Viêm Điểm Bám Gân Khuỷu Tay
Viêm điểm bám gân khuỷu tay thường xảy ra do chấn thương hoặc lạm dụng khớp quá mức khiến các đầu gân ở khuỷu tay bị viêm và tổn thương. Bệnh thường kèm theo cảm giác đau đớn, sưng, giảm khả năng uốn cong và mở rộng khuỷu tay.
Viêm điểm bám gân khuỷu tay là gì?
Viêm điểm bám gân khuỷu tay là tình trạng viêm, tổn thương hoặc kích ứng quá mức của những điểm bám gân với xương ở khuỷu tay. Tình trạng này khiến bệnh nhân thường xuyên có cảm giác đau nhói, đôi khi đau âm ỉ và kéo dài.
Ngoài ra viêm điểm bám gân khuỷu tay còn gây cứng khớp, giảm khả năng uốn cong và duỗi của cánh tay. Điều này khiến một số hoạt động sinh hoạt bị hạn chế. Bệnh chủ yếu xảy ra do chấn thương, tăng áp lực lên khớp khuỷu tay do lạm dụng khớp, thường xuyên thực hiện những động tác đối kháng khiến gân căng giãn quá mức.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, người bệnh có thể được hướng dẫn một số biện pháp giảm đau, chăm sóc tại nhà hoặc dùng thuốc. Nếu được điều trị đúng cách, các triệu chứng có thể thuyên giảm trong thời gian ngắn.
Dấu hiệu nhận biết viêm điểm bám gân khuỷu tay
Viêm điểm bám gân khuỷu tay gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng sau:
- Đau nhức quanh khuỷu tay. Mức độ đau tăng dần theo thời gian
- Đau nhức nhiều hơn khi cố gắng nâng vật, uốn cong hoặc duỗi khuỷu tay
- Đau nhói lên như điện giật khi ấn vào vị trí tổn thương
- Trong giai đoạn nặng, cơn đau có thể nhói lên từng cơn hoặc âm ỉ kéo dài. Đau lan xuống cẳng tay và mu bàn tay
- Cứng khớp, hạn chế khả năng uống cong và duỗi khớp
- Sưng nhẹ
- Sờ thấy mềm
Nguyên nhân gây viêm điểm bám gân khuỷu tay
Bệnh viêm điểm bám gân khuỷu tay thường xảy ra do một số nguyên nhân dưới đây:
- Chấn thương
Chấn thương trong khi chơi thể thao, lao động hoặc sinh hoạt có thể gây viêm điểm bám gân khuỷu tay. Thông thường tổn thương điểm bám gân sẽ tiến triển sau khi bị té ngã hoặc va đập mạnh.
Phần lớn trường hợp viêm do chấn thương thường nhẹ, các triệu chứng được kiểm soát nhanh bằng một số biện pháp chăm sóc đơn giản. Đối với trường hợp chấn thương, vùng tổn thương còn có dấu hiệu bầm tím do tụ máu dưới da.
- Lạm dụng khớp
Thường xuyên lặp đi lặp lại một số chuyển động cụ thể ở khớp khuỷu tay khiến các điểm bám gân căng thẳng quá mức. Lâu này dẫn đến viêm và hạn chế khả năng vận động ở vị trí này. Viêm điểm bám gân khuỷu tay do lạm dụng khớp thường xảy ra ở vận động viên, nhân viên sửa ống nước, người thường xuyên làm việc với bàn phím…
- Tăng áp lực lên khớp
Thường xuyên tỳ đè khuỷu tay trên bề mặt cứng trong khi làm việc, học tập… có thể gây kích ứng các điểm bám gân và dẫn đến tình trạng viêm.
- Thoái hoá
Quá trình lão hóa theo thời gian khiến khớp xương và những điểm bám gân suy yếu, dễ tổn thương. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm điểm bám gân khuỷu tay ở người lớn tuổi, đặc biệt là khi có yếu tố tác động.
Viêm điểm bám gân khuỷu tay có nguy hiểm không?
Phần lớn bệnh nhân bị viêm điểm bám gân khuỷu tay đều đáp ứng tốt với điều trị bảo tồn. Khi được chăm sóc đúng cách, tình trạng viêm và các triệu chứng có thể nhanh chóng thuyên giảm.
Tuy nhiên nếu không được chăm sóc và điều trị thích hợp, viêm điểm bám gân khuỷu tay có thể làm tăng nguy cơ đứt gân. Đây là một tình trạng nghiêm trọng cần được phẫu thuật điều trị. Ngoài ra bệnh tiến triển lâu ngày có thể làm phát sinh sự phát triển bất thường của những mạch máu mới cùng với những thay đổi liên quan đến tình trạng thoái hóa ở gân.
Chẩn đoán viêm điểm bám gân khuỷu tay?
Thông thường viêm điểm bám gân khuỷu tay có thể được chẩn đoán bằng những kiểm tra lâm sàng. Cụ thể như:
- Kiểm tra triệu chứng
- Tổn thương thực thể
- Bệnh sử và cơ chế sinh bệnh
Tuy nhiên người bệnh sẽ được yêu cầu xét nghiệm hình ảnh để xác định chẩn đoán ban đầu. Đồng thời kiểm tra mức độ nghiêm trọng để có phác đồ điều trị thích hợp nhất. Một số xét nghiệm hình ảnh thường được chỉ định gồm:
- Chụp X-quang: Thông qua hình ảnh X-quang, bác sĩ có thể xác định những điểm bất thường của xương, bao gồm trật khớp khuỷu tay, gãy xương… Từ đó xác định nguyên nhân gây đau khuỷu tay và phân biệt viêm điểm bám gân khuỷu tay với những bệnh lý khác.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI cho phép bác sĩ kiểm tra cấu trúc khớp, bao gồm cả xương và các mô mềm. Điều này giúp xác định bộ phận và vị trí tổn thương. Từ đó xác định chính xác vấn đề, bệnh lý đang gặp.
- Siêu âm khớp: Hình ảnh tạo ra từ kỹ thuật siêu âm giúp bác sĩ kiểm tra và xác định những chấn thương ở phần mô mềm, đánh giá tình trạng bong và rách cơ. Phương pháp này thường cho ra kết quả tức thì với độ phân giải hình ảnh tốt.
Điều trị viêm điểm bám gân khuỷu tay
Có nhiều phương pháp giúp điều trị viêm điểm bám gân khuỷu tay. Hầu hết bệnh nhân đều có đáp ứng tốt với điều trị nội khoa. Tuy nhiên ở một số trường hợp nặng, bệnh nhân có thể phải phẫu thuật để khắc phục tình trạng.
Các phương pháp điều trị thường được áp dụng:
1. Biện pháp chăm sóc tại nhà
Những biện pháp dưới đây có thể giúp giảm đau và sưng do viêm điểm bám gân khuỷu tay:
- Nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi giúp giảm căng thẳng và áp lực lên khớp, tạo điều kiện chữa lành tổn thương các mô. Đồng thời xoa dịu cảm giác đau đớn hiệu quả. Để hạn chế tổn thương tiến triển và giảm đau nhanh, bạn cần nghỉ ngơi ngay khi cơn đau xuất hiện, ngồi hoặc nằm nghỉ với tư thế nằm ngửa, thư giãn cánh tay.
Nếu cơn đau thuyên giảm sau vài giờ nghỉ ngơi, hãy cử động khuỷu tay nhẹ nhàng và đúng cách. Điều này giúp duy tri sự linh hoạt cho khớp xương, hạn chế tình trạng cứng khớp và ngăn ngừa đau nhức tái phát.
- Chườm lạnh
Chườm lạnh lên vị trí tổn thương 15 phút/ lần, mỗi ngày 3 lần có thể giúp giảm sưng và đau do viêm điểm bám gân khuỷu tay. Bởi việc sử dụng nhiệt độ cao có thể giúp co mạch, giảm lưu lượng máu về vị trí tổn thương. Từ đó ngăn ngừa và giảm sưng hiệu quả. Ngoài ra chườm lạnh giúp giảm hoạt động của dây thần kinh. Từ đó xoa dịu cơn đau và hỗ trợ giảm viêm.
Khi thực hiện biện pháp chườm lạnh, hãy dùng khăn bông mềm bọc một ít đá lạnh và áp lên vị trí tổn thương. Không nên đặt trực tiếp đá lạnh lên tay để tránh gây tổn thương da.
- Dùng thuốc chứa capsaicin
Kem bôi chứa capsaicin là một loại thuốc giảm đau không kê đơn. Thuốc có tác dụng thư giãn khớp xương và giảm đau nhanh cho những trường hợp nhẹ. Ngoài ra việc sử dụng thuốc chứa capsaicin kết hợp xoa bóp có thể kích thích tuần hoàn máu, thư giãn khớp xương và hạn chế tình trạng cứng khớp.
- Nâng cánh tay
Hãy thử nâng cánh tay cao hơn tim khi nghỉ ngơi. Điều này có thể mang đến hiệu quả cao trong việc giảm sưng do viêm điểm bám gân khuỷu tay.
- Nén
Những trường hợp sưng to tại điểm bám gân khuỷu tay có thể làm mất cử động ở khớp bị thương. Để cải thiện tình trạng này, người bệnh có thể dùng băng thun quấn quanh khu vực tổn thương cho đến khi hết sưng.
Sau khi nén, bạn cần kiểm tra các biểu hiện của da. Trong trường hợp da cẳng tay của tay bệnh đổi màu hoặc ấm nóng hơn so với da ở cánh tay trên hoặc tay còn lại, người bệnh nên tháo băng ngay lập tức. Vì đây có thể là những biểu hiện của tình trạng nén mạch.
2. Sử dụng thuốc
Nếu sưng và đau nhiều hoặc cơn đau không thuyên giảm khi áp dụng những biện pháp chăm sóc, người bệnh có thể được yêu cầu sử dụng thuốc. Những loại thuốc dùng trong điều trị viêm điểm bám gân khuỷu tay chủ yếu có tác dụng trị viêm và giảm giảm đau.
Tùy thuộc vào tình trạng, những loại thuốc dưới đây sẽ được sử dụng:
- Acetaminophen: Acetaminophen là một loại thuốc giảm đau thông thường, có tác dụng hạ sốt, giảm những cơn đau nhẹ và trung bình. Với liều khuyến cáo (500mg/ lần, mỗi 6 giờ 1 lần), Acetaminophen có thể giúp xoa dịu cơn đau nhanh và hiệu quả, ít phát sinh tác dụng phụ. Tuy nhiên loại thuốc này chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng đau.
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Một trong số những thuốc kháng viêm không steroid như Ibuprofen, Naproxen natri (Aleve), Aspirin… có thể được chỉ định cho những bệnh nhân bị viêm điểm bám gân khuỷu tay. Thuốc này có tác dụng trị viêm, giảm sưng và giảm những cơn đau ở mức độ vừa. Thuốc kháng viêm không steroid cần được dùng theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh tác dụng phụ.
- Thuốc Corticoid: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể tiêm Corticoid quanh gân để điều trị viêm điểm bám gân khuỷu tay. Thuốc này có tác dụng ức chế miễn dịch, chống dị ứng và chống viêm mạnh. Đồng thời giảm nhẹ các triệu chứng đi kèm như viêm. Tuy nhiên Corticoid không được dùng cho những trường hợp mãn tính (tổn thương điểm bám gân khuỷu tay kéo dài trên 6 tháng. Bởi điều này có thể gây yếu gân và làm tăng nguy cơ đứt gân.
3. Vật lý trị liệu
Bệnh nhân bị viêm điểm bám gân khuỷu tay có thể được yêu cầu vật lý trị liệu để cải thiện tình trạng. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, các bài tập thể dục cụ thể sẽ được thiết kế với mục đích tăng cường sức cơ, giảm tổn thương và cải thiện độ dẻo dai cho gân. Đồng thời giúp giảm đau hiệu quả.
Ngoài ra một số phương thức vật lý trị liệu khác cũng có thể được áp dụng trong quá trình điều trị, bao gồm:
- Siêu âm trị liệu
- Điện trị liệu
- Sử dụng nhiệt
4. Liệu pháp thay thế
Đau và viêm có thể được cải thiện khi thực hiện một số liệu pháp dưới đây:
- Châm cứu: Châm cứu là liệu pháp sử dụng kim châm tạo nên những lỗ nhỏ trên gân hoặc những huyệt đạo tương ứng. Điều này có thể giúp kích thích các yếu tố liên quan đến quá trình giảm đau và chữa lành gân tổn thương.
- Xoa bóp: Xoa bóp có tác dụng tăng tuần hoàn màu, giảm đau, cải thiện khả năng vận động và tính linh hoạt cho khớp. Thông thường liệu pháp này sẽ được thực hiện từ 4 – 5 lần/ tuần đến khi các triệu chứng thuyên giảm.
5. Điều trị ngoại khoa
Phần lớn các trường hợp viêm điểm bám gân khuỷu tay không cần phẫu thuật. Tuy nhiên phương pháp này có thể cần thiết cho những trường hợp sau:
- Không có đáp ứng tốt với các biện pháp điều trị nội khoa (sau 3 tháng)
- Tổn thương nghiêm trọng, có nguy cơ đứt gân
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được phẫu thuật sửa chữa gân tổn thương, đặc biệt là những trường hợp có nguy cơ cao hoặc đứt gây. Sau phẫu thuật, người bệnh cần vật lý trị liệu để phục hồi chức năng theo hướng dẫn.
Phòng ngừa viêm điểm bám gân khuỷu tay
Để giảm nguy cơ phát triển viêm điểm bám gân khuỷu tay, bạn có thể thực hiện một số gợi ý được liệt kê dưới đây:
- Tránh thực hiện những hoạt động tạo áp lực và gây căng thẳng quá mức cho gân và khớp khuỷu tay. Bởi việc tăng áp lực trong thời gian dài sẽ khiến điểm bám gân bị kích ứng quá mức và viêm.
- Hãy dừng các hoạt động và nghỉ ngơi nếu cảm thấy đau.
- Duy trì thói quen vận động và luyện tập với những bài tập/ bộ môn tốt cho khuỷu tay và có cường độ thích hợp. Điều này có thể tăng cường sức cơ, sức mạnh và độ chắc khỏe cho gân. Đồng thời duy trì khả năng chuyển động linh hoạt, chống cứng khớp, hạn chế đau nhức và các tình trạng viêm.
- Vận động và luyện tập đúng kỹ thuật.
- Luôn luôn khởi động kỹ trước khi chơi thể thao. Một số bài tập khởi động phù hợp gồm xoay khớp khuỷu tay, xoay khớp vai, xoay khớp cổ tay….
- Nên có thời gian nghỉ ngơi phù hợp. Không nên làm việc hoặc vận động gắng sức. Bởi nghỉ ngơi đúng cách có thể giúp thư giãn khớp xương, gân và dây chằng, giảm áp lực lên ổ khớp, hạn chế tình trạng kích ứng quá mức.
- Không nên sử dụng những loại máy móc rung xóc liên tục. Ngoài ra tránh tỳ đè nhiều vào khuỷu tay khi ngồi làm việc. Nên điều chỉnh ghế, bàn phím và màn hình để phù hợp hơn với chiều cao cơ thể và chiều dài của cánh tay. Điều này có thể giúp bạn bảo vệ tất cả các khớp cùng với gân khỏi tình trạng căng thẳng quá mức.
- Tăng cường thực hiện những bài tập cải thiện cơ bắp để các khối cơ được sử dụng tối đa trong khi chơi thể thao và hoạt động. Điều này giúp rèn luyện cơ bắp, tăng khả năng chịu tải trọng và căng thẳng tốt hơn.
- Nên dành từ 15 – 20 phút để kéo giãn sau khi tập thể dục. Điều này giúp tối đa hóa phạm vi chuyển động của khớp, thư giãn. Đồng thời giảm thiểu chấn thương lặp đi lặp lại, phòng ngừa viêm điểm bám gân khuỷu tay. Để đạt hiệu quả tối đa, bạn nên kéo giãn sau khi tập thể dục, trong khi cơ đã được làm ấm.
Một số thông tin trong bài viết có thể giúp người bệnh hiểu hơn về tình trạng viêm điểm bám gân khuỷu tay, dấu hiệu, cách phòng ngừa và điều trị. Nhìn chung bệnh lý này được khắc phục nhanh, không gây biến chứng nếu được điều trị sớm và đúng cách. Ngược lại bệnh có thể làm tăng nguy cơ đứt gân và dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng khác. Do đó bệnh nhân cần khám chữa bệnh ngay khi các triệu chứng xuất hiện.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!