Tăng acid uric máu là gì? Nguyên nhân, cách khắc phục
Tăng acid uric máu xảy ra khi có quá nhiều acid uric trong máu. Tình trạng này có thể không gây ra triệu chứng nhưng có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như bệnh gout hoặc sỏi thận.
Tăng acid uric máu là gì?
Acid uric là một chất thải tự nhiên từ quá trình tiêu hóa thức ăn có chứa nhân purin. Nhân purin thường được tìm thấy trong một số loại thực phẩm như:
- Một số loại thịt, đặc biệt là thịt nội tạng
- Hải sản, đặc biệt là trai và sò
- Rượu, bia
- Một số loại cá, chẳng hạn như cá hồi, cá mòi
Thông thường acid uric được lọc qua thận và được thải ra khỏi cơ thể thông qua nước tiểu. Tuy nhiên tiêu thụ quá nhiều purin trong thực phẩm hoặc khi cơ thể không thể loại bỏ purin, sẽ dẫn đến tích tụ acid uric máu.
Mức acid uric cao được gọi là tăng acid uric máu. Nồng độ acid uric trong máu cao có thể dẫn đến một số bệnh lý, chẳng hạn như bệnh gout hoặc bệnh thận. Ngoài ra, tăng acid uric máu có thể liên quan đến một số tình trạng sức khỏe như bệnh tim, tiểu đường và bệnh thận.
Tăng acid uric máu có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như:
- Chế độ ăn uống
- Di truyền học
- Béo phì hoặc thừa cân
Bên cạnh đó, một số rối loạn sức khỏe và bệnh lý cũng có thể làm tăng nồng độ acid uric máu, chẳng hạn như:
- Bệnh thận
- Tiểu đường
- Suy tuyến giáp
- Một số loại ung thư hoặc hóa trị liệu
- Bệnh vẩy nến
Nếu không được điều trị phù hợp, nồng độ acid urric trong máu cao có thể dẫn đến tổn thương xương, khớp và các mô vĩnh viễn. Ngoài ra, tăng acid uric máu cũng có thể dẫn đến bệnh thận, bệnh tim, tiểu đường loại hai, huyết áp cao và gan nhiễm mỡ.
Nguyên nhân gây tăng acid uric máu
Acid uric được hình thành khi nhân purin bị phân hủy trong cơ thể. Trong hầu hết các trường hợp, tăng acid uric máu xảy ra khi thận không thể loại bỏ acid uric hiệu quả.
Khi cơ thể phân hủy purine trong quá trình tiêu hóa, sẽ tạo ra acid uric như một sản phẩm phụ. Acid uric đi vào máu từ quá trình chuyển hóa này. Sau đó thận sẽ lọc acid uric ra khỏi máu và bài tiết qua nước tiểu.
Khi người bệnh có chế độ ăn uống quá nhiều purin, thận có thể không lọc acid uric hiệu quả. Điều này dẫn đến nồng độ acid uric tăng cao và gây tăng acid uric máu.
Một số loại thực phẩm và đồ uống có nhiều purin bao gồm:
- Đồ uống có cồn;
- Một số loại cá hoặc hải sản, chẳng hạn như cá mòi;
- Động vật có vỏ, chẳng hạn như trai, sò;
- Một số loại thịt, chẳng hạn như thịt bò hoặc thịt xông khói;
- Thịt nội tạng, chẳng hạn như gan và thận.
- Các nguyên nhân khác có thể dẫn đến tăng acid uric máu bao gồm các vấn đề trong quá trình chuyển hóa purin và bệnh thận.
Tình trạng tăng acid uric máu có thể dẫn đến việc hình thành các tinh thể axit. Mặc dù các tinh thể axit có thể hình thành ở bất cứ khớp nào trong cơ thể, tuy nhiên các tinh thể này thường có xu hướng ảnh hưởng đến xung quanh khớp và thận. Do đó, tăng acid uric máu có thể gây ra bệnh gout và sỏi thận.
Triệu chứng nhận biết tăng acid uric máu
Tăng acid uric máu thường không tự dẫn đến các triệu chứng nhưng có thể gây hình thành các tinh thể axit theo thời gian. Mặc dù tăng acid uric máu không phải là bệnh, tuy nhiên nếu nồng độ acid uric máu cao theo thời gian, có thể dẫn đến một số bệnh lý, chẳng hạn như:
1. Bệnh gout
Có khoảng 20% những người tăng acid uric máu có các triệu chứng bệnh gout. Ngoài ra, nồng độ acid uric máu giảm nhanh và đột ngột cũng có thể dẫn đến bệnh gout.
Bệnh gout hình thành các khi tinh thể acid uric lắng đọng ở các khớp dẫn đến đau đớn dữ dội. Cơn đau gout có thể xuất hiện đột ngột, được gọi là cơn gout cấp. Ngoài ra, một số người có thể bị bệnh gout mãn tính và dẫn đến tình trạng bùng phát các cơn đau gout liên tục trong một thời gian ngắn.
Các triệu chứng bệnh gout có thể ảnh hưởng đến bất cứ khớp nào trong thể, tuy nhiên thường phổ biến ở các ngón chân. Ngoài ra, bàn chân, mắt cá chân, đầu gối và khuỷu tay cũng là những vị trí phổ biến của bệnh gout.
Các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết bệnh gout bao gồm:
- Đau dữ dội ở các khớp bị ảnh hưởng
- Cứng khớp
- Khó cử động ở các khớp bị ảnh hưởng
- Đỏ và sưng khớp
- Trật khớp hoặc sai khớp
2. Hình thành các hạt tophi
Nếu tình trạng tăng axit uric máu trong nhiều năm mà không được điều trị, các tinh thể acid uric có thể tích tụ ở các khớp và hình thành các hạt tophi.
Hạt tophi là các cục cứng được hình thành bên dưới da, xung quanh các khớp và đỉnh của vành tai. Nếu không được điều trị, các hạt tophi có thể nghiêm trọng theo thời gian, dẫn đến đau đớn, gây chèn ép các dây thần kinh hoặc biến dạng khớp.
Các hạt tophi thường gây kéo căng da và khiến da trở nên khó chịu, đôi khi gây đau nhức dữ dội. Nếu hạt tophi bị vỡ, sẽ giải phóng một chất mềm, màu trắng được tạo ra từ acid uric. Bên cạnh đó, các triệu chứng và dấu hiệu khác có thể bao gồm:
- Sưng, đau, ấm ở khớp bị ảnh hưởng;
- Khó chịu khi sử dụng khớp hoặc khó sử dụng khớp khi các cơn đau đã thuyên giảm;
- Mất phạm vi di chuyển khớp bị ảnh hưởng;
Các hạt tophi không đau hoặc không gây hạn chế cử động có thể không cần phẫu thuật. Người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau hoặc thay đổi chế độ ăn uống để thu nhỏ hạt tophi tự nhiên. Tuy nhiên, các hạt tophi lớn có thể cần phẫu thuật loại bỏ để tránh các tổn thương đến khớp.
3. Sỏi thận
Trong một số trường hợp, các tinh thể acid uric có thể tích tụ ở thận và dẫn đến sỏi thận. Thông thường, các viên sỏi thận nhỏ có thể được đào thải ra khỏi cơ thể thông qua nước tiểu. Tuy nhiên, nếu các viên sỏi lớn có thể gây tắc nghẽn đường tiết niệu và dẫn đến một số triệu chứng như:
Đau đớn hoặc nhức nhối ở lưng dưới, hông, bụng hoặc háng
- Buồn nôn;
- Tăng nhu cầu đi tiểu;
- Khó đi tiểu;
- Đi tiểu thường xuyên;
- Có máu trong nước tiểu;
- Nước tiểu có mùi hôi.
Sự tích tụ nước tiểu ở thận là môi trường để sản sinh vi khuẩn. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng thận khi bị sỏi thận. Nếu bị nhiễm trùng, người bệnh cũng có thể bị sốt hoặc ớn lạnh.
Điều trị sỏi thận thường bao gồm việc tập trung kiểm soát các triệu chứng và loại bỏ sỏi. Cụ thể, các biện pháp bao gồm:
- Uống nhiều nước và chất lỏng hoặc tiêm chất lỏng vào tĩnh mạch;
- Sử dụng thuốc giảm đau;
- Sử dụng thuốc để đẩy nhanh quá trình di chuyển của sỏi.
Nếu các biện pháp bảo tồn không mang lại hiệu quả điều trị, bác sĩ có thể áp dụng nhiều biện pháp điều trị xâm lấn, chẳng hạn như tán sỏi bằng xung kích hoặc nội soi niệu quản thông qua da.
Đối tượng nguy cơ tăng acid uric máu
Bất cứ ai cũng có thể bị tăng acid uric máu, tuy nhiên tình trạng này thường ảnh hưởng đến nam giới hơn phụ nữ và nguy cơ mắc bệnh tăng lên theo tuổi tác.
Ngoài ra, có một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng acid uric máu, chẳng hạn như:
- Sử dụng rượu;
- Sử dụng một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc điều trị bệnh tim;
- Tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, chẳng hạn như thuốc trừ sâu;
- Bệnh thận;
- Huyết áp cao;
- Suy giáp;
- Béo phì;
- Có chương trình luyện tập thể chất quá mức.
Chẩn đoán tăng acid uric máu
Để chẩn đoán tình trạng tăng acid uric máu, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu và nước tiểu để đo nồng độ acid uric, creatinin và xác định chức năng thận. Mẫu máu thường được lấy từ tĩnh mạch ở cánh tay, thường là bên trong khuỷu tay hoặc mu bàn tay.
Ngoài ra, acid uric cũng có thể được tìm thấy ở nước tiểu khi cơ thể đào thải. Do đó, bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh lấy nước tiểu trong 24 giờ nếu phát hiện nồng độ acid uric trong máu tăng cao.
Xét nghiệm nước tiểu có thể được thực hiện lặp lại sau khi người bệnh thực hiện chế độ ăn uống ít purin. Xét định này được thực hiện nhằm mục đích:
- Người bệnh có chế độ ăn uống giàu purin;
- Cơ thể đang tạo ra quá nhiều acid uric;
- Cơ thể bài tiết acid uric không hiệu quả.
Nếu người bệnh có dấu hiệu của bệnh gout, bác sĩ có thể kiểm tra các chất lỏng ở khớp. Xét nghiệm này được thực hiện bằng cách sử dụng một cây kim nhỏ để hút dịch từ khớp và kiểm tra ở phòng thí nghiệm. Nếu có sự hiện diện của các tinh thể acid uric ở dịch khớp, người bệnh có thể mắc bệnh gout.
Cách điều trị tăng acid uric máu
Các biện pháp điều trị tăng acid uric máu phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này. Nếu tình trạng tăng acid uric máu không gây ra triệu chứng, người bệnh có thể không cần điều trị. Trong trường hợp này, các loại thuốc làm hạ acid uric máu được cho là không mang lại bất cứ lợi ích nào cho người bệnh.
Trong trường hợp tăng acid uric máu dẫn đến một tình trạng cơ bản, các biện pháp điều trị bao gồm:
1. Bệnh gout
Trong hầu hết các trường hợp, bệnh gout được điều trị bằng một hoặc nhiều các loại thuốc như:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có tác dụng ngăn ngừa và giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng gout. Các loại thuốc phổ biến bao gồm ibuprofen, naproxen hoặc celecoxib;
- Colchicine là thuốc điều trị bệnh gout cấp phổ biến, đặc biệt là ở những người không dung nạp NSAID;
- Probenecid có thể hỗ trợ làm giảm nồng độ acid uric trong máu bằng cách kích thích người bệnh đi tiểu. Thuốc cũng được sử dụng để giúp ngăn ngừa các đợt bùng phát của bệnh gout cấp;
- Allopurinol và febuxostat có thể làm giảm nồng độ acid uric trong máu và phòng ngừa bệnh gout.
Trong trường hợp hình thành các hạt tophi có kích thước lớn gây cản trở quá trình chuyển động khớp, làm tổn thương mô hoặc khi hạt tophi nhô ra bên ngoài da, người bệnh có thể cần phẫu thuật để điều trị. Trong quy trình này, bác sĩ có thể thực hiện một vết rạch qua da và loại bỏ hạt tophi. Nếu khớp bị tổn thương nghiêm trọng, người bệnh có thể cần thực hiện phẫu thuật thay khớp.
2. Sỏi thận
Trong trường hợp tăng acid uric máu dẫn đến sỏi thận, bác sĩ người bệnh cần loại bỏ sỏi để tránh gây ảnh hưởng đến chức năng thận. Nếu sỏi có kích thước nhỏ hơn 5 mm, bác sĩ có thể khuyên người bệnh uống nhiều nước và sử dụng thuốc giảm đau cho đến khi sỏi đi ra ngoài cơ thể theo đường nước tiểu.
Sỏi thận có kích thước từ 5 mm trở lên thường không thể tự đi ra khỏi đường tiết niệu. Do đó, bác sĩ có thể kê các loại thuốc như tamsulosin để làm giãn các cơ trong đường tiết niệu. Điều này giúp sỏi đi ra khỏi đường tiết niệu dễ dàng và ít đau hơn.
Đối với các viên sỏi thận lớn hơn 10 mm, các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:
- Tán sỏi bên ngoài cơ thể: Đây là phương pháp điều trị sỏi thận hiệu quả, nhẹ nhàng và ít đau đớn nhất. Bác sĩ có thể sử dụng sóng xung kích để làm vỡ sỏi để giúp sỏi thoát ra đường nước tiểu dễ dàng hơn. Phương pháp này có hiệu quả khoảng 55 – 85% các trường hợp và có thời gian phục hồi sau 1 – 2 ngày nghỉ ngơi.
- Nội soi niệu quản: Bác sĩ sử dụng một ống nội soi nhỏ, đưa qua lỗ tiểu, đi lên niệu quản và sử dụng tia laser để bắn vỡ viên sỏi. Các mảnh vụn của viên sỏi sẽ được hút vào ống nội soi và đưa ra khỏi cơ thể. Sau đó một ống thông mềm mại sẽ được đặt vào hệ thống tiết niệu và được rút ra sau một thời gian.
Cách làm giảm acid uric trong máu tự nhiên
Bên cạnh các biện pháp điều trị y tế, có một số cách làm giảm nồng độ acid uric tự nhiên và hiệu quả, chẳng hạn như:
1. Hạn chế các loại thực phẩm giàu purin
Hạn chế nguồn thực phẩm giàu purin có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng tăng acid uric máu. Thực phẩm giàu purin bao gồm một số loại thịt, hải sản và một số loại rau. Tất cả các loại thực phẩm này đều tạo ra acid uric khi được tiêu hóa.
Người bệnh tăng acid uric máu nên tránh hoặc giảm một số loại thực phẩm như:
- Thịt nội tạng
- Thịt lợn
- Gà tây
- Cá và động vật có vỏ
- Sò
- Thịt cừu
- Thịt bê
- Súp lơ trắng
- Đậu xanh
- Nấm
2. Tránh tiêu thụ đường
Một số loại thực phẩm và đồ uống có chứa đường fructose, siro ngô có thể làm tăng nồng độ acid uric trong máu. Đường fructose thường có trong thực phẩm chế biến và tinh chế. Do đó, người bệnh nên đọc thành phần thực phẩm để tránh tiêu thụ quá nhiều đường.
Đồ uống có đường, chẳng hạn như soda, thậm chí là một số loại nước ép trái cây tươi cũng có chứa đường fructose và glucose. Đường tinh luyện có trong nước trái cây thường được hấp thụ nhanh hơn các loại đường tự nhiên. Do đó, việc hấp thụ nhiều đường tinh luyện có thể làm tăng lượng đường trong máu và dẫn đến tăng acid uric máu.
Người bệnh tăng acid uric máu có thể thay các loại đồ uống chứa đường bằng nước lọc hoặc sinh tố giàu chất xơ để ngăn ngừa tình trạng tăng acid uric máu. Ngoài ra, uống nhiều nước cũng giúp thận đào thải acid uric nhanh hơn.
3. Tránh tiêu thụ rượu
Uống rượu có thể khiến cơ thể mất nước nhanh hơn. Rượu cùng có thể dẫn đến tình trạng tăng acid uric máu. Điều này xảy ra do thận ưu tiên lọc các sản phẩm có nguồn gốc từ rượu ra khỏi máu thay vì acid uric và các chất thải khác.
Ngoài ra, bia và một số đồ uống có cồn khác có thể chứa nhiều purin và dẫn đến tăng acid uric máu.
4. Giảm cân
Giảm cân kết hợp với chế độ ăn uống phù hợp có thể cải thiện tình trạng tăng acid uric máu. Ở người béo phì, các tế bào mỡ có thể tạo ra nhiều acid uric hơn, điều này khiến thận hoạt động không hiệu quả trong việc lọc acid uric máu. Tuy nhiên, giảm cân quá nhanh cũng có thể làm tăng acid uric máu.
Nếu người bệnh thừa cân, béo phì, tốt nhất nên thực hiện một kế hoạch giảm cân an toàn. Thực hiện chế độ ăn uống phù hợp, lành mạnh và thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao để đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh.
5. Cân bằng nồng độ insulin
Ở người tăng nồng độ axit uric máu, người bệnh cần kiểm tra lượng đường trong máu, kể cả khi không bị bệnh tiểu đường.
Người lớn mắc bệnh tiểu đường loại hai có thể có quá nhiều insulin trong máu. Hormone này cần thiết để di chuyển đường từ máu vào các tế bào và cung cấp năng lượng cho cơ thể. Tuy nhiên, có quá nhiều đường trong cơ thể có thể dẫn đến tăng acid uric máu.
Những người mắc bệnh tiền tiểu đường cũng có thể có lượng insulin cao và có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại hai cao hơn. Do đó, người bệnh nên kiểm tra nồng độ insulin trong máu và có biện pháp cân bằng insulin phù hợp.
6. Bổ sung chất xơ trong chế độ ăn uống
Bổ sung nhiều chất xơ trong chế độ ăn uống có thể hỗ trợ đào thải acid uric. Chất xơ cũng giúp cân bằng lượng đường trong máu và nồng độ insulin. Ngoài ra, chất xơ cũng có xu hướng dẫn đến cảm giác no và hạn chế người bệnh ăn quá nhiều.
Các loại thực phẩm giàu chất xơ mà người tăng acid uric máu nên bổ sung bao gồm:
- Trái cây;
- Rau xanh;
- Yến mạch;
- Các loại quả hạch.
7. Giảm căng thẳng
Căng thẳng, chất lượng giấc ngủ kém hoặc tập thể dục quá ít có thể làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể. Tình trạng viêm có thể dẫn đến tăng acid uric máu.
Người bệnh có thể thực hiện các kỹ thuật giảm căng thẳng, chẳng hạn như thiền, yoga để giảm căng thẳng và thư giãn.
Để tăng chất lượng giấc ngủ, người bệnh có thể:
- Tránh sử dụng màn hình kỹ thuật số trong hai đến ba giờ trước khi đi ngủ;
- Ngủ và thức dậy vào một giờ cố định mỗi ngày, kể cả ngày cuối tuần;
- Tránh sử dụng caffeine sau bữa trưa.
Trao đổi với bác sĩ nếu người bệnh bị mất ngủ mãn tính hoặc khó đi vào giấc ngủ.
Tình trạng tăng acid uric máu có thể được cải thiện bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục và xây dựng lối sống lành mạnh. Tuy nhiên để tránh các rủi ro không mong muốn, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có biện pháp điều trị phù hợp.
Tham khảo thêm: Acid uric cao nên ăn gì, kiêng thực phẩm nào nhanh giảm?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!