Điều Trị Bệnh Gout Bằng Thuốc Tây Y Và Lưu Ý Khi Dùng

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Lương y Phùng Hải Đăng | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Điều trị bệnh gout bằng thuốc tây y hiện đang là phương pháp chính được áp dụng phổ biến. Tuy nhiên cần chú ý tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo hiệu quả. Đồng thời tránh các trường hợp rủi ro phát sinh gây nguy hại cho sức khỏe.

điều trị bệnh gout bằng thuốc tây
Điều trị bệnh gout bằng thuốc tây là phương pháp được áp dụng phổ biến

Điều trị bệnh gout bằng thuốc tây y có hiệu quả không?

Gout (thống phong) là bệnh lý xảy ra do rối loạn chuyển hóa nhân purin trong thận khiến acid uric dư thừa và dẫn đến sự kết tủa các tinh thể muối urat tại khớp. Đặc trưng của bệnh là tình trạng sưng viêm và đau đớn tại khớp bị ảnh hưởng. Trước hết là khớp ngón chân, bàn chân, mắt cá, bàn tay, ngón tay, cổ tay, khuỷu tay và khớp gối.

Các chuyên gia cho biết, bệnh gout có xu hướng tiến triển mãn tính và đến nay vẫn chưa thể điều trị hoàn toàn. Các phương pháp được áp dụng chỉ có khả năng khắc phục triệu chứng và kiểm soát tiến triển của bệnh.

Điều trị bệnh gout bằng thuốc tây y hiện đang là phương pháp chính được áp dụng phổ biến. Thuốc giảm đau kháng viêm và thuốc làm giảm acid uric trong máu là 2 nhóm thuốc thường được bác sĩ kê toa.

Việc dùng thuốc sẽ giúp làm dịu cơn đau khớp, cải thiện sưng viêm. Đồng thời hạn chế ảnh hưởng tới chức năng vận động của khớp. Ngoài ra, một số thuốc làm giảm acid uric máu còn được dùng kéo dài để kiểm soát bệnh tiến triển nặng.

Thực tế, điều trị bệnh gout bằng thuốc tây mang lại nhiều kết quả khả quan trên lâm sàng. Tuy nhiên, dùng thuốc có thể tiềm ẩn nhiều vấn đề rủi ro gây hại cho sức khỏe. Chính vì thế người bệnh cần hết sức cẩn trọng, tuân thủ chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.

Các loại thuốc tây y điều trị bệnh gout được dùng phổ biến

Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh cùng biểu hiện của triệu chứng mà bác sĩ sẽ kê toa các loại thuốc phù hợp để điều trị bệnh gout. Dưới đây là một số thuốc được dùng phổ biến trong điều trị và kiểm soát bệnh lý này:

1. Thuốc giảm đau chống viêm không steroid

Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs) hiện đang được cho là lựa chọn ưu tiên trong điều trị bệnh gout cấp. Nhóm thuốc này cho hiệu quả nhanh chóng, giúp làm giảm đau, giảm sưng viêm ở khớp bị tổn thương.

thuốc tây chữa bệnh gout
Điều trị bệnh gout bằng thuốc tây cần căn cứ vào triệu chứng và giai đoạn bệnh

Các loại thuốc giảm đau chống viêm không steroid được dùng phổ biến bao gồm:

– Diclofenac:

Diclofenac là một dẫn chất của acid phenylacetic có tác dụng chống viêm, giảm đau và giảm sốt mạnh. Loại thuốc này có khả năng ức chế mạnh hoạt tính của cyclooxygenase nên sẽ làm giảm đáng kể sự tạo thành thromboxan, prostaglandin, prostacyclin (những chất trung gian của quá trình viêm).

  • Liều dùng: Liều điều trị dùng 100 – 150mg/ ngày, chia đều làm 3 lần uống, uống thuốc trong bữa ăn. Liều duy trì dùng 75 – 100mg/ ngày.
  • Chống chỉ định: Quá mẫn với các thành phần có trong thuốc, loét dạ dày tiến triển, co thắt phế quản, hen suyễn, suy tim, suy thận, dùng thuốc chống đông coumarin.
  • Tác dụng phụ: Nhức đầu, bồn chồn, buồn nôn, đau vùng thượng vị, chướng bụng, ù tai, tăng các transaminase…

– Celecoxib:

Celecoxib là một loại thuốc chống viêm không steroid ức chế chọn lọc trên cyclooxygenase-2 có công dụng giảm đau, chống viêm và hạ sốt. Thuốc Celecoxib có hai hàm lượng được sử dụng phổ biến là 100mg và 200mg. Ngoài được dùng chữa bệnh gout, viêm xương khớp, thuốc còn được dùng giảm đau bụng kinh và một số trường hợp đau thông thường khác.

  • Liều dùng: Liều thông thường 100mg x 2 lần/ ngày. Liều giới hạn 200 – 400mg trong vòng 24 giờ đồng hồ.
  • Chống chỉ định: Quá mẫn, dị ứng với các sulfonamid, người có tiền sử dị ứng với Aspirin và các NSAIDs khác.
  • Tác dụng phụ: Xuất huyết tiêu hóa, buồn nôn, tiêu chảy, mất ngủ. Ngoài ra có thể gặp các phản ứng dị ứng, choáng ngất, suy tim, suy thận.\

– Piroxicam:

Piroxicam là thuốc được dùng phổ biến giúp giảm đau và giảm viêm ở các bệnh cơ xương khớp, điển hình như bệnh gout, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, viêm cột sống dính khớp. Piroxicam là nhóm thuốc chống viêm mới được tổng hợp, có tác dụng mạnh hơn so với các thuốc NSAID thế hệ trước.

bị gout uống thuốc gì
Piroxicam là thuốc chống viêm không steroid thường được chỉ định trong điều trị bệnh gout
  • Liều dùng: Điều trị gout cấp dùng liều 40mg/ ngày. Uống liên tục 5 – 7 ngày. Có thể uống thuốc ngay trong hoặc gần bữa ăn.
  • Chống chỉ định: Quá mẫn với piroxicam, loét dạ dày tá tràng cấp, người có tiền sử bị co thắt phế quản, polyp mũi, hen suyễn, xơ gan, suy tim nặng, suy thận nặng, người có nhiều nguy cơ chảy máu.
  • Tác dụng phụ: Viêm miệng, đau vùng thượng vị, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, ngứa, phát ban, hoa mắt chóng mặt, buồn ngủ, nhức đầu, ù tai. Ngoài ra còn có thể bị tăng urê và creatinin huyết, giảm huyết cầu tố, giảm bạch cầu và thiếu máu.

2. Thuốc Colchicine điều trị bệnh gout

Colchicine là một loại thuốc có nguồn gốc từ thực vật, được dùng phổ biến trong điều trị bệnh gout và một số bệnh lý viêm khác. Loại thuốc này có khả năng ức chế sự bám dính và thực bào cũng như di chuyển và hóa ứng động của bạch cầu trung tính tại ổ viêm. Từ đó mang lại hiệu quả giảm phản ứng viêm với tinh thể urat.

– Chỉ định:

  • Cơn cấp tính của bệnh gout (có hiệu lực với khoảng 95% trường hợp)
  • Đề phòng bệnh gout mãn tính
  • Phòng bị cho các đợt trị giảm acid uric trong máu
  • Những cơn cấp khác do vôi hóa sụn khớp hay do vi tinh thể
  • Dùng trong điều trị bệnh Behcet, bệnh chu kỳ…

– Liều dùng:

  • Đối với bệnh gout cấp: Ngày đầu dùng 3 viên. Sang ngày thứ 2 dùng 2 viên. Kể từ ngày thứ 3 dùng duy trì 1 viên vào buổi tối.
  • Đối với bệnh gout mãn tính: Dùng duy trì 1 viên/ ngày vào buổi tối.

– Chống chỉ định:

  • Bệnh nhân suy thận hay suy gan nặng.
  • Phụ nữ đang mang thai
  • Bệnh nhân bị bí đái có nguy cơ bị glaucom góc hẹp

– Tác dụng phụ:

  • Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy.
  • Rối loạn máu: Giảm bạch cầu đa nhân trung tính và giảm tiều cầu.
  • Tác dụng phụ khác: Vô tinh trùng, rối loạn cơ thần kinh.

3. Các thuốc corticoid

Corticoid là thuốc có tác dụng chống viêm rất mạnh. Tuy nhiên, các loại thuốc này thường được chỉ định rất hạn chế trong điều trị bệnh gout do tiềm ẩn nhiều  tác dụng phụ. Hơn nữa thuốc còn có tác dụng giảm thải acid uric nên rất dễ khiến bệnh tái phát và có xu hướng chuyển biến mãn tính.

Các loại thuốc corticoid thường được dùng cho bệnh nhân bị viêm đa khớp do gout không đáp ứng với colchicin và NSAIDs. Bên cạnh đó, những người bị viêm loét dạ dày tá tràng hay bị bệnh thận chống chỉ định với Colchicin và NSAIDs có thể được yêu cầu sử dụng corticoid.

thuốc tây chữa bệnh gout
Bác sĩ có thể kê toa corticoid cho bệnh nhân gout trong các trường hợp cần thiết

Một số loại thuốc corticoid được kê toa cho bệnh nhân gout có thể là:

– Prednisolon:

Prednisolon là một glucocorticoid có tác dụng chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch rõ rệt. Thuốc được dùng phổ biến trong điều trị viêm khớp dạng thấp, bệnh gout, viêm mắt và một số thể viêm mạch khác.

  • Liều dùng: Liều khởi đầu 0.5mg/ kg/ ngày. Sau đó giảm liều dùng 5mg/ ngày. Uống thuốc vào khoảng từ 6 – 8 giờ sáng. Dùng liên tục trong vòng 1 – 2 tuần theo chỉ định bác sĩ.
  • Chống chỉ định: Bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng, lao tiến triển, tăng huyết áp, tiểu đường.
  • Tác dụng phụ: Tăng đường huyết, tăng huyết áp, loãng xương, loét dạ dày, suy thượng thận, hạ canxi và kali máu.

– Hydrocortison acetate:

Hydrocortison acetate là một loại thuốc corticoid được bào chế ở dạng tiêm. Thuốc được dùng trong điều trị ngắn hạn các bệnh về xương khớp như viêm khớp dạng thấp, bệnh gout, viêm xương khớp. Ngoài ra, đây còn là liệu pháp thay thế hormone ở những người bị suy vỏ thượng thận.

  • Liều dùng điều trị gout: Tiêm khớp 40mg đối với các khớp lớn, giảm liều 5 – 20mg đối với các khớp nhỏ.
  • Chống chỉ định: Loét dạ dày tá tràng, tiểu đường, lao tiến triển, tăng huyết áp, nhiễm vi khuẩn, nấm men, virus và ký sinh trùng.
  • Tác dụng phụ: Đau khớp, cao huyết áp, loãng xương, tăng acid dạ dày, loét dạ dày, suy vỏ tuyến thượng thận.

4. Thuốc ức chế tổng hợp acid uric

Điều trị bệnh gout bằng thuốc tây y không thể bỏ qua các thuốc ức chế tổng hợp acid uric. Các thuốc này có tác dụng làm giảm nồng độ acid uric dư thừa trong cơ thể bằng cách ức chế men xanthine oxidase – XO.

Các thuốc ức chế tổng hợp acid uric thường được bác sĩ kê toa bao gồm:

– Allopurinol:

Allopurinol có khả năng làm giảm quá trình sản xuất acid uric cả ở trong máu lẫn trong nước tiểu. Thuốc được sử dụng với mục đích ngăn ngừa và làm giảm sự lắng đọng của các tinh thể muối urat tại khớp và thận. Có thể sử dụng thuốc Allopurinol trong thời gian dài để duy trì nồng độ acid uric trong máu ở mức độ ổn định.

chữa bệnh gout bằng thuốc tây
Allopurinol là thuốc ức chế tổng hợp acid uric được dùng phổ biến cho bệnh nhân gout
  • Liều dùng: Liều khởi đầu dùng 100mg/ ngày. Sau đó có thể tăng lên 200 – 300mg/ ngày.
  • Chống chỉ định: Quá mẫn với Allopurinol, phụ nữ mang thai hay đang cho con bú. Tuyệt đối không dùng kết hợp Allopurinol với Xanturic.
  • Tác dụng phụ: Kích ứng dạ dày, phát ban đỏ, hội chứng Steven – Johnson hay hội chứng tăng nhạy cảm với Allopurinol.

– Febuxostat:

Febuxostat là một thuốc ức chế tổng hợp acid uric được FDA chấp thuận đưa vào điều trị từ năm 2009. Loại thuốc này được chỉ định phổ biến trong điều trị bệnh gout, có thể dùng thay thế nếu người bệnh dị ứng với Allopurinol.

  • Liều dùng: Liều khởi đầu 40mg/ lần/ ngày. Sau 2 tuần thấy chỉ số acid uric trong huyết thanh không đạt dưới 6 mg/dL thì có thể tăng liều 80mg/ lần/ ngày.
  • Chống chỉ định: Quá mẫn với các thành phần của thuốc, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, trẻ dưới 18 tuổi.
  • Tác dụng phụ: Phát ban, vàng da, đau dạ dày, buồn nôn, nước tiểu sậm màu, giảm cân, bùng phát cơn đau tim…

5. Thuốc làm tăng đào thải acid uric

Bệnh gout đặc trưng bởi tình trạng tăng hàm lượng acid uric trong máu có thể do giảm đào thải acid uric qua thận. Trong các trường hợp này, bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân gout sử dụng các thuốc làm tăng thải trừ acid uric.

Một số loại được dùng phổ biến bao gồm:

– Probenecid:

Probenecid là một dẫn chất của sulfonamide có khả năng bài tiết acid hữu cơ yếu ở ống thận nên sẽ giúp làm giảm lượng acid uric dư thừa trong máu và nước tiểu. Thuốc được dùng phổ biến trong điều trị bệnh gout mãn tính hay các trường hợp tăng acid uric thứ phát do sử dụng các thuốc lợi tiểu.

điều trị bệnh gout bằng thuốc tây
Probenecid thường được dùng điều trị bệnh gout tiến triển nặng
  • Liều dùng: Tuần đầu dùng 250mg/ lần x 2 lần/ ngày. Các tuần kế tiếp tăng lên dùng 500mg/ lần x 2 lần/ ngày. Sau vài tuần có thể điều chỉnh nếu thấy cần thiết.
  • Chống chỉ định: Quá mẫn với thành phần trong thuốc, cơn gout cấp, phụ nữ mang thai hay đang cho con bú, sỏi thận do tăng acid uric, trẻ dưới 2 tuổi.
  • Tác dụng phụ: Thường gặp: chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, nôn ói, tăng số lần tiểu tiện. Hiếm gặp: Thiếu máu tan huyết, hội chứng thận hư, thiếu máu bất sản, hoại tử gan, hội chứng Steven – Johnson.

– Benzbromarone:

Benzbromarone cũng là một loại thuốc tây được dùng phổ biến trong điều trị bênh gout. Thuốc có cơ chế ngăn chặn tái hấp thu acid uric tại ống thận và tăng đào thải acid uric qua đường ruột.

  • Liều dùng: Liều thông thường là 100mg/ lần/ ngày. Ngoài ra có thể dùng liều 50 – 200mg/ lần/ ngày tùy vào từng trường hợp.
  • Chống chỉ định: Quá mẫn với các thành phần của thuốc, người bị bệnh gan.
  • Tác dụng phụ: Thường gặp: nhiễm độc gan, đầy bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn ói. Ngoài ra người bệnh có thể bị phát ban, đau đầu, tăng đi tiểu…

– Lesinurad:

Lesinurad là thuốc tăng thải trừ acid uric được FDA chấp thuận và đưa vào sử dụng từ năm 2015. Loại thuốc này có khả năng ức chế men chịu trách nhiệm hoạt động tái hấp thu acid uric ở ống thận – URAT 1.

  • Liều dùng: Liều thông thường là 200mg/ ngày. Có thể chỉ định dùng cùng các thuốc ức chế tổng hợp acid uric.
  • Chống chỉ định: Quá mẫn với các thành phần của thuốc, suy thận nặng, bệnh nhân lọc máu, người mắc hội chứng ly giải khối u hay hội chứng Lesh Nyhan.
  • Tác dụng phụ: Đau dạ dày, buồn ngủ, buồn nôn, tiêu chảy, ớn lạnh, sốt, chán ăn, nước tiểu sậm màu…

6. Thuốc hủy acid uric

Các thuốc hủy acid uric thường được bác sĩ chỉ định khi bệnh gout có tiến triển nặng. Lúc này, các tinh thể muối urat đã lắng đọng thành hạt tophi tại khớp khiến khả năng vận động của người bệnh suy giảm.

Dưới đây là 2 loại thuốc hủy acid uric được dùng phổ biến:

– Rasburicase:

Thuốc Rasburicase được dùng trong các trường hợp bệnh gout kháng trị. Lúc này, ổ khớp đã hình thành các cục tophi khiến khớp bị biến dạng, ảnh hưởng lớn tới chức năng vận động. Thuốc Rasburicase có tác dụng hủy urat nhằm làm giảm mức độ ảnh hưởng đến khớp bị tổn thương.

bị gout dùng thuốc gì
Rasburicase là thuốc hủy acid uric thường được kê toa cho bệnh nhân gout
  • Liều dùng: Liều khuyến cáo là 0.2mg/kg. Thuốc được truyền tĩnh mạch trong vòng 30 phút.
  • Chống chỉ định: Quá mẫn với Rasburicase, thiếu men chuyển G6PD, có phản ứng tan máu hoặc methemoglobin huyết với Rasburicase.
  • Tác dụng phụ: Rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn ói, đau họng, loét miệng. Ngoài ra còn có thể bị sưng bàn tay, bàn chân, cẳng chân hay mắt cá chân.

– Pegloticase:

Pegloticase cũng là một loại thuốc được dùng phổ biến trong điều trị bệnh gout mãn tính. Thuốc có tác dụng chuyển hóa acid uric thành allantoin để đào thải ra ngoài nhanh hơn. Từ đó làm giảm nguy cơ hình thành kết tủa các tinh thể muối urat tại khớp.

  • Liều dùng: Liều thông thường 8mg/ lần, mỗi 2 hoặc 4 tuần sẽ sử dụng 1 lần. Bác sĩ có thể cân nhắc tăng liều hoặc tần suất nếu thấy cần thiết.
  • Chống chỉ định: Quá mẫn với thành phần của thuốc, thiếu men chuyển G6PD, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú. Ngoài ra cần thận trọng khi dùng cho người bị cao huyết áp hay mắc bệnh tim mạch.
  • Tác dụng phụ: Dị ứng, nổi mề đay mẩn ngứa, da bầm tím, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn ói. Đặc biệt là có thể gây sốc phản vệ.

Lưu ý khi điều trị bệnh gout bằng thuốc tây y

Gout là bệnh lý rối loạn chuyển hóa có xu hướng tiến triển mãn tính và chưa có phương pháp điều trị hoàn toàn. Sử dụng thuốc tây chỉ có tác dụng kiểm soát cơn đau và phòng ngừa biến chứng.

lưu ý khi điều trị bệnh gout bằng thuốc tây
Điều trị bệnh gout bằng thuốc tây cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ

Điều trị bệnh gout bằng thuốc tây y cần chú ý đến một số vấn đề sau:

  • Cần dùng thuốc đúng liều lượng, tần suất và thời gian mà bác sĩ chuyên khoa đã chỉ định. Tuyệt đối không được lạm dụng hay dùng kéo dài. Nhất là với các thuốc giảm đau và kháng viêm.
  • Tuyệt đối không tùy tiện thay đổi cách dùng, điều chỉnh liều lượng hay kết hợp các loại thuốc tây với nhau. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ phát sinh các tác dụng phụ nghiêm trọng.
  • Nên uống nhiều nước trong thời gian điều trị bệnh gout bằng thuốc Tây. Có thể uống 2.5 – 3 lít/ ngày thay vì chỉ uống 2 – 2.5 lít.
  • Báo với bác sĩ về tiền sử bệnh lý trước khi được chỉ định bất cứ loại thuốc nào. Điều này giúp dự phòng nguy cơ phát sinh các rủi ro ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
  • Toa thuốc điều trị bệnh gout ở mỗi giai đoạn bệnh là khác nhau. Nên thường xuyên thăm khám để bác sĩ có sự điều chỉnh kịp thời khi cần thiết.
  • Người bệnh nên kết hợp điều trị bằng thuốc với ăn uống và sinh hoạt khoa học. Bởi đây là các yếu tố tác động tích cực tới quá trình đào thải acid uric trong cơ thể. Từ đó giúp quá trình kiểm soát bệnh gout nhận được kết quả khả quan hơn.

Điều trị bệnh gout bằng thuốc tây y cần tuyệt đối tuân thủ chỉ dẫn từ bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh cần thăm khám kịp thời để được bác sĩ hướng dẫn dùng thuốc phù hợp khi phát hiện các triệu chứng bệnh gout. Nên kết hợp với duy trì lối sống lành mạnh để hỗ trợ tốt nhất cho quá trình kiểm soát bệnh.

Tham khảo thêm: Các thuốc điều trị gout cấp – Giảm đau nhanh nhất

Câu hỏi liên quan
Bệnh Gout Có Di Truyền Không
"Bệnh gout có di truyền không?" là câu hỏi quan trọng mà nhiều người quan tâm, đặc biệt khi trong gia đình đã có người mắc bệnh. Bài viết này sẽ phân tích các yếu tố di truyền liên quan ...
Xem chi tiết
Bị Gút Có Nên Ngâm Chân
Bị gút có nên ngâm chân để cải thiện các triệu chứng do bệnh lý gây ra không được nhiều người bệnh quan tâm. Theo Y học cổ truyền, ngâm chân có thể tác động đến các tạng phủ trong ...
Xem chi tiết
Bệnh Gút Có Ảnh Hưởng Đến Tinh Trùng
"Bị bệnh gút có ảnh hưởng đến tinh trùng và khả năng sinh sản?" được nhiều nam giới quan tâm, đặc biệt là người đang có kế hoạch sinh con. Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh gout có tác ...
Xem chi tiết
Bị Gút Có Nên Xoa Dầu Không
Nếu đang tìm hiểu thông tin bệnh gút có nên xoa dầu không, người bệnh có thể tham khảo một số chia sẻ trong bài viết bên dưới. Việc điều trị đúng cách và kịp lúc có thể góp phần ...
Xem chi tiết
Bị Gout Ăn Cá Lóc Được Không
Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh gout. Vậy, những người đang bị gout ăn cá lóc được không? Bài viết này sẽ phân tích giá trị dinh dưỡng của ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua