Xơ Cứng Teo Cơ Một Bên (ALS) Là Bệnh Gì? Dấu Hiệu, Điều Trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Lê Hữu Tuấn | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Xơ cứng teo cơ một bên (ALS) là một bệnh thoái hóa thần kinh dẫn đến mất/ giảm dần những tế bào thần kinh vận động kiểm soát các cơ tự nguyện. Điều này khiến cơ bắp suy nhược và yếu dần, cứng cơ và co giật cơ. Phần lớn các trường hợp mắc ALS gặp khó khăn nhẹ về hành vi và suy nghĩ.

Xơ cứng teo cơ một bên (ALS)
Thông tin cơ bản về dấu hiệu nhận biết, chẩn đoán và điều trị xơ cứng teo cơ một bên (ALS)

Xơ cứng teo cơ một bên (ALS) là gì?

Xơ cứng teo cơ một bên (ALS) còn được gọi là bệnh Lou Gehrig hoặc bệnh thần kinh vận động (MND). Đây là một bệnh thoái hóa thần kinh làm ảnh hưởng đến những tế bào điều khiển các cơ tự nguyện của cơ thể (ảnh hưởng có chọn lọc) và những tế bào thần kinh vận động (tế bào thần kinh trong tủy sống và vận động). Từ đó dẫn đến mất kiểm soát các cơ tự nguyện.

So với những bệnh thần kinh vận động khác, xơ cứng teo cơ một bên xảy ra phổ biến hơn. Những triệu chứng ban đầu của bệnh thường gồm những vấn đề ở cơ như co giật cơ, cứng cơ, yếu dần và suy nhược cơ bắp.

Cơ bị ảnh hưởng bởi ALS là những cơ chịu trách nhiệm vận động, nói và ăn. Bệnh nhân bị mất tế bào thần kinh vận động cho đến khi mất khả năng nói, ăn, cử động và mất khả năng thở nhịp nhàng. Cuối cùng dẫn đến tê liệt và tử vong do suy hô hấp.

Có đến 50% trường hợp mắc chứng xơ cứng teo cơ một bên gặp khó khăn về hành vi và suy nghĩ. Có khoảng 15% trường hợp phát triển chứng rối loạn nhận thức thần kinh thái dương (chứng sa sút trí tuệ vùng trán). Hầu hết các trường hợp đều cảm thấy đau đớn.

Phân loại bệnh xơ cứng teo cơ một bên

Bệnh xơ cứng teo cơ một bên được phân loại theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn như:

  • Tốc độ tiến triển của bệnh theo tuổi khởi phát
  • Tính chất gia đình hay lẻ tẻ
  • Khu vực bị ảnh hưởng đầu tiên

Những phân loại cụ thể của bệnh:

1. ALS điển hình

Bệnh xơ cứng teo cơ một bên ở một người có thể được phân loại dựa trên loại tế bào thần kinh vận động bị ảnh hưởng. ALS điển hình (hay cổ điển) liên quan đến những tế bào thần kinh vận động dưới trong tủy sống và những tế bào thần kinh vận động trên trong não.

ALS điển hình khá phổ biến, chiếm đến 70% các trường hợp mắc bệnh. Nó được chia thành:

  • ALS khởi phát chi (khởi phát tay chân): Dạng này bắt đầu từ sự yếu dần và suy nhược ở tay và chân. ALS khởi phát chi chiếm đến 2/3 tổng số bệnh nhân mắc chứng ALS cổ điển. Những người mắc chứng ALS khởi phát chi có thời gian sống trung bình là 2,6 năm; tỷ lệ sống sót trên 10 năm là 13%.
  • ALS khởi phát dạng khối (khởi phát Bulbar): Dạng này bắt đầu từ sự yếu đi của những cơ nhai, nói và nuốt. ALS khởi phát dạng khối chiếm 1/3 các trường hợp còn lại. So với ALS khởi phát chi, ALS khởi phát dạng khối có tiên lượng xấu hơn, thời gian sống trung bình là 2 năm, tỷ lệ sống sót trên 10 năm là 3%.
ALS điển hình
ALS điển hình liên quan đến những tế bào thần kinh vận động dưới trong tủy sống và trên trong não

2. Những biến thể khu vực của ALS

Đối với những biến thể khu vực của ALS, bệnh nhân có những triệu chứng giới hạn ở một vùng tủy sống, kéo dài trong ít nhất 1 năm. So với ALS điển hình, dạng này tiến triển chậm hơn và có thời gian sống sót lâu hơn.

Những biến thể khu vực của ALS gồm:

  • Hội chứng cánh tay cánh cụt (chứng liệt nửa người): Dạng này được đặc trưng bởi tổn thương ở những tế bào thần kinh vận động dưới. Từ đó dẫn đến sự yếu dần của những cơ cánh tay, một số bệnh nhân không có phản xạ.
  • Hội chứng chân cánh cụt (chứng liệt nửa người ở chân): Dạng này được đặc trưng bởi tổn thương ở những tế bào thần kinh vận động dưới trong tủy sống hai bên. Những triệu chứng như giảm hoặc không có phản xạ bắt đầu dần ở ngón chân.
  • ALS bulbar biệt lập: Liên quan đến nhiều tế bào thần kinh vận động trên hoặc dưới ở vùng bulbar. ALS bulbar biệt lập dẫn đến khó nói và khó nuốt, có thể thở trong thời gian đầu.

Những biến thể này thường không được chẩn đoán khi những triệu chứng bắt đầu.

3. Tuổi khởi phát

Bệnh xơ cứng teo cơ một bên cũng được phân loại dựa trên tuổi khởi phát. Đối với ALS lẻ tẻ, tuổi khởi phát cao nhất là 58 đến 63 tuổi. Đối với ALS gia đình, tuổi khởi phát cao nhất là 47 đến 52 tuổi. Khoảng 1% trường hợp có bệnh ALS bắt đầu trước tuổi 25, 10% trường hợp bắt đầu trước tuổi 45.

Đối với ALS vị thành niên, nam giới thường có nhiều khả năng mắc bệnh hơn. Tuy nhiên bệnh có xu hướng tiến triển chậm hơn. Ngoài ra so với ALS khởi phát ở người trưởng thành, ALS vị thành niên mang tính chất gia đình hơn.

Triệu chứng của bệnh xơ cứng teo cơ một bên

Tùy thuộc vào các tế bào bị ảnh hưởng, những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh khác nhau ở mỗi người (về tính đa dạng và mức độ nghiêm trọng). Những triệu chứng thường tồi tệ hơn theo thời gian và bắt đầu với chứng yếu cơ.

+ ALS khởi phát ở chi

Triệu chứng ở cánh tay

  • Yếu các cơ ở tay
  • Cứng ở bàn tay hoặc cánh tay
  • Chuột rút
  • Thường xuyên lóng ngóng và làm rơi đồ vật
  • Mất sự khéo léo

Triệu chứng ở chân

  • Yếu chân
  • Khó khăn trong việc đi bộ hoặc chạy
  • Thường xuyên vấp ngã
  • Khó nhấc mũi bàn chân khi đi bộ

+ ALS khởi phát ở vùng Bulbar

  • Nói ngọng hoặc khó nói
  • Khó nuốt
  • Chuột rút ở lưỡi và vai
  • Ngáp, khóc hoặc cười không kiểm soát, không thích hợp với hoàn cảnh
  • Thay đổi hành vi và nhận thức
  • Co thắt ở mặt và cổ họng
  • Vấn đề với cơ thở nếu bệnh khởi phát ở đường hô hấp
Nói ngọng hoặc khó nói
Nói ngọng hoặc khó nói, khó nuốt, chuột rút ở lưỡi và vai… là dấu hiệu nhận biết ALS khởi phát ở vùng Bulbar

+ Tế bào thần kinh vận động trên và dưới

Ảnh hưởng đến tế bào thần kinh vận động trên

  • Yếu cơ
  • Co cứng cơ
  • Co thắt cơ không kiểm soát được
  • Phản xạ quá mức

Ảnh hưởng đến tế bào thần kinh vận động dưới

Nguyên nhân gây xơ cứng teo cơ một bên

Không rõ nguyên nhân gây xơ cứng teo cơ một bên. Tuy nhiên các nhà khoa học tin rằng bệnh lý này có liên quan đến yếu tố di truyền và môi trường. Một số nghiên cứu cho thấy tổn thương tế bào tăng dần theo thời gian do di truyền và khi tiếp xúc với những yếu tố xấu trong môi trường như chất thải, chất hóa học, virus…

Bệnh ảnh hưởng đến những tế bào thần kinh kiểm soát các cơ tự nguyện. Cụ thể bệnh lý này khiến những tế bào thần kinh vận động yếu dần và chết đi. Tế bào thần kinh vận động từ não kéo dài đến tủy sống và cơ khắp cơ thể. Chính vì thế mà những tế bào thần kinh bị hư hỏng sẽ ngừng quá trình truyền tải thông điệp đến các cơ, cuối cùng khiến các cơ không thể hoạt động.

Yếu tố rủi ro

Những yếu tố làm tăng nguy cơ khởi phát chứng xơ cứng teo cơ một bên:

Di truyền
Di truyền được xác định là yếu tố làm tăng nguy cơ khởi phát chứng xơ cứng teo cơ một bên
  • Di truyền: Nếu có người thân cấp một mắc chứng ALS, anh chị em có từ 5 đến 10% nguy cơ bị bệnh (ALS gia đình) và 50% xảy ra ở con cái.
  • Tuổi tác: Nguy cơ mắc chứng xơ cứng teo cơ một bên tăng dần theo độ tuổi. Bệnh thường xảy ra ở những người có độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi.
  • Giới tính: Nam giới trước 65 tuổi có nguy cơ mắc chứng ALS cao hơn so với phụ nữ. Tuy nhiên nguy cơ ở phụ nữ và nam giới sau 70 tuổi là như nhau.
  • Yếu tố môi trường: Tiếp xúc với độc tố môi trường, hút thuốc lá, tiếp xúc với một số kim loại hoặc hóa chất trong quân ngũ, chấn thương, nhiễm trùng, gắng sức quá mức… đều làm tăng nguy cơ khởi phát bệnh xơ cứng teo cơ một bên.

Biến chứng của xơ cứng teo cơ một bên

Xơ cứng teo cơ một bên là một bệnh lý nguy hiểm, không có phương pháp chữa khỏi. Bệnh gây nhiều biến chứng, giảm thời gian sống sót và tăng nguy cơ tử vong.

  • Biến chứng về hô hấp

Bệnh làm tê liệt các cơ được sử dụng để thở. Điều này dẫn đến tình trạng khó thở (thường diễn ra vào ban đêm) và suy hô hấp theo thời gian. Đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi. Những người có biến chứng về hô hấp cần dùng máy thở để hỗ trợ.

  • Vấn đề về ăn uống

Bệnh xơ cứng teo cơ một bên làm yếu các cơ dẫn đến khó khăn trong việc nhai và nuốt. Những trường hợp nặng hơn thường bị nghẹn và nghẹt thở khi ăn.

  • Vấn đề về nói

Bệnh làm suy yếu dần và mất chức năng vận động của các cơ ở miệng, cổ họng và hàm. Điều này khiến người bệnh nói ngọng, nói khó hiểu hoặc không thể nói ở trường hợp nặng.

  • Giảm cân và suy dinh dưỡng

Do ảnh hưởng đến khả năng nhai nuốt và tăng tốc độ đốt cháy calo nên bệnh xơ cứng teo cơ một bên thường dẫn đến tình trạng sụt cân và suy dinh dưỡng.

  • Giảm hoặc mất khả năng vận động

Bệnh xơ cứng teo cơ một bên bắt đầu ở tay chân khiến người bệnh khó vận động, thường xuyên làm rơi đồ vật, đứng và đi lại khó khăn. Điều này thường tăng dần mức độ nghiêm trọng theo thời gian, dẫn đến mất khả năng vận động.

Ngoài ra khi việc di chuyển và vận động trở nên khó khăn, bệnh nhân ngồi lâu một chỗ có thể dẫn đến những vết loét do tỳ đè.

Bệnh xơ cứng teo cơ một bên bắt đầu ở tay chân làm mất dần khả năng vận động
Bệnh xơ cứng teo cơ một bên bắt đầu ở tay chân khiến người bệnh mất dần khả năng vận động
  • Giảm khả năng nhận thức

Có đến 50% trường hợp thay đổi về nhận thức khi mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng điều hành và ngôn ngữ của một người. Lâu dần có thể dẫn đến sự sa sút về trí tuệ (ít phổ biến).

Trong nhiều trường hợp khác, bệnh nhân thay đổi tâm trạng, ngáp, khóc và cười không kiểm soát (cảm xúc không ổn định). Điều này khởi phát do những thay đổi về thể chất đối với não. Một số biến thể của bệnh cũng làm thay đổi về nhận thức.

  • Sa sút trí tuệ

Sa sút trí tuệ (chứng mất trí nhớ vùng trán) ít phổ biến hơn so với những biến chứng khác. Biến chứng này chủ yếu liên quan đến sự thoái hóa tế bào ở vùng não trước, chức năng điều hành và ngôn ngữ bị ảnh hưởng.

  • Trầm cảm và thay đổi hành vi

Những thay đổi do bệnh xơ cứng teo cơ một bên khiến người bệnh thường xuyên lo lắng và trầm cảm. Ngoài ra bệnh còn làm thay đổi hành vi khiến người bệnh có cảm xúc hoang mang (khóc và cười không kiểm soát) ngay cả khi nhận thức không bị ảnh hưởng.

  • Tử vong

Ở những bệnh nhân mắc chứng xơ cứng teo cơ một bên, nguyên nhân tử vong phổ biến nhất là suy hô hấp. Điều này thường xảy ra trong vòng 2 – 5 năm sau khi những triệu chứng đầu tiên bắt đầu. Ở một số trường hợp khác, bệnh nhân có thể sống được trên 10 năm.

Chẩn đoán bệnh xơ cứng teo cơ một bên

Do có những triệu chứng tương tự như những bệnh thần kinh khác nên xơ cứng teo cơ một bên thường khó được phát hiện sớm. Ngoài ra không có xét nghiệm cụ thể cho bệnh lý này. Các xét nghiệm chủ yếu được thực hiện để loại trừ những vấn đề y tế khác. Tùy thuộc vào tình trạng mà quá trình chẩn đoán có thể mất từ vài tuần đến vài tháng.

1. Kiểm tra lâm sàng

Bác sĩ có thể nghi ngờ chứng xơ cứng teo cơ một bên khi kiểm tra và theo dõi những biểu hiện lâm sàng (như yếu cơ, suy nhược cơ bắp, co giật, chuột rút…). Đồng thời quá trình theo dõi cho thấy những vấn đề ở cơ và thần kinh trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.

2. Xét nghiệm hình ảnh

Để loại trừ những vấn đề về sức khỏe khác, bác sĩ có thể chỉ định một loạt những xét nghiệm dưới đây:

Điện cơ đồ (EMG)
Điện cơ đồ (EMG) giúp đánh giá nhanh hoạt động điện cơ của cơ bắp khi chúng nghỉ ngơi và co lại
  • Điện cơ đồ (EMG): Kỹ thuật này giúp đánh giá hoạt động điện cơ của cơ bắp khi chúng nghỉ ngơi và khi chúng co lại. Từ đó giúp phát hiện những vấn đề ở cơ.
  • Nghiên cứu dẫn truyền thần kinh: Chức năng thần kinh được kiểm tra thông qua nghiên cứu dẫn truyền thần kinh. Cụ thể xét nghiệm này giúp đo lường khả năng gửi xung động đến cơ (ở nhiều vùng khác nhau trên cơ thể) của các dây thần kinh. Thông qua xét nghiệm, bác sĩ có thể đo chức năng thần kinh, phát hiện tổn thương dây thần kinh, bệnh về thần kinh hoặc cơ.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Kỹ thuật này giúp tìm kiếm những thương tổn ở hệ thần kinh trong não và tủy sống. MRI cũng giúp phát hiện sự chèn ép thần kinh tủy của u cột sống, u nguyên sống, thoát vị đĩa đệm và những tình trạng y tế khác.
  •  Xét nghiệm máu và nước tiểu: Bệnh nhân được xét nghiệm máu và nước tiểu để kiểm tra dinh dưỡng và đánh giá sức khỏe tổng quát của bệnh nhân.
  • Chọc dò thắt lưng: Một mẫu dịch tủy sống được lấy ra từ cột sống thắt lưng. Sau đó mẫu bệnh phẩm sẽ được kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Để chọc dò, bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim nhỏ cắm vào giữa hai đốt sống.
  • Sinh thiết cơ: Bác sĩ tiến hành sinh thiết cơ để loại bỏ những bệnh lý ở cơ. Trong kỹ thuật này, một phần nhỏ của cơ sẽ được lấy ra trong khi người bệnh được gây tê cục bộ. Mẫu bệnh phẩm được gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra và cho kết quả.

Điều trị xơ cứng teo cơ một bên

Hiện tại không có phương pháp điều trị cho chứng xơ cứng teo cơ một bên, không thể đảo ngược tổn thương của bệnh. Tuy nhiên những phương pháp được áp dụng có thể giảm nhẹ các triệu chứng, làm chậm sự tiến triển của bệnh. Đồng thời giúp ngăn ngừa các biến chứng của ALS.

Dựa vào tình trạng cụ thể, những phương pháp dưới đây sẽ được áp dụng:

1. Thuốc

+ Thuốc điều trị xơ cứng teo cơ một bên

  • Riluzole (Rilutek): Đây là một loại thuốc điều trị điều trị xơ cứng teo cơ một bên đã được phê duyệt. Thuốc này có khả năng bảo vệ những dây thần kinh trong tủy sống và não khỏi Glutamate – một chất có khả năng gây tổn thương dây thần kinh. Từ đó làm chậm sự tiến triển của bệnh, kéo dài thời gian sống thêm 3 – 6 tháng. Riluzole được dùng bằng đường uống. Thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như chóng mặt, thay đổi chức năng gan, rối loạn tiêu hóa.
  • Edaravone (Radicava): Thuốc Edaravone (Radicava) được sử dụng bằng cách truyền qua đường tĩnh mạch. Thuốc có tác dụng làm giảm sự suy giảm chức năng hàng ngày (đã được chứng minh), làm chậm sự phát triển của ALS bằng cách ngăn ngừa tổn thương dây thần kinh do gốc tự do. Edaravone thường được dùng mỗi ngày trong 2 tuần của 1 tháng. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như nhức đầu, bầm tím và khó thở.
Edaravone (Radicava)
Edaravone (Radicava) giúp giảm sự suy giảm chức năng hàng ngày, làm chậm sự phát triển của ALS

+ Các thuốc hỗ trợ

Một số loại thuốc dưới đây có thể được dùng để hỗ trợ quá trình điều trị và giảm triệu chứng do ALS:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và Morphin: Để kiểm soát cơn đau, một loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể được dùng riêng lẻ hoặc kết hợp với Morphin (thuốc giảm đau gây nghiện – nhóm opioid). Điều này thường mang đến hiệu quả cao.
  • Mexiletine và Baclofen: Hai loại thuốc này được sử dụng để ngăn ngừa, giảm nhẹ tình trạng chuột rút và co thắt cơ.
  • Quinidine (Nuedexta)/ Dextromethorphan: Thuốc Quinidine (Nuedexta) hoặc Dextromethorphan sẽ được sử dụng để điều trị nhiễu loạn cảm xúc (rối loạn tâm trạng) do ALS.

2. Thiết bị hỗ trợ

Một số thiết bị hỗ trợ thường được sử dụng gồm:

  • Nẹp, xe lăn, đệm và khung tập đi: Để giảm đau và giữ cơ thể ở tư thế thoải mái, người bệnh sẽ được sử dụng một số thiết bị hỗ trợ như nẹp ổn định mắt cá chân, xe lăn và đệm. Ngoài ra khung tập đi cũng có thể được sử dụng để duy trì tính di động và tiết kiệm năng lượng cho bệnh nhân.
  • Ống nuôi: Những người khó nhai và khó nuốt có thể sử dụng ống nuôi (thiết bị cho ăn qua đường ruột) để hỗ trợ dinh dưỡng.
  • Dụng cụ giao tiếp: Một số dụng cụ giao tiếp được sử dụng cho bệnh nhân gặp khó khăn khi nói. Điều này giúp thể hiện suy nghĩ và nhu cầu của người bệnh.
  • Máy thở: Máy thở được sử dụng cho những người có biến chứng về hô hấp như khó thở hoặc suy hô hấp. Điều này giúp người bệnh hít thở dễ dàng hơn.

3. Trị liệu

Những phương pháp trị liệu thường được xem xét áp dụng cho bệnh nhân bị xơ cứng teo cơ một bên:

  • Vật lý trị liệu: Người bệnh được hướng dẫn một số bài tập kéo giãn để tăng phạm vi chuyển động, ngăn cơn đau. Từ đó giúp đi lại và vận động dễ dàng, tăng sự độc lập. Ngoài ra việc luyện tập mỗi ngày còn giúp cải thiện tâm trạng, tăng cường sức mạnh cơ bắp và duy trì sức khỏe tim mạch. Đối với ALS, bệnh nhân chủ yếu được luyện tập với những bài tập có tác động thấp. Đôi khi các thiết bị cũng được sử dụng để hỗ trợ.
  • Liệu pháp ngôn ngữ: Người bệnh sẽ được dạy những kỹ năng thích ứng để giúp giao tiếp dễ dàng và làm cho lời nói dễ hiểu hơn. Những trường hợp không thể nói được có thể dùng bảng chữ cái, viết và giấy.
  • Liệu pháp nghề nghiệp: Một số bài tập và thiết bị sẽ được sử dụng để giúp người bệnh độc lập hơn trong các hoạt động sinh hoạt và nghề nghiệp. Chẳng hạn như tắm rửa, ăn uống, mặc quần áo… Ngoài ra môi trường sống cũng được chỉnh sửa để giúp người bệnh đi bộ an toàn hơn.
  • Hỗ trợ tâm lý: Những trường hợp có tâm lý bất ổn, thường xuyên lo lắng quá mức hoặc căng thẳng do xơ cứng teo cơ một bên sẽ được hướng dẫn những liệu pháp chăm sóc tâm lý. Điều này giúp thư giãn và cải thiện tâm trạng cho bệnh nhân.

4. Biện pháp chăm sóc giảm nhẹ

Để hỗ trợ giảm nhẹ các triệu chứng của xơ cứng teo cơ một bên, người bệnh có thể áp dụng những biện pháp chăm sóc dưới đây:

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp

Người bệnh được khuyên xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, sử dụng thực phẩm lành mạnh và giàu dinh dưỡng. Đặc biệt nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, nước và cung cấp calo. Điều này giúp hạn chế sụt cân và suy dinh dưỡng, duy trì hoạt động bình thường của cơ. Đồng thời tăng cường sức khỏe tổng thể cho người bệnh.

Ngoài ra, thực phẩm nên được chế biến ở dạng lỏng, mềm, dễ nuốt. Nếu không thể nhai và nuốt, người bệnh nên sử dụng ống cho ăn theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp
Xây dựng chế độ ăn uống giàu chất xơ, nước và calo để hạn chế sụt cân, tăng cường sức khỏe
  • Vận động nhẹ nhàng

Trong quá trình điều trị, người bệnh có thể thực hiện những bài tập và bộ môn ít tác động. Chẳng hạn như bài tập thể dục nhịp điệu nhẹ nhàng, đi bộ, bơi lội, đạp xe cố định… Những bộ môn này có khả năng tăng cường các cơ không bị ảnh hưởng, cải thiện sức khỏe, tăng tính độc lập và khả năng vận động cho bệnh nhân.

Ngoài ra người bệnh có thể thực hiện một số bài tập kéo giãn (theo đề xuất của chuyên gia vật lý trị liệu) để ngăn ngừa sự rút ngăn và co cứng của cơ. Đồng thời tăng sức bền và sự dẻo dai mà không khiến cơ bắp hoạt động quá sức.

  • Kiểm soát tâm trạng

Trong quá trình điều trị xơ cứng teo cơ một bên, người bệnh cần giữ tâm trạng lạc quan, luôn vui vẻ và suy nghĩ tích cực. Các nghiên cứu cho thấy, tâm trạng tốt có thể giúp hạn chế tình trạng co thắt cơ, đau và một số vấn đề khác. Ngược lại căng thẳng, stress quá mức có thể làm nặng thêm bệnh và các triệu chứng.

Nếu căng thẳng kéo dài, người bệnh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc kiểm soát tốt tâm trạng bằng cách:

    • Thực hiện những hoạt động ưa thích như đọc sách, xem phim, du lịch…
    • Thường xuyên nói chuyện, chia sẻ với người thân và bạn bè
    • Ngồi thiền và tập yoga là một cách kiểm soát tâm trạng rất tốt
    • Ngủ sớm và ngủ đủ giấc…
  • Biện pháp cải thiện nhịp thở

Áp dụng một số biện pháp đơn giản dưới đây để cải thiện nhịp thở của bạn:

    • Không nằm ngay sau khi ăn.
    • Tránh ăn những bữa ăn lớn. Bởi điều này có thể ngăn cản cơ hoành mở rộng hoàn toàn. Nên chia bữa ăn lớn thành những bữa ăn nhỏ, ăn vừa đủ no.
    • Tập thở sâu và thở bằng cơ hoành.
    • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, dễ nuốt.
    • Kê cao đầu bằng gối khi ngủ để những cơ quan trong ổ bụng của bạn không bị ép cạnh cơ hoành. Đồng thời giúp người bệnh hít thở dễ dàng hơn.
Kê cao đầu khi ngủ
Kê cao đầu khi ngủ giúp cơ quan trong ổ bụng không bị ép cạnh cơ hoành, cải thiện nhịp thở

Xơ cứng teo cơ một bên là một bệnh lý nguy hiểm, dễ gây biến chứng và không có phương pháp điều trị khỏi. Tuy nhiên việc chăm sóc đúng cách và điều trị sớm có thể giúp kiểm soát ALS, giảm nhẹ các triệu chứng và ngăn biến chứng của bệnh. Do đó bệnh nhân cần liên hệ ngay với bác sĩ nếu có bất kỳ bất thường nào.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua