Cách xoa bóp, bấm huyệt chữa vẹo cổ – Hướng dẫn A-Z
Cách xoa bóp, bấm huyệt chữa vẹo cổ là liệu pháp chữa bệnh theo Y học cổ truyền được áp dụng rộng rãi, không xâm lấn và có độ an toàn cao. Liệu pháp này có khả năng tác động trực tiếp vào các cơ ở vùng cổ để thư giãn, giảm đau, đẩy lùi tình trạng xoắn cơ. Ngoài ra bấm huyệt tác động vào những huyệt vị trên cơ thể còn giúp đẩy lùi bệnh tật, giải phóng cơ và dây thần kinh, giảm co thắt, khắc phục nhanh cơn đau và chứng vẹo cổ.
Chứng vẹo cổ trong Y học cổ truyền
Trong Y học cổ truyền, chứng vẹo cổ còn được gọi là lạc chẩm hay thất chẩm. Bệnh thể hiện cho tình trạng các cơ cổ bị kéo căng quá mức dẫn đến đau mỏi, cổ căng cứng, rất khó khăn cho việc cử động.
Cơn đau có xu hướng tăng lên khi thực hiện động tác xoay cổ hoặc có vật nặng đè nén làm tăng áp lực lên vị trí này. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, đau nhức vùng cổ do chứng lạc chẩm có thể lan xuống vùng liên sống bả, bả vai và chi trên, cổ nghiêng ít hoặc nghiêng nhiều về một bên (bị ép buộc) để chống đau.
Nguyên nhân
Chứng lạc chẩm xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó chủ yếu gồm:
- Sử dụng gối quá cứng, tư thế gối đầu không phù hợp, gối đầu quá cao hoặc quá thấp trong khi ngủ khiến cơ cổ bị kéo giãn quá lâu, khí huyết không điều hòa và đầu bị vẹo sang một bên.
- Phong hàn xâm nhập vào cơ thể và kinh lạc làm ngăn trở kinh khí.
- Người yếu, cơ thể suy nhược, lao động quá sức kéo dài.
- Thoái hóa cột sống cổ.
Triệu chứng
Lạc chẩm gây ra những triệu chứng sau:
- Sáng ngủ dậy cảm thấy cổ căng cứng, co thắt, rất đau và khó cử động
- Ấn vào vùng cơ co cứng thấy đau nhói
- Trong trường hợp nặn, đau nhức vùng cổ do chứng lạc chẩm có thể lan xuống vùng liên sống bả, bả vai và hai tay
- Đau tăng lên khi xoay cổ hoặc có vật nặng đè nén lên các cơ đang bị căng
- Đầu vẹo, cổ nghiêng ít hoặc nghiêng nhiều về một bên để chống đau
- Khó cúi và khó quay đầu
- Các biểu hiện thường kéo dài dai dẳng nếu không được xử lý.
Công dụng của xoa bóp, bấm huyệt chữa vẹo cổ
Để chữa vẹo cổ, người bệnh có thể áp dụng biện pháp xoa bóp bấm huyệt. Liệu pháp này đơn giản, không xâm lấn nhưng mang đến hiệu quả điều trị cao. Thông thường xoa bóp bấm huyệt sẽ được sử dụng kết hợp với châm cứu để tăng hiệu quả điều trị.
Xoa bóp và bấm huyệt là liệu pháp chữa bệnh dựa trên lực tác động của tay đối với những cơ quan và huyệt đạo trên cơ thể. Cụ thể liệu pháp này sử dụng sự khéo léo và lực tác động thích hợp của bàn tay, khuỷu tay hay các ngón tay (đôi khi là những vật dụng hỗ trợ) để tác động vào các cơ đang bị căng cứng ở vùng cổ. Đồng thời tác động lên xương khớp và các huyệt đạo tương ứng để chữa bệnh, giảm cảm giác đau nhức, căng cứng cơ khó chịu và nhiều vấn đề liên quan.
Khi xoa bóp bấm huyệt chữa vẹo cổ, người bệnh có thể cảm nhận một số tác dụng sau:
- Thúc đẩy cân bằng âm dương, tăng khả năng điều chỉnh các rối loạn trong cơ thể
- Thông kinh hoạt lạc
- Đả thông kinh mạch
- Lưu giữ khí tốt trong cơ thể, đồng thời đẩy tà khí và khí trệ ra ngoài
- Giảm đau cổ, vai, đầu, chi và lưng trên do chứng vẹo cổ
- Giảm căng cơ và co thắt cơ ở cổ, điều chỉnh đầu nghiêng
- Thư giãn, giải phóng cơ và các dây thần kinh
- Tăng tính đàn hồi và sức bền của cơ
- Tăng cường hoạt động và chức năng của hệ thần kinh
- Thư giãn tinh thần, giải tỏa căng thẳng
- Tăng chất lượng giấc ngủ
- Cải thiện tư thế
- Thư giãn cơ, xương và các khớp
- Cải thiện phạm vi chuyển động và tính linh hoạt cho cổ
- Chống viêm
- Phòng ngừa đau và căng cơ tái phát
- Tăng cường sức khỏe và sức đề kháng
- Hỗ trợ điều trị các bệnh lý ở đốt sống cổ như thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cổ…
Cách xoa bóp, bấm huyệt chữa vẹo cổ
Khi áp dụng cách xoa bóp, bấm huyệt chữa vẹo cổ, người bệnh sẽ được yêu cầu ngồi trên ghế có lưng tựa, giữ lưng thẳng, thả lỏng các chi và đầu óc. Thầy thuốc đứng sau lưng bệnh nhân. Sau đó lần lượt thực hiện những thao tác gồm:
+ Xoa day
Thầy thuốc sử dụng gốc bàn tay hoặc mô bàn tay để xoa day. Lần lượt thực hiện ở các điểm gồm:
- Vùng cổ (cả hai bên cổ, tập trung nhiều hơn vào bên cổ có cơ căng)
- Vùng lưng phía dưới cổ (vùng nằm giữa hai bả vai)
Khi khởi đầu, cần day nhẹ để đo mức chịu đựng của bệnh nhân. Tăng dần lực tác động cho đến khi nóng lên. Đối với thao tác xoa day, nên dùng thêm cồn xoa bóp hoặc dầu nóng để làm nóng khu vực bị đau, tăng hiệu quả điều trị.
+ Nắm bóp
Thầy thuốc sử dụng ngón tay cái và bốn ngón tay còn lại để nắm bóp. Lần lượt thực hiện thao tác này vào những khối cơ ở vùng cổ theo các hướng từ trên xuống, từ vùng cổ đến mỏm vai.
Đối với chỗ đau, thầy thuốc thực hiện thao tác nắm bóp trong 5 phút hoặc nắm bóp liên tục cho đến khi nhận thấy các cơ ở cổ mềm ra, không còn cảm giác căng cứng như ban đầu, bệnh nhân cảm thấy dễ chịu.
+ Bấm huyệt giáp tích vùng gáy
Xác định vị trí huyệt giáp tích vùng gáy: Từ những đốt xương sống cổ đo sang ngang khoảng 0,5 – 1 thốn (tấc) là huyệt giáp tích vùng gáy.
Sử dụng ngón tay cái (lực tác động phù hợp với khả năng chịu đựng của bệnh nhân và độ sâu của huyệt) bấm vào huyệt giáp tích vùng gáy từ trên xuống. Lặp lại thao tác này 5 lần.
+ Day ấn điểm đau nhất của bệnh nhân
Dùng các đầu ngón tay sờ nắn để tìm điểm đau nhất của bệnh nhân. Sau khi đã xác định điểm đau, dùng ngón tay giữa hoặc ngón tay cái ấn vào những điểm đau từ 2 – 3 phút. Đồng thời thực hiện động tác day đều lên các vị trí với lực từ nhẹ đến mạnh để đạt cảm giác tê tức và mỏi. Thực hiện trong vài phút.
Trong khi thực hiện, bệnh nhân sẽ được yêu cầu quay cổ sang trái, sang phải liên tục. Càng nhiều lần càng tốt.
+ Day bấm các huyệt Phong thủ, Phong trì, Kiên tỉnh, Đại chùy, Thiên tông, Lạc chẩm, Hậu khê
Xác định vị trí huyệt:
- Phong thủ: Ở đường giữa thẳng về phía dưới ụ chẩm, ngay tại chỗ lõm cách phía trên chân góc 1 thốn là huyệt Phong thủ.
- Phong trì: Huyệt Phong trì nằm ngay tại bờ ngoài cơ thang bám chặt đáy hộp sọ và chỗ lõm của bờ trong của cơ ức đòn chũm.
- Đại chùy: Vị trí của huyệt Đại chùy ngay ở điểm giữa mỏm gai đốt sống lưng 1 (D1) và giữa đốt sống cổ 7 (C7)
- Kiên tỉnh: Tại điểm cao nhất của vai, giữa đường nối mỏm cùng vai với huyệt Đại chùy là huyệt Kiên tỉnh.
- Thiên tông: Giữ hố dưới xương bả vai là huyệt Thiên tông.
- Lạc chẩm: Huyệt Lạc chẩm nằm ở mu bàn tay, ngay giữa hai xương bàn tay số 2 và số 3, cách 0,5 thốn với khớp xương bàn tay – ngón tay.
- Hậu khê: Bàn tay hơi nắm lại, ở đầu nếp ngang thứ hai của khớp xương bàn tay và ngón tay út (phía sau) là huyệt Hậu khê.
Lần lượt day bấm vào các huyệt từ 1 – 2 phút.
+ Lắc đầu
Thao tác này được thực hiện với những bước sau:
- Bệnh nhân ngồi thẳng trên ghế, thầy thuốc đứng sau lưng bệnh nhân
- Thầy thuốc đặt một tay phía dưới để đỡ cằm, tay kia đặt lên trên để giữ đầu
- Phối hợp hai tay một cách khéo léo để đầu của bệnh nhân được vận động nhẹ nhàng qua phải, sau đó qua trái. Tốc độ thực hiện tăng dần cho đến khi thấy cơ mềm.
- Lắc đầu bệnh nhân về phía sau và sang phải với lực hơi mạnh. Thực hiện tương tự ở phía bên trái.
Người bệnh có thể nghe thấy tiếng kêu khi thực hiện thao tác lắc đầu.
Liệu trình điều trị
Thông thường xoa bóp, bấm huyệt chữa vẹo cổ sẽ được thực hiện trong vòng 30 phút/ lần, mỗi ngày thực hiện 1 lần.
Một liệu trình gồm 15 ngày. Tuy nhiên tùy theo diễn biến và mức độ nghiêm trọng của bệnh, liệu trình điều trị có thể lên đến 30 ngày hoặc bệnh nhân điều trị với nhiều liệu trình.
Xoa bóp, bấm huyệt chữa vẹo cổ bao lâu có tác dụng?
Thông thường chứng vẹo cổ và các triệu chứng có thể thuyên giảm rõ rệt sau 3 – 4 lần áp dụng liệu pháp xoa bóp bấm huyệt. Sau 15 ngày (1 liệu trình) chứng vẹo cổ có thể được khắc phục hoàn toàn.
Lưu ý khi xoa bóp, bấm huyệt chữa vẹo cổ
Đối với những trường hợp vẹo cổ nặng gây đau nhiều, bệnh nhân sẽ được yêu cầu dùng một số loại thuốc giảm đau theo hướng dẫn của thầy thuốc để hỗ trợ. Ngoài ra có thể sử dụng muối rang hoặc sao nóng lá ngải cứu rửa sạch với muối để chằm đắp vào chỗ đau. Bước này được thực hiện trước hoặc/ và sau khi áp dụng liệu pháp xoa bóp.
Một số lưu ý chung cho bệnh nhân trước khi áp dụng cách xoa bóp, bấm huyệt chữa vẹo cổ:
- Những chuyển động và lực tác động từ liệu pháp xoa bóp bấm huyệt có thể khiến bệnh nhân nhói nhẹ trong lần đầu tiên áp dụng. Vài lần sau đó, liệu pháp này sẽ mang đến cảm giác thoải mái và dễ chịu cho bệnh nhân, đặc biệt là khi các cơ ở vùng cổ đã mềm ra.
- Xoa bóp, bấm huyệt chữa vẹo cổ là liệu pháp chữa bệnh không xâm lấn, mang đến nhiều công dụng và có độ an toàn cao. Tuy nhiên một số tác dụng phụ có thể xảy ra trong thời gian điều trị. Cụ thể như có cảm giác lâng lâng, nhạy cảm hơn ở những vị trí được tác động, choáng váng… Hầu hết những tác dụng phụ chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn và có mức độ nhẹ.
- Thông báo với bác sĩ chuyên khoa hoặc thầy thuốc về tình trạng sức khỏe trước khi xoa bóp bấm huyệt. Thông thường những người mắc bệnh động kinh, nhiễm nấm, suy tim, huyết áp không kiểm soát, tiểu đường, chấn thương cột sống, giãn tĩnh mạch, loãng xương, rối loạn chảy máu, mang thai, cơ thể gầy yếu… không được chỉ định liệu pháp này.
- Thăm khám kỹ, đánh giá và xác định bệnh lý, kiểm tra tình trạng sức khỏe trước khi xoa bóp, bấm huyệt chữa vẹo cổ.
- Không tự ý xoa bóp bấm huyệt chữa bệnh tại nhà.
- Không nghe theo chẩn đoán và phác đồ điều trị của những người hành nghề bấm huyệt. Chỉ dựa vào chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa.
- Nên xoa bóp, bấm huyệt chữa vẹo cổ ở những cơ sở y tế uy tín. Ngoài ra người chữa bệnh phải có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn cao và am hiểu sâu sắc về liệu pháp xoa bóp và bấm huyệt. Bởi việc áp dụng sai kỹ thuật hoặc tác động sai huyệt đạo có thể gây ra nhiều rủi ro.
- Không xoa bóp bấm huyệt chữa bệnh khi đang mệt mỏi, cơ thể suy yếu, quá đói hoặc quá no, tinh thần không ổn định.
- Người bệnh có thể dùng liệu pháp xoa bóp bấm huyệt kết hợp với châm cứu (theo chỉ định của bác sĩ) để tăng hiệu quả điều trị vẹo cổ, sớm khắc phục tình trạng.
Bài viết là thông tin về công dụng, hướng dẫn và những lưu ý khi áp dụng cách xoa bóp, bấm huyệt chữa vẹo cổ. Đây là một liệu pháp điều trị an toàn, không xâm lấn và mang đến nhiều lợi ích cho quá trình điều trị vẹo cổ. Tuy nhiên liệu pháp này cần được chẩn đoán và thực hiện bởi những thầy thuốc/ bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm, tay nghề cao và am hiểu sâu sắc về xoa bóp bấm huyệt để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!