Viêm Cơ Cốt Hóa
Viêm cơ cốt hóa xảy ra khi mô xương hình thành và phát triển trong cơ sau một chấn thương, thường ảnh hưởng đến các cơ lớn. Đôi khi tình trạng này phát triển mà không rõ nguyên nhân. Khi mô xương phát triển trong cơ, có thể nhận thấy vùng ảnh hưởng sưng lên rõ rệt kèm theo đau và cứng khớp.
Viêm cơ cốt hóa là gì?
Viêm cơ cốt hóa (Myositis Ossificans – MO) là thuật ngữ y tế chỉ tình trạng mô xương phát triển trong cơ hoặc mô mềm khác. Tình trạng này thường xảy ra sau một chấn thương, chủ yếu ảnh hưởng đến các cơ lớn trên cơ thể (chẳng hạn như cơ tay, cơ đùi, cơ bắp chân).
Trong một số trường hợp, viêm cơ cốt hóa liên quan đến di truyền hoặc vô căn. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh. Tuy nhiên vận động viên và thanh thiếu niên có nhiều nguy cơ hơn.
Khi xương phát triển ở vị trí không bình thường, bệnh nhân cảm thấy đau đớn và cứng khớp, sờ thấy cục u mềm và sưng tấy ở vùng ảnh hưởng. Phần lớn bệnh nhân được chỉ định điều trị không phẫu thuật.
Phân loại viêm cơ cốt hóa
Bệnh viêm cơ cốt hóa được phân thành hai loại dựa vào nguyên nhân, bao gồm:
1. Viêm cơ cốt hóa không di truyền
Đây là loại viêm cơ cốt hóa phổ biến nhất. Loại này xảy ra sau một chấn thương ngay tại vị trí của cơ ảnh hưởng. Trong đó phổ biến nhất là cơ tứ đầu đùi và cơ ở cánh tay. Chính vì thế mà nó còn được gọi là MO do chấn thương.
2. Viêm cơ tương bào
Viêm cơ tương bào (viêm cơ Ossificans Progressiva) có tính di truyền, liên quan đến kiểu trội của nhiễm sắc thể. Đối với dạng này, quá trình hóa xương (xương hình thành trong mô) có thể xảy ra mà không có tổn thương cơ. Kiểm tra trước và trong giai đoạn mang thai có thể dự đoán được.
Trong nhiều trường hợp, viêm cơ tương bào được truyền sang con cái của những người mắc chứng FOP – Fibrodysplasia Ossificans Progressiva (trước đây được gọi là bệnh Stoneman hoặc viêm cơ Ossificans Progressiva). Tuy nhiên trường hợp này được phân loại là không di truyền. Nguyên nhân là do bệnh xảy ra bởi đột biến gen tự phát khi thụ thai.
Triệu chứng của viêm cơ cốt hóa
Khi mô xương phát triển trong cơ hoặc mô mềm khác, vết sưng hoặc một khối u lớn sẽ hình thành dưới da. Ngoài ra viêm cơ cốt hóa còn gây ra những triệu chứng dưới đây:
- Sưng tấy
- Đau đớn. Mức độ đau đớn tăng dần theo thời gian
- Sờ thấy ấm và mềm ở vùng ảnh hưởng
- Giảm phạm vi chuyển động khi mô xương trong cơ tăng kích thước. Triệu chứng này thường gặp hơn ở những người có mô xương phát triển gần khớp.
Vị trí ảnh hưởng
Hầu hết sự biến dạng xảy ra ở cánh tay và đùi, nhất là khi người bệnh hoạt động trở lại sớm khi có chấn thương. Khoảng 20% trường hợp còn lại có bất thường xảy ra ở những vị trí khác, cụ thể:
- Cơ dựng ở cột sống (cơ dựng cột sống – cơ duỗi thẳng và xoay lưng)
- Cơ liên sườn
- Cơ ngực
- Cơ mông
Nguyên nhân gây viêm cơ cốt hóa là gì?
Dưới đây là những nguyên nhân gây viêm cơ cốt hóa:
- Chấn thương
Chấn thương là nguyên nhân gây viêm cơ cốt hóa không di truyền, chiếm đa số trường hợp (khoảng 70 – 80%). Mô xương có thể hình thành trong cơ sau một chấn thương cấp tính tạo ra vết thương và bầm tím sâu ở cơ. Biến dạng cũng có thể xảy ra ở những người có chấn thương nhẹ, lặp đi lặp lại nhiều lần ở cùng một khu vực.
Thông thường các tế bào mới sẽ được sản sinh ngay lập tức để thúc đẩy quá trình chữa lành. Tuy nhiên chấn thương có thể khiến cơ thể không sản sinh tế bào phù hợp. Trong đó những tế bào xương mới được sản sinh thay cho nguyên bào sợi (những tế bào cơ).
- Di truyền
Đối với viêm cơ Ossificans Progressiva, bệnh xảy ra do đột biến gen. Các gen đột biến truyền từ cha/ mẹ đến con nhỏ trong quá trình mang thai. Điều này khiến trẻ sinh ra có nguy cơ mắc bệnh MO.
- Một số nguyên nhân khác
Ngoài chấn thương và di truyền gen đột biến, viêm cơ cốt hóa cũng có thể xảy ra do những nguyên nhân sau:
-
- Bỏng
- Nhiễm trùng
- Rối loạn thần kinh cơ
- Thiếu hụt yếu tố IX (bệnh ưa chảy máu)
- Tiêm truyền tại chỗ không đúng cách hoặc lạm dụng
- Uốn ván
- Vô căn
Trong nhiều trường hợp bệnh viêm cơ cốt hóa xảy ra mà không rõ nguyên nhân.
Sinh lý bệnh
Cơ chế chính xác của viêm cơ cốt hóa chưa được xác định. Tuy nhiên những tế bào gốc trong xương có thể gây ra những phản ứng không thích hợp khi chống viêm hoặc chấn thương. Điều này dẫn đến sự biệt hóa không phù hợp, tế bào xương được sản sinh thay cho những nguyên bào sợi.
Khi cơ xương bị thương, các cytokine gây viêm (yếu tố tăng trưởng biến đổi, protein hình thành xương 2, 4) được giải phóng. Chúng nhanh chóng kích thích những tế bào nội mô của mạch máu, đồng thời khiến những tế bào này thành tế bào gốc trung mô.
Theo thời gian, những tế bào gốc trung mô sẽ biệt hóa thành những nguyên bào xương cùng với các tế bào chondrocytes. Điều này dẫn đến sự hình thành và phát triển của các xương trong mô mềm.
Bệnh viêm cơ cốt hóa có 3 giai đoạn phát triển, bao gồm:
- Giai đoạn đầu: Đây là giai đoạn viêm của quá trình hình thành xương, xảy ra sau chấn thương, kéo dài trong 4 tuần đầu.
- Giai đoạn trung gian: Giai đoạn này bắt đầu từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 7 sau chấn thương, còn được gọi là giai đoạn trung gian của quá trình hình thành xương. Ở thời điểm này, chụp X-quang có thể phát hiện được quá trình vôi hóa.
- Giai đoạn trưởng thành: Xương trưởng thành bắt đầu hình thành trong giai đoạn này. Theo thời gian, xương được củng cố và dần chuyển sang sự thoái hóa xương.
Đối tượng nguy cơ
Bất kỳ ai cũng có thể bị viêm cơ cốt hóa. Tuy nhiên bệnh phổ biến ở người trẻ tuổi, vận động viên và những người năng động. Ngoài ra nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn ở những người bị liệt nửa người (liệt từ thắt lưng trở xuống), người thừa hưởng gen đột biến từ cha mẹ. Đối với những nhóm đối tượng này, bệnh có thể xảy ra mà không có chấn thương.
Bệnh viêm cơ cốt hóa cũng thường gặp hơn ở những người bị rối loạn chảy máu. Điều này được cho là có liên quan đến tình trạng tụ máu.
Viêm cơ cốt hóa có nguy hiểm không?
Bệnh viêm cơ cốt hóa được đánh giá là một biến dạng lành tính. Bệnh có thể tự khỏi hoặc được kiểm soát tốt khi chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên một số trường hợp khác có mô xương phát triển nhanh trong cơ. Khi không được chăm sóc và điều trị tốt, một số vấn đề dưới đây sẽ xuất hiện:
Chẩn đoán viêm cơ cốt hóa
Trong quá trình thăm khám, bệnh nhân được kiểm tra tiền sử chấn thương, triệu chứng, đánh giá mức độ sưng và đau đớn ở cơ bị thương. Đồng thời xác định thời điểm khởi phát triệu chứng, yếu tố tăng đau.
Bên cạnh đó bệnh nhân được yêu cầu co duỗi hoặc chuyển động nhẹ nhàng ở các khớp lân cận. Điều này giúp đánh giá tình trạng cứng khớp và phạm vi chuyển động.
Viêm cơ cốt hóa khó phát hiện qua kiểm tra lâm sàng. Bởi các triệu chứng của MO này tương tự như các bệnh xương khớp thường gặp. Chính vì thế mà các xét nghiệm hình ảnh (kiểm tra cận lâm sàng) sẽ được thực hiện để tìm bằng chứng về sự phát triển bất thường của mô xương trong cơ.
Một số xét nghiệm hình ảnh thường được chỉ định:
- Chụp X-quang: Trong 2 – 3 tuần đầu tiên, chụp X-quang không thể phát hiện bất kỳ bất thường nào. Tuy nhiên vào tuần thứ 4, hình ảnh X-quang có thể cho thấy sự phát triển bất thường của mô xương trong cơ. Từ đó xác định tình trạng. Ngoài ra hình ảnh X-quang cũng giúp phân biệt sưng đau do viêm cơ cốt hóa với gãy xương.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Kỹ thuật này cho phép kiểm tra tổn thương và sự phát triển của mô mềm (cơ, dây chằng, gân…). Từ đó xác định nguyên nhân gây sưng đau.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Khác với X-quang, chụp cắt lớp vi tính có thể phát hiện sớm sự phát triển của xương trong cơ. Tuy nhiên cần thực hiện thêm một vài xét nghiệm khác để xác định chẩn đoán.
- Siêu âm: Sóng siêu âm sẽ được sử dụng để kiểm tra mô mềm. Kỹ thuật này có thể giúp phát hiện sớm những thay đổi của cơ.
- Sinh thiết: Trong một số trường hợp, sinh thiết sẽ được sử dụng để tránh nhầm lẫn viêm cơ cốt hóa với ung thư mô mềm, chẳng hạn như ung thư sụn.
Điều trị chứng viêm cơ cốt hóa như thế nào?
Thông thường tình trạng vôi hóa ở mô mềm sẽ biến mất sau một thời gian. Vì thế mà điều trị không phẫu thuật thường được áp dụng để tối đa hóa chức năng của chi và giảm thiểu những triệu chứng khó chịu. Một số trường hợp nặng và triệu chứng không giảm, phẫu thuật có thể được xem xét.
1. Điều trị không phẫu thuật
Đối với viêm cơ cốt hóa, điều trị không phẫu thuật gồm những phương pháp sau:
- Chăm sóc tại nhà
Một số biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh viêm cơ cốt hóa, bao gồm:
-
- Nghỉ ngơi: Chi ảnh hưởng cần được bất động để nghỉ ngơi. Có thể sử dụng nạng khi di chuyển trong quá trình phục hồi để cung cấp sự nghỉ ngơi đầy đủ, giảm thiểu sự hình thành máu tụ. Điều này giúp giảm sưng và đau đớn, ngăn mô xương phát triển nhanh trong cơ. Không nên vận động mạnh hoặc thường xuyên trong những ngày đầu vì điều này có thể gây tổn thương thêm.
- Liệu pháp chườm đá: Hãy đặt một túi đá lên chi bị ảnh hưởng từ 15 đến 20 phút sau mỗi giờ. Điều này giúp giảm 50% lưu lượng máu đến cơ xương. Từ đó giảm sưng và đau hiệu quả. Liệu pháp chườm đá nên được thực hiện trong 48 đến 72 giờ.
- Băng ép: Dùng băng thun quấn quanh khu vực bị thương trong khi giữ cho chi bất động. Biện pháp này giúp giảm sưng và đau, hạn chế những chuyển động không cần thiết.
- Nâng chi bị ảnh hưởng: Nâng cao chi ảnh hưởng trên mức tim. Đây là một biện pháp giúp giảm sưng hiệu quả.
- Vận động nhẹ nhàng: Sau 48 đến 72 giờ, người bệnh có thể thực hiện tất cả những chuyển động nhẹ nhàng miễn là không gây đau. Nếu viêm cơ xơ hóa phát triển, hãy vật lý trị liệu theo hướng dẫn của chuyên viên.
- Thuốc
Nếu viêm cơ cốt hóa gây đau dai dẳng, người bệnh được hướng dẫn sử dụng một số thuốc giảm đau dưới đây:
-
- Acetaminophen: Dùng Acetaminophen cho những cơn đau nhẹ. Thuốc có hai tác dụng chính gồm giam đau và hạ sốt.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Naproxen hoặc Ibuprofen thường được sử dụng để ngăn viêm, giảm sưng và đau đớn khó chịu. Nhóm thuốc này thích hợp dùng cho những cơn đau vừa, viêm gây sưng tấy.
- Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu vận động tay chân sẽ được áp dụng khi bệnh viêm cơ cốt hóa phát triển khiến những tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn. Thông thường, các bài tập tăng cường sức đề kháng, tăng phạm vi vận động tích cực được thực hiện để duy trì chức năng khớp.
Các bài tập chuyển động thường bao gồm di chuyển các khớp ảnh hưởng từ từ và nhẹ nhàng, di chuyển theo mọi hướng. Khi cơ lấy lại sức mạnh và tăng dần phạm vi, các bài tập vận động đầy đủ sẽ được áp dụng.
Sau khoảng 2 – 4 tuần, một số bài tập tăng cường cơ bắp thích hợp được thực hiện. Những bài tập này có tác dụng duy trì khối lượng cơ, ngăn teo cơ tiến triển. Đồng thời lấy lại sức mạnh và hỗ trợ kiểm soát sự phát triển của mô xương trong cơ.
Tùy thuộc vào mức độ đau và phạm vi, những chuyển động có thể rất nhẹ, sau đó tăng dần cường độ luyện tập theo thời gian.
2. Điều trị phẫu thuật
Đối với bệnh viêm cơ cốt hóa, phẫu thuật chỉ được chỉ định khi:
- Điều trị bảo tồn (dùng thuốc giảm đau, chăm sóc tại nhà, vật lý trị liệu) không hiệu quả
- Đau đớn dữ dội và kéo dài
- Mô xương phát triển trong cơ làm ảnh hưởng đến khớp, chèn ép các dây thần kinh hoặc mạch máu
- Cứng khớp nghiêm trọng, phạm vi chuyển động kém dẫn đến khó khăn hoặc không thể thực hiện các hoạt động thường ngày
Phẫu thuật điều trị viêm cơ cốt hóa chỉ được thực hiện sau chấn thương từ 6 đến 18 tháng. Nguyên nhân là do phương pháp này không làm thay đổi quá trình phát triển của xương. Những trường hợp phẫu thuật quá sớm có thể dẫn đến viêm cơ cốt hóa tái phát.
Trong quá trình phẫu thuật, phần phát triển sẽ được cắt bỏ. Sau phẫu thuật, vết thương được chăm sóc và vật lý trị liệu để lấy lại sức mạnh và chức năng vận động bình thường.
Tiên lượng
Tiên lượng của chứng viêm cơ cốt hóa nhìn chung là tốt. Các biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp triệu chứng và tình trạng này biến mất. Một số trường hợp khác có thể bị cứng, sưng và khó chịu dai dẳng, kéo dài khoảng 1 năm sau chấn thương.
Điều quan trọng là thăm khám, nghỉ ngơi đầy đủ sau chấn thương, chữa trị và vật lý trị liệu tích cực. Những bài tập thích hợp có thể giảm nhẹ triệu chứng và ngăn tổn thương thêm.
Không có phương pháp chữa trị cho người bị viêm cơ Ossificans Progressiva. Bệnh lý này có thể khiến các triệu chứng tiến triển hoặc tái phát nhiều lần trong suốt cuộc đời. Đồng thời làm giảm tuổi thọ ở nhiều trường hợp.
Phòng ngừa viêm cơ cốt hóa
Kịp thời điều trị tổn thương bằng phương pháp RICE chính là cách ngăn ngừa bệnh viêm cơ cốt hóa hiệu quả. Phương pháp này gồm:
- Nghỉ ngơi: Bất động tạm thời, nghỉ ngơi đầy đủ để mô mềm lành lại. Tránh các chuyển động có thể gây đau hoặc làm tăng mức độ sưng tấy và bầm tím.
- Chườm đá: Chườm đá mỗi giờ 20 phút để giảm sưng đau và giảm lượng máu qua vùng bị thương.
- Băng ép: Băng ép bằng băng thun co giãn để bất động chi bị thương và giảm sưng.
- Nâng cao: Nâng cao chi trên mức tim để hỗ trợ lưu thông máu về tim và giảm sưng.
Một số cách phòng ngừa khác:
- Những cơ không được sử dụng sau chấn thương có nhiều khả năng bị viêm cơ cốt hóa hơn. Chính vì thế mà những chuyển động nhẹ nhàng và bài tập kéo căng nên được thực hiện sau chấn thương 48 – 72 giờ.
- Nếu tổn thương không giảm hoặc tự khỏi, người bệnh cần thăm khám để được đánh giá và hướng dẫn cách điều trị chấn thương hiệu quả.
Bệnh viêm cơ cốt hóa thường không nguy hiểm, có thể biến mất khi điều trị bảo tồn. Những trường hợp đau đớn dai dẳng, giảm phạm vi vận động có thể cân nhắc phẫu thuật. Điều quan trọng là người bệnh nên thăm khám và điều trị đúng cách để khắc phục nhanh tình trạng.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!