Thoát Vị Đĩa Đệm Gây Teo Chân
Thoát vị đĩa đệm gây teo chân chủ yếu do bệnh nhân thiếu động trong thời gian dài. Một số trường hợp khác có dây thần kinh / tủy sống bị chèn ép dẫn đến tê liệt. Sự tổn thương khiến người bệnh đau đớn, khó đi lại và hoạt động. Để cải thiện, cần vận động trị liệu sớm.
Thế nào là thoát vị đĩa đệm gây teo chân?
Thoát vị đĩa đệm gây teo chân là tình trạng teo cơ chân (yếu và suy giảm khối lượng cơ ở chân) xảy ra do bệnh thoát vị đĩa đệm. Điều này thường khởi phát sau 10 đến 42 ngày không sử dụng cơ liên tục.
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng khối nhân nhầy thoát khỏi vị trí bình thường thông qua những vết nứt/ rách của bao xơ hoặc phình (lồi) ra ngoài. Điều này hình thành một khối thoát vị lớn, tăng áp lực hoặc chèn ép vào rễ thần kinh hoặc/ và tủy sống. Từ đó dẫn đến đau đớn, tê bì, châm chích và hạn chế vận động ở các chi.
Đối với thoát vị đĩa đệm gây teo chân, bệnh chủ yếu xảy ra ở người bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Những trường hợp thoát vị đĩa đệm cổ (có chèn ép tủy/ dây thần kinh) thường dẫn đến teo cơ tay trước khi khối lượng cơ ở chân bị suy giảm.
Vì sao thoát vị đĩa đệm gây teo chân?
Bệnh thoát vị đĩa đệm gây teo chân chủ yếu do những nguyên nhân sau:
- Bất động hoặc thiếu vận động kéo dài
Thoát vị đĩa đệm là một bệnh xương khớp nghiêm trọng, thường gây đau đớn nặng nề trong giai đoạn khởi phát. Cơn đau có xu hướng tăng dần mức độ theo thời gian khiến khả năng vận động bị hạn chế. Khi thiếu vận động trong thời gian dài, các tế bào có xu hướng co lại dẫn đến sự suy giảm khối lượng cơ.
- Tê liệt
Khối thoát vị lớn có xu hướng chèn ép rễ thần kinh, gây hẹp ống sống dẫn đến chèn ép/ tổn thương tủy sống. Điều này dẫn đến tình trạng tê bì và yếu chi. Những trường hợp tổn thương tủy sống do vỡ đĩa đệm hoặc thoát vị nghiêm trọng có thể gây tê liệt. Các cơ không được sử dụng lâu ngày dẫn đến teo lại.
Đặc biệt, bệnh nhân bị yếu cơ và suy giảm khối lượng cơ khi các dây thần kinh chịu trách nhiệm chi phối cơ bị chèn ép. Điều này khiến các cơ không hoạt động do không nhận được tín hiệu truyền tải từ não bộ.
- Hạn chế lưu thông máu
Bệnh thoát vị đĩa đệm làm ảnh hưởng quá trình lưu thông máu ở khu vực tổn thương. Điều này khiến các cơ ở chân không được nuôi dưỡng và duy trì hoạt động. Từ đó làm tăng nguy cơ teo cơ chân.
Dấu hiệu nhận biết thoát vị đĩa đệm gây teo chân
Tương tự như một số tình trạng y tế khác (chẳng hạn như teo cơ chân sau chấn thương), thoát vị đĩa đệm gây teo chân diễn ra sau khoảng 10 – 42 ngày không hoạt động thường xuyên.
Khi các cơ ở chân bị yếu và suy giảm khối lượng, người bệnh sẽ gặp những triệu chứng dưới đây:
- Yếu chi
- Mất khối lượng cơ rõ rệt khiến bắp chân teo dần, chi bị ảnh hưởng nhỏ hơn chi còn lại hoặc nhỏ hơn người cùng tuổi
- Suy nhược ngày càng tăng
- Khó khăn hoặc không thể đi lại hay tham gia vào những hoạt động thể chất
- Dễ vấp ngã
- Chậm chạm hơn khi thực hiện các hoạt động
- Thay đổi dáng đi
Các dấu hiệu nhận biết thoát vị đĩa đệm:
- Đau đớn ở vùng ảnh hưởng. Cơn đau có xu hướng lan rộng xuống chi
- Đau tăng dần theo thời gian
- Đau nhiều hơn khi đứng hoặc ngồi lâu, đau giảm khi nằm nghỉ và giảm áp lực lên vùng ảnh hưởng
- Có cảm giác tê bì hoặc ngứa ran
- Châm chích hoặc cảm thấy kiến bò
- Hạn chế khả năng vận động
- Lười vận động do đau nhức và tê yếu
- Chậm chạm, thiếu linh hoạt
- Yếu cơ
- Teo cơ
- Rối loạn cảm giác, mất khả năng kiểm soát tiểu tiện ở trường hợp nặng.
Thoát vị đĩa đệm gây teo chân nguy hiểm không?
Thoát vị đĩa đệm gây teo chân có nghĩa bệnh thoát vị đĩa đệm của bạn đang trong giai đoạn nghiêm trọng. Nếu không được điều trị, bệnh lý này có thể gây thêm nhiều vấn đề dưới đây:
- Teo cơ chân nhanh chóng, không thể di chuyển hoặc vận động
- Liệt chi
- Rối loạn cơ vòng. Rễ dây thần kinh bị chèn ép và tổn thương làm ảnh hưởng đến cơ vòng đường tiểu. Điều này dẫn đến tình trạng bí tiểu, đái dầm dề vài ngày sau, nước tiểu chảy ra thụ động trong giai đoạn nặng.
- Hội chứng chùm đuôi ngựa.
Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm gây teo chân
Để chẩn đoán thoát vị đĩa đệm gây teo chân, người bệnh được kiểm tra:
- Tiền sử bệnh và chấn thương cột sống
- Dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng
- Phạm vi và khả năng vận động cho thấy tê yếu chi do tổn thương cơ, dây thần kinh hoặc tủy sống
- Mức độ và vị trí đau
- Kiểm tra và so sánh khối lượng cơ tại chi ảnh hưởng với chi lành hoặc thực hiện phép đo với người có cùng độ tuổi
Ngoài ra người bệnh được chỉ định một số xét nghiệm giúp xác định và đánh giá chẩn đoán. Bao gồm:
- Chụp X-quang: Bệnh nhân được chụp X-quang cột sống để kiểm tra bất thường ở những đốt sống. Chẳng hạn như gãy xẹp/ vỡ đốt sống, gai cột sống… Từ đó phát hiện sự chèn ép và xác định nguyên nhân gây đau lưng.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI giúp kiểm tra mô mềm (tủy sống, mạch máu, dây thần kinh). Từ đó phát hiện tổn thương tủy sống và những vấn đề khác làm ảnh hưởng đến chức năng và phạm vi vận động. Đồng thời xác định nguyên nhân gây tê yếu và teo cơ chân. MRI cũng được sử dụng để loại trừ nguyên nhân khác, chẳng hạn như u cột sống.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Đôi khi chụp cắt lớp vi tính được chỉ định để đánh giá chi tiết hơn về những tổn thương ở cột sống. CT cũng được dùng để phát hiện những tổn thương tiềm ẩn.
- Xét nghiệm máu: Loại trừ những bệnh lý liên quan đến viêm nhiễm, kiểm tra quá trình tổng hợp protein xây dựng cơ.
- Xét nghiệm nước tiểu: Nếu mất cơ nhanh chóng, xét nghiệm nước tiểu sẽ được sử dụng để đo lường khối lượng cơ mất đi.
- Điện cơ (EMG): EMG được dùng để nghiên cứu phản ứng điện của cơ và dây thần kinh. Đồng thời xác định sự mất phân bố thần kinh của cơ bắp.
- Sinh thiết: Bệnh nhân được sinh thiết thần kinh hoặc cơ để phát hiện những bất thường.
Điều trị thoát vị đĩa đệm gây teo chân
Đối với thoát vị đĩa đệm gây teo chân, người bệnh cần vận động trị liệu sớm và tích cực để phục hồi. Ngoài ra nên áp dụng các biện pháp chăm sóc (dinh dưỡng, dùng thuốc giảm đau…) và điều trị căn nguyên. Điều này giúp người bệnh sớm cải thiện khối lượng cơ, tăng sức mạnh và chức năng vận động.
1. Thuốc
Trong điều trị thoát vị đĩa đệm gây teo chân, người bênh được kê một số loại thuốc giảm nhẹ triệu chứng và hỗ trợ vận động.
- Acetaminophen/ NSAID: Người bệnh có thể được chỉ định Acetaminophen hoặc NSAID (chẳng hạn như Naproxen hoặc Ibuprofen) để giảm đau và hỗ trợ vận động. Acetaminophen có tác dụng trị đau và hạ sốt, phù hợp khi dùng cho cơn đau nhẹ và vừa. Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) có tác dụng trị đau và viêm, phù hợp với cơn đau vừa. Acetaminophen và NSAID được dùng với liều thích hợp để kiểm soát nhanh cơn đau.
- Thuốc giảm đau nhóm opioid: Những trường hợp đau nặng được chỉ định opioid (như Morphin, Tramadol) trong vài ngày để kiểm soát cơn đau. Thuốc mang đến tác dụng giảm đau tức thì nhưng cần được dùng ở liều thích hợp.
- Tiêm steroid ngoài màng cứng: Corticoid có thể được dùng để tiêm vào vùng có đĩa đệm tổn thương. Với tác dụng trị đau và kháng viêm mạnh, thuốc này có thể mang đến hiệu quả sau vài giờ. Tác dụng giảm đau thường kéo dài trong vài tháng, hỗ trợ bệnh nhân tập luyện để phục hồi cơ chân.
2. Vận động và tập thể dục
Vận động và tập thể dục được xác định là phương pháp hiệu quả nhất đối với thoát vị đĩa đệm gây teo chân. Trong quá trình điều trị, người bệnh có thể:
- Tập yoga
- Tập kéo giãn với những bài tập thích hợp
- Đi bộ
- Bơi lội
- Đạp xe
- Chạy bộ chậm
- Thái cực quyền…
Việc luyện tập giúp giảm đau lưng, tăng cường các cơ hỗ trợ cột sống, kích thích quá trình lưu thống máu và giảm cảm giác tê bì. Đối với teo cơ chân, luyện tập đều đặn mỗi ngày giúp kích thích quá trình tổng hợp protein. Từ đó thúc đẩy quá trình xây dựng và phát triển cơ bắp khỏe mạnh.
Ngoài ra vận động với các bài tập thích hợp còn giúp tăng cường sức mạnh, cải thiện chức năng vận động và tính linh hoạt cho người bệnh. Đồng thời củng cố sự dẻo dai và sức khỏe của hệ xương khớp, đặc biệt là xương sống.
Nếu thoát vị đĩa đệm gây teo chân nặng, còn đau nhiều hoặc yếu ớt, người bệnh cần luyện tập theo chỉ định của bác sĩ/ chuyên viên vật lý trị liệu. Thông báo với bác sĩ nếu việc luyện tập gây đau.
3. Vật lý trị liệu
Những trường hợp nặng được vật lý trị liệu theo hướng dẫn của chuyên gia. Tùy thuộc vào tình trạng, người bệnh có thể được vận động trị liệu, kích thích điện hoặc siêu âm trị liệu.
- Vận động trị liệu
Trong điều trị thoát vị đĩa đệm gây teo chân, vận động trị liệu thường bao gồm những bài tập tăng cường cơ bắp và kéo giãn với cường độ luyện tập tăng dần. Những bài tập này được áp dụng cho cả lưng và chân để duy trì khả năng vận động, xây dựng cơ bắp, tăng cường sự dẻo dai cho lưng. Đồng thời nâng cao sức khỏe xương khớp, tăng tính linh hoạt và sức mạnh cho đôi chân.
Ngoài ra những bài tập thích hợp sẽ được áp dụng để kích thích quá trình tổng hợp protein trong cơ thể, tăng tuần hoàn máu đến các chi. Từ đó tạo điều kiện cho các cơ phát triển.
- Kích thích điện
Nếu không thể vận động trị liệu do yếu hoặc liệt, bệnh nhân được kích thích điện để cải thiện khối lượng cơ bắp. Phương pháp này giúp các mô cơ ở chân phát triển và tăng sức mạnh, cải thiện khả năng vận động. Từ đó giảm nhẹ tình trạng teo cơ chân do thoát vị đĩa đệm.
Sau khi gắn các điện cực vào vùng ảnh hưởng, một dòng điện thích hợp được truyền đến da và kích thích cơ qua điện cực. Từ đó tăng khối lượng cơ và cải thiện những chuyển động của chi.
- Siêu âm trị liệu
Siêu âm trị liệu là phương pháp sử dụng sóng siêu âm kích thích sự phát triển của những mô cơ, tăng khối lượng cơ bắp và thúc đẩy chữa lành mô tổn thương. Ngoài ra phương pháp này còn giúp tăng cường lưu thông máu và giảm đau hiệu quả.
4. Thiết bị hỗ trợ
Hãy sử dụng thiết bị hỗ trợ như khung tập đi, gậy… nếu việc đi lại trở nên khó khăn và dễ vấp ngã. Những thiết bị này giúp người bệnh đi lại dễ dàng, hạn chế sự bất động khiến tình trạng teo cơ chân trở nên nghiêm trọng hơn.
5. Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp
Để hỗ trợ ngăn ngừa và cải thiện thoát vị đĩa đệm gây teo chân, người bệnh cần thiết lập chế độ ăn uống phù hợp. Cụ thể người bệnh cần tăng cường bổ sung vitamin A, C, D, E, canxi, phốt pho, magie, omega-3. Những thành phần này giúp giảm đau, tăng khả năng kháng viêm. Đồng thời xây dựng hệ xương khớp khỏe mạnh và thúc đẩy quá trình phục hồi đĩa đệm bị hỏng (nhờ vitamin D, canxi, magie).
Ngoài ra người bệnh nên ăn nhiều thực phẩm chứa protein. Đây là một thành phần quan trọng đối với hầu hết các mô trong cơ thể. Cụ thể protein được tổng hợp giúp xây dựng và phát triển cơ bắp, xương, gân, dây chằng… Từ đó giúp tăng sự dẻo dai và khối lượng cơ, ngăn ngừa teo cơ hiệu quả. Protein cũng cung cấp năng lượng giúp cơ thể luôn khỏe mạnh.
Lưu ý xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung dinh dưỡng từ các loại thực phẩm lành mạnh. Cụ thể như:
- Các loại rau lá xanh
- Trái cây
- Các loại hạt và đậu
- Ngũ cốc
- Trứng
- Sữa và chế phẩm của sữa
- Cá hồi
- Thịt nạc
- Dầu thực vật
- Trứng cá…
Tham khảo thêm: Thoát Vị Đĩa Đệm Nên Ăn Gì, Kiêng Gì Hết Đau, Mau Khỏi?
6. Phẫu thuật
Đối với bệnh thoát vị đĩa đệm gây teo chân, phẫu thuật thường là phương pháp điều trị cuối cùng, được chỉ định cho những trường hợp sau:
- Điều trị bảo tồn không hiệu quả
- Khối thoát vị chèn ép rễ thần kinh hoặc và tủy sống
- Tê liệt nghiêm trọng, nguy cơ bại liệt cao
- Đĩa đệm bị vỡ, không hoặc có những mảnh gãy làm tổn thương mô mềm
- Đau lưng không giảm hoặc tăng dần theo thời gian, ảnh hưởng đến đời sống và khả năng vận động.
Hầu hết các trường hợp được phẫu thuật giải nén và phục hình đĩa đệm hỏng. Đối với những trường hợp nặng, đĩa đệm hỏng có thể bị loại bỏ, sau đó hợp nhất cột sống hoặc ghép xương. Sau phẫu thuật, vật lý trị liệu sẽ được áp dụng sớm để phục hồi hoàn toàn chức năng vận động cho lưng và chi. Đồng thời tăng khối lượng cơ bắp.
Phẫu thuật tiềm ẩn một số rủi ro (như nhiễm trùng, tổn thương mô mềm…). Tuy nhiên chúng thường được ngăn ngừa bằng những biện pháp chăm sóc và vận động sau mổ.
Phòng ngừa thoát vị đĩa đệm gây teo chân
Phát hiện và điều trị sớm thoát vị đĩa đệm là cách ngăn ngừa bệnh thoát vị đĩa đệm gây teo chân hiệu quả. Điều trị bảo tồn (dùng thuốc, vật lý trị liệu, đai lưng thoát vị đĩa đệm…) hay phẫu thuật đều có khả năng kiểm soát cảm giác đau đớn và tê liệt ở người bệnh. Từ đó hỗ trợ vận động và tránh mất khối lượng cơ ở chân.
Ngoài ra để ngăn ngừa teo cơ chân sau thoát vị đĩa đệm, bệnh nhân cần lưu ý thêm:
- Duy trì thói quen vận động 30 phút/ ngày để duy trì khối lượng cơ bắp. Lưu ý tập luyện với những bài tập và bộ môn phù hợp với thể trạng. Không gắng sức để tránh làm tổn thương và gây đau thêm.
- Không bất động hoặc kém vận động trong thời gian dài.
- Điều trị nguyên nhân bệnh lý và quản lý cơn đau sớm để chứng teo cơ được ngăn ngừa hiệu quả.
- Chườm nóng và dùng thuốc là cách kiểm soát cơn đau và hỗ trợ duy trì vận động.
- Những trường hợp có dấu hiệu tê liệt cần liên hệ ngay với bác sĩ để được phẫu thuật thoát vị đĩa đệm.
Thoát vị đĩa đệm gây teo chân thường xảy ra trong giai đoạn muộn của bệnh thoát vị đĩa đệm. Vì thế việc điều trị cần được thực hiện sớm để kiểm soát bệnh và duy trì khối lượng cơ bắp. Liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn phác đồ điều trị thích hợp.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!