Tê chân (trái – phải): Nguyên nhân và cách điều trị
Tê chân (trái – phải) là hiện tượng ít hoặc không có cảm giác ở bàn chân. Đây có thể là một tình trạng tạm thời, chỉ kéo dài trong thời gian ngắn do máu và khí kém lưu thông. Tuy nhiên tình trạng này có thể xảy ra do các bệnh mãn tính, cần được điều trị y tế để khắc phục và tránh rủi ro.
Tê chân (trái – phải) là gì?
Bàn chân là bộ phận thấp nhất của chi dưới. Nó chứa các dây thần kinh chịu trách nhiệm dẫn truyền cảm giác. Ngoài ra bàn chân còn chịu trọng lượng cơ thể và đảm bảo các chuyển động được diễn ra nhờ sự liên kết của dây chằng, gân, cơ và xương.
Tê chân là tình trạng ít hoặc không có cảm giác ở bàn chân. Tình trạng này có thể xảy ra sau một chấn thương ở cột sống hoặc do các bệnh mãn tính nghiêm trọng. Cảm giác tê buốt ở trường hợp này thường kéo dài, có xu hướng phát triển theo thời gian và cần điều trị y tế sớm để tránh rủi ro.
Trong nhiều trường hợp khác, tê buốt bàn chân, cẳng chân chỉ là một tình trạng tạm thời, kéo dài trong thời gian ngắn do khí huyết kém lưu thông. Đối với trường hợp này tê buốt thường tự thuyên giảm mà không cần điều trị.
Đặc điểm của chứng tê chân
Giảm hoặc mất cảm giác ở bàn chân chính là triệu chứng chính khi bị tê chân. Điều này làm ảnh hưởng đến khả năng cử động của bàn chân, khả năng giữ thăng bằng và xúc giác của người bệnh. Bởi tê chân người bệnh không thể cảm nhận được vị trí của bàn chân khi chạm đất.
Đối với những bệnh nhân bị tê chân, giảm/ mất cảm giác ở bàn chân thường đi kèm theo những thay đổi dưới đây:
- Ngứa ran và châm chích ở bàn chân
- Có cảm giác như điện giật hoặc ghim như kim châm
- Yếu chân, khó đi lại và vận động.
Ngoài ra ở những trường hợp nặng, cảm giác tê buốt có thể lan sang những bộ phận khác của cơ thể. Trong đó bàn tay, ngón tay, cẳng tay là những bộ phận thường bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân gây tê chân
Tê chân xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do thói quen sinh hoạt khiến mạch máu kém lưu thông hoặc do các bệnh lý mãn tính, bệnh về cột sống và dây thần kinh. Cụ thể:
1. Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân phổ biến gây tê chân và khó vận động. Bệnh lý này thể hiện cho tình trạng bao xơ phình lồi hoặc rách khiến nhân nhầy thoát vị, chèn ép vào rễ thần kinh và tủy sống. Từ đó gây tê bì ở chân.
Tê chân do thoát vị đĩa đệm thường kèm theo những triệu chứng sau:
- Tê tay
- Ngứa ran hoặc có cảm giác châm chích ở một hoặc cả hai bàn chân
- Yếu cơ
- Rối loạn cảm giác và hạn chế khả năng vận động
- Teo cơ
- Bí tiểu hoặc són tiểu
- Mất cảm giác ở bắp đùi trong, phía sau chân, vùng quanh hậu môn.
2. Thoái hóa cột sống thắt lưng
Thoái hóa cột sống thắt lưng là trạng đĩa đệm cùng các sụn khớp ở cột sống thắt lưng bị tổn thương và thoái hóa. Điều này khiến ống sống bị thu hẹp dẫn đến chèn ép tủy sống và dây thần kinh – nguyên nhân gây tê chân.
Ngoài ra tình trạng thoái hóa còn kích thích các tế bào xương dẫn đến phát triển quá mức và hình thành gai xương. Gai xương phát triển trên đốt của cột sống (gai cột sống) có xu hướng chèn ép vào dây chằng, cơ, mạch máu và các dây thần kinh xung quanh. Điều này khiến khiến máu huyết kém lưu thông, bệnh nhân thường xuyên đau lưng và tê bì tay chân.
Dấu hiệu nhận biết thoái hóa cột sống thắt lưng:
- Tê yếu ở chân kèm theo cảm giác ngứa ran và châm chích
- Cứng khớp
- Đau nhiều ở lưng dưới, mông và đùi trên
- Đau nhiều hơn khi vận động, giảm khi ngồi
- Giảm khả năng phối hợp giữa tay và chân
- Đau và co thắt cơ bắp
- Mất thăng bằng, đi lại khó khăn
- Khả năng vận động bị hạn chế.
3. Bệnh tiểu đường
So với tê tay, tê chân do bệnh tiểu đường thường phổ biến hơn. Tình trạng này xảy ra khi chất béo và lượng đường trong máu cao khiến dây thần kinh bị tổn thương nhưng không thể phục hồi. Đối với tổn thương thần kinh do tiểu đường, người bệnh có thể bị tê đồng thời ở chân, bàn chân, cánh tay và bàn tay.
4. Nghiện rượu mãn tính
Nghiện rượu mãn tính hay rối loạn do sử dụng rượu là nguyên nhân gây tê buốt ở chân và bàn chân. Bởi việc sử dụng rượu trong thời gian dài khiến các dây thần kinh bị tổn thương dẫn đến tê bì và châm chích khó chịu ở các chi.
5. Bệnh động mạch ngoại vi (PAD)
Bệnh động mạch ngoại vi (PAD) là tình trạng thu hẹp mạch máu do sự tích tụ của các mảng bám trên thành mạch. Điều này khiến quá trình lưu thông máu và oxy đến các chi bị giảm hoặc gián đoạn. Từ đó gây ra cảm giác tê buốt khó chịu. Đôi khi bệnh nhân có thể bị đau và ngứa ran ở cẳng chân.
Sự tích tụ của mảng bám và thu hẹp động mạch có thể xảy ra ở bất kỳ động mạch nào trong cơ thể nên những người mắc bệnh động mạch ngoại vi sẽ có nguy cơ đột quỵ và cao hơn bình thường.
Dấu hiệu nhận biết bệnh động mạch ngoại vi:
- Đau ở cơ bắp chân. Đặc biệt là khi đi bộ hoặc tập thể dục, giảm khi nghỉ ngơi
- Tê xuất hiện đồng thời với cảm giác ngứa ran và kim châm ở bàn chân và cẳng chân
- Vết loét và vết thương hở ở chân chậm lành hoặc không lành
6. Bệnh mạch máu ngoại vi (PVD)
Bệnh mạch máu ngoại vi (PVD) còn được gọi là xơ cứng động mạch tắc nghẽn, suy động mạch của chân. Bệnh thể hiện cho tình trạng rối loạn tuần hoàn máu dẫn đến thu hẹp, co thắt hoặc tắc nghẽn các mạch máu bên ngoài não và tim.
Bệnh mạch máu ngoại vi thường xảy ra ở chân. Bệnh có thể làm ảnh hưởng đến tĩnh mạch hoặc động mạch và gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Ngoài chân, PVD cũng có thể làm ảnh hưởng đến các mạch máu chịu trách nhiệm cung cấp máu và oxy đến cánh tay, thận, dạ dày và ruột.
Những triệu chứng thường gặp:
- Đau ở chân, ngón chân, bàn chân, cơ bắp và cánh tay
- Đau nhiều hơn khi tập thể dục, giảm khi nghỉ ngơi
- Chuột rút khi nằm trên giường
- Có cảm giác nặng nề hoặc tê liệt chi
- Da mỏng và nhợt nhạt
- Mạch đập yếu
- Vết loét và vết thương hở chậm lành hoặc không lành
7. U thần kinh Morton
U thần kinh Morton còn được gọi là u thần kinh giữa cổ chân. Bệnh làm ảnh hưởng đến quả bóng của bàn chân dẫn đến đau nhức và tê bì. U thần kinh Morton xảy ra khi các mô xung quanh dây thần kinh bị tổn thương, kích thích hoặc chèn ép dẫn đến ngón chân sưng nề. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ ngón nào của bàn chân nhưng ngón chân thứ ba và thứ tư là những ngón dễ bị ảnh hưởng nhất.
Dấu hiệu nhận biết u thần kinh Morton:
- Đau nhức ở chân nhưng thường không liên tục. Đau rát có thể xảy ra ở bàn chân hoặc quả bóng của chân
- Đau kèm theo tê hoặc ngứa ran các ngón chân
- Khó giữ thăng bằng và đi lại như bình thường
8. Hội chứng Guillain Barre
Không chỉ gây tê tay, hội chứng Guillain Barre còn gây tê ở bàn chân và các ngón chân. Đây là một rối loạn hiếm gặp xảy ra khi các dây thần kinh bị tấn công bởi hệ thống miễn dịch. Từ đó tạo ra những tổn thương và khiến bệnh nhân thường xuyên bị ngứa ran, tê, châm chích và yếu ở chân, tay. Trong trường hợp không sớm kiểm soát và điều trị, toàn bộ cơ thể của người bệnh sẽ bị tê liệt
Ngoài cảm giác tê yếu tứ chi, người bệnh còn gặp thêm một số triệu chứng nghiêm trọng sau:
- Đau nhức
- Khó kiểm soát ruột và bàng quang
- Khó thở
- Hạn chế khả năng đi bộ và vận động
- Huyết áp cao hoặc thấp
- Khó hoặc không thể thực hiện các cử động trên gương mặt.
9. Bệnh đa xơ cứng
Bệnh đa xơ cứng thể hiện cho tình trạng hệ miễn dịch tấn công và gây tổn thương lớp vỏ bao phủ các dây thần kinh. Điều này khiến khả năng liên lạc giữa não và các cơ quan khác bị hạn chế. Trong trường hợp không được sớm thăm khám và điều trị, các dây thần kinh có thể bị tổn thương vĩnh viễn.
Dấu hiệu nhận biết bệnh đa xơ cứng
- Tê và yếu ở các chi
- Run
- Giảm khả năng phối hợp
- Có cảm giác như điện giật khi cử động cổ
- Mệt mỏi, chóng mặt
- Nhìn đôi, giảm hoặc mất thị lực
- Đau và ngứa ran
- Giảm khả năng tình dục
- Rối loạn chức năng ruột và bàng quang
10. Đau thần kinh tọa
Tê chân thường xảy ra ở những bệnh nhân bị đau thần kinh tọa. Thần kinh tọa là dây thần kinh dài và lớn nhất trong cơ thể người. Nó bắt đầu từ tủy sống, chạy ngang qua hông, mông, xuống chân và kết thúc ở các ngón chân.
Dây thần kinh tọa ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cảm nhận và kiểm soát của đôi chân. Chính vì thế khi dây thần kinh tọa bị tổn thương hoặc kích thích, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức dọc theo đường đi của dây thần kinh kèm theo tê chân và rối loạn cảm giác. Ngoài ra người bệnh cũng có thể cảm thấy yếu ở những khu vực bị tổn thương.
11. Chấn thương tủy sống
Tủy sống là một cấu trúc mỏng, hình ống, kéo dài từ tủy não đến thắt lưng. Cấu trúc này được tạo thành từng các mô thần kinh và được bảo vệ bởi các đốt sống của cột sống (ống ống). Ngoài ra tủy sống kết hợp với những bộ phận của não bộ để hình thành và phát triển hệ thống thần kinh trung ương.
Tủy sống có thể bị tổn thương do chấn thương mạnh hoặc do các bệnh lý ở cột sống làm thu hẹp ống sống và chèn ép vào tủy. Lúc này người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức, tê bì khó chịu ở các chi. Ở trường hợp nặng, người bệnh còn bị yếu cơ và liệt nửa người.
Chấn thương tủy sống có thể xảy ra ở bất kỳ đoạn nào. Ngoài ra chấn thương cũng có thể làm thương đồng thời cả tủy sống và dây thần kinh cuối ống sống.
12. Bệnh Charcot-Marie-Tooth
Bệnh Charcot-Marie-Tooth là một tình trạng rối loạn thần kinh ngoại biên di truyền dẫn đến tổn thương các dây thần kinh ngoại vi nằm trên bề mặt tủy sống và não. Chúng có nhiệm vụ kết nối hệ thống thần kinh trung ương với phần còn lại của cơ thể để duy trì chức năng và các hoạt động.
Bệnh Charcot-Marie-Tooth thường làm ảnh hưởng và gây rối loạn các dây thần kinh có nhiệm vụ điều khiển hoạt động cơ bắp tự nguyện. Từ đó gây ra những triệu chứng sau:
- Tê chân
- Yếu cơ chân
- Khó đứng
- Đi lại khó khăn, không thể giữ thăng bằng
- Dễ vấp ngã hoặc thường xuyên vấp ngã
- Bước cao khi đi bộ
- Chân dưới đảo ngược
- Biến dạng bàn chân
Trong giai đoạn tiến triển của bệnh Charcot-Marie-Tooth, bệnh nhân còn gặp khó khăn khi cử động bàn tay, cổ tay, ngón tay, bàn chân và lưỡi.
13. Duy trì tư thế sai
Duy trì tư thế sai trong lao động, sinh hoạt hoặc trong khi ngủ khiến dây thần kinh và mạch máu bị chèn ép, máu huyết kém lưu thông. Từ đó làm phát sinh cảm giác tê chân, châm chích và rối loạn cảm giác. Tuy nhiên tình trạng này chỉ xảy ra tạm thời, thường thuyên giảm trong thời gian ngắn mà không cần áp dụng phương pháp điều trị.
Những thói quen khiến tê chân dễ xảy ra:
- Ngồi chồm hổm
- Ngồi lâu hoặc quỳ lâu
- Ngồi bắt chéo chân quá lâu
- Mang vớ hoặc mặc quần quá chật
14. Các nguyên nhân khác
Ngoài những bệnh lý nghiêm trọng nêu trên, tê chân còn xảy ra do những nguyên nhân sau:
- Hội chứng Raynaud
- Bệnh Frostbite
- Các tình trạng nhiễm trùng như bệnh lyme, giang mai
- Viêm mạch hoặc viêm mạch máu
- Đau ụ ngón chân (Metatarsalgia)
- Chấn thương não
- Đột quỵ
- Hội chứng ống cổ chân
- Tác dụng phụ của thuốc điều trị ung thư
- Thiếu vitamin B12
Tê chân có nguy hiểm không?
Nếu xảy ra do thiếu vitamin B12, duy trì tư thế sai trong lao động và sử dụng thuốc, tê chân không nguy hiểm, có thể tự khỏi hoặc cải thiện bằng cách ăn uống và ngưng sử dụng các loại thuốc gây ảnh hưởng.
Tuy nhiên tê chân có thể là dấu hiệu cảnh báo tổn thương dây thần kinh do các bệnh lý nguy hiểm, cần điều trị y tế sớm. Thông thường việc không điều trị tê chân do bệnh lý có thể gây ra những vấn đề sau:
- Yếu cơ, teo cơ
- Mất khả năng vận động
- Rối loạn cảm giác không phục hồi
- Mất chức năng ruột và bàng quang
- Bại liệt.
Vì thế người bệnh nên đến bệnh viện để được khám và điều trị khi:
- Tê chân kéo dài trên 7 ngày
- Tê đột ngột không rõ nguyên nhân
- Tê kèm theo đau nhức, yếu chân, khó vận động và nhiều biểu hiện bất thường khác
- Mức độ tê chân tăng dần theo thời gian hoặc cảm giác tê yếu lan rộng đến nhiều bộ phận khác
- Khó đi lại và vận động
- Rối loạn cảm giác ở thắt lưng dưới và hai chân
- Tê chân sau một chấn thương mạnh.
Chẩn đoán tê chân
Đầu tiên bác sĩ chuyên khoa sẽ kiểm tra tiền sử chấn thương, bệnh sử và loại thuốc bệnh nhân đang dùng. Sau đó người bệnh sẽ được yêu cầu mô tả triệu chứng, những khu vực bị ảnh hưởng kết hợp kiểm tra dáng đi, khả năng vận động, phản xạ của chân với các yếu tố xung quanh và triệu chứng toàn thân.
Ngoài ra một số kỹ thuật dưới đây sẽ được chỉ định để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây tê chân và mức độ nghiêm trọng. Cụ thể:
- Chụp X-quang cột sống: Kiểm tra những bất thường ở cột sống và khả năng chèn ép dây thần kinh.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Kiểm tra vị trí có dây thần kinh bị tổn thương và mức độ chèn ép.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Kiểm tra những tổn thương tiềm ẩn hoặc tổn thương nhỏ khó phát hiện.
- Điện cơ đồ (EMG): Kiểm tra mức độ phản ứng của cơ khi có các kích thích điện.
- Các nghiên cứu dẫn truyền thần kinh (NCS): Kiểm tra vị trí và loại dây thần kinh bị tổn thương. Đồng thời đo lường khả năng phản ứng và truyền tín hiệu của dây thần kinh tổn thương.
Phương pháp điều trị tê chân
Đối với những trường hợp bị tê chân do nguyên nhân cơ học, người bệnh có thể không cần điều trị hoặc áp dụng các biện pháp giảm tê tại nhà. Nếu bị tê do bệnh lý, người bệnh cần dùng thuốc hoặc can thiệp ngoại khoa theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
1. Biện pháp giảm tê chân tại nhà
Biện pháp giảm tê chân tại nhà phù hợp với trường hợp nhẹ và tê chi do nguyên nhân cơ học. Các biện pháp gồm:
- Bổ sung vitamin B12
Nếu cơ thể thiếu vitamin B12 dẫn đến tê chi, người bệnh nên tăng cường sử dụng những loại thực phẩm giàu vitamin B12 để cải thiện tình trạng. Đồng thời tăng khả năng sản sinh các tế bào hồng cầu, duy trì hoạt động của não và hệ thần kinh trung ương.
Những loại thực phẩm chứa nhiều vitamin B12 gồm:
- Trứng
- Sữa và những chế phẩm từ sữa
- Cá hồi
- Cá ngừ
- Cá mòi
- Thịt bò
- Gan động vật
- Ngoa
- Ngũ cốc…
Nếu bị thiếu hụt nghiêm trọng, người bệnh có thể sử dụng thêm viên uống bổ sung vitamin theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Xoa bóp bấm huyệt
Nếu tê chân do duy trì tư thế sai trong sinh hoạt dẫn đến khí huyết kém lưu thông, người bệnh có thể thực hiện biện pháp xoa bóp bấm huyệt để cải thiện tình trạng. Biện pháp này có tác dụng đả thông kinh mạch, kích thích lưu thông khí huyết, cải thiện tình trạng đau mỏi và tê bì khó chịu.
- Ngâm chân với nước gừng ấm
Để cải thiện cảm giác tê bì khó chịu, người bệnh có thể giã nát gừng (hoặc thái lát) nấu với 2 lít nước và một ít muối hạt. Biện pháp này có tác dụng làm ấm chi, đuổi hàn thấp, giảm viêm, giảm đau nhức xương khớp, tăng lưu thông máu và điều trị tê chân hiệu quả. Ngoài ra việc ngâm chân với nước gừng ấm còn giúp người bệnh giảm sưng, sát trùng và tiêu diệt vi khuẩn.
- Tập thể dục
Để phòng ngừa và điều trị tê chân, người bệnh nên tập yoga, đi bộ hoặc đạp xe ít nhất 20 phút mỗi ngày. Biện pháp này có tác dụng thư giãn xương khớp và mạch máu, tăng lưu thông khí huyết, giảm đau nhức xương khớp và điều trị tê bì chân tay hiệu quả.
Ngoài ra tập thể dục còn giúp người bệnh giảm căng cơ, tăng cường sức mạnh cơ bắp, giữ đường cong tự nhiên của cột sống, hỗ trợ giải nén dây thần kinh và nâng cao sức khỏe tổng thể. Chính vì thế, người bệnh nên duy trì thói quen luyện tập thể dục để trị tay chân tê bì và nâng cao sức khỏe.
- Dùng thuốc điều trị tại chỗ
Nếu tê chân kéo dài từ 1 – 2 ngày, người bệnh có thể cân nhắc sử dụng thuốc điều trị tại chỗ, điển hình như kem bôi chứa capsaicin hoặc miếng dán Lidocain. Đây là các thuốc không kê đơn có tác dụng giảm đau, giảm tê và hỗ trợ cải thiện các bệnh thần kinh ngoại biên.
2. Sử dụng thuốc
Nếu những biện pháp chăm sóc tại nhà không đạt hiệu quả hoặc tê chân kéo dài trên 7 ngày, người bệnh nên khám và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Những loại thuốc thường được sử dụng gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid: Aspirin, Ibuprofen và một số loại thuốc chống viêm không steroid có thể được sử dụng trong điều trị tê chân. Thuốc này có tác dụng giảm đau, kháng viêm và giảm những ảnh hưởng đến cột sống. Điều này giúp hạn chế tổn thương dây thần kinh dẫn đến tê bì.
- Thuốc chống co giật: Nếu đau dây thần kinh và tê bì nghiêm trọng hoặc xảy ra ở những người mắc chứng động kinh, bác sĩ có thể xem xét và chỉ định thuốc chống co giật. Thuốc này có tác dụng điều trị hội chứng chân không yên (chân bồn chồn) và các cơn đau thần kinh như đau dây thần kinh sinh ba, bệnh lý thần kinh ngoại biên, bệnh thần kinh đái tháo đường… Từ đó giảm tê chi hiệu quả. Các thuốc chống co giật thường được sử dụng gồm Gabapentin (Gralise, Neurontin) và Pregabalin (Lyrica).
- Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm có tác dụng giảm đau dây thần kinh (tác dụng nhẹ), giảm tê bì, an thần, cải thiện chất lượng giấc ngủ. Loại thuốc này phù hợp với những người bị tê bì liên quan đến đau dây thần kinh hoặc đau nặng làm ảnh hưởng đến tinh thần và giấc ngủ.
4. Phẫu thuật
Những trường hợp tê chân dưới đây sẽ được chỉ định phẫu thuật:
- Điều trị bảo tồn không hiệu quả
- Tê chân kéo dài trên 6 – 12 tuần
- Tê chân liên quan đến tủy sống và dây thần kinh bị chèn ép
- Hẹp ống sống hoặc có tổn thương đĩa đệm nghiêm trọng
- Bệnh nhân có nguy cơ yếu chi và bại liệt.
Dựa vào từng trường hợp cụ thể (nguyên nhân, triệu chứng đi kèm và mức độ nghiêm trọng), người bệnh sẽ được phẫu thuật điều chỉnh đĩa đệm hư hỏng, giải nén tủy sống và dây thần kinh hoặc giải phóng mạch máu.
Tê chân trái – phải là một tình trạng thường gặp do thiếu vitamin B12 và duy trì tư thế xấu trong sinh hoạt. Tuy nhiên tình trạng này cũng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý thần kinh và bệnh xương khớp nghiêm trọng. Vì thế nếu cảm giác tê bì kéo dài trên 7 ngày, tê tăng theo thời gian hoặc kèm các biểu hiện nghiêm trọng khác, người bệnh nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá tình trạng và hướng dẫn điều trị với các phương pháp thích hợp.
Bài viết liên quan:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!