Đau Vai Gáy Ở Tuổi Dậy Thì
Đau vai gáy ở tuổi dậy thì cần được chăm sóc đúng cách để giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn, khuyến khích lối sống năng động và đảm bảo quá trình phát triển bình thường của trẻ. Trong hầu hết các trường hợp, đau vai gáy ở tuổi dậy thì không nghiêm trọng và có thể kiểm soát với các biện pháp chăm sóc tại nhà hoặc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Dấu hiệu nhận biết đau vai gáy ở tuổi dậy thì
Đau vai gáy là tình trạng phổ biến, có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi người, kể cả trẻ em và trẻ ở độ tuổi dậy thì. Ở tuổi dậy thì, đau vai gáy thường có một số biểu hiện như:
- Xuất hiện các cơn đau ở sau gáy, đau quanh bả vai, hạn chế các cử động ở cổ
- Trẻ thường xuyên ôm đầu cổ hoặc giữ tư thế hơi nghiêng đầu sang một bên
- Có dấu hiệu tê cứng cổ, tê bì chi trên và giảm khả năng vận động linh hoạt
Nếu trẻ bị đau vai gáy và cứng cổ, trẻ có thể gặp khó khi khi chăm cằm vào ngực. Ngoài ra, nếu trẻ gặp dấu hiệu cứng cổ và sốt kéo dài, trẻ có thể mắc bệnh viêm màng n
Nguyên nhân nào gây đau vai gáy ở tuổi dậy thì?
Thông thường, nguyên nhân gây đau vai gáy là do tư thế xấu, lạm dụng, lối sống thiếu vận động và các bệnh lý cơ xương khớp gây ra. Tuy nhiên, đối với tuổi dậy thì, tình trạng đau vai gáy có thể xảy ra do các nguyên nhân như:
- Căng cơ cổ: Ở thanh thiếu niên, tình trạng đau cổ vai gáy chủ yếu là do cơ cổ bị kéo căng (cơ bị sử dụng quá mức). Nguyên nhân phổ biến nhất gây căng cơ cổ là việc cúi đầu xuống, chẳng hạn như nhắn tin, nhìn vào điện thoại và thiết bị di động. Việc nằm trên giường đọc sách hoặc học trực tuyến qua máy tính cũng có thể gây đau vai gáy. Cổ cần được giữ ở vị trí trung lập để tránh tình trạng đau vai gáy.
- Thiếu dinh dưỡng: Tuổi dậy thì cần được bổ sung đầy đủ các dưỡng chất, chẳng hạn như canxi, vitamin D, vitamin C và vitamin nhóm B, để đảm bảo hệ xương khớp, thần kinh hoạt động khỏe mạnh. Việc thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết có thể là nguyên nhân gây đau vai gáy ở tuổi dậy thì.
- Chấn thương nhỏ: Các chấn thương này thường xảy ra do chuyển động đầu, cổ đột ngột, khiến đầu rung lắc qua lại. Tình trạng này sẽ khiến cơ cổ, dây thần kinh và dây chằng bị kéo căng. Các nguyên nhân phổ biến dẫn đến chấn thương này là tai nạn từ phía sau, chấn thương thể thao.
- Va chạm khi chơi thể thao: Tuổi dậy thì rất năng động, thường xuyên tham gia vào các môn vận động va chạm, chẳng hạn như bóng đó, bóng chuyền, quần vợt hoặc võ thuật, điều này có thể gây ảnh hưởng đến dây chằng và cơ ở khu vực cổ vai gáy, dẫn đến đau đớn, khó chịu.
- Căng thẳng, áp lực từ việc học: Ngoài các nguyên nhân cơ học, nguyên nhân tâm lý, chẳng hạn như căng thẳng quá mức từ việc học, có thể dẫn đến tổn thương thần kinh, khó ngủ, mất ngủ và gây đau vai gáy ở tuổi dậy thì. Căng thẳng sẽ gây rối loạn tuần hoàn máu lên não, dẫn đến co thắt quá mức ở vùng cổ vai gáy và gây đau đớn, khó chịu.
Hầu hết các cơn đau cổ ở tuổi dậy thì xảy ra do căng cơ, tư thế xấu hoặc thường xuyên thực hiện các chuyển động xoay đầu cổ quá nhanh. Trong trường hợp, trẻ bị đau cổ vai gáy sau tai nạn, va chạm, chấn thương, hãy đưa trẻ đến bệnh viện hoặc gọi cho cấp cứu ngay lập tức.
Đau vai gáy ở tuổi dậy thì có nguy hiểm không?
Tình trạng đau cổ vai gáy tương đối phổ biến ở tuổi dậy thì. Các cơn đau này thường ngắn hạn và đáp ứng các phương pháp tự chăm sóc, điều trị tại nhà. Hãy dành thời gian nghỉ ngơi, tập thể dục điều độ và điều chỉnh tư thế vận động để cải thiện cơn đau cũng như đảm bảo sức khỏe của hệ xương khớp.
Nếu không được điều trị phù hợp, tình trạng đau vai gáy ở tuổi dậy thì có thể dẫn đến nhiều biến chứng như:
- Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt, học tập hàng ngày
- Tăng nguy cơ thiếu máu lên não, ảnh hưởng đến khả năng tập trung, trí nhớ kém, kết quả học tập suy giảm
- Khó ngủ, mất ngủ, gây suy nhược cơ thể và ảnh hưởng đến quá trình phát triển bình thường của trẻ
Ngoài ra, trong một số trường hợp, đau vai gáy ở tuổi dậy thì có thể là dấu hiệu của các tình trạng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như:
- Hạch bạch huyết bị nhiễm trùng: Sưng hạch bạch huyết có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, gây kích ứng, co thắt cơ và đau cổ vai gáy.
- Chấn thương nghiêm trọng: Các chấn thương lớn, chẳng hạn như gãy xương hoặc tổn thương tủy sống có thể gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh trong khu vực và dẫn đến đau cổ vai gáy.
- Viêm màng não: Vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng màng bao phủ tủy sống và não. Các triệu chứng chính của tình trạng này là đau vai gáy, cứng cổ, nhức đầu, lú lẫn và sốt. Ngoài ra, trẻ cũng có thể trở nên nóng tính, dễ cáu gắt và khó dỗ dành. Nếu không được điều trị phù hợp, viêm màng não có thể gây tổn thương não.
Đau vai gáy ở tuổi dậy thì có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng. Điều quan trọng là theo dõi mức độ cơn đau, trao đổi với bác sĩ và có kế hoạch điều trị hiệu quả.
Cách khắc phục tình trạng đau vai gáy ở tuổi dậy thì
Hầu hết các cơn đau vai gáy ở tuổi dậy thì xảy ra do căng cơ, lạm dụng và tư thế xấu. Tình trạng này thường không nghiêm trọng và đáp ứng các biện pháp tự chăm sóc tại nhà. Trẻ bị đau vai gáy có thể tham khảo một số kế hoạch điều trị như:
1. Dành thời gian nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi là điều cần thiết để chữa lành các mô bị thương. Nếu không được nghỉ ngơi, thường xuyên vận động và gây áp lực lên cổ vai gáy sẽ khiến các tổn thương trở nên trầm trọng hơn. Việc lạm dụng có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm, sưng tấy, đau đớn dữ dội và dẫn đến nhiều vấn đề xương khớp khác.
Nếu có thể, hãy dành 48 giờ để nghỉ ngơi hoàn toàn, tránh các chuyển động liên tục hoặc hoạt động thể chất cường độ cao. Hạn chế gây áp lực và căng thẳng lên vùng cổ vai gáy, tránh mang ba lô, túi xách nặng để kiểm soát cơn đau.
Trẻ dậy thì cũng được khuyến khích dành nhiều thời gian để ngủ và thư giãn. Điều này sẽ giúp kiểm soát căng thẳng, ngăn ngừa nguy cơ trầm cảm, áp lực quá mức. Điều này góp phần kiểm soát cơn đau vai gáy và giúp trẻ phát triển toàn diện nhất.
Nghỉ ngơi là phương pháp điều trị đầu tiên đối với các cơn đau vai gáy, tránh tình trạng viêm nhiễm hoặc kích thích. Tuy nhiên, hãy thận trọng khi nghỉ ngơi, vì nghỉ ngơi kéo dài có thể gây cứng khớp, khó cử động cổ vai gáy.
2. Chườm nóng và chườm lạnh
Chườm đá thường được thực hiện để giảm sưng và đau liên quan đến chấn thương cấp tính. Liệu pháp lạnh cũng mang lại hiệu quả cao trong việc điều trị các chấn thương do hoạt động quá mức ở vai, chẳng hạn như thường xuyên chơi thể thao cường độ cao, vận động mạnh hoặc có dấu hiệu viêm bao hoạt dịch khớp vai.
Trong các trường hợp này, có thể chườm đá ngay sau khi vận động để giảm thiểu sự khởi phát của chứng viêm. Có thể chườm đá trong 20 phút mỗi lần và thường xuyên trong ngày. Hãy sử dụng túi gel lạnh hoặc túi nhựa đổ đầy đá để chườm, tuy nhiên không đặt đá trực tiếp lên da. Thay vào đó hãy bọc đá trong một chiếc khăn hoặc các vật liệu khác để ngăn chặn da tiếp xúc trực tiếp với đá.
Liệu pháp chườm nóng cũng được ứng dụng để điều trị các cơn đau vai kéo dài hơn 72 giờ. Nhiệt có thể làm giãn cơ, kiểm soát tình trạng cứng khớp và giảm đau hiệu quả.
Trước khi chườm nóng hoặc chườm đá điều trị đau cổ vai gáy, hãy trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn và có kế hoạch điều trị, chăm sóc sức khỏe phù hợp. Lập một kế hoạch cụ thể về thời gian và khoảng cách giữa mỗi lần chườm là điều quan trọng và cần thiết để kiểm soát cơn đau đúng cách.
3. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu đóng vai trò quan trọng trong điều trị đau vai gáy ở tuổi dậy thì. Các bài tập có thể giúp tăng cường sức mạnh, khôi phục khả năng vận động và giúp trẻ quay trở lại các mức độ hoạt động bình thường trước khi bị tổn thương. Thực hiện các bài tập kéo giãn cổ vai gáy 3 phút mỗi ngày có thể giúp làm săn chắc cơ cổ và ngăn ngừa các chấn thương phát sinh.
Một số bài tập tăng cường vai gáy như sau:
Gập cằm:
Bài tập này giúp tăng cường sức mạnh cho các cơ giữ đầu thẳng hàng với vai (cơ duỗi ngực trên), đồng thời kéo căng cơ thang và cơ dưới chẩm. Để thực hiện bài tập này, bạn nên đứng với cột sống dựa vào cửa và bàn chân đưa ra khoảng 7 – 8 cm tính từ thanh cửa.
- Giữ cột sống dựa vào thanh cửa, kéo phần lưng trên và đầu về phía sau cho đến khi chạm vào thanh cửa. Điều quan trọng là phải đảm bảo cặm hạ xuống để đầu được kéo thẳng ra sau và không ngước lên được (tương tự như động tác làm nọng cằm).
- Giữ yên trong 5 giây.
- Lặp lại động tác 10 lần.
Bài tập đốt sống lưng:
Bài tập này được thực hiện khi đứng dựa lưng vào một bức tường phẳng, lớn và bàn chân đặt cách tường 7 – 8 cm.
- Đứng dựa lưng vào tường với cằm hạ xuống
- Cố gắng ép lưng vào tường khi thực hiện bài tập
- Đặt khuỷu tay, cẳng tay, mu bàn tay và các ngón tay lên tường sao cho cổ tay cao bằng vai
- Giữ cho cánh tay, bàn tay, đầu và các ngón tay chạm vào tường, từ từ trượt hai cánh tay lên đầu rồi hạ xuống
- Lặp lại động tác 10 lần mỗi đột, 3 – 5 đợt mỗi ngày
Tư thế rắn hổ mang nằm sấp:
Rắn hổ mang là một bài tập nâng cao giúp điều trị đau vai gáy ở tuổi dậy thì. Bài tập được thực hiện với tư thế nằm úp mặt xuống sàn và sử dụng trọng lực làm cản trong quá trình tăng cường sức mạnh.
- Nằm úp mặt xuống, đặt trán lên một chiếc khăn cuộn lại để tạo sự thoải mái
- Đặt cánh tay ở bên cạnh, lòng bàn tay úp xuống sàn
- Đặt lưỡi lên vòm miệng (điều này giúp ổn định các cơ ở phía trước cổ và tăng cường sức mạnh)
- Chụm hai xương bả vai lại với nhau và nhấc hai tay lên khỏi sàn
- Cuộn khuỷu tay vào trong, lòng bàn tay hướng ra ngoài và ngón tay cái hướng lên
- Nhẹ nhàng nâng trán lên khỏi thảm tập khoảng 1 inch, mắt nhìn xuống sàn (không ngửa đầu về phía sau và nhìn về phía trước)
- Giữ yên tư thế trong 10 giây, thả lỏng, quay về vị trí ban đầu
- Thực hiện động tác 10 lần
Trẻ dậy thì bị đau vai gáy cần tránh bất cứ bài tập nào có thể gây đau đớn, khó chịu hoặc quá khó khăn để thực hiện. Nên tránh các môn thể thao va chạm, có nguy cơ chấn thương cho đến khi cổ vai gáy hoạt động lại bình thường.
4. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn
Có một số loại thuốc được sử dụng để kiểm soát cơn đau vai gáy ở tuổi dậy thì, chẳng hạn như:
- Miếng dán giảm đau: Các miếng dán như Salonpas, có thành phần chính là Menthol và Methyl, hoạt động bằng cách làm mát và cải thiện cơn đau nhanh chóng và hiệu quả gần như ngay lập tức.
- Paracetamol: Đây là loại thuốc giảm đau phổ biến, thường được sử dụng đầu tiên để kiểm soát cơn đau cổ vai gáy. Thuốc phù hợp cho trẻ em ở độ tuổi dậy thì, tuy nhiên hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, cũng như không lạm dụng hoặc sử dụng thuốc quá liều.
Một số loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) chẳng hạn như Voltaren, có thể được sử dụng để kiểm soát cơn đau do viêm khớp, viêm bao hoạt dịch, viêm gân, viêm quanh khớp vai. Điều quan trọng khi sử dụng thuốc là hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc người có chuyển môn để được hướng dẫn cụ thể.
5. Chế độ dinh dưỡng phù hợp
Đối với trẻ dậy thì bị đau vai gáy kéo dài, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, việc thay đổi chế độ ăn uống, tiêu thụ nhiều rau quả và trái cây có thể giúp kiểm soát các triệu chứng nhanh chóng, hiệu quả. Dinh dưỡng tốt cũng đặc biệt quan trọng đối với thời thiếu niên, giúp trẻ phát triển nhanh chóng và toàn diện nhất.
Chế độ ăn uống kiểm soát cơn đau vai gáy và hỗ trợ quá trình phát triển của tuổi dậy thì cần đầy đủ các dưỡng chất như:
- Sắt: Sắt cần thiết để giúp cơ thể phát triển, tăng năng lượng, sự tập trung, hệ thống miễn dịch và điều hòa nhiệt độ cơ thể.
- Chất đạm: Đạm cần thiết cho sự tăng trưởng, xây dựng và sửa chữa các tế bào, mô, hỗ trợ nâng cao sức khỏe da, cơ, xương, tóc và móng tay.
- Canxi: Canxi cần thiết để xây dựng, duy trì xương, răng chắc khỏe. Canxi cũng cần thiết cho sức khỏe não bộ, tăng cường khả năng vận động cơ bắp và ổn định sức khỏe tim mạch.
- Vitamin D: Vitamin D cần thiết để giữ cho xương, răng khỏe mạnh, hỗ trợ bảo vệ cơ thể và chống lại một số bệnh tật.
- Kali: Kali cần thiết để giảm huyết áp, điều chỉnh các chất lỏng và kiểm soát hoạt động điện của tim và các cơ khác.
- Chất xơ: Chất xơ giúp trẻ cảm thấy no và cần thiết cho đường ruột khỏe mạnh. Ngoài ra, bổ sung chất xơ đầy đủ có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, bao gồm đau vai gáy kéo dài.
Trẻ trong độ tuổi dậy thì nên có chế độ ăn uống đa dạng thực phẩm, cân bằng và giàu chất dinh dưỡng. Nếu có thể, hãy thay thế đường, muối, chất béo không lành mạnh bằng trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm protein ít béo và các lựa chọn sữa không béo hoặc ít béo.
Theo khuyến cáo, trẻ trong độ tuổi dậy thì nên tiêu thụ các nhóm thực phẩm sau:
- Protein chẳng hạn như thịt gia cầm, hải sản, trứng, đậu, đậu nành, các loại hạt và quả hạch
- Carbs chằng hạn như bánh mì ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, gạo nguyên cám, rau xanh
- Chất béo lành mạnh chẳng hạn như bơ, ô liu, quả hạch, trứng, các loại hạt, cá béo và sữa chua
Ngoài ra, trẻ cũng được khuyến cáo nên tránh các loại thực phẩm như:
- Thức ăn nhanh
- Thực phẩm chế biến sẵn
- Thực phẩm nhiều đường
- Thực phẩm chứa chất béo không lành mạnh
- Thực phẩm quá béo
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hầu hết các trường hợp đau vai gáy ở tuổi dậy thì không nghiêm trọng và đáp ứng các biện pháp điều trị tại nhà hoặc sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn. Tuy nhiên, đôi khi cơn đau vai gáy có thể trở nên nghiêm trọng và cần điều trị y tế phù hợp để tránh các rủi ro phát sinh.
Đến bệnh viện khi có các triệu chứng như:
- Đau đớn không xác định được nguyên nhân và kéo dài hơn 3 – 4 ngày
- Cơn đau biến mất trong thời gian ngắn nhưng tái phát ngay sau đó
- Khó chịu hoặc khó thực hiện các hoạt động hàng ngày
Gọi cho cấp cứu ngay khi:
- Cơn đau dữ dội, kéo dài hơn hai giờ và không đáp ứng thuốc giảm đau
- Tê nhức hoặc sưng ở cánh tay, lưng
- Sốt cao trên 38 độ C
- Chảy nước dãi hoặc khó nuốt
- Mệt mỏi quá mức
Đau vai gáy ở tuổi dậy thì cần được điều trị và chăm sóc đúng cách, kịp thời để đảm bảo quá trình sinh hoạt, phát triển toàn diện của trẻ. Nếu cơn đau kéo dài, trở nên nghiêm trọng, hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp nhất.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!