Xương Em Bé Kêu
Theo dõi IHR trênXương em bé kêu xảy ra do những bất thường liên quan đến sự liên kết giữa các xương. Đây là một tình trạng hiếm gặp và thường không nguy hiểm. Sau một thời gian phát triển, hệ xương của trẻ có thể được ổn định và đảm bảo vận động bình thường. Tuy nhiên phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện nếu khớp xương kêu răng rắc kèm theo đau nhức sau một chấn thương.
Xương em bé kêu là bị gì?
Xương em bé kêu là tình trạng các khớp xương lỏng lẻo, mất tính liên kết và phát sinh tiếng kêu răng rắc khi cử động. Tình trạng xảy ra khi có những bất thường trong liên kết giữa các xương do quá trình phát triển hệ xương hoặc do chấn thương, va chạm.
Hệ xương của bé phát ra tiếng kêu thường không nguy hiểm và ít gặp. Hầu hết các trường hợp đều tự khỏi sau khi xương khớp đã phát triển và tăng tính liên kết giữa các đầu xương. Tuy nhiên phụ huynh cần thận trọng nếu khớp xương phát ra tiếng kêu kèm theo đau nhức, trẻ quấy khóc, sưng to tại vị trí tổn thương hoặc có chấn thương.
Vị trí bị ảnh hưởng thường là những khớp hoạt động thường xuyên và chịu nhiều áp lực từ trọng lượng cơ thể, điển hình như:
- Khớp đầu gối
- Khuỷu tay
- Khớp cổ tay
- Các khớp ở lưng
- Khớp háng
- Khớp mắt cá chân
Nguyên nhân khiến xương em bé kêu
Có hai nguyên nhân chính khiến xương em bé kêu gồm quá trình phát triển hệ xương và chấn thương.
- Quá trình phát triển hệ xương
Đối với trẻ sơ sinh, xương nhỏ, các đầu xương và ổ khớp chưa có sự liên kết chặt chẽ. Điều này khiến sụn và các phần xương rời rạc, phát ra tiếng kêu, lỏng lẻo và yếu ở các khớp khi cử động. Tuy nhiên sau một thời gian phát triển và bổ sung dinh dưỡng, các đầu xương và sụn có thể hoàn thiện, liên kết chặt chẽ với nhau.
- Chấn thương
Chấn thương do vấp té hoặc va chạm có thể là nguyên nhân khiến xương em bé kêu. Tình trạng này thường nghiêm trọng nhưng không phổ biến. Đối với chấn thương, xương kêu thường kèm theo cảm giác khó chịu và đau nhức khiến trẻ quấy khóc, vị trí tổn thương sưng, đỏ hoặc bầm tím.
Dấu hiệu xương em bé kêu
Đối với những trường hợp có xương khớp lỏng lẻo và chưa phát triển toàn diện, phụ huynh có thể nhận thấy một số biểu hiện sau:
- Khớp xương kêu răng rắc hoặc lụp cụp. Phát ra tiếng kêu nhiều và rõ hơn khi cử động khớp gối, cổ tay, khuỷu tay và khớp háng
- Phát ra tiếng kêu ở nhiều vị trí
- Yếu chi, khó vận động
- Không có cảm giác đau khi nắn bóp hoặc giúp trẻ mở rộng khớp
Dấu hiệu nhận biết xương em bé kêu khi có chấn thương:
- Chỉ phát ra tiếng kêu ở một hoặc hai vị trí bị ảnh hưởng
- Sưng khớp
- Đỏ hoặc bầm tím
- Trẻ khó vận động hoặc mở rộng khớp
- Đau nhức
- Đau nhiều hơn khi chạm vào
- Trẻ thường xuyên quấy khóc
- Sốt
- Có dị tật ở vị trí tổn thương
Xương em bé kêu có nguy hiểm không?
Hầu hết các trường hợp xương em bé kêu xảy ra do sự liên kết kém chặt chẽ của các khớp xương nên thường không nguy hiểm. Trẻ có thể vận động bình thường sau khi hệ xương phát triển, tăng tính ổn định và liên kết. Để thúc đẩy quá trình phát triển, ba mẹ có thể tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho trẻ và thường xuyên massage tay, chân và các khớp cho trẻ.
Tuy nhiên, ba mẹ cần đưa con đến bệnh viện khi xương em bé kêu sau một chấn thương, té ngã/ va đập mạnh hoặc xương khớp phát ra tiếng kêu kèm theo những biểu hiện sau:
- Sưng đỏ hoặc bầm tím tại khu vực tổn thương
- Đau nhức khiến trẻ quấy khóc hoặc uốn người, vặn mình cả đêm không ngủ được
- Sốt
- Xuất hiện dị tật do sai khớp hoặc xương gãy
- Không thể duỗi thẳng tay, chân
- Khớp lỏng lẻo, yếu
- Hạn chế khả năng vận động của trẻ
- Khớp kêu nhiều lần, âm thanh bất thường và to
Chẩn đoán xương em bé kêu
Thông thường các khớp bị ảnh hưởng và phát ra tiếng kêu sẽ được chẩn đoán bằng cách khám lâm sàng. Cụ thể bác sĩ tiến hành kiểm tra triệu chứng (triệu chứng tại chỗ, toàn thân), chấn thương trước đó, tình trạng sức khỏe.
Nếu có bất thường, trẻ sẽ được chụp X-quang kết hợp với một số kỹ thuật khác nhằm kiểm tra bất thường ở xương và khớp, đánh giá tổn thương, mức độ dị tật và xác định hướng điều trị hiệu quả.
Khắc phục xương em bé kêu
Để sớm cải thiện hệ xương, khắc phục xương em bé kêu, ba mẹ có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản dưới đây:
1. Tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho trẻ
Tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho trẻ là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp giảm xương yếu, nâng cao tính liên kết và hạn chế phát ra tiếng kêu từ khớp xương của trẻ.
Các chuyên gia khuyến cáo, trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi cần được nuôi bằng sữa mẹ. Vì thế trong giai đoạn này, mẹ nên ăn nhiều thực phẩm giàu canxi, vitamin D và protein để tăng khả năng nuôi dưỡng hệ xương của con thông qua sữa mẹ.
Đối với những trẻ trong độ tuổi ăn dặm, ba mẹ cần đảm bảo bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ. Đặc biệt nên thường xuyên cho trẻ dùng thực phẩm giàu canxi, protein và vitamin D để tăng mật độ xương, phát triển sụn, tăng chiều cao. Đồng thời cải thiện tính ổn định và hạn chế tối đa nguy cơ phát ra tiếng kêu.
Một số loại thực phẩm giúp giàu canxi, protein và vitamin D:
- Sữa
- Phô mai
- Trứng
- Các loại rau lá xanh
- Sữa chua
- Hạnh nhân
- Cá mòi
- Cá hồi
- Dầu gan cá tuyết
- Các loại đậu
- Ức gà
- Các loại hạt…
Ngoài ra mẹ cũng cần cho trẻ bổ sung thêm vitamin C để nâng cao sức khỏe và sức đề kháng, giảm viêm nhiễm, làm dịu cơn đau.
2. Cho trẻ uống nhiều nước
Ba mẹ được khuyên cho trẻ uống nhiều nước để tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, giúp trẻ lớn nhanh và giảm nguy cơ xương em bé kêu. Ngoài ra uống nhiều nước còn giúp trẻ đào thải độc tố và phòng ngừa táo bón.
3. Tắm nắng mỗi ngày
Ánh sáng mặt trời là nguồn bổ sung vitamin D tốt và dồi dào nhất cho trẻ. Loại vitamin này có tác dụng tăng tốc độ và khả năng hấp thụ canxi của cơ thể. Từ đó đảm bảo hệ xương phát triển khỏe mạnh, tăng tính liên kết và hạn chế tối đa nguy cơ phát ra tiếng kêu ở các khớp xương.
Vì thế trẻ nhỏ nên được tắm nắng mỗi ngày. Tuy nhiên bạn cần lưu ý không nên cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời điểm nắng gắt. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến làn da của trẻ.
Thời điểm và thời gian tắm nắng phù hợp:
- Thời điểm: Sáng từ 6h đến 7h.
- Thời gian: 10 phút/ ngày.
4. Massage nhẹ nhàng
Massage nhẹ nhàng cho trẻ đã được chứng minh là có khả năng cải thiện tính linh hoạt của các khớp và khắc phục tình trạng xương em bé kêu. Bởi khi massage, các khớp xương và dây chằng sẽ được thư giãn, giảm đau, giảm căng cơ và cứng khớp. Đồng thời tăng độ dẻo dai và khả năng chuyển động linh hoạt của các khớp xương.
Ngoài ra biện pháp massage còn giúp giãn mạch và kích thích quá trình lưu thông khí huyết. Điều này tăng tính ổn định và giảm tổn thương ở các khớp. Từ đó trẻ vận động dễ dàng và hạn chế xương em bé kêu.
Hướng dẫn massage khắc phục xương em bé kêu:
Massage đùi
- Để em bé nằm yên một chỗ
- Dùng lực từ hai bàn tay nhẹ nhàng xoa bóp, massage đùi cho trẻ
- Bóp từ trên xuống, từ bên này sang bên kia và ngược lại
- Thực hiện trong 3 phút
- Lặp lại động tác với bên chân còn lại.
Massage má đùi
- Ba mẹ cho trẻ ngồi hoặc nằm ngửa
- Dùng lực từ hai bàn tay nhẹ nhàng xoa bóp từ hông xuống má đùi bên ngoài (trong 2 phút)
- Nhẹ nhàng xoa bóp má đùi bên trong (trong 2 phút)
- Nắn và bóp nhẹ đầu gối trong 1 phút
- Lặp lại động tác với bên chân còn lại.
Massage đùi trước
- Cho trẻ nằm ngửa và yên một chỗ
- Dùng hai bàn tay nhẹ nhàng xoa bóp, massage đùi cho trẻ
- Nên bắt đầu với chuyển động vòng tròn, sau đó bóp nhẹ từ trên xuống, từ bên này sang bên kia và ngược lại
- Thực hiện trong 3 phút
- Tiếp tục xoa và bóp từ đùi xuống tới đầu gối (trong 1 phút), xoa nhẹ theo chuyển động vòng tròn (1 phút)
- Lặp lại động tác với bên chân còn lại.
Massage đầu gối
- Cho bé ngồi trên giường, duỗi thẳng hai chân hoặc để hai chân thòng xuống
- Chuyển động các đầu ngón tay liên tục trên đầu gối của trẻ (từ 30 đến 60 giây)
- Dùng bàn tay massage đầu gối theo chuyển động vòng tròn (trong 2 phút)
- Chụm các đầu ngón tay, sau đó day và ấn nhẹ tại những vùng da quanh đầu gối (trong 1 phút)
- Lặp lại 2 lần
- Thực hiện tương tự với bên chân còn lại.
Massage bàn chân và cẳng chân
- Cho bé ngồi trên giường, duỗi thẳng hai chân
- Dùng các đầu ngón tay ấn nhẹ, sau đó xoa kết hợp bóp nhẹ nhàng từ đầu gối xuống bàn chân của trẻ (trong 2 phút)
- Nhẹ nhàng nằm lấy bàn chân của trẻ để xoay và massage dọc theo khớp cổ chân
- Chụm các đầu ngón tay, sau đó ấn nhẹ vào gan bàn chân kết hợp xoa bóp để đã thông kinh mạch và lưu thông huyết (trong 2 phút)
- Nắn và bóp nhẹ các ngón chân (trong 1 phút)
- Thực hiện tương tự với bên chân còn lại.
Lưu ý
- Dùng lực nhẹ hoặc trung bình phù hợp với trẻ. Không nên ấn và bóp mạnh vì có thể khiến trẻ bị đau
- Chú ý đến bước xoay khớp. Nên xoay chậm rãi với lực nhẹ
- Massage từ 1 – 2 lần mỗi ngày, mỗi lần 15 phút. Không nên lạm dụng để tránh gây ra những tổn thương.
- Có thể thoa một ít dầu thảo dược (tinh dầu bạc hà, dầu tràm trà…) trước khi massage để tăng hiệu quả của phương pháp.
Xương em bé kêu là tình trạng ít gặp và thường không nguy hiểm. Tình trạng này chủ yếu xảy ra do khớp xương chưa hoàn thiện và có độ liên kết kém. Để sớm khắc phục, phụ huynh nên cho trẻ tăng cường bổ sung dinh dưỡng kết hợp massage, uống nhiều nước và tắm nắm.
Đối với những trường hợp nghiêm trọng, khớp xương phát ra tiếng kêu do chấn thương hoặc kèm theo nhiều biểu hiện bất thường khắc, ba mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa khám và hướng dẫn điều trị.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!