Teo Cơ Tay Là Bệnh Gì? Triệu Chứng Và Cách Chữa Trị
Teo cơ tay là thuật ngữ chỉ tình trạng suy giảm cơ bắp ở cánh tay. Tình trạng này thường kèm theo cảm giác yếu ớt, mất sức mạnh, khó vận động và mang vác vật nặng. Bất động lâu ngày, ít vận động là nguyên nhân chủ yếu. Tuy nhiên bệnh cũng có thể xả ra do tổn thương thần kinh và nhiều bệnh lý khác.
Teo cơ tay là bệnh gì?
Teo cơ tay là tình trạng suy yếu và suy giảm khối lượng cơ bắp ở tay. Điều này khiến tay ảnh hưởng nhỏ hơn bên lành hoặc tay của những người cùng tuổi. Ngoài ra bắp tay teo nhỏ thường tạo cảm giác yếu ớt, người bệnh khó dùng sức để thực hiện các hoạt động.
Một người bị teo cơ tay thường do thiếu vận động hoặc bất động lâu ngày. Điều này có thể xảy ra sau một chấn thương ở cánh tay hoặc bệnh cơ xương khớp. Cơ bắp không được sử dụng thường xuyên dẫn đến teo nhỏ nhưng không ngắn hơn cánh tay hoạt động bình thường.
Ngoài ra quá trình lão hóa tự nhiên và suy dinh dưỡng cũng có thể dẫn đến bệnh teo cơ. Tùy thuộc vào tình trạng, người bệnh được điều trị với các phương pháp khác nhau. Tuy nhiên vận động trị liệu là phương pháp điều trị chính. Theo thời gian, người bệnh có thể cải thiện khả năng vận động hoặc đảo ngược hoàn toàn.
Dấu hiệu nhận biết teo cơ tay
Teo cơ tay có thể xảy ra ở một hoặc cả hai tay; ảnh hưởng toàn bộ hoặc chỉ một phần của tay (như bắp tay hay cẳng tay và bàn tay). Để nhận biết tình trạng, người bệnh có thể dựa vào những dấu hiệu dưới đây:
- Suy giảm khối lượng cơ nạc
- Cánh tay nhỏ hơn đáng kể so với bên còn lại
- Yếu rõ rệt ở một hoặc cả hai chi, không có sức lực
- Giảm chức năng vận động
- Người bệnh đã không hoạt động thể chất trong một thời gian
- Tê hoặc ngứa ran một cánh tay khi có tổn thương thần kinh
Nguyên nhân gây teo cơ tay là gì?
Có nhiều nguyên nhân gây teo cơ tay. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp:
1. Lối sống ít vận động
Nếu có lối sống ít vận động hoặc không tập thể dục đầy đủ, người bệnh sẽ bị teo cơ tay. Điều này xảy ra do cơ bắp của bạn không được sử dụng hoặc sử dụng không đủ.
Các nghiên cứu cho thấy, nếu ngừng sử dụng cơ bắp, cơ thể sẽ không lãng phí năng lượng để chăm sóc và phát triển chúng. Mặt khác cơ bắp của bạn bắt đầu bị phá vỡ khi không sử dụng. Điều này khiến chúng suy yếu và giảm khối lượng.
Teo cơ tay do thiếu vận động thường gặp ở những nhóm đối tượng sau:
- Không tập thể dục đầy đủ
- Ngồi vào bàn làm việc cả ngày
- Nghỉ ngơi và bất động lâu ngày do chấn thương
2. Bất động
Bất động làm suy giảm khối lượng cơ bắp đáng kể. Điều này thường xảy ra sau một chấn thương hoặc bệnh lý, người bệnh hạn chế những chuyển động để tránh gây đau. Chẳng hạn như gãy tay, viêm khớp khuỷu tay…
Ngoài ra teo cơ tay cũng xảy ra khi người bệnh không thể cử động tay chân do đột quỵ, viêm da cơ hoặc những bệnh lý khác.
- Đột quỵ (tai biến mạch máu não): Đây là một sự tổn thương nghiêm trọng của não bộ. Bệnh xảy ra khi có một mạch máu trong não bị vỡ hoặc dòng máu đến não bị gián đoạn. Điều này làm suy giảm hàm lượng dinh dưỡng và oxy nuôi tế bào não, cuối cùng dẫn đến đột quỵ. Những người bị đột quỵ không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong. Một số trường hợp khác nằm bất động trong thời gian dài.
- Viêm da cơ: Đây là một dạng bệnh cơ hiếm gặp, gây yếu cơ và phát ban trên da. Bệnh lý này ảnh hưởng đến cơ thể trong suốt quảng đời còn lại. Viêm da cơ làm tổn thương cơ nghiêm trọng đến mức người bệnh mất khả năng sử dụng một phần cơ thể hoặc mất khả năng di chuyển như trước. Bệnh lý này thường mất nhiều năm để phát triển nhưng cũng có thể sớm hơn.
3. Suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân gây teo cơ tay thường gặp, có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ bắp của cơ thể. Bệnh lý này xảy ra khi cơ thể không được bổ sung đủ dinh dưỡng cần thiết, thường do chán ăn kéo dài.
Một số trường hợp khác có bệnh lý (như hội chứng ruột kích thích, ung thư…) làm suy giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và khiến cơ thể suy yếu theo thời gian. Khi không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, các cơ không được nuôi dưỡng sẽ teo dần.
4. Lão hóa
Lão hóa có thể dẫn đến bệnh teo cơ ở người lớn tuổi. Những trường hợp này thường có triệu chứng rõ ràng nhất ở cánh tay. Khi lớn tuổi, cơ thể bắt đầu lão hóa, suy yếu cơ quan tổng hợp protein (thành phần xây dựng và tái tạo mô, phát triển cơ bắp).
Khi không đủ lượng protein cần thiết, quá trình xây dựng và phát triển cơ bị cản trở. Điều này khiến những tế bào cơ co lại và trở nên suy yếu. Chính vì thế mà những người lớn tuổi thường bị teo cơ, chậm chạm, mất sức lực ở tay và chân.
5. Nguyên nhân thần kinh
Teo cơ do tổn thương thần kinh liên quan đến bệnh tật và chấn thương ảnh hưởng đến các dây thần kinh kết nối với cơ. Khi những dây thần kinh này bị tổn thương/ kích thích, chúng không thể kích hoạt những cơn co thắt cơ cần thiết để duy trì hoạt động của cơ.
Khi cơ bắp không co lại (hoặc không hoạt động), cơ thể sẽ nghĩ rằng bạn không cần cơ bắp nữa. Chính vì thế mà cơ thể bắt đầu phá hủy chúng. Cuối cùng dẫn đến sự suy giảm về kích thước và sức mạnh của các cơ.
Dưới đây là một số bệnh lý có thể làm ảnh hưởng đến các dây thần kinh kết nối cơ:
- Hội chứng Guillain Barre: Hội chứng Guillain Barre xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công và làm tổn thương các dây thần kinh của cơ thể.
- Bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS): Đây là một chứng rối loạn thần kinh cơ dẫn đến yếu cơ .
- Hội chứng ống cổ tay: Ảnh hưởng đến dây thần kinh giữa ở ống cổ tay dẫn đến đau, tê, ngứa ran, châm chích, yếu ở bàn tay và cổ tay.
- Bại liệt: Đây là một bệnh do virus bại liệt (có tên poliovirus) gây ra. Sau khi xâm nhập và nhân lên, virus có thể tấn công hệ thần kinh giúp não giao tiếp với phần còn lại của cơ thể.
- Tổn thương tủy sống: Tổn thương làm thay đổi tạm thời hoặc vĩnh viễn chức năng của tủy sống. Điều này làm mất chức năng cơ, mất cảm giác cùng chức năng tự chủ ở những bộ phận do tủy sống đảm nhận (vùng dưới mức chấn thương). Từ đó khiến cơ bắp không nhận được tín hiệu để co thắt và hoạt động. Cuối cùng dẫn đến tình trạng yếu và teo cơ.
- Bệnh đa xơ cứng (MS): Bệnh lý này làm tổn thương các dây thần kinh trong hệ thần kinh trung ương. Từ đó dẫn đến yếu cơ, tê, mất thăng bằng và khởi phát những vấn đề về thị lực.
6. Rối loạn di truyền
Một số rối loạn di truyền như bệnh Charcot Marie Tooth, teo cơ tủy sống và chứng loạn dưỡng cơ có thể gây teo cơ tay.
- Loạn dưỡng cơ: Đây là một nhóm những bệnh lý di truyền gây yếu cơ và mất khối lượng cơ theo thời gian. Nguyên nhân là do gen đột biến làm giảm hoặc ức chế quá trình sản xuất Dystrophin – một loại protein quan trọng và cần thiết cho chức năng bình thường của cơ. Sự thiếu hụt Dystrophin dẫn đến tình trạng suy yếu và mất cơ, người bệnh khó đi lại, khó sử dụng tay chân và khó nuốt.
- Bệnh Charcot Marie Tooth (CMT): Đây là một chứng rối loạn thần kinh di truyền phổ biến, gồm một nhóm những rối loạn làm ảnh hưởng đến chức năng của dây thần kinh ngoại vi. Điều này gây ra những vấn đề ở cơ và cơ quan cảm giác của chi.
- Bệnh teo cơ tủy sống: Đây là một bệnh rối loạn thần kinh cơ do di truyền. Bệnh lý này làm suy yếu và giảm khối lượng cơ nạc. Từ đó gây teo cơ và khởi phát những vấn đề về vận động.
7. Thuốc
Dùng những loại thuốc có khả năng tác động trực tiếp lên cơ (như Glucocorticoid) hoặc thuốc gây độc cho cơ (chẳng hạn như Doxorubicin) có thể dẫn đến teo cơ tay.
Mất bao lâu thì cơ tay bị teo?
Tùy thuộc vào mức độ thể lực, độ tuổi và nguyên nhân gây teo cơ tay, khoảng thời gian để cơ teo khác nhau ở mỗi người. Nếu cơ tay bị teo do không dùng cơ, tình trạng yếu và suy giảm khối lượng cơ nạc có thể bắt đầu trong vòng 2 – 3 tuần từ thời điểm không sử dụng cơ.
Bệnh teo cơ thần kinh thường phát triển sớm hơn. Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể mà teo cơ tay có thể phát triển sau 10 – 14 ngày mắc bệnh.
Teo cơ tay có nguy hiểm không? Hồi phục được không?
Khi bị mất khối lượng cơ nghiêm trọng, teo cơ tay có thể khiến người bệnh không thể hoặc rất khó để thực hiện các hoạt động thường ngày. Những trường hợp khác có thể bị liệt chi trên khi không điều trị.
Teo cơ tay có thể hồi phục được hay không còn phục thuộc vào nguyên nhân, phương pháp điều trị và thời điểm bắt đầu trị liệu. Những trường hợp teo cơ sinh lý do mất tác dụng đôi khi được đảo ngược bằng chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục. Người bệnh có thể nhận thấy sự cải thiện sau một vài tháng.
Teo cơ tay do nguyên nhân thần kinh thường không thể phục hồi được. Nguyên nhân là do những tổn thương thực thể làm gián đoạn chức năng dẫn truyền của dây thần kinh. Tuy nhiên các phương pháp điều trị có thể giảm nhẹ tình trạng và ngăn ngừa teo cơ tiến triển.
Chẩn đoán teo cơ tay như thế nào?
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ quan sát và ấn nhẹ để kiểm tra khối lượng cơ bắp ở tay. Đồng thời đo khối lượng cơ với bên không bị ảnh hưởng. Ngoài ra người bệnh có thể được đặt một số câu hỏi liên quan đến triệu chứng, kiểm tra phạm vi và sức mạnh (nâng vật, nâng cao tay) để xác định tình trạng.
Để xác định nguyên nhân và khối lượng cơ mất đi, một số xét nghiệm sẽ được sử dụng. Thường bao gồm:
- Điện cơ (EMG)
- Xét nghiệm máu
- Chụp X-quang
- Sinh thiết cơ hoặc thần kinh
- Những nghiên cứu về dẫn truyền thần kinh
- Chụp cắt lớp vi tính (CT)
- Chụp cộng hưởng tử (MRI)
Phương pháp điều trị teo cơ tay
Điều trị teo cơ tay phụ thuộc vào nguyên nhân (sinh lý/ tổn thương thần kinh) và mức độ nghiêm trọng. Những trường hợp teo cơ do không sử dụng có thể khắc phục bằng chế độ ăn uống, tập thể dục hoặc vật lý trị liệu.
Những trường hợp teo cơ do tổn thương thần kinh thường được điều trị bằng kích thích điện (một loại vật lý trị liệu đặc biệt). Đồng thời được hỗ trợ về dinh dưỡng và vận động.
1. Chế độ dinh dưỡng phù hợp
Đối với teo cơ tay, người bệnh cần xây dựng chế độ dinh dưỡng chứa nhiều protein. Thành phần dinh dưỡng này giúp xây dựng cơ và xương, sửa chữa các mô bị thương. Từ đó tăng khối lượng cơ và phục hồi sức mạnh cho cánh tay.
Các loại thực phẩm giàu protein gồm:
- Trứng
- Hạnh nhân
- Yến mạch
- Sữa và chế phẩm của sữa
- Bông cải xanh
- Ức gà
- Thịt bò nạc
- Các loại cá
- Tôm
- Diêm mạch
- Đậu phộng
Ngoài ra người bệnh nên bổ sung thêm vitamin A, B, C, D, E, omega-3, magie, canxi và các khoáng chất khác từ các loại thực phẩm lành mạnh. Chẳng hạn như các loại rau xanh, trái cây, củ quả, hạt, đậu, thịt nạc, cá, dầu thực vật, sữa và chế phẩm của sữa…
Trong đó vitamin A, B, C, E và omega-3 tốt cho hệ thần kinh và trí não của bạn. Ngoài ra chúng còn giúp tăng khả năng phục hồi tổn thương, giảm đau và kháng viêm. Vitamin D, magie và canxi tốt cho hệ xương khớp, giúp xây dựng khung xương chắc khỏe. Từ đó giảm đau nhức xương khớp, thúc đẩy phục hồi tổn thương và hỗ trợ người bệnh vận động dễ dàng.
2. Vận động và tập thể dục
Để sớm lấy lại khối lượng cơ và sức mạnh, người bệnh nên vận động và tập thể dục thường xuyên. Phương pháp này giúp cơ tay được sử dụng đúng cách, xây dựng và phát triển các mô cơ. Từ đó tăng cường sức mạnh cho đôi tay và cải thiện khối lượng cơ bắp.
Ngoài ra tập thể dục là một trong những cách kích thích quá trình tổng hợp protein của cơ thể. Khi hàm lượng protein được đảm bảo, các cơ ở tay sẽ được nuôi dưỡng và phát triển khỏe mạnh.
Một số bộ môn phù hợp giúp cơ tay phát triển và săn chắc:
- Bơi lội
- Quần vợt
- Cầu lông
- Thể dục dụng cụ
- Bóng chuyền
- Bóng rổ
- Nâng tạ
3. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu cho người teo cơ tay gồm những hình thức sau:
- Vận động trị liệu
Vận động trị liệu được hướng dẫn cho bệnh nhân gặp khó khăn trong việc vận động chủ động, chấn thương, tổn thương thần kinh và những bệnh lý khác. Dựa vào tình trạng cụ thể, bệnh nhân được hướng dẫn kéo giãn và sử dụng cơ bắp có hỗ trợ. Những bài tập này giúp kích thích sự phát triển và phục hồi của cơ.
Sau 1 – 2 tuần, bệnh nhân được hướng dẫn những bài tập sử dụng cơ bắp chủ động, nâng tạ và một số bài tập có cường độ cao khác. Những bài tập này có tác dụng lấy lại sức mạnh và phục hồi khối lượng cơ bắp trong thời gian sớm nhất.
- Kích thích điện
Kích thích điện là một hình thức vật lý trị liệu đặc biệt, hoạt động ở các dây thần kinh (ở một hoặc nhiều vùng cụ thể) và khử cực trực tiếp cơ. Phương pháp sử dụng dòng điện xung tạo nên hiện tượng khử cực thần kinh cơ, tạo kích thích co cơ.
Kích thích điện phù hợp với những trường hợp sau:
-
- Bệnh nhân bị teo và yếu cơ nghiêm trọng
- Teo cơ tay liên quan đến tổn thương thần kinh
Khi thực hiện, các điện cực sẽ được đặt lên da trên cơ. Sau đó những điện cực truyền xung điện nhỏ đến các cơ và dây thần kinh. Chúng cố gắng kích thích vận động và co cơ. Từ đó cải thiện khối lượng và sức mạnh.
- Liệu pháp siêu âm
Ở liệu pháp siêu âm, bác sĩ sử dụng sóng siêu để tác động tích cực vào các cơ, thúc đẩy quá trình chữa lành. Từ đó giúp cải thiện chức năng vận động, tăng cường sức mạnh và khối lượng cơ cho người bị teo cơ tay.
4. Phẫu thuật
Phương pháp phẫu thuật có thể được chỉ định cho những trường hợp sau:
- Chấn thương/ bệnh xương khớp cần phẫu thuật để giải nén dây thần kinh và tủy sống
- Co cứng cơ do teo cơ
Co cứng cơ do teo cơ xảy ra khi những mô cơ của bạn bị xơ. Chúng kéo căng cơ và cản trở quá trình chuyển động. Khi phẫu thuật, bác sĩ sửa chữa các cơ bị ảnh hưởng và loại bỏ những mô cơ bị xơ.
Nếu có chèn ép dây thần kinh và tủy sống, quá trình phẫu thuật giải nén sẽ được thực hiện. Sau phẫu thuật, người bệnh được chăm sóc vết thương và hướng dẫn vật lý trị liệu sớm.
Phòng ngừa teo cơ tay
Nguy cơ teo cơ tay giảm đáng kể khi áp dụng những biện pháp phòng ngừa dưới đây:
- Điều trị tích cực những chấn thương và bệnh lý có thể gây bất động hoặc giảm khả năng chuyển động của một người.
- Vật lý trị liệu sớm và duy trì hoạt động thể chất trong suốt quá trình điều trị. Đồng thời dùng thuốc kiểm soát cơn đau khi cần thiết. Tránh bất động/ hạn chế vận động lâu ngày để tránh teo cơ và yếu tay.
- Tránh lười vận động.
- Tập thể dục và chơi thể thao thường xuyên để các cơ được sử dụng và duy trì khối lượng. Lưu ý lựa chọn những bộ môn thể thao phù hợp để tránh chấn thương.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và giàu dưỡng chất để ngăn ngừa suy dinh dưỡng dẫn đến teo cơ. Ngoài ra nên bổ sung những loại thực phẩm tốt cho xương và cơ như protein, canxi, vitamin D và các vi chất dinh dưỡng khác.
- Vận động thụ động nên được áp dụng cho những người bị đột quỵ, mắc những bệnh lý thần kinh và phẫu thuật. Phương pháp này gồm những bài tập đơn giản giúp tay và chân chuyển động một cách nhẹ nhàng. Từ đó phục hồi chức năng và giảm nguy cơ mất khối lượng cơ.
Teo cơ tay là một tình trạng thường gặp, xảy ra khi khối lượng cơ ở tay bị suy giảm dẫn đến teo nhỏ và yếu ớt. Để phòng ngừa và cải thiện, chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục và vận động trị liệu cần được thực hiện. Ở những trường hợp nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể được kích thích điện, siêu âm trị liệu hoặc phẫu thuật để tăng khối lượng cơ bắp và giảm các triệu chứng của bệnh.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!