Thoái Hóa Cột Sống Cổ Gây Đau Đầu
Đau đầu do thoái hóa cột sống cổ là một cơn đau thứ phát xảy ra khi có vấn đề ở dây thần kinh, xương hoặc các cơ ở cổ. Tình trạng này có thể kéo dài trong nhiều thắng hoặc nhiều năm và rất khó để chẩn đoán chính xác.
Thoái hóa đốt sống cổ có gây đau đầu không?
Thoái hóa cột sống cổ xảy ra khi sụn bảo vệ khớp bị tổn thương và không thể hỗ trợ chuyển động giữa các xương. Điều này dẫn đến ma sát, sưng, đau và viêm khớp. Tình trạng này tương đối phổ biến và nghiêm trọng dần theo độ tuổi. Theo thống kê, có hơn 85% người trên 60 tuổi bị thoái hóa đốt sống cổ.
Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng này không gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, đôi khi các triệu chứng thoái hóa đốt sống cổ có thể gây đau đầu, rối loạn tiền đình và một số rủi ro liên quan.
Cụ thể, ở phần trên của cột sống cổ là nơi xuất phát của dây thần kinh sinh ba và dây thần kinh cột sống trên. Dây thần kinh sinh ba chịu trách nhiệm về các cảm giác đau ở mặt bao gồm đỉnh đầu, trán, mắt và vùng thái dương. Thoái hóa đốt sống cổ có thể gây chèn ép các dây thần kinh. Điều này dẫn đến tình trạng đau đầu và rối loạn tiền đình.
Đau đầu do thoái hóa cột sống cổ thường rất khó xác định. Mặc dù có thể cảm thấy đau đầu nhưng người bệnh có thể cảm nhận được cơn đau đến từ một vị trí khác, không phải ở đầu.
Ngoài ra, nếu không được điều trị phù hợp và đúng phương pháp, thoái hóa cột sống cổ có thể dẫn đến rối loạn tiền đình. Tiền đình nằm ở phía sau ốc tai, hỗ trợ duy trì sự cân bằng cho các hoạt động của cơ thể. Rối loạn tiền đình có thể dẫn đến mất cân bằng cơ thể. Thoái hóa cột sống cổ nghiêm trọng có thể gây chèn ép lên các mạch máu và rễ thần kinh. Điều này khiến não không được cung cấp đầy đủ lượng máu cần thiết, dẫn đến thiếu máu não và rối loạn tiền đình.
Các triệu chứng đau đau và rối loạn tiền đình liên quan đến thoái hóa cột sống cổ có thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, cho đến khi các triệu chứng thoái hóa cột sống được cải thiện. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có biện pháp điều trị phù hợp.
Triệu chứng đau đầu do thoái hóa cột sống cổ
Các triệu chứng rối loạn tiền đình do thoái hóa cột sống cổ có thể từ nhẹ đến trung bình hoặc đau đớn dữ dội. Người bệnh thường cảm thấy các cơn đau liên tục hoặc gián đoạn ở đầu, cổ, vai hoặc cánh tay.
1. Các triệu chứng chung
Các triệu chứng thường chỉ ảnh hưởng ở một bên đầu hoặc cổ. Người bệnh có thể gặp một hoặc nhiều các triệu chứng như:
- Đau âm ỉ với cường độ từ trung bình đến nghiêm trọng ở vùng đầu cổ.
- Cơn đau thường bắt đầu ở vùng phía sau cổ và có thể dẫn đến cứng cổ hoặc giảm phạm vi hoạt động.
- Đau ở nhiều vùng, có thể kéo dài ra phía trước trán, đầu, khu vực quanh mắt, thái dương và xung quanh tai.
- Các triệu chứng có thể gây ảnh hưởng đến mắt và dẫn đến tầm nhìn mờ.
- Đau ở bên dưới cổ, vai, cánh tay hoặc ở giữa hai bả vai.
Người bệnh thoái hóa cột sống cổ có thể không bị đau cổ. Đôi khi người bệnh có thể không cảm thấy đau liên tục nhưng có thể cảm thấy đau khi chạm vào. Đây cũng có thể là dấu hiệu đau đầu liên quan đến thoái hóa cột sống cổ.
2. Các triệu chứng ít phổ biến
Bên cạnh đau đầu và đau cổ, thoái hóa cột sống cổ có thể dẫn đến một số dấu hiệu không phổ biến như:
- Buồn nôn
- Tăng độ nhạy cảm với ánh sáng hoặc âm thanh
- Chóng mặt
- Sưng xung quanh mắt
- Khó nuốt
- Đau nửa đầu
- Có cảm giác đau khi chạm vào đối diện của đầu bị ảnh hưởng
Một số người bệnh bị đau đầu do thoái hóa cột sống cổ có triệu chứng như đau nửa đầu và đau đầu kiểu căng thẳng. Do đó, tốt nhất người bệnh nên đến bệnh viện để được tư vấn và có biện pháp điều trị phù hợp.
Nguyên nhân gây đau đầu do thoái hóa cột sống cổ
Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình do thoái hóa cột sống cổ phụ thuộc vào giải phẫu ở vùng trên của cổ. Ở cổ chứa nhiều dây thần kinh, do đó khi các dây thần kinh này bị ảnh hưởng có thể tác động đến nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể, bao gồm trán, mắt, thái dương và tai.
1. Nguyên nhân liên quan đến cấu trúc
Cấu trúc giải phẫu của cột sống cổ có thể là nguyên nhân chính dẫn đến cơn đau đầu. Cụ thể, các cấu trúc liên quan có thể bao gồm:
- Các mặt khớp: Có hai khớp nhỏ ở mỗi đốt sống, cho phép các chuyển động hạn chế giữa các đốt sống liền kề, chẳng hạn như C2 và C3. Các khớp này rất dễ bị chấn thương do chức năng chịu trọng lượng khi nâng đỡ đầu. Theo thống kê, có khoảng 70% các trường hợp đau đầu do thoái hóa cột sống cổ liên quan đến các chấn thương ở khớp giữa các đốt sống C2 và C3.
- Khớp đội – chẩm: Các khớp này là phần dưới của xương chẩm (đáy hộp sọ) kết nối với đốt sống cổ đầu tiên. Khu vực này hỗ trợ đưa tủy sống ra khỏi hộp sọ và xuống cột sống cổ. Thoái hóa cột sống gây ảnh hưởng đến các khớp đội – chẩm, có thể gây ảnh hưởng đến tủy sống và dẫn đến các đau đầu ở vùng chẩm.
- Đĩa đệm: Các đĩa đệm cột sống đóng vai trò như một bộ giảm xóc giữa các đốt sống, hỗ trợ việc cử động cổ và duy trì khoảng cách an toàn giữa các dây thần kinh. Thoái hóa cột sống cổ khiến các đĩa đệm lệch khỏi vị trí ban đầu, tác động lên các dây thần kinh và gây đau đầu.
- Dây thần kinh cổ: Thoái hóa cột sống có thể gây chèn ép và kích thích các dây thần kinh ở cổ, dẫn đến đau đầu hoặc rối loạn tiền đình. Các dây thần kinh thường bị ảnh hưởng nhất là C2 – C3 và dây thần kinh chẩm thứ ba. Các dây thần kinh này di chuyển xung quanh đầu và da đầu, do đó tác động đến các dây thần kinh này có thể dẫn đến đau đầu.
Các cấu trúc giải phẫu xung quanh cột sống cổ có liên kết với nhau. Do đó, chấn thương một trong những cấu trúc này có thể gây đau đầu và nhiều triệu chứng liên quan khác.
2. Các yếu tố rủi ro
Bên cạnh cấu trúc cột sống cổ, có một số yếu tố rủi ro có thể làm tăng nguy cơ đau đầu do thoái hóa cột sống cổ, chẳng hạn như:
- Nghề nghiệp: Nhà tạo mẫu tóc, thợ mộc và tài xế thường có nguy cơ đau đầu do thoái hóa đốt sống cổ, do tư thế đầu khi làm việc.
- Lạm dụng cột sống cổ: Những người tập thể thao vất vả, chẳng hạn như nâng tạ có nguy cơ thoái hóa cột sống cổ và đau đầu cao hơn những người khác.
- Tư thế đầu: Những người giữa đầu hướng về phía trước trong khi thực hiện các hoạt động, chẳng hạn như sử dụng máy tính liên tục, có thể dẫn đến các cơn đau đầu.
- Giới tính nữ: Phụ nữ có nguy cơ đau đầu do thoái hóa cột sống cổ cao hơn những người khác.
3. Các yếu tố kích hoạt
Trong hầu hết các trường hợp, cơn đau đầu do thoái hóa cột sống cổ có thể bắt đầu hoặc trở nên nghiêm trọng hơn sau một số hoạt động cụ thể, chẳng hạn như:
- Áp lực bên ngoài, chẳng hạn như tác động vào đáy hộp sọ hoặc cột sống cổ
- Tư thế bất thường hoặc chuyển động đầu cổ không hợp lý
- Tư thế ngủ bất thường (đặt biệt là nằm sấp) có thể dẫn đến đau đầu khi thức dậy và thường được cải thiện ngay sau đó
Các yếu tố kích hoạt thường liên quan đến vị trí và tác dụng của áp suất bên ngoài. Các triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn khi ho, vận động hoặc thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng đến vùng đầu cổ.
Thoái hóa đốt sống cổ gây đau đầu có nguy hiểm không?
Nếu không được điều trị phù hợp, các triệu chứng đau đầu có thể trở nên nghiêm trọng và dẫn đến suy nhược cơ thể. Một số người cũng có thể bị đau đầu mãn tính hoặc đau đầu tái phát thường xuyên và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Do đó, nếu nhận thấy các cơn đầu hoặc các dấu hiệu rối loạn tiền đình, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và trao đổi về các biện pháp điều trị phù hợp.
Chẩn đoán
Chẩn đoán đau đầu do thoái hóa cột sống cổ liên quan đến việc đánh giá tiền sử bệnh lý và thực hiện các xét nghiệm cụ thể. Tuy nhiên tình trạng này tương đối khó chẩn đoán do các triệu chứng không đặc hiệu. Do đó, chẩn đoán chính xác là điều quan trọng để thiết lập kế hoạch điều trị an toàn và hiệu quả.
1. Khám sức khỏe
Để xác định tình trạng đau đầu do thoái hóa cột sống cổ, bác sĩ có thể đề nghị các kiểm tra sức khỏe tổng thể, chẳng hạn như:
Tiền sử bệnh lý: Bác sĩ có thể kiểm tra về thời điểm xuất hiện các cơn đau, cảm giác đau và các triệu chứng liên quan, chẳng hạn như:
- Loại và tính chất của cơn đau đầu
- Thời điểm khởi phát, đặc điểm và các triệu chứng liên quan
- Tính linh hoạt của cổ
- Các chấn thương hoặc tác động đến cột sống cổ
Kiểm tra thể chất:
Bác sĩ có thể sờ, nắn cổ, kiểm tra cơn đau, dấu hiệu sưng hoặc các bất thường khác ở cổ. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kiểm tra cánh tay, bàn tay để xác định sự suy giảm sức mạnh, khả năng phản xạ hoặc các vấn đề thần kinh ở cổ.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh gập hoặc xoay cổ để để xác định phạm vi chuyển động.
Nếu nghi ngờ đau đầu do thoái hóa cột sống cổ, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm liên quan đến xác định nguyên nhân gây đau.
2. Chẩn đoán xác định
Để chẩn đoán tình trạng đau đầu, rối loạn tiền đình do thoái hóa cột sống cổ, bác sĩ có thể đề nghị các kiểm tra như:
Chẩn đoán thần kinh:
Bác sĩ có thể sử dụng các thuốc tiêm để kiểm tra nguồn gốc chính xác dẫn đến các cơn đau do thoái hóa cột sống cổ. Kỹ thuật này bao gồm việc tiêm thuốc gây tê để giảm đau và sử dụng dung dịch chống viêm xung quanh dây thần kinh.
Sau đó, bác sĩ tiến hành soi huỳnh quang (dưới sự hướng dẫn của tia X) để xác định tất cả các vùng bên trong dây thần kinh, bao gồm các dây thần kinh ở đầu.
Xét nghiệm hình ảnh:
Hình ảnh y tế, chẳng hạn như X – quang, chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) được sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán, nhưng thường không được sử dụng để chẩn đoán xác định cơn đau đầu.
Chẩn đoán đau đầu do thoái hóa cột sống cổ thường gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên chẩn đoán chính xác là điều quan trọng và cần thiết để có kế hoạch điều trị phù hợp.
Điều trị thoái hóa cột sống cổ gây đau đầu
Không có phác đồ cụ thể để điều trị tình trạng rối loạn tiền đình và đau đầu do thoái hóa cột sống cổ. Do đó, các biện pháp điều trị thường nhằm mục đích giảm đau, hỗ trợ khả năng cân bằng và ngăn ngừa các rủi ro liên quan.
1. Kích thích dây thần điện qua da
Kỹ thuật này sử dụng một thiết bị để tạo ra dòng điện áp thấp, kích hoạt các dây thần kinh và điều trị cơn đau. Thiết bị này thường bao gồm các điện cực trên các miếng đệm nhỏ và được đặt lên vùng đầu để dòng điện đi qua các điện cực.
Các điện cực có thể kích thích các dây thần kinh cảm giác, tạo ra cảm giác ngứa ran và cải thiện các cơn đau.
2. Vận động mô mềm bằng dụng cụ hỗ trợ
Vận động mô mềm bằng dụng cụ hỗ trợ (IASTM) tác động đến các lớp mô sâu ở cột sống cổ để xác định các giới hạn ở mô. Các giới hạn ở mô có thể được hình thành do sự phát triển của mô xơ, các mô sẹo và tình trạng viêm mãn tính do thoái hóa cột sống cổ.
Bác sĩ có thể sử dụng các dụng cụ cầm tay nhẹ nhàng để chà xát lên khu vực bị ảnh hưởng bằng các kỹ thuật xoa bóp cụ thể. Sau khi xác định được giới hạn của mô, bác sĩ có thể tác động đến mô bằng cách kéo căng mô bằng sự hỗ trợ của các dụng cụ chuyên dụng.
3. Thuốc điều trị
Bác sĩ có thể kê các loại thuốc điều trị đau đầu, đau nửa đầu hoặc đau đầu do dây thần kinh để cải thiện các cơn đau đầu do thoái hóa cột sống cổ. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng
- Thuốc chống động kinh
- Thuốc giảm đau bao gồm thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chất ức chế chọn lọc cyclooxygenase – 2 (COX-2) và thuốc giảm đau gây mê
- Thuốc giãn cơ
Các loại thuốc thường chỉ mang lại hiệu quả giảm đau tạm thời và không có tác dụng điều trị dứt điểm cơn đau. Tuy nhiên, thuốc có thể cải thiện cơn đau và giúp người bệnh có thể tuân thủ liệu pháp điều trị theo phác đồ của bác sĩ chuyên môn. Điều quan trọng là sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn để giảm nguy cơ tác dụng phụ hoặc biến chứng.
4. Bài tập trị liệu
Đau đầu do thoái hóa cột sống cổ có thể được cải thiện bằng các biện pháp vật lý trị liệu. Các bài tập này tập trung vào việc tăng cường, kéo căng cơ cổ và hỗ trợ chuyển động của cổ.
Chuyên gia vật lý trị liệu có thể thiết kế một chương trình luyện tập phù hợp dành riêng cho từng bệnh nhân. Do đó, điều quan trọng là trao đổi với người có chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.
5. Các phương pháp xâm lấn
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để điều trị các cơn đau đầu do thoái hóa cột sống cổ. Các loại phẫu thuật phổ biến bao gồm:
- Giải phóng dây thần kinh: Quy trình này liên quan đến việc giảm áp lực lên các dây thần kinh và loại bỏ các mô có thể gây chèn ép lên các dây thần kinh.
- Cắt dây thần kinh: Dây thần kinh có thể được cắt bỏ một phần hoặc hoàn toàn để giảm đau dây thần kinh. Thủ tục này thường được thực hiện trên dây thần kinh chẩm lớn.
- Hợp nhất cột sống cổ: Phẫu thuật này được thực hiện để loại bỏ một đĩa đệm bị hư hỏng và tiến hành hợp nhất cột sống cổ. Quy trình này có thể loại bỏ viêm, giảm đau và tạo thêm không gian cho dây thần kinh cột sống.
Phẫu thuật điều trị không phổ biến, tuy nhiên bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật để ngăn ngừa các rủi ro có thể xảy ra. Ngoài ra, phẫu thuật có thể dẫn đến một số biến chứng, chẳng hạn như chảy máu quá nhiều, phản ứng dị ứng, nhiễm trùng và một số biến chứng khác.
Phòng ngừa đau đầu do thoái hóa cột sống cổ
Thực hiện các phương pháp tự chăm sóc có thể kiểm soát và phòng ngừa các triệu chứng đau đầu do thoái hóa cột sống cổ. Cụ thể, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp như:
- Tránh các tư thế hoặc chuyển động có thể dẫn đến các cơn đau
- Thực hiện tư thế ngồi đúng, chẳng hạn như ngồi thẳng lưng với đầu và vai không nhô về trước
- Sử dụng nẹp cổ để hỗ trợ khi ngồi hoặc nằm
- Sử dụng gối hỗ trợ khi ngồi xe ô tô hoặc máy bay để tránh cúi hoặc gập cổ quá mức
- Tránh tư thế ngủ nằm sấp để hạn chế nguy cơ đau đầu khi ngủ dậy
- Sử dụng gối ngủ phù hợp để tránh đầu ở tư thế quá cao hoặc quá thấp
Thoái hóa cột sống cổ gây đau đầu là tình trạng không phổ biến nhưng có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn và có biện pháp điều trị phù hợp.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!