Bệnh Gout Có Gây Đau Gót Chân Không
Bệnh gout đau gót chân không phổ biến nhưng có thể gây ảnh hưởng đến mỗi bước đi và khiến người bệnh có xu hướng bất động hoặc tránh di chuyển. Điều này có thể khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn và gây đau nhức xương khớp kéo dài. Do đó, nếu bị đau gót chân kèm các dấu hiệu bệnh gout, người bệnh cần đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Bệnh gout có gây đau gót chân không?
Khi bị đau gót chân, người bệnh thường nghĩ đến viêm cân gan chân hoặc viêm gân achilles. Tuy nhiên, có nhiều bệnh lý khác, bao gồm bệnh gout có thể dẫn đến đau gót chân.
Mặc dù cơn đau do bệnh gout thường ảnh hưởng đến ngón chân tay, tuy nhiên bệnh cũng có thể gây ảnh hưởng đến các khu vực khác của cơ thể, bao gồm cả gót chân.
Bệnh gout là một bệnh viêm khớp xảy ra ở lượng axit uric trong cơ thể tăng cao. Lượng axit dư thừa này có thể tạo thành các tinh thể urat. Những tinh thể này có thể gây ảnh hưởng đến các khớp, chẳng hạn như gót chân và dẫn đến các triệu chứng đột ngột, nghiêm trọng, chẳng hạn như:
- Đau đớn
- Sưng tấy
- Đỏ da
Cơn đau gót chân liên quan đến bệnh gout thường xuất hiện một cách bất ngờ hoặc sau các bữa ăn nhiều chất đạm như thịt bò, hải sản, đồ ăn tươi sống, cá biển và các loại thực phẩm nhiều purin. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị sưng tấy và bong tróc da ở gót chân, khi sờ lên có thể cảm thấy nóng hoặc ấm hơn nhiệt độ bình thường của cơ thể.
Bệnh gout ở gót chân không phổ biến, tuy nhiên bệnh vẫn có thể khiến người bệnh bị đau đớn cũng như hạn chế khả năng vận động. Nếu không được điều trị, có thể dẫn đến viêm khớp mãn tính và gây khó khăn cho công tác điều trị.
Bệnh gout gây đau gót chân như thế nào?
Axit uric gây ra bệnh gout thường rất nhạy cảm với nhiệt độ lạnh. Khi axit uric lưu thông khắp cơ thể và đến chân (thường xa tim nhất), axit uric lỏng sẽ kết tinh, dẫn đến hình thành các tinh thể urat ở ngón chân cáo hoặc khớp gót chân (nơi tiếp xúc của xương gót chân với mắt cá chân).
Khi nồng độ axit uric tăng lên khi cơ thể bạn phá vỡ purin. Purin được tìm thấy trong các loại thực phẩm như thịt đỏ và rượu, cũng như trong một số loại thuốc và tự nhiên trong cơ thể con người (đặc biệt là khi lượng chất béo tích trữ tăng lên).
Trong hầu hết các trường hợp, cơ thể có thể điều chỉnh nồng độ axit uric một cách hiệu quả. Tuy nhiên khi nồng độ axit tăng đủ cao, thận sẽ bị quá tải, dẫn đến axit uric tích tụ trong máu, dẫn đến viêm, đau đớn, sưng và kết tinh ở các khớp bàn chân.
Nguyên nhân bệnh gout gây đau gót chân
Mặc dù không phổ biến tuy nhiên bệnh gout đau gót chân có thể xảy ra khi nồng độ axit uric trong cơ thể tăng cao. Có một số nguyên nhân cũng như yếu tố nguy cơ dẫn đến tính trạng này, chẳng hạn như:
- Chế độ ăn uống: Những người có chế độ ăn uống nhiều thịt đỏ, đường (đặc biệt là đường fructose) và rượu (đặc biệt là bia) có thể làm tăng nồng độ axit uric trong máu và phát triển bệnh gout.
- Tăng lượng chất béo trong cơ thể: Khi cơ thể dự trữ chất béo, nồng độ axit uric có thể tăng lên và thận có thể bị quá tải, dẫn đến tích tụ axit uric và gây bệnh gout.
- Sử dụng một số loại thuốc: Các loại thuốc, chẳng hạn như thuốc tăng huyết áp, có thể làm tăng lượng axit uric trong cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy thuốc lợi tiểu nhóm Thiazide (điều trị tăng huyết áp) là nguyên nhân chính khiến bệnh gout gây đau gót chân.
- Các điều kiện y tế không được điều trị: Huyết áp cao, hội chứng chuyển hóa, bệnh tiểu đường và bệnh thận có thể góp phần làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể cao hơn bình thường, cuối cùng dẫn đến các dấu hiệu bệnh gout.
- Di truyền và giới tính: Bệnh gout có mối liên hệ với di truyền. Nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh gout, người bệnh có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác. Nam giới trẻ tuổi thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn phụ nữ, tuy nhiên phụ nữ đã mãn kinh thường có nguy cơ cao hơn nam giới trong cùng độ tuổi.
Bệnh gout gây đau gót chân, tuy nhiên có một số bệnh lý khác, bao gồm viêm cân gan chân, viêm gân gót hoặc viêm khớp dạng thấp cũng có thể gây đau gót chân. Do đó, điều quan trọng là xác định các nguyên nhân cơ bản để có biện pháp điều trị phù hợp.
Dấu hiệu bệnh gout đau gót chân
Đau gót chân là dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh viêm cân gan chân. Các bệnh lý khác, chẳng hạn như bệnh gout thường ít phổ biến ở gót chân, tuy nhiên để xác định bệnh gout, người bệnh có thể dựa vào các triệu chứng như:
- Đỏ, sưng và đau ở vị trí gót chân tiếp xúc với mắt cá chân. Ngoài ra, các triệu chứng cũng có thể gây ảnh hưởng đến gốc ngón chân cái.
- Các triệu chứng thường bùng phát vào giữa đêm (khi axit uric lắng xuống và lạnh đi trong giai đoạn này), điều này có thể khiến người bệnh bị đau gót chân khi mới ngủ dậy.
- Trong các cơn gout cấp, người bệnh có thể cảm thấy nóng và đau khi chạm vào, thậm chí việc mang tất cũng có thể khiến người bệnh bị đau rát.
- Cơn đau thường có xu hướng được cải thiện, tuy nhiên vẫn âm ỉ và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
- Khó cử động gót chân cũng như cổ chân.
Ngoài ra, theo nguyên tắc, các triệu chứng đau gót chân do viêm cân gan chân sẽ được cải thiện khi người bệnh nghỉ ngơi, trong khi đó cơn đau do bệnh gout sẽ bùng phát dữ dội hơn khi nghỉ ngơi hoặc không hoạt động.
Chẩn đoán bệnh gout gây đau gót chân
Nếu bị đau gót chân đột ngột và dữ dội, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh gout gây đau gót chân, người bệnh sẽ được đề nghị thực hiện nhiều xét nghiệm để xác định bệnh gout, chẳng hạn như:
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể đo nồng độ axit uric và creatinin trong máu. Tuy nhiên xét nghiệm máu có thể cho kết quả không chính xác, bởi vì một số người bệnh gout thường không có nồng độ axit uric bất thường. Ngược lại, một số người có nồng độ axit uric cao nhưng lại không có triệu chứng bệnh gout.
- Chụp X – quang: Bác sĩ có thể đề nghị chụp X – quang để loại trừ các nguyên nhân gây viêm khác có thể dẫn đến đau gót chân.
- Siêu âm: Siêu âm cơ, xương, khớp có thể giúp phát hiện các tinh thể urat và hạt tophi (axit uric kết tinh dạng nốt).
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Hình ảnh MRI có thể giúp bác sĩ phát hiện các tinh thể urat ngay khi không bị viêm và đau. Tuy nhiên chụp MRI thường có chi phí cao và không được sử dụng như một công cụ chẩn đoán tiêu chuẩn của bệnh gout.
Bệnh gout đau gót chân có điều trị được không?
Hiện tại không có cách điều trị dứt điểm bệnh gout, tuy nhiên có nhiều phương pháp điều trị để hạn chế các cơn gout cấp và kiểm soát cơn đau đớn ở gót chân.
Nếu được chẩn đoán bệnh gout, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh sử dụng thuốc và thay đổi lối sống dựa trên các xét nghiệm lâm sàng cũng như tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh.
Có một số loại thuốc được sử dụng để điều trị những cơn đau liên quan đến bệnh gout, trong khi các loại thuốc khác có thể ngăn ngừa cơn gout bùng phát và hạn chế các rủi ro có thể xảy ra. Ngoài ra, thay đổi lối sống có thể tăng cường sức khỏe tổng thể, ngăn ngừa cơn gout cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Tùy thuộc vào các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, các biện pháp điều trị bệnh gout đau gót chân như sau:
1. Thuốc điều trị cơn gout
Để cải thiện các triệu chứng đau gót chân liên quan đến bệnh gout cũng như ngăn ngừa các cơn gout cấp trong tương lai, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc như:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) không kê đơn (OTC) chẳng hạn như naproxen sodium hoặc ibuprofen. Nếu thuốc không kê đơn không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng viêm mạnh hơn, chẳng hạn như celecoxib hoặc indomethacin.
- Colchicine là một loại thuốc kê đơn được sử dụng phổ biến đề điều trị bệnh gout ở gót chân. Tuy nhiên, thuốc có thể dẫn đến một số tác dụng phụ, bao gồm tiêu chảy, buồn nôn và nôn, đặc biệt là khi sử dụng với số lượng lớn.
- Corticosteroid được chỉ định khi NSAID và Colchicine không mang lại hiệu quả giảm đau. Corticosteroid là thuốc sử dụng theo toa của bác sĩ dưới dạng viên nén hoặc đường tiêm để kiểm soát cơn đau gót chân và giúp giảm viêm. Thuốc được sử dụng trong thời gian ngắn và theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
2. Thuốc ngăn ngừa biến chứng của bệnh gout
Bác sĩ có thể đề nghị sử dụng thuốc để hạn chế các biến chứng liên quan đến bệnh gout, đặc biệt là khi người bệnh có các dấu hiệu như:
- Đau đớn dữ dội
- Có nhiều cơn gout hàng năm
- Tổn thương khớp liên quan đến bệnh gout
- Có các hạt tophi
- Bệnh thận mãn tính
- Sỏi thận
Các loại thuốc ngăn ngừa biến chứng của bệnh gout thường hoạt động theo một trong những cách sau:
- Ngăn chặn quá trình sản xuất axit uric chẳng hạn như allopurinol và febuxostat.
- Hỗ trợ khả năng loại bỏ axit uric trong cơ thể, chẳng hạn như thuốc probenecid và lesinurad.
3. Thay đổi lối sống
Ngoài việc sử dụng thuốc, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thay đổi lối sống để cải thiện tình trạng đau gót chân cũng như ngăn ngừa cơn gout bùng phát. Các lưu ý về lối sống bao gồm:
- Hạn chế sử dụng thực phẩm làm tăng sản xuất axit uric: Các loại thực phẩm này bao gồm rượu, bia, thịt đỏ, hải sản, nội tạng, đường fructose và các thực phẩm khác chứa nhiều nhân purin.
- Tập thể dục và kiểm soát cân nặng: Người bệnh cần duy trì cân nặng hợp lý để kiểm soát quá trình sản xuất axit uric trong cơ thể. Ngoài ra, giảm cân có thể giúp giảm áp lực lên gót chân, hỗ trợ cải thiện cơn đau.
- Uống cà phê: Một số nghiên cứu cho biết việc uống cà phê hàng ngày có thể giúp giảm nồng độ axit uric trong cơ thể.
- Bổ sung vitamin C trong chế độ ăn uống: Ăn các loại thực phẩm giàu vitamin C đã được chứng minh là có thể giúp giảm nồng độ axit uric trong cơ thể và ngăn ngừa cơn gout phát triển. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể trao đổi với bác sĩ về việc uống bổ sung vitamin C.
Không có biện pháp điều trị dứt điểm bệnh gout, tuy nhiên có nhiều loại thuốc có sẵn có thể giúp làm giảm các triệu chứng cũng như ngăn ngừa các cơn gout cấp. Nếu bị đau dữ dội ở gót chân, hãy đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị phù hợp.
Phòng ngừa bệnh gout ở gót chân
Để phòng ngừa bệnh gout đau gót chân, người bệnh có thể lưu ý một số vấn đề như:
1. Cắt giảm lượng rượu
Rượu có thể làm tăng lượng axit uric trong máu. Bia cũng có thể gây ra những cơn đau liên quan đến bệnh gout, bởi vì bia chứa men và sẽ khiến cơn gout trở nên nghiêm trọng hơn. Bia được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những cơn gout cấp.
Do đó, người bệnh nên tránh uống rượu, đặc biệt là bia, và chuyển sang đồ uống khác.
2. Thay đổi chế độ ăn uống
Một số loại thực phẩm có thể khiến bệnh gout dễ bùng phát hơn. Người bệnh cần tránh các loại thực phẩm có thể làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể, chẳng hạn như:
- Thịt đỏ
- Thịt nội tạng, chẳng hạn như gan
- Cá mòi hoặc các nước mặn khác
- Thịt ba rọi
- Hải sản
Bên cạnh đó, có một số loại thực phẩm có hàm lượng purin thấp, ít có khả năng làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể. Do đó, người bệnh có thể thêm một số loại thực phẩm này vào chế độ ăn uống, chẳng hạn như:
- Các loại ngũ cốc
- Sữa
- Trứng
- Dầu và chất béo có nguồn gốc từ thực vật
- Trái cây như quả anh đào
Ngoài ra, người bệnh cũng cần uống nhiều nước để ngăn ngừa bệnh gout bùng phát. Uống đủ nước có thể giúp cơ thể đào thải axit uric và cải thiện tình trạng đau gót chân.
3. Duy trì hoạt động
Lười tập thể dục có thể khiến các khớp bị cứng và khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, người bệnh cần duy trì vận động để giúp các khớp luôn linh hoạt. Duy trì khả năng vận động cũng có thể tăng cường tuần hoàn máu, giúp cơ thể loại bỏ axit cũng như giúp giảm đau hiệu quả. Người bệnh có thể bắt đầu với các bài tập đơn giản, chẳng hạn như đi bộ ngắn, đi xe đạp hoặc bơi lội.
Mặc dù bệnh gout gây đau gót chân không phổ biến, tuy nhiên tình trạng này có thể dẫn đến đau đớn khi đứng và đi bộ. Do đó, nếu nhận thấy gót chân bị đau kèm theo các dấu hiệu khác của bệnh gout, chẳng hạn như nóng rát hoặc đỏ gót chân, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!