Bệnh Về Cơ

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Lê Hữu Tuấn | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Hệ cơ đóng vai trò quan trọng trong cấu tạo thân thể và hoạt động sống của con người. Bệnh về cơ có các dấu hiệu như sưng đau, hạn chế tầm vận động, yếu cơ… Người bệnh ban đầu thường chủ quan vì những triệu chứng nhẹ, chỉ tìm cách chữa trị khi cơn đau vượt ngưỡng chịu đựng. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, các bệnh về cơ có thể để lại nhiều di chứng nguy hiểm.

Bệnh về cơ là gì?

Bệnh về cơ là tình trạng tổn thương hoặc suy yếu chức năng của cơ. Điều này có thể dẫn đến đau và làm giảm năng lực vận động, kết quả có thể ngăn cản bạn thực hiện các hoạt động thường ngày. Một số bệnh về cơ nguy hiểm thường gặp như: viêm cơ, nhược cơ, teo cơ, liệt cơ…

Hệ thống cơ bắp là mạng lưới phức tạp và quan trọng đối với cơ thể con người, bao gồm ba loại là cơ tim, cơ vân và cơ trơn, phân bố ở các vùng trên cơ thể, bao gồm các cơ thân mình, các cơ chi trên, các cơ chi dưới và các cơ khác. Các chức năng chính của cơ bắp bao gồm vận động, kiểm soát nhịp tim, nhịp thở, hỗ trợ tiêu hóa, ổn định khớp, kiểm soát tư thế như ngồi hoặc đứng, lưu thông máu, điều khiển tầm nhìn, bài tiết, sinh con, bảo vệ nội tạng, điều chỉnh nhiệt độ cơ thể…

Tổn thương cơ có thể gây đau đớn và ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động trong và ngoài cơ thể.

Dưới đây là thông tin các nhóm bệnh về cơ thường gặp:

  • Nhược cơ (yếu cơ): là bệnh lý tự miễn của những điểm nối cơ – thần kinh ở người bệnh. Bệnh yếu cơ có tính chất dao động theo từng thời điểm trong ngày, như buổi sáng khỏe hơn buổi chiều hoặc tình trạng yếu cơ gia tăng khi người bệnh hoạt động quá sức, giảm bớt khi nghỉ ngơi. Bệnh yếu cơ thường gặp ở cơ mắt (gây sụp mi), cơ vận nhãn, cơ vùng cổ vai, cơ hông hoặc cơ hô hấp (gây thở mệt). (1)
  • Căng cơ: Là tình trạng cơ bắp bị kéo giãn quá mức, vượt quá khả năng chịu đựng, nghiêm trọng có thể dẫn tới rách cơ. Tình trạng căng cơ này khiến các cơ liên quan căng cứng, người bệnh sẽ bị đau buốt, vận động khó khăn. Mọi bộ phận nào trong cơ thể đều có thể bị căng cơ, phổ biến nhất là ở cơ chân, tay, thắt lưng, cổ và vai.
  • Đau cơ: Là tình trạng một nhóm cơ căng buốt, co rút, gây đau, thường gặp phải sau khi vận động quá sức. Bạn có thể bị đau cơ ở bất kỳ đâu như đau cơ vai, đau cơ cổ, đau cơ chân… Thậm chí, cơn đau ở các cơ có thể xảy ra cùng lúc.
  • Viêm cơ: Là tình trạng viêm mạn tính, xảy ra ở các cơ. Một số loại viêm cơ có liên quan đến phát ban trên da. Bệnh viêm cơ có thể gặp ở cra người lớn và trẻ em.
  • Co cứng cơ: Là sự tăng độ cứng của cơ ngoài ý muốn. Triệu chứng của bệnh có thể nhẹ hoặc nặng và thay đổi theo thời gian. Bệnh co cứng cơ có thể gây khó chịu, nhưng lại có lợi trong trường hợp người bệnh bị yếu chân nhiều, giúp di chuyển dễ dàng hơn.
  • Teo cơ: Là tình trạng xảy ra khi các cơ không được vận động, sử dụng trong thời gian dài. Thông thường những người gặp chấn thương ở chân, tay hoặc có bệnh tại khu vực này thường rất ngại vận động. Triệu chứng điển hình của bệnh teo cơ là một bên tay/chân nhỏ hơn bên còn lại.
  • Đa xơ cứng: Là bệnh tự miễn, ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh ở tủy sống và não bộ. Bệnh thường gây viêm, nếu tái lại nhiều lần sẽ phá hủy màng bọc myelin của dây thần kinh làm tắc hoặc chậm đường truyền xung điện thần kinh.
  • Loạn dưỡng cơ: Là một nhóm các bệnh lý di truyền, đặc trưng bởi sự yếu dần hoạt động của hệ cơ trơn. Trong một số trường hợp, bệnh loạn dưỡng cơ có thể gây ảnh hưởng đến tim và những hệ cơ quan khác. Một số thể loạn dưỡng cơ chỉ có tác động đến nam giới. Nếu bệnh tiến triển chậm, người bị bệnh vẫn có cuộc sống bình thường. Nhưng ngược lại, người bệnh phải đối diện với tình trạng yếu cơ nặng nề, thường tử vong vào những năm 20 tuổi.

Nguyên nhân gây bệnh về cơ

Có thể nói, bệnh về cơ xuất hiện ở tất cả các lứa tuổi và cả hai giới. Các bệnh về cơ gây ra bởi nhiều nguyên nhân, có thể điểm qua một số nguyên nhân chính như sau:

Tuổi tác

Tuổi tác liên quan đến quá trình lão hóa, một tác nhân dẫn đến các bệnh về cơ. Theo thời gian, đặc biệt ở người cao tuổi thường gặp phải tình trạng lão hóa, tác động xấu đến hệ cơ.

Người cao tuổi thường gặp phải tình trạng lão hóa, tác động xấu đến hệ cơ
Người cao tuổi thường gặp phải tình trạng lão hóa, tác động xấu đến hệ cơ

Đặc điểm nghề nghiệp

Mỗi công việc lại có đặc thù riêng, nhiều công việc đòi hỏi người làm phải thực hiện một số động tác lặp đi lặp lại hoặc duy trì kéo dài tư thế không tốt cho hệ cơ. Chính vì thế, nghề nghiệp cũng là nguyên nhân thường gặp gây ra các bệnh về cơ. Ví dụ, người làm việc văn phòng hay học tập yêu cầu phải ngồi lâu; các công việc tiếp thị, bán hàng yêu cầu phải đứng lâu thường dẫn đến co cứng cơ, mỏi cơ.

Chế độ ăn uống

Cơ là mô mềm, được nuôi dưỡng từ các dưỡng chất đặc biệt mà cơ thể tự sản xuất và hấp thụ được từ chế độ ăn uống. Ở người có chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu Protein, Vitamin, Carbohydrate,… dễ gặp phải các bệnh về cơ.

Mức độ hoạt động

Không phải chỉ hoạt động nhiều mới gây bệnh về cơ. Nhiều người ít hoạt động, thậm chí không hoạt động, ngồi hoặc nằm cả ngày cũng dễ mắc các chứng bệnh này. Ngoài ra, công việc nặng nhọc, cơ bắp hoạt động nhiều mà không có thời gian nghỉ ngơi cũng khiến hệ cơ chịu áp lực lớn và bị tổn thương. Luyện tập thể thao quá mức hay luyện tập không đúng cách cũng có thể gây tổn thương cho hệ cơ.

Khuân vác nặng có thể gây tổn thương cơ
Khuân vác nặng có thể gây tổn thương cơ

Nhiễm khuẩn

Cơ nằm sâu trong cơ thể và được bảo vệ nhiều lớp nhưng vẫn có nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus do tổn thương hoặc biến chứng của tình trạng nhiễm khuẩn khác. Các loại vi khuẩn gây viêm cơ thường gặp là tụ cầu, nhất là tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn, trực khuẩn mủ xanh.

Yếu tố di truyền

Một số bệnh về cơ có tính chất di chuyển, như bệnh teo cơ, rối loạn cơ di truyền…

Chấn thương

Chấn thương va đập mạnh gây tổn thương hệ cơ. Ngoài ra, các cơ phải chịu lực nén lớn trong thời gian dài hay khởi động không tốt trước khi tập luyện thể thao cũng có thể gây ra các chấn thương thể thao, làm cơ bị tổn thương, như căng cơ, dập cơ, bong gân hoặc đứt gân, đứt dây chằng.

Giới tính

Thực tế rối các bệnh về cơ thường gặp nhiều hơn ở phụ nữ, đặc biệt là ở những người làm việc văn phòng hoặc làm công việc nội trợ. Ngoài ra, thiếu hụt dưỡng chất giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh và mang thai,… cũng ảnh hưởng đến sức khỏe hệ cơ của chị em.

Triệu chứng của bệnh về cơ

Các triệu chứng bệnh về cơ thường gặp

  • Đau cơ, nhức mỏi cơ âm ỉ kéo dài hoặc theo cơn, có thể tái phát nhiều lần
  • Bầm tím, co cơ, cứng cơ, sưng cơ
  • Hạn chế vận động, kém linh hoạt, tê liệt hệ cơ

Một số triệu chứng bệnh về cơ hiếm gặp

  • Phát ban, mệt mỏi
  • Nuốt khó, nhai khó, thay đổi giọng nói
  • Khó thở, suy hô hấp
  • Đầu rũ xuống

Mức độ nguy hiểm của bệnh về cơ

Hầu hết bệnh nhân bị các bệnh về cơ đều có biểu hiện đau nhức, ê ẩm, khó chịu. Tùy theo loại tổn thương và mức độ tổn thương mà bệnh về cơ có thể ảnh hưởng lớn sinh hoạt hàng ngày, sức khỏe, để lại cơ thể những thương tổn vĩnh viễn.

  • Hạn chế khả năng vận động, ảnh hưởng sinh hoạt thường ngày
  • Mệt mỏi, suy kiệt, ăn uống kém, giảm khả năng tập trung
  • Bệnh viêm cơ tim có thể gây ra suy tim, đột quỵ
  • Bệnh nhược cơ gây giảm thị lực, suy hô hấp…

Các bệnh về cơ rất đa dạng và có nhiều triệu chứng tương đồng. Vì thế, cần đi khám để được chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh kịp thời, tránh để bệnh tiến triển nặng hơn, kéo theo những biến chứng nguy hiểm.

Cách chẩn đoán bệnh về cơ

Chẩn đoán các bệnh về cơ cần sự phối hợp giữa việc thăm khám các biểu hiện lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp. Để chẩn đoán các bệnh về cơ, bác sĩ thường sử dụng một số kỹ thuật y tế như sau:

  • Quét MRI: Máy quét MRI sử dụng một nam châm năng lượng cao và máy tính để tạo ra hình ảnh của các cơ. Phương pháp chụp MRI có thể giúp xác định các vị trí cơ bị tổn thương và những thay đổi trong cơ theo thời gian.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu giúp phát hiện tình trạng viêm nhiễm tại các cơ. Nếu nồng độ các enzyme trong cơ cao, chẳng hạn như creatine kinase, là dấu hiệu viêm cơ. Một số xét nghiệm máu khác giúp phát hiện các kháng thể bất thường có thể xác định tình trạng tự miễn.
  • Điện cơ đồ (EMG): Là một kỹ thuật được bác sĩ sử dụng để đánh giá chức năng của cơ bắp và dây thần kinh bằng cách ghi lại hoạt động điện do các cơ xương tạo ra. Đây là một kiểm tra quan trọng nhằm chẩn đoán các rối loạn cơ – thần kinh (tình trạng ảnh hưởng đến hoạt động của cơ và/hoặc hệ thần kinh).
Điện cơ đồ là phương pháp giúp chẩn đoán bệnh về cơ
Điện cơ đồ là phương pháp giúp chẩn đoán bệnh về cơ
  • Sinh thiết cơ: Sinh thiết cơ là một phương pháp được sử dụng để chẩn đoán các chứng bệnh liên quan đến mô cơ. Bác sĩ sẽ lấy đi một mẫu nhỏ của mô cơ để làm xét nghiệm. Cơ được chọn để làm sinh thiết tùy thuộc vào vị trí cơ có triệu chứng, như đau cơ hoặc yếu cơ và có hình ảnh bất thường trên siêu âm. Một số bệnh về cơ có thể chẩn đoán nhờ phương pháp sinh thiết cơ như: chứng loạn dưỡng cơ, nhiễm ký sinh trùng trong cơ, viêm cơ, bệnh nhược cơ, xơ cứng cột bên teo cơ,…

Có nhiều nguyên nhân gây ra tổn thương cho cơ nên xét nghiệm chẩn đoán bệnh về cơ không phải là một quy trình đơn giản. Chính vì vậy, quá trình chẩn đoán bệnh về cơ thường khá tốn thời gian.

Phương pháp điều trị bệnh về cơ

Các phương pháp điều trị bệnh về cơ hiện nay còn gặp nhiều hạn chế. Hầu hết các chứng bệnh về cơ đều chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn. Mục tiêu chính khi điều trị bệnh về cơ là kiểm soát tình trạng đau nhức, giảm khó chịu, đảm bảo sức mạnh cơ bắp và phạm vi vận động. Một số bệnh nhân điều trị và đáp ứng tốt vẫn có khả năng phục hồi sức khỏe cơ bắp như bình thường. Điều quan trọng trong điều trị là phát hiện và xử trí kịp thời các bệnh về cơ, tránh bệnh tiến triển nghiêm trọng.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị bệnh về cơ phổ biến hiện nay:

Điều trị bằng thuốc

Trong bệnh về cơ cơ, các loại thuốc được chỉ định để làm dịu triệu chứng. Các loại thuốc cần được sử dụng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và loại cơ bị tổn thương, bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc khác nhau. 

  • Các thuốc kháng viêm, ức chế hệ miễn dịch không steroid: Prednisone, Azathioprine (Imuran®), Methotrexate….
  • Các loại thuốc giảm đau không kê đơn: Ibuprofen, Acetaminophen…
  • Thuốc giãn cơ: Coltramyl, Mydocalm,…
  • Các loại thuốc khác điều trị nguyên nhân gây bệnh
Có thể sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc để điều trị bệnh về cơ
Có thể sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc để điều trị bệnh về cơ

Điều trị ngoại khoa

Một số trường hợp bệnh về cơ như nhược cơ, hội chứng ống cổ tay, dập cơ, đứt dây chằng… có thể được chỉ định phẫu thuật để phục hồi các tổn thương. Sau phẫu thuật, người bệnh vẫn được khuyên tiếp tục dùng các loại thuốc để điều trị bệnh.

Để hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh cũng cần lưu ý tuân thủ một số thói quen tốt như: 

  • Điều chỉnh chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi phù hợp
  • Tránh căng thẳng, lo âu
  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng

Lời khuyên

Biện pháp phòng ngừa các bệnh về cơ

Phần lớn các bệnh về cơ rất khó điều trị dứt điểm, thậm chí có thể phải dùng biện pháp phẫu thuật. Vì thế, bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh như sau:

  • Chế độ dinh dưỡng: Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả. Đặc biệt, đu đủ và chuối là hai loại quả giàu kali, cần cho hoạt động của cơ.
Chế độ ăn nhiều đu đủ và chuối rất tốt cho cơ bắp
Chế độ ăn nhiều đu đủ và chuối rất tốt cho cơ bắp
  • Chế độ vận động: Phần lớn người béo phì, thừa cân, ít vận động có nguy cơ cao mắc các bệnh về cơ. Mỗi ngày, bạn nên dành khoảng 30 phút để thực hiện những bài tập nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, chạy bộ, chơi thể thao… để bảo vệ sức khỏe cơ xương khớp.
  • Chế độ sinh hoạt và làm việc: Bạn cần thay đổi tư thế liên tục, tránh lặp đi lặp lại một động tác, ngồi hay đứng quá lâu, hạn chế làm việc quá sức, dành nhiều thời gian cho cơ thể nghỉ ngơi.
  • Kiểm soát tốt cân nặng: Vì lực đè nặng lên cơ khớp có thể gây tổn thương nên cần tránh tình trạng béo phì. Bạn phải điều chỉnh cân nặng hợp lý để giảm bớt sức nặng lên cơ khớp.
  • Đến gặp bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu bất thường.

Một số lưu ý khi điều trị bệnh về cơ

Đối với những bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh về cơ cần ghi nhớ các biện pháp sau:

  • Phải đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, ăn uống đủ chất và phải bổ sung nhiều kali từ chuối, đu đủ.
  • Phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn (răng miệng, họng…) khi đang dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch.
  • Người bệnh không nên tự ý sử dụng các thuốc có thể gây yếu cơ, như các thuốc giãn cơ, thuốc an thần gây ngủ, thuốc chống co giật…
  • Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc khi đang theo dõi điều trị bệnh
  • Giữ tinh thần luôn thoải mái, tránh những stress về mặt tinh thần, nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh. Không nên vận động và làm việc với cường độ quá cao, liên tục.

Bệnh về cơ là các chứng bệnh phổ biến ở mọi độ tuổi, có thể xảy ra một cách đột ngột hoặc tiến triển dần dần tại bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Các tổn thương ở cơ tuy không trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng sẽ khiến sinh hoạt thường ngày của người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, người bệnh cần gặp bác sĩ ngay để được hỗ trợ điều trị kịp thời.

Câu hỏi liên quan
Bệnh Đa Xơ Cứng Có Chết Không
Người bệnh đa xơ cứng có chết không, có di truyền không là thắc mắc của nhiều bệnh nhân. Đây là một bệnh tự miễn, không có cách chữa khỏi. Bệnh làm khởi phát các triệu chứng nghiêm trọng, gây ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua