Xoa bóp là gì? Tác dụng với sức khỏe và điều cần biết

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Doãn Hồng Phương | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Xoa bóp là liệu pháp dùng lực từ bàn tay và các ngón tay tác động lên khớp xương, mô mềm và các huyệt để điều trị bệnh. Liệu pháp này có tác dụng thư giãn, giảm đau, kích thích tuần hoàn máu và cải thiện chức năng của các cơ quan. Tuy nhiên cần thực hiện đúng kỹ thuật và điều chỉnh lực tác động thích hợp để mang đến hiệu quả tối đa.

Xoa bóp
Thông tin chi tiết về liệu pháp xoa bóp, tác dụng đối với sức khỏe, các động tác cơ bản và lưu ý

Xoa bóp là gì?

Tương tự như châm cứu, xoa bóp là một liệu pháp chữa bệnh và cải thiện triệu chứng không dùng thuốc. Tuy nhiên liệu pháp này sử dụng lực thích hợp và sự khéo léo của bàn tay, các ngón tay (đôi khi là khuỷu tay) để tác động lên khớp, xương, cơ, mô mềm và các huyệt đạo trên cơ thể. Từ đó mang đến cảm giác sảng khoái, giúp thư giãn, giảm đau nhức cơ, xương khớp và thần kinh.

Ngoài ra việc thực hiện đúng kỹ thuật còn giúp cải thiện giấc ngủ, kích thích tuần hoàn máu, cải thiện chức năng của các cơ quan. Đồng thời hỗ trợ chữa lành tổn thương và đẩy lùi các bệnh lý.

Theo Y học cổ truyền, xoa bóp là liệu pháp tác động lực vào kinh lạc (kinh cân) và các huyệt trên cơ thể để điều hòa dinh vệ, đả thông kinh mạch, thông kinh hoạt lạc, đuổi ngoại tà và điều hòa các chức năng tạng phủ. Từ đó nâng cao sức khỏe, giảm đau nhức, phòng ngừa và điều trị nhiều bệnh lý.

Tuy nhiên để đạt hiệu quả tốt nhất, liệu pháp xoa bóp cần được thực hiện thường xuyên, đúng chỉ định, mục đích điều trị và kỹ thuật.

Tác dụng của xoa bóp

Liệu pháp xoa bóp mang đến nhiều tác dụng hữu hiệu và lợi ích. Cụ thể:

+ Tác dụng của xoa bóp theo Y học cổ truyền

  • Đuổi ngoại tà thông qua những tác động vào kinh lạc và huyệt đạo trên cơ thể
  • Thông kinh hoạt lạc
  • Điều hòa được dinh vệ
  • Điều hòa chức năng tạng phủ

+ Tác dụng tại chỗ

  • Kích thích sự bong tróc lớp sừng của biểu bì. Từ đó cải thiện sự hô hấp của làn da, giúp da khỏe và hạn chế những tổn thương không mong muốn
  • Kích thích hoạt động và chức năng của tuyến mồ hôi, tuyến mỡ. Từ đó tăng tốc độ đào thải các chất độc hại cũng như chất bã qua tuyến mồ hôi
  • Thư giãn dây chằng, dây thần kinh, cơ sinh học và mạch máu
  • Tăng tuần hoàn máu tại chỗ

+ Tác dụng đối với làn da

  • Tăng quá trình trao đổi chất và cung cấp chất dinh dưỡng cho da
  • Giúp da mịn màng, hồng hào và bóng đẹp, các tế bào ở da co giãn tốt hơn
  • Trẻ hóa da mặt
Xoa bóp giúp tăng quá trình trao đổi chất và cung cấp chất dinh dưỡng cho da
Xoa bóp làm tăng quá trình trao đổi chất và cung cấp chất dinh dưỡng cho da, giúp trẻ hóa làn da, da hồng hào

+ Tác dụng đối với cơ, gân, xương và khớp

  • Thư giãn, hạn chế và điều trị tình trạng co cứng cơ
  • Tăng tính đàn hồi, sức bền và chức năng của cơ
  • Giảm căng cơ và đau cơ ở những người mắc bệnh xương khớp
  • Thư giãn gân, xương và các khớp
  • Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp, cứng khớp và khó vận động
  • Cải thiện phạm vi mở rộng khớp tổn thương. Từ đó tăng khả năng vận động và tính linh hoạt của bệnh nhân
  • Cải thiện tư thế, giảm nguy cơ chấn thương
  • Cải thiện đau mỏi vai gáy do ngồi lâu hoặc ngồi sai tư thế
  • Giảm nguy cơ thoái hóa khớp ngón tay, bàn tay ở những người thường xuyên làm việc với bàn phím
  • Giảm các cơn đau lưng
  • Giảm đau cơ sau khi tập luyện

+ Tác dụng đối với hệ thần kinh

  • Thư giãn và giải nén các dây thần kinh đang bị tổn thương
  • Tăng cường cảm xúc tích cực, hạn chế căng thẳng và lo âu
  • Giúp ngủ ngon và ngủ sâu hơn
  • Những thao tác trong xoa bóp giúp kích thích các cảm thụ thần kinh dày đặc ở dưới da. Từ đó tạo ra một số lợi ích gồm:
    • Hình thành các đáp ứng phản xạ thần kinh
    • Điều hòa quá trình ức chế cảm thụ thần kinh trung ương hay hưng phấn
    • Thư giãn thần kinh
    • Tăng khả năng tập trung

+ Tác dụng đối với hệ tiêu hóa

  • Tăng cường chức năng và nhu động của dạ dày, ruột
  • Cải thiện chức năng tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng và loại bỏ chất cặn bã
  • Phòng ngừa và điều trị táo bón
  • Điều trị chứng đầy bụng khó tiêu

+ Tác dụng đối với hệ tuần hoàn

  • Làm giãn mạch, giúp quá trình lưu thông máu trong cơ thể diễn ra tốt hơn
  • Giảm trở lực trong lòng mạch
  • Đẩy máu về tim. Từ đó giúp quá trình tuần hoàn máu từ tim đến cơ quan (và ngược lại) diễn ra suôn sẻ, giảm áp lực lên tim
Xoa bóp giúp giãn mạch, tăng quá trình lưu thông máu trong cơ thể
Xoa bóp giúp giãn mạch, tăng quá trình lưu thông máu trong cơ thể, giảm trở lực trong lòng mạch…

+ Tác dụng khác

  • Tăng cường hệ miễn dịch và khả năng tự bảo vệ của cơ thể
  • Kích thích hệ thống lympho, đảm bảo hoạt động và chức năng của các cơ quan
  • Điều hòa chức năng nội tạng
  • Điều trị mất ngủ
  • Tác động vào cột sống điều trị hội chứng tiền đình
  • Giảm chỉ số huyết áp cơ thể

Các động tác xoa bóp cơ bản

Thông thường thầy thuốc sẽ dựa trên từng trường hợp cụ thể để xoa bóp với nhiều động tác khác nhau. Điều này giúp tăng hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu phòng ngừa và chữa bệnh của bệnh nhân.

Dưới đây là một số động tác cơ bản thường được áp dụng:

  • Xát

Động tác xoa bóp này đòi hỏi người thực hiện dùng mô ngón tay cái (phần thịt ở bàn tay dưới ngón tay cái), mô ngón tay út hoặc gốc gan bàn tay xát lên da theo hướng thẳng, có thể từ dưới lên, từ trên xuống, từ trái qua phải hoặc từ phải qua trái.

  • Xoa

Sử dụng mô ngón tay út, ngón tay cái hoặc gốc bàn tay, vân ngón tay xoa trên da (ngay khu vực bị đau) theo chuyển động tròn. Đối với động tác xoa, người thực hiện thủ thuật phải thực hiện động tác này một cách mềm mại, di chuyển nhẹ nhàng trên da. Xoa thường được sử dụng ở những nơi có sưng đỏ và phần bụng.

Động tác xoa thường được sử dụng ở những nơi có sưng đỏ và phần bụng
Động tác xoa thường được sử dụng để tác động vào những nơi có sưng đỏ và phần bụng
  • Day

Dùng mô ngón tay cái, mô ngón tay út, gốc bàn tay ấn xuống da người bệnh (hơi dùng sức), sau đó di chuyển theo đường tròn. Da của người bệnh phải di động theo tay của người thực hiện, da của người bệnh và tay của người thực hiện phải dính nhau.

Việc day đúng cách sẽ giúp người bệnh giảm/ hết đau, thanh nhiệt, khu phong, giảm sưng đỏ, tăng lưu thông máu và hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

  • Ấn

Động tác ấn có tác dụng điều trị và giảm triệu chứng của một số bệnh cấp tính và mạn tính, thường tác động vào những nơi co cứng và bấm vào các huyệt. Để thực hiện, cần sử dụng ngón cái và ngón trỏ ấn lên da người bệnh.

  • Miết

Người thực hiện miết chặt vào da người bệnh bằng vân ngón tay cái. Sau đó miết theo hướng xuống hoặc hướng lên, qua trái hoặc qua phải. Khi miết, tay của người thực hiện cần dính vào da của người bệnh, tay di động và kéo căng da.

Thông thường động tác xoa bóp này được thực hiện ở vùng đầu và bụng.

  • Phân

Dùng mô ngón tay út của hai tay hoặc dùng vân các ngón tay ấn nhẹ vào da. Sau đó các ngón tay/ mô ngón tay út của hai tay từ cùng một chỗ tách và tẻ ra hai bên theo hướng ngược nhau.

Động tác xoa bóp này thường được thực hiện ở vùng lưng, ngực, đầu và mặt.

  • Hợp

Dùng mô ngón tay út hoặc dùng vân các ngón tay của hai tay từ hai chỗ khác nhau ấn nhẹ, đi ngược chiều và cùng đến một vị trí.

Động tác hợp thường được thực hiện ở vùng lưng, bụng và đầu.

Động tác phân trong xoa bóp thường được thực hiện ở vùng lưng, ngực, đầu và mặt
Động tác hợp trong xoa bóp thường được thực hiện ở vùng lưng, ngực và đầu
  • Véo

Người thực hiện dùng ngón tay trỏ và ngón tay cái hoặc dùng những đốt thứ ba của ngón tay trỏ và những đốt thứ hai của ngón cái kẹp và kéo da lên. Hai tay cần thực hiện đồng thời và liên tiếp sao do vùng da được tác động của người bệnh luôn bị cuộn ở giữa những ngón tay của người thực hiện.

Động tác véo thường được thực hiện ở trán và lưng.

  • Bóp

Sử dụng đồng thời ngón trỏ, ngón đeo nhẫn và ngón cái hoặc sử dụng hai bàn tay hoặc hai đầu ngón tay cái và trỏ hoặc các đầu ngón tay bóp vào huyệt và hơi kéo thịt lên. Điều này giúp thư giãn và tác động tích cực lên các huyệt đạo.

Khi bóp nên dùng đốt thứ ba của các ngón tay. Không nên để gân và thịt trượt dưới tay, đồng thời không dùng đầu ngón tay để bóp vì sẽ tạo ra cảm giác đau rát. Tùy thuộc vào khả năng chịu đựng của người bệnh mà sức bóp có thể nhẹ hoặc mạnh.

Động tác xoa bóp này thường được thực hiện ở vùng lưng trên, nách, mông, tứ chi, vai, gáy và vùng cổ.

  • Đấm

Người thực hiện nắm chặt tay lại. Sau đó dùng ô mô út đấm vào những khu vực cần tác động. Động tác đấm thường được sử dụng để tác động lên nhiều cơ như các cơ ở lưng, mông và đùi.

Chỉ định xoa bóp

Thông thường liệu pháp xoa bóp sẽ được chỉ định cho những trường hợp sau:

+ Phòng ngừa và giảm đau

+ Co cứng cơ

  • Co cứng cơ, liệt cứng do kích thích rễ hoặc dây thần kinh
  • Căng cơ dẫn đến đau nhức
  • Phục hồi cơ bắp sau lao động nặng hoặc luyện tập, chơi thể thao

+ Tổn thương thần kinh

  • Tổn thương các đám rối thần kinh hoặc tổn thương dây thần kinh ngoại vi do các nguyên nhân khác nhau. Cần xoa bóp để kích thích phục hồi dẫn truyền thần kinh
  • Tăng cường tuần hoàn và dinh dưỡng cho thần kinh, cơ, da, dưới da ở những bệnh nhân bị teo cơ và bại liệt

+ Các chỉ định khác

  • Thường xuyên căng thẳng thần kinh, stress, mệt mỏi, chán ăn
  • Đau và bầm tím do chấn thương
  • Cứng khớp, hạn chế khả năng vận động
  • Rối loạn chức năng nội tạng hoặc hệ tiêu hóa
  • Mất ngủ
  • Tuần hoàn máu kém, thường xuyên tê bì chân tay
Liệu pháp xoa bóp được chỉ định ở những người thường xuyên căng thẳng thần kinh
Liệu pháp xoa bóp được chỉ định ở những người thường xuyên căng thẳng thần kinh, stress, mệt mỏi dẫn đến chán ăn

Trường hợp nào không nên xoa bóp?

Những trường hợp được liệt kê dưới đây không nên áp dụng liệu pháp xoa bóp:

  • Chấn thương đụng dập cơ, khớp và dây chằng
  • Gãy xương
  • Mắc bệnh tim phổi nặng. Điển hình như: Suy tim, nhồi máu cơ tim, suy hô hấp, cơn hen ác tính
  • Các cơ quan bị tổn thương thực thể liên quan đến ngoại khoa. Bao gồm: Bệnh truyền nhiễm, thủng dạ dày, viêm ruột thừa…
  • Đang trong quá trình điều trị với các thuốc giảm hẹp mạch máu hoặc bị rối loạn chảy máu
  • Mắc chứng huyết khối sâu trong tĩnh mạch
  • Giảm tiểu cầu nghiêm trọng
  • Loãng xương nghiêm trọng
  • Ung thư xương
  • Những người có trạng thái thần kinh không ổn định
  • Những bệnh lý do nội tiết có nguy cơ dẫn đến tai biến cao khi bị kích thích
  • Bệnh nhân mắc bệnh lao
  • Mắc bệnh ngoài da
  • Không xoa bóp lên những vùng da có mụn nhọt lở loét hoặc có các vết thương hở gây nóng rát vì có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng và gây nhiễm khuẩn.

Lưu ý khi xoa bóp chữa bệnh

Xoa bóp được đánh giá là liệu pháp chữa bệnh không dùng thuốc hiệu quả, an toàn, dễ thực hiện và có chi phí thấp. Bên cạnh đó liệu pháp này còn mang đến nhiều lợi ích. Cụ thể như phòng ngừa và giảm nhanh cảm giác đau nhức, giúp sảng khoái, khỏe mạnh, giải tỏa căng thẳng và mệt mỏi, ngủ sâu giấc…

Tuy nhiên trước khi áp dụng liệu pháp điều trị này, người bệnh cần lưu ý một số đều dưới đây:

  • Liệu pháp xoa bóp cần được thực hiện bởi người có chuyên môn cao, được đào tạo bài bản hoặc hiểu rõ về các huyệt đạo và kỹ thuật xoa bóp. Điều này giúp đảm bảo an toàn, thực hiện đúng kỹ thuật và đạt hiệu quả tối đa.
  • Cần lưu ý mục chỉ định và chống chỉ định trước khi xoa bóp. Tuyệt đối không tự ý áp dụng liệu pháp này.
  • Không lạm dụng liệu pháp xoa bóp bởi điều này có thể gây tác dụng ngược hoặc làm phát sinh một số biến chứng.
  • Xoa bóp không đúng kỹ thuật có thể gây chấn thương, co giật, dập tủy hoặc yếu liệt tứ chi.
Liệu pháp xoa bóp cần được thực hiện đúng kỹ thuật bởi người có chuyên môn cao
Liệu pháp xoa bóp cần được thực hiện đúng và an toàn bởi người có chuyên môn cao, hiểu rõ về các huyệt đạo và kỹ thuật

Nhìn chung xoa bóp là một liệu pháp đơn giản, dễ thực hiện, có nhiều công dụng và lợi ích. Tuy nhiên cần áp dụng đúng chỉ định, thực hiện đúng kỹ thuật để đảm bảo tối đa mức độ an toàn. Tránh thực hiện sai cách dẫn đến tê liệt và một số tình trạng nguy hiểm khác. Tốt nhất người bệnh nên lựa chọn những cơ sở y tế uy tín và được chữa bệnh bởi những người có chuyên môn cao, am hiểu về kỹ thuật xoa bóp.

Câu hỏi liên quan
Sụn Khớp Có Tái Tạo Được Không
Sụn khớp có tái tạo được không là thắc mắc chung của nhiều người, đặc biệt là người lớn tuổi, bệnh nhân bị thoái hóa khớp hoặc chấn thương cần phục hồi sụn. Một số thông tin trong bài viết ...
Xem chi tiết
Bị Gai Cột Sống Có Nên Uống Canxi Không
Bị gai cột sống có nên uống canxi không? Bổ sung canxi có khiến các triệu chứng gai cột sống trở nên nghiêm trọng hơn không? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin chi tiết và hướng ...
Xem chi tiết
Gác Chân Lên Tường Hay Bị Tê Chân Có Sao Không
Gác chân lên tường là tư thế yoga có thể cải thiện lưu thông máu, giúp giảm căng thẳng và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Tuy nhiên, đôi khi tư thế này có thể gây tê, mỏi hoặc đau ...
Xem chi tiết
Trật Khớp Gối Có Đi Được Không
Trật khớp gối có đi được không tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và hoàn cảnh cụ thể của chấn thương. Do đó, nếu trật khớp gối hoặc sau khi chấn thương, người bệnh nên đến bệnh viện ngay ...
Xem chi tiết
Quan Hệ Nhiều Có Ảnh Hưởng Đến Xương Khớp Không
Quan hệ nhiều có ảnh hưởng đến xương khớp không phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như tần suất, tư thế và tình trạng sức khỏe tổng thể. Điều quan trọng là quan hệ đều đặn, ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua