Đau Xương Ống Chân
Đau xương ống chân có thể xảy ra do vận động quá mức hoặc khi xương phát triển ở tuổi dậy thì. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể liên quan đến một số nguy cơ và tình trạng sức khỏe cần được điều trị để tránh các rủi ro không mong muốn.
Tại sao bị đau xương ống chân?
Xương ống chân còn được gọi là xương ống đồng, xương ống quyển (khuyển). Xương này rất dễ bị ảnh hưởng khi sinh hoạt sai tư thế hoặc vận động quá mức. Ngoài ra, ở thanh thiếu niên, đôi khi hệ thống xương có thể phát triển quá mức để tăng trưởng chiều cao tối đa, điều này cũng có thể gây đau buốt trong xương ống chân.
Hầu hết các nguyên nhân đau nhức xương ống chân là do vận động, sinh hoạt không đúng cách, dẫn đến căng cơ, dây chằng và các mô mềm, dẫn đến đau đớn. Các cơn đau này không nghiêm trọng, nhưng có thể gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Một số nguyên nhân cơ bản không nghiêm trọng có thể gây đau xương ống quyển bao gồm:
- Vận động quá mức hoặc khởi động không kỹ trước khi vận động. Điều này có thể khiến hệ thống cơ xương bị tổn thương, dẫn đến đau mỏi, đặc biệt là ở xương ống chân.
- Thường xuyên làm việc nặng nhọc, chẳng hạn như mang vác quá mức, đứng lâu, di chuyển nhiều, thường xuyên lên xuống cầu thang. Điều này có thể khiến hệ thống xương khớp bị quá tải và dẫn đến đau đớn.
- Ở thanh thiếu niên, đau nhức bên trong xương ống chân cũng là một tình trạng tương đối phổ biến. Điều này được xem là một dấu hiệu bình thường khi hệ thống xương phát triển nhưng cơ bắp chưa theo kịp tốc độ. Tình trạng này không nguy hiểm và sẽ tự khỏi mà không cần điều trị.
- Thiếu vitamin và khoáng chất, chẳng hạn như canxi và vitamin D ở phụ nữ mang thai hoặc sau khi sinh có thể dẫn đến đau nhức xương ống chân.
- Thay đổi thời tiết đột ngột từ nóng sang lạnh có thể khiến các mạch máu co lại và gây đau xương ống đồng.
Đau nhức xương ống quyển có thể gây khó chịu nhẹ nhưng không đáng kể và không gây gián đoạn sinh hoạt bình thường. Người bệnh có thể khắc phục tình trạng này bằng cách dành thời gian nghỉ ngơi, nâng cao chân, chườm đá hoặc sử dụng thuốc kháng viêm để giảm đau và chống sưng hiệu quả.
Tuy nhiên, đôi khi đau nhức xương ống chân có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý cần được điều trị phù hợp. Do đó, điều quan trọng là xác định nguyên nhân liên quan đến có kế hoạch điều trị phù hợp.
Đau nhức xương ống chân là bệnh gì?
Nhức xương ống chân là tình trạng xuất hiện các cơn đau bên trong xương, thường liên quan đến một số bệnh lý như:
1. Loãng xương
Loãng xương có thể làm suy yếu xương, khiến xương dễ gãy một cách đột ngột và bất ngờ. Loãng xương có nghĩa là có ít khối lượng xương, khiến xương yếu hơn bình thường. Thông thường loãng xương không gây ra bất cứ dấu hiệu nào cho đến khi xương bị gãy.
Mặc dù thường không gây ra triệu chứng, tuy nhiên đôi khi loãng xương có thể dẫn đến một số dấu hiệu như:
- Đau nhức xương khớp, thường là ở cột sống, cổ tay và xương ống chân
- Giảm chiều cao
- Thay đổi tư thế (khom người hoặc cúi về phía trước)
- Khó thở (thoát vị đĩa đệm gây chèn ép và thu hẹp dung tích phổi)
- Gãy xương
- Đau thắt lưng
Không rõ nguyên nhân chính xác dẫn đến loãng xương. Tuy nhiên quá trình lão hóa tự nhiên là nguy cơ lớn nhất khiến xương trở nên xốp và dễ gãy hơn. Ngoài ra, thiếu canxi và các khoáng chất cần thiết cũng có thể làm tăng nguy cơ loãng xương.
Để cải thiện tình trạng nhức xương ống chân liên quan đến loãng xương, người bệnh nên thường xuyên tập thể dục, bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết. Tập thể dục thường xuyên là cách tốt nhất để phòng ngừa loãng xương, giúp giữ thăng bằng, tăng cường sức đề kháng cũng như phòng ngừa nhiều bệnh viêm khớp khác.
2. Gãy xương do căng thẳng
Xương mác ở cẳng chân có thể bị gãy do lực tác động quá lớn hoặc tích tụ căng thẳng kéo dài. Những người thường xuyên bị đau xương ống chân có thể là đang bị gãy xương do căng thẳng, đặc biệt là khi người bệnh thường xuyên tham gia các hoạt động thể chất cường độ cao.
Các dấu hiệu nhận biết gãy xương do căng thẳng bao gồm:
- Đau ở khắp vùng bắp chân
- Đau thường nghiêm trọng hơn theo thời gian
- Có cảm giác cẳng chân chịu nhiều trọng lượng hơn, nặng hơn và thiếu linh hoạt khi di chuyển
- Cơn đau sẽ được cải thiện khi nghỉ ngơi những dần trở nên tồi tệ hơn khi vận động
Gãy xương mác thường xảy ra ở vị trí gần đầu gối, mặc dù chấn thương ở giữa ống chân cũng có thể xảy ra. Hầu hết các trường hợp gãy xương đều có thể được cải thiện bằng cách nắn lại và cố định xương. Tuy nhiên những trường hợp gãy xương nghiêm trọng có thể cần phải phẫu thuật điều trị.
3. Giãn tĩnh mạch chân
Giãn tĩnh mạch xảy ra khi các tĩnh mạch bị xoắn và chứa đầy máu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thường là do khuyết tật bẩm sinh, đông máu bất thường hoặc áp lực quá lớn. Người bệnh có thể bị đau xương mác nếu các tĩnh mạch gần xương bắt đầu sưng lên.
Các triệu chứng khác bao gồm:
- Phình tĩnh mạch khiến tĩnh mạch bị xoắn, sưng lên giống như sợi dây thừng có màu xanh lam hoặc tím.
- Nặng nề ở chân, dẫn đến chậm chạp, mệt mỏi, đặc biệt alf sau khi vận động thể chất.
- Ngứa xung quanh bắp chân.
- Đau xương ống chân, đặc biệt là ở phía sau đầu gối. Đôi khi người bệnh cũng có thể bị chuột rút cơ bắp.
- Da có thể bị đổi màu và lở loét trong các trường hợp nghiêm trọng.
Mặc dù có thể gây khó chịu hoặc mất thẩm mỹ, tuy nhiên suy giảm tĩnh mạch thường không nghiêm trọng và không gây nguy hiểm đến tính mạng. Hiện tại, không có biện pháp điều trị tình trạng này. Tuy nhiên người bệnh có thể thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ cải thiện các triệu chứng, chẳng hạn như:
- Nâng cao chân khi nằm
- Sử dụng vớ đàn hồi để giúp giảm khó chịu ở tĩnh mạch
- Tiêm dung dịch vào tĩnh mạch để cải thiện cơn đau ống chân
- Phẫu thuật tĩnh mạch để ngăn ngừa chứng giãn tĩnh mạch tái phát.
4. U xương dạng xương
U xương dạng xương là khối u xương lành tính thường không gây ra bất cứ triệu chứng nào, tuy nhiên đôi khi có thể gây đau nhức xương chân vào ban đêm nếu khối u phát triển đủ lớn.
Triệu chứng phổ biến nhất của u xương là đau nhức âm ỉ ở xương ống chân, cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn vào ban đêm. Cơn đau thường không liên quan đến bất cứ cử động nào và trong nhiều trường hợp, cơn đau xuất hiện mà không có bất cứ lý do rõ ràng nào.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Sưng tấy
- Đi khập khiễng
- Teo cơ
- Dị dạng chân, chẳng hạn như chân vòng kiềng
- Tăng hoặc giảm sự phát triển của xương
U xương dạng xương có thể tự biến mất mà không cần điều trị. Người bệnh có thể thay đổi chế độ ăn uống, sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn và thuốc chống viêm tại nhà để cải thiện các triệu chứng. Trong trường hợp, khối u gây khó chịu và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, người bệnh có thể lựa chọn phẫu thuật cắt bỏ u.
U xương dạng xương cũng có thể phát triển ở trẻ em, khiến trẻ bị đau xương ống chân. Các chẩn đoán và điều trị ở trẻ em cũng tương tự như ở người lớn. Tuy nhiên thuốc giảm đau cũng như chế độ ăn uống của trẻ cần được đánh giá bởi bác sĩ chuyên môn để tránh gây ảnh hưởng đến chiều cao và sức khỏe tổng thể.
5. Viêm tủy xương
Viêm tủy xương xảy ra khi vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập vào xương qua các ổ nhiễm trùng lân cận, tiếp xúc trực tiếp hoặc lây truyền qua đường máu. Viêm thường được điều trị bằng kháng sinh, tuy nhiên nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể trở thành mãn tính, gây mất lượng máu cung cấp cho xương bị ảnh hưởng và cuối cùng là dẫn đến chết các mô xương.
Các triệu chứng là dấu hiệu viêm tủy xương ở xương ống chân bao gồm:
- Đau ở xương ống chân
- Sưng tấy, đỏ và ấm ở khu vực bị ảnh hưởng
- Sốt
- Buồn nôn
- Có cảm giác khó chịu hoặc mệt mỏi nói chung
- Chảy mủ hoặc dịch vàng
Các triệu chứng liên quan khác bao gồm:
- Đổ nhiều mồ hôi
- Ớn lạnh
- Sưng mắt cá chân
- Hạn chế khả năng chuyển động của chân
- Thay đổi về dáng đi, chẳng hạn như khập khiễng hoặc bước chân ngắn và ngập ngừng
Trong hầu hết các trường hợp, nhiễm trùng có thể được loại bỏ bằng thuốc kháng sinh. Trong trường hợp nhiễm trùng phát triển thành áp xe trong xương ống chân, người bệnh sẽ cần được phẫu thuật dẫn lưu và làm sạch. Nếu tình trạng nhiễm trùng phát triển đến mức mô xương bị tổn thương nghiêm trọng, các phần xương bị nhiễm trùng có thể cần được phẫu thuật cắt bỏ.
Bị đau buốt trong xương ống chân có nguy hiểm không?
Có rất nhiều nguyên nhân và bệnh lý có thể gây đau nhức xương ống chân. Do đó, để biết tình trạng này có nguy hiểm không, người bệnh cần xác định nguyên nhân gây đau.
Hầu hết các nguyên nhân gây đau liên quan đến căng thẳng, vận động quá mức hoặc sai tư thế. Tình trạng này không nghiêm trọng và có thể được cải thiện bằng cách nghỉ ngơi đầy đủ và vận động hợp lý.
Các bệnh xương khớp, chẳng hạn như loãng xương, cũng không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên người bệnh cần có kế hoạch điều trị phù hợp để tránh gãy xương và nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác.
Nguyên nhân nhiễm trùng, như viêm tủy xương, cần được điều trị y tế phù hợp để loại bỏ vi khuẩn và nấm. Trong trường hợp cần thiết, người bệnh có thể cần phẫu thuật, tuy nhiên điều này hiếm khi cần thiết.
Trong một số trường hợp đau xương ống chân có thể làm tăng nguy cơ mất chức năng chân, gây tê liệt và tàn phế. Do đó, điều quan trọng là đến bệnh viện để được hướng dẫn phù hợp.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần đến bệnh viện ngay khi:
- Tình trạng nhức buốt xương ống chân kéo dài hơn 5 ngày
- Đau đớn kèm theo cứng khớp, căng cơ, viêm, sưng, tấy đỏ ở các khớp
- Đau đớn dữ dội, âm ỉ, kéo dài
- Gặp khó khăn khi di chuyển, đi, đứng hoặc thực hiện các hoạt động hàng ngày
- Đau đớn dữ dội hơn khi vận động
Điều trị sớm là cách tốt nhất để phục hồi chức năng chân và ngăn ngừa các rủi ro không mong muốn.
Đau nhức xương ống chân phải làm sao?
Trong trường hợp các đau xương ống chân nhẹ, người bệnh có thể tự cải thiện các triệu chứng tại nhà bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt và vận động phù hợp. Tuy nhiên nếu cơn đau nghiêm trọng, người bệnh cần đến bệnh viện để được hướng dẫn bởi bác sĩ chuyên môn.
1. Thay đổi phong cách sống
Thay đổi phong cách sống và thói quen sinh hoạt có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng đau xương ống chân. Cụ thể người bệnh cần lưu ý một số vấn đề như:
- Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi cho đến khi xương ống chân lành hẳn. Tránh làm việc hoặc vận động quá mức.
- Thực hiện các tư thế đúng khi mang vác vật nặng.
- Tiến hành xoa bóp, massage bắp chân để tăng cường lưu thông máu, giúp thư giãn cơ bắp và xương khớp.
- Tập thể dục và chơi thể thao nhẹ nhàng, chẳng hạn như đi bộ, tránh các bài tập gây áp lực lên xương cẳng chân. Ngoài ra, người bệnh cần khởi động kỹ trước khi tập luyện để phòng ngừa các rủi ro.
- Duy trì vận động, không ngồi, nằm hoặc giữ một tư thế quá lâu.
2. Thay đổi chế độ ăn uống
Ngoài việc thay đổi phong cách sinh hoạt, thực hiện một chế độ ăn uống khoa học là cách tốt nhất để cải thiện các vấn đề về xương khớp. Một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng có thể cải thiện cơn đau xương khớp, chống viêm, phòng ngừa nguy cơ thoái hóa khớp gối và giúp hệ thống xương khớp chắc khỏe hơn.
Một số loại thực phẩm được khuyến khích cho người đau xương ống chân bao gồm:
- Thực phẩm nhiều canxi chẳng hạn như khoai lang, hạt hướng dương, bông cải xanh, các loại đậu và sữa
- Thực phẩm nhiều vitamin D chẳng hạn như hải sản, cá nước ngọt và thức ăn được chế biến từ đậu nành
- Thực phẩm giàu omega 3, chẳng hạn như cá hồi, hạt lạnh, quả óc chó
3. Điều trị y tế
Điều trị đau xương ống chân phụ thuộc vào nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Tùy vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân cụ thể, bác sĩ có thể đề nghị một số biện pháp như:
- Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu là một phần quan trọng trong điều trị hầu hết các bệnh lý chỉnh hình. Các nhà vật lý trị liệu sẽ sử dụng các kỹ thuật khác nhau để tăng cường sức mạnh, phục hồi khả năng vận động và đưa bệnh nhân về mức vận động trước khi chấn thương.
- Thuốc: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là loại thuốc không kê đơn phổ biến nhất được sử dụng để cải thiện các cơn đau nhức xương ống chân.
- Tiêm Cortisone: Biện pháp này không phổ biến những có thể được thực hiện nếu cơn đau nghiêm trọng và không đáp ứng các biện pháp điều trị thông thường.
Phòng ngừa đau xương ống chân
Có một số thói quen sinh hoạt gây nhức xương ống chân có thể thay đổi để ngăn ngừa các cơn đau. Điều quan trọng là cần khởi động kỹ trước khi thực hiện các bài vận động thể chất, chẳng hạn như nhảy dây hoặc chạy bộ nhẹ nhàng tại chỗ. Sau khi tập luyện, cần phải hạ nhiệt và thả lỏng cơ thể trong 10 phút trước khi dừng hoàn toàn.
Ngoài ra, để phòng ngừa các nguy cơ dẫn đến đau xương chân, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề như:
- Ngừng hút thuốc
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ
- Đến gặp bác sĩ nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hoặc không đáp ứng các phương pháp điều trị tại nhà.
Đau xương ống chân có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân cơ học hoặc bệnh lý. Do đó, điều quan trọng là xác định nguyên nhân gây đau để có kế hoạch điều trị hợp lý nhất.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!