Nhức Mỏi Chân Tay
Nhức mỏi chân tay là tình trạng phổ biến, thường là do vận động quá mức hoặc thiếu vận động gây ra. Tuy nhiên, đôi khi cơn đau cũng liên quan đến nhiều bệnh lý tiềm ẩn, bao gồm viêm khớp hoặc bệnh thần kinh ngoại biên. Do đó, điều quan trọng là xác định nguyên nhân gây đau để có kế hoạch xử lý phù hợp.
Tại sao nhức mỏi tay chân?
Có một số nguyên nhân phổ biến có thể dẫn đến tình trạng đau nhức tay và chân. Hầu hết các nguyên nhân không nghiêm trọng, tuy nhiên điều quan trọng là xác định những tác nhân gây đau để có kế hoạch xử lý phù hợp.
Một số nguyên nhân có thể dẫn đến đau nhức tay chân bao gồm:
1. Căng thẳng
Khi căng thẳng, hệ thống miễn dịch sẽ không thể kiểm soát phản ứng của cơ thể đối với tình trạng viêm. Điều này khiến cơ thể không thể chống lại nhiễm trùng và bệnh lý như thông thường và dẫn đến đau nhức toàn bộ cơ thể, bao gồm đau nhức tay chân.
Các triệu chứng và dấu hiệu khi cơ thể bị căng thẳng bao gồm:
- Nhịp tim cao bất thường
- Tăng huyết áp
- Đổ mồ hôi lạnh hoặc cảm thấy nóng bừng trong người
- Nhức đầu, chẳng hạn như đau đầu do căng thẳng hoặc kiểu đau nửa đầu
Nhức mỏi chân tay do căng thẳng thường không nghiêm trọng và có thể cải thiện bằng cách thay đổi lối sống hàng ngày. Một số biện pháp cải thiện bao gồm:
- Dành thời gian để đi dạo xung quanh để cải thiện các triệu chứng nhức mỏi và giúp cơ thể linh hoạt hơn
- Nếu bị mất ngủ, người bệnh có thể thử các biện pháp thư giãn trước khi đi ngủ để cải thiện chất lượng giấc ngủ và ngăn ngừa cơn đau
- Ngồi thiền vài phút mỗi ngày, tập trung vào hơi thở và tâm trí để hướng sự chú ý ra khỏi các sự kiện dẫn đến căng thẳng
2. Thiếu ngủ
Ngủ không đủ giấc có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng sức khỏe tổng thể. Một người thường cần ngủ khoảng 6 – 8 tiếng mỗi đêm. Các mô và tế bào của cơ thể cần giấc ngủ chất lượng và khỏe mạnh để cảm thấy sảng khoái, khỏe mạnh và tỉnh táo. Nếu ngủ không đủ giấc, cơ thể sẽ hoạt động không đúng cách, dẫn đến uể oải, cứng khớp và nhức mỏi toàn thân, bao gồm nhức mỏi chân tay.
Các triệu chứng khi bị thiếu ngủ bao gồm:
- Nhầm lẫn hoặc mất phương hướng
- Ngủ quên hoặc ngủ gật trong ngày mà không nhận ra
- Khó hiểu khi đọc sách hoặc khi nghe người khác nói chuyện
- Trí nhớ kém
Ngủ đủ giấc cần thiết cho sức khỏe. Do đó, cố gắng thiết lập một lịch trình ngủ nhất quán mỗi đêm để luôn khỏe mạnh. Người bị mất ngủ có thể tham khảo một số biện pháp thư giãn trước khi ngủ như:
- Uống trà nóng hoặc đồ uống nóng khác, không phải cà phê và các chất kích thích
- Thiền định
- Nghe nhạc
- Sử dụng tiền ồn trắng
Nếu tình trạng mất ngủ không được cải thiện, hãy trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
3. Mất nước
Nước là một thành phần thiết yếu cho cơ thể bình thường và khỏe mạnh. Nếu thiếu nước cơ thể sẽ hoạt động không đúng cách, dẫn đến các vấn đề về hô hấp, tiêu hóa. Khi cơ thể thiếu nước, các quá trình và hoạt động cũng diễn ra không bình thường, người bệnh cũng có thể cảm thấy đau đớn về thể chất.
Các triệu chứng và dấu hiệu mất nước bao gồm:
- Nước tiểu có màu đậm
- Chóng mặt hoặc mất phương hướng
- Cảm thấy kiệt sức
- Cực kỳ khát nước
Nếu thiếu nước, đặc biệt là vào những ngày nắng nóng hoặc khô hanh, cơ thể sẽ bị mệt mỏi một cách nhanh chóng. Thông thường, một người sẽ cần uống 6 – 8 cốc nước mỗi ngày và nhiều hơn đối với người thường xuyên hoạt động thể chất hoặc chơi thể thao gây đổ nhiều mồ hôi.
Nếu người bệnh bị các tình trạng dẫn đến thiếu nước, chẳng hạn như tiêu chảy, hãy uống nhiều nước hơn. Người bệnh cũng có thể uống bổ sung các chất điện giải để giữ nước và tránh tiêu chảy. Nếu không thể giữ nước, hãy đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.
4. Thiếu máu
Thiếu máu xảy ra khi cơ thể không có đủ tế bào hồng cầu hoạt động bình thường, khiến các mô không thể nhận đủ lượng oxy cần thiết. Khi thiếu máu, nhiều bộ phận trong cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, bao gồm gây nhức mỏi chân tay.
Các triệu chứng thiếu máu khác bao gồm:
- Kiệt sức
- Nhịp tim bất thường
- Chóng mặt hoặc mất phương hướng
- Đau đầu hoặc ngực
- Bàn chân hoặc bàn tay lạnh
- Da tái nhợt
Thiếu máu có liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như thiếu sắt, folate hoặc vitamin B12. Do đó, cân bằng chế độ dinh dưỡng và bổ sung các chất thiếu hụt có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng.
Nếu các loại thực phẩm không mang lại hiệu quả, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.
5. Thiếu vitamin D
Thiếu vitamin D hoặc mức canxi trong máu thấp sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, bao gồm thận, cơ bắp và hệ thống xương khớp. Xương cần canxi và vitamin D để hoạt động khỏe mạnh. Thiếu vitamin D sẽ khiến cơ thể khó hấp thụ lượng canxi cần thiết, dẫn đến nhức mỏi chân tay, loãng xương, chiều cao thấp và nhiều bệnh lý khác.
Các triệu chứng thiếu canxi khác có thể bao gồm:
6. Đau cơ xơ hóa
Đau cơ xơ hóa là một hội chứng gây đau hết toàn bộ cơ thể, bao gồm tay và chân. Mặc dù không rõ nguyên nhân cụ thể, tuy nhiên tình trạng này có liên quan đến việc não bộ nhận thức về cơn đau.
Các triệu chứng bao gồm:
- Đau khắp cơ thể, bao gồm tay và chân kéo dài hơn 3 tháng
- Cảm thấy mệt mỏi, trầm cảm, lo lắng, bất an
- Hội chứng chân không yên
- Ngừng thở khi ngủ
- Hay quên, mệt mỏi, kém minh mẫn
Hiện tại không có xét nghiệm nào có thể chẩn đoán tình trạng đau cơ xơ hóa, tuy nhiên bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm máu để loại trừ các bệnh lý khác. Ngoài ra, cũng không có cách điều trị tình trạng đau cơ xơ hóa, tuy nhiên có một số biện pháp kiểm soát cơn đau hiệu quả.
Bác sĩ có thể chỉ định thuốc giảm đau, thuốc chống viêm và thuốc giảm đau gây nghiện trong thời gian ngắn để cải thiện cơn đau. Đôi khi bác sĩ cũng có thể chỉ định thuốc chống trầm cảm để thay đổi nhận thức của xung thần kinh về cơn đau để giảm đau.
7. Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một nguyên nhân phổ biến gây nhức mỏi chân tay. Đây là một bệnh lý viêm khớp do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức, dẫn đến suy thoái các khớp.
Triệu chứng chính của tình trạng này bao gồm đau khớp bàn tay, bàn chân, đầu gối, khuỷu tay và lan đến các xương. Bệnh cũng có thể gây sốt nhẹ, giảm cân, cứng khớp và mệt mỏi.
Hiện tại không có cách điều trị viêm khớp dạng thấp, tuy nhiên có một số loại thuốc được sử dụng để ngăn ngừa các triệu chứng cũng như hạn chế các biến chứng. Các loại thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm có thể được chỉ định để làm giảm phản ứng của hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm để cải thiện các triệu chứng.
8. Bệnh lý thần kinh ngoại biên
Bệnh thần kinh ngoại biên là chứng đau thần kinh do tổn thương các dây thần kinh ở tay và chân. Tình trạng này thường được gây ra bởi các bệnh lý tiềm ẩn như như bệnh tim hoặc tiểu đường.
Triệu chứng phổ biến của các bệnh thần kinh ngoại biên bao gồm:
- Nhức mỏi chân tay, bàn tay, bàn chân, các ngón tay và ngón chân
- Yếu cơ
- Dễ té ngã
- Không dung nạp nhiệt và huyết áp thấp
Bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm chức năng thần kinh và xác định các nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này. Đôi khi người bệnh cũng có thể cần sinh thiết dây thần kinh.
Để cải thiện bệnh thần kinh ngoại biên, người bệnh cần giữ cơ thể trong tầm kiểm soát và ngăn ngừa các tổn thương thêm. Bác sĩ có thể kê các loại thuốc giảm đau, thuốc chống co giật để giảm đau thần kinh. Đôi khi người bệnh cũng được đề nghị sử dụng thuốc chống trầm cảm để thay đổi nhận thức của cơ thể về cơn đau và giảm đau.
9. Đa xơ cứng
Đa xơ cứng là tình trạng cơ thể tấn công các dây thần kinh trong não và cột sống. Điều này có thể dẫn đến đau đớn lan rộng và các dấu hiệu khác trên toàn cơ thể.
Các triệu chứng và dấu hiệu bệnh đa xơ cứng phổ biến bao gồm:
- Tê, ngứa ran ở tứ chi, bàn tay và bàn chân
- Mờ mắt
- Gặp các vấn đề về cân bằng
- Có các vấn đề về suy nghĩ và trí nhớ
Trong giai đoạn nặng, bệnh có thể gây ảnh hưởng đến khả năng đi lại và xuất hiện các cơn đau ở hầu hết các cử động.
Hiện tại không có biện pháp điều trị tình trạng đa xơ cứng. Tuy nhiên các loại thuốc giảm đau và giãn cơ có thể cải thiện cơn đau hiệu quả. Trong một số trường hợp, corticosteroid để giảm viêm dây thần kinh. Ngoài ra, hiện tại có một số liệu pháp đang được phát triển để làm giảm mức độ phản ứng của hệ thống miễn dịch để cải thiện các triệu chứng và giúp người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
10. Hội chứng mệt mỏi mãn tính
Hội chứng mệt mỏi mãn tính (Chronic fatigue syndrome – CFS) là một tình trạng khiến cơ thể cảm thấy yếu ớt và kiệt sức, cho dù người bệnh có dành thời gian nghỉ ngơi rất nhiều. Tình trạng này thường gây mất ngủ, khiến cơ thể cảm thấy nghỉ ngơi không đủ. Điều này dẫn đến đau nhức các cơ và khớp trên toàn bộ cơ thể.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Khó ngủ
- Viêm họng
- Đau đầu
- Khó nhớ hoặc suy nghĩ
- Chóng mặt hoặc nhầm lẫn
Hiện tại không có cách điều trị Hội chứng mệt mỏi mãn tính. Việc điều trị phụ thuộc vào các triệu chứng cơ bản và mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Các bác sĩ khác nhau cũng đưa ra lời khuyên và phương pháp điều trị khác nhau. Do đó, điều quan trọng là đến bệnh viện để nhận được hướng dẫn phù hợp.
Nhức mỏi chân tay có nguy hiểm không?
Hầu hết các trường hợp nhức mỏi chân tay đều không nghiêm trọng và không đe dọa đến tính mạng. Các nguyên nhân liên quan đến vận động không phù hợp hoặc lạm dụng có thể được phục hồi bằng cách nghỉ ngơi hợp lý và thay đổi phong cách sinh hoạt. Các bệnh lý viêm khớp hoặc bệnh thần kinh ngoại biên sẽ được điều trị bởi bác sĩ chuyên môn.
Tuy nhiên người bệnh nên đến bệnh viện hoặc gọi cho nhân viên y tế ngay lập tức nếu có bất cứ dấu hiệu nào sau đây:
- Khó thở
- Khó ăn uống
- Ngất xỉu
- Co giật
- Mệt mỏi
- Cực kỳ mệt mỏi, kiệt sức, không thể hoạt động
- Ho nghiêm trọng hoặc không thể biến mất sau vài ngày
Trong trường hợp cơn nhức mỏi tay chân nhẹ nhưng kéo dài hơn 2 tuần, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra cụ thể. Bác sĩ sẽ xác định các nguyên nhân tiềm ẩn và có kế hoạch điều trị phù hợp nhất.
Chẩn đoán nhức mỏi tay chân như thế nào?
Nếu người bệnh thường xuyên bị nhức mỏi tay chân mà không xác định được nguyên nhân, bác sĩ có thể hỏi về các tiền sử bệnh, bao gồm các bệnh tật, chấn thương hoặc giải phẫu.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm máu, chụp X – quang hoặc CT để xác định các nguyên nhân gây nhức mỏi.
Một số các xét nghiệm phổ biến bao gồm:
- Chụp CT: Xét nghiệm hình ảnh này sử dụng tia X và máy tính để tạo ra hình ảnh mặt cắt ngang bên trong cơ thể.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Xét nghiệm này sử dụng từ trường, sóng vô tuyến và máy tính để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể.
- Xét nghiệm thần kinh: Các xét nghiệm này có thể điều trị và chẩn đoán nguyên nhân dẫn đến các cơn đau nhức mỏi tay chân. Bác sĩ có thể tiêm thuốc gây tê vào vị trí các dây thần kinh kinh để kiểm tra phản ứng và xác định nguyên nhân gây đau.
- EMG: EMG là một xét nghiệm điện cơ cho phép bác sĩ kiểm tra cơ bắp của người bệnh. Bác sĩ sẽ đưa những chiếc kim nhỏ vào cơ thể để đo phản ứng của cơ với các tín hiệu điện.
Biện pháp điều trị nhức mỏi chân tay
Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng đau nhức tay chân, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp điều trị như:
1. Thay đổi chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống có thể hỗ trợ cải thiện các cơn đau, nhức mỏi xương khớp. Cụ thể, người bệnh cần cân bằng các loại thực phẩm tiêu thụ hàng ngày như:
- Bổ sung thực phẩm giàu khoáng chất (canxi, kali, magie, mangan và sắt), thường có nhiều trong hải sản, các loại cá, xương ống và thịt động vật. Ngoài ra, các loại rau xanh, bắp cải, cải xoăn và bông cải xanh cũng rất giàu các khoáng chất tốt cho xương, hỗ trợ phòng ngừa loãng xương và các bệnh lý xương khớp khác.
- Bổ sung vitamin D bằng cách tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào buổi sáng (trước 7 giờ) và vào buổi chiều (sau 4 giờ). Ngoài ra, các loại thực phẩm có chứa vitamin D bao gồm thịt, cá, trứng, sữa, gan bò, hàu, nấm, đậu nành, ngũ cốc và sữa chua.
- Uống đủ lượng nước mỗi ngày để tránh mất nước và giúp tăng cường trao đổi chất trong cơ thể.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá và cà phê cũng có thể hỗ trợ cải thiện cơn đau.
2. Thay đổi phong cách sinh hoạt
Người bệnh nên có kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, tránh làm việc quá sức để giảm căng thẳng, giảm đau cũng như tăng cường chất lượng cuộc sống.
Thường xuyên tập thể dục, duy trì khả năng vận động để giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Ngoài ra, người bệnh cần tránh xa các chất kích thích, thư giãn tinh thần để cải thiện cơn đau.
Bên cạnh đó, người bệnh nên dành thời gian để nghỉ ngơi, hoạt động thể chất phù hợp cho đến khi cơn nhức mỏi được cải thiện hoàn toàn.
3. Điều trị y tế
Nếu các cơn đau nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau như:
- Thuốc chống viêm: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có hiệu quả trong việc giảm viêm, giảm đau và cải thiện tình trạng nhức mỏi. Tuy nhiên các loại thuốc này có thể dẫn đến một số tác dụng phụ, do đó sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất để tránh các rủi ro không mong muốn.
- Vật lý trị liệu: Tình trạng nhức mỏi kéo dài có thể cần được điều trị bởi nhà vật lý trị liệu có chuyên môn để cải thiện các triệu chứng.
- Tiêm cortisone: Tiêm steroid là một phương pháp chống viêm, giảm đau mạnh để cải thiện cơn đau nhức. Các loại thuốc này thường an toàn nhưng cũng có một số tác dụng phụ nhỏ, do đó người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Thông thường nhức mỏi chân tay có thể được cải thiện bằng cách nghỉ ngơi và thay đổi phong cách sống. Tuy nhiên người bệnh có thể cần sử dụng thuộc vật lý trị liệu và điều trị y tế nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!