Viêm quanh khớp vai thể đông cứng: Nguyên nhân và cách trị
Viêm quanh khớp vai thể đông cứng khiến vai bị đau, cứng và hạn chế phạm vi hoạt động ở vai. Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh thường bắt đầu dần dần, nghiêm trọng theo thời gian và được cải thiện trong vòng một đến ba năm.
Viêm quanh khớp vai thể đông cứng là gì?
Viêm quanh khớp vai thể đông cứng là một tình trạng không phổ biến, gây ảnh hưởng đến khớp vai, dẫn đến đau đớn và cứng khớp phát triển theo thời gian.
Vai được kết hợp từ ba xương, bao gồm xương cánh tay trên, xương bả vai và xương đòn. Bên cạnh đó, có các mô liên kết xung quanh khớp để giữa các khớp lại với nhau, được gọi là bao khớp vai.
Trong trường hợp viêm quanh khớp vai thể đông cứng, bao khớp vai trở nên dày hơn và khó di chuyển. Điều này cũng có thể dẫn đến việc hình thành các mô sẹo theo thời gian, khiến vai không có đủ không gian để xoay. Nguy cơ mắc bệnh tăng lên nếu người bệnh đang phục hồi sau một tình trạng y tế hoặc thủ thuật hạn chế cử động cánh tay, chẳng hạn như đột quỵ.
Trong hầu hết các trường hợp, viêm quanh khớp vai thể đông cứng có thể tự cải thiện sau 1 – 3 năm. Các biện pháp điều trị bao gồm thực hiện các bài tập tăng cường sức mạnh ở vai, tiêm thuốc tê vào bao khớp hoặc dùng corticosteroid theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên đôi khi người bệnh có thể cần phẫu thuật để cải thiện các triệu chứng. Ngoài ra, tình trạng này có thể tái phát sau khi điều trị thành công.
Triệu chứng viêm quanh khớp vai thể đông cứng
Các triệu chứng chính của vai đông cứng là đau và cứng khớp, khiến người bệnh không thể cử động khớp. Nếu bị đông cứng vai, người bệnh có thể cảm thấy đau đớn âm ỉ hoặc đau nhức ở một bên vai và đau ở các cơ xung quanh tay. Cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng hơn vào ban đêm, gây khó ngủ, mất ngủ và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Trong hầu hết các trường hợp, viêm quanh khớp vai thể đông cứng trải qua ba giai đoạn. Các triệu chứng có thể phụ thuộc vào các giai đoạn, chẳng hạn như:
Giai đoạn 1 – Đóng băng:
- Đau đớn dữ dội ở vai bất cứ khi nào di chuyển vai
- Cơn đau nghiêm trọng hơn theo thời gian có thể đau đớn dữ dội hơn vào ban đêm
- Cơn đau có thể kéo dài từ 6 – 9 tháng
- Bị giới hạn phạm vi chuyển động vai
Giai đoạn 2 – Đông cứng:
- Cơn đau có thể được cải thiện nhưng tình trạng cứng khớp trở nên nghiêm trọng hơn
- Việc cử động vai trở nên khó khăn hơn và gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày
- Giai đoạn này có thể kéo dài từ 4 – 12 tháng
Giai đoạn 3 – Hồi phục:
- Cơn đau được giảm bớt
- Phạm vi chuyển động bắt đầu được cải thiện dần dần
- Quá trình này có thể mất từ 6 tháng đến 2 năm
Nguyên nhân gây viêm quanh khớp vai thể đông cứng
Các xương và mô mềm ở vai được bao bọc bên trong một bao khớp. Viêm quanh khớp vai xảy ra khi bao khớp trở nên dày hơn và thắt chặt xung quanh khớp vai, dẫn đến hạn chế cử động khớp.
Viêm quanh khớp vai thể đông cứng thường phổ biến ở phụ nữ, đặc biệt là trong độ tuổi từ 40 – 60. Nguy cơ mắc bệnh có thể tăng nếu người bệnh đang trong quá trình hồi phục sau một số tình trạng, chẳng hạn như đột quỵ, phẫu thuật cắt bỏ vú khiến người bệnh không thể cử động cánh tay.
Một số điều kiện y tế cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm quanh khớp vai, chẳng hạn như bệnh tiểu đường. Theo thống kê, có khoảng 10 – 20% các trường hợp tiểu đường phát triển tình trạng vai đông cứng.
Các yếu tố rủi ro dẫn đến tình trạng viêm quanh khớp vai thể đông cứng:
- Độ tuổi: Người trong độ tuổi từ 40 – 60
- Giới tính: Bệnh thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới
- Chấn thương vai: Các chấn thương hoặc thủ thuật khiến vai không thể cử động (chẳng hạn như nẹp, quấn hoặc băng vai) hoặc tình trạng gãy xương (gãy xương bả vai, gãy xương đòn hoặc gãy xương cánh tay trên)
- Các bệnh và tình trạng sức khỏe khác: Các bệnh lý chẳng hạn như đột quỵ , suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém), cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức), bệnh Parkinson và bệnh tim
Đột quỵ là một yếu tố nguy cơ có thể làm tăng nguy có phát triển viêm quanh khớp vai thể đông cứng do hạn chế cử động ở cánh tay.
Chẩn đoán tình trạng viêm quanh khớp vai thể đông cứng
Nếu cảm thấy đau đớn và cứng khớp vai, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Bác sĩ có thể tiến hành khám sức khỏe và đánh giá phạm vi chuyển động của vai để quan sát các triệu chứng và xác định nguyên nhân cơ bản.
Bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra vai và cánh tay theo các bước như sau:
- Bác sĩ tiến hành di chuyển vai theo nhiều hướng khác nhau để kiểm tra phạm vi chuyển động và cơn đau. Trong kiểm tra này, người bệnh sẽ được đề nghị thả lỏng tay và bác sĩ tiến hành di chuyển tay của người bệnh. Điều này được gọi là xác định phạm vi chuyển động tay thụ động.
- Bác sĩ cũng có thể theo dõi các cử động ở vai để xác định phạm vi chuyển động tích cực của vai
- So sánh hai dạng chuyển động để xác định tình trạng đông cứng vai
Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm hình ảnh để xác định các nguyên nhân chính xác dẫn đến đông cứng khớp vai.
- Chụp X-quang vai có thể được thực hiện để loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây cứng vai, chẳng hạn như viêm khớp.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) và siêu âm có thể được sử dụng để loại bỏ các nguyên nhân khác, chẳng hạn như rách vòng bít xoay.
Cách điều trị viêm quanh khớp vai thể đông cứng
Mục đích của các biện pháp điều trị là để giảm đau và duy trì khả năng vận động cũng như tính linh hoạt ở vai.
Viêm quanh khớp vai thể đông cứng có thể không cần điều trị và có thể tự cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên, các cơn đau và tình trạng cứng khớp có thể kéo dài đến ba năm và gây nhiều khó khăn cho chất lượng cuộc sống. Do đó, đôi khi bác sĩ có thể đề nghị một số biện pháp hỗ trợ quá trình phục hồi, chẳng hạn như:
1. Điều trị không phẫu thuật
Các triệu chứng viêm quanh khớp vai thể đông cứng thường đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị tại nhà, chẳng hạn như:
- Chườm nóng hoặc lạnh: Đặt một túi nước đá lên vai trong 15 phút mỗi lần có thể giúp giảm sưng. Tương tự, người bệnh có thể đặt khăn ấm lên vai để giảm đau. Thực hiện luân phiên các biện pháp hoặc áp dụng phương pháp mang lại hiệu quả tốt nhất.
- Sử dụng thuốc giảm đau: Các loại thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như aspirin và ibuprofen có thể hỗ trợ giảm đau và viêm liên quan đến viêm quanh khớp vai. Nếu các cơn đau nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị thuốc giảm đau theo toa và thuốc kháng viêm tác dụng mạnh hơn. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn để tránh các tác dụng phụ và rủi ro không mong muốn.
- Tiêm corticosteroid: Phương pháp này có thể được đề nghị cho các cơn đau không đáp ứng các loại thuốc giảm đau đường uống. Tuy nhiên, phương pháp này thường không được áp dụng, do có nhiều tác dụng phụ và có thể gây tổn thương thêm cho vai.
- Kích thích dây thần kinh bằng xung điện qua da (TENS): Bác sĩ sử dụng một thiết bị nhỏ để kích thích các dây thần kinh và giảm đau bằng cách ngăn chặn các xung thần kinh.
- Nắn chỉnh khớp vai: Các thao tác này có thể được thực hiện khi người bệnh được gây mê. Bác sĩ có thể tiến hành di chuyển khớp vai để tăng tính linh hoạt và hạn chế tình trạng cứng khớp.
- Vật lý trị liệu: Bác sĩ hoặc nhà vật lý trị liệu có thể hướng dẫn người bệnh các bài tập để duy trì khả năng di chuyển và tính linh hoạt ở vai. Ngoài ra, các bác sĩ cũng có thể hướng dẫn người bệnh thực hiện các hoạt động mà không gây căng vai hoặc đau vai.
- Tiêm nước vô trùng vào khớp: Bác sĩ có thể tiêm nước vô trùng vào bao khớp để giúp kéo căng các mô và giúp chuyển động vai trở nên dễ dàng hơn.
2. Phẫu thuật điều trị
Viêm quanh khớp vai thể đông cứng hiếm khi cần được phẫu thuật, tuy nhiên nếu các biện pháp bảo tồn không mang lại hiệu quả điều trị, người bệnh có thể cần được phẫu thuật để tránh các rủi ro liên quan.
Phẫu thuật thường được thực hiện thông qua phương pháp nội soi vai. Đây là thủ thuật xâm lấn tối thiểu, sử dụng một ống nội soi nhỏ được đưa qua một vết vết rạch nhỏ để đi vào vai và điều trị tình trạng viêm khớp. Phẫu thuật này thường ít rủi ro, thời gian hồi phục nhanh và hiếm khi để lại sẹo.
3. Bài tập điều trị
Có một số bài tập có thể cải thiện tình trạng viêm quanh khớp vai thể đông cứng. Các bài tập nên được đề nghị bởi bác sĩ chuyên môn hoặc một nhà vật lý trị liệu để tránh các rủi ro liên quan.
Động tác uốn cong khi nằm:
- Người tập nằm trên một bề mặt phẳng, chân thẳng trên sàn
- Thư giãn hai cánh tay ở hai bên cơ thể.
- Nâng cánh tay bị tổn thương theo hướng thẳng đứng trên không và từ từ hạ xuống sàn với sự trợ giúp của cánh tay không bị tổn thương. Cánh tay không bị tổn thương giữ khuỷu tay của cánh tay bị thương để giúp hướng dẫn các chuyển động trên cao.
- Lặp lại các thao tác cho đến khi căng cánh tay.
Mở rộng khi đứng:
- Người tập đứng và giữ một thanh dài hoặc gậy theo chiều ngang phía sau cơ thể. Hai cánh tay cách nhau rộng bằng vai. Đặt bàn tay sao cho mu bàn tay (các khớp ngón tay) hướng xuống đất.
- Nâng cánh tay theo chuyển động hướng lên trên cho đến khi cảm thấy căng.
- Giữ yên trong 5 giây, lặp lại mỗi bài tập khoảng 10 lần và vài lần mỗi ngày.
Căng ngang cơ thể:
- Người tập ngồi hoặc đứng, hai cánh tay thả lỏng ở hai bên cơ thể.
- Đưa cánh tay bị ảnh hưởng ngang ngực. Sử dụng cánh tay không bị tổn thương thực hiện căng vai bị tổn thương sang hai bên cơ thể.
- Giữ yên trong 15 – 20 giây.
Động tác xoay cửa:
- Người tập đứng gần giữa ô cửa, quay mặt về một phía của khung cửa.
- Gập cánh tay bị ảnh hưởng thành một góc 90 độ và nắm mép khung cửa xa nhất.
- Xoay cơ thể về phía trước, điều này khiến mặt xoay về phía trước.
- Giữ tư thế trong 30 giây, thư giãn và lặp lại.
Phòng ngừa viêm quanh khớp vai thể đông cứng
Nguy cơ viêm quanh khớp vai thể đông cứng có thể được ngăn ngừa nếu người bệnh thực hiện điều trị hoặc vật lý trị liệu ngay khi bị chấn thương vai hoặc cảm thấy khó khăn khi cử động vai. Bác sĩ chỉnh hình hoặc nhà vật lý trị liệu có thể đề nghị một chương trình tập thể dục để đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng người bệnh. Do đó, trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Ngoài ra, người bệnh có thể hạn chế nguy cơ viêm quanh khớp vai bằng cách lưu ý một số vấn đề chẳng hạn như:
- Đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh bằng cách duy trì chế độ ăn uống khoa học và tập thể dục thường xuyên.
- Tập thể dục đúng cách, chẳng hạn như khởi động trước khi tập luyện và thả lỏng sau khi vận động thể chất. Nếu bắt đầu một môn thể thao mới, người bệnh nên bắt đầu từ cấp độ thấp nhất và tăng cường độ luyện tập dần dần để tránh các tổn thương không mong muốn.
- Ngồi với tư thế khoa học, giữ cột sống thẳng. Nghỉ giải lao vài phút sau vài giờ và kéo căng cơ thể để tránh gây áp lực lên các khớp. Nếu làm việc với máy vi tính, hãy đảm bảo bàn làm việc có độ cao vừa phải để tránh gây ảnh hưởng đến vai và cổ.
Viêm quanh khớp vai thể đông cứng có thể được điều trị bằng nhiều cách đơn giản, chẳng hạn như sử dụng thuốc giảm đau, tiêm cortisone và kết hợp với các bài tập thể dục đúng cách. Ngay cả khi không được điều trị, các triệu chứng có thể tự biến mất trong 1 – 3 năm mà không dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu cơn đau nghiêm trọng hoặc gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, người bệnh có thể cần được phẫu thuật để tránh các rủi ro liên quan. Trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!