Acid Uric Cao
Acid uric cao thường xảy ra khi thận hoạt động không hiệu quả trong việc đào thải acid uric trong máu. Tình trạng này có thể liên quan đến nhiều tình trạng y tế khác nhau, chẳng hạn như bệnh gout hoặc tăng huyết áp.
Acid uric cao là gì?
Cơ thể tạo ra acid uric khi phân hủy purin. Purin là hóa chất hữu cơ được tìm thấy trong tế bào của con người và một số loại thực phẩm. Sau khi cơ thể tiêu thụ purin, acid uric được phân hủy sẽ đi vào máu.
Acid uric không nhất thiết là hoạt chất không tốt cho sức khỏe. Trên thực tế, trong một số môi trường nhất định của cơ thể, acid uric hoạt động như một chất chống oxy hóa. Phần lớn, acid uric sẽ được thận xử lý và bài tiết thông qua nước tiểu (khoảng 70%) và thông qua phân (30%).
Thông thường trong máu sẽ có một nồng độ acid uric thấp. Tuy nhiên khi acid uric tăng cao, có thể liên quan đến một số nguyên nhân, chẳng hạn như:
- Thận không có khả năng lọc và đào thảo acid uric ra khỏi máu một cách tốt nhất;
- Người bệnh tiêu thụ quá nhiều thực phẩm và đồ uống có chứa purin;
- Cơ thể tạo ra quá nhiều acid uric. Khi cơ thể tạo ra quá nhiều acid uric có thể là do di truyền.
Acid uric cao sẽ dẫn đến tình trạng được gọi là tăng acid uric máu. Tăng acid uric có thể dẫn đến hình thành các tinh thể acid uric lắng đọng ở khớp và dẫn đến bệnh gout. Ngoài ra, đôi khi các tinh thể này cũng có thể lắng đọng ở thận và gây bệnh sỏi thận.
Nếu không được điều trị, nồng độ acid uric cao có thể gây tổn thương khớp, xương và các mô vĩnh viễn. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể dẫn đến bệnh thận, bệnh tim, tiểu đường loại 2, huyết áp cao và gan nhiễm mỡ.
Acid uric cao là bị gì?
Nồng độ acid uric cao có thể liên quan đến nhiều vấn đề y tế khác nhau, chẳng hạn như:
1. Bệnh gout
Không nồng độ acid uric trong máu tăng cao, lượng acid dư thừa có thể lắng đọng thành các tinh thể acid ở các khớp. Những tinh thể này có thể gây kích ứng khớp và thúc đẩy hệ thống miễn dịch gây ra viêm khớp. Điều này dẫn đến đau khớp, sưng, đỏ và nóng khớp. Tình trạng này thường được gọi là cơn gout cấp.
Một số người có thể có nồng độ acid uric cao nhưng không có triệu chứng. Tình trạng này được gọi là acid uric không triệu chứng.
Đối với bệnh gout cấp tính, các triệu chứng có thể đến nhanh chóng và kéo dài từ 3 – 10 ngày. Người bệnh sẽ bị đau đớn dữ dội và khớp có thể bị sưng, ấm. Nếu không được điều trị, bệnh gout có thể trở thành mãn tính và gây hình thành các hạt tophi bên trong khớp. Các hạt tophi có thể gây tổn thương khớp không thể phục hồi.
Có biện pháp điều trị kịp thời là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh gout chuyển sang mãn tính. Do đó, người có nồng độ acid uric cao nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
2. Bệnh thận mãn tính
Nồng độ acid uric cao dẫn đến hình thành các tinh thể acid uric. Các tinh thể này có thể tích tụ ở thận và dẫn đến sỏi thận. Theo ước tính, có khoảng 14% bệnh nhân gout phát triển các triệu chứng sỏi thận.
Thông thường, bệnh thận là một yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh gout. Tuy nhiên đôi khi bệnh gout cũng có thể dẫn đến bệnh thận. Bởi vì acid uric được lọc thông qua thận, do đó hai bệnh lý này được cho là có liên quan đến nhau.
Khi bị bệnh thận mãn tính, thận không thể hoạt động tốt để loại bỏ acid uric ra khỏi máu. Quá trình này dẫn đến nồng độ acid uric cao và gây ra bệnh gout. Hầu hết những người bị bệnh thận trong giai đoạn đầu không có dấu hiệu nhận biết và bệnh gout có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh thận. Do đó, bác sĩ thường đề nghị kiểm tra chức năng thận ở bệnh nhân gout để có kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Ở người bị bệnh gout và bệnh thận, bác sĩ có thể đề nghị một số phương pháp điều trị như:
- Giữ huyết áp khỏe mạnh;
- Giữ lượng đường trong máu khỏe mạnh;
- Giữ cân nặng hợp lý;
- Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ;
- Thực hiện chế độ ăn uống ít purin, tránh tiêu thụ rượu và các loại thực phẩm có hàm lượng đường cao;
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt;
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần để tăng cường thể lực.
3. Tăng huyết áp
Nồng độ acid uric cao có thể liên quan đến tình trạng huyết áp cao. Mặc dù các bác sĩ không rõ nguyên nhân và cơ chế dẫn đến tình trạng này, tuy nhiên việc sử dụng các loại thuốc làm giảm acid uric máu cũng có thể trì hoãn quá trình phát triển của bệnh huyết áp.
Ngoài ra, một số loại thuốc huyết áp và chế độ ăn uống dành cho bệnh nhân cao huyết áp cũng có thể làm giảm nồng độ acid uric máu.
4. Bệnh tim
Nồng độ acid uric trong máu cao có thể dẫn đến bệnh động mạch vành và suy tim xung huyết. Theo thống kê, có khoảng 50% các trường hợp bệnh nhân nhập viện hoặc tử vong do suy tim có liên quan đến nồng độ acid uric cao.
Nồng độ acid uric cao được xem là một nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mặc dù các nghiên cứu không rõ ràng.
5. Bệnh tiểu đường loại 2
Bệnh gout và bệnh tiểu đường là hai vấn đề sức khỏe khác nhau. Tuy nhiên tình trạng tăng nồng độ acid uric cao trong máu ở bệnh nhân gout có thể liên quan đến bệnh tiểu đường type 2.
Theo các chuyên gia, nồng độ acid uric cao có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến tụy và làm trầm trọng thêm tình trạng kháng insulin. Điều này có thể dẫn đến bệnh tiểu đường.
Acid uric cao có nguy hiểm không?
Thông thường, trong cơ thể có một lượng acid uric nhỏ. Thậm chí trong một số môi trường của cơ thể, acid uric có thể đóng vai trò như một chất chống oxy hóa và tăng cường bảo vệ cơ thể. Do đó, acid uric không nhất thiết là một hoạt chất xấu đối với cơ thể.
Tuy nhiên có quá nhiều acid uric trong cơ thể có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng như đã nói trên. Nếu không được điều trị phù hợp, tình trạng tăng acid uric máu có thể dẫn đến một số ảnh hưởng đến sức khỏe, chẳng hạn như:
- Bệnh gout thường xảy ra vào ban đêm và có thể khiến người bệnh không ngủ được. Thiếu ngủ có thể dẫn đến mệt mỏi, căng thẳng, stress và một số vấn đề tâm lý khác. Ngoài ra, cơn đau gout cũng có thể gây cản trở việc đi lại và các hoạt động hàng ngày khác.
- Bệnh thận có thể gây ảnh hưởng đến hầu hết các bộ phận cơ thể, chẳng hạn như tích nước trong cơ thể, dẫn đến phù tay chân. Ngoài ra, nồng độ kali trong máu ở bệnh nhân bệnh thận có thể gia tăng đột ngột và làm giảm hoạt động của tim, dẫn đến tử vong.
- Huyết áp cao có thể dẫn đến đột quỵ, phình mạch, suy tim hoặc thu hẹp các mạch máu bên trong thận. Ngoài ra, huyết áp cao không kiểm soát có thể gây ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ, ghi nhớ và khả năng học hỏi cái mới của người bệnh.
- Bệnh tiểu đường loại hai có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, bao gồm tim mạch, dây thần kinh, mắt, thận và các mạch máu.
Acid uric cao được chẩn đoán như thế nào?
Nồng độ Acid uric cao có thể được đo lường thông qua máu và nước tiểu. Chẩn đoán nồng độ acid uric được đo lường bằng miligam axit uric trên mỗi decilit máu (mg / dL).
Nồng độ acid uric bình thường là:
- Nam giới: 7,0 mg / dL
- Nữ giới có hơn 6,0 mg / dL
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là nồng độ acid uric trong máu dao động tự nhiên và mức độ dao động tự nhiên có thể thay đổi phụ thuộc vào quá trình thí nghiệm phân tích.
Ngoài ra, xét nghiệm nồng độ acid uric máu thường được chỉ định khi có các triệu chứng, chẳng hạn như có các tinh thể acid lắng đọng ở khớp, gân hoặc thận. Những người có nồng độ acid uric cao bất thường mà không có triệu chứng hoặc dấu hiệu, được gọi là tăng acid uric máu không có triệu chứng.
Cách điều trị tình trạng tăng acid uric máu
Các biện pháp điều trị tình trạng acid uric cao phụ thuộc vào các triệu chứng liên quan. Cụ thể, các biện pháp bao gồm:
1. Acid uric cao có triệu chứng
Trong trường hợp tăng acid uric dẫn đến cơn gout hoặc các triệu chứng khác, người bệnh cần được điều trị y tế:
- Điều trị ngay lập tức để giảm nồng độ acid uric để cải thiện các triệu chứng bệnh gout đang diễn ra.
- Sử dụng thuốc thường xuyên và thay đổi lối sống để làm giảm nồng độ acid uric trong máu và ngăn ngừa các cơn gout cấp trong tương lai.
Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị các loại thuốc điều trị cơn gout cấp để làm hạ nồng độ acid uric máu. Các loại thuốc phổ biến bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để ngăn ngừa hoặc giảm độ nghiêm trọng của các triệu chứng gout. Các loại thuốc phổ biến bao gồm ibuprofen, naproxen hoặc celecoxib.
- Colchicine thường được sử dụng để ngăn ngừa các cơn gout cấp, đặc biệt là ở người bệnh không dung nạp NSAID.
- Probenecid giúp giảm nồng độ acid uric bằng cách kích thích người bệnh đi tiểu. Ngoài ra, thuốc cũng được sử dụng để để ngăn ngừa các cuộc tấn công của bệnh gout cấp.
- Febuxostat và Allopurinol được sử dụng để giảm lượng acid uric trong máu.
Trong trường hợp sỏi thận, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh uống nhiều nước để sỏi thoát ra khỏi cơ thể thông qua đường tiết niệu. Trong trường hợp viên sỏi lớn hơn 5 mm, bác sĩ có thể đề nghị các loại thuốc hoặc phẫu thuật để loại bỏ sỏi.
2. Acid uric cao không gây ra triệu chứng
Nếu nồng độ acid uric cao không gây ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng, các khuyến cáo điều trị có thể bao gồm:
- Sử dụng thuốc hạ acid uric, tuy nhiên sử dụng thuốc lâu dài có thể dẫn đến một số tác dụng phụ và rủi ro không mong muốn;
- Thay đổi chế độ ăn uống toàn phần, hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm có ít nhân purin;
- Giảm trọng lượng cơ thể thừa thông qua chế độ ăn uống, tập thể dục để hạ nồng độ acid uric trong máu;
- Tập thể dục thường xuyên và tránh lối sống ít vận động.
Các biện pháp giảm nồng độ acid uric tự nhiên
Bên cạnh các biện pháp điều trị y tế, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp giảm nồng độ acid uric tự nhiên. Cụ thể, các biện pháp có thể bao gồm:
1. Hạn chế thực phẩm giàu purin
Purin là các hợp chất tự nhiên xuất hiện trong một số loại thực phẩm. Khi cơ thể phân hủy purin sẽ tạo ra acid uric. Quá trình này có thể khiến nồng độ acid uric trong máu tăng cao.
Tuy nhiên một số loại thực phẩm giàu purin có lợi cho sức khỏe. Do đó, mục tiêu là giảm lượng purin hấp thụ thay vì tránh tiêu thụ hoàn toàn.
Các loại thực phẩm có hàm lượng purin cao bao gồm:
- Các loại động vật hoang dã, chẳng hạn như thịt nai,
- Một số loại cá, chẳng hạn như cá hồi, cá ngừ, cá tuyết, cá mòi, cá cơm, cá trích;
- Thực phẩm giàu chất béo, chẳng hạn như thịt xông khói, các sản phẩm từ sữa và thịt đỏ;
- Thịt nội tạng, chẳng hạn như gan và thận;
- Các loại đồ uống và thực phẩm chứa nhiều đường;
- Rượu, đặc biệt là bia.
Các loại thực phẩm có hàm lượng purin vừa phải bao gồm:
- Hầu hết các loại thịt, bao gồm thịt nguội, giăm bông và thịt bò;
- Thịt gia câm;
- Hàu, tôm, cua và tôm hùm.
2. Chế độ ăn uống các loại thực phẩm có hàm lượng purin thấp
Bên cạnh việc hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm có hàm lượng puirn cao, người bệnh có thể chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm có hàm lượng purin thấp. Điều này có thể hỗ trợ giảm nồng độ acid uric trong máu hoặc ít nhất là tránh tình trạng khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Một số loại thực phẩm có hàm lượng purin thấp bao gồm:
- Các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không có chất béo;
- Bơ đậu phộng và hầu hết các loại hạt;
- Hầu hết các loại trái cây và rau quả;
- Cà phê;
- Gạo nguyên cám, bánh mì và khoai tây.
3. Tránh sử dụng các loại thuốc làm tăng nồng độ acid uric
Một số loại thuốc có thể làm tăng nồng độ acid uric trong máu, chẳng hạn như:
- Thuốc lợi tiểu, chẳng hạn như hydrochlorothiazide;
- Aspirin liều thấp;
- Thuốc ức chế hệ thống miễn dịch, đặc biệt là sử dụng trước hoặc sau khi cấy ghép nội tạng.
Trước khi thay đổi loại thuốc sử dụng, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể. Không nên tự ý thay đổi loại thuốc mà không trao đổi với bác sĩ chuyên môn, điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến một số vấn đề sức khỏe cụ thể.
4. Tránh rượu và đồ uống có đường
Việc tiêu thụ quá nhiều rượu và đồ uống có đường, chẳng hạn như nước ngọt hoặc trái cây có đường có thể làm tăng tình nồng độ acid uric trong máu.
Ngoài ra, rượu và đồ uống có đường cũng bổ sung lượng calo không cần thiết vào chế độ ăn uống. Điều này có thể gây tăng cân và các vấn đề trao đổi chất.
5. Bổ sung vitamin C
Bổ sung vitamin C qua thực phẩm hoặc các loại viên uống bổ sung có thể làm giảm nồng độ acid uric trong máu. Điều này có thể hỗ trợ phòng ngừa bệnh gout và các vấn đề liên qua.
6. Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh
Đạt được và duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh có thể giảm nguy cơ bùng phát bệnh gout và ổn định điều hòa nồng độ acid uric, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Ngoài ra, cân nặng quá mức cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa, tăng huyết áp, cholesterol và bệnh tim.
Tuy nhiên, việc giảm cân quá nhanh cũng có thể làm tăng nồng độ acid uric trong máu. Do đó, người bệnh nên có chế độ luyện tập và ăn uống phù hợp để quản lý cân nặng lâu dài, an toàn.
7. Bổ sung quả anh đào
Nhiều nghiên cứu cho biết thường xuyên bổ sung quả anh đào có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh gout, đặc biệt là ở những người có tiền sử acid uric cao. Theo nghiên cứu, việc tiêu thụ một lượng quả anh đào phù hợp trong 2 ngày có thể hỗ trợ hạ acid uric máu và giảm nguy cơ mắc bệnh gout đến 35%.
Phương pháp này được cho là có hiệu quả kiểm soát nồng độ acid uric ở người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ, chẳng hạn như thường xuyên uống rượu hoặc sử dụng thuốc lợi tiểu.
Nồng độ acid uric cao có thể là dấu hiệu của bệnh gout, sỏi thận hoặc một số vấn đề sức khỏe khác. Thay đổi lối sống, chẳng hạn như chế độ ăn uống phù hợp, hoặc tập thể dục có thể góp phần hạ nồng độ acid uric trong máu. Tuy nhiên trong một số trường hợp, người bệnh có thể cần điều trị y tế để tránh các rủi ro không mong muốn.
Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh tình trạng bùng phát các cơn gout cấp trong tương lai. Ngoài ra, người bệnh cũng nên trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về việc thay đổi chế độ ăn uống nhằm mục đích giảm nồng độ acid uric. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể hướng dẫn người bệnh về lối sống và các biện pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp cho người có nồng độ acid uric cao.
Thông tin thêm: Acid uric cao nên ăn gì, kiêng thực phẩm nào nhanh giảm?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!