Hay Bị Chuột Rút Và Tê Chân

Theo dõi IHR trên goole news

Hay bị chuột rút và tê chân là triệu chứng diễn ra rất phổ biến do nhiều nguyên nhân. Trong một số trường hợp, đây là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe cần can thiệp y tế. Tốt nhất nên chủ động thăm khám và khắc phục theo chỉ dẫn từ bác sĩ.

Hay bị chuột rút và tê chân
Chuột rút và tê chân là các triệu chứng phổ biến thường đi kèm với nhau

Vì sao hay bị chuột rút và tê chân?

Các triệu chứng chuột rút và tê chân thường có xu hướng đi kèm với nhau. Thông thường, cơn đau và cảm giác nhức nhối do bị chuột rút kéo dài khoảng vài ba phút. Sau đó, người bệnh có thể vẫn sẽ bị tê bì kéo dài ở khu vực bị ảnh hưởng.

Một số vị trí như bắp chân, dưới và ngay phía sau đầu gối rất dễ bị chuột rút cơ bắp. Ngoài ra, các cơ nhỏ của bàn chân đôi khi cũng có thể bị ảnh hưởng.

Trên thực tế, chứng chuột rút và tê chân thường xảy ra khi bạn đang nghỉ ngơi. Phổ biến nhất là vào ban đêm khi ở trên giường. Tình trạng này có thể làm bạn bị thức giấc và trở thành vấn đề cực kỳ khó chịu khi giấc ngủ bị quấy rầy thường xuyên.

Đa phần các cơn chuột rút và tê chân thường gặp ở các vận động viên hay những người phải vận động cơ bắp nhiều. Tuy nhiên cũng có một số lý do mà bạn không thể ngờ tới.

Hay bị chuột rút và tê chân có thể do một số nguyên nhân sau đây:

1. Nén dây thần kinh

Tình trạng các dây thần kinh xung quanh cột sống có thể gây ra cơn đau tương tự như bị chuột rút ở chân. Cơn đau thường nghiêm trọng hơn khi bạn đi bộ hay chạy bộ quá lâu. Đi kèm với tình trạng chuột rút có thể là dấu hiệu tê bì, châm chích và khó chịu.

2. Duy trì tư thế tĩnh quá lâu

Duy trì tư thế tĩnh quá lâu gây ra rất nhiều tác động xấu cho sức khỏe xương khớp và quá trình tuần hoàn máu. Đặc biệt là dẫn tới căng thẳng cơ bắp, gây tê bì và khó chịu.

Khi di chuyển trở lại, các bó cơ có thể bị co lại một cách đột ngột. Từ đó kích hoạt các cơn chuột rút. Tình trạng này có thể ảnh hưởng tới mọi vị trí trên cơ thể. Trong đó phổ biến nhất vẫn là ở bắp chân hay phía sau đầu gối.

3. Cơ thể bị mất nước

Cơ thể rất dễ phát sinh các triệu chứng bất thường khi bị mất nước. Tình trạng này có thể còn dẫn tới sự mất cân bằng ion và tín hiệu điện trong cơ thể.

Đặc biệt, tại thời điểm bị mất nước, cơ thể sẽ rất dễ bị rối loạn nhận biết tín hiệu. Điều này có thể là nguyên nhân làm phát sinh các cơn co rút không báo trước.

nguyên nhân gây chuột rút và tê chân
Cơ thể bị mất nước có thể gây ra tình trạng chuột rút và tê chân

4. Lạm dụng cơ quá mức

Cơ bắp thường bị sử dụng quá mức khi vận động mạnh và nhiều. Đây là nguyên nhân dẫn tới mệt mỏi, suy yếu. Hơn nữa còn gây lắng đọng acid lactic trong bắp thịt và gây ra chứng rối loạn dẫn truyền tín hiệu giữa cơ bắp và các dây thần kinh.

Tình trạng chuột rút và tê chân do lạm dụng cơ quá mức có thể xảy ra ở trong hoặc sau khi vận động. Tuy nhiên ở một số người, phải mất nhiều giờ sau đó triệu chứng mới kích hoạt. Cơ đùi và bắp chân thường bị ảnh hưởng nhiều nhất.

5. Cung cấp máu không đủ

Thu hẹp các động mạch cung cấp máu đến chân có thể gây ra các cơn đau tương tự như chuột rút ở chân khi đang tập thể dục. Triệu chứng này có thể biến mất sau vài ba phút nghỉ ngơi. Tuy nhiên tình trạng tê bì vẫn có thể tiếp tục kéo dài sau đó.

6. Thiếu hụt khoáng chất

Quá ít các khoáng chất như canxi, kali hay magie trong chế độ ăn uống cũng có thể góp phần gây ra chứng chuột rút chân và tê bì. Việc dùng thuốc lợi tiểu ở bệnh nhân cao huyết áp cũng có thể sẽ làm cạn kiệt các khoáng chất này trong cơ thể. Từ đó dẫn đến thiếu hụt khoáng chất và kích hoạt triệu chứng.

7. Mang thai

Sự thay đổi hormone trong thai kỳ có thể là nguyên nhân khiến cho các bà bầu bị chuột rút và tê chân. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến vùng bắp chân. Đa số các trường hợp đều khởi phát vào ban đêm trong thời điểm giữa và cuối thai kỳ.

Nguyên nhân thường được lý giải là do thiếu hụt canxi, phốt pho hay magie. Ngoài ra, sức nặng và độ lớn của tử cung có thể gây chèn ép đến các dây thần kinh ảnh hưởng đến vùng chi dưới.

vì sao hay bị chuột rút và tê chân
Hay bị chuột rút và tê chân là triệu chứng phổ biến ở phụ nữ mang thai

8. Tác dụng phụ của thuốc

Đa phần các loại thuốc tây đều tiềm ẩn tác dụng phụ. Nhất là trong trường hợp lạm dụng hay dùng kéo dài. Đôi khi tình trạng chuột rút và tê chân có thể bắt nguồn từ chính một đơn thuốc mà bạn đang sử dụng.

9. Yếu tố tuổi tác

Người lớn tuổi có xu hướng dần bị mất đi một khối lượng cơ nhất định theo thời gian. Chính vì vậy mà các phần cơ còn lại sẽ bị căng quá mức dễ dàng hơn. Điều này làm tăng nguy cơ gặp phải tình trạng chuột rút và tê chân.

Hay bị chuột rút và tê chân là bệnh gì?

Trong nhiều trường hợp, triệu chứng chuột rút và tê chân có thể là hệ quả của nhiều vấn đề bệnh lý. Bao gồm:

1. Tiểu đường

Tiểu đường là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, đặc trưng bởi sự gia tăng lượng đường huyết trong cơ thể. Lượng đường trong máu thường xuyên ở mức cao có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác. Đặc biệt là gây tổn thương tim mạch, mắt, thần kinh, thận…

Hay bị chuột rút và tê chân là triệu chứng có thể gặp ở bệnh nhân tiểu đường. Đặc biệt là khi bệnh tiến triển gây rối loạn dây thần kinh vận động.

Ngoài bị chuột rút và tê bì chân tay thì nhiều người còn có cảm giác châm chích như bị kiến bò dưới da. Đây là dấu hiệu cần cảnh giác để phát hiện sớm bệnh tiểu đường.

hay bị chuột rút và tê chân là bệnh gì
Hay bị chuột rút và tê chân có thể là do ảnh hưởng bệnh tiểu đường

Một số dấu hiệu khác giúp nhận biết sớm bệnh tiểu đường bao gồm:

  • Khát nước thường xuyên
  • Đi tiểu nhiều lần, nhất là tiểu đêm
  • Mệt mỏi, suy nhược
  • Ngứa da
  • Giảm thị lực
  • Luôn cảm thấy đói
  • Vết thương chậm lành
  • Giảm cân không rõ lý do

2. Bệnh động mạch ngoại biên

Đây là bệnh lý tắc nghẽn mạch máu ngoại biên xảy ra do mảng xơ vữa và huyết khối. Tuy nhiên các động mạch bị ảnh hưởng không bao gồm mạch máu nuôi não và tim.

Bệnh động mạch ngoại biên thường gây ra các tổn thương động mạch tại vùng tiểu khung, chi dưới và chi trên. Trong đó, chân được xác định là vị trí dễ bị ảnh hưởng nhất.

Bệnh lý này gây cản trở tuần hoàn máu khiến lượng máu lưu thông giảm nên các bó cơ sẽ không được cấp máu đầy đủ. Điều này có thể gây ra các cơn đau và chuột rút ở chân. Sau vài phút nghỉ ngơi thì triệu chứng này có thể biến mất nhưng cảm giác tê chân thì vẫn có thể kéo dài.

Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Chuột rút ở đùi, mông hay bắp chân khi đi bộ, leo cầu thang hoặc khi gắng sức
  • Triệu chứng có thể đỡ hoặc hết khi được nghỉ ngơi
  • Cơn đau xuất hiện ở cơ chứ không phải ở khớp
  • Chân bị ảnh hưởng lạnh hơn bình thường
  • Đi kèm cảm giác đau là tình trạng tê bì khó chịu

3. Đau dây thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa đề cập đến tình trạng đau đớn chạy dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Cơn đau có xu hướng lan tỏa từ thắt lưng cho tới tận các ngón chân hoặc theo chiều ngược lại.

Các tổn thương dẫn tới đau thần kinh tọa thường có thể do chấn thương thần kinh, viêm, kích thích hay chèn ép các dây thần kinh ở lưng dưới. Theo thống kê, tại Việt Nam, chứng đau thần kinh tọa phổ biến ở những người trong độ tuổi lao động (khoảng từ 30 – 50 tuổi).

bệnh gì gây chuột rút và tê chân
Bị chuột rút và tê chân có thể do ảnh hưởng của bệnh đau thần kinh tọa

Các triệu chứng có thể gặp bao gồm:

  • Đau từ vừa cho tới nghiêm trọng ở thắt lưng, mông và chân
  • Đau đớn kèm theo chuột rút
  • Tê hay yếu ở thắt lưng, mông, chân và bàn chân
  • Có cảm giác châm chích ở chân
  • Triệu chứng nghiêm trọng hơn khi cử động

4. Viêm đa dây thần kinh

Viêm đa dây thần kinh là hệ quả của tình trạng tổn thương xảy ra ở các dây thần kinh ngoại biên. Nguyên nhân thường gặp nhất là do chấn thương, nhiễm trùng, bất thường di truyền, tiếp xúc với chất độc hay rối loạn chuyển hóa.

Các dấu hiệu của viêm đa dây thần kinh có thể bao gồm:

  • Cảm giác tê bì, châm chích hoặc ngứa gan ở tay chân
  • Đau nhói, chuột rút
  • Nhạy cảm hơn với các kích thích từ bên ngoài
  • Yếu cơ
  • Thiếu phối hợp khi giữ thăng bằng và vận động
  • Yếu liệt chân tay

5. Loãng xương

Loãng xương là bệnh xương khớp phổ biến ở người già do quá trình lão hóa chung của cơ thể. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng suy giảm mật độ canxi trong xương. Triệu chứng của bệnh thường nghiêm trọng hơn khi không đáp ứng đủ oxy và dưỡng chất thiết yếu.

Các triệu chứng có thể gặp khi bị loãng xương bao gồm:

  • Chuột rút
  • Tê tay chân
  • Đau nhức xương khớp
  • Giòn xương

6. Mỡ máu cao

Mỡ máu cao là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa có thể liên quan tới chứng chuột rút và tê chân. Bệnh lý này khiến cho hệ thống vi mạch gặp phải tổn thương.

Trong một số trường hợp, lòng mạch có thể bị lấp đầy tới hơn 50%. Từ đó gây ra tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng hệ thống dây thần kinh và gân cơ.

bị chuột rút và tê chân là bệnh gì
Mỡ máu cao có thể dẫn tới tắc nghẽn lòng mạch, gây chuột rút và tê chân

Các biểu hiện của chứng mỡ máu cao có thể bao gồm:

  • Rối loạn co thắt mạch máu
  • Chuột rút
  • Tê bì chân tay
  • Đau ngực
  • Gia tăng nguy cơ đột quỵ

7. Đau cơ xơ hóa

Đau cơ xơ hóa là tên gọi chung của tình trạng mãn tính gây ra chứng đau nhức toàn thân kèm theo cứng cơ. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến bất cứ vị trí nào trên cơ thể, bao gồm cả chi dưới.

Các triệu chứng của đau cơ xơ hóa có thể bao gồm:

  • Đau đớn xảy ra ở nhiều cơ và xương khác nhau
  • Có thể bị chuột rút khi căng thẳng hay hoạt động nhiều
  • Tê bì chân tay
  • Cứng cơ, khó vận động
  • Cơ thể nhạy cảm hơn với cơn đau
  • Mệt mỏi, ngủ không ngon giấc

8. Bệnh đa xơ cứng

Đa xơ cứng là bệnh lý mãn tính gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Căn bệnh này phổ biến ở nữ giới hơn là nam giới. Bệnh xảy ra khi có tổn thương xuất hiện ở lớp vỏ bảo vệ bao quanh các sợi dây thần kinh ở não và tủy sống.

Tổn thương có thể khiến các dây thần kinh không thể gửi tín hiệu chính xác đến khắp cơ thể. Đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn tới chuột rút kèm theo tê chân.

Các triệu chứng của bệnh đa xơ cứng có thể bao gồm:

  • Co thắt cơ, bị mất phối hợp và thăng bằng
  • Mệt mỏi, suy nhược
  • Chuột rút, tê bì chân tay
  • Nhạy cảm với nhiệt độ
  • Đau dây thần kinh
  • Chóng mặt, gặp các vấn đề về thị lực
  • Tâm trạng, cảm xúc và trí nhớ bị thay đổi

9. Hội chứng ống cổ chân

Hội chứng ống cổ chân đề cập tới tình trạng rối loạn thần kinh chày sau của ống cổ chân do các áp lực lặp lại nhiều lần tại đây. Tình trạng này thường xảy ra ở những người trong độ tuổi trưởng thành nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới trẻ em.

Nguyên nhân của hội chứng ống cổ chân xuất phát từ tình trạng dây thần kinh xương chày hay các nhánh của nó bị chèn ép. Áp lực này có thể tới từ các tổn thương như bong gân, gãy xương.

nguyên nhân gây chuột rút và tê chân
Hội chứng ống cổ chân có thể là nguyên nhân dẫn tới chuột rút và tê chân

Một số triệu chứng thường gặp của hội chứng ống cổ chân bao gồm:

  • Cơn đau buốt, tê liệt và cảm giác ngứa ran bên trong cổ chân
  • Triệu chứng có thể chạy dọc xuống bàn chân
  • Tê bì và mất cảm giác bàn chân
  • Đôi khi bị đau nhói đột ngột như chuột rút
  • Đau tăng khi di chuyển và ban đêm, giảm khi nghỉ ngơi
  • Mất dần khả năng vận động
  • Liệt chân và dáng đi bất thường

10. Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là căn bệnh xương khớp mãn tính có liên quan tới chứng rối loạn tự miễn trong cơ thể. Đây là bệnh lý thường ảnh hưởng đến các khớp nhỏ. Điển hình như khớp bàn tay, ngón tay, bàn chân, ngón chân, cổ tay, cổ chân, khớp gối…

Bệnh viêm khớp dạng thấp có tiến triển phức tạp. Ngoài gây hậu quả nặng nề cho khớp thì còn làm phát sinh các triệu chứng ngoài khớp và toàn thân. Nhiều trường hợp, bệnh có thể dẫn tới chuột rút và tê chân.

Các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp có thể bao gồm:

  • Sưng nóng khớp, đau khớp, cứng khớp
  • Căng cơ, chuột rút, tê bì chân tay
  • Nổi nốt thấp dưới da
  • Nhức mỏi và khó chịu toàn thân
  • Chán ăn, mệt mỏi
  • Trì trệ và suy nhược

Chẩn đoán bệnh gây chuột rút và tê chân

Các trường hợp bị chuột rút thông thường và tê chân là vô hại và không cần chăm sóc y tế. Tuy nhiên, bạn nên chú ý thăm khám khi triệu chứng trở nên nghiêm trọng hoặc kéo dài. Đây có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.

chẩn đoán bệnh gây chuột rút và tê chân
Trường hợp bị chuột rút và tê chân nghiêm trọng nên chủ động thăm khám bác sĩ

Để tìm hiểu nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám sức khỏe. Một số câu hỏi có thể được đặt ra. Chẳng hạn như:

  • Bao lâu thì các triệu chứng xảy ra?
  • Những cơ nào bị ảnh hưởng?
  • Bạn có thường xuyên uống rượu?
  • Bạn uống bao nhiêu chất lỏng 1 ngày?
  • Thói quen tập thể dục của bạn?
  • Tiền sử bệnh lý và hiện trạng sử dụng thuốc?

Bạn có thể cần xét nghiệm máu để kiểm tra chỉ số đường huyết, nồng độ canxi và kali trong máu. Ngoài ra, xét nghiệm máu còn có thể cho biết thông tin về chức năng thận, tuyến giáp và chẩn đoán thai kỳ.

Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu bạn đo điện cơ. Đây đơn giản là 1 bài đo lường hoạt động và kiểm tra các bất thường của cơ. Ngoài ra chụp MRI cũng có thể hữu ích – nó là công cụ để tạo ra hình ảnh tủy sống, mô mềm và các rễ dây thần kinh.

Đôi khi chụp tủy đồ cũng có thể được yêu cầu thực hiện. Trường hợp bị yếu, đau hay mất cảm giác thì cần báo cho bác sĩ được biết. Bởi đây có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn thần kinh.

Điều trị chứng hay bị chuột rút và tê chân

Tình trạng hay bị chuột rút và tê chân có thể được khắc phục theo nhiều cách khác nhau. Bao gồm cả điều trị y tế và các giải pháp cải thiện tại nhà. Cụ thể như sau:

1. Điều trị y tế

Nếu thường xuyên bị chuột rút và tê chân thì tốt nhất bạn nên chủ động thăm khám bác sĩ. Tình trạng này có thể liên quan đến nhiều yếu tố nguyên nhân. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cụ thể.

Một số loại thuốc sau có thể được kê toa để khắc phục tạm thời triệu chứng:

– Corticosteroid:

Corticosteroid có tác dụng chính là giảm đau và kháng viêm. Từ đó giảm nhẹ các cơn đau do chuột rút và khắc phục chứng tê bì chân tay. Loại thuốc này được dùng phổ biến cho trường hợp triệu chứng là do bệnh đa xơ cứng gây ra.

– Gabapentin và pregabalin:

Với các trường hợp bị chuột rút và tê chân là do các bệnh thần kinh thì bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc Gabapentin và Pregabalin. Hai loại thuốc này có tác dụng khắc phục nhanh triệu chứng. Ngoài ra còn giúp ngăn ngừa các biến chứng từ bệnh tiểu đường, đa xơ cứng hay đau cơ xơ hóa.

– Thuốc chống trầm cảm:

Được chỉ định trong các trường hợp nguyên nhân gây chuột rút và tê chân là bệnh đau cơ xơ hóa hay bệnh thần kinh. Duloxetine và milnacipran là 2 loại được dùng phổ biến nhất.

điều trị chứng chuột rút và tê chân
Bác sĩ có thể yêu cầu sử dụng thuốc để khắc phục các triệu chứng

Người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tùy ý thay đổi liều lượng, thời gian hay kế hoạch dùng thuốc. Trường hợp phác đồ không đáp ứng hay gây ra bất thường thì hãy báo ngay cho bác sĩ để sớm được điều chỉnh.

2. Các biện pháp khắc phục tại nhà

Song song với việc điều trị y tế, người bệnh có thể kết hợp các giải pháp tại nhà để nhận được kết quả điều trị tốt hơn. Các lựa chọn điều trị tại nhà bao gồm:

– Tác dụng nhiệt:

Bạn có thể dùng khăn ấm hay miếng đệm nóng để chườm trực tiếp lên vùng cơ bị căng thẳng. Ngoài ra, tắm nước ấm hay hướng vòi hoa sen nước nóng vào vùng bị co cứng cũng có thể sẽ hữu ích.

– Kéo căng cơ và xoa bóp:

Kéo căng phần cơ bị chuột rút và xoa bóp nhẹ nhàng có thể giúp nó được thư giãn. Trường hợp bị chuột rút và tê bắp chân có thể dồn trọng lượng của cơ thể lên phần chân bị ảnh hưởng và hơi gập đầu gối lại.

Ngoài ra, có thể thử kéo đầu bàn chân của bên bị ảnh hưởng về phía đầu trong khi chân vẫn ở tư thế duỗi thẳng. Điều này cũng giúp làm giảm bớt tình trạng chuột rút và tê bì vùng gân kheo.

Trường hợp bị chuột rút và tê đùi trước thì có thể dùng 1 chiếc ghế để giữ vững cơ thể. Sau đó thử kéo bàn chân của bên bị ảnh hưởng về phía mông.

– Uống đủ nước:

Việc bổ sung đủ nước cho cơ thể là rất cần thiết nếu bạn thường xuyên bị chuột rút và tê chân. Bởi trong nhiều trường hợp đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể bị mất nước.

cần làm gì khi bị chuột rút và tê chân
Uống đủ nước khi bị chuột rút và tê chân là cần thiết để hỗ trợ cải thiện triệu chứng

Cần uống đủ từ 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày. Ngoài giúp các cơ quan vận hành tốt thì còn thúc đẩy đào thải độc tố ra ngoài cơ thể. Bên cạnh nước lọc bạn có thể bổ sung thêm nước ép từ trái cây và rau củ tươi.

Phòng ngừa chuột rút và tê chân

Bạn có thể làm giảm tần suất xuất hiện triệu chứng chuột rút và tê chân bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa. Dưới đây là một số vấn đề cần lưu ý:

  • Hạn chế vận động mạnh, mang vác nặng, lạm dụng cơ quá mức hay rèn luyện các bài tập làm căng cơ.
  • Kéo căng hoặc khởi động kỹ lưỡng trước khi tập thể dục và tham gia các môn thể thao.
  • Giảm lượng thức ăn hay đồ uống có chứa caffeine. Điển hình như cà phê và sô cô la.
  • Cần đảm bảo rằng bạn uống đủ chất lỏng mỗi ngày để tránh mất nước. Cơ thể thường sẽ mất nhiều nước hơn khi hoạt động thể chất. Do đó hãy tăng lượng chất lỏng khi tập thể dục.
  • Tăng lượng kali, canxi và các vi chất bằng cách tự nhiên như uống sữa, ăn chuối, uống nước cam.
  • Trao đổi với bác sĩ về việc bổ sung vitamin để đảm bảo cơ thể nhận được đầy đủ dưỡng chất thiết yếu.
  • Điều chỉnh tư thế, tránh duy trì tư thế tĩnh quá lâu. Đặc biệt chú ý đến tư thế ngủ.
  • Thường xuyên rèn luyện càng bài tập làm tăng sức mạnh cơ chân.

Hay bị chuột rút và tê chân thường liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe bất thường. Nếu tình trạng này thường xuyên diễn ra, hãy chủ động thăm khám bác sĩ và nghiêm túc điều trị theo chỉ dẫn. Ngoài ra, việc duy trì lối sống lành mạnh cũng là cần thiết để ngăn ngừa các triệu chứng xảy ra trong tương lai.

Tham khảo thêm: Bệnh tê bì chân tay ở người già – Cách trị, chăm sóc

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua