Tư Thế Nằm Cho Người Đau Thần Kinh Tọa và Lưu Ý
Một số tư thế nằm cho người đau thần kinh tọa giúp giảm áp lực lên dây thần kinh bị kích thích, giảm đau nhức và ngăn các triệu chứng bùng phát. Điều này giúp hỗ trợ bệnh nhân kiểm soát triệu chứng trong quá trình điều trị và phục hồi. Đồng thời cải thiện chất lượng giấc ngủ, người bệnh duy trì tâm trạng thoải mái và đảm bảo sức khỏe tổng thể.
Đau thần kinh tọa là gì?
Đau thần kinh tọa (đau dây thần kinh hông) là tình trạng kích thích hay tổn thương dây thần kinh tọa dẫn đến những cơn đau nhức khó chịu dọc theo đường đi của dây thần kinh này. Trong cơ thể người, dây thần kinh tọa là dây thần kinh dày và dài nhất. Nó được tạo từ năm rễ thần kinh, trong đó hai rễ thần kinh bắt đầu từ vùng lưng dưới và ba rễ thần kinh bắt đầu từ xương cùng (phần cuối cùng của cột sống người).
Dây thần kinh tọa từ thắt lưng qua hông đến mông, phân nhánh ở đầu gối và kết thúc ở các ngón chân. Chính vì thế mà người bệnh sẽ có những cơn đau bắt đầu từ lưng dưới, xuống mông, đùi, bàn chân và các ngón chân khi dây thần kinh tọa bị viêm hoặc bị kích thích quá mức.
Đau do tổn thương dây thần kinh tọa thường ở mức trung bình và nặng, kèm với cảm giác tê yếu và châm chích ở những vị trí bị ảnh hưởng. Đối với những trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể mắc hội chứng chùm đuôi ngựa (mất kiểm soát ruột và bàng quang)
Đau thần kinh tọa thường xảy ra sau chấn thương hoặc là kết quả của các bệnh lý nghiêm trọng gồm hội chứng cơ hình lê, thoái hóa cột sống thắt lưng, hẹp ống sống, thoát vị đĩa đệm… Để kiểm soát triệu chứng, người bệnh sẽ được điều trị nguyên nhân kết hợp dùng thuốc điều trị đau thần kinh tọa và phẫu thuật khi cần thiết.
Ngoài ra người bệnh còn được hướng dẫn các tư thế nằm cho người đau thần kinh tọa để hỗ trợ quá trình điều trị. Duy trì tư thế nằm thích hợp có thể giúp giảm áp lực lên dây thần kinh bị kích thích. Đồng thời giảm đau nhức và ngăn các triệu chứng bùng phát.
Các tư thế nằm cho người đau thần kinh tọa
Đau thắt lưng do đau dây thần kinh tọa có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giấc ngủ. Các nghiên cứu cho thấy có đến 55% bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ do đau thắt lưng mãn tính.
Tư thế ngủ phù hợp có thể giúp duy trì sự thẳng hàng tự nhiên của cột sống. Đồng thời tránh các triệu chứng bùng phát làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Dưới đây là những tư thế nằm tốt nhất cho người đau thần kinh tọa:
1. Nằm ngửa
Nằm ngửa được xác định là tư thế nằm cho người đau thần kinh tọa tốt nhất. Nguyên nhân là do cơn đau bắt đầu khi dây thần kinh tọa bị kích thích. Trong khi đó tư thế nắm ngửa có thể giảm áp lực cho những vùng có dây thần kinh tọa chạy ngang, đĩa đệm thắt lưng và lưng dưới. Điều này giúp hạn chế tối đa tình trạng kích thích dây thần kinh bị tổn thương, ngăn cơn đau bùng phát trong khi ngủ.
Ngoài ra nằm ngửa còn giúp trọng lượng được phân bổ đều khắp lưng, ngăn dây thần kinh tọa bị đè nén hoặc bị kích thích. Trong khi nghỉ ngơi hoặc ngủ với tư thế nằm ngửa, người bệnh cần đảm bảo toàn bộ cơ thể được thả lỏng và tiếp xúc với giường.
Hãy kê một chiếc gối dưới đầu gối. Điều này giúp thư giãn các cơ gập hông của bạn. Từ đó duy trì độ cong của cột sống, tăng hiệu quả giảm đau.
Cách thiết lập:
- Nằm ngửa trên giường, dùng một chiếc gối kê dưới đầu để hỗ trợ
- Đặt một hoặc hai chiếc gối mềm dưới đầu gối, để gót chân tựa vào đệm một cách thoải mái.
Ngoài ra người bệnh cũng có thể nằm ngửa với một chiếc gối và khăn đặt dưới lưng dưới. Điều này giúp rút ngắn khoảng cách giữa lưng và đệm. Từ đó giữ cho cột sống ở vị trí trung tính.
Cách thiết lập:
- Nằm ngửa trên giường, kê một chiếc gối sau đầu
- Đặt một chiếc khăn mỏng hoặc một chiếc gối ở vùng lưng dưới để xương chậu và cột sống được giữ ở vị trí trung tính.
Người bệnh có thể kê gối dưới lưng kết hợp kê gối dưới đầu gối để tạo cảm giác thoải mái nhất.
2. Nằm nghiêng
Nếu muốn tìm một tư thế nằm cho người đau thần kinh tọa, bạn có thể thử nằm nghiêng. Tư thế này giúp giảm áp lực lên dây thần kinh bị kích thích và lưng dưới. Từ đó giúp giảm đau và ngăn triệu chứng tái phát hiệu quả.
Tuy nhiên để đạt được lợi ích từ tư thế ngủ này, bạn cần đảm nằm nghiêng về bên không bị đau, giữ cho cột sống và hông thẳng, đầu gối hơi co một chút về phía ngực. Thêm một chiếc gối kê cho hai đầu gối và một chiếc gối nhỏ cho cổ.
Cách thiết lập:
- Nằm trên đệm và nghiêng sang bên không bị đau, kê một chiếc gối nhỏ ở đầu và cổ
- Giữ cho cột sống và hông thẳng, đầu gối hơi co một chút về phía ngực, có thể uốn cong đầu gối một góc 90 độ
- Đặt một chiếc gối giữa hai đầu gối để giảm bớt áp lực ở dây thần kinh tọa.
Để được hỗ trợ nhiều hơn, người bệnh nên đặt dưới vùng thắt lưng một chiếc gối mềm. Điều này giúp đảm bảo duy trì tư thế nằm nghiêng và không làm tăng áp lực cho vùng lưng dưới.
3. Tư thế bào thai
Khi nghỉ ngơi hoặc ngủ ở tư thế bào thai, không gian giữa những đốt sống của bạn sẽ được mở rộng. Điều này giúp giảm đau lưng do đau thần kinh tọa và thoát vị đĩa đệm.
Cách thiết lập:
- Nằm nghiêng sang bên không bị đau
- Uốn cong đầu gối của bạn và đưa về hướng ngực (tương tự như chữ C)
- Kê một chiếc gối ở dưới thắt lưng và ở giữa hai đầu gối.
Một số trường hợp có thể cảm thấy khó chịu khi ngủ ở tư thế thai nhi. Nếu điều này xảy ra, bạn hãy thử nằm ngủ với những tư thế khác.
Tư thế nằm cho người đau thần kinh tọa khi mang thai
Nữ giới thường được khuyên nằm nghiêng khi mang thai. Trong đó, ngủ nghiêng về bên trái được đánh giá là tư thế lý tưởng nhất. Bởi tư thế này cho phép lưu lượng máu tối ưu di chuyển dễ dàng qua tĩnh mạch chủ dưới. Tuy nhiên một số nghiên cứu khác cho rằng ngủ bên phải hay bên trái đều mang đến lợi ích, an toàn cho thai nhi và cho cả bạn.
Nếu bị đau dây thần kinh tọa khi mang thai, thai phụ có thể ngủ nghiêng về phía không bị đau. Điều này sẽ giúp giảm áp lực lên dây thần kinh tổn thương và giảm các triệu chứng của bạn.
Nên kê gối giữa hai đầu gối hoặc/ và kê gối giữa thắt lưng và đệm để tăng hiệu quả trong việc giảm áp lực lên dây thần kinh của bạn. Từ đó tránh dây thần kinh bị kích thích quá mức dẫn đến kích hoạt cơn đau.
Tư thế nằm không tốt cho người đau thần kinh tọa
Khi bị đau dây thần kinh tọa hoặc có những nguyên nhân gây đau thắt lưng khác, người bệnh nên tránh nằm sấp. Bởi tư thế nằm này có thể kích thích và làm tăng mức độ nghiêm trọng của cơn đau.
Trong khi nằm sấp, cột sống có xu hướng cong về phía nệm. Điều này gây căng thẳng cho các khớp, cơ và dây thần kinh tọa của bạn. Từ đó làm mất đường cong tự nhiên của cột sống và khởi phát những cơn đau ở cổ và vùng lưng dưới, nhất là khi ngủ trên nệm mềm. Ngoài ra nằm sấp cũng là một trong những tư thế gây căng cơ cổ.
Lưu ý giúp giảm đau thần kinh tọa khi ngủ
Một số lưu ý có thể giúp ngăn cơn đau bùng phát trong khi ngủ và đạt hiệu quả tối đa từ những tư thế nằm cho người đau thần kinh tọa. Bao gồm:
- Ngủ trên sàn nhà: Người bệnh nên ngủ trên một tấm vải mỏng đặt trên sàn nhà như thảm cấm trại, thảm tập yoga. Bởi điều này có thể giúp giữ cột sống thẳng hàng tốt hơn.
- Ngủ trên nệm có độ cứng vừa phải: Bạn nên nằm trên một tấm nệm có độ cứng trung bình. Kết quả nghiên cứu cho thấy, loại nệm này có thể cải thiện sự liên kết cột sống và thúc đẩy chất lượng giấc ngủ. Ngoài ra việc ngủ trên một tấm đệm tốt còn giúp hỗ trợ quá trình điều trị đau thần kinh tọa và đau lưng do các nguyên nhân khác. Bởi loại đệm này có thể giúp hỗ trợ cổ, vai, lưng, hông và đầu gối, giảm áp lực cho các điểm trên cơ thể. Từ đó giảm áp lực lên dây thần kinh tọa và lưng dưới.
- Tránh nệm mềm: Không nên nằm trên các bề mặt mềm trong khi ngủ hoặc nghỉ ngơi. Vì chúng có thể khiến cơ thể của bạn bị lún vào trong, cột sống bị uốn cong không theo đúng hướng. Từ đó kích thích khởi phát hoặc làm tăng mức độ đau lưng do tổn thương dây thần kinh tọa.
- Đặt ván ép dưới nệm: Nếu cảm thấy nệm của bạn quá mềm, hãy đặt một tấm ván ép dưới nệm để cải thiện.
- Sử dụng một chiếc gối ôm sát cơ thể: Để tránh bị lật từ bên hông và nắm sấp vào lúc nửa đêm, bạn nên cân nhắc sử dụng một chiếc gối ôm sát cơ thể.
- Tập yoga hoặc kéo giãn các cơ: Trước khi đi ngủ, người bệnh nên tập yoga với các bài tập phù hợp hoặc thực hiện một số động tác kéo giãn nhẹ nhàng. Những bài tập này giúp giảm áp lực lên dây thần kinh, thả lỏng cơ bắp. Từ đó giảm nhẹ và hạn chế cơn đau bùng phát.
- Tuân thủ vệ sinh giấc ngủ tốt: Việc thiết lập những thói quen ngủ tốt có thể hỗ trợ quá trình điều trị đau thần kinh tọa bằng cách hạn chế phát sinh cơn đau. Bởi một số thói quen như đi ngủ đúng giờ hàng ngày, giữ phòng ở nhiệt độ thoải mái, tránh dùng caffeine trước khi đi ngủ… có tác dụng cải thiện chất lượng giấc ngủ tổng thể. Đồng thời giúp kiểm soát tâm trạng, tránh căng thẳng do thiếu ngủ hay ngủ không đủ giấc. Trong khi đó căng thẳng, stress là một trong những yếu tố kích thích cơn đau do tổn thương dây thần kinh tọa.
- Tắm với nước ấm: Một số kết quả kiểm tra cho thấy, tắm với nước ấm mỗi ngày có thể giúp làm dịu cơn đau thần kinh tọa. Đồng thời giúp cải thiện tinh thần và tăng cảm giác buồn ngủ. Ngoài ra tắm nước ấm trước khi đi ngủ còn giúp các cơ và khớp xương được thư giãn, cải thiện giấc ngủ, kích thích giải phóng endorphin giúp ức chế sự dẫn truyền tín hiệu đau.
Trên đây là một số tư thế nằm cho người đau thần kinh tọa và những lưu ý. Nhìn chung ngủ với tư thế nằm ngửa và nằm nghiêng sẽ tốt hơn so với ngủ ở tư thế nằm sấp. Nếu bạn thích ngủ nghiêng, hãy kê một chiếc gối giữa thắt lưng và đệm hoặc/ và kê một chiếc gối giữa hai đầu gối.
Nếu bạn là người thích nằm ngửa khi ngủ, hãy kê một chiếc gối dưới đầu gối hoặc/ và dưới lưng để giúp giảm đau do tổn thương dây thần kinh tọa. Đồng thời giảm nguy cơ bùng phát cơn đau trong khi ngủ.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!