Viêm Da Cơ Và Viêm Đa Cơ Là Gì? Thông Tin Cần Biết
Viêm da cơ và viêm đa cơ thuộc nhóm bệnh tự miễn không phổ biến, có thể gây yếu cơ, phát ban da và tổn thương khớp. Hiện tại không có biện pháp điều trị dứt điểm tình trạng này, tuy nhiên các triệu chứng có thể được cải thiện bằng thuốc và các biện pháp bổ sung khác.
Viêm da cơ và viêm đa cơ là gì?
Viêm da cơ và viêm đa cơ là các tổn thương da mạn tính ảnh hưởng đến các bó cơ vân (viêm đa cơ). Đặc trưng của bệnh là gây yếu cơ ở vùng gốc chi đối xứng ở hai bên, đôi khi có thể kèm theo tổn thương da (được gọi là viêm da cơ).
Trong quá khứ viêm đa cơ và viêm da cơ được xem là một bệnh lý, tuy nhiên gân đây được phân tách nhằm định danh các tổn thương cơ đơn hoặc có ảnh hưởng đến da.
1. Viêm đa cơ
Viêm đa cơ (polymyositis) là bệnh lý viêm không phổ biến, có thể dẫn đến yếu ở hai bên cơ thể. Tình trạng này có thể gây khó khăn khi leo cầu thang, đứng lên từ vị trí ngồi, nhấc đồ đặc hoặc vươn người lên cao.
Viêm đa cơ thường ảnh hưởng đến người trong độ tuổi từ 30, 40 hoặc 50 tuổi. Tình trạng này thường phổ biến ở người da trắng và phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới. Các dấu hiệu và triệu chứng thường phát triển dần dần theo thời gian, kéo dài trong vài tuần hoặc vài tháng.
2. Viêm da cơ
Viêm da cơ (dermatomyositis) là một bệnh lý được biểu hiện bằng việc gây yếu cơ và phát ban đặc biệt trên da. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến người trưởng thành và trẻ em. Ở người lớn, viêm da cơ thường ảnh hưởng đến người trong độ tuổi 40 hoặc đầu những năm 60 tuổi. Ở trẻ em, bệnh thường xuất hiện ở trẻ trong độ tuổi từ 5 – 15 tuổi. Tương tự như viêm đa cơ, viêm da cơ phổ biến ở nữ giới hơn nam giới.
Viêm da cơ và viêm đa cơ có thể gây ảnh hưởng đến các khớp, phổi, hệ thống tiêu hóa và tim mạch. Ở người lớn tuổi, bệnh có thể làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư. Ngoài ra, đôi khi một số loại ung thư có thể có biểu hiện như viêm da cơ.
Hiện tại không có biện pháp điều trị viêm da cơ và viêm đa cơ. Tuy nhiên người bệnh có thể áp dụng các biện pháp cải thiện các triệu chứng và hạn chế các nguy cơ liên quan.
Dấu hiệu nhận biết viêm da cơ và viêm đa cơ
Dấu hiệu và triệu chứng viêm da cơ có thể xuất hiện đột ngột hoặc phát triển theo thời gian. Các triệu chứng cụ thể bao gồm:
- Phát ban đặc biệt: Các dấu hiệu đầu tiên của bệnh viêm da cơ có thể là phát ban, đau và ngứa. Phát ban do viêm da cơ thường là phát ban màu đỏ sẫm hoặc tím, thường phổ biến ở mặt, mí mắt, các khớp ngón tay, khuỷu tay, đầu gối, ngực và lưng.
- Yếu cơ: Yếu cơ là dấu hiệu nhận biết phổ biến nhất của bệnh viêm đa cơ. Tình trạng yếu cơ thường ảnh hưởng đến các cơ gần thân, chẳng hạn như cổ, vai, cánh tay, hông và đùi. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến cả hai bên cơ thể và có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn.
Trong một số trường hợp người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng, chẳng hạn như:
- Sốt
- Giảm cân
- Mệt mỏi
- Đau khớp
- Hiện tượng Raynaud, là tình trạng thiếu máu lưu thông dẫn đến các ngón tay hoặc các ngón chân trở nên lạnh và đổi máu
Nguyên nhân gây viêm da cơ và viêm đa cơ
Hiện tại nguyên nhân gây viêm da cơ và viêm da cơ chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các tình trạng này được xếp vào nhóm bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh của cơ thể.
Viêm da cơ và viêm đa cơ được xếp vào nhóm tự miễn dịch với sự xuất hiện của một số tự kháng thể, phổ biến là kháng thể kháng Jo-1 và kháng SRP. Theo nghiên cứu, người bệnh màng kháng thể Jo-1 thường phát triển bệnh vào mùa xuân, trong khi người bệnh mang kháng thể SRP thường phát triển bệnh vào mùa thu.
Các yếu tố tác động khác, chẳng hạn như nhiễm trùng (vi khuẩn, virus), thuốc và một số yếu tố môi trường có thể tăng nguy cơ bùng phát bệnh.
Ngoài ra, các yếu tố di truyền, chẳng hạn như HLA-DR3 và DRW52 cũng đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh viêm da cơ và viêm đa cơ.
Yếu tố nguy cơ gây bệnh:
- Có các bệnh tự miễn khác, chẳng hạn như Lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, bệnh xơ bì cứng, hội chứng Sjogren
- Nhiễm virus như HIV và AIDS
- Mắc các bệnh lý có thể gây ảnh hưởng đến khả năng thở
Viêm da cơ và viêm đa cơ có nguy hiểm không?
Yêu cơ và các vấn đề về da ở bệnh viêm đa cơ có thể dẫn đến một số rủi ro nguy hiểm. Cụ thể các biến chứng đi kèm có thể bao gồm:
- Khó nuốt: Tình trạng này xảy ra khi các cơ ở thực quản bị ảnh hưởng. Điều này có thể gây suy dinh dưỡng và giảm cân ngoài ý muốn.
- Viêm phổi hít: Khi người bệnh không thể nuốt thức ăn tốt, thức ăn hoặc chất lỏng (bao gồm cả nước bọt) có thể được hít vào phổi. Tình trạng này được gọi là viêm phổi hít hoặc viêm phổi do hít.
- Các vấn đề về hô hấp: Nếu cơ ngực bị ảnh hưởng, người bệnh có thể bị khó thở hoặc nghiêm trọng hơn là suy hô hấp.
- Cặn canxi: Cặn canxi có thể xảy ra trong cơ, da và các mô liên kết khi bệnh tiến triển nghiêm trọng. Tình trạng này thường phổ biến ở trẻ em bị viêm da cơ và phát triển sớm trong quá trình của bệnh.
- Bệnh tim mạch: Một số người bệnh viêm da cơ có thể phát triển các vấn đề tim mạch, suy tim sung huyết và một số vấn đề về nhịp tim.
- Bệnh phổi: Người bệnh viêm da cơ có thể phát triển bệnh phổi kẽ. Đây là một nhóm các rối loạn ẹo ở các mô phổi, khiến phổi cứng và kém đàn hồi. Các dấu hiệu bệnh thường bao gồm khó thở và ho khan.
- Ung thư: Viêm da cơ và viêm đa cơ ở người lớn có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư, đặc biệt là ung thư buồng trứng ở phụ nữ. Nguy cơ ung thư có thể cao hơn sau ba năm hoặc lâu hơn sau khi được chẩn đoán viêm da cơ.
Chẩn đoán viêm da cơ và viêm đa cơ
Không có xét nghiệm đơn lẻ nào có thể chẩn đoán tình trạng viêm da cơ. Bác sĩ có thể xác định lịch sử bệnh lý gia đình và đề nghị các xét nghiệm liên quan. Cụ thể, viêm da cơ, viêm đa cơ được chẩn đoán như sau:
1. Chẩn đoán lâm sàng
– Dấu hiệu toàn thân:
Có cảm giác mệt mỏi, sốt, sụt cân, đặc biệt là khi kết hợp với ung thư
– Dấu hiệu ở cơ:
Yếu cơ ở khu vực gốc chi, đối xứng ở hai bên
Yếu cơ hầu họng, gây khó nuốt, khàn tiếng
Yếu cơ liên sườn gây khó thở
Đau cơ phổ biến ở 50% người bệnh viêm da cơ và viêm đa cơ, nhưng thường phổ biến ở bệnh viêm da cơ
Xơ hóa cơ khiến các cơ trở nên rắn chắc hoặc co rút và có thể gây hạn chế vận động
– Dấu hiệu ở da:
Phát ban da màu tím hoặc đỏ sẫm, đặc biệt là ở vùng mắt và có thể kèm theo tình trạng sưng phù ở mi mắt
Bàn tay thợ cơ khí là tình trạng bệnh nhân viêm da cơ, viêm đa cơ có hội chứng kháng synthetase hoặc kết hợp với bệnh xơ bì cứng.
Phát ban Gottron, là tình phát ban màu đỏ tím ở mặt duỗi của các khớp ngón tay, khớp khuỷu, khớp gối, khớp cổ chân.
Trong giai đoạn tiến triển, người bệnh có thể bị teo da và mất sắc tố da, giãn mao mạch ở xung quanh ngón tay tương tự như các bệnh lý tự miễn khác
– Biểu hiện ở khớp:
Biểu hiện tương tự như viêm khớp dạng thấp, chẳng hạn đau đớn hoặc viêm khớp ở các khớp nhỏ, chẳng hạn như khớp bàn tày, cổ tay. Đôi khi các triệu chứng có thể ảnh hưởng đến khớp gối, nhưng thường không phổ biến.
– Canxi hóa:
Xuất hiện các tổn thương canxi hoá ở dưới da, cân cơ hoặc bên trong cơ, thường phổ biến ở khớp khuỷu, gối, mặt duỗi của các ngón tay, mông,… Canxi hóa có thể gây hạn chế khả năng vận động của các khớp.
Người bệnh có thể sờ được hoặc nhìn thấy các hạt cứng, chắc màu trắng ở các tổn thương nông. Trong các trường hợp khác, canxi hóa có thể được nhìn thấy trên phim X – quang thường quy.
– Triệu chứng lâm sàng ở phổi:
Biểu hiện lâm sàng phổ biến bao gồm gây khó thở, ho khan, cảm thấy nóng ẩm ở hai phổi, đặc biệt là đáy phổi. Tổn thương ở phổi bao gồm 4 thể, chẳng hạn như:
- Thể nghiêm trọng nhất là thể viêm phế nang lan tỏa, thường tiến triển nhanh
- Thể viêm phổi kẽ là thể thường gặp nhất và có tiến triển chậm
- Viêm phổi hít hay viêm phổi do sặc, là tình trạng thường gặp ở bệnh nhân khó nuốt hoặc bị ảnh hưởng đến vùng hầu họng
- Viêm màng phổi và tràn dịch màng phổi là thể ít gặp nhất
Bệnh nhân thường không có các triệu chứng lâm sàng, mắc dù bệnh được thể hiện thông qua phim chụp X – quang và đo chức năng phổi.
– Biểu hiện ở hệ thống tiêu hóa:
Khó nuốt ở vùng hầu họng có thể khiến bệnh nhân phát triển các triệu chứng viêm thực quản trào ngược do yếu cơ co thắt thực quản dưới. Ngoài ra, người bệnh có thể bị sặc vào khí quản khi ăn, dẫn đến viêm phổi hít hoặc nhiễm khuẩn do dịch vị..
Tình trạng suy giảm nhu động ruột non, tá tràng có thể dẫn đến đau bụng, chướng bụng, tiêu chảy và giảm cân.
– Biểu hiện ở hệ thống tim mạch:
Biểu hiện về tim mạch thường xuất hiện khi bệnh đã ở giai đoạn toàn phát. Tình trạng phổ biến nhất là rối loạn nhịp tim. Các trình trạng hiếm gặp hơn có thể bao gồm suy tim sung huyết, viêm cơ tim, xơ hóa cơ tim, viêm ngoài màng tim hoặc tràn dịch màng tim.
– Biểu hiện ở thận:
Tổn thương thận do viêm da cơ, viêm đa cơ thường không phổ biến. Người bệnh có thể có protein niệu, viêm cầu thận ổ và viêm cầu thận tăng sinh gian mạch gây hội chứng thận hư.
– Mạch máu ngoại vi:
Người bệnh viêm da cơ và viêm đa cơ thường phát triển hội chứng Raynaud và hội chứng kháng synthetase kết hợp với Lupus ban đỏ hệ thống hoặc bệnh xơ bì cứng.
– Các bệnh lý ung thư kèm theo:
Ung thư liên quan đến viêm da cơ và viêm đa cơ thường phụ thuộc vào lứa tuổi. Các loại ung thư thường gặp bao gồm ung thư buồng trứng (ở nữ giới), ung thư phổi, dạ dày và gan.
2. Chẩn đoán cận lâm sàng
Enzyme cơ trong huyết thanh tăng: bao gồm Creatine Kinase (CK, CPK), SGPT, SGOT, lactate dehydrogenase (LDH), aldolase.
Enzyme CK có độ đặc hiệu cao là dấu hiệu của viêm đa cơ hoặc viêm da cơ. Trong đợt tiến triển của bệnh, nồng độ enzyme CK có thể tăng khoảng vài tuần đến vài tháng.
Ở một số trường hợp enzyme có thể không tăng chẳng hạn như bệnh ở giai đoạn muộn, teo cơ nhiều hoặc bệnh viêm da cơ ở giai đoạn sớm hoặc bệnh kết hợp với ung thư.
Điện cơ: Các sợi cơ bị kích thích khi nghỉ ngơi và co cơ khi có các điện thế phức tạp, biên độ thấp.
Sinh thiết da: Có thể xác định tình trạng teo da, thoái hóa hoặc hóa lỏng lớp tế bào đáy, thâm nhiễm bạch cầu và các mô bào ở mạch máu trong lớp thượng bì.
Sinh thiết cơ: Thủ thuật này có thể cho thấy sự xâm nhập của các tế bào viêm vào mạch máu, các tổ chức mô kẽ xung quanh các sợi cơ, chủ yếu là tế bào lympho, tương bào, mô bào, bạch cầu đa nhân. Sinh thiết cơ cũng có thể phát hiện cơ sợi có bị thoái hóa, hoại tử hoặc teo các tổ chức liên kết xung quanh các bó cơ.
Kháng thể kháng nhân dương tính: Các kháng thể đặc hiệu bao gồm:
- Kháng thể kháng Mi-2 thường xuất hiện ở 5 – 10% bệnh nhân viêm da cơ.
- Kháng thể kháng synthetase, trong đó kháng thể phổ biến nhất là Jo-1, xuất hiện ở 20% các trường hợp bệnh.
- Các kháng thể ít gặp khác, chẳng hạn như anti-SRP (signal recognition particle), Anti-CADM140, anti SAE, anti- p155/140.
Các kiểm tra khác chẳng hạn như X – quang phổi, CT ngực, soi phế quản, đo chức năng hô hấp, điện tâm đồ, siêu âm tim
3. Chẩn đoán xác định
Có hai tiêu chuẩn chẩn đoán xác định tình trạng viêm da cơ và viêm đa cơ. Trong đó tiêu chuẩn Tanimoto và cộng sự năm 1995 cụ thể và chi tiết hơn.
– Tiêu chuẩn chẩn đoán của Tanimoto và cộng sự năm 1995 có độ nhạy 98.9% và độ đặc hiệu 95.2%.
Chẩn đoán xác định viêm đa cơ nếu có ít nhất 4 trong 8 triệu chứng:
- Yếu cơ khu vực gốc chi
- Đau cơ do viêm cơ hoặc đau đớn tự phát
- Tăng CK (creatinin kinase) hoặc aldolase trong huyết thanh
- Sinh thiết nhận thấy dấu hiệu viêm cơ
- Điện cơ nhận thấy có biến đổi nguồn gốc cơ
- Viêm khớp không hao mòn (quan sát trên phim X – quang), không có phá hủy khớp hoặc đau khớp
- Kháng thể kháng Jo-1 dương tính
- Sốt trên 37 độ, CRP hoặc tốc độ máu lắng tăng hơn 20 mm /h
Chẩn đoán xác định viêm da cơ nếu có ít nhất 4 trong 8 các triệu chứng trên và ít nhất 1 trong 3 triệu chứng sau:
- Phát ban màu tím hoặc đỏ sẫm ở vùng mí mắt. Teo da hoặc phát ban màu tím ở mặt duỗi của ngón tay
- Nổi hồng ban ở mặt duỗi của các khớp ngoại vi lớn, chẳng hạn như khớp gối hoặc khuỷu tay
- Nổi sẩn Gottron là tình trạng phát ban xuất huyết sừng hóa hoặc nổi mảng đỏ hoặc tím ở mặt duỗi của ngón tay.
– Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh viêm da cơ và viêm đa cơ của Bohan và Peter năm 1975, bao gồm 5 yếu tố sau:
- (1) Yếu cơ vùng gốc chi và đối xứng ở hai bên cơ thể
- (2) Sinh thiết cơ có bằng chứng viêm cơ
- (3) Men cơ ở huyết thanh tăng
- (4) Có dấu hiệu của viêm cơ khi điện cơ
- (5) Có dấu hiệu tổn thương ở da điển hình của viêm da cơ chẳng hạn như phát ban Go, nổi ban ở khu vực mi mắt và nổi ban đỏ hình chữ V ở cổ và ngực hoặc có bàn tay thợ cơ khí
Chẩn đoán xác định viêm da cơ:
- Chẩn đoán có thể: Khi có yếu tố da (yếu tố 5) và 1 trong 4 yếu tố khác.
- Chẩn đoán gần như chắc chắn: Khi có đầy đủ các yếu tố về da (yếu tố 5) và có 2 trên 4 yếu tố đầu tiên.
- Chẩn đoán chắc chắn: Có yếu tố da (yếu tố 5) và 3 trong 4 yếu tố đầu khác.
Chẩn đoán viêm đa cơ:
- Chẩn đoán có thể: Khi có 2 trong 4 yếu tố đầu tiên.
- Chẩn đoán có thể: Khi có 3 trong 4 yếu tố đầu tiên.
- Chẩn đoán chắc chắn: Khi có tất cả 4 yếu tố trên.
4. Chẩn đoán phân biệt
Viêm da cơ và viêm đa cơ cần được chẩn đoán phân biệt với các tình trạng như:
- Viêm khớp dạng thấp
- Lupus ban đỏ hệ thống
- Xơ bì cứng
- Bệnh nhược cơ
- Yếu cơ do các bệnh thần kinh
- Bệnh Basedow
Điều trị viêm da cơ và viêm đa cơ
Hiện tại không có biện pháp điều trị dứt điểm viêm da cơ, viêm đa cơ. Tuy nhiên các biện pháp điều trị có thể cải thiện các triệu chứng, tăng cường chức năng cơ và hạn chế các rủi ro liên quan.
Các biện pháp điều trị phụ thuộc vào các nguyên tắc hướng dẫn của Bộ Y tế như sau:
- Điều trị bằng thuốc và biện pháp phục hồi chức năng cơ.
- Điều trị bằng corticoid kết hợp với các thuốc điều trị cơ bản trong các thể kháng điều trị hoặc tổn thương phổi kẽ.
- Thận trọng tránh các biến chứng và tác dụng phụ của thuốc.
- Khảo sát bệnh ung thư kết hợp, đặc biệt là ung thư sinh dục ở nữ.
1. Thuốc điều trị
Corticoid: Thuốc điều trị chính cho viêm da cơ, viêm đa cơ là Corticoid. Corticoid thường được kết hợp với thuốc điều trị các triệu chứng cơ bản (DMARD).
+ Corticoid đường uống, sử dụng với liều khởi đầu là 1 – 2 mg / kg / ngày, có thể dùng thuốc 1 lần mỗi ngày hoặc chia thành 3 – 4 lần nếu sử dụng thuốc một lần không mang lại hiệu quả cải thiện các triệu chứng bệnh. Duy trì sử dụng liều cao cho đến khi các triệu chứng lâm sàng thuyên giảm hoặc nồng độ enzym CK trong huyết thanh trở lại bình thường, trung bình là khoảng 6 – 8 tuần. Sau khi kiểm soát các triệu chứng, sử dụng liều lượng duy trì 5 – 10 mg / ngày.
+ Corticoid truyền tĩnh mạch liều cao, chẳng hạn như Bolus methylprednisolone được chỉ định cho người bệnh tiến triển nặng, cấp tính hoặc tổn thương tim mạch, viêm phổi kẽ nghiêm trọng. Liều lượng mỗi ngày khoảng 500 – 1000 mg liên tục trong 3 ngày.
– Các thuốc điều trị triệu chứng cơ bản (DMARD): Thuốc DMARD thường sử dụng kết hợp với glucocorticoid bao gồm cyclophosphamid, methotrexat hoặc azathioprin.
+ Methotrexat:
Chỉ định cho các dạng thông thường
Sử dụng thông qua đường uống với liều 7.5 – 15 mg mỗi tuần. Có thể tăng đến 20 mg, tùy theo đáp ứng của người bệnh.
Tác dụng phụ không mong muốn bao gồm suy tế bào gan, viêm phổi hoặc suy tủy xương. Cần theo dõi tế bào máu ngoại vi và enzym gan hàng tháng nếu sử dụng thuốc kéo dài.
+ Azathioprin:
Chỉ định khi người bệnh không đáp ứng với methotrexat.
Sử dụng thuốc qua đường uống với liều khởi đầu là 1.5 – 2 mg / kg / ngày, liều trung bình khoảng 150 – 200 mg / ngày. Chỉ định giảm liều nếu các các triệu chứng được cải thiện.
+ Cyclophosphamid:
Cyclophosphamid được chỉ định khi người bệnh không đáp ứng methotrexat hoặc azathioprin. Ngoài ra, chỉ định cyclophosphamid trong trong hợp tổn thương phổi kẽ.
Thường được sử dụng ở liều cao dưới dạng truyền tĩnh mạch. Mỗi tháng truyền 500 – 1000 mg, liên tục trong 6 tháng.
Sau đó có thể truyền duy trì trong 3 tháng với liều lượng tương tự.
Có thể sử dụng thuốc qua đường uống với liều lượng 1 – 2 mg / kg / ngày và liều tối đa 150 mg / ngày. Tuy nhiên điều này có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang.
Tác dụng phụ phổ biến: Viêm bàng quang chảy máu. Tình trạng có thể sử dụng kết hợp sodium 2-sulfanylethanesulfonate với liều tương đương với Cyclophosphamid để cải thiện.
Các tác dụng phụ khác có thể bao gồm suy tủy xương, suy tế bào gan, rụng tóc, cảm giác nóng bừng ở đầu trong thời gian truyền thuốc (có thể cải thiện bằng cách chườm đá).
2. Các biện pháp khác
Lọc huyết tương (Plasmapheresis):
- Chỉ định hỗ trợ điều trị trong trường hợp viêm da cơ hoặc viêm đa cơ nghiêm trọng và không đáp ứng các biện pháp điều trị khác.
- Sử dụng điều trị kết hợp với các phương pháp điều trị như trên.
Truyền tĩnh mạch immunoglobulin (IVIG):
- Chỉ định sử dụng điều trị hỗ trợ trong trường hợp viêm da cơ, viêm đa cơ nghiêm trọng, không đáp ứng với các phác đồ thông thường.
- Sử dụng kết hợp với các điều trị nêu trên.
- Liều dùng 1 – 2 g / kg, chia thành 2 – 5 lân truyền trong ngày và sau mỗi 04 tuần. Ngừng truyền khi các triệu chứng được cải thiện.
Theo dõi sau khi điều trị
Sau khi điều trị viêm da cơ và viêm đa cơ cần theo dõi các thông số bao gồm:
- Cơ lực và trương lực cơ
- Các enzyme cơ trong huyết thành như CK, SGOT, SGPT, CRP (protein C phản ứng), creatinin, tế bào máu ngoại vi, tốc độ máu lắng. Bên cạnh đó, cần theo dõi các tác dụng và rủi ro khi sử dụng corticoid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch. Thực hiện xét nghiệm điện giải đồ, nồng độ canxi máu, nồng độ đường trong máu, nguy cơ phát triển tình trạng nhiễm trùng, kiểm tra huyết áp…
- Những bệnh nhân trên 50 tuổi cần được tầm soát ung thư hàng năm.
Tiên lượng cho bệnh viêm da cơ và viêm đa cơ
Tiên lượng cho bệnh viêm đa cơ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng các trường hợp mắc phải. Hầu hết mọi người đều đáp ứng với điều trị và có thể phục hồi chức năng cơ bắp hiệu quả. Tuy nhiên các triệu chứng có thể tái phát ở một số người.
Hiếm khi viêm đa cơ và viêm da cơ gây ảnh hưởng đến tính mạng, khả năng bệnh nhân sống trên 5 năm là 90%, tuy nhiên người bệnh có thể bị tàn tật nếu không đáp ứng điều trị. Viêm đa cơ cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tự miễn dịch, ung thư hoặc loãng xương.
Tham khảo thêm: Viêm khớp dạng thấp: Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!