Viêm Cơ, Áp Xe Cơ Nhiễm Khuẩn: Dấu Hiệu, Cách Điều Trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Lê Hữu Tuấn | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn là tình trạng cơ vân bị áp xe hoặc tổn thương viêm do sự xâm nhập của vi khuẩn. Bệnh khiến vị trí tổn thương tụ mủ kèm theo cảm giác đau và căng nhẹ. Đối với những trường hợp nặng và không sớm kiểm soát, nhiễm khuẩn có thể gây suy giảm chức năng thận, sốc nhiễm khuẩn, viêm khớp, áp xe lây lan sang nhiều vị trí khác.

Viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn
Thông tin cơ bản về nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, phòng ngừa và cách điều trị viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn

Viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn là gì?

Viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn là tình trạng vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương dẫn đến áp xe hoặc tổn thương viêm tại cơ vân. Bệnh xảy ra do nhiều loại vi khuẩn khác nhau, trong đó tụ cầu vàng là chủ yếu.

Đây là một bệnh lý nguy hiểm. Trong trường hợp nặng bệnh có thể gây suy nhược chức năng thận, sốc nhiễm khuẩn, viêm khớp, áp xe lây lan sang nhiều vị trí khác. Ngoài ra bệnh nhân còn có nguy cơ nhiễm khuẩn huyết và tử vong.

Nguyên nhân gây viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn

Bệnh viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn xảy ra khi có sự xâm nhập của vi khuẩn. Trong đó tụ cầu vàng là loại vi khuẩn xuất hiện ở phần lớn các trường hợp.

Ngoài ra bệnh cũng có thể xảy ra do một số loại vi khuẩn khác, gồm:

  • Não mô cầu
  • Liên cầu
  • Phế cầu
  • Lậu cầu
  • Vi khuẩn Gram âm
  • Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei
  • Các loại vi khuẩn yếm khí.

Yếu tố nguy cơ của bệnh viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn

Nguy cơ mắc bệnh viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn sẽ tăng cao khi có một trong những yếu tố sau:

  • Hệ miễn dịch suy giảm: Nguy cơ mắc bệnh viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn sẽ tăng cao ở những người bị suy giảm hệ miễn dịch. Nguyên nhân là cơ thể không đủ khả năng chống vi khuẩn. Từ đó khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, phát triển và gây bệnh. Những người thường có hệ miễn dịch suy giảm gồm bệnh nhân bị HIV, người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai, bệnh nhân điều trị ung thư hoặc điều trị lâu dài với corticoid, bệnh nhân bị tiểu đường…
  • Thực hiện thủ thuật y tế không đảm bảo vô khuẩn: Vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể khi bệnh nhân thực hiện một số thủ thuật y tế không đảm bảo vô khuẩn. Cụ thể như châm cứu, tiêm chích, phẫu thuật…
  • Tổn thương da: Việc không chăm sóc những tổn thương trên da (vết trầy xước, mụn nhọt, chấn thương…) sẽ gây ra tình trạng nhiễm khuẩn. Nguy hiểm hơn người bệnh có thể bị viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn huyết.
  • Các bệnh nhiễm trùng: Nguy cơ viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn thường cao hơn ở những bệnh nhân bị viêm nhiễm đường tiết niệu, viêm nhiễm phụ khoa, nhiễm trùng máu, viêm cơ, viêm gân hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng khác nhưng không kiểm soát.
  • Viêm đốt sống đĩa đệm: Vi khuẩn lao có thể gây viêm cơ thắt lưng vùng chậu sau khi bệnh nhân mắc chứng viêm đốt sống đĩa đệm. Ngoài ra phẫu thuật vùng bụng cũng làm tăng nguy cơ viêm cơ thắt lưng vùng chậu.
Hệ miễn dịch suy giảm
Hệ miễn dịch suy giảm do nhiễm HIV, dùng corticoid, bệnh tiểu đường… làm tăng nguy cơ bị viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn

Triệu chứng bị viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn

Những tổn thương do viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào của cơ thể. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, tình trạng viêm có thể xảy ra ở một cơ hoặc nhiều cơ. Tuy nhiên phần lớn tổn thương chỉ xảy ra ở một cơ.

1. Triệu chứng tại chỗ

  • Đau cơ
  • Sưng cơ
  • Tấy đỏ khu vực bị tổn thương
  • Có cảm giác căng tức khi sờ hoặc ấn xuống
  • Chọc hút ra mủ
  • Không duỗi được chân bên cơ bị viêm và đau vùng hạ sườn khi viêm cơ thắt lưng chậu
  • Áp xe di chuyển đến những cơ quan lân cận. Cụ thể như cơ mông, phần trên đùi, khớp hang.

2. Triệu chứng toàn thân

  • Sốt cao từ 39 đến 40 độ, thường sốt liên tục
  • Cơ thể mệt mỏi, suy nhược
  • Môi khô
  • Lưỡi bẩn
  • Sụt cân.
Viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn gây sốt cao
Viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn gây sốt cao, cơ thể mệt mỏi, suy nhược, môi khô, lưỡi bẩn…

3. Triệu chứng theo từng giai đoạn

  • Giai đoạn đầu: Giai đoạn đầu thường kéo dài từ 1 đến 2 tuần kể từ thời điểm khởi phát. Lúc này bệnh nhân có dấu hiệu sưng cơ, đau và căng ở vị trí tổn khi thương sờ, có thể đỏ hoặc không. Không có mủ khi chọc hút.
  • Giai đoạn 2: Giai đoạn 2 thường bắt đầu từ tuần thứ 2 đến tuần thứ 4. Lúc này vùng tổn thương có dấu hiệu sưng cơ tấy đỏ kèm theo cảm giác đau nhức nghiêm trọng, phù nề ấn lõm bùng nhùng khi khám cơ, có mủ khi chọc hút.
  • Giai đoạn 3: Khi không điều trị hoặc điều trị không hiệu quả, bệnh sẽ tiến triển và chuyển sang giai đoạn 3. Lúc này các biến chứng nghiêm trọng sẽ xuất hiện. Bao gồm viêm khớp lân cận, áp xe xuất hiện ở những vị trí khác, sốc nhiễm khuẩn, suy giảm chức năng thận. Ngoài ra bệnh nhân có thể đau ở vùng hạ sườn và mạng sườn khi bị viêm cơ thắt lưng vùng chậu.

Bệnh viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn có nguy hiểm không?

Viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn có thể được chữa khỏi hoàn toàn và không gây biến chứng trong giai đoạn đầu. Thông thường bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc kháng sinh sau khi xác định nguyên nhân để kiểm soát bệnh lý.

Tuy nhiên ở những trường hợp chủ quan không sớm điều trị, tình trạng viêm cơ và áp xe cơ nhiễm khuẩn có thể nhanh chóng tiến triển, chuyển sang mức độ nghiêm trong. Đồng thời gây biến chứng.

Những biến chứng thường gặp gồm:

  • Viêm khớp lân cận
  • Áp xe xa
  • Sốc nhiễm khuẩn
  • Suy giảm chức năng thận
  • Nhiễm khuẩn huyết
  • Tăng nguy cơ tử vong.

Biện pháp chẩn đoán viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn

Để chẩn đoán viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn, người bệnh sẽ được khám cận lâm sàng kết hợp chẩn đoán cận lâm sàng và chẩn đoán phân biệt.

1. Kiểm tra lâm sàng

  • Kiểm tra vị trí tổn thương
  • Kiểm tra số lượng cơ bị tổn thương
  • Kiểm tra tiền sử mắc bệnh (nhiễm trùng huyết, viêm cơ, bệnh mãn tính, HIV, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trùng hệ sinh dục, chấn thương,…)
  • Kiểm tra tiền sử phẫu thuật (phẫu thuật vùng bụng)
  • Kiểm tra triệu chứng tại chỗ và mức độ nghiêm trọng (đau, sưng tấy, đỏ, có mủ)
  • Kiểm tra triệu chứng toàn thân.
  • Kiểm tra vị trí áp xe, viêm khớp, sốc nhiễm khuẩn… để xác định giai đoạn bệnh.

2. Chẩn đoán cận lâm sàng

Các chẩn đoán cận lâm sàng gồm:

  • Xét nghiệm máu: Kết quả xét nghiệm giúp giúp xác định tình trạng nhiễm trùng, loại vi khuẩn và hướng điều trị thích hợp. Trong trường hợp bị viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn, kết quả xét nghiệm máu thường gồm:
    • Tăng sống lượng bạch cầu
    • Tăng tỉ lệ bạch cầu đoạn trung tính
    • Tăng CRP
    • Tốc độ lắng máu tăng
    • Globulin tăng
    • Tăng Procalcitonin trong trường hợp nặng.
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu xác định nhiễm trùng và loại vi khuẩn gây bệnh
  • Chọc hút ổ mủ: Chọc hút thấy có mủ ở vị trí tổn thương. Kiểm tra tế bào mủ thấy số lượng bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao.
  • Cấy máu: Cấy máu cho ra kết quả dương tính với vi khuẩn.
  • Xét nghiệm vi sinh: Nuôi cấy mủ và soi trực tiếp giúp phân lập vi khuẩn. Một số xét nghiệm vi sinh thường được thực hiện gồm nhuộm Gram, soi tươi, nuôi cấy, PCR lao, BR.
  • Chụp X-quang: Kết quả X-quang giúp xác định tổn thương cơ ở các chi, cơ vùng cột sống thắt lưng, sự bất thường ở xương và các khớp (viêm xương màng xương kết hợp).
    • Tổn thương cơ thắt lưng vùng chậu: Xuất hiện bóng khí, bóng cơ thắt lưng vùng chậu trong hình ảnh X-quang.
    • Tổn thương cơ do vi khuẩn lao: Hình ảnh X-quang thấy canxi hóa tại vùng áp xe.
  • Siêu âm cơ: Siêu âm cơ cho phép bác sĩ xác định cấu trúc sợi cơ, thể tích cơ, áp xe cơ. Đối với người bị viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn, siêu âm cơ cho ra kết quả:
    • Áp xe cơ
    • Các ổ có cấu trúc siêu âm hỗn hợp
    • Mất cấu trúc sợi cơ
    • Cơ tăng thể tích.
  • Chụp cộng hưởng từ: Thông thường chụp cộng hưởng từ được chỉ định cho những bệnh nhân có dấu hiệu áp xe hoặc viêm ở cơ thắt lưng chậu hay viêm hoặc áp xe ở chi.
    • Tăng tín hiệu trên T2 thành ổ khu trú trên cơ.
    • Giảm tính hiệu trên T1.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Hình ảnh chi tiết từ chụp cắt lớp vi tính cho phép bác sĩ chuyên khoa sớm phát hiện những bất thường ở cấu trúc xương khớp, tổn thương cơ với độ nhạy cao. Thông thường kỹ thuật này được chỉ định cho những bệnh nhân có nghi ngờ bị áp xe cơ thắt lưng vùng chậu. Chẩn đoán áp xe khi CT thấy khí ở vùng cơ.

3. Chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán phân biệt viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn với những bệnh lý gồm:

  • Sarcom xương thâm nhiễm cơ: Tổn thương xương trong hình ảnh X-quang hoặc CT scan xương. Những cơ bị thâm nhiễm không có dấu hiệu viêm nhưng sưng to. Dựa vào sinh thiết chẩn đoán xác định.
  • Sarcom cơ, u xơ: Cơ có biểu hiện sưng to nhưng không kèm theo triệu chứng viêm. Chọc hút không có mủ, chỉ có máu. Không tăng bạch cầu trong xét nghiệm. Dựa vào sinh thiết cơ chẩn đoán xác định.

Chẩn đoán phân biệt viêm cơ thắt lưng vùng chậu với những bệnh lý sau:

  • Bệnh lao, bệnh lao xương: Chọc hút mủ để kiểm tra.
  • Đám quánh ruột thừa: Đau cột sống thắt lưng.
  • Tổn thương khớp háng: Khả năng vận động ở khớp háng bị hạn chế.
Chẩn đoán phân biệt
Chẩn đoán phân biệt áp xe cơ nhiễm khuẩn với bệnh lao, sarcom cơ, u xơ, sarcom xương thâm nhiễm cơ…

Nguyên tắc điều trị

  • Dựa vào kháng sinh đồ để lựa chọn thuốc kháng sinh phù hợp. Sử dụng kháng sinh với liều cao sau khi thực hiện những xét nghiệm vi sinh. Thuốc thường được sử dụng bằng đường tĩnh mạch trong thời gian đầu, sau đó chuyển sang đường uống. Sử dụng thuốc liên tục từ 4 đến 6 tuần.
  • Dựa vào bệnh cảnh lâm sàng lựa chọn thuốc kháng sinh theo kinh nghiệm điều trị trong trường hợp chưa có kết quả vi sinh
    • Sử dụng kháng sinh trị tụ cầu vàng trong thời gian đầu. Sử dụng thuốc vancomycin khi có nghi ngờ tụ cầu vàng kháng methicillin.
    • Sử dụng kháng sinh phổ rộng cho những trường hợp bị suy giảm hệ miễn dịch. Trong đó sử dụng clindamycin cho trường hợp nhiễm vi khuẩn yếm khí. Sử dụng kháng sinh nhóm piperacillin/tazobactam hoặc carbapenem kết hợp vancomycin điều trị cho trường hợp nhiễm vi khuẩn yếm khí và trực khuẩn gram âm.
  • Đối với viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn giai đoạn 2 và 3 cần sử dụng thuốc kết hợp phẫu thuật dẫn lưu ổ mủ hoặc chọc hút dẫn lưu mủ.
  • Áp dụng các phương pháp chống sốc nhiễm khuẩn, nâng cao thể trạng và điều trị triệu chứng.

Phương pháp điều trị viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn

Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, loại vi khuẩn và mức độ nghiêm trọng, bệnh nhân bị viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn được điều trị bằng thuốc kháng sinh, có thể kết hợp điều trị triệu chứng và phẫu thuật dẫn lưu ổ mủ hoặc chọc hút dẫn lưu mủ.

Thuốc kháng sinh

Những loại kháng sinh thường được sử dụng trong điều trị viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn gồm:

Đối với trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm vi sinh

  • Sử dụng nafcillin hoặc oxacillin: Tiêm tĩnh mạch 2 gram/ lần x 4 lần/ ngày (mỗi 6 giờ/ lần)
  • Hoặc dùng clindamycin: Tiêm tĩnh mạch 2,4 gram clindamycin/ ngày. Chia thuốc thành 4 lần sử dụng.

Đối với trường hợp tụ cầu còn nhạy cảm với methicillin

  • Dùng Moxifloxacin:Tiêm tĩnh mạch 400mg Moxifloxacin/ ngày, sử dụng liên tục 2 tuần.
  • Hoặc dùng Levofloxacin: Tiêm tĩnh mạch 750mg Levofloxacin/ ngày, sử dụng liên tục 2 tuần.
  • Hoặc dùng Cefazolin: Tiêm tĩnh mạch 1 gram Cefazolin mỗi 8 giờ, sử dụng liên tục 2 tuần.
  • Hoặc dùng Ampicillin/sulbactam: Tiêm tĩnh mạch 3 gram Ampicillin/sulbactam mỗi 6 giờ, sử dụng liên tục 2 tuần.

Chuyển sang kháng sinh đường uống sau 2 tuần sử dụng kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch:

  • Dùng Cephalexin: Uống 500mg Cephalexin mỗi 6 giờ, sử dụng liên tục trong 2 tuần.
  • Hoặc điều trị phối hợp Clindamycin và Levofloxacin hoặc Moxifloxacin: Uống 300mg Clindamycin mỗi 6 giờ kết hợp uống 750mg Levofloxacin/ ngày hoặc 400mg Moxifloxacin/ ngày. Sử dụng liên tục trong 2 tuần.

Đối với trường hợp nghi ngờ tụ cầu kháng methicillin

  • Dùng Linezolid: Tiêm tĩnh mạch 600mg Linezolid mỗi 12 giờ, sử dụng liên tục 2 tuần.
  • Hoặc dùng Vancomycin: Tiêm tĩnh mạch 1 gram Vancomycin mỗi 12 giờ, sử dụng liên tục 2 tuần.
  • Hoặc dùng Daptomycine: Tiêm tĩnh mạch 4 gram Daptomycine/ kg trọng lượng/ ngày, sử dụng liên tục 2 tuần.

Chuyển sang kháng sinh đường uống sau khi sử dụng kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch:

  • Dùng Linezolid: Uống 600mg Linezolid mỗi 12 giờ, sử dụng liên tục trong 2 tuần.
  • Hoặc Minocycline: Uống 100mg Minocycline mỗi 12 giờ, sử dụng liên tục trong 2 tuần.

Đối với trường hợp nhiễm vi khuẩn Gram dương khác hoặc có nghi ngờ

  • Dùng Clindamycin: Tiêm tĩnh mạch 600mg Clindamycin/ lần x 3 lần/ ngày, dùng kéo dài từ 2 đến 3 tuần. Sau đó điều trị duy trì bằng Lincomycin đường uống, uống 600mg Clindamycin lần x 3 lần/ ngày, sử dụng kéo dài từ 4 đến 6 tuần.
  • Hoặc dùng Lincomycin: Tiêm tĩnh mạch 600mg Lincomycin/ lần x 3 lần/ ngày, dùng kéo dài từ 2 đến 3 tuần. Sau đó điều trị duy trì bằng Lincomycin đường uống, uống 600mg Lincomycin lần x 3 lần/ ngày, sử dụng kéo dài từ 4 đến 6 tuần.
  • Hoặc dùng Cefazolin: Tiêm tĩnh mạch Cefazolin 1 gram Cefazolin/ lần x 3 lần/ ngày, sử dụng liên tục trong 2 đến 3 lần. Sau đó điều trị duy trì bằng Cefazolin đường uống, uống 1 gram Lincomycin lần x 4 lần/ ngày, sử dụng kéo dài từ 4 đến 6 tuần.

Đối với trường hợp nhiễm liên cầu hoặc có nghi ngờ

  • Dùng Penicillin G: Tiêm tĩnh mạch 2 – 4 triệu IU Penicillin G mỗi 4 đến 6 giờ. Chuyển sang penicillin V đường uống.
  • Hoặc dùng: Tiêm tĩnh mạch 1 – 2 gram Ceftriaxone/ ngày.

Đối với trường hợp nhiễm trùng trực khuẩn mủ xanh hoặc nghi ngờ

  • Điều trị phối hợp Ceftazidim và kháng sinh nhóm Aminoglycosid: Uống 2 gram Ceftazidim/ lần x 2 – 3 lần/ ngày kết hợp tiêm bắp 3mg Gentamycin/ kg trọng lượng/ ngày vào buổi sáng hoặc tiêm bắp 15mg Amikacin/ kg trọng lượng/ ngày.

Đối với trường hợp nhiễm vi khuẩn Gram âm đường ruột

  • Dùng kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3 hoặc 4: Tiêm tĩnh mạch hoặc uống 500mg Cephalosporin/ ngày trong 3 đến 4 tuần.
  • Hoặc dùng Levofloxacin: Tiêm tĩnh mạch hoặc uống 500mg Levofloxacin/ ngày trong 3 đến 4 tuần.
Điều trị bằng thuốc kháng sinh
Hầu hết trường hợp áp xe cơ nhiễm khuẩn đều được điều trị bằng thuốc kháng sinh kết hợp chọc hút dẫn lưu mủ

Điều trị triệu chứng

Giảm đau hạ sốt

  • Dùng Paracetamol: Uống 500mg/ lần x 4 – 6 lần/ ngày.

Chọc hút dẫn lưu mủ hoặc phẫu thuật dẫn lưu ổ mủ.

Điều trị dự phòng suy thận, viêm khớp, sốc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng máu

Dùng viên uống kết hợp chế độ ăn uống và sinh hoạt nâng cao thể trạng.

Tiên lượng

Phần lớn trường hợp bị viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn đều có đáp ứng tốt với thuốc kháng sinh. Giai đoạn 2 có thể kết hợp dẫn lưu mủ và nâng cao thể trạng.

Tiên lượng nặng khi già yếu suy kiệt, suy giảm hệ miễn dịch, áp xe xa và nhiễm trùng huyết.

Theo dõi

Trong thời gian điều trị cần theo dõi tình trạng sức khỏe, tổn thương cơ cùng các triệu chứng tại chỗ và toàn thân.

Khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra tốc độ máu lắng, tế bào máu ngoại vi, CRP theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Từ đó giúp kiểm soát bệnh lý, diễn tiến, khả năng phục hồi và khả năng đáp ứng với các phương pháp điều trị.

Cách phòng ngừa viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn

Một số biện pháp giúp phòng ngừa viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn gồm:

  • Thăm khám, kiểm soát tốt những ổ nhiễm ban đầu và các bệnh lý nguyên nhân như viêm đường tiết niệu, nhiễm trùng đường sinh dục, nhiễm trùng huyết, viêm cột sống đĩa đệm, bệnh tiểu đường…
  • Chăm sóc tốt các vết thương hở trên da.
  • Tránh tự ý nặn/ cắt mụn nhọt, chọc hút dẫn lưu mủ.
  • Đảm bảo các dụng cụ y khoa được khử trùng trước khi thực hiện thủ thuật, phẫu thuật, tiêm chích, châm cứu.
  • Điều trị dự phòng ở những bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch do nhiễm HIV, điều trị ung thư hoặc dùng thuốc corticoid.
  • Nâng cao thể trạng và hệ miễn dịch bằng cách bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc…
  • Duy trì thói quen luyện tập thể dục, vận động tối thiểu 45 phút/ ngày để nâng cao sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng. Trong đó yoga, đi bộ, đạp xe, chạy bộ, bơi lội… là đều những bài tập tốt cho sức khỏe.
Duy trì thói quen luyện tập thể dục
Duy trì thói quen luyện tập thể dục giúp nâng cao sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng và phòng ngừa bệnh

Viêm cơ, áp xe cơ nhiễm khuẩn là bệnh lý nguy hiểm có khả năng gây biến chứng nhiễm trùng huyết và tăng nguy cơ tử vong ở trường hợp nặng. Tuy nhiên nếu sớm thăm khám và điều trị, bệnh nhân có thể dễ dàng kiểm soát bệnh lý bằng thuốc kháng sinh và chọc hút dẫn lưu mủ. Vì thế nếu nhận thấy có biểu hiện đau và sưng viêm bất thường, người bệnh nên liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và chỉ định điều trị.

Câu hỏi liên quan
Bệnh Đa Xơ Cứng Có Chết Không
Người bệnh đa xơ cứng có chết không, có di truyền không là thắc mắc của nhiều bệnh nhân. Đây là một bệnh tự miễn, không có cách chữa khỏi. Bệnh làm khởi phát các triệu chứng nghiêm trọng, gây ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua