Sưng Đau Mắt Cá Chân

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Trần Thị Hương Lan | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Sưng đau mắt cá chân là tình trạng phổ biến và thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên đôi khi tình trạng này có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau và là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Do đó, điều quan trọng là người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có biện pháp xử lý phù hợp.

Sưng đau mắt cá chân
Sưng đau mắt cá chân là tình trạng phổ biến và thường không nghiêm trọng

Nguyên nhân gây sưng mắt cá chân

Có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn có thể dẫn đến sưng đau mắt cá chân, từ các chấn thương cấp tính, chẳng hạn như bong gân, trật khớp, gãy xương, đến các tình trạng mãn tính, chẳng hạn như bệnh gout hoặc các tình trạng viêm khớp khác.

Khớp mắt cá chân hay cổ chân được cấu tạo từ nhiều cơ, xương, sụn và các mô mềm, chẳng hạn như dây chằng và gân. Chấn thương hoặc bất cứ bệnh lý nào ảnh hưởng đến các cấu trúc này đều có thể dẫn đến sưng, đau mắt cá chân. Cụ thể, một số nguyên nhân phổ biến như sau:

1. Bong gân

Bong gân mắt cá chân là thuật ngữ mô tả tình trạng chấn thương ở một hoặc nhiều dây chằng. Đây là một chấn thương phổ biến, có thể xảy ra khi đi bộ, đặc biệt là trên các bề mặt không bằng phẳng, chấn thương thể thao, té ngã hoặc khi thực hiện các hành động xoắn mắt cá chân vào trong.

Bong gân mắt cá chân
Bong gân là tình trạng tổn thương dây chằng ở cổ chân

Khi bị bong gân, người bệnh thường cảm thấy đau nhói ở bên ngoài mắt cá chân. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Sưng khớp cổ chân;
  • Bầm tím xung quanh mắt cá chân, đôi khi gây ảnh hưởng đến bàn chân và các ngón chân;
  • Đau đớn xung quanh mắt cá chân;
  • Khó uốn cong mắt cá chân lên hoặc xuống;
  • Có cảm giác khớp bị bị bật ra, đặc biệt là khi dây chằng bị rách hoàn toàn;
  • Khó chịu khi đi bộ.

Điều trị bong gân mắt cá chân là điều quan trọng và cần thiết để người bệnh có thể trở lại các hoạt động bình thường và để tránh các rủi ro không mong muốn. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh tự chăm sóc tại nhà hoặc điều trị y tế.

2. Viêm gân mắt cá chân

Viêm gân mắt cá chân là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất có thể dẫn đến sưng đau mắt cá chân. Tình trạng xảy ra khi các gân mắt cá chân bị kích thích và viêm, thường liên quan đến việc lạm dùng bàn chân hoặc cổ chân quá mức.

Viêm gân mắt cá chân
Viêm gân mắt cá chân có thể dẫn đến đau đớn và sưng tấy ở cổ chân

Một loại viêm gân khác có thể gây sưng đau mắt cá chân là viêm gân bánh chè. Đây là tình trạng chấn thương gân khoeo hoặc gân xương chậu. Hai gần này chạy dọc ở bên ngoài khớp cổ chân, do đó viêm gân có thể gây ảnh hưởng đến cổ chân. Nguyên nhân phổ biến nhất có thể dẫn đến viêm gân bánh chè là do chạy trên bề mặt không bằng phẳng, trơn trượt hoặc chơi các môn thể thao cần thay đổi hướng nhanh chóng.

Cơn đau liên quan đến viêm gân gót chân hoặc viêm gân bánh chè thường là một cơn đau âm ỉ ở bên ngoài mắt cá chân. Tuy nhiên các triệu chứng có thể phát triển theo thời gian, trở nên nghiêm trọng và có thể gây khó khăn khi đứng hoặc đi bộ. Ngoài ra, đôi khi người bệnh có thể bị nóng rát ở bên ngoài mắt cá chân.

Các triệu chứng viêm gân có thể được điều trị tại nhà bằng một số biện pháp như:

  • Giảm hoạt động gây ảnh hưởng đến gân;
  • Chườm đá trong 20 phút mỗi lần có thể hỗ trợ giảm sưng và ngăn ngừa đau nhức;
  • Sử dụng thuốc chống viêm không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen để giảm đau và sưng.

Nếu tình trạng viêm trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.

3. Bệnh viêm khớp

Viêm khớp là thuật ngữ chỉ tình trạng viêm và đau ở các khớp trong cơ thể. Ở cổ chân, có ba loại viêm khớp phổ biến, bao gồm:

Viêm khớp cổ chân
Viêm khớp là nguyên nhân phổ biến có thể gây đau cổ chân
  • Thoái hóa khớp cổ chân: Đây là dạng viêm khớp do sụn khớp bị hao mòn dẫn đến mắt cá chân dần thoái hóa. Theo thời gian, việc mất sụn khớp có thể khiến các xương cọ xát vào nhau dẫn đến các cơn đau nhức ở khớp. Ngoài ra, đôi khi thoái hóa khớp cũng có thể gây hình thành các gai xương ở cổ chân.
  • Viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý tự miễn dịch, trong đó hệ thống miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh trên cơ thể, bao gồm khớp mắt cá chân. Bên cạnh các triệu chứng ở khớp, đôi khi người bệnh có thể gặp các triệu chứng toàn thân, chẳng hạn như mệt mỏi hoặc giảm cân mà không rõ lý do.
  • Viêm khớp sau chấn thương: Viêm khớp có thể xuất hiện sau bất cứ chấn thương nào gây ảnh hưởng đến mắt cá chân và dẫn đến sưng đau mắt cá chân.

4. Bệnh gout

Bệnh gout là bệnh viêm khớp, phát triển do sự hình thành tinh thể axit uric trong một hoặc nhiều khớp. Các dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh gout là gây ra các cơn đau đớn dữ dội, đỏ và sưng khớp bị ảnh hưởng.

Bệnh gout thường gây ảnh hưởng đến ngón chân cái, tuy nhiên bất cứ khớp nào trong cơ thể cũng có thể phát triển bệnh gout, bao gồm mắt cá chân. Tuy nhiên, bệnh gout không phải là nguyên nhân gây sưng đau mắt cá chân.

Phù mắt cá chân
Bệnh gout có thể gây sưng, viêm và phù ở mắt cá chân

Các triệu chứng bệnh gout cần được điều trị phù hợp để tránh các biến chứng nghiêm trọng. Các mục tiêu điều thường bao gồm giảm đau, giảm nồng độ axit uric và ngăn ngừa các cơn gout bùng phát. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn đau, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp điều trị như:

  • Chườm đá để cải thiện các cơn đau nhẹ;
  • Nghỉ ngơi hợp lý để giảm sưng;
  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn để cải thiện các cơn đau nhẹ;
  • Thay đổi chế độ ăn uống, tránh tiêu thụ rượu và các loại thực phẩm chứa nhiều purin;
  • Sử dụng thuốc điều trị bệnh gout theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

5. Nhiễm trùng xương

Nhiễm trùng xương hay viêm tủy xương thường không phổ biến ở mắt cá chân, tuy nhiên đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến sưng đau mắt cá chân. Các dấu hiệu khác bao gồm:

  • Sốt và ớn lạnh;
  • Đỏ ở mắt cá chân;
  • Khó chịu hoặc mệt mỏi
  • Sưng tấy hoặc rò rỉ chất dịch từ cổ chân;
  • Cứng cổ chân hoặc không có khả năng sử dụng cổ chân.

Nhiễm trùng cổ chân cần được điều trị y tế để tránh các rủi ro liên quan. Các biện pháp điều trị phổ biến bao gồm:

Thuốc kháng sinh có thể được tiêm vào tĩnh mạch để loại bỏ nhiễm trùng. Người bệnh có thể cần sử dụng kháng sinh trong suốt 6 tuần liên tục. Đôi khi nhiễm trùng xương có thể cần phẫu thuật để dẫn lưu áp xe và loại bỏ các mô chết.

6. Hội chứng ống cổ chân

Hội chứng ống cổ chân xảy ra khi có sự chèn ép dây thần kinh bên trong ống cổ chân. Điều này dẫn đến sưng đau mắt cá chân hoặc gây bỏng rát, tê ngứa ở lòng bàn chân, ngón chân và đôi khi là ở gót chân.

Tình trạng này thường được điều trị bằng thuốc chống viêm hoặc tiêm cortisone vào mắt cá chân. Đôi khi người bệnh có thể cần sử dụng giày chỉnh hình hoặc các dụng cụ hỗ trợ khác để cải thiện các triệu chứng.

Trong các trường hợp cần thiết, người bệnh có thể cần phẫu thuật để cải thiện các triệu chứng.

7. Khối u xương cổ chân

Các khối u lành tính, không ung thư, chẳng hạn như khối u nang bao hoạt dịch, có thể là nguyên nhân dẫn đến sưng đau mắt cá chân. Tuy nhiên đôi khi các nguyên nhân nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như khối u ác tính, như ung thư xương cũng có thể gây ảnh hưởng đến cổ chân.

Bong gân mắt cá chân
Ung thư xương là nguyên nhân nghiêm trọng gây đau cổ chân

Các khối u xương cần được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Các khối u lành tính có thể điều trị bằng các biện pháp tại nhà hoặc chăm sóc y tế phù hợp. Trong khi đó, khối u ác tính cần được điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Các biện pháp phổ biến bao gồm:

  • Phẫu thuật để loại bỏ mô xương ung thư và một phần mô khỏe mạnh xung quanh.
  • Xạ trị liều cao có thể thu nhỏ khối u theo một quy trình nhất định và hỗ trợ giảm đau. Xạ trị có thể gây tổn thương các tế bào lân cận, tuy nhiên các tế bào có xu hướng hồi phục hoàn toàn.
  • Hóa trị có thể loại bỏ những tế bào ung thư nhân lên nhanh chóng, bao gồm cả tế bào ung thư và tế bào tái tạo nhanh, chẳng hạn như nang tóc, tủy xương và các tế bào lót đường tiêu hóa. Do đó, hóa trị thường có nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng.

Nếu được chẩn đoán ung thư xương, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn các biện pháp điều trị và chăm sóc phù hợp.

Sưng đau mắt cá chân khi nào cần đến bệnh viện?

Việc xác định nguyên nhân gây sưng đau mắt cá chân là điều cần thiết để có kế hoạch điều trị và chăm sóc sức khỏe phù hợp. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán nếu không xác định được nguyên nhân gây đau cổ chân. Ngoài ra, người bệnh cũng nên đến bệnh viện nếu nhận thấy các dấu hiệu như:

  • Không có khả năng đi lại hoặc hạn chế khả năng sử dụng mắt cá chân;
  • Có các chấn thương gây biến dạng xung quanh khớp mắt cá chân;
  • Đau mắt cá chân nghiêm trọng vào ban đêm hoặc khi nghỉ ngơi;
  • Đau cổ chân kéo dài trong vài ngày;
  • Sưng khớp hoặc vùng bắp chân;
  • Có dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như sốt, nổi mẩn đỏ hoặc ấm da;
  • Có các triệu chứng bất thường khác.

Chẩn đoán tình trạng sưng đau mắt cá chân

Có nhiều nguyên nhân gây sưng đau mắt cá chân, do đó bác sĩ có thể kiểm tra các triệu chứng hoặc đề nghị các xét nghiệm liên quan đến có kế hoạch phù hợp. Các xét nghiệm chẩn đoán phổ biến bao gồm:

1. Kiểm tra tiền sử bệnh

Nếu bị sưng đau mắt cá chân, người bệnh nên mô tả cơn đau càng chi tiết càng tốt. Trên thực tế, người bệnh nên xác định cơn đau thông qua:

  • Vị trí cơn đau, chẳng hạn như bên ngoài hoặc bên trong mắt cá chân;
  • Cảm giác của cơn đau, chẳng hạn như đau nhói hoặc đau buốt và mức độ nghiêm trọng của cơn đau;
  • Cơn đau diễn ra bao lâu, sau một chấn thương hoặc phát triển dần dần;
  • Các triệu chứng khác, chẳng hạn như sốt, tê chân hoặc mệt mỏi.

2. Kiểm tra thể chất

Ngoài kiểm tra tiền sử bệnh, bác sĩ có thể xác định các dấu hiệu bên ngoài của mắt cá chân, chẳng hạn như bầm tím hoặc biến dạng. Sau đó, bác sĩ có thể thực hiện các kiểm tra liên quan, chẳng hạn như:

  • Bác sĩ tiến hành ấn vào mắt cá chân để xác định các chấn thương ở cổ chân.
  • Kiểm tra độ nghiêng của chân bằng cách, bác sĩ giữ gót chân của mắt cá chân bị đau sau đó xoay cổ chân vào trong. Điều này nhằm mục đích xác định các nguyên nhân gây đau, chẳng hạn như bong gân hoặc dây chằng.

3. Xét nghiệm máu

Tùy thuộc vào các chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu để xác định các nguyên nhân cụ thể, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp hoặc nhiễm trùng khớp.

4. Xét nghiệm hình ảnh

Xét nghiệm hình ảnh X – quang thường được sử dụng để xác định nguyên nhân gây sưng đau mắt cá chân liên quan đến gãy xương hoặc bong gân. Ngoài ra, hình ảnh X – quang cũng có thể giúp bác sĩ xác định các dấu hiệu bệnh gout hoặc viêm xương khớp.

Đau mắt cá chân khi ngủ dậy
Bác sĩ có thể kiểm tra các dấu hiệu ở cổ chân để xác định nguyên nhân cơn đau

Đôi khi các xét nghiệm hình ảnh khác, chẳng hạn như chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể được sử dụng để chẩn đoán nguyên nhân khác, chẳng hạn như bong gân, khối u xương hoặc nhiễm trùng.

Ngoài ra, để chẩn đoán vấn đề thần kinh, chẳng hạn như Hội chứng ống cổ chân, bác sĩ có thể thực hiện kiểm tra dẫn truyền thần kinh và kiểm tra điện cơ.

Biện pháp điều trị tình trạng sưng đau mắt cá chân

Các biện pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể dẫn đến sưng đau mắt cá chân. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, người bệnh có thể tham khảo các biện pháp như:

1. Chăm sóc tại nhà

Các biện pháp chăm sóc tại nhà phù hợp để cải thiện các cơn đau nhẹ đến trung bình và thường được áp dụng cho các chấn thương cơ xương, chẳng hạn như bong gân hoặc viêm mắt cá chân. Cụ thể các biện pháp bao gồm:

Hình ảnh sưng mắt cá chân
Chườm đá lên cổ chân có thể hạn chế đau và viêm
  • Nghỉ ngơi: Nếu bị sưng đau mắt cá chân, người bệnh nên dành thời gian nghỉ ngơi để giảm bớt tình trạng viêm cấp tính. Đôi khi nghỉ ngơi có thể là cách tốt nhất để giảm đau.
  • Chườm đá: Chườm túi đá hoặc gel lạnh là một phương pháp điều trị đau mắt cá chân phổ biến và hiệu quả. Người bệnh có thể chườm đá trong vòng 15 – 20 phút mỗi lần và ba lần mỗi ngày để giảm sưng, đau. Tuy nhiên không chườm đá trực tiếp lên da để tránh gây bỏng lạnh.
  • Băng cổ chân: Sử dụng băng thun để cố định và hỗ trợ mắt cá chân. Điều này có thể giảm cảm giác đau, ngứa, tê và sưng ở cổ chân. Tuy nhiên không nên quấn băng quá chặt.
  • Nâng cao chân: Nâng mắt cá chân lên cao hơn tim bằng cách kê chân lên gối có thể giúp giảm sưng trong vài ngày đầu sau chấn thương.

2. Vật lý trị liệu

Các biện pháp vật lý trị liệu thường được sử dụng để chẩn đoán và điều trị cho nhiều vấn đề ở mắt cá chân, bao gồm căng cơ, viêm gân hoặc phục hồi sau chấn thương.

Các nhà vật lý trị liệu có thể hướng dẫn người bệnh nhiều bài tập phục hồi chức năng khác nhau để tăng sức mạnh cơ bắp, tăng khả năng vận động, giảm độ cứng khớp và ngăn ngừa các vấn đề mãn tính ở mắt cá chân.

3. Sử dụng thuốc

Các loại thuốc chống viêm không steroid là loại thuốc phổ biến được sử dụng để điều trị các triệu chứng sưng đau mắt cá chân liên quan đến viêm khớp, bong gân hoặc viêm gân. Đối với các cơn đau nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể được đề nghị sử dụng thuốc giảm đau theo toa trong một thời gian ngắn.

Đối với các trường hợp viêm khớp nghiệm trọng, người bệnh có thể cần tiêm cortisone vào mắt cá chân để hỗ trợ giảm đau.

4. Phẫu thuật

Phẫu thuật đôi khi có thể được chỉ định để điều trị một số tình trạng ở mắt cá chân. Chẳng hạn như gãy xương nghiêm trọng, bác sĩ có thể cần phẫu thuật để cố định xương mắt cá chân lại vị trí cũ bằng cách sử dụng vít, tấm kim loại hoặc ghim định hình.

điều trị phù mắt cá chân
Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật trong các trường hợp cần thiết

Các phương pháp phẫu thuật mắt cá chân phổ biến bao gồm:

  • Nội soi: Trong giai đoạn đầu của bệnh viêm khớp, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật nội soi để xác định các sụn, mô bị viêm hoặc các gai xương phát triển xung quanh khớp. Trong phẫu thuật này, bác sĩ đưa một camera nhỏ vào bên trong khớp mắt cá chân thông qua một vết rạch nhỏ. Sau đó đưa các dụng cụ phẫu thuật vào vết rạch để tiến hành làm sạch viêm.
  • Hợp nhất mắt cá chân: Trong phẫu thuật này, bác sĩ tiến hành hợp nhất các xương mắt cá chân lại với nhau để ngăn các khớp di chuyển và cải thiện cơn đau.
  • Thay thế mắt cá chân: Nếu tổn thương nghiêm trọng và không đáp ứng các phương pháp điều trị khác, bác sĩ có thể đề nghị loại bỏ sụn và xương bị tổn thương, sau đó thay thế bằng vật liệu nhân tạo.

Phòng ngừa sưng đau mắt cá chân

Để ngăn ngừa tình trạng sưng đau mắt cá chân, cách tốt nhất là tăng cường sức khỏe ở mắt cá chân. Điều này cũng có thể phòng ngừa nhiều loại chấn thương liên quan đến mắt cá chân.

Một số biện pháp tăng cường sức mạnh mắt cá chân phổ biến, chẳng hạn như:

  • Khởi động trước khi thực hiện các hoạt động thể chất;
  • Đi giày phù hợp với các hoạt động thể thao;
  • Duy trì cân nặng hớp lý, bởi vì béo phì có thể khiến gân mắt cá chân căng thẳng và gây đau đớn;
  • Thực hiện các hoạt động thể chất phù hợp, ít tác động, chẳng hạn như bơi lội để ngăn ngừa các vấn đề về mắt cá chân.

Tình trạng sưng đau mắt cá chân có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, cách tốt nhất là người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Tham khảo thêm: Viêm khớp cổ chân: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Bình luận (2)

  1. Lê văn Nguyên says: Trả lời

    Mắt cá chân sưng đỏ và đau uống thuốc gì

  2. Lê Văn Nguyên says: Trả lời

    Sưng mắt cá bàn chân uống thuốc gì

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua