Trẻ Bị Còi Xương Do Thiếu Vitamin D và Cách Bổ Sung
Những trẻ bị còi xương do thiếu vitamin D thường chậm phát triển chiều cao, chậm vận động, xương mềm và yếu. Trong nhiều trường hợp khác, bệnh khiến các xương sưng to và đau nhức, dị dạng xương, quá trình đóng xương sọ diễn ra chậm trễ. Để điều trị, việc tăng cường bổ sung vitamin D là điều cần thiết.
Còi xương do thiếu vitamin D là gì?
Còi xương do thiếu vitamin D là kết quả của việc cơ thể không nhận đủ hàm lượng vitamin D cần thiết. Bệnh thường xảy ra ở những trẻ ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, có chế độ dinh dưỡng kém hoặc mắc hội chứng kém hấp thu khiến ruột không thể hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng từ thức ăn.
Vitamin D rất cần thiết cho quá trình hấp thụ, chuyển hóa canxi và phốt pho trong cơ thể. Ngoài ra loại vitamin này còn làm ảnh hưởng đến cách thức canxi lắng đọng trong xương. Chính vì thế vitamin D được xem là thành phần dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển và củng cố xương chắc khỏe.
Thông thường những trẻ bị còi xương do thiếu vitamin D sẽ có yếu hiệu yếu, mềm và đau xương, khung xương không phát triển, xương và khớp bị dị dạng, chậm phát triển vận động, gãy xương, co giật… Những biểu hiện này thường rõ nét ở trẻ sơ sinh và trẻ em.
Nguyên nhân gây còi xương do thiếu vitamin D
Tình trạng thiếu hụt vitamin D dẫn đến còi xương thường xảy ra do những nguyên nhân sau:
- Ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
- Chán ăn, duy trì chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng
- Bệnh lý
- Hội chứng kém hấp thu khiến ruột không thể hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng từ thức ăn
- Bệnh lý gan mật
- Bệnh lý ở đường tiêu hóa
- Con bú sữa thiếu vitamin D
- Bà mẹ nuôi con bú có cơ thể bị thiếu hụt vitamin D làm giảm chất lượng của sữa
- Không uống sữa hoặc không dùng những sản phẩm từ sữa
- Ăn dặm quá sớm
Vitamin D cần thiết cho quá trình hấp thụ canxi và phốt pho. Vì thế sự thiếu hụt chất dinh dưỡng này gây ra sự chậm trễ trong quá trình khoáng hóa xương trong đĩa tăng trưởng. Điều này có nghĩa quá trình hình thành và củng cố xương ở những vị trí mà xương thường phát triển bị cản trở.
Trong nhiều trường hợp, còi xương ở trẻ em ban đầu có thể do cơ thể bị thiếu hụt canxi đơn thuần khi duy trì chế độ ăn uống ít canxi (hạ calci huyết). Trong khi đó lượng canxi trong cơ thể thấp làm cạn kiệt mức vitamin D và làm tăng sử dụng loại vitamin này. Từ đó gây ra sự kết hợp giữa thiếu vitamin D và thiếu canxi dẫn đến còi xương suy nhược.
Đối tượng nguy cơ
Bệnh còi xương do thiếu vitamin D có thể xảy ra ở cả nam và nữ giới (không chênh lệch về tỉ lệ). Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi nhưng cũng có thể gây ảnh hưởng ở những trẻ lớn hơn. Đối với trẻ sơ sinh, các triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện ngay sau khi sinh (bẩm sinh) do được sinh bởi người mẹ có hàm lượng vitamin D thấp.
Bệnh còi xương về dinh dưỡng thường xuất hiện ở những trẻ nhỏ được bú sữa mẹ hơn một năm. Nguyên nhân là do lượng vitamin D trong cơ thể thấp khi mang thai và sinh nở khiến sữa mẹ ít vitamin D. Tình trạng này thường gặp ở những người phụ nữ ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và có chế độ ăn uống thiếu chất.
Ngoài ra bệnh cũng xảy ra phổ biến ở những trẻ nhỏ sinh sống tại những nơi thiếu ánh sáng mặt trời, có ô nhiễm và những trẻ có làn da sẫm màu. Bởi người có làn da sẫm màu ít hấp thụ vitamin D từ ánh sáng hơn so với người có làn da sáng màu.
Dấu hiệu nhận biết bệnh còi xương do thiếu vitamin D
Những biểu hiện của bệnh còi xương do thiếu vitamin D thường rõ nét nhất khi xuất hiện ở trẻ sơ sinh và những trẻ mới biết đi. Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bao gồm:
Triệu chứng sớm
- Thiếu ngủ, trằn trọc, thường xuyên giật mình
- Bồn chồn
- Thường xuyên ra mồ hôi trộm. Mồ hôi ra nhiều ngay cả khi buổi đêm, trời mát
- Rụng tóc sau gáy kèm theo mụn ngứa nổi ở vùng ngực và lưng
- Mềm xương sọ
- Chậm lớn, chậm phát triển chiều cao
- Chậm phát triển vận động (đi lại, ngồi, bò, lẫy…)
- Xương mềm và yếu, đặc biệt là ở hộp sọ
- Hóp trán
- Xuất hiện các nốt dạng hạt ở xương sườn
- Chậm quá trình đóng xương sọ
- Đau nhức xương khớp
- Sưng ở các khớp như mắt cá chân, cổ tay…
- Chậm mọc răng, răng mọc lộn xộn, răng yếu, răng thưa, men răng xấu, dễ sâu răng
- Khung xương kém phát triển và tăng trưởng
Triệu chứng muộn
Nếu không được điều trị sớm, các triệu chứng nghiêm trọng hơn sẽ xuất hiện, bao gồm:
- Những đầu xương dài trở nên to ra
- Dị dạng xương
- Chân vòng kiềng, khuỵu xuống hoặc chân chữ bát
- Dày lên ở đầu gối, cổ tay và mắt cá chân
- Biến dạng lồng ngực (xương ức nhô ra, hình chuông)
- Đầu bẹp cá trê
- Thóp rộng
- Trán lớn
- Dị dạng xương chậu (điển hình như hẹp xương chậu)
- Biến dạng lồng ngực do suy giảm sức kéo của cơ hoành trên những xương sườn
- Biến dạng xương sọ (bướu trán, đỉnh, chẩm khiến cho đầu to ra)
- Gù vẹo xương cột sống
- Biến dạng xương hàm
- Yếu cơ
- Tăng nguy cơ gãy xương do xương xốp mềm
- Hạ calci huyết do còi xương cấp tính gây chuột rút, co giật, cơn khóc lặng, nôn, thở rít thanh quản, nấc khi ăn
- Rối loạn chức năng miễn dịch
- Gan lách to, thiếu máu sắt khi còi xương nặng
Biến chứng của bệnh còi xương do thiếu vitamin D
Những biến chứng dưới đây có thể xảy ra khi bệnh còi xương do thiếu vitamin D không được điều trị:
- Phát triển bệnh cơ tim
- Co thắt tứ chi
- Biến dạng xương vĩnh viễn
- Hạn chế chức năng hô hấp do biến dạng ở lồng ngực
- Ảnh hướng đến chức năng sinh sản ở nữ giới
- Chiều cao hạn chế
Chẩn đoán bệnh còi xương do thiếu vitamin D
Quá trình chẩn đoán bệnh còi xương do thiếu vitamin D được phân thành hai giai đoạn, bao gồm: Chẩn đoán lâm sàng và chẩn đoán cận lâm sàng.
1. Chẩn đoán lâm sàng
Để chẩn đoán trẻ bị còi xương do thiếu vitamin D, bác sĩ sẽ tiến hành quan sát và kiểm tra những biểu hiện liên quan. Cụ thể như:
- Các biến dạng ở xương sọ, xương chậu, cột sống, lồng ngực, các xương dài và khớp nối, răng
- Chậm phát triển chiều cao và vận động
- Kiểm tra các nốt ở xương sườn và độ mềm của xương sọ
- Kiểm tra triệu chứng rụng tóc và mụn ngứa
Ngoài ra, phụ huynh sẽ được yêu cầu mô tả những biểu hiện ở hệ thần kinh (ra mồ hôi trộm, khó ngủ hay giật mình…), bệnh sử, chế độ ăn uống và sinh hoạt.
Quá trình kiểm tra lâm sàng giúp bác sĩ xác định bệnh lý và tìm kiếm nguyên nhân gây bệnh.
2. Chẩn đoán cận lâm sàng
Để xác định chính xác mức độ nghiêm trọng của bệnh còi xương do thiếu hụt vitamin D, trẻ sẽ được chỉ định một số kỹ thuật cận lâm sàng. Bao gồm:
- Sinh hóa máu: Xét nghiệm này cho phép bác sĩ chẩn đoán và phân biệt bệnh còi xương do thiếu vitamin D với những bệnh lý hay những dạng còi xương khác. Kết quả sinh hóa máu ở những trẻ bị còi xương:
- Phosphataza kiềm: Cao (bình thường 40 – 140UI)
- Calci huyết: Giảm nhẹ hoặc bình thường
- Phospho máu: Có thể thấp <4mg/dl
- Định lượng 25 OH-Di: Giảm (bình thường 20 – 40ng/ml)
- Thăm do chức năng thận, điện giải đồ: Nếu có nghi ngờ còi xương liên quan đến bệnh lý thận, thăm do chức năng thận, điện giải đồ sẽ được chỉ định. Kỹ thuật này giúp xác định chính xác những vấn đề liên quan đến thận.
- Khí máu: Một số trường hợp bị còi xương có biểu hiện của toan chuyển hóa. Trong khi đó dự trữ kiềm giảm.
- Công thức máu: Kiểm tra thấy bệnh nhân bị thiếu máu nhược sắc.
- Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu có thể góp phần chẩn đoán trẻ bị còi xương do thiếu vitamin D. Những biến đổi trong nước tiểu ở người bệnh:
- Calci niệu: Giảm
- Phốt pho niệu: Tăng
- Ph niệu: Giảm
- Acidamin niệu: Tăng
- Chụp X-quang: Hình ảnh chụp X-quang xương sườn hoặc xương dài ở trẻ bị còi xương có thể cho thấy những biển đổi sau:
- Biến dạng xương
- Mất canxi xương
- Bất thường và mở rộng ở những đầu xương dài
- Những điểm cốt hóa chậm
- Đường cốt hóa lõm hoặc dị dạng
- Chuỗi hạng sườn hình nút chai ở xương lồng ngực
- Sinh thiết xương: Ít khi sinh thiết xương được chỉ định để chẩn đoán bệnh còi xương. Tuy nhiên kỹ thuật này có thể đánh giá chính xác bệnh lý và những vấn đề liên quan.
Điều trị còi xương do thiếu vitamin D
Những phương pháp được áp dụng trong điều trị còi xương do thiếu vitamin D phải đảm bảo được những mục tiêu dưới đây:
- Tăng cường vitamin D, canxi và phốt pho trong chế độ ăn uống để điều trị nguyên nhân và cải thiện bệnh
- Làm mất triệu chứng của bệnh
Những phương pháp thường được áp dụng:
1. Dùng thuốc
Bệnh còi xương do thiếu vitamin D được điều trị với liều vitamin D, điển hình như D2 (ezgocalciferol). D3 (cholecalciferol). Người bệnh cần uống thuốc mỗi ngày (theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa) cho đến khi bệnh tình được chữa khỏi. Sau đó liều vitamin D có thể được giảm xuống mức cần thiết mỗi ngày để đảm bảo trẻ phát triển và tăng trưởng xương tốt.
Liều dùng D2 (ezgocalciferol). D3 (cholecalciferol) được khuyến cáo cho trẻ (dưới dạng multivitamins):
- Liều thông thường: Uống 2000 – 5000IU/ ngày. Dùng liên tục từ 4 – 6 tuần.
- Liều dự phòng (dùng sau liều thông thường):
- Trẻ em dưới 1 tuổi: Uống 400IU/ ngày.
- Trẻ em trên 1 tuổi: Uống 600IU/ ngày.
Liều dùng D2 (ezgocalciferol). D3 (cholecalciferol) cho trẻ có nhiễm khuẩn cấp (tiêu chảy, viêm phổi) hoặc bệnh cấp tính:
- Liều thông thường: Uống 2000 – 5000IU/ ngày. Dùng liên tục 10 ngày.
Trong quá trình dùng thuốc điều trị còi xương, phụ huynh cần theo dõi, thường xuyên đưa trẻ đến bệnh viện để tiến hành thăm khám, sớm phát hiện những dấu hiệu ngộ độc vitamin D. Từ đó có những phương pháp xử lý thích hợp.
Ngoài ra ba mẹ cần lưu ý cho trẻ dùng thuốc đúng liều và đúng thời gian quy định. Tuyệt đối không kéo dài thời gian dùng thuốc hoặc tăng liều. Điều này giúp tránh phát sinh tình trạng ngộ độc.
2. Chế độ ăn uống khoa học
Trong thời gian dùng thuốc điều trị còi xương do thiếu vitamin D, ba mẹ cần đảm bảo cung cấp chế độ dinh dưỡng cân đối và đầy đủ cho trẻ. Bên cạnh đó hàm lượng phốt pho, canxi và vitamin D trong thực đơn phải phù hợp với nhu cầu của cơ thể.
Canxi
Canxi giúp xây dựng xương chắc khỏe, duy trì mật độ xương và đảm bảo sự phát triển bình thường của xương. Điều này giúp giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh còi xương, đồng thời ngăn biến chứng trong tương lai.
Một số loại thực phẩm bổ sung canxi và tốt cho xương gồm:
- Các loại đậu
- Đậu phụ
- Các loại hạt
- Rau lá xanh
- Hạnh nhân
- Rau dền
- Sữa và những chế phẩm như sữa chua, phô mai
- Cá mòi
- Cá hồi
Phốt pho
Bên cạnh canxi, phốt pho cũng là một khoáng chất giúp tăng cường mật độ khoáng xương, bảo vệ và xây dựng khung xương chắc khỏe. Bên cạnh đó khoáng chất này còn có tác dụng phòng ngừa và đẩy lùi bệnh còi xương, hạn chế phát triển các bệnh lý tương tự trong tương lai.
Những loại thực phẩm chứa nhiều phốt pho:
- Những sản phẩm từ sữa
- Nội tạng
- Thịt heo
- Ngũ cốc nguyên cám
- Hạt bí
- Thịt gà
- Các loại quả hạch
- Hải sản
Vitamin D
Tổng lượng vitamin D được đưa vào cơ thể (kết hợp dùng thuốc, chế độ ăn uống và tắm nắng) phải phù hợp với nhu cầu của cơ thể, tránh tình trạng dư thừa hay thiếu hụt vitamin D. Loại vitamin này giúp điều trị còi xương do thiếu vitamin D, tăng hấp thụ canxi và phốt pho. Từ đó đảm bảo đẩy lùi bệnh trong thời gian ngắn.
Các loại thực phẩm giúp bổ sung nhiều vitamin D:
- Tôm
- Hàu
- Dầu gan cá tuyết
- Cá trích
- Lòng đỏ trắng
- Cá hồi
- Nấm
Ngoài vitamin D và những loại khoáng chất nêu trên, chế độ ăn uống của trẻ bị còi xương cũng cần đảm bảo bổ sung đủ tinh bột, chất đạm, chất béo (tăng hấp thụ vitamin D), chất sắt, kẽm. Những thành phần dinh dưỡng này điều tốt cho quá trình phát triển bình thường và sức khỏe của trẻ.
3. Tắm nắng sáng
Tắm nắng sáng tối thiểu 30 phút/ ngày có thể cung cấp một lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể. Bởi vitamin D được chuyển hóa từ 7-dehydro-cholesterol dưới da (tiền chất vitamin D) khi có sự tác động của tia tử ngoại trong ánh nắng. Điều này giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt vitamin D, đẩy lùi bệnh còi xương do thiếu vitamin D hiệu quả.
Một số lưu ý khi giúp trẻ tắm nắng:
- Thời gian tắm nắng tốt nhất là 6 – 8 giờ sáng
- Tắm nắng trước 9h sáng để đảm bảo an toàn
- Không nên mặc nhiều quần áo khi tắm nắng vì điều này sẽ làm cản trở sự tác động của tia tử ngoại lên da.
4. Phẫu thuật chỉnh hình
Phẫu thuật chỉnh hình có thể được chỉ định cho những trẻ bị còi xương do thiếu vitamin D có biến dạng xương nghiêm trọng. Phương pháp này có tác dụng điều chỉnh những biến dạng ở đầu gối hoặc chân vòng kiềng. Từ đó tăng tính thẩm mỹ và cải thiện khả năng vận động của trẻ.
Phòng ngừa bệnh còi xương do thiếu vitamin D
Nếu muốn ngăn ngừa còi xương do thiếu vitamin D, trẻ cần được cung cấp một chế độ ăn uống cân bằng và giàu dinh dưỡng. Đặc biệt cần đảm bảo cơ thể được bổ sung đủ hàm lượng vitamin D và canxi cần thiết.
Để đảm bảo dinh dưỡng, mẹ có thể cho trẻ uống sữa hoặc thường xuyên tiêu thụ những loại thực phẩm giàu vitamin và canxi. Cụ thể như tôm, cua, các loại rau lá xanh, nấm, cá hồi, cá trích, dầu gan cá tuyết, sữa chua, phô mai, đậu nành, hạnh nhân…
Một số biện pháp phòng ngừa khác:
- Nên chẩn đoán trước khi sinh ở những trường hợp có tiền sử bệnh. Khi đó bác sĩ sẽ có những biện pháp hạn chế tình trạng di truyền và tránh tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh.
- Cần tăng cường bổ sung vitamin D từ thực phẩm cho phụ nữ mang thai. Điều này giúp ngăn ngừa bệnh còi xương cho trẻ sơ sinh. Từ tháng thứ 7, mẹ bầu nên bổ sung 1000UI vitamin D/ ngày hoặc uống 100.000 – 200.000UI vitamin D một lần duy nhất vào tháng thứ 7 của thai kỳ.
- Đảm bảo dinh dưỡng và bổ sung đủ hàm lượng vitamin D cần thiết trong thời kỳ nuôi con bú. Bởi điều này có thể tăng chất lượng sữa, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh còi xương do thiếu vitamin D ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Mẹ và bé cần được nghỉ ngơi và sinh hoạt ở những nơi có đủ ánh sáng, sạch sẽ và thoáng mát. Tránh ở trong những căn phòng kín và tối.
- Cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ 15 – 30 phút mỗi ngày (sau khi sinh 2 tuần). Thời gian tắm nắng tốt nhất là 6 – 8 giờ sáng.
- Trẻ sơ sinh cần được bú sữa mẹ hoàn toàn (đảm bảo lượng vitamin trong sữa). Không nên dùng sữa bò để thay thế cho sữa mẹ.
- Dùng sản phẩm bổ sung vitamin D và canxi cho trẻ nếu sữa mẹ và chế độ ăn uống không đảm bảo nguồn dinh dưỡng cần thiết. Tuy nhiên cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho trẻ sử dụng. Ngoài ra cần dùng đúng liều để tránh tình trạng ngộ độc vitamin D.
- Nếu sữa mẹ có hàm lượng vitamin D thấp, nên cho trẻ uống vitamin D với liều 400UI/ ngày. Trong trường hợp bị suy dinh dưỡng thai, đẻ non, không có điều kiện tắm nắng, trẻ phát triển nhanh, trẻ lớn hơn 1 tuổi, nên cho trẻ bổ sung vitamin D với liều 600UI/ ngày. So với vitamin D2 Ergocalciferol (D2), vitamin D3 Cholecalciferol (D3) dễ hấp thu hơn.
- Bên cạnh vitamin D, canxi cũng cần được đảm bảo cung cấp đầy đủ. Bởi thiếu canxi có thể làm tăng nhu cầu về vitamin D của cơ thể và làm cạn kiệt mức vitamin D.
Còi xương do thiếu vitamin D là bệnh lý thường gặp, đặc trưng bởi tình trạng xương yếu, mềm, dễ gãy, dị dạng xương, đau nhức, rụng tóc sau gáy, khó ngủ. Bệnh lý này cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh phát sinh biến chứng. Do đó ngay khi có bất kỳ biểu hiện bất thường nào, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để được hướng dẫn điều trị, ngăn ngừa biến chứng.
Tham khảo thêm:
- 10 Sữa Tốt Cho Trẻ Bị Còi Xương, Bổ Sung Dinh Dưỡng
- Còi Xương Thể Bụ Bẫm Là Gì? Giải Pháp Khắc Phục
- 10 Địa Chỉ Khám Còi Xương Cho Trẻ Tốt Nhất Hiện Nay
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!