Tê Mỏi Cánh Tay
Tê mỏi cánh tay có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân từ nhẹ đến nghiêm trọng, bao gồm đau tim và đột quỵ. Do đó, điều quan trọng là xác định nguyên nhân gây đau để có kế hoạch xử lý phù hợp nhất.
Tê mỏi cánh tay là bệnh gì?
Tê mỏi cánh tay có nhiều nguyên nhân, bao gồm ngồi hoặc ngủ sai tư thế, gây hạn chế lưu lượng máu đến cánh tay hoặc áp lực quá mức lên các dây thần kinh, khiến cánh tay tê liệt. Tuy nhiên đôi khi tình trạng này có thể liên quan đến nhiều điều kiện sức khỏe tiềm ẩn, chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm, bệnh tim mạch hoặc tổn thương các dây thần kinh.
Do đó, điều quan trọng là xác định nguyên nhân dẫn đến tê mỏi để có kế hoạch xử lý và phòng ngừa phù hợp.
1. Lưu thông kém
Lưu thông máu kém là tình trạng tắc nghẽn hoặc nén các mạch máu, gây cản trở lưu lượng máu lưu thông đến cánh tay và đi ngược về tim. Lưu thông máu kém là nguyên nhân phổ biến gây tê, ngứa ran và mỏi cánh tay, bàn tay, chân và bàn chân.
Các triệu chứng khác khi lưu thông máu kém bao gồm:
- Tay chân lạnh
- Da cực kỳ nhợt nhạt và xanh tím
- Sưng ở chân, mắt cá chân và bàn chân
- Mệt mỏi
- Đau nhức xương khớp và đau mỏi cơ
Lưu thông máu kém không phải là một bệnh lý tuy nhiên có thể xảy ra ở người quá lười vận động. Ngoài ra, lưu thông kém cũng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác, bao gồm:
- Xơ vữa động mạch: Tình trạng này xảy ra khi cholesterol lắng đọng tạo thành các mảng bám tích tụ trong các mạch máu. Sự tích tụ các mảng bám có thể khiến động mạch cứng lại, bị thu hẹp và hạn chế lưu lượng máu lưu thông.
- Cục máu đông: Các cục máu đông hình thành khi máu đông kết lại với nhau bên trong mạch máu. Cục máu đông có thể dẫn đến tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ bên trong mạch máu.
- Bệnh động mạch ngoại vi: Đây là một loại xơ vữa động mạch, trong đó mảng bám tích tụ trong các động mạch ở tay và chân, dẫn đến thiếu lưu thông máu, gây nhức mỏi tay chân.
- Bệnh tiểu đường: Lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến hình thành các mảng bám, tổn thương mạch máu và ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn máu.
Điều trị lưu thông kém phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Ngoài ra tập thể dục cũng có thể cải thiện tuần hoàn và ngăn ngừa tình trạng tê mỏi tay.
Những người có cục máu đông lớn hoặc động mạch bị tắc nghẽn có thể cần được phẫu thuật để tránh các rủi ro không mong muốn. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị sử dụng các loại thuốc để điều trị các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn.
2. Bệnh lý thần kinh ngoại biên
Bệnh lý thần kinh ngoại biên bao gồm nhiều tình trạng gây tổn thương hệ thống thần kinh ngoại vi (PNS). PNS mang tín hiệu giữa hệ thống thần kinh trung ương, bao gồm não và tủy sống, đến phần còn lại của cơ thể.
Bệnh thần kinh ngoại biên có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng, tùy thuộc vào dây thần kinh bị ảnh hưởng. Thông thường, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như:
- Tê hoặc ngứa ran ở cánh tay, bàn tay, chân hoặc bàn chân
- Tăng độ nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ
- Yếu cơ
- Co giật cơ bắp không thể kiểm soát được
- Mất cơ
- Đổ quá nhiều mồ hôi
- Cảm thấy nóng hoặc lạnh
Một số bệnh lý có thể dẫn đến bệnh thần kinh ngoại biên bao gồm:
- Bệnh tiểu đường
- Các bệnh tự miễn
- Chấn thương, gãy hoặc trật khớp xương
- Xơ vữa động mạch, viêm mạch, bệnh tim và một số tình trạng tim mạch khác
- Mất cân bằng nội tiết tố
- Bệnh gan hoặc thận
- Thiếu vitamin B12
- Ung thư xương, các loại ung thư khác và các phương pháp điều trị ung thư.
3. Hội chứng ống cổ tay
Ống cổ tay là một ống hẹp được tạo thành bởi các mô liên kết và các xương nhỏ ở cổ tay đến lòng bàn tay. Các dây gân và thần kinh sẽ đi qua ống này.
Hội chứng ống cổ tay xảy ra khi tình trạng viêm hoặc hẹp ống cổ tay gây áp lực lên các dây thần kinh bên trong. Tình trạng này đôi khi có thể xảy ra khi bạn thực hiện các chuyển động lập lại ở bàn tay và các ngón tay.
Các triệu chứng của Hội chứng ống cổ tay thường phát triển dần dần. Người bệnh có thể cảm thấy tê ở ngón tay cái và hai bên cạnh ngón tay. Hội chứng này cũng có thể gây đau đớn, tê mỏi cánh tay và khiến người bệnh dễ làm rơi đồ vật.
Nếu có dấu hiệu của Hội chứng ống cổ tay, người bệnh nên dành thời gian nghỉ giải lao trong quá trình vận động lặp lại để bàn tay được nghỉ ngơi. Tránh thực hiện các hoạt động quá mức, điều này có thể khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Đến bệnh viện nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng kéo dài hoặc gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Bác sĩ có thể đề nghị sử dụng nẹp, thuốc hoặc phẫu thuật. Nếu không được điều trị, Hội chứng ống cổ tay có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho dây thần kinh và cơ.
4. Hẹp ống sống cổ
Hẹp ống sống cổ xảy ra khi không gian rỗng của ống sống bị thu hẹp lại gây chèn ép tủy sống. Sự chèn ép này có thể gây tê yếu, nhức mỏi ở cánh tay hoặc bàn chân. Đôi khi người bệnh cũng có thể bị đau cổ vai gáy hoặc đau lưng trên.
Hẹp ống sống cổ có thể là biến chứng của bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Đây là một bệnh viêm khớp gây ảnh hưởng đến phần dưới của cột sống cổ. Ngoài ra, các chấn thương ở cổ, lưng và các khối u ở cột sống cũng có thể dẫn đến tình trạng hẹp ống sống cổ.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, hẹp ống sống cổ có thể được điều trị bằng thuốc, nẹp lưng, vật lý trị liệu và phẫu thuật.
5. Dây thần kinh bị chèn ép
Nếu sụn, cơ hoặc gân tạo áp lực lên dây thần kinh, có thể khiến dây thần kinh hoạt động không bình thường. Điều này có thể gây tê mỏi cánh tay.
Chấn thương, gãy xương hoặc lạm dụng cũng có thể khiến dây thần kinh bị chèn ép. Ngoài ra, các vấn đề sức khỏe như viêm khớp, thoát vị đĩa đệm hoặc khối u trên cột sống cũng có thể dẫn đến tình trạng này.
Nếu dây thần kinh bị chèn ép, người bệnh có thể bị tê mỏi, nhức cánh tay. Các dấu hiệu khác bao gồm:
- Đau nhói hoặc đau rát
- Có cảm giác ngứa hoặc như kim châm
- Yếu cơ ở cánh tay
- Thường xuyên mất cảm giác ở cánh tay
Nghỉ ngơi và sử dụng thuốc giảm đau có thể cải thiện các triệu chứng. Nếu tình trạng này kéo dài hơn vài ngày hãy đến gặp bác sĩ. Bác sĩ có thể đề nghị nẹp, sử dụng thuốc, vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật để cải thiện các triệu chứng.
6. Đau nửa đầu Migraines
Đau nửa đầu Migraines là những cơn đau nửa đầu dữ dội và đi kèm với nhiều dấu hiệu nghiêm trọng khác, chẳng hạn như tê liệt tạm thời ở một bên cơ thể hoặc yếu cánh tay. Triệu chứng này có thể xuất hiện trước hoặc cùng với cơn đau nửa đầu. Thông thường người bệnh sẽ cảm thấy tê mỏi cánh tay phải hoặc bên trái. Mặt, vai thân và chân cũng có thể bị ảnh hưởng.
Chứng đau nửa đầu cũng gây ra nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác, chẳng hạn như:
- Thay đổi thị lực hoặc mất thị lực, bao gồm cả điểm mù
- Nhìn thấy các con đường ngoằn ngoèo, ánh sáng nhấp nháy hoặc các ngôi sao
- Yếu cơ
- Khó nói hoặc không thể tìm được từ ngữ thích hợp
Cơn đau nửa đầu có thể được điều trị và kiểm soát bởi thuốc giảm đau không kê đơn. Tuy nhiên nếu các triệu chứng nghiêm trọng, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.
7. Tác dụng phụ của hóa trị liệu
Một số loại hóa trị cho bệnh ung thư, bao gồm ung thư xương, có thể gây tổn thương thần kinh, dẫn đến tê mỏi hoặc ngứa ran ở cánh tay, chân, ngón chân hoặc các khu vực khác của cơ thể. Tình trạng này còn được gọi là “glove and stocking sensation” (cảm giác găng tay và tất), bởi vì người bệnh thường cảm thấy như mang găng tay hoặc tất thật dày.
Tình trạng này được xem là tác dụng phụ phổ biến của phương pháp hóa trị. Tuy nhiên người bệnh nên trao đổi với bác sĩ nếu các triệu chứng gây ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày. Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc để cải thiện cơn đau.
Ngoài ra, người bệnh có thể cần khoảng 2 năm sau khi hóa trị để lấy lại cảm giác bình thường và cải thiện tình trạng tê mỏi cánh tay.
8. Đột quỵ
Đột quỵ xảy ra khi có thứ gì đó hạn chế hoặc ngăn chặn lưu lượng máu đến một phần của não bộ. Đột quỵ thường dẫn đến tê mỏi ở một bên tay, chân hoặc một bên mặt. Các triệu chứng khác bao gồm:
- Đau đầu đột ngột, dữ dội
- Thay đổi tầm nhìn
- Hoang mang, lo lắng
- Khó nói
- Chóng mặt
- Mất khả năng phối hợp
Đột quỵ có hai dạng chính:
- Đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra khi cục máu đông hoặc các chất béo tích tụ phát triển bên trong mạch máu và gây hạn chế lưu lượng máu đến não.
- Đột quỵ xuất huyết xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ, gây chảy máu vào các mô xung quanh.
Đột quỵ tình trạng y tế nghiêm trọng cần được điều trị khẩn cấp. Bác sĩ có thể điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ bằng thuốc làm tan huyết khối. Nếu một người bị đột quỵ do xuất huyết, bác sĩ sẽ sửa chữa mạch máu bị tổn thương, người bệnh có thể cần được phẫu thuật.
9. Đau tim
Một cơn đau tim xảy ra khi động mạch vành co thắt và hạn chế lưu lượng máu đến tim. Cơ tim có thể bị tổn thương hoặc ngừng hoạt động hoàn toàn nếu không nhận đủ oxy.
Các triệu chứng của một cơn đau tim bao gồm:
- Đau hoặc khó chịu ở một bên cơ thể, thường là tê mỏi cánh tay trái
- Có áp lực mạnh trong lồng ngực
- Đau bụng trên, cảm thấy khó tiêu hoặc ợ chua
- Hụt hơi
Các triệu chứng khác bao gồm:
- Đau hoặc tê ở lưng, vai, cổ và hàm
- Cảm thấy lâng lâng hoặc ngất xỉu
- Buồn nôn và nôn
- Đổ nhiều mồ hôi
Các bác sĩ có thể cố gắng mở rộng động mạch bị tắc nghẽn và khôi phục lưu lượng máu đến tim. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào vị trí tắc nghẽn, tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh và khoảng thời gian đã trôi qua kể từ khi cơn đau tim bắt đầu.
Tê mỏi cánh tay có nguy hiểm không?
Tê mỏi cánh tay là tình trạng phổ biến và liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm lưu thông máu kém đến một cơn đau tim hoặc đột quỵ. Mức độ nghiêm trọng của tình trạng này phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng cụ thể của người bệnh. Những người có nguy cơ bệnh tim hoặc tiền sử bệnh tim, nên đi khám ngay khi bị mỏi cánh tay trái hoặc phải.
Ngay cả khi đã loại trừ nguyên nhân đột quỵ và đau tim, người bệnh cũng nên đến bệnh viện kiểm tra nếu cơn tê mỏi kéo dài, đặc biệt là khi cơn đau thay đổi vị trí. Các cơn đau dai dẳng và linh hoạt có thể liên quan đến nhiều vấn đề y tế nghiêm trọng và người bệnh có thể cần phẫu thuật để điều trị.
Ngoài ra, nếu không được điều trị phù hợp, tình trạng tê mỏi tay có thể dẫn đến một số rủi ro như:
- Tê liệt vĩnh viễn
- Mất khả năng phối hợp
- Tăng nguy cơ lây lan của nhiễm trùng hoặc các khối u, ung thư trong cơ thể.
Cách điều trị tê mỏi cánh tay như thế nào?
Các biện pháp điều trị tê mỏi cánh tay phụ thuộc vào các nguyên nhân cụ thể. Do đó, người bệnh cần đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.
Trong các trường hợp nhẹ, các triệu chứng có thể được cải thiện với các biện pháp chăm sóc tại nhà. Nếu các triệu chứng kéo dài, nghiêm trọng hoặc gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, người bệnh cần được chăm sóc bởi bác sĩ có chuyên môn.
Cụ thể các biện pháp khắc phục tình trạng tê mỏi, đau nhức cánh tay bao gồm:
1. Chăm sóc tại nhà
Tình trạng tê cánh tay cấp tính và không nghiêm trọng, người bệnh có thể tham khảo các biện pháp chăm sóc tại nhà như:
- Chườm ấm: Sử dụng một chiếc khăn đã được làm ấm, chai nước ấm, miếng đệm nóng, chườm lên cánh tay bị tê mỏi. Điều này có thể thúc đẩy lưu lượng máu lưu thông và cải thiện các triệu chứng tê mỏi.
- Nâng cao cánh tay: Tê mỏi do lưu thông máu kém có thể được cải thiện bằng cách nâng cao cánh tay hơn tim trong vài phút.
- Duy trì các hoạt động thể chất: Di chuyển và hoạt động thường xuyên có thể tăng cường lưu lượng máu đến cánh tay, cải thiện tình trạng tê mỏi. Người bệnh có thể thực hiện động tác xoay vai và nâng cánh tay để giúp cánh tay trở nên linh hoạt hơn. Ngoài ra, không giữ cánh tay ở một vị trí quá lâu.
- Xoa bóp: Điều này có thể tăng cường lưu lượng máu đến cánh tay và cải thiện các triệu chứng. Người bệnh có thể sử dụng các loại dầu đã được làm nóng, chẳng hạn như dầu ô liu, dầu dừa thoa trực tiếp lên cánh tay và xoa bóp theo chuyển động tròn lên cánh tay để tăng cường lưu thông máu.
- Tăng cường vitamin và khoáng chất: Tăng lượng khoáng chất cần thiết bằng cách bổ sung thực phẩm giàu vitamin B, chẳng hạn như trứng, ngũ cốc tăng cường, các sản phẩm từ sữa, cá, đậu, trái cây khô và các loại hạt. Người bệnh cũng có thể tăng cường hàm lượng magie trong máu để ngăn ngừa tình trạng tê cánh tay. Magie có nhiều trong sữa chua ít béo, rau lá xanh, các loại hạt, chuối, đậu nành và chocolate đen nguyên chất.
- Tránh các yếu tố gây ảnh hưởng đến tuần hoàn máu: Có một số thực phẩm và thói quen có thể gây cản trở tuần hoàn máu và quá trình lưu thông, dẫn đến tê mỏi tay. Tránh các loại thực phẩm đã qua chế biến, caffeine, rượu và thuốc lá, có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng tê mỏi tay.
- Ngâm tay với muối epsom: Muối epsom có thể tăng cường lưu thông máu và cải thiện triệu chứng tê mỏi, ngứa ran. Người bệnh có thể pha ½ cốc muối vào một chậu nước ấm, dùng nước này để ngâm cánh tay bị ảnh hưởng.
- Thêm nghệ vào công thức nấu ăn: Nghệ có chứa curcumin có đặc tính chống viêm và giúp tăng cường lưu lượng máu đến khu vực bị ảnh hưởng. Người bệnh có thể uống một ly sữa nghệ nóng hoặc thêm nghệ vào công thức nấu ăn. Ngoài ra, thoa hỗn hợp nghệ và nước lên cánh tay bị tê cũng mang lại hiệu quả điều trị tê mỏi.
2. Điều trị y tế
Các biện pháp điều trị tình trạng tê mỏi cánh tay phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ có thể kê các loại thuốc, chẳng hạn như:
- Thuốc giảm đau
- Thuốc điều trị cục máu đông
- Vitamin B phức hợp
- Thuốc kháng sinh
- Trong các trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị.
Do đó, điều quan trọng là đến bệnh viện để xác định các nguyên nhân và có kế hoạch xử lý phù hợp.
Phòng ngừa tê mỏi cánh tay
Cách tốt nhất để ngăn ngừa tê mỏi phụ thuộc vào nguyên nhân. Tuy nhiên, việc thay đổi một số thói quen trong lối sống có thể ngăn ngừa hoặc giảm các triệu chứng, chẳng hạn như:
- Thay đổi chế độ ăn uống, ít chất béo và nhiều chất xơ
- Bổ sung đầy đủ vitamin D và biotin (một loại vitamin B)
- Thường xuyên tập thể dục
- Xây dựng thói quen ngủ đều đặn
- Hạn chế hoặc tránh uống rượu và hút thuốc
- Quản lý và giảm căng thẳng
- Hạn chế chuyển động tay hoặc cổ tay lặp đi lặp lại thường xuyên
- Điều trị các bệnh lý liên quan, chẳng hạn như đau lưng
Tê mỏi ở cánh tay có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân nghiêm trọng, đặc biệt là khi cơn đau kéo dài. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để xác định các nguyên nhân và có kế hoạch điều trị phù hợp.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!