Bệnh Còi Xương Ở Trẻ Em: Dấu Hiệu và Cách Điều Trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Lương y Phùng Hải Đăng | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Bệnh còi xương ở trẻ em là tình trạng xương mềm và yếu, trẻ kém phát triển về thể chất, xương biến dạng và thường xuyên đau nhức. Bệnh lý này chủ yếu xảy ra ở những bệnh nhi không có đủ vitamin D. Thông thường để điều trị, việc bổ sung các dưỡng chất là điều cần thiết.

Bệnh còi xương ở trẻ em
Thông tin cơ bản về bệnh còi xương ở trẻ em, dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân, phòng ngừa và điều trị

Bệnh còi xương ở trẻ em là gì?

Bệnh còi xương ở trẻ em là tình trạng các xương mềm và yếu do cơ thể không được cung cấp đủ vitamin và khoáng chất trong thời gian dài. Bệnh khiến trẻ chậm phát triển, xương có xu hướng biến dạng kèm theo những cơn đau nhức.

Thông thường để điều trị, trẻ sẽ được thiết lập một chế độ ăn uống phù hợp, chứa nhiều vitamin D và canxi. Ngoài ra tắm nắng mỗi ngày cũng là một biện pháp giúp cải thiện tình trạng.

Trong trường hợp còi xương liên quan đến một vấn đề y tế tiềm ẩn hay những dị tật nghiêm trọng và kéo dài, bệnh nhi có thể phải dùng thêm thuốc, phẫu thuật chỉnh hình kết hợp với nhiều biện pháp chăm sóc khác. Những trường hợp không sớm điều trị có thể gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Ngoài trẻ em, người lớn và thanh thiếu niên cũng có thể gặp phải tình trạng tương tự. Những trường hợp này được gọi là nhuyễn xương và mềm xương.

Dấu hiệu nhận biết bệnh còi xương ở trẻ em

Để nhận biết bệnh còi xương ở trẻ em, phụ huynh có thể dựa vào những dấu hiệu và triệu chứng dưới đây:

  • Dị tật xương: Những trẻ còi xương thường có mắt cá chân, cổ tay và đầu gối dày lên, xương sọ mềm, trán lớn, khuỵu gối, chân vòng kiềng, dị dạng xương chậu, xương ức nhô ra, bướu đỉnh, thóp thấu kín, thóp rộng, đầu bẹp cá trê, một số trường hợp bị cong cột sống.
  • Đau xương: Những xương bị ảnh hưởng bởi bệnh còi xương sẽ có dấu hiệu đau nhức. Điều này khiến trẻ thường xuyên quấy khóc, mệt mỏi, ngại đi bộ, bước đi của trẻ không bình thường (trẻ đi lạch bạch).
  • Kém phát triển và tăng trưởng khung xương: Bệnh còi xương khiến trẻ kém phát triển và tăng trưởng khung xương. Điều này khiến trẻ thấp hơn mức bình thường.
  • Những vấn đề về răng miệng: Còi xương gây ra những vấn đề về răng miệng như chậm mọc răng, men răng yếu và tăng nguy cơ sâu răng.
  • Xương dễ gãy: Đối với những trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhi sẽ có xương yếu và dễ gãy hơn.
  • Yếu cơ: Mặc dù ít gặp nhưng chứng còi xương có thể khiến trẻ bị yếu cơ, làm ảnh hưởng đến khả năng vận động.
  • Chậm phát triển vận động: Do tình trạng xương yếu và mềm, bệnh còi xương thường làm chậm quá trình phát triển vận động của trẻ, trẻ chậm đứng, đi, bò, lật, lẫy…
  • Hạ calci máu: Một số trẻ bị còi xương cấp tính có hàm lượng calci trong máu thấp (hạ calci máu). Tình trạng này khiến cho những biểu hiện khác của bệnh còi xương trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra hạ calci máu còn gây co giật, chuột rút, ngứa ran và khó chịu ở bàn tay, bàn chân.
  • Một số dấu hiệu khác:
    • Trẻ ngủ không yên giấc, hay quấy khóc, ra nhiều mồ hôi và thường giật mình khi ngủ
    • Vùng sau gáy bị rụng tóc tạo thành hình vành khăn
Dấu hiệu nhận biết bệnh còi xương ở trẻ em
Bệnh còi xương ở trẻ em gây dị tật xương, đau nhức, kém phát triển và tăng trưởng khung xương

Nguyên nhân gây bệnh còi xương ở trẻ em

Thiếu hụt vitamin D, phốt pho và canxi trong thời gian dài là nguyên nhân gây bệnh còi xương ở trẻ em phổ biến nhất. Bởi cả ba thành phần này đều cần thiết cho quá trình xây dựng và phát triển khung xương chắc khỏe.

Tình trạng thiếu hụt canxi, phốt pho và vitamin D có thể xảy ra do:

  • Chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng, không đủ hàm lượng vitamin D và canxi cần thiết cho cơ thể,
  • Phơi nắng quá ít
  • Trẻ không được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ
  • Trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ nhưng trong sữa không chứa đủ vitamin D do chế độ ăn uống của mẹ không đầy đủ dinh dưỡng.

Một số nguyên nhân khác:

  • Yếu tố di truyền: Bệnh còi xương có thể xảy ra do yếu tố di truyền. Điều này có nghĩa những rối loạn trong cơ thể trẻ được di truyền từ gen của mẹ hoặc bố. Điển hình như còi xương giảm phosphate huyết (thận và xương gặp rối loạn hoặc không thể xử lý và hấp thụ phốt pho). Dạng còi xương này được gọi là chứng còi xương di truyền ở trẻ em. Trong nhiều trường hợp khác, bệnh còi xương di truyền làm ảnh hưởng đến một hoặc nhiều loại protein trong cơ thể được dùng bởi vitamin D.
  • Da sẫm màu: Những trẻ có da sẫm màu thường có nguy cơ bị còi xương cao hơn trẻ có da sáng màu. Bởi màu da này không phản ứng mạnh với ánh sáng mặt trời. Từ đó tạo ra ít vitamin D.
  • Độ tuổi: Bệnh còi xương thường gặp ở trẻ em có độ tuổi từ 6 – 36 tháng tuổi. Trong giai đoạn này, trẻ thường phát triển toàn diện và nhanh chóng. Để quá trình phát triển và củng cố xương diễn ra tốt, phốt pho, canxi và vitamin D cần được tăng cường bổ sung. Tuy nhiên nếu các chất không được đảm bảo, tình trạng còi xương sẽ phát triển.

Yếu tố nguy cơ

Những yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ phát sinh chứng còi xương ở trẻ em:

  • Trẻ được sinh ra ở những nơi thiếu ánh sáng, thời tiết âm u
  • Sinh đôi
  • Trẻ sinh non (trẻ có ít thời gian để nhận đủ hàm lượng vitamin D từ cơ thể mẹ)
  • Trẻ được bú sữa bò thay vì sữa mẹ
  • Trẻ quá bụ bẫm
  • Thiếu hụt vitamin D khi mẹ mang thai
  • Dùng thuốc. Khả năng hấp thụ và sử dụng vitamin D bị cản trở do thuốc kháng virus, thuốc chống co giật và một số loại thuốc khác.

Bệnh còi xương ở trẻ em có mấy loại?

Dựa trên những đặc điểm riêng biệt, bệnh còi xương ở trẻ em được phân ra thành nhiều loại, bao gồm:

+ Bệnh còi xương liên quan đến vitamin D

  • Thiếu vitamin D
  • Bệnh còi xương phụ thuộc vào vitamin D (VDDR)
    • Loại 1: Cơ thể kích hoạt không thành công
      • VDDR1A: 25-hydroxyvitamin D3 1-alpha-hydroxylase thiếu
      • VDDR1B: Thiếu CYP2R1
    • Loại 2: Kháng calcitriol
      • VDDR2A: Cơ thể có đột biến thụ thể calcitriol
      • VDDR2A: Cơ thể có ribonucleoprotein hạt nhân không xác định ảnh hưởng đến quá trình truyền tín hiệu
    • Loại 3: Bất hoạt quá mức (đột biến CYP3A4 , trội)

+ Bệnh còi xương liên quan đến giảm phosphate huyết

  • Hội chứng Fanconi: Một hội chứng của tình trạng thiếu tái hấp thu ở gần ống thận của thận.
  • Giảm phosphate huyết: Một dạng rối loạn điện giải trong đó mức độ phosphate trong máu thấp, thường thứ phát sau khi cơ thể kém hấp thu.
  • Bẩm sinh
    • Bệnh còi xương dạng suy giảm phosphate huyết ở thể lặn (ARHR)
    • Bệnh còi xương dạng suy giảm phosphate huyết ở thể trội (ADHR)
    • Bệnh còi xương kháng vitamin D

+ Bệnh còi xương liên quan đến hạ calci huyết

  • Suy thận mãn tính (CKD-BMD)
  • Hạ calci huyết

+ Bệnh còi xương thứ phát sau những bệnh lý khác

  • Bệnh răng miệng (bệnh Dent)
  • Hội chứng nevus biểu bì
  • Hội chứng McCune-Albrightn (một loại rối loạn di truyền phức tạp làm ảnh hưởng đến nội tiết, xương và da)
  • Nhuyễn xương do khối u
Phân loại bệnh còi xương ở trẻ em
Bệnh còi xương ở trẻ em được phân thành nhiều loại dựa trên trên nhân và những đặc điểm riêng biệt

Bệnh còi xương ở trẻ em có nguy hiểm không?

Hầu hết trẻ em bị còi xương đều có đáp ứng tốt với những phương pháp điều trị. Tuy nhiên những trường hợp điều trị không đúng cách hoặc chậm trễ có thể khiến bệnh tiến triển nhanh. Đồng thời làm phát sinh những biến chứng sau:

  • Co thắt cơ
  • Gãy xương
  • Biến dạng vĩnh viễn (gù/ vẹo cột sống, biến dạng lồng ngực, dô ức gà, chuỗi hạt sườn…)
  • Hạn chế chức năng hô hấp
  • Ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này do khung xương hậu hẹp
  • Chậm tăng trưởng chiều cao hoặc không thể phát triển được
  • Dị tật răng kém thẩm mỹ
  • Tay chân cong, chân chữ bát (X) hoặc chân vòng kiềng (O)
  • Tăng nguy cơ loãng xương khi trưởng thành

Chẩn đoán bệnh còi xương ở trẻ em

Kết quả chẩn đoán bệnh còi xương ở trẻ em trải qua hai quá trình bao gồm khám lâm sàng và cận lâm sàng.

1. Khám lâm sàng

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ chuyên khoa có thể quan sát kết hợp ấn nhẹ vào xương ở những vị trí dễ bị ảnh hưởng nhất (cột sống, xương hông, chân, tay, hộp sọ…). Điều này giúp phát hiện những bất thường và xác định chính xác bệnh còi xương ở trẻ em. Cụ thể:

  • Cổ chân và cổ tay: Cổ chân và cổ tay dày hơn hoặc to hơn so với thông thường.
  • Ngực: Khung xương sườn phát triển bất thường, có thể bị bẹp khiến xương ức nhô ra.
  • Chân: Bệnh còi xương khiến trẻ có chân vòng kiềng quá mức.
  • Hộp sọ: Hộp sọ mềm hơn bình thường. Ngoài ra các điểm mềm của hộp sọ (thóp) có thể bị chậm đóng.

2. Chẩn đoán cận lâm sàng

Sau quá trình thăm khám, bác sĩ có thể chỉ định một số kỹ thuật cận lâm sàng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh còi xương.

  • Chụp X-quang: Chụp X-quang thường được thực hiện ở những vị trí dễ bị ảnh hưởng như cổ tay, cổ chân, lồng ngực. Thông qua hình ảnh, bác sĩ có thể tìm kiếm các dị tật của xương, sự mở rộng của các vùng vôi hóa tạm thời… Từ đó xác định bệnh còi xương và đánh giá tình trạng.
  • Xét nghiệm máu: Thông thường xét nghiệm máu sẽ được chỉ định để kiểm tra nồng độ calci trong huyết thanh. Ở bệnh nhân bị còi xương, nồng độ calci huyết thanh thấp, phốt pho trong huyết thanh có thể thấp hoặc bình thường, phosphatase kiềm trong huyết thanh có thể thay đổi hình dạng/ cấu trúc của xương hoặc cao từ xương. Điều này giúp xác định tình trạng mở rộng của các chi và khớp.
  • Quét mật độ xương: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định quét mật độ xương để xác định tình trạng xương mềm và yếu ở những bệnh nhân bị còi xương.
Hình ảnh X-quang có thể giúp xác định các dị tật của xương
Hình ảnh X-quang có thể giúp xác định các dị tật của xương, sự mở rộng bất thường của các vùng vôi hóa tạm thời

3. Chẩn đoán phân biệt

Bệnh còi xương ở trẻ em thường được chẩn đoán phân biệt với những vấn đề, bệnh lý dưới đây:

  • Osteochondrodysplasias (bệnh xương di truyền): Bệnh lý này thể hiện cho chứng rối loạn phát triển của xương và sụn. Bệnh xương di truyền có những đặc điểm của dị dạng xương tương tự như bệnh còi xương.
  • Bệnh Blount: Đây là một dạng rối loạn phát triển của xương chày khiến đầu gối bị dị dạng, cẳng chân bị lệch vào trong tương tự như chân vòng kiềng.

Điều trị bệnh còi xương ở trẻ em

Bổ sung vitamin và các khoáng chất là phương pháp điều trị bệnh còi xương ở trẻ em phổ biến nhất. Hầu hết trẻ đều có đáp ứng tốt với phương pháp điều trị này. Tuy nhiên trong một số trường hợp, phẫu thuật chỉnh hình có thể được chỉ định.

1. Cung cấp vitamin và khoáng chất

Dưới đây là những phương pháp giúp cung cấp vitamin D và các khoáng chất hiệu quả.

+ Cho trẻ phơi nắng sáng mỗi ngày

7-dehydro-cholesterol (tiền chất vitamin D) nằm ở dưới da. Khi phơi nắng, tác động của tia tử ngoại được tìm thấy trong ánh nắng mặt trời có thể làm hoạt hóa 7-dehydro-cholesterol và hình thành vitamin D. Loại vitamin này có khả năng điều hòa các khoáng chất (canxi, phốt pho) trong máu. Từ đó giúp những khoáng chất này dễ dàng được hấp thu và chuyển hóa hơn.

Lưu ý khi phơi nắng sáng cho trẻ:

  • Thời gian phơi nắng sáng an toàn nhất: Trước 9h sáng. Phơi nắng trong vòng 10 – 30 phút.
  • Không nên mặc nhiều quần áo: Các mẹ cần hạn chế cho trẻ mặc nhiều quần áo trong thời gian phơi nắng. Bởi điều này sẽ giúp ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp lên da, từ đó phát huy tối đa tác dụng.

Nếu sinh sống ở những vùng thiếu ánh sáng mặt trời, mẹ có thể cho trẻ tắm nắng với ánh sáng nhân tạo tại khoa vật lý trị liệu ở bệnh viện.

+ Chế độ ăn uống dinh dưỡng

Đối với trẻ sơ sinh, bạn cần cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn. Trong thời gian này, mẹ cần đảm bảo bổ sung đủ vitamin D và canxi để tăng hàm lượng dinh dưỡng có trong sữa mẹ. Khi trẻ đến tuổi ăn dặm, bạn cần thiết lập một chế độ ăn uống khoa học, giúp trẻ bổ sung vitamin và khoáng chất từ những loại thực phẩm lành mạnh.

Dưới đây là những loại thực phẩm tốt cho trẻ:

  • Thực phẩm giàu canxi

Canxi giúp xây dựng và phát triển khung xương chắc khỏe, góp phần đẩy lùi nhanh bệnh còi xương ở trẻ em. Những loại thực phẩm giàu canxi gồm:

    • Sữa
    • Phô mai
    • Sữa chua
    • Cá hồi và cá mòi đóng hộp
    • Rau lá xanh
    • Hạnh nhân
    • Rau dền
    • Các loại đậu
    • Đậu phụ
    • Các loại hạt
  • Thực phẩm giàu phốt pho

Cùng với canxi, phốt pho tham gia vào quá trình xây dựng xương khớp, chống dị tật và chứng còi xương cho trẻ. Mẹ có thể cho trẻ bổ sung những loại thực phẩm dưới đây để bổ sung hàm lượng phốt pho cần thiết:

    • Thịt gà
    • Các loại quả hạch
    • Hải sản
    • Thịt heo
    • Ngũ cốc nguyên cám
    • Hạt bí
    • Những sản phẩm từ sữa
    • Nội tạng
  • Thực phẩm giàu vitamin D

Vitamin D có tác dụng điều hòa canxi và phốt pho, giúp cơ thể dễ dàng hơn trong việc hấp thu và chuyển hóa những khoáng chất này. Từ đó phòng ngừa và cải thiện bệnh còi xương hiệu quả.

Những loại thực phẩm giàu vitamin D gồm:

    • Cá hồi
    • Tôm
    • Lòng đỏ trứng
    • Nấm
    • Cá trích
    • Cá mòi
    • Dầu gan cá tuyết
    • Hàu
  • Dầu mỡ

Cần thêm dầu mỡ vào chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ. Bởi vitamin D tan trong dầu, lượng dầu mỡ thích hợp sẽ giúp thành phần dinh dưỡng này dễ dàng hấp thu hơn và đảm bảo an toàn. Nếu thiếu dầu mỡ trong bữa ăn hàng ngày, bệnh còi xương của trẻ có thể không được chữa khỏi.

Chế độ ăn uống dinh dưỡng
Chế độ ăn uống khoa học, giàu canxi, vitamin D và phốt pho giúp đẩy lùi nhanh bệnh còi xương ở trẻ em

+ Uống các chế phẩm chứa canxi

Nếu không thể cung cấp đủ vitamin và khoáng chất thông qua chế độ ăn uống, mẹ có thể cho trẻ sử dụng các chế phẩm theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Đối với vitamin D, bạn có thể cho trẻ uống Canxi B1 – B2 – B6. Đây là một loại dung dịch uống giúp bổ sung canxi và vitamin B cho trẻ phát triển toàn diện về xương, trí não và sức khỏe. Đồng thời đẩy lùi chứng còi xương và ngăn bệnh tái diễn.

Canxi B1 – B2 – B6 nên được uống từ 1 – 2 ống mỗi ngày. Có thể điều chỉnh liều dựa trên các biện pháp bổ sung canxi khác (theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa). Đối với những trẻ lớn, phụ huynh có thể cho trẻ ăn cốm canxi từ 1 – 2 thìa cà phê mỗi ngày.

+ Uống vitamin D

Trong thời gian điều trị bệnh còi xương ở trẻ em, bác sĩ có thể cho trẻ uống vitamin D để cải thiện tình trạng.

Liều dùng thông thường

  • Uống 4000 UI/ ngày, dùng liên tục từ 4 – 8 tuần.

Liều dùng cho trẻ bị tiêu chảy, viêm phổi

  • Uống 5000 – 10.000 UI/ ngày, dùng liên tục trong 30 ngày.

Trong một số trường hợp, trẻ có thể được tiêm vitamin D với liều 200.000 UI/ uống, tiêm nhắc lại một lần sau 3 tháng trong năm đầu tiên.

2. Phẫu thuật chỉnh hình

Trong một số trường hợp, phẫu thuật chỉnh hình được chỉ định để điều chỉnh những biến dạng dai dẳng và nghiêm trọng của chi dưới do bệnh còi xương. Đặc biệt là khu vực quanh đầu gối.

Tùy thuộc vào tình trạng và mục đích điều trị, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật tăng trưởng có hướng dẫn hoặc phẫu thuật kết hợp nắn xương điều chỉnh các dị tật lệch lạc. Trong đó phẫu thuật tăng trưởng có hướng dẫn thường mang đến kết quả khả quan hơn nên được sử dụng phổ biến.

Phương pháp nắn chỉnh xương được thực hiện thông qua việc điều chỉnh cấp tính của biến dạng chi. Trong khi đó phẫu thuật tăng trưởng có hướng dẫn được thực hiện thông qua việc điều chỉnh dần dần.

Phẫu thuật chỉnh hình
Phẫu thuật chỉnh hình giúp điều chỉnh những biến dạng dai dẳng và nghiêm trọng của chi do bệnh còi xương

Phòng ngừa bệnh còi xương ở trẻ em

Để ngăn ngừa bệnh còi xương ở trẻ em, phụ huynh có thể áp dụng những biện pháp dưới đây:

  • Để phòng ngừa bệnh còi xương ở trẻ em do sinh non, bạn cần nghỉ ngơi hợp lý trong thời kỳ mang thai. Ngoài ra nên uống vitamin D trong tháng thứ 7 của thai kỳ. Liều lượng khuyến cáo: 200.000 IU/ tuần, dùng trong 3 tuần.
  • Sau khi sinh xong, mẹ và bé cần được ở trong phòng có đầy đủ ánh sáng và thoáng mát. Không nên ở trong phòng tối và kín.
  • Sau khi sinh 2 tuần, mẹ nên cho trẻ tắm nắng sáng mỗi ngày để cung cấp lượng vitamin D cần thiết. Tắm nắng trước 9 giờ, kéo dài từ 15 – 20 phút/ ngày.
  • Trẻ sơ sinh nên được bú sữa mẹ hoàn toàn. Tuy nhiên mẹ cần đảm bảo chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, bổ sung đủ vitamin D3 và canxi để tăng chất lượng cho sữa mẹ, trẻ hấp thu dinh dưỡng dễ dàng.
  • Cần áp dụng thêm những biện pháp bổ sung khác (như uống vitamin D) nếu trẻ sơ sinh bú bình hoặc bú sữa mẹ không nhận đủ hàm lượng vitamin D cần thiết (2 tuần – 18 tháng tuổi: 800 – 1.000 IU). Liều uống vitamin D được khuyến cáo 400 IU/ ngày, liên tục trong một năm đầu tiên.
  • Trẻ ăn dặm cần được bổ sung đủ hàm lượng canxi, phốt pho và vitamin D cần thiết thông qua chế độ ăn uống khoa học.

Bệnh còi xương ở trẻ em xảy ra do nhiều nguyên nhân. Trong đó thiếu vitamin D, khoáng chất nghiêm trọng và kéo dài là nguyên nhân phổ biến nhất. Hầu hết các trường hợp bệnh đều có đáp ứng tốt với những phương pháp điều trị thông thường và phẫu thuật chỉnh hình. Đối với những trường hợp chậm trễ, không điều trị hoặc không phát hiện bệnh, trẻ sẽ có nguy cơ cao gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng. Do đó cần đưa trẻ đến bệnh viện sau khi những biểu hiện đầu tiên xuất hiện.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan
Bơi Lội Có Tăng Chiều Cao Không
Bơi lội có tăng chiều cao không là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm, đặc biệt là những trẻ đang trong độ tuổi tiền dậy thì và dậy thì. Các nghiên cứu cho thấy, những động tác được ...
Xem chi tiết
Nhảy Dây Có Tăng Chiều Cao Không
Nhảy dây có tăng chiều cao không? Các cách nhảy đúng và lưu ý an toàn là những vấn đề cơ bản được nhiều bạn trẻ quan tâm. Đây là một hình thức vận động đơn giản, thú vị và ...
Xem chi tiết
Vỏ Tôm Có Canxi Không
Tôm là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và phổ biến trong nhiều món ăn. Nhiều người có thói quen sử dụng tôm bao gồm cả vỏ tôm vì quan niệm vỏ tôm chứa nhiều canxi. Vây, thực tế vỏ ...
Xem chi tiết
Tập Gym Có Tăng Chiều Cao Không
Gym là một bộ môn tốt cho sức khỏe và hỗ trợ phát triển cơ bắp rất tốt. Tuy nhiên nếu luyện tập không phù hợp có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống cơ xương khớp cũng như chiều ...
Xem chi tiết
Đạp Xe Có Tăng Chiều Cao Không
Đạp xe có tăng chiều cao không là một thắc mắc phổ biến, đặc biệt là ở những người có nhu cầu phát triển chiều cao tối đa. Dưới đây là một số thông tin cơ bản về bài tập ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua