Tê chân tay khi mang thai: Nguyên nhân và cách trị

Theo dõi IHR trên goole news

Tê chân tay khi mang thai là triệu chứng xảy ra phổ biến ở hầu hết các bà bầu. Mặc dù không nghiêm trọng nhưng tình trạng này gây ra rất nhiều phiền toái, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe thai kỳ. Cần có giải pháp khắc phục phù hợp để hạn chế các vấn đề ảnh hưởng.

tê chân tay khi mang thai
Hầu hết các mẹ bầu đều gặp phải chứng tê chân tay ở các thời điểm khác nhau của thai kỳ

Nguyên nhân gây tê chân tay khi mang thai

Tê bì chân tay là thuật ngữ mô tả cảm giác như bị kim châm hoặc có kèm theo bỏng rát. Ngoài ra, nhiều người còn có thể cảm thấy ngứa ran, đau nhức hoặc yếu ở tay chân cùng các bộ phận xung quanh.

Trên thực tế, tình trạng này có thể ảnh hưởng tới hầu hết mọi người trong một vài thời điểm nhất định. Trong đó, phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ cao gặp phải cứng tê chân tay trong các thời điểm khác nhau của thai kỳ.

Các triệu chứng tê chân tay thường gặp khi mang thai bao gồm:

  • Tăng triệu chứng khi thức dậy, vào giữa đêm hay khi thực hiện một số chuyển động cơ thể.
  • Có cảm giác như kim châm, bỏng rát, ngứa ran kèm theo đau.
  • Đôi khi còn bị mất cảm giác.
  • Triệu chứng có xu hướng xuất hiện vào giữa hay cuối thai kỳ. Nhất là khi tăng cân và giữ nước tăng.

Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng tê chân tay khi mang thai. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp nhất:

1. Thay đổi hormone

Khi bước vào thai kỳ, các hormone trong cơ thể người mẹ có sự thay đổi lớn. Đây được cho là nguyên nhân phổ biến nhất làm kích hoạt các dấu hiệu bất thường. Trong đó có tình trạng tê chân tay.

Đặc biệt, khi thai nhi càng phát triển thì tử cung ngày càng mở rộng. Đặc biệt sự gia tăng hormone relaxin trong những tháng cuối có tác dụng làm mềm khớp và khung xương chậu. Điều này sẽ dễ gây ra tình trạng chèn ép lên các rễ dây thần kinh và mạch máu. Từ đó gây tê bì chân tay, chuột rút và nhiều triệu chứng khó chịu khác.

2. Lười vận động

Lười vận động là nguyên nhân khá phổ biến khiến các mẹ bầu bị tê bì chân tay. Bởi khi mang thai, cơ thể mệt mỏi và nặng nề có thể khiến bà bầu ngại di chuyển, chỉ muốn nằm hoặc ngồi 1 chỗ.

Việc lười vận động có thể gây cản trở quá trình lưu thông máu. Đặc biệt là các vùng ngoại vi như tay, chân sẽ không được cung cấp đầy đủ lượng máu cần thiết. Nếu bà bầu ít vận động thì chứng tê chân tay sẽ xuất hiện với tần suất dày đặc và mức độ nghiêm trọng hơn.

nguyên nhân gây tê chân tay khi mang thai
Lười vận động có thể cản trở lưu thông máu và khiến bà bầu bị tê chân tay

3. Tăng cân

Tăng cân là tình trạng không thể tránh khỏi khi mang thai. Tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà mẹ bầu có thể bị tăng cân nhiều hoặc ít. Trong đó có nhiều người do không cân bằng chế độ ăn uống mà có thể tăng tới hơn 20kg.

Tình trạng tăng cân quá nhanh gây ra rất nhiều áp lực cho hệ thống xương khớp. Đặc biệt là làm tăng sự đè nén và chèn ép lên hệ thống rễ dây thần kinh. Từ đó dẫn tới tê bì chân tay.

4. Thiếu hụt dưỡng chất

Chế độ ăn uống là yếu tố đặc biệt quan trọng với sức khỏe thai kỳ. Mẹ bầu được khuyến cáo là cần bổ sung đầy đủ canxi, magie, kali, acid folic, các vitamin nhóm B…

Việc thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy. Đặc biệt là có thể cản trở tuần hoàn máu, gây thiếu máu hay làm suy giảm sức đề kháng. Từ đó làm tăng nguy cơ bị tê mỏi chân tay và đau nhức xương khớp.

5. Yếu tố bệnh lý

Mặc dù không phổ biến nhưng chứng tay bì chân tay khi mang thai có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề bệnh lý. Bà bầu nên chú ý đến một số bệnh lý sau:

– Bệnh tiểu đường thai kỳ:

Đây là bệnh lý đề cập đến sự rối loạn lượng đường trong máu ở thời kỳ mang thai. Bệnh lý này tương đối phổ biến ở các bà bầu. Tuy nhiên bệnh chỉ có xu hướng phát triển mạnh khi mang thai và có thể tự biến mất sau khi sinh.

Số liệu thống kê ghi nhận, có khoảng từ 2 – 10% phụ nữ mang thai mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Bệnh lý này có thể khiến mẹ bầu bị mệt mỏi, sụt cân, đi tiểu nhiều, ngứa ran, tê bì chân tay.

vì sao bà bầu bị tê chân tay
Tê chân tay khi mang thai có thể là do ảnh hưởng từ bệnh tiểu đường thai kỳ

– Hội chứng ống cổ tay trong thai kỳ:

Hội chứng ống cổ tay khá phổ biến trong thai kỳ. Có khoảng từ 31 – 60% phụ nữ mang thai đã được chẩn đoán. Nguyên nhân của hội chứng ống cổ tay khi mang thai thường bao gồm tăng cân, giữ nước và thay đổi nội tiết tố.

Hầu hết các trường hợp xảy ra trong vài ba tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên một số mẹ bầu có thể gặp phải sớm hơn. Triệu chứng thường mạnh hơn ở tay thuận. Có thể bao gồm ngứa ran, tê bì, châm chích, yếu cơ, khó cầm nắm, đau lan ra cổ vai, đau nhức và sưng ở bàn, ngón tay.

– Đau thần kinh tọa khi mang thai:

Nguyên nhân phổ biến gây tê lưng, chân và mông khi mang thai là do đau thần kinh tọa. Tình trạng này có xu hướng phát triển trong ba tháng giữa của thai kỳ.

Đau thần kinh tọa khi mang thai thường nhẹ nhưng có thể gây suy nhược cho một số bà bầu. Các triệu chứng có thể là đau nhức, bỏng rát, tê bì, ngứa ran, yếu cơ. Triệu chứng thường ảnh hưởng đến 1 bên của cơ thể.

– Đau cơ dị cảm:

Đau cơ dị cảm là hệ quả của áp lực đè nén lên các dây thần kinh ở đùi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tê chân phổ biến khi mang thai. Các triệu chứng có thể bao gồm đau nhức đùi, tê, bỏng rát, có cảm giác như đâm vào vùng đùi…

– Thiếu máu:

Thiếu máu do thiếu sắt khi mang thai là tình trạng diễn ra phổ biến. Ngoài làm giảm lưu lượng máu di chuyển đến các chi thì còn có thể gây ra hội chứng chân không yên. Kèm theo đó là tình trạng ngứa ran, tê bì hay cảm giác rợn người ở chân tay.

Bà bầu bị tê chân tay có nguy hiểm không?

Chứng tê chân tay ở bà bầu là tình trạng diễn ra phổ biến và thường không đáng quan ngại. Tuy nhiên cần sớm có giải pháp khắc phục phù hợp. Bởi tình trạng này kéo dài gây ra không ít phiền toái. Đặc biệt là gián tiếp ảnh hưởng xấu tới sức khỏe thai kỳ.

tê chân tay khi mang thai nguy hiểm không
Tình trạng tê chân tay có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, khiến mẹ bầu mệt mỏi, suy nhược

Cụ thể như thường xuyên bị tê bì chân tay có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Tình trạng này diễn ra vào ban đêm có thể khiến mẹ bầu bị thức giấc, mất ngủ. Lâu dần sẽ dẫn tới mệt mỏi, suy nhược và ảnh hưởng đến cả sự phát triển của thai nhi.

Hơn nữa, trong một số trường hợp, tình trạng tê bì chân tay khi mang thai còn là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề bệnh lý. Nếu không sớm được chăm sóc và điều trị y tế thì các biến chứng hoàn toàn có thể phát sinh. Điều này gây nguy hại cho cả mẹ và bé.

Cách khắc phục chứng tê chân tay khi mang thai

Tình trạng tê chân tay khi mang thai diễn ra rất phổ biến. Đa phần là không nghiêm trọng và có thể dễ dàng khắc phục với các giải pháp đơn giản. Mẹ bầu có thể khắc phục bằng một số giải pháp sau đây:

1. Tắm nước ấm

Tắm nước ấm là mẹo tại nhà rất đơn giản có thể giảm bớt tình trạng tê bì chân tay ở bà bầu. Đặc biệt là giúp cải thiện quá trình lưu thông máu và thư giãn cơ thể hiệu quả.

Việc tắm nước ấm vào buổi tối trước khi đi ngủ còn là giải pháp hữu hiệu để chăm sóc tốt cho chất lượng giấc ngủ. Bà bầu ngủ ngon giấc là yếu tố quan trọng giúp cho thai kỳ luôn khỏe mạnh.

Hướng dẫn thực hiện:

  • Chuẩn bị 1 bồn tắm nước ấm
  • Thêm vào vài ba giọt tinh dầu rồi khuấy đều lên
  • Ngâm mình trong bồn tắm khoảng từ 7 – 10 phút

**Lưu ý:

  • Bà bầu không được ngâm mình trong bồn tắm nước ấm quá lâu
  • Nên lau khô người trước khi mặc quần áo
  • Đảm bảo rằng phòng tắm kín gió

2. Chườm ấm

Bên cạnh tắm nước ấm thì chườm ấm cũng là giải pháp an toàn có thể dùng chữa tê chân tay khi mang thai. Hơi nóng từ túi chườm có tác dụng thư giãn gân cơ. Đồng thời tăng cường tuần hoàn máu tới các chi và giải phóng sự chèn ép lên rễ dây thần kinh.

Thực tế cho thấy, chườm nóng không chỉ đáp ứng tốt với chứng tê bì chân tay mà còn làm giảm các triệu chứng khác. Điển hình như giảm đau nhức và cải thiện chức năng vận động.

mẹo giảm tê chân tay cho bà bầu
Bà bầu có thể chườm ấm để tăng cường lưu thông máu và cải thiện cảm giác tê bì

Hướng dẫn thực hiện:

  • Chuẩn bị 1 túi chườm ấm có nhiệt độ khoảng 60°C
  • Chườm đắp trực tiếp lên các vùng tay chân bị tê bì
  • Thực hiện trong khoảng 15 – 20 phút

Trường hợp không có sẵn túi chườm ấm thì bà bầu có thể chuẩn bị 1 chai nước ấm. Thực hiện bằng cách lăn qua lăn lại lên các vùng bị ảnh hưởng. Tránh dùng nước quá nóng bởi có thể gây bỏng hay kích ứng ngoài da.

3. Massage

Massage cũng là giải pháp chữa tê chân tay rất đơn giản cho các bà bầu. Đặc biệt chân tay là những vùng mà mẹ bầu có thể tự massage mà không cần phải nhờ tới sự giúp đỡ của người thân.

Việc massage sẽ giúp cho hệ thống gân cơ được thư giãn và giải phóng các rễ dây thần kinh bị chèn ép. Hơn nữa, với cách này, tuần hoàn máu đến các chi cũng được cải thiện đáng kể.

Hướng dẫn thực hiện:

  • Nhẹ nhàng xoa 2 lòng bàn tay vào nhau cho tới khi nóng lên
  • Tiến hành xoa bóp tay và chân theo chuyển động tròn
  • Có thể kết hợp ấn nhẹ vào các vùng bị tê nhiều
  • Thực hiện massage trong khoảng 15 – 20 phút

**Lưu ý: Sử dụng lực tay vừa phải để tránh phát sinh rủi ro ngoại ý. Có thể thoa 1 ít dầu nóng hoặc tinh dầu lên da trước khi massage để nâng cao tính hiệu quả (không áp dụng với những bà bầu có làn da quá nhạy cảm).

4. Bài tập vận động

Trong nhiều trường hợp, tình trạng tê bì chân tay ở bà bầu có thể bắt nguồn từ thói quen lười vận động. Trong khi đó, thực hiện một số bài tập phù hợp không chỉ làm giảm triệu chứng và còn ngăn ngừa tình trạng này tái diễn trong tương lai.

Với các bà bầu nên lựa chọn những bài tập vận động nhẹ để luyện tập. Có thể là đi bộ hay thực hiện một vài động xoay khớp đơn giản. Cụ thể như sau:

– Đi bộ cường độ thấp:

Thay vì ngồi hay nằm quá lâu thì mẹ bầu có thể đứng dậy và đi lại để gân cơ được thư giãn. Đồng thời tăng cường tuần hoàn máu đến các chi và giải phóng sự chèn ép.

Có thể đi vài ba vòng ở không gian sống hoặc đi bộ ngoài trời. Tuy nhiên nếu đi bộ ngoài trời hãy lựa chọn giày phù hợp và chuẩn bị thể trạng tốt. Nên di chuyển bước ngắn và chậm rãi trong khoảng 10 – 15 phút. Tuyệt đối không đi nhanh hay rèn luyện quá gắng sức.

cải thiện chứng tê chân tay khi mang thai
Đi bộ cường độ thấp có thể cải thiện chứng tê chân tay khi mang thai

– Xoay khớp cổ tay, cổ chân:

Đây là động tác có thể hỗ trợ làm giảm triệu chứng tê bì chân tay khi mang thai rất tốt. Đối với những người bình thường thì các động tác này chỉ là bước khởi động cơ bản thông thường. Tuy nhiên với phụ nữ mang thai thì đây có thể xem như một bài tập có thể thực hiện hằng ngày.

Chỉ cần xoay khớp cổ tay và cổ chân theo chiều kim đồng hồ khoảng vài ba phút. Sau đó thực hiện tương tự với chiều ngược lại. Làm liên tục khoảng từ 10 – 15 phút/ ngày. Các động tác này nên thực hiện vào buổi sáng khi vừa ngủ dậy.

5. Điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt

Chế độ ăn uống và sinh hoạt là yếu tố ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe thai kỳ. Trong nhiều trường hợp, đây còn là nguyên nhân khiến mẹ bầu thường xuyên gặp phải tình trạng tê chân tay. Để khắc phục tình trạng này, việc điều chỉnh và duy trì chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt lành mạnh được cho là rất cần thiết.

Dưới đây là một số vấn đề cần lưu ý:

  • Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Đặc biệt là axit folic, vitamin B21, C, D, kẽm, canxi… Mẹ bầu nên sử dụng nhiều trứng, sữa, rau xanh và trái cây tươi để cung cấp đủ vitamin và khoáng chất.
  • Hạn chế ăn các loại đồ chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, chứa nhiều dầu mỡ, muối đường.
  • Tuyệt đối không hút thuốc lá, uống rượu bia hay dùng các chất kích thích.
  • Bổ sung đủ nước cho cơ thể (khoảng 2 – 2.5 lít hoặc hơn tùy theo nhu cầu). Bên cạnh nước lọc có thể dùng thêm các loại nước ép từ trái cây và rau củ tươi.
  • Ngủ đúng tư thế. Nên nằm ngủ nghiêng sang trái và thay đổi tư thế nằm thường xuyên nếu thấy tay chân bị tê.
  • Mẹ bầu cần trang bị gối kê chân để hỗ trợ tốt trong khi ngủ.
  • Đi ngủ sớm (trước 10 giờ tối) và đảm bảo giấc ngủ ban đêm kéo dài đủ 7 – 8 tiếng.
  • Tránh duy trì tư thế tĩnh quá lâu. Nên đi lại và vận động nhẹ nhàng để thư giãn gân cơ và xương khớp.
  • Không nên làm việc quá sức hay di chuyển quá nhiều. Đặc biệt là càng về những tháng cuối thai kỳ.
  • Giữ ấm cho cơ thể. Nhất là khi chuyển mùa hay trời lạnh nên hạn chế ra ngoài khi không cần thiết.

Tê chân tay khi mang thai khi nào cần gặp bác sĩ?

Như đã đề cập, hầu hết các trường hợp bị tê chân tay và ngứa ran khi mang thai là bình thường và phổ biến. Tuy nhiên nếu bà bầu gặp phải các triệu chứng bất thường khác đi kèm thì nên chú ý cẩn trọng.

nhận biết tê chân tay khi nào cần gặp bác sĩ
Nếu bị tê chân tay nghiêm trọng kèm theo các biểu hiện bất thường khác, bà bầu nên thăm khám bác sĩ

Cần chủ động thăm khám bác sĩ khi bị tê chân tay kèm theo các biểu hiện sau:

  • Chảy máu âm đạo
  • Đau bụng dữ dội
  • Co thắt
  • Đau đầu dữ dội
  • Nhìn mờ
  • Sưng tấy
  • Đau khớp nghiêm trọng

Đây thường là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe cần đến sự chăm sóc y tế. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ xác định rõ nguyên nhân và có phác đồ điều trị phù hợp. Việc được điều trị sớm sẽ giúp hạn chế ảnh hưởng tới sức khỏe thai kỳ.

Tê chân tay khi mang thai là triệu chứng phổ biến thường không quá nghiêm trọng và có thể cải thiện với các giải pháp đơn giản tại nhà. Tuy nhiên mẹ bầu vẫn cần chú ý theo dõi, nên chủ động thăm khám bác sĩ khi có các bất thường khác xảy ra đồng thời. Việc chăm sóc y tế là cần thiết trong nhiều trường hợp để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe thai kỳ.

Tham khảo thêm: Hiện tượng tê tay chân sau sinh và cách khắc phục

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua