Viêm xương là gì? Các dạng thường gặp và điều trị
Viêm xương là thuật ngữ chỉ tình trạng viêm ở xương, khiến xương sưng hoặc dày hơn, biến dạng xương hoặc khiến xương bị cong. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể gây đau đớn dữ dội và tăng áp lực đối với các cấu trúc trong cơ thể.
Viêm xương là gì?
Viêm xương (Osteitis) là tình trạng viêm bên trong xương, thường là do vi khuẩn, chấn thương hoặc các vấn đề chuyển hóa bất thường gây ra. Viêm khiến xương trở nên dày hơn hoặc sưng lên, gây biến dạng, chẳng hạn như cong xương.
Khi xương bắt đầu bị biến dạng, người bệnh có thể cảm thấy đau đớn dữ dội. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể gây thay đổi vị trí chịu lực hoặc tăng áp lực lên các cấu trúc bên trong cơ thể và gây đau.
Viêm xương là một thuật ngữ chỉ chung các tình trạng viêm của xương. Cụ thể hơn, viêm xương để cập đến các điều kiện như:
- Viêm tủy xương hoặc viêm xương nhiễm trùng, xảy ra chủ yếu khi vi khuẩn tấn công vào xương
- Viêm xương ổ răng hay còn gọi là viêm ổ răng khô
- Viêm xương tụ cốt hay viêm xương đặc
- Viêm xương biến dạng hoặc bệnh Paget xương
- Viêm xương fibrosa cystica
- Viêm xương mu
Các dạng viêm xương thường gặp và cách điều trị
Có nhiều loại viêm xương liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên các loại phổ biến thường bao gồm:
1. Viêm tủy xương
Viêm tủy xương hay viêm xương tủy (Osteomyelitis) là một bệnh lý nhiễm trùng ở tủy xương. Các đặc trưng bao gồm đau ở một xương cụ thể kèm theo nổi mẩn đỏ, sốt và suy nhược cơ thể. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến các xương dài ở cánh tay hoặc chân ở trẻ em và ảnh hưởng bàn chân, cột sống hoặc hông ở người lớn.
Nhiễm trùng có thể đến xương bằng cách đi qua đường máu hoặc lây lan từ các mô lân cận. Nhiễm trùng cũng có thể bắt đầu từ bên trong xương sau các chấn thương khiến xương có khả năng tiếp xúc với vi khuẩn.
Người hút thuốc lá, người có các tình trạng sức khỏe mãn tính, chẳng hạn như tiểu đường và suy thận, có nhiều nguy cơ viêm xương tủy hơn. Người bệnh tiểu đường có thể bị viêm xương tủy ở bàn chân nếu người bệnh bị lở loét tại đây.
Viêm tủy xương có thể dẫn đến một số dấu hiệu và triệu chứng như:
- Sốt
- Sưng, ấm và đỏ trên khu vực nhiễm trùng
- Đau ở khu vực nhiễm trùng
- Mệt mỏi không rõ lý do
Đôi khi viêm xương tủy có thể khó chẩn đoán phân biệt với các điều kiện sức khỏe liên quan do các triệu chứng không đặc hiệu. Ngoài ra bệnh tương đối khó chẩn đoán ở trẻ sơ sinh, người lớn tuổi và người có hệ thống miễn dịch suy yếu.
Trước đây viêm xương tủy không thể điều trị. Tuy nhiên, hiện tại bệnh được điều trị bằng cách phẫu thuật loại bỏ phần xương bị nhiễm trùng hoặc chết. Sau đó, người bệnh được sử dụng kháng sinh để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
2. Viêm xương ổ răng
Viêm xương ổ răng hay viêm ổ răng khô (Alveolar osteitis) là tình trạng viêm tiêu xương hàm trên hoặc hàm dưới. Tình trạng này thường xảy ra như một biến chứng sau khi nhổ răng.
Viêm ổ răng khô thường xảy ra khi cục máu đông không được hình thành hoặc bị rơi khỏi ổ răng sau khi nhổ răng. Điều này để lại một chỗ trống, nơi xương tiếp xúc với khoang miệng, dẫn đến viêm xương ổ răng khu trú. Tình trạng này xảy ra ở khoảng 0.5 – 5% các ca nhổ răng thông thường và khoảng 25 – 30% các ca nhổ răng hàm thứ ba (răng khôn). Nếu điều này xảy ra, người bệnh sẽ cảm thấy đau vài ngày thứ ba sau khi nhổ răng.
Viêm ổ răng khô không phải là bệnh lý nhiễm trùng, do đó người bệnh thường không sốt và không viêm hạch ở cổ. Đặc trưng của tình trạng này là phù nề và phát ban đỏ ở các mô mềm xung quanh ổ răng.
Các dấu hiệu khác có thể bao gồm:
- Hình thành một lỗ trống hoặc không có cục máu đông sau khi nhổ răng. Người bệnh có thể nhìn thấy phần xương lộ ra ở hốc răng và gây đau đớn dữ dội.
- Đau âm ỉ, nhức hoặc nhói ở khu vực hốc mắt từ nhẹ đến nghiêm trọng. Đôi khi cơn đau có thể nghiêm trọng đến mức thuốc giảm đau cũng không mang lại hiệu quả.
- Hôi miệng hoặc có mùi vị khó chịu trong miệng.
Điều trị viêm xương ổ răng nhằm mục đích loại bỏ các mảnh vỡ khỏi ổ răng bằng cách súc miệng bằng nước muối và gây tê cục bộ. Bác sĩ cũng có thể đặt băng gạc tẩm thuốc vào ổ răng để hạn chế cơn đau và ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng.
Viêm ổ răng khô có thể khiến quá trình phục hồi sau khi nhổ răng kéo dài. Trong một số trường hợp, cơn đau có thể kéo dài đến 40 ngày.
3. Viêm xương tụ cốt
Viêm xương tụ cốt hay viêm xương đặc (Condensing osteitis) là tình trạng viêm quanh răng do phản ứng với các nhiễm trùng răng miệng. Tình trạng này gây rối loạn quá trình sản xuất xương, khiến xương được sản xuất nhiều hơn xương bị phá hủy trong khu vực. Vị trí thường bị ảnh hưởng là đỉnh chân răng của răng tiền hàm và răng hàm.
Tình trạng viêm xương đặc không có triệu chứng nhận biết và thường không nghiêm trọng. Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh sẽ được đề nghị điều trị tủy răng và điều trị nội nha để tránh các vấn đề răng miệng.
Tiên lượng cho tình trạng viêm xương đặc thường tốt, đặc biệt là khi tủy răng được điều trị phù hợp.
4. Bệnh Paget xương
Bệnh Paget của xương hay biến dạng viêm xương (Paget’s disease of bone) là tình trạng liên quan đến việc tái tạo tế bào và biến dạng của một hoặc nhiều xương. Các xương bị ảnh hưởng thường có dấu hiệu rối loạn quá trình tái tạo xương ở cấp vi mô, cụ thể là phá hủy xương quá mức và xương mới được hình thành vô tổ chức.
Các thay đổi trong tổ chức xương có thể khiến xương trở nên yếu, biến dạng, đau đớn, gãy xương hoặc viêm các khớp liên quan. Các trường hợp nhẹ, bệnh thường không dẫn đến các triệu chứng nhận biết. Do đó trong hầu hết các trường hợp, bệnh thường được chẩn đoán thông qua các thủ tục kiểm tra sức khỏe khác. Đặc trưng phổ biến của bệnh là gây đau xương và thường được chẩn đoán nhầm lẫn thành các bệnh lý viêm khớp.
Nếu gây ảnh hưởng đến hộp sọ, người bệnh có thể bị hóp trán, tăng kích thước vòng đầu và đau đầu. Thông thường, người bệnh có thể bị mất thính lực ở một hoặc cả hai bên tai do dây thần kinh ở tai trong bị chèn ép.
Bệnh Paget xương là một thành phần thường gặp của bệnh bạch cầu đa hệ thống. Tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến một số tình trạng y tế khác, chẳng hạn như:
- Thoái hóa khớp có thể làm thay đổi hình dạng xương bình thường.
- Suy tim thường phổ biến ở người bệnh Paget nghiêm trọng. Sự hình thành xương bất thường có thể gây ảnh hưởng đến mạch máu, gây áp lực lên hệ thống tim mạch và gây suy tim.
- Các vấn đề về hệ thống thần kinh do tăng áp lực lên não, tủy sống. Bệnh Paget xương cũng làm giảm lưu lượng máu đến não và tủy sống.
- Khi ảnh hưởng đến xương mặt, răng có thể bị lung lay và tăng nguy cơ nhiễm trùng xương hàm.
Ngoài ra, bệnh Paget không gây loãng xương, mặc dù hai tình trạng này có thể xảy ra cùng nhau.
Bệnh Paget xương thường được điều trị bằng thuốc để nhằm mục đích giảm đau xương và ngăn các triệu chứng trở nên nghiêm trọng. Bên cạnh đó Bisphosphonates và Calcitonin cũng được đề nghị để điều trị các triệu chứng Paget xương.
Ngoài ra, đôi khi bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để điều trị các biến chứng của bệnh Paget xương. Cụ thể, phẫu thuật được chỉ định cho các trường hợp sau:
- Gãy xương
- Viêm khớp thoái hóa nghiêm trọng
- Biến dạng xương
Các biến chứng ảnh hưởng đến hộp sọ, chẳng hạn như mở rộng hộp sọ, có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống thần kinh. Tuy nhiên, hầu hết các biến chứng được điều trị bằng thuốc và không cần phẫu thuật.
Bệnh Paget xương tiến triển và có tiên lượng xấu theo thời gian. Do đó, người bệnh cần điều trị tích cực để tránh các rủi ro không mong muốn.
5. Viêm xương fibrosa cystica
Viêm xương fibrosa cystica (Osteitis fibrosa cystica) là một chứng rối loạn xương dẫn đến mất khối lượng xương. Bệnh khiến cấu trúc hỗ trợ xương bị vôi hóa và được thay thế bằng cách mô xơ hoặc hình thành các khối u xương quanh xương, điều này khiến xương trở nên yếu đi.
Dạng viêm xương này là một tình trạng y tế nghiêm trọng do cường tuyến cận giáp gây ra. Có tất cả bốn tuyến cận giáp nhỏ ở cổ, với nhiệm vụ tạo ra PTH giúp cơ thể duy trì nồng độ canxi và photpho khỏe mạnh trong máu và trong các mô. Khi nồng độ PTH dư thừa (bệnh cường cận giáp) có thể làm tăng nồng độ canxi trong máu. Có 4 nguyên nhân chính có thể gây bệnh cường cận giáp và dẫn đến viêm xương fibrosa cystica:
- U tuyến cận giáp, chiếm khoảng 80 – 85% các trường hợp viêm xương fibrosa cystica
- Yếu tố di truyền
- Ung thư biểu mô tuyến cận giáp là nguyên nhân hiếm gặp có thể gây viêm xương fibrosa cystica
- Biến chứng thận, có khoảng 50% bệnh nhân bệnh thận giai đoạn cuối bị viêm xương
- Nhiễm độc florua
Triệu chứng nghiêm trọng nhất của viêm xương fibrosa cystica là gãy xương. Tuy nhiên người bệnh có thể bị đau nhức xương hoặc gặp các triệu chứng khác, chẳng hạn như:
- Buồn nôn
- Táo bón
- Đi tiểu thường xuyên
- Mệt mỏi
Nếu tình trạng viêm xương fibrosa cystica liên quan đến tuyến cận giáp hoạt động bất thường, bác sĩ có thể phẫu thuật cắt bỏ tuyến cận giáp. Phẫu thuật này thường an toàn và mang lại hiệu quả cao. Các tuyến cận giáp khác có thể sản xuất đủ lượng PTH cần thiết cho cho thể.
Nếu không thể thực hiện phẫu thuật, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng thuốc để điều trị tình trạng. Ngoài ra, người bệnh bisphosphonates có thể được kê đơn cho người bị mất khối lượng xương, tuy nhiên thuốc chỉ được sử dụng trong một thời gian ngắn để tránh các rủi ro liên quan.
Bệnh cường cận giáp cần được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt để hạn chế các tổn thương do viêm xương fibrosa cystica gây ra. Ngoài ra, người bệnh nên tăng cường vận động, canxi và vitamin D để hạn chế các biến chứng ảnh hưởng đến xương.
6. Viêm xương mu
Viêm xương mu (Osteitis pubis) là tình trạng viêm nhiễm ở xương mu (xương mu bên phải và bên trái gặp nhau ở phần trước phía dưới của xương chậu). Khung chậu là phần xương kết nối chân với phần trên của cơ thể, hỗ trợ ruột, bàng quang và các cơ quan sinh dục.
Viêm xương mu có xu hướng ảnh hưởng đến các vận động viên và những người hoạt động thể chất thường xuyên. Cầu thủ bóng đá, vận động viên chạy bộ và cầu thủ khúc côn cầu thường dễ bị các chấn thương này.
Viêm xương mu cũng có thể ảnh hưởng đến phụ nữ sau khi sinh con. Quá trình chuyển dạ có thể kéo căng cơ xương chậu, gây viêm và dẫn đến viêm xương.
Triệu chứng phổ biến nhất của viêm xương mu là đau vùng háng và bụng dưới. Người bệnh có thể cảm thấy đau hoặc mềm khi có áp lực lên vùng xương mu. Cơn đau có xu hướng tăng dần và gây ảnh hưởng đến khả năng đứng thẳng và đi lại của người bệnh.
Trong hầu hết các trường hợp, viêm xương mu được điều trị bằng cách nghỉ ngơi đầy đủ. Ngoài ra người bệnh có thể cải thiện cơn đau bằng cách chườm đá vào xương mu trong khoảng 20 phút mỗi lần và 3 – 4 giờ một lần. Nếu cơn đau nghiêm trọng, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc chống viêm không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen.
Triệu chứng và dấu hiệu viêm xương phổ biến
Viêm xương có thể dẫn đến một số triệu chứng và dấu hiệu nhận biết như:
- Đau đớn và tê khu vực bị ảnh hưởng
- Cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn khi tập thể dục, gập bụng hoặc chơi bóng đá
- Đau khi chạm vào xương bị ảnh hưởng
- Đau khi di chuyển
- Dáng đi khập khiễng
Nguyên nhân gây viêm xương
Các nguyên nhân có thể dẫn đến bệnh viêm xương bao gồm:
- Chấn thương, đây là nguyên nhân phổ biến có thể gây viêm xương, xảy ra khi vi khuẩn từ vết thương gây ảnh hưởng đến xương.
- Nhiễm trùng từ các mô viêm lân cận, chẳng hạn như viêm màng xương hàm do sâu răng.
- Nhiễm trùng huyết khiến viêm đi theo đường máu từ các ổ viêm, chẳng hạn như lao, viêm bể thận, đến xương và gây viêm.
- Các nguyên nhân khác chẳng hạn như loạn sản sợi đa xương, loạn sản sợi đơn xương Jaffe-Lichtenstein, viêm xương xơ năng hoặc hội chứng SAPHO.
Biện pháp điều trị viêm xương
Các phương pháp điều trị phụ thuộc vào loại viêm xương, chẳng hạn như nhiễm trùng được điều trị bằng kháng sinh trong khi các bệnh xương khớp mãn tính được điều trị hỗ trợ bằng các bài tập vật lý trị liệu. Trong các trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để chỉnh hình xương.
Các biện pháp điều trị nhằm mục tiêu cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng liên quan. Cụ thể, bác sĩ có thể đề nghị một số phương pháp điều trị như:
- Nghỉ ngơi để giảm áp lực lên xương và tráng các tổn thương khiến tình trạng viêm xương trở nên nghiêm trọng hơn.
- Chườm lạnh trong 10 – 20 phút mỗi lần, 3 – 4 lần mỗi ngày có thể hỗ trợ giảm đau hiệu quả.
- Sử dụng thuốc giảm đau như paracetamol hay chống viêm không steroid (ibuprofen, aspirin, naproxen) để giảm đau và khó chịu.
- Thường xuyên vận động và tập vật lý trị liệu để tăng cường sức khỏe xương khớp tổng thể.
Viêm xương là tình trạng nhiễm trùng, viêm khiến xương trở nên dày hơn, gây đau đớn và khó chịu. Tình trạng này cần được chẩn đoán và điều trị phù hợp để tránh các rủi ro liên quan.
Thông tin thêm:
- Hội chứng dải chậu chày (Iliotibial Band Syndrome)
- Răng số 8 bị sâu vỡ có nguy hiểm không? Khi nào cần nhổ?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!