Viêm tủy xương là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị
Viêm tủy xương là một hiện tượng nhiễm trùng ở xương, xảy ra chủ yếu do sự xâm nhập của vi khuẩn. Bệnh dễ tiến triển khi có vết thương hở khiến vi khuẩn xâm nhập trực tiếp vào xương hoặc di chuyển đến xương và gây viêm thông qua những mô lân cận hay máu bị nhiễm trùng.
Viêm tủy xương là gì?
Viêm tủy xương (Osteomyelitis) hay cốt tủy viêm là một hiện tượng nhiễm trùng ở xương do sự xâm nhập chủ yếu của vi khuẩn hoặc một số loại sinh vật khác như nấm.
Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh có thể xảy ra ở thể cấp tính hoặc mãn tính, tiến triển trong tủy xương hoặc ngoài vỏ và gây nguy hiểm.
Thông thường vi khuẩn sẽ xâm nhập và gây viêm ở xương thông qua một vết thương hở. Trong nhiều trường hợp khác vi khuẩn có thể di chuyển đến xương từ các mô lân cận và máu bị nhiễm trùng nhưng không được kiểm soát.
Nguyên nhân gây viêm tủy xương
Vi khuẩn là nguyên nhân chủ yếu gây viêm tủy xương. Trong một số trường hợp khác, bệnh nhân có thể bị viêm do nấm.
Trong các loại vi khuẩn, tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) chiếm phần lớn các trường hợp viêm tủy xương. Những loại vi khuẩn thường gặp khác, gồm:
- Các loại trực khuẩn đường ruột, điển hình như E. coli
- Các chủng Pseudomonas
- Liên cầu tan huyết nhóm B…
Thông thường, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào xương và gây viêm tủy xương theo nhiều cách khác nhau, cụ thể:
- Vết thương hở: Những vết thương hở có chiều rộng và sâu có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, tiếp xúc với xương và gây viêm. Đặc biệt là khi vết thương đã bị nhiễm trùng.
- Gãy xương: Một phần của xương gãy nhô qua da sẽ bị vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài môi trường, nhất là khi tình trạng gãy xương không được xử lý sớm.
- Phẫu thuật: Nếu phẫu thuật điều chỉnh xương gãy hoặc thay khớp bằng những dụng cụ không được đảm bảo vô trùng, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng trực tiếp trong quá trình phẫu thuật.
- Máu và các mô lân cận: Vi khuẩn có thể từ các mô lân cận hoặc từ những bộ phận khác di chuyển đến một điểm bất thường của xương thông qua đường máu và gây viêm. Trường hợp này thường gặp ở những bệnh nhân bị viêm đường tiết niệu, nhiễm trùng bàng quang và viêm phổi.
Yếu tố rủi ro của bệnh viêm tủy xương
Thông thường xương được bảo vệ bởi một lớp chống nhiễm trùng. Tuy nhiên tuổi càng cao lớp bảo vệ này càng bị bào mòn và suy giảm chức năng. Từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở xương.
Ngoài ra nguy cơ mắc bệnh viêm tủy xương cũng tăng cao bởi những yếu tố sau:
- Bệnh tiểu đường không được kiểm soát.
- Nhiễm trùng da kéo dài không được kiểm soát.
- Rối loạn tuần hoàn máu do xơ cứng động mạch, nồng độ cholesterol máu cao, bệnh động mạch ngoại vi, tiểu đường, bệnh hồng cầu hình liềm, hút thuốc lá, bệnh tiểu đường kiểm soát kém.
- Sử dụng khớp giả, chạy thận nhân tạo
- Hệ miễn dịch suy giảm do sử dụng corticosteroid, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc điều trị ung thư, HIV hoặc AIDS…
- Dùng thuốc tiêm tĩnh mạch và các dụng cụ hỗ trợ trong điều trị như ống thông tiểu, ống máu lọc máu.
- Viêm khớp dạng thấp.
- Phẫu thuật chỉnh hình xương, thay khớp hoặc chấn thương gần đây.
Phân loại viêm tủy xương
Dựa trên mức độ nghiêm trọng của bệnh và đường lây truyền, bệnh viêm tủy xương được phân thành 2 loại, bao gồm:
Viêm xương tủy xương
- Bệnh viêm tủy xương cấp tính: Viêm cấp tính xảy ra từ đường máu và đường kế cận.
- Bệnh viêm tủy xương mạn tính: Viêm mạn tính xảy ra sau khi bệnh nhân bị viêm cấp tính đường máu.
- Giai đoạn chính (không có giai đoạn trước)
- Giai đoạn thứ cấp (sau giai đoạn cấp tính)
Viêm tủy xương không do thoái hóa khớp
- Viêm xương đặc (xơ cứng khu trú)
- Xơ cứng lan tỏa
- U xương
- Viêm phúc mạc tăng sinh (viêm tủy xương xơ cứng Garré, viêm màng bụng ossificans).
Bệnh viêm tủy xương ở trẻ em và người lớn
Có sự khác nhau khi bệnh tiến triển ở trẻ em và người lớn
Ở trẻ em
Đối với trẻ em, bệnh viêm tủy xương thường tiến triển ở thể cấp tính. Mặc dù có diễn tiến nhanh chóng nhưng viêm cấp tính dễ kiểm soát và điều trị hơn, ít gây ảnh hưởng xấu hơn so với viêm tủy xương mạn tính.
Khi bị viêm, những biểu hiện thường xuất hiện ở xương chân hoặc xương cánh tay.
Ở người lớn
Đối với người lớn, tình trạng viêm có thể xảy ra ở thể cấp tính hoặc mạn tính. Viêm mãn tính dễ xảy ra hơn ở những bệnh nhân bị HIV, bệnh mạch máu ngoại vi hoặc tiểu đường. Bệnh có thể kéo dài dai dẳng hoặc tái phát nhiều lần kể cả khi đã được điều trị với các phương pháp thích hợp.
Viêm tủy xương ở người lớn, bao gồm cả viêm cấp tính và mạn tính đều làm ảnh hưởng đến đốt sống và xương chậu. Ngoài ra những ảnh hưởng của bệnh còn xảy ra ở bàn chân, nhất là những bệnh nhân đang bị tiểu đường.
Triệu chứng của bệnh viêm tủy xương
Sau khi bị viêm tủy xương cấp tính, những triệu chứng của bệnh sẽ bùng phát và tiến triển nhanh trong vòng 7 đến 10 ngày. Nếu không được sớm phát hiện và kiểm soát tốt, tình trạng viêm mạn tính sẽ xảy ra.
Những triệu chứng viêm ở thể mạn tính tương tự như thể cấp tính nhưng có mức độ nghiêm trọng hơn. Các triệu chứng gồm:
- Cơ thể mệt mỏi, suy nhược
- Sốt, rét run
- Buồn nôn
- Khó chịu
- Vùng bị nhiễm trùng có dấu hiệu đỏ, nóng và sưng tấy
- Khu vực xung quanh xương có dấu hiệu sưng to
- Đau không rõ ràng trong thời gian đầu, đau nghiêm trọng khi bệnh tiến triển
- Suy giảm hoặc mất phạm vi chuyển động của bệnh nhân
- Chọc dò có thể thấy mủ
- Xương chết và xuất hiện lỗ dò ở thể mạn tính
- Đối với trẻ em, có sự mất cân bằng về độ dài của xương cánh tay hoặc xương chân so với bên còn lại
- Đối với người lớn, dị tật có thể xảy ra ở vùng hông, cột sống và chân.
Mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm tủy xương
Nếu không sớm kiểm soát, bệnh viêm tủy xương sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng sau:
1. Hoại tử xương (chết xương)
Bệnh viêm tủy xương làm cản trở quá trình lưu thông máu và nuôi dưỡng xương. Điều này khiến cho xương suy yếu và dần chết đi. Khi xương chết, bệnh nhân cần được phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khung vực này để phòng ngừa viêm nhiễm lan rộng, kháng sinh phát huy tác dụng.
2. Viêm khớp nhiễm trùng
Tình trạng nhiễm trùng trong xương khi không được kiểm soát sẽ lan rộng sang một hoặc nhiều khớp gần đó và dẫn đến viêm khớp.
3. Tăng trưởng kém
Khi bệnh viêm tủy xương xảy ra ở trẻ em, sự phát triển của xương hoặc khớp sẽ trở nên bất bình thường. Tình trạng này thường xảy ra ở một trong hai đầu xương dài của chân và của cánh tay, được gọi là mảng tăng trưởng.
Khi đó sẽ có sự bất đối xứng giữa độ dài của hai bên cánh tay hoặc chân của trẻ. Nhất là khi bệnh viêm tủy xương tiến triển ở những khu vực có xương mềm và đang phát triển.
4. Ung thư da
Bệnh viêm tủy xương không được kiểm soát sẽ làm xuất hiện một hoặc nhiều vết loét hở, có mủ chảy ra. Lúc này vùng da xung quanh sẽ bị tổn thương và có nguy cơ cao mắc chứng ung thư tế bào vảy.
Bệnh viêm tủy xương được chẩn đoán như thế nào?
Bệnh viêm tủy xương được chẩn đoán thông qua các triệu chứng lâm sàng và kết quả chẩn đoán hình ảnh. Cụ thể:
1. Chẩn đoán lâm sàng
Dựa vào những triệu chứng lâm sàng, bệnh viêm tủy xương được chẩn đoán như sau:
Viêm tủy xương đường máu
- Biểu hiện toàn thân: Sốt, rét run, cơ thể mệt mỏi
- Đau ở mức độ nhẹ hoặc không rõ ràng, sưng ở khu vực bị đau
- Đau nhiều ở giai đoạn tiến triển, xuất hiện khối sưng kèm theo biểu hiện đỏ và nóng
- Có biểu hiện sưng ở những vùng khớp lân cận
- Kết quả nuôi cấy vi khuẩn: Phần lớn là tụ cầu vàng.
- Chọc dò: Xuất hiện mủ.
Viêm tủy xương đường kế cận
- Viêm tủy xương xảy ra sau 4 – 5 ngày bị gãy xương, chấn thương nặng, sau mổ…
- Rút run và sốt cao liên tục
- Có cảm giác đau nhức nhiều tại vết thương hoặc tại ổ gãy. Mức độ nghiêm trọng của cơ đau ngày càng tăng
- Trên vết mổ/ vết thương có biểu hiện tấy đỏ, căng nề
- Có mủ thối tích tụ và chảy qua vết thương/ vết mổ.
Viêm xương tủy mạn tính
- Viêm xương tủy mạn tính tái phát từng đợt, tiến triển từ thể cấp tính không được điều trị.
- Xương chết
- Xuất hiện lỗ rò.
2. Chẩn đoán cận lâm sàng
Sau khi kiểm tra triệu chứng lâm sàng, một số chỉ định dưới đây sẽ được thực hiện để kiểm tra mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bao gồm:
- Chụp X-quang: Chụp X-quang cho phép bác sĩ chuyên khoa kiểm tra những tổn thương xương, phản ứng màng xương và tình trạng hủy xương. Những tổn thương này sẽ rõ nét hơn khi nhiễm trùng đã phát triển trên 10 ngày
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu kiểm tra số lượng bạch cầu, nồng độ protein C phản ứng và tốc độ lắng máu. Các chỉ số tăng cao khi bị nhiễm trùng ở xương. Tuy nhiên bạch cầu máu thường bình thường khi bị viêm mạn tính.
- Xạ hình xương: Nếu có nghi ngờ bị viêm tủy xương cấp tính, người bệnh sẽ được chỉ định xạ hình xương (xạ hình xương ba pha) để chẩn đoán sớm bệnh lý.
- Chụp CT: Chụp CT giúp đánh giá rõ nét hơn về tình trạng nhiễm trùng xương. Đồng thời giúp kiểm tra những bất thường trong cấu trúc xương. Kỹ thuật chẩn đoán này thường được chỉ định cho những bệnh nhân không thể chụp MRI.
- Chụp MRI: Chụp MRI đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm thông qua hình ảnh chi tiết về xương viêm và những mô mềm bao quanh xương.
- Sinh thiết mô xương viêm: Sinh thiết mô xương viêm giúp chẩn đoán nguyên nhân gây viêm tủy xương. Từ đó đề ra phác đồ điều trị và lựa chọn một loại kháng sinh phù hợp.
- Cấy máu/ mủ: Cấy máu/ mủ và nuôi cấy trong môi trường kỵ khí giúp xác định chủng vi khuẩn gây viêm.
Phương pháp điều trị viêm tủy xương
Quá trình điều trị viêm tủy xương chủ yếu tập trung vào mục đích kiểm soát viêm, ngăn chặn nhiễm trùng lây lan và duy trì chức năng của xương khớp.
Hầu hết bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh. Một số trường hợp nặng phải phẫu thuật hoặc điều trị kết hợp thuốc và phương pháp phẫu thuật.
1. Nguyên tắc điều trị
Bệnh nhân cần được kiểm tra xác định sớm bệnh lý, cấy mô hoặc máu để định danh vi khuẩn, sử dụng kháng sinh theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, phẫu thuật dẫn lưu mủ và loại bỏ tổ chức hoại tử, cuối cùng loại bỏ những vật cấy ghép vào cơ thể.
2. Sử dụng thuốc kháng sinh điều trị viêm tủy xương
Sau khi sinh thiết xương xác định chủng vi khuẩn gây bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định một loại thuốc kháng sinh phù hợp với mục đích tiêu diệt tác nhân và ngăn nhiễm trùng lây lan.
Thông thường để điều trị viêm tủy xương, bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc kháng sinh dưới dạng tiêm tĩnh mạch. Thuốc thường được tiêm ở cánh tay và được sử dụng trong khoảng 6 tuần.
Đối với những trường hợp viêm nặng, người bệnh có thể được chỉ định thêm một đợt kháng sinh dạng thuốc để nâng cao hiệu quả điều trị.
Những loại thuốc kháng sinh thường được sử dụng gồm:
- Kháng sinh nhóm Aminoglycosid, Fluoroquinolon (Ciprofloxacin)
- Ceftazidim hoặc Cefepim
- Mezlocillin
- Vancomycin…
3. Phẫu thuật
Trong trường hợp nhiễm trùng nặng, viêm tủy xương gây biến chứng hoặc có nguy cơ, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật để khắc phục bệnh lý. Đồng thời phòng ngừa nhiễm trùng lan rộng sang những cơ quan quan trọng khác trong cơ thể.
Phẫu thuật điều trị viêm tủy xương gồm những thủ tục sau:
- Làm ráo khu vực bị nhiễm trùng
Sử dụng dao mổ mở rộng khu vực xung quanh xương, hút toàn bộ chất lỏng và mủ tích tụ để nâng cao phản ứng với nhiễm trùng.
- Loại bỏ mô và xương bị nhiễm trùng
Trong quá trình phẫu thuật cắt bỏ xương, bác sĩ sẽ kiểm tra những khu vực có xương và mô bệnh, sau đó tiến hành cắt bỏ. Ngoài ra bác sĩ có thể cắt và lấy một phần nhỏ xương khỏe mạnh để chắc chắn rằng những đoạn xương bị viêm hoặc hoại tử đã được loại bỏ hoàn toàn.
- Phục hồi lưu lượng máu đến xương
Bác sĩ sẽ sử dụng cơ hoặc da từ một bộ phận khỏe mạnh của cơ thể để lấp đầy không gian trống sau khi kết thúc giai đoạn phẫu thuật cắt xương.
Hoặc bác sĩ có thể sử dụng các túi chất độn nhân tạo lắp vào không gian trống. Những túi này sẽ được giữa lại cho đến khi sức khỏe phục hồi, đủ điều kiện để ghép mô hoặc ghép xương.
Quá trình ghép mô và xương sẽ đảm bảo những mạch máu bị hư hỏng được sửa chữa. Đồng thời giúp hình thành xương mới và khôi phục chức năng vận động cho bệnh nhân.
- Loại bỏ những vật thể lạ trong xương
Thông thường trong phẫu thuật cắt xương điều trị viêm tủy xương, người bệnh sẽ được cố định xương bằng đinh vít, đĩa phẫu thuật hoặc một số dụng cụ khác nếu cần thiết. Vì thế sau khi xương được cố định, bệnh nhân cần thực hiện phẫu thuật thêm một lần nữa để lấy các vật dụng hỗ trợ.
- Cắt cụt chi
Phẫu thuật cắt cụt chi là phương pháp điều trị cuối cùng đối với những bệnh nhân bị viêm tủy xương mạn tính, có xương chết, nhiễm trùng lan rộng và không thể khắc phục bằng các phương pháp thông thường.
Sau khi cắt cụt chi, người bệnh sẽ phòng ngừa được tình trạng nhiễm trùng lan rộng, tránh bệnh làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đe dọa đến tính mạng.
4. Những biện pháp phối hợp
Một số biện pháp phối hợp giúp nâng cao hiệu quả điều trị bệnh gồm:
- Bất động: Hầu hết các trường hợp viêm tủy xương cấp tính đều được chỉ định bó bột để phòng ngừa gãy xương bệnh lý. Ngoài ra biện pháp này hỗ trợ bệnh nhân trong việc chống đỡ cơ thể và vận động tốt hơn.
- Dinh dưỡng và sinh hoạt: Để kiểm soát tốt bệnh viêm tủy xương và ngăn ngừa biến chứng, người bệnh cần tránh hút thuốc, kiểm soát lượng đường trong máu và nhiều bệnh mãn tính khác. Đồng thời ăn uống đủ dinh dưỡng, đặc biệt nên tăng cường bổ sung vitamin C.
Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm tủy xương
Giữ mọi thứ luôn sạch sẽ là cách tốt nhất để ngăn bệnh viêm tủy xương xảy ra. Ngoài ra để tránh xương nhiễm trùng và gây biến chứng, tốt nhất bạn nên áp dụng thêm những biện pháp chăm sóc bản thân và phòng ngừa dưới đây:
- Thận trọng khi lao động, tham gia giao thông và chơi thể thao để tránh bị chấn thương, trầy xước hoặc gãy xương.
- Cần điều trị y tế ngay lập tức khi bị gãy xương hoặc có bệnh nhiễm trùng.
- Sát khuẩn và áp dụng những biện pháp chăm sóc phù hợp khi có vết thương hở, đặc biệt là khi có vết cắt sâu. Cụ thể rửa vết thương dưới vòi nước sạch trong 5 phút, dùng dung dịch sát khuẩn, sau đó sử dụng băng vô trùng và băng lại vết thương.
- Kiểm soát tốt lượng đường trong máu và những bệnh mãn tính khác.
- Theo dõi và quan sát những biểu hiện bất thường của cơ thể. Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc có những biểu hiện bất thường khác, hãy liên hệ và thăm khám cùng với bác sĩ chuyên khoa.
Sớm thăm khám và điều trị viêm tủy xương trong giai đoạn sớm là điều cần thiết. Trong trường hợp viêm phát triển ở thể cấp tính, người bệnh cần điều trị để ngăn ngừa viêm mạn tính. Đồng thời lưu ý theo dõi sức khỏe và điều trị liên tục theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Ngoài ra việc sớm thăm khám và điều trị sẽ giúp bạn kiểm soát cơn đau, giảm tần suất tái phát, nâng cao khả năng phục hồi và hạn chế biến chứng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!