Teo Cơ Chân Sau Bó Bột Nguy Hiểm Không? Cách Khắc Phục
Teo cơ chân sau bó bột là tình trạng thường gặp, chủ yếu do người bệnh bất động hoàn toàn trong quá trình liền xương. Khi cơ không được sử dụng, các mô cơ sẽ co lại dẫn đến teo cơ. Nếu phát hiện sớm, người bệnh có thể tập luyện tích cực để phục hồi khối lượng cơ bắp.
Teo cơ chân sau bó bột là gì?
Teo cơ chân sau bó bột là tình trạng suy giảm khối lượng cơ bắp ở chân sau bó bột. Điều này xảy ra do người bệnh bất động hoàn toàn trong suốt quá trình lành lại của xương. Thông thường khối lượng cơ bắp sẽ có dấu hiệu suy giảm nếu các cơ không được sử dụng quá 10 ngày.
Sau bó bột, teo cơ chân thường kèm theo yếu chân, nhiều trường hợp gặp khó khăn khi vận động. Nếu không áp dụng các biện pháp cải thiện, khối lượng cơ giảm nhanh ở chi ảnh hưởng và tăng nguy cơ liệt chi.
Nguyên nhân gây teo cơ chân sau bó bột
Bó bột chân là một phương pháp được sử dụng phổ biến trong điều trị gãy chân. Phương pháp này có tác dụng cố định chân, giữ mảnh/ đoạn xương gãy ở vị trí thích hợp để xương liền đúng cách, phục hồi cấu trúc ban đầu. Đồng thời giảm đau và ngăn ngừa di lệch thêm.
Tuy nhiên nhiều trường hợp bị teo cơ chân sau tháo bột. Nguyên nhân là do người bệnh bất động hoàn toàn, kéo dài trên 10 ngày. Thông thường, bệnh nhân được hướng dẫn co cơ tĩnh trong bột. Điều này giúp giữ khối lượng cơ, kích thích liền xương và phòng ngừa teo cơ chân.
Ngược lại, cơ chân không được sử dụng khiến các mô teo nhỏ dẫn đến teo cơ. Ngoài ra sau tháo bột người bệnh còn cảm giác yếu, khó dùng sức và vận động kém linh hoạt. Cần một khoảng thời gian luyện tập để hồi phục.
Trong một số trường hợp, teo cơ chân sau bó bột do tổn thương thần kinh cơ không được xử lý. Điều này làm tăng nguy cơ liệt ở chân ảnh hưởng. Vì thế cần thông báo ngay với bác sĩ nếu đau đớn nhiều hoặc đau dai dẳng kèm theo cảm giác tê cứng khi bó bột.
Dấu hiệu nhận biết teo cơ chân sau bó bột
Khi bị teo cơ chân sau bó bột, chân ảnh hưởng có những bất thường sau:
- Yếu chi
- Mất khối lượng cơ nạc khiến chân ảnh hưởng nhỏ hơn chân lành
- Giảm khả năng vận động
- Khó khăn hoặc không thể đi lại, đứng lâu, nhấc cao chân, leo cầu thang hay thực hiện những hoạt động sinh hoạt bình thường khác
- Dễ vấp ngã
- Suy nhược nhanh chóng nếu tiếp tục bất động
Teo cơ chân sau bó bột có nguy hiểm không?
Về cơ bản, teo cơ chân sau bó bột không quá nghiêm trọng. Hầu hết bệnh nhân bị teo cơ chân nhẹ, có thể phục hồi sau 2 – 3 tháng luyện tập. Tuy nhiên một số trường hợp có khối lượng cơ suy giảm đáng kể. Việc không luyện tập sớm có thể làm tăng nguy cơ liệt.
Chẩn đoán teo cơ chân sau bó bột
Teo cơ chân sau bó bột có thể được phát hiện thông qua tiền sử chấn thương, sự suy giảm khối lượng cơ nạc và suy yếu ở chi ảnh hưởng. Điều này thường khó nhận biết hơn ở những người thừa cân.
Để xác định chẩn đoán và loại trừ các nguyên nhân khác, một số xét nghiệm hình ảnh sẽ được thực hiện. Bao gồm:
- Chụp X-quang: Kiểm tra sự liền lại của xương sau gãy chân và loại bỏ những vấn đề liên quan đến xương.
- Điện cơ (EMG): EMG được chỉ định để kiểm tra phản ứng điện của cơ và thần kinh, đánh giá khả năng và tốc độ phân bố thần kinh của cơ. Từ đó phát hiện nguyên nhân gây teo cơ chân.
- Chụp MRI hoặc CT: Chụp MRI và CT được sử dụng để đo lường khối lượng cơ mất đi. Đồng thời tìm kiếm tổn thương ở mô mềm và xương để xác định nguyên nhân gây teo cơ.
- Xét nghiệm máu: Bệnh nhân được xét nghiệm máu để kiểm tra tốc độ phân hủy và tổng hợp protein. Sự mất cân bằng giữa hai quá trình này có thể dẫn đến teo cơ.
Điều trị teo cơ chân sau bó bột
Trong điều trị teo cơ chân sau bó bột, bệnh nhân chủ yếu được hướng dẫn luyện tập tại nhà hoặc vật lý trị liệu. Ngoài ra có thể áp dụng thêm nhiều biện pháp khác như bổ sung protein từ chế độ ăn uống và dùng nhiệt. Những biện pháp này giúp hỗ trợ quá trình vận động và tăng tốc độ phục hồi.
1. Sử dụng nhiệt
Nếu teo cơ kèm theo cứng khớp sau bó bột, người bệnh có thể chườm ấm để thư giãn trước khi luyện tập. Biện pháp này có tác dụng giảm đau, thư giãn xương khớp và mô mềm, giảm co cứng cơ và cứng khớp. Từ đó giúp vận động dễ dàng và linh hoạt hơn, hỗ trợ quá trình phục hồi cơ bắp.
Hướng dẫn chườm ấm:
- Đặt khăn ấm, miếng đệm sưởi hoặc chai thủy tinh chứa nước ấm lên vùng ảnh hưởng
- Thư giãn trong 20 phút
- Lặp lại sau 4 – 6 tiếng
Ngoài chườm ấm, tắm nước ấm cũng giúp thư giãn toàn thân, tuần hoàn máu, cải thiện tâm trạng và giấc ngủ. Đồng thời hỗ trợ tập luyện linh hoạt và phục hồi cơ bắp.
2. Vận động và luyện tập tại nhà
Nếu teo cơ chân sau bó bột ở mức độ nhẹ, người bệnh sẽ được hướng dẫn vận động và luyện tập tại nhà. Trong thời gian đầu, người bệnh được yêu cầu đi lại, tập kéo giãn và tăng cường sức cơ. Những bài tập này giúp cải thiện chức năng vận động và sự linh hoạt. Đồng thời kích thích sự phát triển của các mô cơ, tăng tổng hợp protein giúp cơ bắp được xây dựng và chắc khỏe.
Sau khi cải thiện khả năng vận động, người bệnh có thể tham gia vào những bộ môn dưới đây:
- Chạy bộ
- Đạp xe
- Thái cực quyền
- Yoga
- Nhảy dây
- Bơi lội
Những bộ môn này có tác dụng cải thiện sức bền và sự dẻo dai, nâng cao sức khỏe xương khớp, kích thích sự phát triển các cơ ở chân. Từ đó khắc phục tình trạng teo cơ chân sau bó bột.
3. Vật lý trị liệu
Nếu teo cơ chân sau bó bột ở mức độ nặng hoặc chân yếu và khó đi lại, người bệnh được vật lý trị liệu để phục hồi. Trong quá trình này, bệnh nhân được hướng dẫn:
- Tập đi với nạng, tập chống chân trong thời gian đầu
- Tập kéo giãn
- Vận động chủ động
- Tập tăng cường sức cơ
Vận động trị liệu giúp người bệnh sớm phục hồi chức năng vận động, tăng phạm vi chuyển động ở chi ảnh hưởng. Đồng thời tăng khối lượng cơ và lấy lại sức mạnh. Từ đó khắc phục tình trạng yếu và teo cơ.
Ngoài ra các bài tập còn giúp thư giãn và tăng tuần hoàn máu. Đây là một trong những yếu tố thúc đẩy quá trình liền lại của xương, nuôi dưỡng và phục hồi cơ bắp. Từ đó khắc phục teo cơ chân sau bó bột hiệu quả.
Bên cạnh vận động trị liệu, một số liệu pháp dưới đây cũng được thực hiện để kích thích sự phát triển cơ bắp:
- Điện trị liệu: Liệu pháp này sử dụng nguồn điện thích hợp kích thích cơ thông qua những điện cực gắn trên da.
- Siêu âm trị liệu: Trong siêu âm trị liệu, sóng siêu âm được dùng để kích thích quá trình xây dựng cơ bắp chắc khỏe.
4. Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp
Đây là một trong những cách khắc phục teo cơ chân sau bó bột hiệu quả. Trong chế độ ăn uống, người bệnh lưu ý bổ sung protein và calo từ sữa, thịt nạc, trứng, cá, ngũ cốc, các loại hạt…
Protein là một thành phần dinh dưỡng quan trọng, kích thích sự tái tạo và phát triển của các cơ và xương. Từ đó giúp cải thiện sức khỏe xương khớp sau gãy xương, xây dựng và củng cố cơ bắp chắc khỏe. Đồng thời lấy lại chức năng vận động và sức mạnh cho đôi chân. Bổ sung calo cung cấp thêm năng lượng cho các hoạt động.
Ngoài ra người bệnh nên bổ sung thêm vitamin A, C, D, E, canxi, magie và omege-3. Đây đều là những thành phần dinh dưỡng tốt cho quá trình phục hồi cơ thể, xương và cơ bắp. Đồng thời giảm đau, ngăn viêm, tăng đề kháng và sức khỏe tổng thể.
Phòng ngừa teo cơ chân sau bó bột
Teo cơ chân sau bó bột được phòng ngừa bằng những biện pháp dưới đây:
- Không bó bột/ bất động kéo dài
Cần cắt bột đúng theo lịch hẹn của bác sĩ. Ngoài ra tập co cơ trong khi mang bột, tập khớp và toàn bộ chi sau tháo bột. Người bệnh tuyệt đối không kéo dài thời gian bó bột hoặc bất động lâu ngày. Vì điều trị này có thể làm tăng nguy cơ viêm loét do tỳ đè và teo cơ chân do cơ không được sử dụng.
- Tập co cơ tĩnh
Trong khi bó bột, người bệnh nên tập co cơ tĩnh theo hướng dẫn của bác sĩ. Bài tập này giúp sử dụng và duy trì khối lượng cơ bắp, tăng tốc độ liền xương và đảm bảo phục hồi chức năng hoàn toàn sau điều trị gãy xương.
- Gia tăng lực cơ chi đau
Gia tăng lực cơ chi đau trong giai đoạn liền xương có thể giúp ngăn ngừa teo cơ chân sau tháo bột. Khoảng vài ngày đầu sau bó bột, người bệnh tập tăng sức căng của cơ. Trong đó khớp không cử động và không thay đổi độ dài bó cơ để tránh ảnh hưởng đến quá trình liền xương. Sau đó tập co cơ tĩnh. Tập căng cơ khi cử động khớp còn đau nhiều và tập co cơ khi đau giảm. Sự liên kết của những bài tập này giúp phòng ngừa teo cơ chân hiệu quả.
- Tập đi
Không nên chống chân trong 6 – 8 tuần đầu sau chấn thương (tùy thuộc vào tốc độ liền xương). Tuy nhiên người bệnh có thể tập đi với nạng để thư giãn các khớp xương và tăng lưu thông máu. Sau 6 hoặc 8 tuần, người bệnh tập đi bằng nạng có chống chân, tập đi không dùng nạng khi xương đã liền hoàn toàn. Điều này giúp lấy lại khả năng vận động và phục hồi cơ bắp.
- Tập vận động khớp
Co duỗi khớp chủ động để thư giãn, tăng phạm vi và sự linh hoạt cho khớp. Điều này giúp người bệnh sớm trở lại các hoạt động sinh hoạt, ngăn ngừa teo cơ.
- Hoạt động sinh hoạt và nghề nghiệp
Khi xương liền và tập phục hồi chức năng, người bệnh cần trở lại hoạt động sinh hoạt và nghề nghiệp. Cụ thể như đi bộ, leo cầu thang, ngồi xuống đứng lên. Điều này duy trì khối lượng cơ bắp.
- Chế độ ăn uống phù hợp
Trong khi bó bột gãy chân, người bệnh cần tăng cường bổ sung canxi và vitamin D để quá trình liền xương và phục hồi diễn ra nhanh chóng. Ngoài ra nên bổ sung protein để duy trì cơ bắp khỏe mạnh, phòng ngừa teo cơ chân sau tháo bột.
Nhìn chung teo cơ chân sau bó bột không quá nghiêm trọng, có thể ngăn ngừa và phục hồi bằng cách tập co cơ và vận động trị liệu sớm. Những trường hợp chủ quan, bất động tiếp tục hoặc không tập phục hồi sớm có thể tăng nguy cơ liệt chi, không thể phục hồi.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!