Xương Khớp Kêu Răng Rắc Có Nguy Hiểm? Điều Cần Biết
Xương khớp kêu răng rắc khi cử động thường là dấu hiệu của bệnh khô khớp, phổ biến ở người cao tuổi và người ít vận động. Trong nhiều trường khác, tình trạng này xảy ra do viêm xương khớp và một số dạng viêm khớp khác. Tùy thuộc vào nguyên nhân, tiếng kêu bất thường có thể xuất hiện đồng thời với tình trạng sưng và đau khớp.
Xương khớp kêu răng rắc là bị gì?
Xương khớp kêu răng rắc là tình trạng một hoặc nhiều khớp xương phát tiếng kêu răng rắc khi cử động. Tình trạng này có thể thoáng qua, không kèm theo triệu chứng bất thường. Đôi khi xuất hiện đồng thời với cảm giác co cứng, kém linh hoạt. Một số trường hợp khác còn bị sưng và đau khớp.
Tiếng kêu bất thường ở xương khớp thường gặp ở người lớn tuổi và người trẻ ít vận động, chủ yếu liên quan đến bệnh khô khớp và thoái hóa khớp. Đôi khi xương khớp kêu răng rắc liên quan đến các dạng viêm khớp và một số bệnh lý nghiêm trọng khác.
1. Khô khớp
Xương khớp thường xuyên kêu răng rắc thường là dấu hiệu cảnh báo bệnh khô khớp. Bệnh lý này thể hiện cho tình trạng suy giảm hoặc mất khả năng tiết dịch nhờn bôi trơn các khớp. Thiếu dịch nhờn khiến một hoặc nhiều khớp xương bị khô, cứng khớp, kém linh hoạt hay thậm chí là khó co duỗi.
Trong giai đoạn tiến triển của bệnh, khớp khô còn phát ra tiếng kêu răng rắc hay lục cục khi co – duỗi khớp hoặc khi đi lại. Một số trường hợp nặng có sụn khớp và xương dưới sụn bị tổn thương dẫn đến đau khớp, sưng khớp, nóng đỏ quanh vùng tổn thương, yếu chi…
Khô khớp thường do lười vận động, chấn thương, sinh hoạt kém lành mạnh (hút thuốc lá, lạm dụng khớp quá mức…), thừa cân béo phì, thoái hóa xương khớp, viêm khớp, viêm màng bao hoạt dịch khớp và nhiều bệnh lý khác.
2. Viêm gân
Tương tự như dây chằng, gân được tạo nên từ tập hợp những mô liên kết dạng sợi, nằm ở mỗi đầu của cơ. Chúng có nhiệm vụ gắn kết cơ với xương, cho phép các khớp chuyển động linh hoạt, truyền lực và điều chỉnh lực trong các hoạt động.
Tuy nhiên khi gân bị viêm hoặc bị kích ứng quá mức, chức năng truyền lực và liên kết cơ với xương suy giảm, người bệnh bị đau và vận động khó khăn hơn. Ngoài ra viêm gân gây sưng gân, ma sát khi cử động khớp dẫn đến căng cứng, khớp phát ra tiếng kêu bất thường khi cử động.
3. Viêm xương khớp
Xương khớp kêu răng rắc có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm xương khớp (OA) hay còn gọi là thoái hóa khớp. Đây là một loại viêm khớp do hao mòn (thoái hóa). Bệnh lý này diễn tiến theo thể mãn tính, không có phương pháp điều trị dứt điểm.
Viêm xương khớp xảy ra khi sụn bị hao mòn hoặc bị phá hủy, các đầu xương bắt đầu cọ xát với nhau dẫn đến kích thích và viêm bên trong. Tổn thương sụn và xương dưới sụn khiến gai xương hình thành trên bề mặt khớp. Đây là nguyên nhân làm tăng mức độ cọ xát, co cứng, đau khớp và phát ra tiếng kêu bất thường.
Những triệu chứng và dấu hiệu nhận biết bệnh viêm xương khớp:
- Đau khớp
- Cứng khớp
- Sưng khớp
- Phát ra âm thanh răng rắc hoặc lục cục khi di chuyển hay cử động (âm thanh do ma xát, xảy ra khi bề mặt của khớp bị thoái hóa nghiêm trọng)
- Hạn chế phạm vi vận động
- Phát triển gai xương
- Biến dạng khớp.
Viêm xương khớp và các triệu chứng thường được kiểm soát bằng chế độ ăn uống giàu omega-3 và vitamin (vitamin C, vitamin B…) kết hợp biện pháp chăm sóc (sử dụng nhiệt, vận động nhẹ nhàng…), thuốc giảm đau, vật lý trị liệu và phẫu thuật khi cần thiết.
4. Bệnh loãng xương
Bệnh loãng xương là một trong những nguyên nhân khiến xương khớp kêu răng rắc, chủ yếu phát ra ở lưng và khớp háng. Bệnh lý này là một dạng rối loạn chuyển hóa của xương khiến mật độ xương (chất lượng xương) bị suy giảm.
Ngoài tiếng kêu bất thường, bệnh loãng xương còn gây ra những cơn đau ở các đầu xương (đặc biệt là các khớp chịu nhiều áp lực), đau lưng, cột sống bị xẹp lún, tăng nguy cơ gãy xương và đau thần kinh tọa.
Bệnh loãng xương thường gặp ở phụ nữ mãn kinh, người có chế độ ăn uống kém lành mạnh và thiếu canxi, tác dụng phụ từ steroid và một số loại thuốc khác.
5. Vôi hóa ổ khớp
Vôi hóa ổ khớp là thuật ngữ y tế thể hiện cho tình trạng lắng dọng canxi ở xương dưới sụn và các mô sụn. Không rõ nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên các nhà khoa học tin rằng, sự vôi hóa có liên quan đến quá trình lão hóa theo tuổi tác và chấn thương.
Ở bệnh nhân bị vôi hóa ổ khớp, các đầu sụn có dấu hiệu bị khô và tổn thương, phát ra tiếng kêu lạo xạo, lục cục hay răng rắc khi di chuyển. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân còn có dấu hiệu đau khớp và sốt trên 38 độ.
6. Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh viêm khớp liên quan đến rối loạn tự miễn trong cơ thể. Bệnh xảy ra khi các mô khỏe mạnh bị tấn công bởi hệ miễn dịch bị rối loạn. Điều này gây ra những tổn thương nặng nề cho khớp, toàn thân và ngoài khớp.
Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp có xương khớp kêu răng rắc bất thường. Tình trạng này liên quan đến sưng và cứng khớp, thường gặp vào buổi sáng sau khi ngủ dậy.
Ngoài ra những thương tổn do viêm khớp dạng thấp còn gây đau đớn, nóng và đỏ quanh khớp bị ảnh hưởng. Những trường hợp nặng hơn có nốt thấp (đường kính từ 5 – 20mm) nổi gồ trên bề mặt da, bệnh nhân bị viêm ngoài màng tim hoặc viêm ngoài màng phổi không triệu chứng.
7. Chấn thương
Xương khớp kêu răng rắc thường khởi phát sau một chấn thương mạnh, do tai nạn giao thông hoặc va chạm khi chơi thể thao. Điều này khiến sụn khớp và các đầu xương bị tổn thương hoặc bị kích thích quá mức, khớp kêu lục cục hay răng rắc khi cử động.
Ngoài ra chấn thương còn gây đau khớp, co cứng, sưng và nóng đỏ ở khớp bị ảnh hưởng, bệnh nhân khó cử động. Tuy nhiên các triệu chứng thường giảm nhanh khi được chăm sóc tích cực.
8. Bẻ khớp
Nứt khớp (bẻ khớp) là thao tác trên các khớp để tạo ra âm thanh. Đôi khi nó được thực hiện bởi bác sĩ nắn khớp hoặc các nhà vật lý trị liệu. Tiếng kêu răng rắc của các khớp (nhất là khớp ngón tay) thường liên quan đến viêm khớp (như viêm khớp dạng thấp) và những vấn đề về khớp khác.
Tuy nhiên những nguyên nhân dưới đây cũng có thể làm khởi phát âm thanh nứt do uốn, nén hoặc vặn các khớp:
- Kéo giãn dây chằng khi bẻ khớp
- Những túi dịch bên trong khớp đột ngột bị kéo căng
- Sự kết đinh nội khớp bị phá vỡ
- Liên quan đến sự hình thành bong bóng khí trong ổ khớp.
Cơ chế nứt và phát ra âm thành là do một phần bọt khí cacbonic (bên trong các khớp) xẹp xuống một cách đột ngột. Để bẻ cùng một đốt ngón tay, cần được khoảng 15 phút để bong bong phục hồi và hình thành trở lại.
Xương khớp kêu răng rắc có nguy hiểm không?
Xương khớp kêu răng rắc không kèm theo triệu chứng khác có thể là dấu hiệu sinh lý bình thường (tiếng kêu bất thường khi bẻ khớp). Những trường hợp khác liên quan đến các vấn đề không quá nghiêm trọng, chẳng hạn như khô khớp do thiếu vận động, chấn thương. Các triệu chứng thường ngăn hạn, được khắc phục nhanh bằng các biện pháp chăm sóc.
Tuy nhiên tình trạng này cũng có thể bắt nguồn từ những bệnh lý nghiêm trọng, bao gồm các dạng viêm khớp (viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp…), bệnh loãng xương, vôi hóa ổ khớp. Việc không điều trị có thể gây những vấn đề sau:
- Tổn thương xương khớp vĩnh viễn
- Ảnh hưởng đến dây thần kinh
- Tăng nguy cơ gãy xương
- Khởi phát những cơn đau mãn tính.
Chính vì thế bệnh nhân được khuyên sớm thăm khám, chẩn đoán xác định nguyên nhân. Việc điều trị kịp thời có thể ngăn tổn thương tiếp diễn, khắc phục tình trạng xương khớp kêu răng rắc và những triệu chứng liên quan.
Chẩn đoán xương khớp kêu răng rắc
Trong quá trình thăm khám, người bệnh được yêu cầu cử động các khớp hoặc đi lại nhẹ nhàng để kiểm tra tiếng kêu bất thường. Ngoài ra bệnh nhân được đặt một số câu hỏi liên quan đến bệnh sử và những triệu chứng đi kèm, chẳng hạn như sưng, đau, cứng khớp… Điều này giúp đánh giá tốt hơn về các tình trạng.
Sau kiểm tra lâm sàng, một số xét nghiệm dưới đây có thể được đề nghị để xác định nguyên nhân và đánh giá mức độ tổn thương.
- Xét nghiệm máu: Chỉ định này được thực hiện để kiểm tra các yếu tố gây viêm trong cơ thể, chẳng hạn như protein phản ứng C, tăng tốc độ lắng máu (lắng hồng cầu). Ngoài ra xét nghiệm máu còn giúp xác định sự hiện diện của vi trùng.
- Chụp X-quang: Chụp X-quang được kiểm tra những bất thường liên quan đến xương. Cụ thể như tình trạng hao mòn sụn khiến các đầu xương đối đầu, gai xương, tổn thương xương dưới sụn.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI tạo ra hình ảnh rõ nét hơn về cấu trúc ổ khớp, giúp kiểm tra sụn và đánh giá mức độ tổn thương của các mô lân cận.
- Chụp cắt lớp vi tính(CT): Kỹ thuật này chỉ được chỉ định cho những trường hợp nặng, có tổn thương tiềm ẩn, không thể chẩn đoán xác định bằng những xét nghiệm nêu trên.
Điều trị xương khớp kêu răng rắc
Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ tổn thương, xương khớp kêu răng rắc có thể đi kèm với tình trạng cứng khớp, đau khớp, giảm khả năng vận động, viêm, nóng và đỏ khớp. Để điều trị, bệnh nhân có thể được hướng dẫn những biện pháp dưới đây:
1. Biện pháp chăm sóc tại nhà
Một số biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp cải thiện xương khớp kêu răng rắc và các triệu chứng đi kèm, cụ thể:
- Nghỉ ngơi
Nếu xương khớp kêu răng rắc kèm theo cảm giác co thắt và đau nhức nhiều, người bệnh nên nghỉ ngơi hoàn toàn trong 24 – 48 tiếng. Tránh thực hiện những hoạt động có thể làm tăng sức độ tổn thương. Đồng thời không gắng sức hay lạm dụng khớp. Khi nghỉ ngơi khớp tổn thương sẽ được thư giãn, ổn định chức năng tiết dịch và giảm đau nhức.
- Chườm ấm
Chườm ấm thích hợp cho những bệnh nhân có xương khớp kêu răng rắc do khô khớp, cứng khớp. Biện pháp này có tác dụng làm ấm vùng ảnh hưởng, tăng lưu thông máu giúp tổn thương mau lành.
Ngoài ra chườm ấm còn giúp giảm đau, thư giãn khớp xương, giảm cứng khớp và cải thiện khả năng tiết dịch nhờn bôi trơn ổ khớp. Biện pháp này nên được thực hiện 20 phút mỗi lần, mỗi ngày 3 – 4 lần. Dùng miếng đệm sưởi hoặc chai nước ấm đặt lên khớp bị ảnh hưởng.
- Chườm lạnh
Chườm lạnh thích hợp với những bệnh nhân có các tình trạng viêm hoặc chấn thương. Biện pháp có tác dụng giảm viêm, sưng và đau khớp. Từ đó hỗ trợ phục hồi và hạn chế tiếng kêu bất thường khi di chuyển. Khi thực hiện, dùng túi rau củ đông lạnh hoặc túi đá bọc trong khăn bông, đặt lên khớp ảnh hưởng trong 15 phút, vài lần mỗi ngày.
- Tiếp tục chuyển động
Bệnh nhân có xương khớp kêu răng rắc được khuyên tiếp tục chuyển động và thực hiện các động tác thích hợp. Điều này giúp kích thích dịch nhờn bôi trơn khớp, tránh cứng khớp tiến triển. Đồng thời tăng tính linh hoạt và hỗ trợ kiểm soát cơn đau. Tuy nhiên cần tránh thực hiện những hoạt động làm tăng áp lực quá mức lên ổ khớp hoặc gây đau.
- Thiết lập chế độ ăn uống phù hợp
Thực hiện chế độ ăn uống phù hợp, giàu omega-3, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa có thể cải thiện tình trạng xương khớp kêu răng rắc. Các nghiên cứu cho thấy, những loại thực phẩm chứa omege-3 (như hạnh nhân, dầu thực vật, cá hồi, cá trích, dầu gan cá tuyết…) có thể giảm viêm và đau, tăng tiết dịch nhờn bôi trơn khớp.
Ngoài ra omega-3 còn có tác dụng tăng khả năng tái tạo sụn và giữ tính linh hoạt cho khớp. Điều này giúp người bệnh thực hiện các chuyển động trơn tru, không gây cứng khớp và không phát ra tiếng kêu bất thường.
Các chất chống oxy hóa, vitamin A, C, canxi, magie… có tác dụng cải thiện hệ xương khớp chắc khỏe, làm chậm quá trình lão hóa. Từ đó ngăn ngừa sụn khớp hư hỏng, đau đớn và phát ra tiếng kêu bất thường. Ngoài ra vitamin C còn giúp giảm viêm và giảm đau hiệu quả.
2. Bổ sung Glucosamine
Bổ sung Glucosamine theo hướng dẫn của bác sĩ có thể giúp cải thiện xương khớp kêu răng rắc do khô khớp và viêm khớp (đặc biệt là viêm xương khớp). Glucosamine tự nhiên được phát hiện trong chất lỏng quanh khớp. Khi được duy trì hàm lượng, chất này giúp nuôi dưỡng và tái tạo sụn khớp hư hỏng, tăng tiết dịch nhờn.
Ngoài ra Glucosamine còn có tác dụng giảm đau, viêm và sưng, làm chậm quá trình lão hóa và ngăn thoái hóa khớp tiếng triển. Vì thế việc sử dụng có thể giúp khắc phục tổn thương sụn, xương khớp và những vấn đề liên quan.
3. Vật lý trị liệu
Những trường hợp nặng được khuyên vật lý trị liệu để cải thiện tình trạng. Trong quá trình này, bệnh nhân được hướng dẫn các bài tập kéo giãn và tăng phạm vi chuyển động cho khớp. Những bài tập có tác dụng cải thiện tính linh hoạt và khả năng vận động, giảm cứng khớp, ngăn tình trạng xương khớp kêu răng rắc khi cử động.
Ngoài ra tập vật lý trị liệu còn có tác dụng hỗ trợ giảm đau, tăng cường sự dẻo dai và chức năng tiết dịch bôi trơn. Đồng thời cải thiện cơ và dây chằng hỗ trợ. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân còn được massage trị liệu và sử dụng nhiệt.
4. Dùng thuốc
Nếu xương khớp kêu răng rắc kèm theo viêm và đau đớn, người bệnh có thể được chỉ định một số loại thuốc giảm đau dưới đây:
- Thuốc giảm đau tại chỗ: Capsaicin hoặc thuốc chứa salicylat có thể được dùng để giảm đau tại chỗ có khớp bị thương. Những loại thuốc này được dùng bằng cách bôi trực tiếp và thực hiện động tác xoa bóp nhẹ nhàng.
- Acetaminophen: Đây là thuốc giảm đau đơn thuần, được dùng cho cơn đau nhẹ. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn hoạt động truyền tính hiệu đau đến não.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID thường được dùng dưới dạng viên uống. Thuốc có tác dụng trị viêm và giảm đau cho trường hợp nhẹ đến vừa. Tùy thuộc vào khả năng đáp ứng, bệnh nhân có thể được dùng Ibuprofen, Naproxen hoặc Aspirin.
- Thuốc giảm đau nhóm opioid: Những cơn đau nghiêm trọng có thể được căn nhắc sử dụng thuốc giảm đau nhóm opioid. Thuốc có khả năng khắc phục cơn đau trong thời gian ngắn.
- Tiêm axit hyaluronic: Phương pháp này giúp cung cấp chất bôi trơn, duy trì tính linh hoạt cho khớp xương và giảm đau.
- Tiêm corticoid vào khớp: Corticoid có tác dụng giảm đau và viêm tại chỗ. Phương pháp này phù hợp với bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp hay có tình trạng viêm nghiêm trọng.
Sau khi viêm và đau khớp thuyên giảm, bệnh nhân có thể trở lại các hoạt động nhẹ nhàng để kích thích sản sinh dịch nhờn, tăng tính linh hoạt và khả năng vận động. Từ đó sớm khắc phục tình trạng xương khớp kêu răng rắc.
5. Phẫu thuật
Phẫu thuật hiếm khi được chỉ định cho những trường hợp có xương khớp kêu răng rắc. Thông thường phương pháp này chỉ cần thiết khi người bệnh có tổn thương khớp nghiêm trọng, mất sụn, gai xương lớn, điều trị nội khoa không hiệu quả. Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân được phẫu thuật thay khớp hoặc cắt xương.
Phòng ngừa xương khớp kêu răng rắc
Một số biện pháp dưới đây có thể giúp giảm thiểu tình trạng xương khớp kêu răng rắc và những tình trạng y tế liên quan:
- Tránh lạm dụng khớp hay vận động gắng sức. Ngoài ra nên mang giày phù hợp và sử dụng các thiết bị hỗ trợ để giảm nguy cơ chấn thương.
- Nghỉ ngơi đầy đủ để cơ thể và các khớp xương có thời gian phục hồi.
- Duy trì tư thế tốt trong sinh hoạt, mang vác vật nặng đúng cách.
- Tránh ngồi lâu hoặc đứng lâu một chỗ. Đảm bảo dành từ 5 – 10 phút nghỉ giải lao, đi lại và kéo giãn xương khớp sau mỗi giờ làm việc.
- Kiểm soát cân nặng. Giảm cân bằng chế độ ăn uống và luyện tập khoa học, tránh thừa cân béo phì. Vì điều này làm tăng áp lực lên khớp xương, tăng nguy cơ viêm xương khớp dẫn đến xương khớp kêu răng rắc.
- Duy trì thói quen vận động và tập thể dục. Nên lựa chọn những bài tập có cường độ thích hợp, chẳng hạn như các bài tập kéo giãn trong yoga, bơi lội, đạp xe, đi bộ, chạy bộ…
- Thường xuyên xoa bóp để thư giãn, kích thích quá trình tăng tiết dịch nhờn bôi trơn các khớp.
- Người lớn tuổi nên bổ sung Glucosamine để ngăn ngừa các bệnh lý về khớp.
- Tăng cường bổ sung các thành phần dinh dưỡng tốt cho xương khớp và sụn. Cụ thể như omega-3, các vitamin và khoáng chất (vitamin A, B, C, D, E, canxi, magie…), protein, chất chống oxy hóa. Lưu ý thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung dinh dưỡng từ các thực phẩm lành mạnh như rau xanh, trái cây, các loại đâu, hạt, cá béo, thịt, trứng, sữa…
Xương khớp kêu răng rắc là tình trạng thường gặp, khởi phát do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên hầu hết bệnh nhân có thể khắc phục tình trạng này bằng cách chăm sóc và điều trị y tế sớm. Vì thế, người bệnh nên sớm thăm khám và điều trị ngay khi xương khớp có tiếng kêu bất thường kèm theo những triệu chứng khác.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!