, trầm cảm.
Đau cơ được chẩn đoán như thế nào?
Đau cơ đôi khi không nghiêm trọng và sẽ được cải thiện trong vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, nếu người bệnh không rõ nguyên nhân gây đau hoặc khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch xử lý phù hợp.
Để xác định nguyên nhân gây đau cơ, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng thể, đánh giá mức độ đau, kiểm tra da và mô xung quanh xem có sưng, nóng, đỏ hoặc thay đổi tính chất hay không. Sau các kiểm tra ban đầu, bác sĩ sẽ đề nghị các xét nghiệm chẩn đoán, chẳng hạn như:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ enzym, hormone và các chất điện giải trong cơ thể. Xét nghiệm máu cũng được sử dụng để kiểm tra các bệnh lý nhiễm trùng và vi khuẩn trong cơ thể.
- Chụp MRI hoặc CT để xác định các tổn thương cơ hoặc hệ xương khớp.
- Đo điện cơ để xác định các hoạt động trong dây thần kinh và cơ.
- Sinh thiết cơ để xác định những thay đổi mô cơ, có thể giúp bác sĩ chẩn đoán các bệnh thần kinh cơ.
Đau cơ được điều trị như thế nào?
Nếu được chẩn đoán đau cơ, bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp điều trị phù hợp với nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
1. Tự chăm sóc
Khi đau cơ xảy ra do các hoạt động quá mức, căng cơ hoặc lạm dụng, tình trạng này có thể được điều trị tại nhà với một số biện pháp như:
- Dành thời gian nghỉ ngơi: Các cơ bị thương cần được nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt để cơ thể tự chữa lành và làm dịu tình trạng viêm cấp tính.
- Chườm đá: Chườm lạnh lên vùng cơ bị đau trong 15 phút mỗi lần, sau mỗi 4 – 6 giờ sau khi tập thể dục có thể ngăn ngừa tình trạng đau cơ.
- Băng thun: Sử dụng một miếng băng thun, có độ đàn hồi tốt quấn quanh các cơ bị tổn thương, có thể hỗ trợ cơ và hạn chế mức độ nghiêm trọng của cơn đau.
- Nâng cao: Giữ cơ bị tổn thương cao hơn tim có thể hạn chế lưu lượng máu đến cơ và giúp giảm đau.
2. Sử dụng thuốc
Bên cạnh việc làm dịu cơn đau, bác sĩ có thể kê các loại thuốc khác nhau để điều trị các nguyên nhân cơ bản. Các loại thuốc phổ biến bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid được sử dụng để điều trị một số nguyên nhân như căng cơ, chấn thương và lạm dụng quá mức.
- Thuốc giãn cơ như cyclobenzaprine hoặc tizanidine, có thể được sử dụng để cải thiện cơn đau do chấn thương cấp tính.
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng chẳng hạn như Elavil, đôi khi có thể được kê để điều trị hội chứng đau cơ, đau cơ xơ hóa hoặc hội chứng mệt mỏi mãn tính.
- Corticosteroid được sử dụng để điều trị các tình trạng viêm, chẳng hạn như đau đa cơ hoặc viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, Corticosteroid luôn đi kèm với các tác dụng phụ nghiêm trọng nếu sử dụng trong thời gian dài, do đó chỉ sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Kháng sinh, chống virus, chống nấm, chống ký sinh trùng được chỉ định cho các tình trạng cụ thể theo hướng dẫn của bác sĩ.
3. Vật lý trị liệu
Các liệu pháp vật lý trị liệu như xoa bóp, massage có thể hỗ trợ kéo căng cơ bắp và cải thiện các triệu chứng đau cơ. Người bệnh cũng có thể trao đổi với nhà vật lý trị liệu chuyên nghiệp về các bài tập, phương pháp cải thiện tại nhà để tăng cường chức năng cơ.
Vật lý trị liệu là kế hoạch điều trị được xây dựng dựa trên thể chất của người bệnh để tăng cường sức khỏe. Do đó, điều quan trọng là trao đổi với người có chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.
4. Phẫu thuật
Thông thường đau cơ không cần phẫu thuật, ngoại trừ các chấn thương nghiêm trọng. Tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản, bác sĩ có thể chỉ định loại phẫu thuật phù hợp.
Phòng ngừa đau cơ như thế nào?
Mặc dù một số loại đau nhức cơ không thể phòng ngừa, tuy nhiên các nguyên nhân như lạm dụng, căng cơ, chuột rút, có thể được phòng ngừa với các biện pháp như:
- Chạy bộ trên các bề mặt mềm, như sân vận động, đường cỏ và tránh các bề mặt cứng như bê tông.
- Mang đệm lót chân.
- Khởi động trước khi luyện tập thể chất và thả lỏng, hạ nhiệt cơ thể ngay sau khi chơi thể thao.
- Tham gia các môn thể thao ít tác động hơn, chẳng hạn như bơi lội hoặc đi xe đạp.
- Uống đủ nước, cân nhắc sử dụng các chất điện giải nếu tham gia các môn thể thao đổ nhiều mồ hôi.
Đau cơ khi nào đến bệnh viện?
Đau cơ thường không nghiêm trọng, tuy nhiên người bệnh nên đến bệnh viện ngay khi:
- Đau tức ngực
- Sốt
- Mất khả năng kiểm soát bàng quang
- Yếu cơ
- Đau không được kiểm soát hoặc trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian
- Tê hoặc ngứa ran ở tay chân
Đau cơ là tình trạng phổ biến và hầu hết mọi người đều bị đau cơ ít nhất một lần trong đời. Trong hầu hết trường hợp, cơn đau sẽ được cải thiện bằng cách nghỉ ngơi, kéo giãn và uống thuốc giảm đau. Trong trường hợp cơn đau mãn tính, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!