Thoát Vị Đĩa Đệm Cổ
Thoát vị đĩa đệm cổ là tình trạng đĩa đệm giữa các đốt sống cổ đã bị dịch chuyển khỏi vị trí bình thường. Điều này có thể gây ra áp lực lên các dây thần kinh hoặc tủy sống dẫn đến các cơn đau thường xuyên xảy ra. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nặng hơn có thể dẫn tới bại liệt.
Thoát vị đĩa đệm cổ là gì?
Thoát vị đĩa đệm cổ là một dạng thường gặp của bệnh thoát vị đĩa đệm. Bệnh thể hiện cho tình trạng tổn thương mô liên kết giữa những đốt sống và lớp đĩa đệm của cột sống sống cổ. Lúc này bao xơ hoặc vòng ngoài của đĩa đệm bị rách hoặc bị vỡ khiến phần nhân bên trong thoát ra, sau đó chèn ép vào dây thần kinh và tủy sống.
Áp lực của đĩa đệm thoát vị khiến dây thần kinh bị sưng và viêm, dẫn đến cảm giác đau nhức và khó chịu ở khu vực bị tổn thương. Tuy nhiên sau một thời gian, thoát vị đĩa đệm có xu hướng co lại. Lúc này mức độ đau có thể khỏi hoàn toàn hoặc chỉ giảm một phần. Ngoài ra thoát vị đĩa đệm còn khiến bệnh nhân bị cứng cổ, co thắt cơ kèm theo cảm giác tê và ngứa ran ở cánh tay.
Theo kết quả thống kê, phần lớn bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cổ đều có đáp ứng tốt với thuốc điều trị, ít khi phẫu thuật giải nén. Các triệu chứng thường thuyên giảm sau 6 tuần điều trị.
Triệu chứng của bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thường gây ra những triệu chứng nghiêm trọng sau:
- Đau cổ
Đau cổ là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh thoát vị đĩa đệm cổ. Nguyên nhân là do khối nhân thoát vị gây áp lực và chèn ép vào các dây thần kinh ở vùng cổ. Thông thường bệnh nhân có thể cảm thấy đau ở một bên cổ hoặc đau ở phía sau cổ.
Tùy thuộc vào mức độ chèn ép của khối nhân thoát vị, bệnh nhân có thể bị đau nhức âm ỉ, đau dai dẳng hoặc đau nhức dữ dội ở vùng cổ. Dùng tay ấn vào có thể cảm thấy mềm ở những người có cơn đau nhẹ. Ở những trường hợp nghiêm trọng hơn, mức độ đau thường tăng lên khi vận động nhiều ở cổ hoặc khi ấn vào.
Sau một thời gian tiến triển, cơn đau ở cổ có thể lan rộng sang hai bên vai, xuống ngực và hại cánh tay dẫn đến tê yếu cơ.
- Đau dạng hạt
Bệnh nhân bị đau ở cổ qua vai, di chuyển xuống cánh tay, bàn tay hoặc/ và những ngón tay. Lúc này người bệnh đau như điện giật hoặc cảm thấy nóng. Đau dạng hạt thường xảy ra từ một dây thần kinh bị chèn ép.
- Tê buốt và ngứa ran
Áp lực của đĩa đệm thoát vị khiến dây thần kinh bị sưng và viêm. Tình trạng này tạo ra cảm giác tê và ngứa ran từ cổ xuống vai, tay và các ngón tay. Cảm giác tê và ngứa thường xuất hiện đồng thời với triệu chứng đau.
- Yếu cánh tay hoặc bàn tay
Tình trạng viêm và tổn thương dây thần kinh ở cổ thường gây yếu cánh tay hoặc/ và bàn tay. Đồng thời giảm chức năng cầm, nắm đồ vật của bàn tay.
- Cứng cổ
Bệnh thoát vị đĩa đệm cổ thường gây cứng cổ. Điều này làm giảm phạm vi chuyển động và khiến bệnh nhân khó khăn trong việc thực hiện một số hoạt động liên quan đến cổ.
Nếu thoát vị đĩa đệm cổ chèn ép vào tủy sống, người bệnh có thể gặp những triệu chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm:
- Mất thăng bằng
- Suy giảm chức năng ở bàn tay và cánh tay, bệnh nhân gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động
- Đi bộ loạng choạng, dễ dàng vấp ngã và khó xử lý tốt khi có vấn đề
- Có cảm giác ngứa ran hoặc như điện giật chạy dọc từ cột sống cổ đến chân.
Thông thường những triệu chứng của bệnh thoát vị đĩa đệm cổ có thể thuyên giảm khi nghỉ ngơi và vận động nhẹ nhàng. Mức độ nghiêm trọng thường có xu hướng tăng lên khi bệnh nhân đột ngột nghiêng đầu về phía trước hoặc nghiêng sang một bên, nâng vật nặng hoặc chơi thể thao.
Đừng Bỏ Lỡ: Thoát Vị Đĩa Đệm Cột Sống Cổ C5 C6: Biểu Hiện Và Cách Trị
Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm cổ
Bệnh thoát vị đĩa đệm cổ có thể xảy ra bởi những nguyên nhân sau:
- Thoái hóa đĩa đệm theo thời gian
Khi bạn già đi đĩa đệm có thể bị thoái hóa, kém linh hoạt và suy giảm chức năng. Đây là một tình trạng thoái hóa tự nhiên xảy ra ở hầu hết các trường hợp. Lúc này một hoặc nhiều vết nứt hay vết rách có thể tiến triển trong đĩa đệm. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nhân nhầy thoát ra.
- Chấn thương
Chấn thương là một trong những nguyên nhân thường gặp ở những bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cổ. Bao xơ hoặc vòng ngoài của đĩa đệm có thể đột ngột bị rách hoặc bị vỡ sau một chấn thương mạnh. Điều này khiến khiến phần nhân bên trong thoát ra và chèn ép vào dây thần kinh hoặc/ và tủy sống.
Chấn thương có thể xảy ra khi lái xe, lao động nặng hoặc chơi những bộ môn thể thao có cường độ mạnh.
- Di truyền học
Mặc dù hiếm gặp nhưng những người có quan hệ huyết thống gần bị thoát vị đĩa đệm sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao.
- Đột ngột chuyển động cổ
Việc chuyển động cổ một cách đột ngột (điển hình như xoay cổ, cúi gập cổ hoặc ngửa cổ) có thể làm tổn thương đĩa đệm, tăng nguy cơ chấn thương và thoát vị. Trường hợp này thường gặp ở những bệnh nhân đang có đĩa đệm thoái hóa.
- Căng thẳng đột ngột
Nếu cột sống cổ đột ngột căng thẳng do vặn cổ, xoay một phần trên cơ thể quá nhanh hoặc nâng vật nặng, bệnh sẽ có nguy cơ bị hỏng đĩa đệm và thoát vị.
- Rối loạn mô liên kết
Nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ sẽ tăng cao ở những người bị rối loạn mô liên kết hoặc xuất hiện những bất thường khác liên quan đến cột sống.
Đối tượng nguy cơ của bệnh thoát vị đĩa đệm cổ
Bệnh thoát vị đĩa đệm cổ thường xảy ra ở nhóm đối tượng sau:
- Những người có độ tuổi từ 30 đến 50 tuổi
- Phụ nữ có nguy cơ thoát vị đĩa đệm cổ cao hơn so với nam giới
- Những người có công việc nặng nhọc hoặc thường xuyên thực hiện những động tác làm tăng áp lực lên vùng cổ
- Chơi những môn thể thao có cường độ mạnh và liên quan đến cổ
- Nhân viên văn phòng, ít vận động. Vì việc cúi cổ trước màn hình máy tính quá lâu có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa và thoát vị đĩa đệm
- Người có thói quen hút thuốc lá.
Mức độ nguy hiểm của bệnh thoát vị đĩa đệm cổ
Hiếm khi những triệu chứng của bệnh thoát vị đĩa đệm cổ có thể tự khỏi. Chúng thường có xu hướng tăng dần theo thời gian và làm suy giảm chức năng của những vùng bị ảnh hưởng. Ngoài ra bệnh nhân có thể gặp biến chứng nếu dây thần kinh ở cổ hoặc/ và tủy sống bị chèn ép, sưng và viêm.
Các biến chứng có thể gặp:
- Yếu cơ và teo cơ
Sự chèn ép khiến bệnh nhân bị yếu cơ kèm theo những biểu hiện bất thường khác (tê, đau và ngứa ran). Điều này làm thu hẹp phạm vi chuyển động và giảm khả năng vận động của bệnh nhân. Ngoài ra nếu không duy trì hoạt động thể chất, người bệnh có thể bị teo cơ.
- Vấn đề về đi lại, giảm khả năng kiểm soát bàng quang và ruột
Nếu tủy sống bị chèn ép, người bệnh có thể đi loạng choạng, mất khả năng phối hợp giữa các chi. Đồng thời suy giảm khả năng kiểm soát bàng quang và ruột. Điều này khiến bệnh nhân đi tiểu hoặc đại tiện không kiểm soát.
- Hẹp ống sống
Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cổ có nguy cơ cao bị hẹp ống sống và kèm theo những triệu chứng nghiêm trọng. Điển hình như đau nhiều ở cổ, yếu cơ, tê và đau ở vai xuống cánh tay và các ngón tay. Hẹp ống sống xảy ra do nhân đĩa đệm thoát ra ngoài và làm thu hẹp không gian của ống sống.
- Thiểu năng tuần hoàn não, thiếu máu não
Nhân đĩa đệm thoát ra ngoài không chỉ gây hẹp ống sống mà còn chèn ép lên hệ thống động mạch đốt sống. Điều này khiến quá trình tuần hoàn máu bị cản trở và gây thiếu máu não.
- Tàn phế vĩnh viễn
Bệnh nhân có thể bị tàn phế vĩnh viễn do tủy sống cổ bị chèn ép dẫn đến yếu cơ và liệt.
- Chèn ép rối thần kinh cánh tay
Đám rối thần kinh cánh tay bắt đầu từ tủy cổ chạy dọc theo vai, cánh tay và đi qua lỗ liên hợp. Chính vì thế tình trạng thoát vị đĩa đệm có thể gây chèn ép đồng thời cả lỗ liên hợp, tủy sống và đám rối thần kinh cánh tay.
Lúc này bệnh nhân sẽ có biểu hiện đau mỏi vùng vai gáy kèm theo tình trạng co cơ. Ở những trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể bị đau mỏi kèm theo teo cơ hoặc tê bì ở một hoặc ở cả hai cánh tay.
- Hội chứng rối loạn thần kinh thực vật
Nguy cơ mắc hội chứng rối loạn thần kinh thực vật sẽ tăng cao ở những bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cổ. Lúc này người bệnh có thể mắc phải những vấn đề sau:
-
- Thực quản bị chèn ép dẫn đến trào ngược và khó nuốt
- Đau ngực từng cơn
- Hạ huyết áp
- Tăng nhu động ruột
- Vã mồ hôi
- Mặt đỏ bừng
- Mắt mờ
- Đau ở phần hốc mắt
- Mất thăng bằng
- Ù tai
- Chóng mặt.
Bệnh thoát vị đĩa đệm cổ được chẩn đoán như thế nào?
Bệnh nhân được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cổ thông qua kết quả phối hợp từ những biện pháp sau:
1. Kiểm tra bệnh sử
Người bệnh được kiểm tra bệnh sử trước khi tiến hành khám tổng thể. Trong đó bao gồm chấn thương, bệnh lý hoặc bất kỳ tình trạng nào liên quan đến vùng cổ. Ngoài ra một số yếu tố khác cũng có thể được kiểm tra để xác định nguyên nhân gây đau và hỗ trợ chẩn đoán xác định. Bao gồm:
- Yếu tố công việc
- Di truyền
- Thói quen sinh hoạt.
2. Kiểm tra triệu chứng
- Kiểm tra triệu chứng đau, đánh giá khả năng lan rộng, tần suất và mức độ của cơn đau
- Xác định chính xác vị trí đau
- Kiểm tra tình trạng cứng cổ, chức năng vận động và phạm vi di chuyển cổ của bệnh nhân
- Đánh giá biểu hiện tê yếu và cảm giác ngứa ran ở những khu vực cận kề
- Kiểm tra dáng đi và khả năng giữ thăng bằng của người bệnh
- Kiểm tra chức năng và sự linh hoạt của cổ, tay, vai, bàn tay và các ngón tay
- Tìm kiếm những hoạt động làm tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng
- Kiểm tra khả năng phối hợp giữa các chi, khả năng kiểm soát bàng quang và ruột.
3. Chẩn đoán cận lâm sàng
Chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ, điện cơ, chụp cắt lớp vi tính… có thể được chỉ định để chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh.
- Chụp X-quang đơn thuần
Hình ảnh X-quang giúp bác sĩ kiểm tra cột sống (bao gồm cả đốt sống, đĩa đệm) và xác định tình trạng nứt/ gãy nếu có. Ngoài ra X-quang đơn thuần còn giúp xác định/ loại bỏ những nguyên nhân gây đau và cứng cổ khác. Bao gồm: Gãy xương, gai cột sống, thay đổi khớp.
- Myelogram
Myelogram (chụp tủy đồ) là kỹ thuật chụp X-quang có sử dụng thuốc nhuộm. Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ tiêm một lượng vừa đủ thuốc nhuộm vào ống sống thông qua vòi cột sống. Sau đó người bệnh sẽ được chiếu tia X để ghi lại hình ảnh chi tiết được tạo thành từ thuốc nhuộm.
Hình ảnh được ghi lại cho phép bác sĩ kiểm tra ống tủy sống và tủy sống. Đồng thời kiểm tra dây thần kinh và mức độ chèn ép của khối thoát vị. Ngoài ra Myelogram có thể giúp kiểm tra áp xe cột sống, khối u tủy sống, ung thư xương cũng như sự phát triển quá mức của các tế bào xương.
Thông thường bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính (CT) sau khi xét nghiệm Myelogram được thực hiện.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT)
Chụp cắt lớp vi tính (CT) thường được áp dụng sau xét nghiệm Myelogram. Đối với bệnh thoát vị đĩa đệm, bệnh nhân sẽ được tiêm chất cản quang trước khi CT. Phương pháp này cho phép bác sĩ xác định đĩa đệm bị hư hỏng và mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Đồng thời chẩn đoán xác định thoát vị đĩa đệm cổ với nhiều tình trạng khác.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chụp cộng hưởng từ (MRI) cung cấp hình ảnh chi tiết ở vùng cổ, bao gồm xương, đốt sống, đĩa đệm và các mô mềm (cơ, dây chằng, dây thần kinh). Hình ảnh này giúp bác sĩ xác định những chấn thương, vị trí tổn thương, đĩa đệm thoát vị và các vấn đề liên quan.
Ngoài ra để xác định mức độ chèn ép rễ thần kinh và tủy sống, bệnh nhân có thể được tiêm thuốc cản quang trước khi MRI. Thuốc này có khả năng di chuyển dọc theo vùng cổ và thể hiện rõ những bất thường.
Chụp cộng hưởng từ còn giúp phát hiện khối u tủy sống, sự phát triển bất thường của tế bào xương (u xương) và áp xe (nếu có).
- Điện cơ
Khi điện cơ, bác sĩ sẽ sử dụng các điện cực hoặc kim nhỏ đặt vào cơ thể của người bệnh. Sau đó thực hiện do hoạt động điện của cơ và dây thần kinh. Cuối cùng kết quả sẽ được ghi trên một máy đặc biệt.
Khi bị chèn ép, khả năng cung cấp chuyển động và cảm giác đến cơ của dây thần kinh bị suy giảm. Vì thế khi thực hiện điện cơ, bác sĩ chuyên khoa có thể xác định được tình trạng yếu cơ và tổn thương dây thần kinh.
Điều trị thoát vị đĩa đệm cổ không phẫu thuật
Phần lớn bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cổ đều có đáp ứng tốt với những phương pháp điều trị không phẫu thuật.
1. Sử dụng thuốc điều trị thoát vị đĩa đệm cổ
Việc sử dụng thuốc có thể giúp bạn kiểm soát tốt các triệu chứng, cải thiện khả năng di chuyển và vận động cổ. Đồng thời giúp giảm căng thẳng và mang đến cảm giác dễ chịu cho người bệnh.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, người bệnh có thể được yêu cầu chữa bệnh với những loại thuốc sau:
- Thuốc giảm đau: Một số loại thuốc giảm đau như Acetaminophen (Tylenol, Paracetamol) có thể được chỉ định với mục đích kiểm soát cảm giác đau do bệnh thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên nhóm thuốc này không có khả năng chống viêm và chỉ phù hợp với những bệnh nhân bị đau ở mức độ từ nhẹ đến trung bình.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Đối với những trường hợp bị thoát vị đĩa đệm cổ và đau ở mức độ trung bình, người bệnh sẽ được sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để cải thiện tình trạng. Khác với thuốc giảm đau thông thường, NSAID vừa có tác dụng giảm đau vừa có khả năng chống viêm. Những loại thuốc chống viêm không steroid thường được sử dụng gồm Ibuprofen (Motrin, Nuprin, Advil), Naproxen (Alleve, Naprosyn), Aspirin, Celecoxib (Celebrex).
- Thuốc giãn cơ: Cyclobenzaprine (Flexeril), Methocarbamol (Robaxin), Carisoprodol (Soma) và một số loại thuốc giãn cơ khác sẽ được sử dụng trong quá trình điều trị thoát vị đĩa đệm cổ. Nhóm thuốc này có tác dụng kiểm soát tình trạng co thắt cơ, giảm cảm giác cứng cổ. Từ đó giúp tăng phạm vi chuyển động và xoa dịu cơn đau hiệu quả.
- Steroid đường uống: Thông thường Steroid sẽ được chỉ định cho những bệnh nhân có dây thần kinh bị sưng và viêm do đĩa đệm thoát vị. Thuốc này có khả năng ức chế miễn dịch, giảm viêm và cải thiện cơn đau hiệu quả. Bệnh nhân thường có đáp ứng tốt sau khi dùng thuốc. Tuy nhiên Steroid đường uống có thể gây tác dụng phụ. Vì thế thuốc chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn và thường giảm liều khi có đáp ứng.
- Tiêm Steroid: Nếu viêm không thuyên giảm sau khi dùng Steroid đường uống hoặc viêm nặng, bệnh nhân sẽ được cân nhắc tiêm Steroid. Thuốc này được tiêm trực tiếp ở lớp ngoài cùng của ống sống (khoang ngoài màng cứng) để giảm viêm. Steroid thường phát huy tác dụng điều trị trong vòng vài ngày sau khi tiêm.
- Chích chọn lọc rễ dây thần kinh: Khi thoát vị đĩa đệm gây chèn ép thần kinh cột sống, bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc gây mê và tiêm dung dịch Steroid gần dây thần kinh. Việc sử dụng phương pháp này có thể giúp người bệnh giảm viêm và giảm đau hiệu quả. Người bệnh có thể tiêm nhắc lại khi cơn đau tái phát.
2. Biện pháp chăm sóc tại nhà
Những biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng, cải thiện tình trạng viêm. Đồng thời hỗ trợ điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.
Một số biện pháp chăm sóc tại nhà thường được áp dụng:
- Nghỉ ngơi
Người bệnh nên nghỉ ngơi khi bị đau nghiêm trọng. Điều này có thể giúp cải thiện cơn đau và tình trạng căng cứng cổ. Khi cơn đau thuyên giảm, bạn nên hoạt động nhẹ nhàng để tăng sự linh hoạt.
- Chườm ấm
Biện pháp chườm ấm phù hợp với những bệnh nhân bị căng cơ, cứng cổ, đau và viêm ở cột sống. Biện pháp này có tác dụng kích thích quá trình tuần hoàn máu, thư giãn các cơ và cải thiện độ linh hoạt cho cổ. Đồng thời giúp giảm viêm, xoa dịu cơn đau.
Bệnh nhân được khuyến khích chườm ấm mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 15 phút. Nên dùng chai thủy tinh chứa nước ấm hoặc khăn ấm.
- Chườm lạnh
Chườm lạnh có tác dụng giảm viêm, giảm sưng và cải thiện cơn đau. Vì thế người bệnh có thể dùng túi đá lạnh chườm lên khu vực bị tổn thương từ 2 – 3 lần/ ngày, mỗi lần 10 phút để cải thiện tình trạng.
- Trị liệu cột sống cổ
Bệnh nhân được hướng dẫn dùng thiết bị cơ học buộc vào đầu. Sau đó nhẹ nhàng nâng lên để cột sống được kéo giãn. Phương pháp này giúp cải thiện tình trạng thoát vị, giảm áp lực lên rễ dây thần kinh và đĩa đệm. Đồng thời giúp giảm đau.
- Liệu pháp xoa bóp
Xoa bóp giúp kích thích quá trình tuần hoàn máu, cải thiện sự căng cứng của các cơ và giảm đau ở vùng cổ. Ngoài ra biện pháp này còn có tác dụng thúc đẩy sự thư giãn, cải thiện phạm vi hoạt động cho cột sống cổ.
Tuy nhiên cần dừng lại ngay lập tức nếu nhận thấy cơn đau trở nên trầm trọng hơn sau khi áp dụng liệu pháp xoa bóp.
3. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu giúp kéo căng cổ, tăng cường sức mạnh cơ. Từ đó giúp chống đau hiệu quả. Ngoài ra vật lý trị liệu còn có tác dụng tăng cường sự linh hoạt, giảm cứng cổ và cải thiện phạm vi hoạt động của các khớp xương.
Tùy thuộc vào tình trạng và nhu cầu cụ thể của bệnh, chuyên gia sẽ thiết kế một chương trình vật lý trị liệu thích hợp. Sau một thời gian, người bệnh có thể tiếp tục thực hiện các bài tập tại nhà để duy trì sự linh hoạt và sức mạnh của cổ.
4. Sửa đổi hoạt động
Cơn đau thường nghiêm trọng nhất trong những đợt bùng phát không liên tục hoặc khi bệnh thoát vị đĩa đệm mới tiến triển. Đặc biệt là khi vận động và hoạt động nhiều ở cổ. Nếu nhận thấy đau nhiều và có xu hướng lan rộng, bạn nên điều chỉnh hoạt động của mình hoặc nghỉ ngơi trong thời gian ngắn.
Để giảm tần suất và mức độ đau, người bệnh có thể sửa đổi các hoạt động theo hướng dẫn sau:
- Thay đổi tư thế ngủ: Nên nằm ngửa, hạn chế nằm nghiêng và nằm sấp; sử dụng gối kê đầu có độ mềm và độ cao phù hợp.
- Tránh các cử động làm trầm trọng hơn cơn đau: Quay đầu sang một bên, vặn cổ…
- Hạn chế thực hiện những hoạt động gắng sức: Mang vác vật nặng, lao động thể chất, chơi những bộ môn thể thao đối kháng và có cường độ mạnh.
Phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm cổ
Phương pháp phẫu thuật thường được chỉ định cho những trường hợp sau:
- Thất bại khi điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật
- Cơn đau kéo dài hơn 6 đến 12 tuần, đau nghiêm trọng
- Bệnh nhân bị cứng cổ và tê yếu nghiêm trọng, có nguy cơ teo cơ và liệt chi
- Khối nhân thoát vị chèn ép vào tủy sống và rễ thần kinh.
Mục tiêu điều trị:
- Giải nén tủy sống và rễ dây thần kinh
- Loại bỏ đĩa đệm bị tổn thương và khối nhân thoát vị
- Giảm tần suất và mức độ đau
- Cải thiện các triệu chứng liên quan đến sự thiếu hụt thần kinh. Bao gồm yếu ở cánh tay, tê, ngứa ran.
Phương pháp phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm cổ
Tùy thuộc vào mục đích và mức độ nghiêm trọng, người bệnh có thể được chỉ định điều trị với những phương pháp sau:
- Cắt bỏ và hợp nhất cột sống cổ trước (ACDF)
Chuyển các mạch, cơ và dây thần kinh cổ sang một bên để lộ đĩa đệm và đốt sống thông qua một đường rạch nhỏ ở phía trước cổ. Loại bỏ phần đĩa đệm bị hỏng. Sau đó lồng hoặc ghép xương để lắp đầy không gian đĩa đệm và tạo sự hợp nhất.
Để tạo sự ổn định trong quá trình hợp nhất xương, bác sĩ có thể sử dụng vít hoặc các tấm kim loại.
- Thay đĩa đệm nhân tạo
Bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm hỏng và thay thế bằng một đĩa đệm nhân tạo được làm bằng kim loại hoặc nhựa. Phương pháp này giúp bảo tồn các chuyển động ở cổ của bệnh nhân.
- Cắt bỏ nội soi vi phẫu thuật xâm lấn tối thiểu
Bác sĩ rạch một đường nhỏ ở phía sau cổ. Sau đó thực hiện mở rộng đường hầm tới đốt sống bằng các ống nhỏ với đường kính ngày càng tăng (ống giãn nở). Ngoài ra một phần xương sẽ bị cắt bỏ để lộ đĩa đệm và rễ thần kinh. Lúc này đĩa đệm bị hỏng có thể được loại bỏ thông qua nội soi.
- Cắt cổ sau
Bác sĩ rạch một đường ở phía sau cổ (khoảng 1-2 inch). Sau đó di chuyển các cơ cột sống sang một bên, đồng thời loại bỏ một phần xương nhỏ để tiếp cận không gian đĩa đệm, đốt sống và rễ thần kinh. Đĩa đệm bị hư hỏng được lấy ra, tạo khoảng trống giúp giải nén rễ thần kinh và phòng ngừa sự chèn ép trong tương lai.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được nghỉ ngơi và phục hồi chức năng để nâng cao hiệu quả điều trị và phòng ngừa tái phát.
Thoát vị đĩa đệm cổ có thể chèn ép vào rễ thần kinh hoặc tủy sống dẫn đến đau, tê yếu và phát sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng khác. Vì thế ngay khi nhận thấy có bất thường ở cổ, người bệnh cần được bác sĩ kiểm tra và hướng dẫn điều trị.
Xem Thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!