Tê bì chân tay khi ngủ: Nguyên nhân và cách điều trị
Theo dõi IHR trênTê bì chân tay khi ngủ có thể là do tư thế ngủ không phù hợp gây chèn ép mạch máu hoặc các dây thần kinh. Tuy nhiên đôi khi tình trạng này có thể liên quan đến các tổn thương thần kinh do nhiều bệnh lý tiềm ẩn.
Đặc điểm của tình trạng tê bì chân tay khi ngủ
Tê bì chân tay khi ngủ có thể là dấu hiệu bị chèn ép dây thần kinh xương trụ, xương quay hoặc các dây thần kinh trung gian ở các chi. Tình trạng này thường không nguy hiểm và có thể được cải thiện khi người bệnh thay đổi tư thế ngủ và vận động phù hợp.
Tuy nhiên, tình trạng tê bì chân tay khi ngủ đi kèm các triệu chứng khác, chẳng hạn như tê các bộ phận khác của cơ thể, điều này có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân nghiêm trọng, do đó người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.
Triệu chứng tê tay chân khi ngủ được biểu hiện từ nhẹ đến nghiêm trọng và có thể là thoáng qua hoặc mãn tính. Thầy thuốc ưu tú, BS CKII Lê Hữu Tuấn – Nguyên PGĐ Trung tâm CNC Bệnh viện YHCT Trung ương nhận định:
- Tê và ngứa ran;
- Châm chích hoặc có cảm giác như kim châm vào da;
- Ngứa;
- Khó co cơ hoặc sử dụng cánh tay, chân bị ảnh hưởng;
- Có cảm giác lạnh;
- Có cảm giác như chân hoặc tay không thuộc về cơ thể.
Các triệu chứng thường chỉ xuất hiện ở một tay hoặc chân, tuy nhiên đôi khi có thể gây ảnh hưởng đến cả hai tay và chân. Thông thường tình trạng này sẽ được cải thiện trong một thời gian ngắn (sau 30 phút hoặc ít hơn) và thông thường các triệu chứng không nghiêm trọng.
Trong một số trường hợp, tê bì chân tay khi ngủ có thể kéo dài. Trong các trường hợp này, người bệnh có thể cần đến bệnh viện để xác định nguyên nhân và có kế hoạch xử lý phù hợp.
Nguyên nhân gây tê bì chân tay khi ngủ
Hầu hết các trường hợp tê bì chân tay khi ngủ thường không nghiêm trọng và có thể được cải thiện bằng cách di chuyển nhẹ nhàng xung quanh. Cụ thể các nguyên nhân bao gồm:
1. Tư thế ngủ không phù hợp
Có một số tư thế ngủ có thể gây áp lực lên các dây thần kinh ở cánh tay, bàn tay, chân và bàn chân. Người nằm sấp khi ngủ có thể bị tê tay do đặt tay ở bên dưới đầu khi ngủ. Trong khi đó, những người nằm ngửa cũng có thể bị tê cánh tay và bàn tay, nếu kê tay dưới đầu khi nằm ngủ.
Người nằm nghiêng có thể bị uốn cong cánh tay hoặc cổ tay, điều này gây hạn chế lưu lượng máu đến tay và dẫn đến tê tay. Ngoài ra nằm nghiêng có thể khiến trọng lượng cơ thể đè lên một bên chân, gây chèn ép các dây thần kinh và gây tê bì chân.
Tê bì chân tay khi ngủ do tư thế ngủ không phù hợp thường được cải thiện khi người bệnh thay đổi tư thế ngủ và không gây áp lực lên tay, chân. Những người thường xuyên bị tê bì chân tay tái phát, có thể thay đổi nhiều tư thế ngủ hoặc trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
2. Chèn ép dây thần kinh xương trụ
Dây thần kinh xương trụ chịu trách nhiệm kiểm soát các cơ ở cẳng tay và giúp người bệnh thực hiện động tác cầm nắm đồ vật. Dây thần kinh này cũng cung cấp cảm giác cho ngón út và ngón đeo nhẫn.
Tổn thương hoặc chèn ép dây thần kinh xương trụ là một trong những nguyên nhân phổ biến có thể dẫn đến tê tay khi ngủ. Ngoài ra, tác động đến dây thần kinh xương trụ ở khuỷu tay là nguyên nhân dẫn đến cảm giác sốc như bị điện giật ở xương cẳng tay.
Chèn ép dây thần kinh xương trụ thường liên quan đến các áp lực lớn ở khuỷu tay hoặc cổ tay. Do đó, nếu người bệnh ngủ với cánh tay và bàn tay co vào trong, người bệnh có thể cảm thấy:
- Ngón út và ngón áp út bị tê;
- Tê hoặc ngứa ở lòng bàn tay;
- Tê mu bàn tay.
Sự chèn ép liên tục lên dây thần kinh xương trụ có thể dẫn đến Hội chứng chèn ép thần kinh trụ ở khuỷu tay. Nếu cơn đau hoặc yếu xuất hiện cùng cảm giác tê tay, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.
3. Chèn ép dây thần kinh giữa
Dây thần kinh giữa kiểm soát cơ bắp và cảm giác ở ngón trỏ và ngón giữa. Dây thần kinh này cũng chịu trách nhiệm về các cơ ở ngón đeo nhẫn và ngón cái ở phía lòng bàn tay. Tình trạng chèn ép các dây thần kinh giữa có xu hướng gây ảnh hưởng đến khuỷu tay hoặc cổ tay.
Những người ngủ với tư thế cuộn người như bào thai có thể bị chèn ép dây thần kinh và dẫn đến bị tê ở:
- Mặt trước của lòng bàn tay ở ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một nửa ngón đeo nhẫn (một nửa gần ngón giữa);
- Xung quanh gốc ngón tay ở phía lòng bàn tay.
Tình trạng chèn ép các dây thần kinh giữa ở cổ tay có thể góp phần dẫn đến Hội chứng ống cổ tay. Do đó, nếu tê bì chân tay khi ngủ kèm yếu hoặc đau đớn, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.
4. Chèn ép dây thần kinh quay
Dây thần kinh quay kiểm soát các cơ trong hoạt động ở rộng ngón tay và cổ tay. Dây thần kinh này cũng chịu trách nhiệm về các cơ và cảm giác ở mu bàn tay và ngón cái ở phía mu bàn tay.
Có quá nhiều áp lực ở cổ tay hoặc cẳng tay có thể dẫn đến chèn ép các dây thần kinh quay. Các tư thế, căng hạn như ngủ trên cánh tay hoặc đè lên cổ tay, có thể gây tê ở:
- Bên trong ngón trỏ;
- Ở mặt sau của ngón tay cái (phía mu bàn tay);
- Ở phần giữa của ngón trỏ và ngón cái.
Áp lực ở dây thần kinh quay có thể dẫn đến Hội chứng chèn ép thần kinh trụ ở khuỷu tay. Do đó, nếu thường xuyên bị tê ở ngón tay hoặc bàn tay, kèm theo các cơn đau nhói ở cẳng tay, khuỷu tay và cổ tay, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.
5. Thoái hóa cột sống cổ
Thoái hóa cột sống cổ thường xảy ra do sự hao mòn tự nhiên hàng ngày của các đĩa đệm ở cột sống cổ theo thời gian và tuổi tác. Điều này có thể dẫn đến các dấu hiệu viêm xương khớp, chẳng hạn như hình thành các gai xương và khiến đĩa đệm bị phồng lên.
Cả hai tình trạng này đều có thể dẫn đến thu hẹp không gian bên trong cột sống và dẫn đến áp lực lên các rễ thần kinh hoặc tủy sống. Điều này có thể dẫn đến ngứa ran ở cánh tay, bàn tay và gây tê bì chân tay khi ngủ.
Ngoài ra, thoái hóa đốt sống cổ cũng có thể dẫn đến tê bì chân tay, đau cổ và hạn chế các hoạt động hàng ngày.
6. Hội chứng lối thoát ngực
Hội chứng lối thoát ngực (Thoracic outlet syndrome) là thuật ngữ chỉ một nhóm các tình trạng xảy ra ở các dây thần kinh hoặc mạch máu ở vùng dưới cổ và ngực bị kích thích, bị thương hoặc bị chèn ép.
Tình trạng này có thể dẫn đến tê ở cẳng tay, bàn tay và các ngón tay. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể gây tê bì tay khi ngủ dậy, đau vai, cổ, gáy, cánh tay trên và bàn tay.
7. Bệnh thần kinh ngoại biên
Bệnh thần kinh ngoại biên là thuật ngữ chỉ tình trạng tổn thương đến hệ thống thần kinh ngoại vi của người bệnh. Đây là hệ thống nhận và gửi tín hiệu giữa hệ thống thần kinh trung ương và phần còn lại của cơ thể.
Có hơn 100 dây thần kinh ngoại biên và có thể dẫn đến tình trạng tê bì chân tay khi ngủ. Các triệu chứng phụ thuộc vào dây thần kinh bị ảnh hưởng, chẳng hạn như:
- Ngứa ran và tê ở tay hoặc chân;
- Đau nhói hoặc đau buốt dọc theo dây thần kinh bị tổn thương;
- Có cảm giác châm chích hoặc như động vật nhỏ bò trên da dọc theo dây thần kinh bị ảnh hưởng.
8. Đái tháo đường
Đái tháo đường là một bệnh lý mãn tính dẫn đến lượng đường trong máu cao. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể không đáp ứng được nồng độ insulin cần thiết hoặc tạo ra không đủ insulin theo nhu cầu.
Có hơn 50% người bệnh đái tháo đường bị tổn thương các dây thần kinh, bao gồm các dây thần kinh ngoại biên. Điều này có thể dẫn đến Hội chứng ống cổ tay, gây ra đau đớn, tê, yếu và tê bì chân tay khi ngủ.
9. Thiếu vitamin B-12
Vitamin B-12 rất quan trọng cho hoạt động của não bộ và hệ thống thần kinh trung ương. Vitamin này cũng cần thiết để tạo ra các tế bào hồng cầu.
Tình trạng thiếu vitamin B-12 có thể liên quan đến một số yếu tố, chẳng hạn như tuổi tác, tiền sử gia đình và một số tình trạng y tế, chẳng hạn như viêm dạ dày và các bệnh lý tự miễn dịch. Các triệu chứng phổ biến bao gồm yếu cơ, ngứa ran và tê bì chân tay khi ngủ hoặc giảm cảm giác thèm ăn.
10. Dị cảm
Dị cảm xảy ra khi người bệnh ngủ ở tư thế đè lên cánh tay hoặc chân. Điều này có thể ngăn ngừa tín hiệu giữa não bộ và các dây thần kinh, dẫn đến ngứa ran hoặc tê.
Dị cảm có thể là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tê bì chân tay khi ngủ. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Nóng rát;
- Ngứa ran;
- Có cảm giác côn trùng nhỏ bò trên da.
Dị cảm thường biến mất khi cử động tay hoặc chân. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể ngăn ngừa tình trạng dị cảm bằng cách thay đổi tư thế ngủ thường xuyên.
11. Đau thần kinh tọa
Dây thần kinh tọa xuất phát từ thắt lưng, đi qua hông, mông và đến chân. Nếu bị chèn ép, có thể dẫn đến tê liệt ở chân. Thông thường đau thần kinh tọa chỉ ảnh hưởng đến một bên cơ thể. Người bệnh có nhiều nguy cơ gặp tình trạng này nếu có trọng lượng cơ thể lớn, lớn tuổi hoặc ngồi lâu.
Ngoài gây tê chân, người bệnh đau thần kinh tọa có thể gặp các triệu chứng như:
- Đau lan từ lưng dưới xuống mặt sau của chân;
- Cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn khi hơ, hắt hơi hoặc ngồi lâu;
- Yếu cơ;
- Ngứa ran hoặc tê bì chân khi ngủ.
Đau thần kinh tọa nhẹ có thể tự cải thiện. Nếu tình trạng kéo dài hơn 1 tuần hoặc xuất hiện sau các tai nạn, người bệnh nên đến bệnh viện để được kiểm tra phù hợp. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị tiêm thuốc steroid để làm dịu cơn đau và vật lý trị liệu để phục hồi chức năng.
12. Bệnh đa xơ cứng
Tê bì chân tay khi ngủ có thể là dấu hiệu ban đầu của bệnh đa xơ cứng. Tình trạng này xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công hệ thống thần kinh trung ương. Điều này khiến tay chân bị mất cảm giác hoặc có cảm giác như kim châm lên da. Các triệu chứng đôi khi có thể nghiêm trọng đến mức người bệnh không thể cảm nhận được bàn chân hoặc bàn tay.
Các triệu chứng của bệnh đa xơ cứng thường không giống nhau ở mỗi người bệnh. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp, người bệnh có thể cảm thấy:
- Mệt mỏi;
- Cứng hoặc co thắt cơ bắp;
- Yếu cơ;
- Có cảm giác choáng váng hoặc lâng lâng;
- Có các vấn đề về thị lực;
- Thay đổi tâm trạng.
Nếu tình trạng tê bì chân tay khi ngủ liên quan đến bệnh đa xơ cứng, các triệu chứng có thể xuất hiện và biến mất sau một thời gian. Sử dụng thuốc steroid theo toa có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng nhanh chóng. Tuy nhiên, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán, hướng dẫn và có biện pháp xử lý phù hợp.
13. Lạm dụng rượu
Rượu có thể gây tổn thương các mô thần kinh khi sử dụng quá nhiều. Điều này được gọi là bệnh thần kinh do rượu.
Những người uống quá nhiều rượu trước khi đi ngủ có thể cảm thấy đau, ngứa ran và tê bì chân tay khi ngủ dậy. Ngoài ra, nghiện rượu cũng có thể dẫn đến thiếu các vitamin và các chất dinh dưỡng cần thiết cho các hoạt động của cơ thể, điều này cũng có thể dẫn đến tê bì chân tay.
Những người nghiện rượu cũng có thể gặp một số dấu hiệu, chẳng hạn như:
- Yếu cơ;
- Chuột rút hoắc co thắt cơ;
- Rối loạn chức năng tình dục.
Đôi khi tình trạng tê bì chân tay khi ngủ có thể liên quan đến các nguyên nhân khác, chẳng hạn như:
- Viêm khớp dạng thấp;
- Lupus ban đỏ hệ thống;
- Bệnh Lyme;
- Nhiễm HIV và AIDS;
- Bệnh giang mai;
- Hội chứng Sjogren;
- Hiện tượng Raynaud;
- Khối u dây thần kinh ngoại vi.
Tê bì chân tay khi ngủ có nguy hiểm không?
Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng tê bì chân tay khi ngủ có thể được cải thiện khi người bệnh thức dậy và vận động nhẹ nhàng. Ngoài ra, thay đổi tư thế khi ngủ cũng có thể khiến các triệu chứng biến mất trước khi người bệnh thức dậy.
Tuy nhiên trong một số trường hợp, tình trạng tê bì chân tay có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm các nguyên nhân nghiêm trọng cần điều trị y tế. Do đó, nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, kéo dài hoặc không được cải thiện sau khi vận động nhẹ nhàng, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Chẩn đoán tê bì chân tay khi ngủ
Nếu các triệu chứng tê bì chân tay khi ngủ không được cải thiện khi thức dậy, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị phù hợp. Để chẩn đoán tình trạng này, bác sĩ thường trao đổi về các triệu chứng, các loại thuốc đang sử dụng và đề nghị người bệnh thực hiện một số bài kiểm tra thể chất cần thiết.
Nếu cần thiết, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh kiểm tra chức năng thần kinh, chụp ảnh giải phẫu cổ, đám rối thần kinh ở cánh tay hoặc các vị trí bị chèn ép. Các xét nghiệm thường được chỉ định bao gồm:
- Xét nghiệm máu;
- Chụp cắt lớp vi tính (CT);
- Chụp cộng hưởng từ (MRI);
- Các nghiên cứu về dẫn truyền thần kinh (NCS) và điện cơ đồ (EMG).
Chẩn đoán và có kế hoạch điều trị phù hợp là điều cần thiết để tránh các tổn thương thần kinh nghiêm trọng, kéo dài và gây mất chức năng tứ chi..
Cách điều trị tình trạng tê bì chân tay khi ngủ
Điều trị tình trạng tê bì chân tay khi ngủ phụ thuộc vào các nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này. Người bệnh có thể không cần điều trị nếu các triệu chứng không thường xuyên và liên quan đến các tư thế ngủ. Trong trường hợp này, người bệnh có thể thay đổi tư thế ngủ phù hợp để ngăn ngừa các triệu chứng.
Các biện pháp điều trị có thể kết hợp với các phương pháp điều trị y tế và các biện pháp điều trị tại nhà, bao gồm:
1. Thay đổi tư thế ngủ
Hầu hết các trường hợp tê bì chân tay khi ngủ có thể được cải thiện bằng cách thay đổi tư thế ngủ. Người bệnh có thể tham khảo một số tư thế ngủ, chẳng hạn như:
- Tránh nằm ngủ ở tư thế bào thai. Khi ngủ với cánh tay và khuỷu tay cong, có thể dẫn đến áp lực lên các dây thần kinh và gây tê tay, chân. Ngoài ra, tư thế quán chặt chăn có thể khiến người bệnh khó cử động và cuộn tròn trong giấc ngủ.
- Nếu nằm sấp khi ngủ, hãy cố gắng để cánh tay ở hai bên cơ thể. Không nên đặt cánh tay ở bên dưới đầu hoặc cơ thể, điều này có thể cắt đứt lưu thông máu đến cánh tay và gây tê cứng.
- Tránh khoanh tay dưới gối khi ngủ. Trọng lượng ở đầu có thể gây áp lực lên cổ tay, khuỷu tay và gây chèn ép các dây thần kinh.
Tuy nhiên rất khó để kiểm soát các chuyển động của cơ thể khi ngủ, do đó người bệnh có thể tham khảo một số trợ giúp. Nếu gặp khó khăn trong việc giữa thẳng khuỷu tay hoặc chân, người bệnh có thể sử dụng nẹp cố định qua đêm khi ngủ. Điều này có thể giúp tay và chân tránh di chuyển khi ngủ. Sau vài tuần sử dụng nẹp, người bệnh có thể bắt đầu thích nghi với vị trí mới và tránh tình trạng tê bì chân tay khi ngủ.
2. Tập thể dục thường xuyên
Thường xuyên tập thể dục có thể tăng cường lưu lượng máu lưu thông khắp cơ thể, tăng sức mạnh cơ bắp và tránh tình trạng yếu cơ. Điều này có thể hạn chế nguy cơ tê bì chân tay khi ngủ.
Ngoài ra, người bệnh có thể thực hiện các động tác kéo giãn, tăng cường sức mạnh và giữ đúng tư thế để ngăn ngừa nguy cơ thoái hóa đốt sống cổ.
3. Sử dụng thuốc tác dụng tại chỗ
Có một số loại thuốc điều trị tại chỗ, chẳng hạn như miếng dán Lidocain và kem capsaicin bôi lên da, có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên.
Ngoài ra, tinh dầu bạc hà bôi tại chỗ, chẳng hạn như biofreeze cũng có thể hỗ trợ giảm đau và tê bì chân tay. Tuy nhiên, những giải pháp này chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng trong thời gian ngắn.
4. Bổ sung Vitamin B-12
Sự thiếu hụt Vitamin B-12 có thể được cải thiện bằng cách uống bổ sung vitamin B-12. Nếu tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng hoặc khi người bệnh không thể hấp thụ vitamin B-12 từ chế độ ăn uống hoặc chất bổ sung, bác sĩ có thể đề nghị tiêm vitamin.
Thường xuyên bổ sung vitamin B-12 thông qua chế độ ăn uống, chẳng hạn như cá hồi, trứng và gan cũng có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng.
5. Hạn chế sử dụng rượu
Tránh hoặc hạn chế lượng rượu tiêu thụ có thể hỗ trợ phục hồi các chức năng thần kinh và điều trị tình trạng tê bì chân tay. Ngoài ra, người bệnh có thể cần thực hiện vật lý trị liệu để phục hồi khả năng vận động.
6. Thuốc điều trị
Có một số loại thuốc có thể được chỉ định để cải thiện tình trạng tê bì chân tay khi ngủ, chẳng hạn như:
- Thuốc chống trầm cảm: Một số loại thuốc chống trầm cảm có thể điều trị tình trạng đau thần kinh bằng cách can thiệp vào quá trình truyền tín hiệu của não bộ đến các dây thần kinh. Điều này có thể mang lại hiệu quả trong việc điều trị bệnh lý thần kinh do đái tháo đường và các bệnh lý thần kinh ngoại biên.
- Thuốc chống co giật: Sử dụng thuốc chống co giật có thể hạn chế kích thích các dây thần kinh và ngăn ngừa tình trạng tê ngứa.
7. Phẫu thuật
Trong các trường hợp cần thiết, chẳng hạn như thoái hóa đốt sống cổ nghiêm trọng, người bệnh có thể cần thực hiện phẫu thuật để giải phóng các dây thần kinh bị chèn ép hoặc điều trị tình trạng thoát vị đĩa đệm.
Ngoài ra, các nguyên nhân nghiêm trọng, chẳng hạn như khối u dây thần kinh ngoại biên, cũng cần phẫu thuật để tránh các rủi ro không mong muốn.
Phẫu thuật thường cần nhiều thời gian để hồi phục và có thể dẫn đến một số rủi ro không mong muốn. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn biện pháp chăm sóc phù hợp.
Tê bì chân tay khi ngủ thường do chèn ép các dây thần kinh gây ra. Ngoài ra, nghiện rượu và một số bệnh lý khác, bao gồm các bệnh lý nghiêm trọng, cũng có thể dẫn đến tình trạng này. Do đó, điều quan trọng là người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp, đặc biệt là khi tê bì chân tay kết hợp với các triệu chứng khác, chẳng hạn như đau hoặc mất sức mạnh.
Tham khảo thêm: 6 cây thuốc nam chữa bệnh tê tay chân hiệu quả, dễ kiếm
Thi thoảng e nằm hay bị tê mu bàn chân đến mắt cá chân có nguy hiểm kh ạ??? E nằm tư thế nào cũng tê??
Em phải làm như thế nào để hết ạ???